Saturday, October 31, 2015

Sự Chuyển Hóa Oai Nghi và Phong Cách Cư Xử

Đức Phật dạy rằng quán tưởng thứ ba sẽ phải được thực hiện bởi các Tỷ-kheo như sau:
Là Tỷ-kheo, tôi phải có oai nghi và cách cư xử phù hợp với một bậc xuất gia”. Các Tỷ-kheo phải luôn quán tưởng như thế.

Bất cứ ai đã trở thành Tỷ-kheo thì phải luôn cư xử đúng đắn phù hợp, nó được nói trong chú giải Tăng Chi Bộ Kinh, q3, tr313. Nói chung, cách đi đứng của vị Tỷ-kheohoàn toàn khác với người thế tục. Thông thường, trong phong cách thoải mái của người thế gian, ngay cả bước chân đôi khi cũng có vẻ nghênh ngang và ngã mạn. Họ còn mang nhiều kiểu tóc đa dạng được nhuộm bằng nhiều màu, trang điểm với đồ trang sức. Từ khi trở thành một bậc xuất gia, vị ấy phải luôn giữ gìn oai nghi nghiêm túc.

Vậy phải đi, đứng như thế nào mới đúng cách?
Một người Tỷ-kheo phải biết oai nghi đi đứng với lục căn thanh tịnh, tâm an lành, mắt nhìn ra phía trước chỉ vài sải chân, bước đều đặn, không quá chậm, cũng không quá nhanh, giống như “chiếc xe bò chở nước đi trên con đường gập ghềnh” nói trong chú giải của Tăng Chi Kinh, q3, tr313
Một Tỷ-kheo, khi đi lại, phải giữ gìn lục căn an tịnh và thăng bằng. Tâm phải luôn giữở trạng thái an tịnh bằng cách thực hành thiền Chỉ hoặc thiền Quán như là một trong những thói quen. Làm thế sẽ khiến cho tâm vị ấy luôn an tịnh. Lục căn vị ấy cũng trở nên an tĩnh.

Một chiếc xe bò chở nước đi trên con đường gập ghềnh không nên đi quá nhanh để tránh nước bên trong đổ ra ngoài. Tương tự vậy, một Tỷ-kheo phải sải những bướcchân đều đặn.
Lợi ích
Evaṃ Paccavekkhato Hi Iriyāpatho sāruppo Hoti.”
Chú giải Tăng Chi bộ kinh, q3, tr313.
Lời dịch: Bằng cách thực hành đúng đắn giới hạnh này, lục căn của vị Tỷ-kheo sẽ trở nên thanh thản và an bình.
Tisso Sikkhā Paripūrenti.

Chú giải Tăng Chi bộ kinh, q3, tr313.
Lời dịch: Làm như thế sẽ giúp cho sự thực hành tam học Giới, Định, Tuệ. Tại sao vậy?
Lý do thật rõ ràng.

Một vị Tỷ-kheo nỗ lực thực hành tâm linh sẽ không bao giờ có hành động cẩu thả, bất cẩn. Không giống như người khác, vị ấy liên tục giữ chánh niệm tỉnh giác trong mọi hoạt động của vị ấy. Mỗi một bước chân đều là thời khắc thực hành thiền Chỉ hoặc thiền Quán tùy theo sự chọn lựa của vị ấy. Do vậy, mỗi giây phút thực hành của vị ấy sẽ bằng với thời gian thực hiện tam học Giới, Định, Tuệ.

Câu chuyện về Đại đức Mahā Tissa, một hành giả tinh tấn
Đây là một ví dụ đáng lưu ý về Đại đức Mahā Tisssa người đã sống trên một ngọn núi tên là Cetiya. Vào một ngày nọ, trong khi đang trên đường đi bát, vị ấy nghe tiếng cườirúc rích của một người phụ nữ. Vị ấy liền lấy răng của cô ta làm đề mục thiền bộxương (aṭṭhi kamaṭṭhāna) và tiếp tục đi bát trên con đường dẫn vào thành phố cổ Anurudhā của Sri Lanka. Oai nghi của vị ấy rất an tịnh vì tâm vị ấy bám vào đề mục thiền bộ xương. Và lần nữa, ở trong thành phố, vị ấy lại nghe tiếng cười lớn của mộtngười phụ nữ. Lấy răng cô ta làm đối tượng thiền, vị ấy tiếp tục hành thiền. Tức thì ngay lúc đó, toàn bộ hình dáng của người phụ nữ biến thành bộ xương dưới mắt nhìn của vị Tỳ-kheo.

Tại sao vị ấy lại thực hành thành công đề mục thiền bộ xương?
Bởi, vào lúc nghe tiếng cười của người phụ nữ đó, vị ấy có thể ngay tức khắc lấy lại định tâm hành thiền bộ xương bằng cách lấy răng của cô ta để làm đề mục thiền. Hơn nữa, vị ấy tiến hành thực hành đề mục bộ xương cả bên trong (trong chính bản thân vị ấy) lẫn bên ngoài (hình dáng người phụ nữ ấy). Dựa vào sự hành thiền này, vị Tỷ-kheo đã thành tựu một mức định tâm vững chắc của sơ thiền.

Dựa vào sơ thiền, vị ấy thực hành thiền minh sát bằng cách quán xét tam tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã của Danh Sắc cùng với nhân và quả Danh Sắc. Vì những lý do này, vị Thánh Tăng đã tích cực theo đuổi việc thực hành thiền định, đã có thể tập trung vào khía cạnh bất tịnh của bộ xương và thành tựu quả vị A-la-hán bằng cách tiếp tục thực hành thiền Minh sát dựa trên nền tảng sơ thiền.

Vì thế, trong mỗi bước chân, vị ấy liên tục thực hành Tam học Giới (sīla), Định (samādhi), Tuệ (paññā). Ở đây, người ta có thể cho rằng vị ấy đã chứng đắc Đạo Quả chỉ trong nháy mắt. Nhưng sự thực, vị Đại đức Tỷ-kheo này đã thực hành thiền Vipassanā suốt cả đời nhưng chưa đắc được Đạo - Quả và Niết-bàn. Vị ấy phải đợi đến khi Tuệ minh sát chín muồi sẵn sàng cho việc chứng đắc Niết-bàn. Khi Tuệ minh sát đã hoàn toàn chín mùi, giây phút mà vị ấy hành thiền minh sát bằng cách quán xét tam tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã của tất cả các pháp hữu vi của thân và tâm, vị ấy có thể dễ dàng chứng đắc Đạo (Magga), Quả (Phala) và Niết-bàn (Nibbāna).

Tại sao vậy? Bởi, vị ấy thực hành thiền Vipassanā bằng cách tập trung quán sát Tam tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã của các hành mà nó được hiểu như Khổ đế và Tập đếtừ rất lâu. Để có thể bổ sung cho việc thực hành Tam vô lậu Học, Đức Phật đã dạy phải Quán tưởng về sự thay đổi tướng mạo và oai nghi của vị Tỷ-kheo.


Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayādaw
Trung Tâm Thiền Pa-Auk Tawya, Mawlamyine.
Phật lịch 2547
Myanmar, Năm 1365, Rằm Tháng Taw-da-lin
Ngày 10/9/2003

Friday, October 30, 2015

Tỷ-kheo Ayyamitta và Gia Đình Tâm Đại Lượng Bố Thí

Có một gia đình gồm người mẹ và cô con gái sống trong một làng gần nơi Đại đức Ayyamitta thường hay đi bát. Mặc dù rất nghèo, nhưng họ luôn cố gắng bằng mọi cách cúng dường những vật dụng cần thiết mỗi ngày cho vị Tỷ-kheo đáng kính như thể ngài là một thành viên trong gia đình, như một người con trai. Một ngày nọ, trước khi ra đồng, người mẹ bảo cô con gái: “Này con, trong nhà còn một ít gạo từ mùa gặt trước, một ít sữa trong bếp, và một ít đường thô và bơ. Con hãy lấy mấy thức đó nấu thành món ăn để cúng dường cho người anh Tỳ-kheo của con. Phần còn lại thì con ăn sau nhé.

Cô con gái hỏi: “Thưa mẹ, còn mẹ sẽ ăn gì? Con sẽ chuẩn bị gì cho mẹ?”. Người mẹ đáp: “Mẹ vừa ăn xong miếng cơm nguội với nước tương”. Cô con gái hỏi tiếp: “Còn buổi trưa mẹ sẽ ăn gì?”. Người mẹ đáp lại: “Buổi trưa, con lấy ít gạo nát và rau nấumón cháo chua cho mẹ nhé.

Đại đức Ayyamitta, khi ấy đang chuẩn bị vào làng đi bát như thường lệ, nghe được cuộc nói chuyện của hai mẹ con bằng thiên nhĩ thông (dibba – sota). Đây là thần thông có năng lực nghe được tiếng nói từ khoảng cách xa.

Khi nghe câu chuyện trên, suy tư chân chánh của Đại đức khởi lên: “Người mẹ rộng lượng này vừa dùng bữa sáng đạm bạc của mình bằng cơm thừa với nước tương. Bây giờ, bà nói rằng bà sẽ dùng cháo chua trộn rau cho bữa trưa của mình. Còn ta, thì bà lại bảo cô con gái cúng dường món ngon nhất được nấu bằng đường, sữa và bơ.

Thực ra, bà ấy không hề mong đợi một sự đền đáp nào từ nơi ta như là mảnh đất trồng trọt, vật thực hay y phục. Bà chỉ mong ước từ phước thiện này sẽ có được ba quả là tái sanh làm người, trời hoặc chứng đắc Niết-bàn. Ta có thể cho bà ấy ba thứ này để đền đáp lại được không? Vì ta vẫn chưa hoàn toàn tận diệt tham (rāga), sân (dosa), si (moha), thật chưa chưa xứng đáng cho ta nhận phần để bát của gia đình đại lượng này”.

Nghĩ vậy, Đại đức liền đặt bát của mình trở vào bao và quay về hang. Sau khi cất bát dưới gầm giường và máng y lên, Đại đức ngồi xuống quyết tâm sắt đá hành thiền tinh tấn nỗ lực và quyết sẽ không rời khỏi hang nếu chưa đắc quả A-la-hán, giai đoạn cuối cùng của sự giác ngộ giải thoát.

Quyết định của vị ấy thật tốt đẹp biết bao nhiêu. Với một người như Đại đức Ayyamitta người đã từng hành trì miên mật nhiều năm, nên việc đắc quả A-la-hán là điều tất yếu. Ngay trước giờ ăn trưa, ngay trong thời ngồi đó ngài đã đắc quả vị A-la-hán. Với ánh hào quang của sự an tịnh và trong sạch, vị ấy ngồi trong hang tinh khiết như một đóa hoa sen mới nở.

