Wednesday, December 30, 2015

Động tâm – cảm giác về sự khẩn cấp Video hướng dẫn thiền hành

Video hướng dẫn thiền hành
Video Niệm hơi thở và kỹ thuật vượt qua chướng ngại

Người có nhận thức trực tiếp và trong sáng, khi khởi lên cảm giác khẩn cấp (động tâm) từ những sự việc gây xúc động sâu sắc, sẽ kinh nghiệm một sự giải phóng năng lượng và lòng can đảm, giúp anh ta vượt qua được sự do dự, e dè và những thông lệ cứng nhắc trong cuộc sống và suy nghĩ. Nếu cảm giác động tâm về sự khẩn cấp ấy được duy trì, nó sẽ đem đến nhiệt tâm và lòng kiên trì, bền bỉ cần phải có cho công việc giải thoát. Do đó các vị trưởng lão thời xưa đã nói: 
Chính thế gian này là trú xứ của các hành động của chúng ta.
Đạo lộ cao thượng sẽ được mở ra từ nơi đó,
Cùng bao nhiêu thứ để phá vỡ lòng tự mãn.
Hãy động tâm với những gì đáng động tâm,
Khi đã động tâm, hãy gắng sức một cách trí tuệ và chiến ðấu! 
         Môi trường xung quanh chúng ta đầy rẫy những điều để khởi lên động tâm. Nếu chúng ta không nhận ra được điều đó, là bởi vì thói quen đã làm cho cái nhìn của chúng ta mê mờ, si muội và trái tim ta chai lì, không còn nhạy cảm nữa. 
         Ngay cả đối với những lời dạy của Đức Phật, điều như vậy cũng xảy ra với chúng ta. Lần đầu gặp Phật Pháp, về cảm xúc và tri thức chúng ta cảm thấy vô cùng hoan hỷ và nhiệt tâm; nhưng dần dần niềm hoan hỷ đó mất dần động lực và sự mới mẻ ban đầu. Giải pháp là chúng ta phải thường xuyên làm mới nhiệt tâm ấy bằng cách quay lại với cuộc sống tràn đầy xung quanh mình, cuộc sống ấy đang khắc họa Bốn Chân lý cao thượng với những biến tấu đầy mới mẻ.  
Một sự nhận thức trực tiếp sẽ mang đến dòng máu mới cho thậm chí đến cả những kinh nghiệm thường tình nhất trong cuộc sống hàng ngày, để bản chất thực của chúng hiện lên xuyên qua màn sương mờ ảo của thói quen và nói cho chúng ta bằng một giọng nói mới mẻ. Nó có thể là hình ảnh một người ăn mày quen thuộc ở góc phố mỗi ngày, một đứa trẻ đang khóc hay một người bạn ốm đau. Những hình ảnh đó làm cho chúng ta giật mình tỉnh thức, khiến chúng ta phải suy nghĩ và khởi lên cảm giác khẩn cấp phải quyết tâm bước đi trên đạo lộ giải thoát khổ đau. 
            Chúng ta đều đã biết câu chuyện thái tử Siddhattha (Tất-Đạt-Đa) lần đầu nhìn thấy cảnh đau, già, bệnh, chết trên đường ra ngoài thành du ngoạn, sau một thời gian dài trong cuộc sống nhung lụa cách xa thực tế khổ đau. Câu chuyện này có thể hoàn toàn có thật, bởi chúng ta biết rằng trong cuộc sống của rất nhiều con người vĩ đại, một sự việc thường tình có thể mang một ý nghĩa quan trọng và dẫn đến những hệ quả to lớn vượt ra khỏi hình ảnh tầm thường của sự việc. Những tâm hồn vĩ đại tìm thấy ý nghĩa ở những việc tưởng chừng như rất tầm thường và từ những phút giây thoáng qua ấy đem đến những tác động lớn lao. 

Song dù không đặt vấn đề hoài nghi sự thật đằng sau câu chuyện cổ ấy, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng thái tử trẻ tuổi đã từng chính mắt thực sự nhìn thấy cảnh người già, bệnh, chết trước đó. Tuy nhiên, trong tất cả những dịp trước, ngài không cảm thấy động tâm sâu sắc trước những hình ảnh đó - cũng giống như hầu hết chúng ta, trong mọi lúc cũng vậy. Sự thiếu nhạy cảm đó có thể là do cuộc sống được bao bọc quá cẩn thận, đầy vui thú dục lạc của hoàng cung, một cuộc sống tách biệt khỏi thế giới thực tế bên ngoài mà vua cha đã sắp đặt.
 Chỉ khi thoát ra khỏi chiếc lồng vàng của các thói quen dễ dãi đó thì thực tế khổ đau mới có thể khiến ngài động tâm đến mức như thể được nhìn thấy lần đầu tiên trong đời. Chỉ khi đó trong tâm ngài mới khởi lên cảm giác về sự khẩn cấp, đưa ngài rời bỏ cuộc sống gia đình và dấn bước trên con đường tìm cầu giác ngộ. 

        Khi tâm thức và trái tim chúng ta đáp ứng lại sự thật của khổ hiện diện trong những sự kiện bình thường của kiếp sống càng rõ ràng và sâu sắc bao nhiêu, thì chúng ta càng đỡ phải học lại những bài học giác ngộ của mình và hành trình luân hồi càng ngắn lại bấy nhiêu. Sự rõ ràng của nhận thức kích hoạt hành động đáp ứng của chúng ta đến từ sự nhận thức trực tiếp không bị chệch hướng, có được từ ghi nhận thuần túy (sati-chánh niệm); và chiều sâu của kinh nghiệm đến từ sự suy xét trí tuệ hay là sự tỉnh giác (sampajañña).

