Sunday, July 12, 2015

Đức Phật (Buddha), Giáo Pháp (Dhamma) và Chư Tăng (Saṅgha).



Hành giả phải có niềm tin mãnh liệt nơi Đức Phật (Buddha), Giáo Pháp (Dhamma) và Chư Tăng (Saṅgha). Hành giả phải tin rằng những gì Đức Phật nói về vòng sanh tử luân hồi là thực. Cho dù hành giả đã làm được nhiều thiện nghiệp trong kiếp này, nếu hành giả vẫn chưa chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna), hành giả sẽ phải tiếp tục trôi lăn trong vòng luân hồi, cảm thọ những khổ đau của sanh, lão, bệnh và tử, v.v… Và nếu một nghiệp bất thiện nào đó của hành giả chín mùi vào sát-na cận tử ở bất kỳ kiếp nào, hành giả sẽ phải tái sanh vào một trong bốn ác đạo, ngay cả trong địa ngục, cảm thọ khổ rất khốc liệt. Trong Kinh Hiền Ngu (Bālapaṇḍita Sutta), Đức Phật đã nói với các vị Tỳ-kheo như vầy:

‘Người ngu sau khi phạm tà hạnh về thân, về lời nói, về tâm ý, vào lúc thân hoại mạng chung, sanh vào trong tình trạng bần cùng, trong một sanh thú bất hạnh, thậm chí trong địa ngục.

‘Nếu nói một cách đúng đắn thì phải nói: “Nơi ấy hoàn toàn không đáng mong muốn, hoàn toàn không vừa ý,” về địa ngục, chính đáng mà nói, sẽ phải nói như vầy, cái khổ ở địa ngục là rất nhiều đến nỗi khó tìm ra được một ví dụ để so sánh.

Khi điều này được nói, một vị Tỳ-kheo đã hỏi đức Thế Tôn: ‘Nhưng, bạch đức Thế Tôn, ngài có thể đưa ra một ví dụ được không?’

‘Có thể được, này Tỳ-kheo,’ Đức Thế Tôn nói. ‘Này các Tỳ-kheo, giả sử có người bắt được một tên trộm, và đưa hắn tới trình vua, người này nói: “Tâu Đại Vương, đây là một tên trộm. Hãy ra lệnh trừng phạt hắn theo ý ngài.” Rồi đức Vua nói: “Hãy đem người này đi và đâm người này vào buổi sáng với một trăm mũi giáo.” Và họ đâm hắn một trăm mũi giáo vào buổi sáng. Đến trưa nhà Vua hỏi: “Người ấy thế nào rồi?” — “Tâu Đại Vương, hắn vẫn còn sông.” Rồi đức Vua nói: “Hãy đi và đâm người này vào buổi trưa với một trăm mũi giáo.” Và họ đâm hắn một trăm mũi giáo vào buổi trưa. Đến chiều đức Vua hỏi: “Người ấy thế nào rồi?” — Tâu Đại Vương, hắn vẫn còn sống.” Đức Vua nói: “Hãy đi và đâm người này vào buổi chiều với một trăm mũi giáo.”  Và họ đâm hắn với một trăm mũi giáo vào buổi chiều. Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo? Liệu người ấy có cảm thọ khổ và ưu do bị đâm với ba trăm mũi giáo như vậy không?’

‘Bạch Đức Thế Tôn, dù bị đâm ngay cả với với một mũi giáo thôi, người ấy chắc chắn sẽ cảm thọ khổ ưu rồi, nói gì đến ba trăm.’

Rồi, cầm lấy một viên đá nhỏ cỡ bằng bàn tay, Đức Thế Tôn nói với các vị Tỳ-kheo như vầy: Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào. Cái nào là lớn hơn, viên đá nhỏ ta cầm, cỡ bằng bàn tay của ta, hay núi Tuyết Sơn (Himalaya), vua của các quả núi?’

‘Bạch Đức Thế Tôn, viên đá nhỏ mà Đức Thế Tôn đang cầm, cỡ bằng bàn tay của ngài, không đáng kể gì bên cạnh núi Tuyết Sơn, vua của các quả núi kia; thậm chí nó không bằng một phần nhỏ, làm thế nào có sự so sánh được.’

‘Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, khổ ưu mà người kia cảm thọ do bị đâm với ba trăm mũi giáo không đáng kể so với cái khổ địa ngục; nó không bằng một phần nhỏ, làm thế nào có sự so sánh được. Bây giờ, này các Tỳ-kheo những người coi địa ngục hành hạ người ấy với năm loại đâm xuyên, họ đóng một cây cọc sắt nóng đỏ xuyên qua một tay, họ đóng một cấy cọc sắt nóng đỏ xuyên qua một tay khác, họ đóng một cây cọc sắt nóng đỏ xuyên qua một chân, họ đóng một cây cọc sắt nóng đỏ xuyên qua một chân khác, và họ đóng một cây cọc sắt nóng đỏ xuyên qua bụng người ấy. Ở đó người ấy cảm giác những cảm thọ đau đớn, đau nhói, thấu tận xương tuỷ. Tuy thế nó vẫn không chết bao lâu ác nghiệp ấy chưa cho hết quả báo của nó.

Kế tiếp những người coi địa ngục ném người ấy xuống và chặt người ấy với những lưỡi búa. Ở đó người ấy cảm giác những cảm thọ đau đớn, đau nhói, thấu tận xương tuỷ. Tuy thế nó vẫn không chết bao lâu ác nghiệp ấy chưa cho hết quả báo của nó.

Kế tiếp những người coi địa ngục treo ngược chân người ấy lên, đầu quay trở xuống và chặt người ấy với những lưỡi rìu. Ở đó người ấy cảm giác những cảm thọ đau đớn, đau nhói, thấu tận xương tuỷ. Tuy thế nó vẫn không chết bao lâu ác nghiệp ấy chưa cho hết quả báo của nó.

Kế tiếp, những người coi địa ngục thắng yên cương cho người ấy vào một cỗ xe và đánh cho người ấy chạy qua chạy lại ngang qua bãi than nóng, cháy rực, cháy hừng. Ở đó người ấy cảm giác những cảm thọ đau đớn, đau nhói, thấu tận xương tuỷ. Tuy thế nó vẫn không chết bao lâu ác nghiệp ấy chưa cho hết quả báo của nó.

Kế tiếp những người coi địa ngục bắt người ấy trèo lên tụt xuống một núi than đang cháy lớn, cháy rực, cháy hừng. Ở đó người ấy cảm giác những cảm thọ đau đớn, đau nhói, thấu tận xương tuỷ. Tuy thế nó vẫn không chết bao lâu ác nghiệp ấy chưa cho hết quả báo của nó.

Kế tiếp những người coi địa ngục nắm chân người ấy lên đầu chúc xuống và nhận vào trong một vạc đồng nóng đỏ, đang sôi, cháy rực, cháy hừng. Người ấy bị nấu trong vạc đồng quay cuồng sủi bọt đó, lúc bị cuốn lên, lúc bị cuốn xuống, và lúc bị cuốn ngang. Ở đó người ấy cảm giác những cảm thọ đau đớn, đau nhói, thấu tận xương tuỷ. Tuy thế nó vẫn không chết bao lâu ác nghiệp ấy chưa cho hết quả báo của nó.

Kế tiếp những người coi địa ngục ném người ấy vào Đại Địa Ngục. Và này các Tỳ-kheo, về Đại Địa Ngục đó:
Nó có bốn góc và
Bốn cửa ở bốn bên,
Tường sắt bao chung quanh,
Với mái sắt  bên trên,
Sàn cũng làm bằng sắt
Được nung nóng với lửa.
Toàn bộ một trăm lý
Sức nóng bao phủ khắp.

Này các Tỳ-kheo, bằng nhiều cách Ta có thể nói cho các ông về địa ngục. Song cái khổ ở địa ngục thì nhiều đến nỗi khó mà có thể tìm ra được một ví dụ.

Ở đây, tôi muốn hỏi quý vị: Quý vị cảm thấy thế nào nếu quý vị bật một cây diêm và dùng ngọn lửa ấy để đốt ngón tay của quý vị trong một phút thôi? Có phải nó rất đau không? Và bây giờ quý vị thử suy xét xem: Nếu toàn thân quý vị bị đốt cháy hay bị nấu sôi trong địa ngục một thời gian dài quý vị sẽ cảm thấy như thế nào? Đức Phật không có ý định làm cho chúng ta sợ hãi với những gì ngài nói trong kinh, mà ngài chỉ đưa ra những sự thực cốt để đánh thức ước muốn thiện mạnh mẽ trong chúng ta để nỗ lực thực hành ngõ hầu tránh rơi vào tình trạng đáng thương như thế mà thôi.