Nhìn thấy sự kỳ diệu này, một vị thiên ở gần đó đã thốt lời khen ngợi và chúc tụng đến Đại đức: “Hỡi người anh hùng, tôi xin đảnh lễ ngài! Hỡi vị thánh, tôi xin đảnh lễ ngài! Vị Đại đức đã giải thoát khỏi mọi khổ đau! Tất cả lậu hoặc bị cạn khô, Ngài đã trở thành một bậc thánh đáng cung kính và đáng cúng dường”.

Sau những lời tán thán này, vị thiên thúc giục:
Do phước báu đặt bát với thiện tâm rộng lượng cúng dường cho một bậc đã giác ngộ như ngài, người phụ nữ lớn tuổi kia sẽ sớm thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra). Xin ngài hãy tiếp tục vào làng đi bát.
Rồi, Đại đức Ayyamitta mang bát vào làng.

Câu chuyện này cho ta thấy rằng nhờ việc quán tưởng đời sống của vị tăng lệ thuộc vào thí chủ sẽ có sự khởi sinh ý thức trách nhiệm trân trọng và đền ơn thí chủ bằng cách nỗ lực tinh tấn hành trì. Hơn nữa, như là kết quả của việc tuân thủ sự quán tưởng này, sẽ không có việc sử dụng tứ vật dụng hời hợt và thiếu quán xét như lời Đức Phật đã dạy.

Bằng cách tuân thủ sự quán tưởng này, nó chẳng những giúp cho vị Tỷ-kheo giữ Giớinuôi mạng thanh tịnh (Ājīva pārisuddhi sīla) trong sạch mà còn giúp giữ Giới quán tưởng tứ vật dụng (Paccayasannissita Sīla) trong sạch. Giới quán tưởng tứ vật dụng (Paccayasannissita Sīla) là giới liên quan đến việc thọ dụng tứ vật dụng. Kính trọng việc đặt bát bằng sự cam kết hành trì sẽ dẫn dắt vị ấy chứng quả A-la-hán. Thực vậy, sự quán tưởng thứ hai cần được tuân thủ bởi người xuất gia.


Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayādaw
Trung Tâm Thiền Pa-Auk Tawya, Mawlamyine.
Phật lịch 2547
Myanmar, Năm 1365, Rằm Tháng Taw-da-lin
Ngày 10/9/2003

Thursday, October 29, 2015

Câu Chuyện về Đại Đức Ayyamitta

Ở điểm này, tôi sẽ kể về vị Tỷ-kheo nổi tiếng tên là Ayyamitta. Câu chuyện xảy ra ở một đảo thời cận đại của nước Sri Lanka. Vị đại đức Tỷ-kheo sống trong hang núi gọi là Kassaka đang miệt mài chuyên tâm hành thiền tại một khu rừng để đi đến Đạo và Quả. Hành động mẫu mực về sự trân trọng và tri ân của ngài đối với việc cúng dường thường được nhắc đến trong các Chú giải Kinh điển Pāli.

Chú giải mô tả ngắn gọn một vị Tỳ-kheo nên quán tưởng theo cách sau:
Các thí chủ cúng dường vật thực và tứ vật dụng này không phải là thân quyến của ta,cũng không phải là đày tớ cho ta, họ cúng dường vật thực ngon và tứ vật dụng cho takhông phải để mong cầu được sống dựa vào ta”

Đức Phật không cho phép nhận tứ vật dụng cho mục đích lợi dưỡng thân xác này, ngoại trừ mục đích duy trì thân mạng”.


Thực ra, Đức Phật chỉ cho phép nhận tứ vật dụng và hy vọng rằng nhờ sự thọ dụngnày, ta sẽ có thể tiến hành thiền Định và thiền Quán để có thể giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra).

Vì dễ duôi, ta sẽ có những hành động như thiếu trân trọng việc đặt bát cúng dường của thí chủ.
Suy tư về những thí chủ mang vật thực và tứ vật dụng đến cúng dường chư tăng, phục vụ nhu cầu cần thiết hằng ngày. Các thí chủ rộng lượng này chẳng phải là quyến thuộc hay đày tớ, mà cũng chẳng phải sinh kế của họ lệ thuộc vào chư tăng.


Đôi khi có cả những người bố thí cúng dường với tâm hào phóng thật đặc biệt từ sự nhịn ăn, nhịn mặc của mình.

Nhờ vào tâm đại lượng, họ mang món ngon nhất, mang cái mặc tốt nhất, đem cái để ở và thuốc men tốt nhất, tất cả để mà cúng dường. Những thí chủ này chỉ có một mong muốn duy nhất trong tâm là: ước nguyện chân thành là tích lũy thật nhiều phước báu từ việc hành thiện này! Đây chính là mục đích duy nhất của thí chủ và không có gì khác ngoài điều này.

Đức Phật cho phép các vị Tỷ-kheo nhận các tứ vật dụng không phải để bồi dưỡng cho mập mạnh, không phải để các Tỷ-kheo sống trên sự xa hoa. Ngài cho phép nhận tứ vật dụng để đáp ứng các nhu cầu cơ bản hằng ngày của một vị Tỷ-kheo để họ có thể chuyên tâm thực hành thiền Định hoặc thiền Tuệ để giải thoát khỏi vòng khổ đau bất tận của luân hồi (saṃsāra).

Người dễ duôi, lười biếng không nỗ lực thực hành tâm linh là vô tình đối với việc làm phước thiện của thí chủ. Chỉ có sự thực hành chuyên tâm mới là sự tôn trọng thí chủ và thể hiện lòng trân trọng việc đặt bát của thí chủ.

Thái độ tôn trọng và lòng biết ơn chỉ có thể có được nơi tâm của hành giả biết dốc sứcthực hành ngày đêm. Đức Phật dạy cho chúng ta cách quán tưởng này để thái độ tôn trọng và lòng biết ơn phát triển và theo cách đó sẽ cho sức đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển tâm linh.



Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayādaw
Trung Tâm Thiền Pa-Auk Tawya, Mawlamyine.
Phật lịch 2547
Myanmar, Năm 1365, Rằm Tháng Taw-da-lin
Ngày 10/9/2003

Wednesday, October 28, 2015

Đời Sống Tu Hành Lệ Thuộc Vào Thí Chủ

Đức Phật dạy “Đời sống của ta lệ thuộc vào sự cúng dường của thí chủ”, vì vậy, Tỷ-kheo phải thường xuyên quán tưởng điều này.
Vì thế, điều thứ hai là quán tưởng về sự nuôi mạng lệ thuộc vào thí chủ. Tại sao phải quán tưởng như vậy?

Quán tưởng như vậy, sẽ giữ cho sự nuôi mạng của vị Tỷ-kheo được trong sạch và sẽ tăng trưởng ý thức trân trọng việc cúng dường vật thực hàng ngày của thí chủ”. Chú giải, q3, tr 313.
Điều quan trọng đối với vị Tỷ-kheo là giữ được Giới hạnh liên quan đến sự nuôi mạng chân chánh (Ājīva pārisuddhi sīla) trong sạch và thanh tịnh. Nếu không, đời sống của vị Tỷ-kheo trở thành vô nghĩa và thậm chí nó sẽ trở ngại cho quá trình tu tập tâm linh của vị ấy.

Vị Tỳ-kheo phải biết quán tưởng thường xuyên “Tôi đang mặc y cúng dường, tôi đang dùng vật thực cúng dường, chỗ tôi đang ở là do thí chủ cúng dường, tôi đang dùng thuốc men cúng dường”. 

Nhờ sự quán tưởng này, sẽ dần dần giúp cho vị ấy tăng trưởng Giới hạnh Nuôi Mạng Thanh Tịnh (Ājīva pārisuddhi sīla), giới hạnh của Tỳ-kheo liên hệ đến sự nuôi mạng hàng ngày. Tại sao vậy? Bởi nhờ thường xuyên quán tưởng điều này, vị Tỷ-kheo đó được nhắc nhở luôn giữ gìn đúng giới luật trong Tạng Luật theo lời dạy của Đức Phật. Nó sẽ giúp cho vị ấy tránh được sự tà mạng (micchājīva), là cái mà Đức Phật không cho phép. 

Với những vị mà ngay cả những ý nghĩ nhỏ nhất của sự quán tưởng cũng không có thì luôn có chiều hướng làm ngược lại với giới luật của đời sống xuất gia. Như một kết quả, họ không giữ được Giới nuôi mạng chân chánh (Ājīva pārisuddhi sīla) trong sạch. Với người biết thường xuyên quán tưởng điều này, thì Giới nuôi mạng thanh tịnh (Ājīva pārisuddhi sīla) của vị ấy sẽ dần trở nên trong sạch. Nếu vị ấy có thể giữ giới này trong sạch, thì Giới (Sīla) của vị ấy sẽ trọn vẹn.


Sáu điều trong Giới Luật Vinaya

Có sáu điều trong Giới Luật (Vinaya) liên quan đến chánh mạng. Ở đây, chúng tôi phải giải thích rằng xuất gia không phải là một nghề liên quan đến việc kiếm sống dựa vào đồng lương hay thu nhập định kỳ. Bằng ý nghĩa của sự nuôi mạng nó ám chỉ rằng một vị tỳ-kheo không tránh khỏi phải nỗ lực để có được các vật dụng hằng ngày. Những điều ghi trong Giới Luật đã được ghi chép trong Kinh điển Pāli bộ Parivāra,bộ Thứ năm của Tạng Luật như sau:

Tội thứ nhất là một trong sáu trọng tội được gọi là Bất cộng trụ (Pārājika). Nó cấm các vị Tỷ-kheo không được nói dối liên quan đến việc chứng đắc tầng thiền (Jhāna), Đạo (Magga) và Quả (Phala), thần thông mà một người có thể đạt được qua tu tập. Một vị Tăng không được phép nói sai sự thật với tác ý không chân thật nhằm gây ấn tượng cho người khác để ông ta nhận được sự kính trọng, sự cúng dường, và sự tận tụy phục vụ của mọi người. Sau khi nói dối như thế, nếu vị Tăng nhận cúng dường theo cách này, thì Giới nuôi mạng Chân Chánh (Ājīva pārisuddhi sīla) sẽ không trong sạch.

Tội Thứ hai gọi là Tăng tàn (Saṅghādisesa). Giới Luật cấm các Tỷ-kheo không đượclàm mai mối cho người nam hay người nữ cho việc đi đến hôn nhân của họ hoặc bất kỳ sự liên hệ thân mật.