Tuesday, December 29, 2015

Dòng suy nghĩ liên tưởng

 Các thói quen gắn mình vào một khuôn mẫu phản ứng nhất định, vào một chuỗi các hành động nhất định, cách đánh giá nhất định về con người và sự việc… diễn ra nhờ các dòng suy nghĩ liên tưởng. Từ những đối tượng, các quan điểm, hoàn cảnh và con người mà chúng ta gặp, tâm chúng ta lựa chọn một số dấu hiệu nổi bật nhất định và gắn liền dấu hiệu này với các phản ứng của mình với chúng. Khi gặp lại đối tượng ấy, hoàn cảnh ấy, đầu tiên chúng sẽ liên kết với các dấu hiệu được lựa chọn trước kia, và truy ra phản ứng đầu tiên hay phản ứng mạnh nhất của mình từ những lần gặp gỡ trước. Vì vậy, những dấu hiệu này trở thành tín hiệu để phóng thích ra một kiểu phản ứng cố định, có thể bao gồm cả chuỗi dài các hành động và suy nghĩ liên quan quen thuộc qua những trải nghiệm lặp lại nhiều lần trước kia. 

Cách thức vận hành như thế này khiến chúng ta không cần thiết phải có những cố gắng mới hay khó nhọc suy xét mỗi bước đi trong cả chuỗi phản ứng ấy. Kết quả là một cuộc sống bị đơn giản hóa rất nhiều, cho phép con người dành năng lượng cho những công việc khác. Thực ra, trong quá trình tiến hóa của con người, suy nghĩ liên tưởng là một bước tiến hóa vô cùng quan trọng. Nó cho phép chúng ta học hỏi từ những kinh nghiệm, từ đó dẫn đến những phát hiện mới về các quy luật nhân quả, cũng như việc áp dụng chúng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích này, suy nghĩ liên tưởng cũng mang lại rất nhiều nguy hiểm nghiêm trọng nếu được áp dụng sai lầm, bất cẩn và không được kiểm soát cẩn thận. Chúng ta hãy liệt kê một phần danh sách những nguy hiểm của nó: 

1.   Suy nghĩ liên tưởng, tái diễn lại nhiều lần trong những tình huống tương tự, có thể dễ dàng kéo dài vô tận và củng cố thêm những quan sát sai trái hoặc không đầy đủ ban đầu, những đánh giá sai lầm và định kiến cảm xúc như yêu, ghét, ngã mạn… 

2.   Sự quan sát không đầy đủ và cách nhìn, đánh giá hạn hẹp đủ để xử lý một tình huống nhất định nào đó, lại là không đủ và đưa đến những hệ lụy nghiêm trọng nếu áp dụng một cách máy móc trong những tình huống khác. 

3.   Do suy nghĩ liên tưởng bị định hướng sai, chúng ta có thể cảm thấy rất ghét một sự việc, một nơi chốn hay một người nào đó đơn giản chỉ vì nó gợi lại một kinh nghiệm không thích thú mà trên thực tế chẳng có liên quan gì đến kinh nghiệm đó cả. 
Những trường hợp trên cho thấy một điều rất quan trọng là thỉnh thoảng chúng ta phải suy xét kỹ những lối mòn suy nghĩ của mình, xem lại những thói quen và những phản ứng rập khuôn xuất phát từ lối mòn ấy. Nói cách khác, chúng ta phải bước ra khỏi lối mòn của mình, có lại cái nhìn trực tiếp về sự việc và đánh giá lại những thói quen của mình dưới cái nhìn đó. 
Nếu nhìn lại danh sách những nguy hiểm tiềm tàng do dòng suy nghĩ liên tưởng tự do mang lại, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn lời Đức Phật thúc giục chúng ta tiếp cận đến ngọn nguồn của kinh nghiệm. Trong bài kệ “Hang Đá” rất ngắn gọn và sâu sắc trong kinh tập Suttanipāta, Đức Phật nói: “hiểu biết xuyên thấu những cảm nhận giác quan (phassa - xúc) sẽ khiến con người giải thoát khỏi tham” và “hiểu biết về tưởng tri (saññā-quá trình nhận thức kinh nghiệm), con người sẽ vượt qua được luân hồi” (vv.778ff.). Bằng cách thiết lập chánh niệm như một người gác cửa ở ngay chỗ suy nghĩ xâm nhập vào tâm, chúng ta sẽ kiểm soát được những kẻ xâm nhập một cách dễ dàng hơn, và ngăn không cho những kẻ không có phận sự bước vào. Nhờ vậy, sự thanh tịnh của “tâm sáng suốt” sẽ được duy trì để chống lại “những phiền não ngẫu nhiên” xâm nhập tâm (AN1:51). 
Kinh Tứ Niệm Xứ (satipatthāna sutta) mang đến một phương pháp hệ thống để mang lại cái nhìn trực tiếp, mới mẻ và trung thực. Phương pháp thực hành này làm việc với toàn bộ nhân cách con người, về mọi phương diện tinh thần và thể chất, bao gồm toàn bộ thế giới kinh nghiệm[9] của người đó. Phương pháp quán chiếu với nhiều loại đề mục khác nhau trên chính bản thân mình (ajjhattai-nội xứ) và trên người khác (bahiddhā- ngoại xứ), thay đổi qua lại giữa nội xứ và ngoại xứ sẽ làm bộc lộ những quan niệm sai lầm do định hướng sai dòng suy nghