Friday, July 31, 2015

Thực tình mà nói, ai mà biết được ở cõi Niết Bàn có cái gì?



  Không biết thì có mấy ai lại chịu đem đổi cái mình đang có để lấy một cái Niết Bàn xa xăm nào đó?  Kính lạy Phật, khi con nói những lời nầy, con không sợ Phật giận, mà con biết chắc rằng Phật sẽ không bao giờ giận.  Hơn nữa, con đã nói lên một sự thật, thưa Phật!  Bây giờ chỉ có điều là làm sao cho con và chúng sanh đang sống ở cõi Ta Bà nầy cũng hưởng được sự an lạc và thanh tịnh như Ngài ở cõi Niết Bàn vậy thôi.
Sống ở cõi Ta Bà nầy mà rũ bỏ được những lo lắng, những ưu tư phiền muộn thì có khác chi là cõi Niết Bàn của chư Phật đâu?  Tuy nhiên, muốn được như vậy thì phải ngày ngày hằng sống với thực tại và tỉnh thức để tự mình nhìn ra cho được chân tướng, mặt mũi của mình.  Phải kinh qua tự thân mà thực chứng; nghĩa là phải sống với thiền.  Sống một cách bình thường đơn giản; đừng rắc rối, đừng mơ tưởng gì đến thiên nhãn thông, hoặc thần túc thông… Mơ tưởng để làm gì khi những dấu chân ta hãy còn là những dấu chân của lo âu và phiền muộn.  Hãy sống tỉnh thức trong cuộc sống, hãy trở về với thực tại và phải tự mình tìm đường trở về với mình, trở về với cái bản lai chân diện mục của mình thì ta sẽ thấy không còn những bước chân trĩu nặng lo âu nữa; ta không còn gì để đau khổ phiền não nữa.
Tại sao lại gọi là thế giới Ta Bà?  Thế giới Ta Bà có khác chi Niết Bàn hoặc Tịnh Độ không?  Thế giới Ta Bà, Niết Bàn khác nhau ở chỗ nào? Niết Bàn là sự trống vắng của lo âu, phiền muộn và đau khổ; còn Ta Bà là lo âu, phiền muộn và đau khổ.  Như vậy, Ta Bà,  Niết Bàn chỉ khác đối với ai chưa hằng sống với thiền, chứ một khi đã hằng sống với thiền thì ta sẽ thấy trống vắng đi lo âu, phiền muộn và đau khổ.  Như vậy khi sống với Thiền thì Ta Bà là gì nếu không là Niết Bàn?  Hãy thực sống với thiền, hãy thực sự trở về với chính ta để được nghe tiếng hót líu lo của những loài chim ở cõi Ta Bà.
Thực sự với tôi, ngay cả hồi tôi chưa biết tí nào về thiền, tôi vẫn ưa thích tiếng chim của cõi Ta Bà hơn, tôi vẫn ưa thích cái thanh tịnh của những con đường đất quê tôi, hoặc những con đê, bờ ruộng… Tôi vẫn thích làm sao cho cõi Ta Bà nầy thành thanh tịnh, ở đây và bây giờ, hơn là đi về một cõi xa xăm nào mà tôi chưa từng biết.  Tuy nhiên, một khi đã hiểu biết thêm về Phật pháp thì Ta Bà, Niết Bàn, có hay không là do nơi mình.  Do chính cái tâm của mình.  Biết được như vậy, từ đó tôi thương cái cõi Ta Bà nầy hơn. 
Những lời mà thiên hạ đã tán thán đức Từ Phụ quả là không thể nghĩ bàn.  Ngài đã chỉ ngay cho tôi thấy Ta Bà, Niết Bàn là ở ngay tâm nầy mà ra.  Từ bây giờ và mãi về sau nầy, với tôi, cõi nước nầy chính là Niết Bàn, chứ không phải đi tìm ở mãi đâu.  Từ ngày đến với thiền, tôi đã ngày ngày sống với thực tại, sống trong tỉnh thức, và sống thiền bằng chính tự thân của mình.  Bây giờ với tôi, Ta Bà hay Niết Bàn là tự nơi mình.  An lạc hay không là tự nơi mình.  Thế giới có an lạc hay không là tự nơi lòng ta có an lạc hay không.  Ta không an lạc thì có khi chính mình đi biến cho những người quanh mình đi vào chỗ không an lạc.  Tiền tài, danh vọng, nhà lầu, xe đẹp càng nhiều chừng nào thì ta càng khó có được an lạc chừng nấy.  Hãy lắng lòng mà nghe lời dạy của Phật trong kinh: “tâm tịnh thì thế giới tịnh.”  Hãy áp dụng một cách rốt ráo lời dạy nầy trong cuộc sống hàng ngày của ta, ấy là ta đã góp phần thanh tịnh hóa cõi Ta Bà nầy vậy.  Mong cho ai nấy đều rũ bỏ được những thứ ấy, rũ bỏ cả những lo âu phiền muộn để cùng nhau biến cõi Ta Bà nầy thành Niết Bàn.

Thursday, July 30, 2015

Bốn cái vô lượng tâm Từ Vô Lượng Tâm. Từ Vô lượng tâm là gì?



Mục đích tối thượng của người tu thiền là gì?  Có phải là giác ngộ và giải thoát rốt ráo không?  Vâng, đúng vậy, mục đích của người tu thiền là giác ngộ và giải thoát một cách rốt ráo.  Nếu với mục đích tối thượng ấy thì người tu thiền có liên hệ gì với tứ vô lượng tâm?
Trước tiên là Từ Vô Lượng Tâm. Từ Vô lượng tâm là gì?  Từ vô lượng tâm không phải là cái lòng thương yêu quyến luyến của phàm phu, mà là một tình yêu phát xuất từ lòng từ, mẫn chúng; muốn chúng sanh xa gần đều được an lạc và hạnh phúc.  Người tu thiền mà không có lòng từ thì chẳng những không có lòng thương xót chúng sanh, mà còn vướng mắc cái ích kỷ, bỏn xẻn, nhỏ nhen nữa là khác.

Kế tiếp là Bi Vô Lượng Tâm là cái lòng thương xót mọi loài đang bị đau khổ.  Vì lòng thương xót ấy mà người tu thiền nguyện sẽ không sát hại một chúng sanh nào.  Vì cái lòng thương xót nầy mà người tu thiền xem tất cả những sinh vật nhỏ bé khác như những người anh em lạc loài.  Nếu không giúp được thì thôi chứ không đành lòng giết chúng để ăn thịt.  Người tu thiền mà có được cái bi vô lượng tâm nầy thì lúc nào cũng muốn làm vơi đi những nỗi đau khổ phiền não của người khác.

Vô lượng tâm thứ ba là Hỷ Vô Lượng Tâm.  Hỷ có nghĩa là vui mừng với mình và với người.  Thói thường thấy người giàu có và hạnh phúc, ta như ganh tị; thấy người vui, ta như xốn xang.Tuy nhiên, với Hỷ vô lượng tâm, thấy người an lạc là ta an lạc; thấy người hạnh phúc là ta hạnh phúc.  Một cái tâm như vậy thì việc sáng tỏa trí tuệ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Vô Lượng Tâm cuối cùng là Xả vô lượng tâm.  Người với Xả vô lượng tâm thì không còn bị những thăng trầm chi phối nữa.  Đối với họ, những thăng trầm và buồn vui của cuộc đời chỉ là gió thoảng mây bay mà thôi,  không có quan hệ gì.  Người tu thiền mà thiếu xả vô lượng tâm thì không bao giờ buông bỏ được cái gì cả.  Mua vốn một, bán ra năm, sáu.  Trong trương mục có chín ngàn thì ráng tìm thêm một ngàn nữa cho chẵn chục, chứ đời nào chịu ngồi yên.  Cứ như thế mà hết ngày dài rồi lại đêm thâu; họ đi từ nơi nầy đến nơi khác để gom góp.  Một mình gom góp không vừa lòng, bèn rủ cha, mẹ, vợ, con, bà con dòng họ cùng đi gom góp.  Cái tâm như vậy đó mà biểu định thì định làm sao cho vô!  Cái tâm như vậy đó mà biểu phát trí tuệ thì làm sao mà phát!

Tóm lại, người Phật tử hành thiền nên luôn nhớ bốn cái vô lượng tâm không thể thiếu một.  Có thể vì mới tu nên một trong những vô lượng tâm chưa được phát triển đầy đủ, chứ không thể nào không có; vì nếu như thiếu mất một trong bốn vô lượng tâm thì nào có khác chi chiếc ghế bốn chân mà mất một, còn lại ba; đâu có được sự thăng bằng.  Sự giác ngộ và giải thoát cũng thế; nếu thiếu mất đi một Vô Lượng Tâm trong thiền quán thì cuộc tu tập sẽ trở nên chẳng những vô bổ, mà còn lãng phí đi thì giờ nữa.

Wednesday, July 29, 2015

Trong việc thực hành Thánh Pháp , 8 Chi Chánh Đạo



 Hay Đạo Đế (Maggasacca), phải thực hành một Đạo chi là Chánh Định (Sammāsamādhi).

Khi thành tựu được 8 Chi Chánh Đạo này thì Tuệ Minh sát (Vipassanāñāṇa) sinh khởi. Khi Tuệ Minh sát sinh khởi thì Đạo Tuệ (Maggañāṇa) và Quả Tuệ (Phalañāṇa) cũng đạt được.

Để Tuệ Minh sát sanh khởi cần phải có Chánh Định “Sammāsamādhi”, Chánh Định thuộc Phần Định.

Để Tuệ sinh khởi, trước hết cần phải thiết lập Samādhi (Định). Không có Định thì không có Tuệ.

        Pāḷi: Katamā ca bhikkhave sammāsamādhi?
Dịch nghĩa: Này chư Tỳ-kheo, Chánh Định là gì?” 

Chính Đức Phật Ngài đã hỏi Chư Tỳ-kheo và cũng chính Ngài trả lời:
“Pathamajhānaṃ dutiyajhānaṃ tatiyajhānaṃ catutthajhānaṃ upasampajja viharati. Ayaṃ vuccati sammāsamādhi”

Ngài đã trả lời rằng: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền gọi là Chánh Định. 

Nếu không thể hành thiền để đạt Định, người ấy có thể nỗ lực hành thiền để đạt cận định hoặc phiến thời Định “Khaṇikasamādhi”. Phiến Thời Định “Khaṇikasamādhi” này cũng nằm trong Samatha mà thôi.
Để đạt được Thiền (Jhāna), Đạo (Magga), Quả (Phala), mỗi khi nổ lực hành thiền có những triền cái (những pháp che án, cản trở) cần phải được loại trừ. 

Khi các triền cái ngưng bặt - đạt Định
Định đạt – Thì đạt Tuệ
Tuệ đạt thì đạt Đạo Tuệ - Quả Tuệ.
“Samāhito bhikkhave yathabhūtaṃ pajānāti” (Đức Phật)
Có Định, này Chư Tỳ-kheo, sẽ thấy được các Pháp như thật, (Có Định, biết rõ như thật trí) – Tương Ưng Sự Thật.

Nīvaraṇa = Triền cái, những pháp cái che án, cản trở con đường đến Thiền, Đạo, Qủa.
1.   Kāmachandanīvaraṇa  Tham dục pháp cái
2.   Byāpādanīvaraṇa                Sân hận pháp cái
3.   Thinamiddhanīvaraṇa  Muội lược, hôn trầm, thuỵ miên Pháp cái
4.   uddhaccakukkucca     phóng dật, trạo cử
5.   vicikiccha                   hoài nghi, tin hay không tin
+ Avijjā                         không biết đúng đắn
Nói tóm lại: Cần phải thực hành Định.

Tuesday, July 28, 2015

Thiền là trở về với thực tại




Thiền là gì?  Thiền là trở về với thực tại, là sống trong tỉnh thức, là kinh nghiệm nơi chính mình để nhận biết hiện tại nó là.  Mà nhận ra được thân tâm là thấy được sự thật tuyệt đối, là Niết Bàn. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy đâu!  Đã biết bao nhiêu người tu thiền, mà có mấy ai sống tỉnh thức đâu?  Nói vậy không có nghĩa là thấy khó mà không làm. Nhờ tình trạng giác ngộ sâu xa, hành giả từ bỏ được cái tôi. Khi hành giả bỏ đi cái “ TÔI”, một khi cái TÔI đã chết thì "đời sống" mới bắt đầu, đó là một cuộc sống tự tại và an lạc.

Khi ngồi thiền ta thấy rõ thân nầy là không thật, tâm nầy là không thật; những suy tưởng thương, ghét, buồn, giận, vui… cũng là những niệm khởi, do bởi vô minh mà ta đã nhận chúng làm mình.  Khi đã thiền rồi thì ta thấy rõ rằng cái gì không động và thường hằng mới thật là chân tâm, cái gì dao động không thực đều là phóng tâm.  Thấy rõ như vậy thì những niệm khởi đều là không thật, cần phải buông xả, không theo.  Niệm dấy lên là phóng tâm nên ta phải luôn tỉnh thức để đừng nhận nó, cũng đừng theo nó.

Ta phải làm gì khi đang ngồi thiền mà niệm cứ dấy lên?  Khi đang ngồi thiền mà niệm cứ dấy lên ta đừng sợ; cứ để chúng đến.  Chúng đến không ai mời, không ai giữ, cũng không ai đuổi.  Trên đường đi của một người theo dõi tâm, chó sủa mặc chó, đường ta, ta cứ đi.  Hãy luôn nhớ lời dạy của Đức Từ Phụ trong Kinh.

Với người theo dõi tâm chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ vì chạy theo niệm mà giác ngộ chậm đi thôi.  Niệm khởi mà theo là vướng; niệm khởi mà cầm niệm ở lại chơi là vướng; niệm khởi mà cứ lây quây lo đuổi niệm cũng là vướng.  Chính những cái vướng nầy nó làm cho ta giác ngộ chậm đi.  Với người theo dõi tâm, chó sủa mặc chó, chứ không bao giờ ngoảnh đầu lại hỏi coi chó nhà ai sủa; một khi ngoảnh lại hỏi thì đến nơi chậm hơn là cái chắc rồi.  

Với người theo dõi tâm, mỗi lần niệm khởi là mỗi cơ hội cho ta sống tỉnh thức; cứ niệm khởi liền hay biết; hay biết tức niệm diệt. Cứ như thế mà từng sát na, từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày và mãi mãi ta sống tỉnh thức… Hay biết cho đến khi niệm thưa dần và dứt hẳn.  Ai cũng biết nói dễ làm khó.  Là Phật tử chân chánh, hễ nói dễ thì làm cũng dễ.  Hãy kiên trì thanh lọc, thanh lọc mãi cho đến khi nước trong, gạo trắng mới thôi.

Một hành giả đã từng diễn tả lại khi tập luyện khi ngồi nhắm mắt và cảm nhận như sau:
"Tôi cảm nhận sự hiện diện của tất cả mọi người, những động vật xung quanh, một bầu không khí thái bình, một sự yên tịnh không tả nổi. Tôi đứng bên cạnh họ với một tâm trạng vô tư, hoàn toàn không quen biết, nhưng với một tình thương ấm áp. Tâm trạng này không dễ miêu tả bởi vì nó quá đơn giản, quá tự nhiên. Tôi chỉ cầu mong nhớ lại được trạng thái này trước khi tôi qua đời.

NẾU



Cuộc sống không thể mãi để từ NẾU đeo bám chúng ta. Chúng ta toàn để chuyện sảy ra rồi mới nghĩ rằng nếu thế nọ, nếu thế kia rồi nuốt tiếc sự việc sẽ không có kết cục như hiện nay.


Sao chúng ta không tự rút kinh nghiệm để chúng ta không phải đưa ra phương án giả định NẾU cho thì quá khứ. Không phải hối hận hay suy nghĩ nhiều thêm cho 1 sự việc đã qua.


Nên TIÊN TRÁCH KỈ HẬU TRÁCH NHÂN khi mỗi sự việc không như ý sẽ là 1 bài học rút kinh nghiệm để nhìn nhận tốt hơn cuộc sống xung quanh. Đặt giả định NẾU sẽ làm bạn nghĩ nhiều và áy náy nhiều hơn.


THAY VÌ NẾU BẠN HÃY CHỌN BỎ QUA BẠN NHÉ.


Thực ra chẳng có ai vừa sinh ra đã thích hợp một cái gì cả. Thực ra sự biến hoá sau này rất quan trọng. Thích hợp hay không đều do tư duy và ý chí của mình quyết định cả.


Cố gắng thích hợp còn hơn là đầu hàng buông bỏ việc đang có.


st