Tội thứ ba là được gọi là Trọng Tội (Thullaccaya). Nó cấm vị Tỷ-kheo nói lời không chân thật về sự chứng đắc của vị Tăng khác đặc biệt là một người bạn để người bạn này nhận được sự kính trọng và cúng dường từ người khác.

Tội thứ tư được gọi là ưng đối trị (Pācittiya). Nó cấm vị Tăng, trừ trường hợp khẩn cấp, để hỏi thức ăn ngon như bơ, bơ lỏng, mật ong, kẹo đường, hoặc thứ gì từ người không phải là ruột thịt mà không được họ thỉnh cầu.

Tội thứ năm gọi là Ưng Phát Lộ (Pāṭidesanīya). Đây là Giới Luật dành cho Tỷ-kheo-ni. Nó cấm Tỷ-kheo-ni không được hỏi vật thực như trên từ người không phải là ruột thịt mà không được họ thỉnh cầu.

Tội thứ sáu gọi là Tác Ác (Dukkaṭa). Nó cấm Tăng, không bệnh thì không được đòi hỏi vật thực bình thường như canh đậu, gạo và các vật dụng cần thiết từ người không phải là ruột thịt mà họ chưa thỉnh cầu.

Nếu một vị Tăng tìm vật thực hay các vật tương tự bằng cách phạm một hay tất cả các tội trên, thì sự nuôi mạng của vị ấy sẽ bị gọi là Tà mạng (Micchājīva), đã nuôi mạng bằng cách làm sai trái và không đúng đắn. Giới hạnh liên quan đến sự nuôi mạng thanh tịnh (Ājīva pārisuddhi sīla) của vị ấy không còn trong sạch nữa.
Sẽ không có tà mạng sai trái nếu vị Tỳ-kheo thường quán tưởng rằng sự sống của ta hoàn toàn lệ thuộc vào sự cúng dường của thí chủ. Vị Tỳ-kheo như thế sẽ luôn tránh khỏi việc tìm kiếm vật thực sai trái.

Trong Bộ Phân tích, bộ thứ hai của tạng Vi Diệu Pháp, kinh điển Pāli, một vài cách sống tà mạng đã bị khiển trách bởi Đức Thế Tôn được mô tả chi tiết như sau. Bất cứ điều gì đòi hỏi theo cách nuôi mạng sai trái đều bị cấm. Một vị Tăng thường xuyên quán tưởng về sự nuôi sống thân mạng lệ thuộc vào sự cúng dường của thí chủ thì sẽ tránh được cách sống tà mạng và các đòi hỏi khác.

Thêm vào đó, Đức Phật đã nói tiếp như sau:
Piṇḍapāto sa apacito hoti” nghĩa là hành động biết tôn trọng và tri ân đối với việc đặt bát bởi tâm rộng lượng cúng dường của thí chủ. Vị Tỷ-kheo sẽ dần có hành động trân trọng và tri ân đối với sự đặt bát cũng như đối với thí chủ cúng dường.


Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayādaw
Trung Tâm Thiền Pa-Auk Tawya, Mawlamyine.
Phật lịch 2547
Myanmar, Năm 1365, Rằm Tháng Taw-da-lin
Ngày 10/9/2003

Tuesday, October 27, 2015

Tạm dừng và làm chậm lại

Tịnh chỉ
Để khai mở một cách hoàn toàn và không bị chướng ngại các tiềm năng trong tâm, cần phải có sự tác động của hai động lực bổ sung cho nhau là: kích hoạt và chế ngự. Hai động lực cần thiết này đã được công nhận bởi Đức Phật, người hiểu biết tâm vĩ đại. Ngài dạy rằng tấn căn (viriy’indriya-năng lực tinh tấn, cố gắng) và định căn (samādh’indriya-năng lực tập trung và ổn định tâm) cần phải giữ cân bằng và có sức mạnh tương đương với nhau. Ngoài ra, Đức Phật cũng dạy, trong Thất giác chi (bojjhanga: bảy chi phần dẫn đến giác ngộ), có ba giác chi làm khuyến khích, phát khởi tâm (tinh tấn, trạch pháp và hỷ giác chi), và ba giác chi khác có tác dụng làm bình ổn, ổn định tâm (khinh an, định và xả giác chi). Trong cả hai trường hợp: trong Ngũ căn và trong Thất giác chi, chánh niệm không những chỉ theo dõi sự cân bằng giữa chúng mà còn kích hoạt những giác chi hay những căn lờ đờ, thụ động và kiềm chế bớt những căn hoạt động quá tích cực. 
Chánh niệm, mặc dù bản chất có vẻ như là thụ động, song thực ra lại là một động lực kích hoạt. Nó làm cho tâm trở nên tỉnh giác, và tỉnh giác là một điều không thể thiếu trong tất cả mọi hành động có chủ đích. Trong phần này, chúng ta chủ yếu chỉ đề cập đến sức mạnh chế ngự của chánh niệm. Chúng ta sẽ khảo sát cách thức chánh niệm tháo gỡ những nút mắc (trong tâm) và xả ly, và cách nó hỗ trợ một cách tích cực để phát triển các phẩm chất tâm cần thiết cho sự giác ngộ như thế nào.
Khi thực hành ghi nhận thuần túy, chúng ta trụ vững ở vị trí của người quan sát, ngay giữa những đòi hỏi ồn ào của thế giới bên ngoài và bên trong nội tâm. Chánh niệm có sức mạnh tịnh chỉ, có khả năng làm chậm lại hành động và sử dụng phanh hãm để chặn đứng sự can thiệp vội vàng, ngăn chặn sự đánh giá phán xét, tạm dừng để quan sát các sự kiện và suy xét về chúng một cách có trí tuệ. Nó cũng làm chậm lại sự bốc đồng, vội vàng của các suy nghĩ, lời nói và hành động. Tịnh chỉ và dừng chặn, tạm dừng và làm chậm – đó là những thuật ngữ chủ đạo của chúng ta khi nói về tác động tiết chế và thu thúc của ghi nhận thuần túy.
Một cuốn sách cổ Trung Hoa có nói:
“Trong sự diệt của vạn sự, trong sự sinh của vạn sự, không gì hơn là giữ yên, tịnh chỉ”.
Trong lời dạy của Đức Phật, nơi “chấm dứt của vạn sự” thực sự là Niết Bàn, được gọi là “sự tịnh chỉ của các hành” (sankhārānam vūpasamo) – nghĩa là nơi chấm dứt cuối cùng. Nó cũng được gọi là “sự đoạn diệt” (nirodha). “Vạn sự” hay “các hành” ở đây có nghĩa là những hiện tượng vô ngã và bị tạo tác (do nhân duyên tạo thành) ăn sâu bén rễ từ vô minh và ái dục. Sự chấm dứt của các hành đạt được khi có sự chấm dứt của “sự tạo thành”, nghĩa là sự chấm dứt của mọi hành động tạo nghiệp, vốn tạo ra thế giới của chúng ta. Nó chính là “nơi chấm dứt của thế gian”, chấm dứt đau khổ, mà Đức Phật đã tuyên bố là không thể đạt đến bằng cách đi, bằng cách di chuyển, mà chỉ có thể tìm thấy ở trong chính bản thân chúng ta. Nơi thế gian chấm dứt đó được báo trước bởi mỗi hành động tịnh chỉ, chặn đứng và tạm dừng có chủ ý. “Tịnh chỉ” (giữ yên, làm yên lặng) theo nghĩa tột cùng là chặn đứng sự tích lũy của nghiệp, tránh xa sự dính mắc vô tận với những thứ phù du, chế ngự việc liên tục đắm mình thêm vào những mớ bong bong luân hồi – vòng sanh tử lặp đi lặp lại. Bằng con đường chánh niệm, rèn luyện chính mình để tịnh chỉ, giữ yên và tạm dừng với thái độ ghi nhận thuần túy, chúng ta nói không với sự thúc ép của thế gian luôn đòi hỏi chúng ta phải thuận chiều theo tham, sân. Chúng ta tự bảo vệ chính mình khỏi những đánh giá, phán xét mê mờ và vội vàng; chúng ta kiềm chế không lao mình vào vòng xoáy của những hành động can thiệp với tất cả mọi hiểm nguy cố hữu của nó.
Người giữ mình đừng can thiệp thì mọi chỗ đều an toàn.
                                     (Tăng Chi Bộ kinh Sn v.953).
Người giữ tĩnh lặng và biết điểm dừng thì sẽ không gặp hiểm nguy.
                                       (Đạo Đức Kinh, chương 44)
Đoạn thứ hai của câu này trong Đạo Đức Kinh nói rằng: làm cho vạn sự bắt đầu, không gì tốt hơn là giữ gìn tĩnh lặng (tịnh chỉ). Giải thích theo Phật Pháp, những sự việc được khởi đầu tốt đẹp bằng giữ gìn tĩnh lặng là “những thứ (phẩm chất) làm giảm bớt sự tích lũy nghiệp”. Để khảo sát, chúng ta sẽ dựa theo cách phân chia lộ trình tu tập truyền thống là giới (hành vi, đạo đức), định (sự ổn định, tĩnh lặng nội tâm) và tuệ (tuệ giác). Cả ba chi phần này đều được trợ giúp một cách quyết định bởi thái độ giữ yên (tịnh chỉ) được phát triển nhờ ghi nhận thuần túy.
1.   Giới: làm thế nào để cải thiện hành vi, giới hạnh và khả năng ra quyết định đúng? Nếu chúng ta thực sự chân thành mong muốn tăng thượng giới, thì khôn ngoan nhất là chọn con đường nào ít đối kháng nhất. Nếu chúng ta quay ngoắt chống đối lại những khiếm khuyết ăn sâu từ thói quen cũ hay những động lực rất mạnh trong tâm một cách quá nhanh chóng, chúng ta có thể sẽ phải chịu thất bại và nản lòng. Trước hết chúng ta hãy chú ý đến những lỗi lầm, thiếu sót về lời nói, hành động và những đánh giá, phán xét sai lầm gây ra bởi sự vội vàng, vô tâm, thiếu suy nghĩ. Những lỗi loại này có rất nhiều. Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp chỉ cần một khoảnh khắc suy xét ngắn ngủi cũng đủ để ngăn chặn một bước đi sai lầm, và từ đó tránh được cả một chuỗi dài đau khổ và tội lỗi, khởi đầu chỉ từ một giây phút thiếu suy nghĩ. Nhưng làm thế nào để kiềm chế được những phản ứng vội vàng, hấp tấp và thay thế bằng những khoảnh khắc chánh niệm và suy xét? Làm được điều đó lại còn phụ thuộc vào khả năng chặn đứng và tạm dừng, hãm phanh lại đúng lúc – và điều này chúng ta có thể học được bằng cách thực hành ghi nhận thuần túy. Trong pháp hành đó, chúng ta tự luyện tập mình “nhìn và chờ đợi”, chặn dừng lại các phản ứng của mình hoặc làm chậm chúng lại. Trước hết chúng ta phải học theo cách dễ nhất, ở những hoàn cảnh do mình lựa chọn, gói gọn trong một số kinh nghiệm hạn chế trong thiền. Khi đối diện nhiều lần với những tác động giác quan ngẫu nhiên, các cảm xúc hay suy nghĩ lan man làm gián đoạn định tâm; khi kiềm chế nhiều lần mong muốn phản ứng lại chúng bằng cách này hay cách khác; nhiều lần trụ vững tâm khi đối diện với chúng – chúng ta sẽ có đủ khả năng để duy trì sự tĩnh lặng nội tâm trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vì cuộc sống ấy vốn rộng mở hơn và không được che chắn. Tâm quan sát sẽ luôn có mặt, giúp chúng ta tạm dừng và chặn đứng, ngay cả khi bị bất ngờ, khi bị lôi cuốn, cám dỗ hay cáu giận đột ngột. 
Những điều chúng ta nói ở trên đề cập đến những lỗi hành vi xuất phát từ sự vội vàng, thiếu suy nghĩ, song ít nhiều dễ kiểm soát bằng chánh niệm. Sự khéo léo khi xử lý chúng cũng có tác động đến những hành vi phạm giới cứng đầu khác, vốn bắt nguồn từ những động lực cảm xúc mạnh hoặc những thói quen xấu thâm căn cố đế trong ta. Sự tĩnh lặng nội tâm đạt được trong quá trình tịnh chỉ để ghi nhận thuần túy cũng kiềm chế được sự bốc đồng của các cảm xúc. Thói quen chặn đứng và tạm dừng đóng vai trò như một cái phanh hãm đối với những thói quen dễ duôi, đắm chìm trong các hành vi bất thiện đã ăn sâu bén rễ trong tâm. 
Nhờ khả năng tịnh chỉ để ghi nhận thuần túy, hay dừng lại để suy xét một cách trí tuệ, thường là sự lôi cuốn, cám dỗ đầu tiên của tham dục, làn sóng cáu giận đầu tiên, màn sương mê mờ đầu tiên của tâm si sẽ biến mất ngay mà không gây ra rắc rối nghiêm trọng nào. Dòng những tiến trình tâm bất thiện bị chặn đứng lại ở thời điểm nào là phụ thuộc vào mức độ chánh niệm của chúng ta. Nếu chánh niệm sắc bén, nó sẽ chặn được một loạt những suy nghĩ hay hành động bất thiện từ rất sớm, trước khi chúng lôi mình đi quá xa. Phiền não sẽ không lớn mạnh vượt quá mức độ ban đầu, do đó sẽ bớt cần đến nhiều nỗ lực để kiểm soát chúng, nghiệp tạo ra sẽ ít hơn, hoặc là không có.
Lấy ví dụ một hình ảnh thích ý nào đó làm sanh khởi sự thích thú trong tâm. Đầu tiên thì sự thích thú đó không mạnh mẽ và không dai dẳng lắm. Ở thời điểm này, tâm đã sẵn sàng giữ yên (tịnh chỉ) để quan sát hoặc suy xét một cách khách quan, hình ảnh đó sẽ dễ dàng bị tước bỏ phần tham dục xâm nhập vào từ khi nó mới rất nhẹ. Đối tượng đó sẽ được ghi nhận là “chỉ là một cái gì đó gây cảm giác thích”, hoặc sự thu hút chúng ta cảm nhận ấy sẽ được thăng hoa lên thành một niềm vui tĩnh lặng. Song nếu đánh mất cơ hội đầu tiên ấy, sự thích thú sẽ lớn mạnh lên thành dính mắc và khao khát sở hữu. Nếu lúc này có sự dừng chặn, suy nghĩ khát khao ấy sẽ dần dần mất sức mạnh; nó sẽ không dễ biến thành tham muốn dai dẳng, và sẽ không có cố gắng thực sự để chiếm hữu đối tượng ham muốn nữa. Song nếu tham dục không được kiểm soát, suy nghĩ ham muốn sẽ tự thể hiện ra bằng lời nói đòi hỏi đối tượng, thậm chí với những lời lẽ mạnh bạo, bốc đồng. 
Nghĩa là, khẩu nghiệp bất thiện tiếp nối theo sau ý nghiệp bất thiện. Khi bị từ chối, dòng phiền não dục ban đầu sẽ phân nhánh ra thành các phiền não phụ trội khác: có thể là buồn phiền, hoặc giận dữ. Nhưng ngay cả khi đã muộn như vậy, chúng ta vẫn có thể dừng lại để lặng yên suy xét hay ghi nhận thuần túy, chấp nhận sự từ chối và từ bỏ ham muốn, thì có thể tránh được những rắc rối tiếp theo. Tuy nhiên, nếu theo sau những lời từ chối là thân nghiệp bất thiện, và nếu, bị thúc đẩy bởi tham dục, chúng ta cố gắng chiếm đoạt đối tượng ưa thích bằng vũ lực hay bằng trộm cắp, thì khi đó nghiệp đã hoàn thành và quả báo của nó sẽ phải trả đủ. Song nếu, ngay cả khi đã làm xong một việc bất thiện, chúng ta dừng lại để suy xét, thì việc đó cũng không vô ích. Bởi vì chánh niệm sanh khởi dưới hình thức quán xét lại, ăn năn hối lỗi, sẽ ngăn ngừa sự xơ cứng hóa nhân cách và có thể ngăn chặn sự lặp lại của hành động đó trong tương lai. Đức Phật đã dạy Rāhula[1] rằng: 

“Bất cứ hành động thân, khẩu, ý nào con dự định làm, con hãy suy xét kỹ hành động ấy… Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng: “Hành động tôi dự định làm này là có hại cho chính mình, hoặc có hại cho người, hoặc có hại cho cả hai; thì đó là hành động bất thiện, mang lại đau khổ, có kết quả là đau khổ” – thời con không nên làm hành động ấy. 

Lại nữa, trong khi làm bất cứ hành động thân, khẩu, ý nào, con hãy suy xét kỹ hành động ấy… Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng: “Hành động tôi đang làm này là có hại cho chính mình, hoặc có hại cho người, hoặc có hại cho cả hai; thì đó là hành động bất thiện, mang lại đau khổ, có kết quả là đau khổ” – thời con hãy từ bỏ hành động ấy.

Lại nữa, sau khi làm bất cứ hành động thân, khẩu, ý nào, con hãy suy xét kỹ hành động ấy… Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng: “Hành động tôi đã làm là có hại cho chính mình, hoặc có hại cho người, hoặc có hại cho cả hai; thì đó là hành động bất thiện, mang lại đau khổ, có kết quả là đau khổ” – thời con hãy tự chế không nên làm hành động ấy trong tương lai”. (MN61)

2.  Định. Bây giờ chúng ta hãy xem xét cách ghi nhận thuần túy giúp thiền sinh đạt được và củng cố định tâm (samatha) với hai nghĩa: sự bình an tổng thể của nội tâm và sức tập trung trong thiền.
Bằng cách phát triển thói quen tạm dừng để ghi nhận thuần túy, thiền sinh sẽ ngày càng dễ dàng rút lui vào sự tĩnh lặng bên trong tâm mình, khi thân không thể tránh khỏi những tiếng động ồn ào không ngớt của thế giới bên ngoài. Chúng ta cũng dễ dàng bỏ qua những phản ứng vô ích đối với những lời nói và hành động ngu ngốc của người khác. Mỗi khi hứng chịu những đòn đánh nghiệt ngã và không ngớt của số phận, một cái tâm đã được rèn luyện bởi pháp hành ghi nhận thuần túy sẽ tìm chỗ trú ngụ ở trạng thái thụ động hay tình trạng chỉ-quan-sát mà không–hành-động, từ vị trí đó nó có thể kiên nhẫn chờ đợi cho cơn bão đi qua. Có những hoàn cảnh trong cuộc đời mà tốt nhất là hãy để cho mọi việc tự đi đến chỗ kết thúc tự nhiên của nó. Người có thể giữ yên, tịnh chỉ và chờ đợi thường sẽ thành công, trong khi những hành động bận rộn và hung hăng thường là thất bại. Không những chỉ trong những trường hợp nguy cấp, mà ngay cả trong cuộc sống thường ngày, kinh nghiệm từ sự giữ yên và quan sát khiến chúng ta tin rằng không cần phải đáp ứng lại ngay mọi tác động mà chúng ta nhận được, không cần phải coi tất cả mọi người, mọi việc chúng ta gặp phải như là những đối tượng cho hành động can thiệp của mình. 
Bằng cách tự hạn chế không để mình bận rộn một cách không cần thiết, sự va chạm với bên ngoài cũng giảm bớt và sự căng thẳng bên trong do chúng mang lại cũng được nới lỏng dần. Sự bình an và hài hòa sẽ bao trùm cuộc sống mỗi ngày, thu hẹp dần khoảng cách giữa cuộc sống đời thường và sự tĩnh lặng trong thiền tập. Khi đó, những âm hưởng dội vào nội tâm của cuộc sống đời thường xáo động, dù dưới dạng thô rõ hay vi tế, vốn tràn ngập trong những giờ thiền tập và mang lại sự bất an cho thân và tâm sẽ ngày càng giảm bớt. Kết quả là loại chướng ngại trạo cử, xáo động, một loại chướng ngại chính đối với thiền, sẽ xuất hiện ngày một ít hơn và khi nó sanh khởi, cũng dễ dàng vượt qua hơn.
Bằng cách tu tập thái độ ghi nhận thuần túy thường xuyên mỗi khi có cơ hội, lực ly tâm - thủ phạm của các xáo động-bất an, sẽ đuối sức dần; xu hướng hướng tâm – quay tâm vào bên trong và tạo cơ sở cho định tâm, sẽ được tiếp thêm sức mạnh. Tham muốn (ái dục) sẽ không còn chi phối, bắt chúng ta phải đuổi theo những đối tượng đa dạng đang liên tục thay đổi nữa.
Thực hành thường xuyên việc duy trì chú ý liên tục trên một loạt đối tượng quan sát sẽ chuẩn bị tâm cho việc tập trung liên tục trên một đề mục, hoặc một số đề mục hạn chế, trong khi hành thiền miên mật. Sự vững vàng và ổn định của nội tâm, một nhân tố quan trọng của định, cũng được tu tập.
Do đó, thực hành giữ yên, tạm dừng và chặn đứng để ghi nhận thuần túy sẽ tăng cường nhiều thành tố chính của thiền định: sự tĩnh lặng, bình an, sức tập trung, sự vững vàng của nội tâm và giảm bớt sự đa dạng của đề mục. Nó nâng tầm bình quân của mức tâm bình thường và đưa lên gần đến mức tâm thiền. Đây là điểm quan trọng, bởi vì sự cách biệt quá lớn giữa hai tầm mức tâm ấy sẽ phá hoại các cố gắng định tâm và sự liên tục của thiền tập.
Theo thứ tự sắp xếp của bảy giác chi (bảy chi phần dẫn đến giác ngộ), an tịnh giác chi (passaddhi-sambojjhanga) đi trước định giác chi (samādhi-sambojjhanga). Đức Phật cũng nói rằng: “Nếu bên trong được an tịnh, tâm sẽ có định”. Giờ đây, theo tinh thần của những điều diễn giải ở trên, chúng ta có thể hiểu được lời dạy này của ngài một cách rõ ràng hơn.
3.   Tuệ. Đức Phật nói rằng: “Người có định sẽ thấy mọi thứ như chúng đang là” (như đúng bản chất nó như vậy). Do đó, tất cả mọi cách thức mà ghi nhận thuần túy củng cố định tâm cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển tuệ giác. Bên cạnh đó, sự tịnh chỉ của ghi nhận thuần túy cũng có thể mang lại những hỗ trợ cụ thể và trực tiếp hơn cho tuệ giác.
Nói chung, chúng ta thường quan tâm đến việc nắm bắt và sử dụng mọi thứ hơn là hiểu biết đúng về bản chất thực sự của chúng. Chính vì vậy, chúng ta thường nắm bắt vội vàng một số ít tín hiệu đầu tiên mà tưởng (chức năng nhận biết và xác định sự vật, sự việc của tâm) chuyển đến cho chúng ta. Sau đó, thông qua những thói quen ăn sâu trong tâm, những tín hiệu này kích hoạt một phản ứng quy chuẩn bằng các đánh giá, phán xét như: tốt-xấu, thích thú-khó chịu, có lợi-có hại, đúng-sai. Những đánh giá này, mà nhờ nó chúng ta xác định đối tượng trong mối quan hệ với bản thân mình, dẫn đến những phản ứng tương ứng bằng lời nói và hành động. Rất hiếm khi chúng ta chú ý tới những đối tượng thông thường hoặc quen thuộc, lâu hơn thời gian cần thiết để thu nhận một số ít tín hiệu ban đầu. Chúng ta hầu như chỉ nhận biết mọi việc một cách rời rạc, và do vậy thường nhận biết sai về chúng. Hơn nữa, chỉ giai đoạn đầu của “thời gian sống” của đối tượng, hoặc hơn một tý, là đến được sự tập trung chú ý của chúng ta. Thậm chí chúng ta còn chẳng ý thức được rằng đối tượng đó là một tiến trình kéo dài trong một khoảng thời gian – có sự khởi đầu và kết thúc; và có nhiều khía cạnh, nhiều mối quan hệ bên ngoài những gì chúng ta nhận thức được trong tình huống hạn chế ấy. Nói ngắn gọn, nghĩa là tự thân nó là một loại thực thể phù du, chóng tàn.

Thế giới được nhận thức một cách hời hợt như vậy chỉ là một mớ những kinh nghiệm kỳ dị, được biểu thị bằng một vài ký hiệu hay biểu tượng do chủ quan lựa chọn. Những biểu tượng được lựa chọn đó được quyết định chủ yếu bởi sự ưa thích cá nhân, thậm chí đôi khi còn không được sử dụng đúng nữa. Cái thế giới mờ ảo như cái bóng ấy không chỉ bao gồm môi trường bên ngoài và những người khác, mà còn cả phần lớn các tiến trình thân và tâm của chính chúng ta. Những tiến trình này cũng là đối tượng để khái niệm hoá một cách hời hợt y như vậy.
Đức Phật đã chỉ ra bốn loại điên đảo tưởng (nhận thức sai lầm) do nhận thức bị bóp méo và sự chú ý không chân chánh (phi như lý tác ý): coi bất tịnh là tịnh, vô thường là thường, khổ là lạc, vô ngã là ngã. Khi dấu ấn của hệ quy chiếu cá nhân ấy được đóng đi đóng lại nhiều lần vào thế giới nhận thức hàng ngày, sự nhận thức sai lầm căn bản “Cái này là của tôi” (attaniya) sẽ ăn sâu bén rễ trong mọi hành động thân-tâm của chúng ta. Giống như những rễ cây, tuy nhỏ nhưng lan rộng và bám rất chắc – đến mức, nếu chỉ có kiến thức lý luận về vô ngã (anattā) sẽ không thể làm lung lay nổi cái ý niệm “tôi” và “của tôi” ấy.
Những hệ lụy nghiêm trọng này bắt nguồn từ tình trạng nhận thức cơ bản: chúng ta quá vội vàng phản ứng một cách hấp tấp và theo thói quen, ngay khi nhận được một số ít thông tin đầu tiên của nhận thức. Song nếu chúng ta sử dụng được sức mạnh kiềm chế của chánh niệm và tạm dừng để ghi nhận thuần túy, thì những tiến trình thân-tâm hình thành nên đối tượng nhận thức ấy sẽ tự thể hiện ra một cách đầy đủ và đúng đắn hơn. Không còn ngay lập tức bị lôi vào vòng xoáy của tư kiến (những suy nghĩ, đánh giá chủ quan của chính mình)[2], và được tự do bộc lộ bản thân trước con mắt quan sát của chánh niệm, chúng sẽ hé mở mọi khía cạnh đa dạng của chúng và cả một mạng lưới rộng lớn các mối tương quan và quan hệ qua lại lẫn nhau. Tư kiến, vốn hẹp hòi và thường là sai lạc, sẽ rút lui về phía sau và bị lấn át bởi tầm nhìn rộng mở hơn vừa có được. Tiến trình được chúng ta quan sát đó thể hiện sự sanh và diệt không ngừng thông qua sự diễn tiến liên tục và bên trong các thành phần cấu tạo nên nó. Bằng cách ấy, chân lý vô thường in dấu ấn lên tâm thiền sinh ngày một rõ nét hơn.
Sự phân biện sanh và diệt đó cũng sẽ phá vỡ ảo tưởng sai lầm về một thực thể thống nhất (của các tiến trình thân-tâm) hình thành dưới ảnh hưởng của bản ngã. Tư kiến gạt bỏ sự đa dạng; nó gộp tất cả mọi thứ lại trong ảo tưởng về cái“tôi” hay của tôi. Tuy nhiên, ghi nhận thuần túy bóc trần những thực thể này để thấy rằng chúng chẳng là gì khác ngoài những hiện tượng bị điều kiện hóa[3] và không thuộc về một ai cả. Nhiều lần đối diện với bản chất phù du, bị phụ thuộc (vào nhân duyên) và vô ngã của các tiến trình sống bên trong và bên ngoài, chúng ta sẽ phát hiện ra sự đơn điệu và bản chất bất toại nguyện của chúng: hay còn gọi là sự thật về khổ. Như vậy, bằng phương pháp đơn giản là làm chậm, tạm dừng và giữ yên để ghi nhận thuần túy, cả ba đặc tướng - vô thường, khổ, vô ngã – sẽ tự hiển lộ ra trước tuệ giácvipassanā.

Tính tự động
Thói quen tạm dừng một cách chánh niệm trước khi hành động không loại bỏ các phản ứng tự động theo thiện pháp. Ngược lại, thông qua luyện tập, việc thực hành tạm dừng, chặn đứng và giữ yên để ghi nhận thuần túy sẽ trở thành tự động. Nó sẽ tiến triển thành một cơ chế chọn lựa của tâm, mà khi các phản ứng trở nên ngày càng chắc chắn và nhanh lẹ hơn, sẽ có thể ngăn chặn sự bộc phát của các động lực bất thiện và thiếu trí tuệ. Nếu không có những kỹ năng như thế, thì mặc dù về mặt tri thức chúng ta có thể nhận ra những động lực đó là bất thiện, nhưng vẫn phải chịu thua trước sức mạnh của thói quen. Do đó, thực hành tạm dừng một cách chánh niệm sẽ thay thế các thói quen bất thiện bằng những thói quen thiện, đặt nền tảng trên sự hiểu biết trí tuệ và những tác ý cao thượng.
Cơ thể con người có một số phản xạ tự động để tự bảo vệ, cũng như thế tâm cũng cần có một cơ chế tự động để tự bảo vệ về mặt tinh thần và đạo đức. Sự thực hành ghi nhận thuần túy sẽ cung cấp chức năng sống còn này. Một người có tiêu chuẩn đạo đức trung bình thì theo bản năng, anh ta sẽ tránh những suy nghĩ trộm cắp và giết người. Với sự trợ giúp của phương pháp ghi nhận thuần túy, phạm vi tự động kiềm chế ấy sẽ được mở rộng ra rất nhiều và nền tảng đạo đức của chúng ta được nâng cao đáng kể.
Trong một cái tâm không tu tập, các xu hướng tâm cao thượng và những suy nghĩ đúng đắn thường bị tấn công bởi những cơn bột phát bất ngờ của cảm xúc và thành kiến. Hoặc là chúng ta sẽ đầu hàng, hoặc là ra quyết định một cách khó khăn sau khi đã đấu tranh quyết liệt trong tâm. Song nếu các hành động bất thiện tự động được kiểm soát hoặc bị suy giảm đáng kể, thì các động lực tốt và suy nghĩ trí tuệ (như lý tác ý) sẽ có cơ hội để xuất hiện và tự thể hiện một cách tự do và tự động. Dòng chảy tự nhiên của nó sẽ khiến chúng ta tự tin hơn về sức mạnh của cái tốt trong mình; và cũng có sức thuyết phục hơn đối với người khác. Cái tốt tự động này không phải là thất thường, bởi nó đó đã có gốc rễ sâu chắc từ sự tu tập trước đó. Đây chính là phương pháp tu tập để từ đó những tâm thiện hữu trợ (sasankhārika-kusala-citta: tâm thiện cần có sự thúc đẩy của bên ngoài để khởi lên) được chuyển đổi thành các tâm thiện vô trợ (asankhārika-kusala-citta: tâm thiện khởi lên không cần thúc đẩy từ bên ngoài). Theo Vi Diệu Pháp, những suy nghĩ như vậy, nếu có trí tuệ đi kèm, sẽ đứng đầu trong thang giá trị đạo đức. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu bằng thực tế câu nói trong cuốn Bí mật Hoa Vàng[4]“Khi một người với chủ ý đạt đến được trạng thái không còn chủ ý, người đó đã có sự hiểu biết”. Câu này tương tự như câu Pali: sasankhārena asankhārikam pattabbam, “Với sự tinh tấn hữu trợ có chủ ý, sự tự động (trong thiện pháp) sẽ đạt được”.
Ngay cả khi rất nhiều phương pháp trợ giúp con đường phát triển tâm linh và giải thoát trong kinh điển được đem ra áp dụng một cách khôn khéo, cũng không có phương pháp nào thực sự so sánh được với thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthāna); và thiền Tứ Niệm Xứ này bắt đầu một cách đơn giản bằng sự thực hành giữ yên và dừng chặn để ghi nhận thuần túy.

Làm chậm lại
Để kiềm chế sự bốc đồng, cẩu thả và phóng dật của một cái tâm thiếu tu tập, pháp hành tạm dừng và dừng chặn cố ý tập làm chậm lại mọi việc. Tuy nhiên, do yêu cầu thúc bách của cuộc sống hiện đại, việc làm chậm lại các hoạt động trong công việc hàng ngày rất khó áp dụng trong thực tế. Nhưng bởi vì đây là cách đối trị những hệ lụy có hại từ tốc độ chóng mặt của cuộc sống hiện đại, nên việc áp dụng nó trong những lúc rảnh rỗi, nhất là trong những giai đoạn thực hành thiền Tứ Niệm Xứ miên mật, là điều rất quan trọng. Thực hành như vậy cũng đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống như sự bình an, tĩnh lặng của tâm, nâng cao hiệu quả và kỹ năng trong công việc.
Đối với mục đích phát triển thiền tập, tập làm chậm rất hiệu quả để luyện tập sự không dễ duôi, thu thúc lục căn[5] và định lực[6]. Nhưng ngoài những điều đó, nó còn có một ý nghĩa cụ thể hơn đối với thiền tập. Chú giải kinh Tứ Niệm Xứ nói, việc làm chậm lại các cử động có thể giúp lấy lại được định tâm đã mất (trên một đề mục). Trong chú giải có chuyện, một vị sư trong lúc quên chánh niệm đã co tay lại hơi nhanh, không đúng với nguyên tắc thực hành. Khi ý thức được điều đó, vị ấy đã đưa tay trở lại vị trí cũ và làm lại cử động ấy một cách chánh niệm. Đề mục chánh niệm của vị ấy là “giữ chánh niệm tỉnh giác trong mọi hành động”, như đã nêu trong kinh Tứ Niệm Xứ: “Khi co tay, duỗi tay, vị ấy làm một cách tỉnh giác”.
Làm chậm lại một số động tác trong thời gian hành thiền miên mật đặc biệt hữu ích để đạt tới các tuệ minh sát (vipassanā-ñāna), nhất là trực nhận về đặc tướng vô thường và vô ngã. Trong phần lớn các trường hợp, chính các cử động nhanh đã làm tăng cường ảo tưởng về tính nguyên khối, và ảo tưởng về một thực thể trong cái thực ra chỉ là một tiến trình phức tạp và tạm bợ. Do đó, trong khi thực hành miên mật, làm chậm lại các hành động như đi lại, co, duỗi (tay chân) để phân biệt được nhiều giai đoạn trong mỗi cử động, sẽ trợ giúp mạnh mẽ cho tuệ giác trực nhận ba đặc tướng của tất cả mọi sự vật, hiện tượng. Sự quán chiếu của thiền sinh sẽ ngày càng mạnh mẽ nếu vị ấy có thể quan sát rõ ràng mỗi đoạn nhỏ của cả tiến trình tự nó sanh lên và diệt mất, không có cái gì chuyển dịch hay “di dời” sang đoạn tiếp theo.
Dưới ảnh hưởng của việc tạm dừng để ghi nhận thuần túy, nhịp độ các hành động, lời nói và việc làm bình thường mỗi ngày cũng trở nên tĩnh lặng và bình an hơn. Làm chậm lại nhịp điệu hối hả của cuộc sống nghĩa là các suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức có thể hoàn thành đủ thời gian sống tự nhiên của chúng. Chánh niệm được mở rộng đến tận lúc chót: đến những xung động và âm hưởng cuối cùng. Giai đoạn cuối này rất thường xuyên bị cắt bỏ do sự vội vã tóm bắt những ấn tượng mới, hoặc vội vàng bắt nối sang giai đoạn suy nghĩ tiếp theo trước khi nắm bắt và hiểu rõ giai đoạn hiện tại. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng lộn xộn trong tâm một con người bình thường, bị chất nặng bởi một số lượng lớn những nhận thức rời rạc, mơ hồ, những cảm xúc còi cọc và những ý tưởng chưa tiêu hóa. Làm chậm lại là một phương pháp hiệu quả để phục hồi sự sáng suốt và trọn vẹn của tâm. Một ví dụ thực tế là quy trình thực hành niệm hơi thở (ānāpānasati): chánh niệm trọn vẹn toàn bộ hơi thở, từ lúc bắt đầu, đến đoạn giữa và điểm kết thúc. Đó là ý nghĩa của đoạn kinh: “Biết rõ toàn thân hơi thở, vị ấy thở vào, thở ra”. Cũng như thế, toàn bộ “hơi thở” hay nhịp điệu cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên sâu sắc và trọn vẹn hơn nếu chúng ta có thói quen duy trì sự chú ý nhờ thực hành làm chậm lại mọi việc.
Thói quen cắt đứt sớm các tiến trình suy nghĩ hoặc bỏ qua chúng chi phối phần lớn tâm những con người thành phố hiện đại. Họ không ngừng đòi hỏi những sự kích thích mới mẻ, ngày càng liên tục hơn, cũng như họ mong muốn mua những chiếc xe mới có tốc độ cao hơn, chạy nhanh hơn. Những tác động dồn dập, gấp gáp của các ấn tượng giác quan sẽ làm cùn dần sự nhạy cảm của họ, và vì vậy họ luôn luôn cần tới sự kích thích mới, ồn ào hơn, thô tháo hơn và đa dạng hơn nữa. Một tiến trình như vậy, nếu không được kiểm soát, sẽ chỉ đem lại tai họa mà thôi. Chúng ta đã chứng kiến con người ngày càng xuống cấp về thị hiếu thẩm mỹ và mất dần khả năng hưởng thụ niềm vui tự nhiên. Thay thế vào đó là những sự phấn khích cuồng nhiệt và chóng tàn, chẳng thể đem lại sự mãn nguyện thực sự về cảm xúc hay thẩm mỹ.

 “Cuộc sống tinh thần nông cạn” là thủ phạm chính gây nên sự hời hợt, nông cạn ngày càng gia tăng của những “con người hiện đại”, cũng như sự lan truyền đáng sợ của căn bệnh rối loạn tâm thần trong xã hội phương Tây.  Nó có thể sẽ khởi đầu cho sự suy đồi về tâm thức của con người, cả về chất lượng, phạm vi và năng lực. Mối nguy hiểm này đang đe dọa tất cả mọi người, ở phương Đông cũng như phương Tây, những người thiếu sự bảo vệ cho tâm mình trước tác động của kỹ thuật hóa, hiện đại hóa. Thiền Tứ Niệm Xứ có thể đóng góp quan trọng để cải thiện hoàn cảnh này, theo cách chúng ta đã trình bày ngắn gọn ở trên. Vì vậy, phương pháp thiền này cũng đem lại cả lợi ích đời thường cho mọi người.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta chủ yếu chỉ quan tâm đến khía cạnh tâm lý của chánh niệm và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển thiền tập. Sự chú ý được duy trì liên tục, nhờ thực hành làm-chậm-lại, sẽ tác động đến chất lượng tâm chúng ta theo ba cách:
1.   Củng cố và tăng cường sức mạnh cho tâm.
2.   Làm hiện rõ các đặc tướng của đối tượng chú ý (đề mục).
3.   Làm bộc lộ các mối quan hệ nhân duyên của đối tượng.
1. Một đối tượng được chú ý liên tục sẽ có tác động đặc biệt mạnh và kéo dài lên tâm chúng ta. Ảnh hưởng của nó không chỉ được cảm nhận qua một loạt những suy nghĩ kế tiếp sau đó, mà còn có thể lan tỏa xa đến tương lai. Chính hiệu quả trợ duyên này là thước đo sức mạnh của tâm.
2. Sự chú ý liên tục đem đến một bức tranh toàn cảnh đầy đủ hơn về đối tượng trên tất cả các góc độ. Nói chung, ấn tượng đầu tiên chúng ta cảm nhận được từ bất cứ đối tượng giác quan hay một ý tưởng nào đó đều chỉ là đặc điểm nổi bật nhất của nó; chính điểm này thu hút sự chú ý của chúng ta tới khi sức tác động của nó đạt đến đỉnh điểm. Song đối tượng cũng thể hiện những khía cạnh, đặc tính cùng những chức năng khác, ngoài những điều chúng ta cảm nhận được đầu tiên. Những điều này có thể không rõ nét hoặc không thú vị đối với chúng ta; nhưng có thể lại quan trọng hơn. Có rất nhiều trường hợp, ấn tượng đầu tiên của chúng ta hoàn toàn là sai lầm. Chỉ khi chúng ta tiếp tục duy trì sự chú ý xa hơn cảm nhận ban đầu đó thì đối tượng mới tự thể hiện ra đầy đủ hơn. Khi làn sóng nhận thức đầu tiên thoái lui, thì sức mạnh của thành kiến/tư kiến (đánh giá, suy nghĩ chủ quan) cũng giảm dần; và chỉ khi đó, trong giai đoạn kết thúc, đối tượng mới thể hiện được nhiều chi tiết mở rộng, một bức tranh hoàn chỉnh hơn về chính nó. Chính vì vậy, chỉ nhờ sự chú ý liên tục chúng ta mới đạt tới được sự hiểu biết rõ ràng hơn về các thuộc tính của đối tượng.

3. Trong số các thuộc tính của đối tượng, dù là của thân hay tâm, có một loại mà chúng ta thường bỏ qua do sự chú ý hời hợt và vội vàng; nó cần được xem xét riêng biệt ở đây. Đó chính là các mối quan hệ nhân duyên của đối tượng. Các quan hệ nhân duyên của nó trải dài đến quá khứ - nguồn gốc, nguyên nhân, các tiền lệ về lý trí và logic; nó cũng trải rộng ra bên ngoài hoàn cảnh tổng thể - bối cảnh, môi trường và những lực tác động đang có mặt. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được hoàn toàn sự việc nếu chỉ nhìn nó một cách tách biệt, do chủ quan áp đặt. Chúng ta phải nhìn đối tượng với tầm nhìn rộng hơn, trong tình trạng nó bị điều kiện và đang tạo điều kiện; và điều này chỉ có thể làm được nhờ sự chú ý liên tục.

Monday, October 26, 2015

Trí hiểu rõ về Thiện

1b- Trí hiểu rõ về Thiện và căn bản của thiện.

Từ bỏ sát sanh là thiện (pāṇātipātā veramaṇī kusalaṃ).
Chữ veramaṇī, chữ vera có nghĩa là: sự thù nghịch, sự chống lại, veramaṇī  nghĩa đen của từ ngữ là “có ý chống lại”, nghĩa mở rộng là “kiêng cữ, tránh ra, từ bỏ”, đồng nghĩa với veramaṇī là virati. .

Các Giáo thọ sư có giải thích veramaṇī là “cố ý (cetanā) làm hư hoại tội lỗi, cố ý xua đuổi xấu xa”, như:
Veraṃ manati =  viramaṇī: (cố ý ) xua đuổi tội lỗi, gọi là viramaṇī.
Hay: “Làm cho không còn tội lỗi, gọi là viramaṇī”..
Theo văn phạm Pāli thuộc ngôn ngữ xứ Magadha, thì viramaṇī biến đổi thành veramaṇī, có lẽ đây là một hình thức đọc trại âm thường thấy.
Vì thế có người tụng cả hai, tức là veramaṇī sikkhāpadaṃ hay viramaṇī sikkhāpadaṃ (nghĩa là: Theo điều học là cố ý lánh xa).
Tóm lại, veramaṇī (hay viramaṇī) là một từ khác chỉ chi cetanā.
Cetanā này được đặt tên trên nền tảng tác ý (manasikāra), nếu tác ý đúng (yoni so manasikāra) thì cetanā này sẽ lánh xa ác xấu, từ bỏ ác xấu, tiêu diệt ác xấu. Nếu tác ý không đúng (ayoni so manasikāra) thì cetanā sẽ tạo ra ác xấu, tội lỗi.

Tác ý đúng sinh khởi cetanā tốt, tác ý sai sinh khởi cetanā xấu, tác ý đúng hay sai này nằm trong tâm Hướng ý môn (manodvāravajjanacitta).
Chính tâm Hướng ý môn làm duyên cho loại tâm đổng lực (javanacitta) thiện hoặc tâm đổng lực bất thiện sinh lên [71] (ở đây không đề cập đến những đổng lực duy tác của bậc Alahán).
Lại nữa, “cố ý tránh xa tội lỗi, ác xấu” hàm ý dựa vào hai tâm sở “hổ thẹn tội lỗi (hiri) và ghê sợ tội lỗi (ottappa)”. Chính hai pháp này giúp cho cetanā (cố ý) có nhiều sức mạnh, không tạo ra bất thiện nghiệp, hay ác nghiệp.
 Ba loại kiêng tránh (virati).

Bất cứ một loại kiêng tránh nào, cũng phải đối điện với ác xấu, tội lỗi, ví như Thánh đạo phải có Nípbàn làm đối tượng (cảnh) mới diệt trừ phiền não.
Đối diện với tội lỗi, tâm không rơi vào tội lỗi mới gọi là kiêng tránh, còn không gặp tội lỗi nên tâm không rơi vào ác xấu đó là lẽ đương nhiên.
Như “không gặp vật quí nên không có tâm lấy trộm đó là lẽ đương nhiên, gặp vật quí của người nhưng không có ý lấy trộm, đó là kiêng tránh”.
Không có cơ hội gặp người khác, thì không thể rơi vào 4 ngữ ác là việc thường tình, khi gặp người mà không nói nhãm, không nói dối... Đó là sự kiêng tránh.

Và từ điểm này chúng ta mới thấy “lợi ích của sự sống nơi thanh vắng”, như lời Bậc Đạo sư thường dạy.
a. Kiêng tránh do thói quen (sampattavirati).
Chữ sampatta là quá khứ phân từ của động từ sampāpuṇāti (saṃ + pa + ap + uṇā).
Động từ sampāpuṇāti nghĩa là “đến nơi, gặp được”, nên sampatta nghĩa là “đã đến nơi, đã gặp được”.
Từ ý nghĩa của sampatta, có thể hiểu sự kiêng tránh này đã từng làm, đã từng thực hiện và đã trở thành thói quen..
Một người có thói quen không làm điều ác - bất thiện, khi đối diện với ác - bất thiện sẽ không vi phạm vào ác - bất thiện.

Như Trưởng lão MahāKassapa khi còn là thanh niên có tên Pippali không muốn lập gia đình, vì trong tiền kiếp nhiều lần tu tập thiền tịnh, nên tâm thường hướng về ly dục, nhưng cha mẹ ép nài chàng phải cưới vợ.
Để làm vui lòng cha mẹ, chàng làm một tượng thiếu nữ rất xinh đẹp, cho tượng mặc áo đỏ và đeo những vật trang sức, nói với cha mẹ rằng: “Nếu tìm được thiếu nữ nào như vầy, con sẽ lấy nàng làm vợ”.
Mẹ chàng cho các Bàlamôn mang pho tượng đi khắp nơi để tìm người giống như thế.

Ở Sāgala có nàng Bhaddā giống hệt pho tượng mà thanh niên Pippali làm ra, các Bàlamôn đã tìm thấy nàng Bhaddā.
Cũng như thanh niên Pippali, nàng Bhaddā không muốn có chồng, cả hai viết thư cho nhau nói rõ ý niệm của mình.
Hai người đưa thư, gặp nhau giữa đường, đưa thư cho nhau coi, rồi đồng tình tráo thư với nội dung ngược lại.
Do vậy, đám cưới được cử hành, nhưng đêm tân hôn, hai người nằm cách nhau một vòng hoa. Khi cha mẹ mệnh chung, hai người quyết định xuất gia.
Sở dĩ có hiện tượng trên là vì hai vị đã từng sống đời phạm hạnh bên nhau rất nhiều kiếp, nên nay tuy phải làm đám cưới, nhưng hai vị vẫn giữ được sự trong sạch phạm hạnh.[72]
(Một ô nhiễm trong dục lạc như vầy còn không có, thì nói gì đến sự vi phạm giới tà dâm nhỉ?) .
Bản Sớ giải kinh Chánh tri kiến[73] có nêu câu chuyện khác, tóm lược như sau:

Bồ tát Cakkana.

Bồ tát khi còn lăn trôi trong luân hồi, có một kiếp Ngài có tên là Cakkana, mẹ của Ngài bịnh nặng, thầy thuốc bảo phải tìm con thỏ còn sống, giết thỏ lấy máu hòa với thuốc mới khỏi bịnh, anh của Cakkana bảo:
- Này Cakkana, em hãy đi ra rẩy, tìm bắt thỏ mang về.
Vâng lời anh, Cakkana đi ra rẩy, Cakkana bắt được con thỏ, nhìn thấy vẽ sợ hãi và van lơn của thỏ. Bồtát suy nghĩ: “Thật không thích hợp cho ta khi phải giết một sinh mạng để đổi lấy sự sống cho mẹ ta”. Và chàng đã thả con thỏ đi.
Khi trở về, người anh hỏi: “Này Cakkana, em có tìm được thỏ không?”
Cakkana thuật lại câu chuyện, người anh la mắng Cakkana, Cakkana đi vào nơi mẹ nằm, phát nguyện rằng: “Từ khi tôi sinh ra đến giờ, tôi không từng giết hại một con vật nào, do lời chân thật này xin cho mẹ tôi hết bịnh”.
Liền khi ấy, bịnh của mẹ cậu thuyên giảm rồi dứt hẳn.

Lời phát nguyện trên cho thấy “thói quen” của Cakkana là “không từng giết hại sinh vật nào”, nên thấy thỏ run sợ chàng xúc động buông tha.
Cakkana là tiền thân Bồ tát, Ngài thường có tâm từ bi với mọi chúng sinh, do thói quen này nên Cakkana không từng sát hại sinh vật từ khi mới sinh ra cho đến lớn.
Lại nữa, một người khi đối diện với điều ác xấu, do nghĩ đến danh dự cao quý của mình, hay danh dự tốt đẹp của gia tộc nên không rơi vào ác, bất thiện.
Hoặc là, nghĩ đến những hình phạt của vua quan, những quả báo đau khổ của ác, bất thiện nên khi đối diện với ác, bất thiện sẽ tránh xa ác, bất thiện ấy.
Đây gọi là kiêng tránh do thói quen.

b. Kiêng tránh do thọ trì (samādāna virati).
Là sự kiêng tránh do chấp nhận quy luật của một sinh hoạt tín ngưỡng, tương tự như sự chấp nhận nội quy trường học của một học sinh hay sự chấp nhận quân luật của người binh sĩ...
Sự chấp nhận (samādāna) thọ trì học giới xuất phát từ tinh thần tự giác, đi chung với đức tin.

Trong Phật giáo có bốn học giới như sau:
- Học giới dành cho Tỳ khưu, gồm 227 điều. [74]
- Học giới dành cho Tỳ khưu ni, gồm 311 điều. [75]
- Học giới dành cho Sa di – Sa di ni gồm mười giới và 75 Ưng học pháp.
Riêng học nữ (sikkhāmānā) là Sa di ni muốn thọ giới Tỳkhưu ni, phải gìn giữ sáu giới (năm giới đầu của Sadi và giới không ăn phi thời) trọn vẹn hai năm, không bị đứt đoạn.

Tức là ngoài Sa di ni giới ra, sáu giới này không được vi phạm, giả như được một năm Sadi ni này ăn phi thời, dĩ nhiên phải sám hối, nhưng một năm trôi qua kể như bỏ, phải hành lại từ đầu.
- Học giới dành cho cận sự nam -  cận sự nữ, gồm 5 giới, 8 giới hay 10 giới.
Học giới trong Phật giáo không chỉ đơn thuần là giới mà còn bao gồm cả định và tuệ.

