NHƯ LÝ TÁC Ý
Như lý tác ý (Yoniso manasikàra) hay còn gọi là như lý khởi tư duy là một thuật
ngữ Phật học dùng để nói về cách nhìn sự vật hay hiện tượng một cách đúng đắn
theo quan niệm của đạo Phật. Nó là một trạng thái của tâm thức dấy khởi do
duyên sự tiếp xúc giữa các căn và các trần (các giác quan và các đối tượng
tương ứng) đưa đến sự hiện hành của dòng tư duy hay chuỗi tư tưởng.
Theo quan niệm của đạo Phật thì do sự xúc chạm giữa các giác quan và các
đối tượng tương ứng mà ý thức bắt đầu sanh khởi và hoạt động gọi là tác ý hay
còn gọi là tâm sinh. Thông thường, tác ý hay tâm sinh hiện khởi theo hai khuynh
hướng, hoặc thiện hoặc bất thiện, tùy thuộc vào thói quen, tập khí hay nghiệp
thức riêng biệt của mỗi người. Nếu một người chưa có nhân duyên học tập và hiểu
sâu giáo pháp của Phật hoặc có tập khí nặng về tham, sân, si thì ý thức sanh khởi
theo chiều hướng đưa đến tà kiến hoặc tác ý theo một cách khiến các bất thiện
pháp phát sinh và tăng trưởng. Kinh Phật gọi đó là phi như lý tác ý (ayoniso manasikàra) hay tâm đặt
sai hướng.
Trái lại, một người có học tập và hành sâu về giáo pháp của Phật hoặc
tâm thức không nặng về tham, sân, si thì ý thức sinh khởi theo hướng đưa đến
chính kiến hoặc tác ý theo một cách khiến các thiện pháp sinh khởi và tăng trưởng.
Đây được gọi là như lý tác ý (yoniso manasikàra) hay tâm đặt đúng hướng, nghĩa là việc tác ý
hay tâm sinh đúng pháp, đúng tinh thần lời Phật dạy, có khả năng dứt trừ các lậu
hoặc đưa đến đoạn tận mọi khổ đau. Chính do có sự khác biệt trong cách tác ý
hay tâm sinh như vậy nên đạo Phật chủ trương thực tập như lý tác ý hay đặt tâm
đúng hướng.
Thế nào là như lý tác ý hay tâm đặt đúng hướng? Đó là khởi nghĩ về mọi sự
vật và hiện tượng đúng như bản chất của chúng, nghĩa là duyên sinh, vô thường,
khổ, vô ngã.
Mọi sự vật và hiện tượng đều do duyên mà có mặt, luôn luôn biến đổi, thuộc
bản chất khổ đau, không ai làm chủ được. Khởi nghĩ và nhìn sự vật hay hiện tượng
theo cách như vậy thì gọi là yoniso mansikàra. Đây là cách tác ý hay khởi tâm
đúng đắn theo quan niệm của đạo Phật, dẫn đến sự vận hành của chánh tư duy hay
dòng tư tưởng đúng đắn và hiền thiện, tức là dòng tư duy liên hệ đến ly dục, vô
sân và bất hại gọi là ly dục tư duy, vô sân tư duy, bất hại tư duy. Ly dục tư
duy nghĩa là dòng tư duy hay chuỗi tư tưởng trong sáng, không bị kích động và
chi phối bởi tham dục hay lòng ham muốn vị kỷ. Vô sân tư duy là dòng tư duy hay
chuỗi tư tưởng không bị ám ảnh và chi phối bởi cảm giác bất mãn hay tâm giận dữ
bực phiền. Bất hại tư duy là dòng tư duy hay chuỗi tư tưởng chân chính, trong
sáng, không rơi vào tà kiến mê lầm, không đưa đến hại mình và hại người. Nói
cách khác, đó là dòng tư duy hay chuỗi các tư tưởng không bị tham, sân, si ám ảnh
và chi phối, nhờ như lý tác ý hay thực tập suy tư đúng đắn về các pháp, nhìn
các pháp đúng như bản chất của chúng, tức là duyên sinh, vô thường, khổ, vô
ngã.
Thông thường, có hai phản ứng tâm thức xảy ra do duyên xúc chạm giữa các
căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và các đối tượng tương ứng (sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp): hoặc hân hoan thích thú, hoặc giận dữ bực phiền. Đạo Phật
gọi các phản ứng như vậy là thuận ứng và nghịch ứng, phát sinh do si mê, xem
chúng là các nhân tố trói buộc dẫn đến khổ đau. Loại phản ứng thứ nhất liên hệ
đến tham và nuôi lớn tâm tham dục. Loại thứ hai liên hệ đến sân và trưởng dưỡng
tâm sân hận.
Ví dụ, khi mắt thấy sắc pháp hoặc khả ái hoặc không khả ái, nếu một người
bình thường, chưa có dịp học tập và hành trì lời Phật dạy thì hoặc sinh tâm
thích thú đối với sắc khả ái, hoặc sinh tâm bực phiền đối với sắc không khả ái.
Vì sao lại có các phản ứng như vậy? Vì người ấy không như lý tác ý, không tập
nhìn sắc pháp ấy là vô thường, khổ, vô ngã; do đó tâm vị ấy hoặc bị tham chi phối
hoặc bị sân chi phối khiến cho vị ấy có những suy nghĩ hay hành động sai lầm
đưa đến hại mình và hại người.
Trái lại, nếu một người có hành trì lời Phật dạy, quen thuộc với cách
nhìn sự vật và hiện tượng đúng như cách thức mà bậc Đạo sư đã chỉ bày, nghĩa là
nhận diện các pháp là vô thường, khổ, vô ngã, thì dù có thấy sắc pháp nào hoặc
khả ái hoặc không khả ái, tâm tư vị ấy cũng không dao động, không có thuận ứng
hay nghịch ứng, không rơi vào tham ái đối với sắc khả ái, không sinh khởi bực
phiền đối với sắc không khả ái, không có những suy nghĩ hay hành động sai lầm
đưa đến hại mình và hại người. Kinh Phật gọi nếp sống như vậy là không thiên vị,
không tham ái, không chấp trước, đưa đến tự do, giải thoát:
“Này Thiên chủ, nếu Tỳ-kheo được nghe như sau: ‘Thật không xứng đáng, nếu
có thiên vị đối với tất cả pháp’, vị ấy biết rõ tất cả pháp. Sau khi biết rõ tất
cả pháp, vị ấy biết một cách rốt ráo tất cả pháp. Do biết một cách rốt ráo tất
cả pháp, nếu có một cảm thọ nào, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy
sống quán tính vô thường, sống quán tính ly tham, sống quán tính đoạn diệt, sống
quán tính xả ly trong các cảm thọ ấy. Vị ấy nhờ sống quán tính vô thường, sống
quán tính ly tham, sống quán tính đoạn diệt, sống quán tính xả ly trong các cảm
thọ ấy, nên không chấp trước một vật gì ở đời; do không chấp trước nên không
phiền não, do không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết bàn. Vị ấy tuệ tri: ‘Sanh
đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời
này nữa.’
Như vậy, nhờ như lý tác ý hay quán sát đúng đắn đối với mọi hiện tượng
tâm lý và vật lý mà tâm tư con người dần dần trở nên trong sáng và hiền thiện,
trở nên tỉnh táo và sáng suốt, không rơi vào các cực đoan, không còn bóng dáng
của các cấu uế bất thiện như dục, sân, hại hay tham, sân, si. Nói cách khác, nhờ
thực tập cách nhìn các pháp đúng như lời Phật dạy, tức nhận rõ hết thảy các
pháp đều do duyên mà có mặt, luôn luôn biến đổi, thuộc bản chất khổ đau, không
ai làm chủ được, mà tâm tư trở nên định tĩnh, quân bình, không dao động, không
thiên vị, không ái luyến, không chấp trước, đạt đến thanh thản, tự do và giải
thoát.
Về cách thức thực tập, bản kinh Sabbàsava Trung Bộ nhấn mạnh đến việc phải
thường xuyên thân cận gần gũi các bậc Thánh hay các bậc chân nhân để được hướng
dẫn học tập Phật pháp cho thật thuần thục. Nhờ thường xuyên học tập Phật pháp
hay những lời khuyên dạy của bậc Giác ngộ mà vị Thánh đệ tử biết rõ những gì cần
tác ý và những gì không nên tác ý. Vị ấy theo đúng tinh thần lời Phật dạy,
không để tâm thức của mình duyên theo các vọng tưởng liên hệ đến tự ngã hoặc
thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại khiến rơi vào tà kiến hay ngã chấp.
Thay vào đó, vị ấy tập trung tác ý về thực tại khổ đau của mọi hiện hữu,
xem xét nguyên nhân của khổ đau, lý do đoạn diệt và con đường đưa đến sự đoạn
diệt khổ đau. Nhờ hành trì đúng pháp, nghĩa là khéo tác ý về khổ, khổ tập, khổ
diệt và con đường đưa đến khổ diệt mà vị Thánh đệ tử diệt trừ được các kiết sử
như thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tức là các trói buộc phát sinh do chấp ngã,
do nghi ngờ và do chấp trước các pháp tu sai lầm. Bản kinh ghi rõ:
“Này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh,
thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc
chân nhân, thuần thục pháp các bậc chân nhân, tu tập pháp các bậc chân nhân, tuệ
tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý.
Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không
cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp
cần phải tác ý. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và
vị này không tác ý? Này các Tỳ-kheo, những pháp nào do tác ý mà dục lậu chưa
sanh được sinh khởi, hay dục lậu đã sinh được tăng trưởng; hay hữu lậu… Hay vô
minh lậu chưa sinh được khởi, hay vô minh lậu đã sinh được tăng trưởng. Đó là
những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là
các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do tác
ý mà dục lậu chưa sinh không sinh khởi, hay dục lậu đã sinh được trừ diệt, hay
hữu lậu… Hay vô minh lậu chưa sinh không sinh khởi, hay vô minh lậu đã sinh được
trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý
các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc
chưa sinh không sinh khởi và các lậu hoặc đã sinh được trừ diệt. Vị ấy như lý
tác ý: ‘Đây là khổ,’ như lý tác ý: ‘Đây là khổ tập,’ như lý tác ý: ‘Đây là khổ
diệt,’ như lý tác ý: ‘Đây là con đường đưa đến khổ diệt.’Nhờ vị ấy tác ý như vậy,
ba kiết sử được trừ diệt: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ”
Nhìn chung, như lý tác ý là một pháp môn tu tập liên hệ đến sự tiến triển
tâm thức; thứ nhất, khiến cho tâm tránh rơi vào vọng tưởng dẫn đến tà kiến, chỉ
chuyên chú vào thực tại khổ đau của ngũ uẩn để xem xét, tu tập, từng bước đi ra
khỏi khổ đau; thứ hai, khiến cho tâm thức sinh khởi và vận hành theo chiều hướng
đúng đắn, nghĩa là khởi nghĩ và nhận rõ các pháp là duyên sinh, vô thường, khổ,
vô ngã, dẫn đến rời bỏ tham ái, chấp thủ, thực nghiệm tâm giải thoát. Vì vậy,
việc thường xuyên thực tập phương pháp như lý tác ý thì tâm thức sẽ dần dần trở
nên chuyên nhất, định tĩnh, hết vọng động, hết tán loạn, trở nên tỉnh giác,
sáng suốt, sắc bén, thấy rõ sự thật duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của hết
thảy hiện hữu, dẫn đến tâm giải thoát theo đúng trình tự “nhàm chán, ly tham,
đoạn diệt, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn” như được mô tả trong các bản kinh thuộc
văn tạng Pàli.
Chú thích:
Kinh Nên hành trì, không nên hành trì, Trung Bộ.
Kinh Song tầm, Trung Bộ.
Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
Kinh Tâm đặt sai hướng, Tăng Chi Bộ.
Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
Kinh Tâm đặt sai hướng, Tăng Chi Bộ.
Tiểu kinh Đoạn tận ái, Trung Bộ.
Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.