“Sādhikamidaṃ, bhikkhave, diyaḍḍhasikkhāpadasataṃ anvaddhamāsaṃ uddesaṃ āgacchati, yattha attakāmā kulaputtā sikkhanti.
Tisso imā, bhikkhave, sikkhā yatthetaṃ sabbaṃ samodhānaṃ gacchati. Katamā tisso?
Adhisīlasikkhā adhicittasikkhā adhipaññāsikkhā. Imā kho, bhikkhave, tisso sikkhā, yatthetaṃ sabbaṃ samodhānaṃ gacchati.
“Này các Tỳkhưu, bản đọc tụng này, gồm hơn 150 học giới, cần phải đọc tụng nửa tháng một lần. Ở đây, các thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản đọc tụng ấy.

Này các Tỳkhưu, tất cả được thâu nhiếp làm thành ba học giới. Thế nào là ba?
- Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học pháp này, này các Tỳkhưu thâu nhiếp tất cả [76].
Và Đức Phật có dạy:
Yampi, Pahārāda, mayā sāvakānaṃ sikkhāpadaṃ paññattaṃ taṃ mama sāvakā jīvitahetupi nātikkamanti.

“- Này Pahārāda (Atula vương – Ns), khi các học pháp được Như lai chế định cho các đệ tử, dù cho vì nhân mạng sống, cũng không vượt qua” [77].
Sách Thanh tịnh đạo có nêu ra 2 mẫu truyện như sau:
Trong rừng Mahāvattani, có vị Trưởng lão bị bọn cướp bắt trói bằng dây leo màu đen rồi chúng bỏ đi.
Sợi dây trói không chắc lắm, nhưng vị Trưởng lão nằm đó trọn bảy ngày vì e ngại phạm vào giới “làm hại thảo mộc” phạm vào Ưng đối trị (pācittiya là “làm hư hoại thiện pháp”). Trong thời gian ấy, Ngài phát triển tuệ quán chứng quả Anahàm, mệnh chung sinh về Phạm thiên giới.[78]

Bản sớ giải kinh Chánh tri kiến có nêu ra câu truyện như sau:
Có một cận sự nam thọ trì giới nơi Trưởng lão Piṅgala Buddharakkhita tại Tịnh xá Ambariya xong rồi, ông ra đồng làm việc, đến trưa, ông tháo bò cho nó đi ăn và nghĩ trưa.
Khi thức giấc, ông phát giác con bò của mình đã đi lạc, ông đi tìm bò. Do bất cẩn, ông bị con trăn quấn quanh người, trên tay ông có cầm con dao bén, ông toan chém vào con trăn nhưng chợt nhớ lại giới mình thọ trì, ông suy nghĩ “nếu ta cầm con dao bén, khi bị trăn xiết mạnh, vì sợ chết ta có thể hạ sát con trăn”, rồi ông suy nghĩ tiếp “nếu ta ném con dao ở gần, có thể ta sẽ nhặt lại để sát hại con trăn”.

Ông liền ném con dao ra xa, rồi tưởng niệm đến giới mà mình đã thọ trì. Do sức mạnh của giới, khiến con trăn tháo mình ra và ông được an lành.

 c.  Kiêng tránh do đoạn trừ(samuccheda virati).
Là tuyệt đối không còn vi phạm, do đã chứng đạt Nípbàn, nhổ lên tận gốc rễ (setughāta – phá bỏ cây cầu), không có sự liên lạc với ác, bất thiện.
Như bậc Dự lưu tuyệt đối không phạm vào ngũ giới, một tư tưởng sát hại chúng sinh, lấy của không cho ... không hề khởi lên cho vị thánh Dự lưu.
Bậc Thánh Anahàm, một tư tưởng hành dâm cũng không khởi lên, bậc Alhán một tư tưởng bất thiện không hề có.
Trong ba loại kiêng tránh, kiêng tránh do chấp nhận điều học (tức là giới tu tập) là quan trọng nhất vì hiểu rõ lợi ích của giới.

Kiêng tránh do đoạn trừ là giới thành tựu, giới thành tựu là kết quả của giới tu tập, vị ấy không cần phí sức nhiều như giới tu tập.
Còn kiêng tránh do thói quen có thể là loại tâm thiện không có trí, là bản năng tự nhiên, như người xứ Bắc cưu lô châu (Uttarakurudīpa) gìn giữ giới một cách tự nhiên, nhưng những người ở châu này không chứng đạo quả.
Chỉ có giới do thọ trì, đưa bậc trí đến giải thoát khổ, vì hiểu rõ giới cùng lợi ích của giới.
“Dussīlassa bhikkhave, sīlavipannassa hatūpaniso hoti sammāsamādhi.
Sammāsamādhimhi asati sammāsamādhivipannassa hatūpanisaṃ hoti yathābhūtañāṇadassanaṃ...
“Này các Tỳkhưu, với người ác giới, với người phá giới (sīlavipannassa), chánh định nhân vậy bị phá hoại (hatūpaniso).
Khi chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như thật tri kiến nhân vậy bị phá hoại”...[79]

Lại nữa, sự thọ trì giới được nghiêm túc là do nương vào đức tin, đức tin sung mãn thì giới sẽ không hề bị vi phạm, trái lại đức tin yếu kém hay hạn hẹp, người này sẽ vi phạm vào giới.
“...Saddhaṃ kulaputtaṃ nissāya antojano pañcahi vaḍḍhīhi vaḍḍhati. Katamāhi pañcahi?
Saddhāya vaḍḍhati, sīlena vaḍḍhati, sutena vaḍḍhati, cāgena vaḍḍhati, paññāya vaḍḍhati.

“...Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình lớn lên  về 5 phương diện. Thế nào là năm?
Lớn lên về lòng tin, lớn lên về giới, lớn lên về học hỏi, lớn lên về dứt bỏ, lớn lên về trí tuệ.”  [80].
Đoạn kinh trên cho thấy Đức Phật nêu lên lòng tin trước, khi lòng tin tăng trưởng thì giới tăng trưởng.
Lại nữa, một trong 5 tâm cứng rắn (cetokhila) là: “Nghi ngờ Học giới (sikkhāya kaṅkhati)”, vị Tỳkhưu có tâm nghi ngờ Học giới sẽ không sẽ không trưởng thành, hưng thịnh trong giáo pháp này [81].
Do đó, các Giáo Thọ sư dạy rằng: “Sự thọ trì học giới do nương vào đức tin”.

2-Phân tích thiện nghiệp.
- Phân tích theo pháp (dhammato).
Ba thân thiện nghiệp (không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong dục lạc) thuộc về thân, do tâm sở Tư điều sử dựa trên tác ý đúng.
Bốn ngữ thiện nghiệp (không nói dối, không nói đâm thọc, không nói thô ác, không nói nhãm nhí) là ngữ, do tâm sở Tư điều sử dựa trên tác ý đúng.
Ba ý thiện nghiệp (không đắm nhiễm, không sân và trí) thuộc về ý, do tâm sở Tư điều sử các tâm sở phối hợp với nó, dựa trên tác ý đúng.
- Phân tích theo nhóm (koṭṭhāsato).
Bảy thiện nghiệp thuộc thân và ngữ là thiện, không phải là căn (mūla) thiện.
Ba ý thiện nghiệp là pháp thiện lẫn căn thiện, ý không tham là căn vô tham (alobhamūlaṃ), ý không sân là căn vô sân (adosamūlaṃ), chánh kiến là căn vô si (amohamūlaṃ).
- Phân tích theo đối tượng (ārammaṇa).
Đối tượng của thiện nghiệp tương tự như bất thiện nghiệp, chỉ khác là “không tạo ra ác, bất thiện.
- Phân tích theo thọ (vedanāto).
Các thiện nghiệp này chỉ có hai thọ là: lạc và xả, vì thiện nghiệp không có khổ thọ.

- Phân tích theo căn (mūlato).
Bảy thiện nghiệp đầu: Nếu được làm bởi tâm thiện ly trí thì có hai căn là vô tham và vô sân.
Nếu làm với tâm thiện có trí thì đủ ba căn là: Vô tham, vô sân và vô si.
Ý không tham trong tâm thiện ly trí chỉ có một căn là căn vô sân, trong tâm thiện có trí thì có hai căn là: vô sân và  vô si.
Vì “vô tham” nó chính là căn, nó không thể đi chung với chính nó.
Ý không sân trong tâm thiện ly trí, có một căn là vô tham, trong tâm thiện có trí có hai căn: Vô tham và vô si.
Chánh kiến có hai căn là: Vô tham – vô sân.

Ngoài ra, nếu phân tích theo Tứ đế thì:

a- Bất thiện nghiệp.
Bảy bất thiện nghiệp đầu là khổ đế trực tiếp.
 Ý tham đắm (abhijjhā) là tập đế trực tiếp.
Ý hiềm hận (byāpāda), ý tà kiến vừa là khổ đế vừa là tập đế gián tiếp.

b- Thiện nghiệp.
Bảy thiện nghiệp đầu là khổ đế gián tiếp.
Ý vô tham, ý vô sân vừa là khổ đế gián tiếp vừa là tập đế gián tiếp.
Chánh kiến trong tâm đạo là đạo đế, trong tâm hiệp thế vừa là khổ đế gián tiếp vừa là tập đế gián tiếp.
Chánh kiến trong tâm quả siêu thế là ngoại đế.
Diệt trừ ác, bất thiện nghiệp là diệt đế (tạm thời).

Dứt phần trí biết rõ về bất thiện và thiện.

-ooOoo-

[71]- Xem Quy Trình Tâm Pháp. (TK Chánh Minh biên soạn).
[72]- Thera, 94- Ngài MahāKassapa.
[73]- Đại Đức Thiện Phúc (d), Sớ giải kinh Chánh tri kiến.
[74]- Xem Luật phân tích Tỳkhưu.
[75]- Xem Luật phân tích Tỳkhưu ni- Đại Đức Giác Giới dịch.
[76]- HT. TMC (d), A.i, 232 , Pathamasikkhāsuttaṃ (Kinh Bản đọc tụng thứ nhất). 
[77]-HT. TMC (d), A.iv,  197. Pháp tám chi, Pahārādasuttaṃ (Kinh Atula Pahārāda).
[78]- Vsm, 99.
[79]- HT. TMC (d), A.iii, 19.  Pháp năm chi, Dussīlasuttaṃ (Kinh Ác giới).
[80]- HT. TMC (d), A.iii, 44. Pháp năm chi, Mahāsālaputtasuttaṃ (Kinh cây Sāla lớn).
[81]- M.i, kinh số 16- Cetokhilasuttaṃ ( kinh Tâm hoang vu).

TK Chánh Minh biên soạn


-ooOoo-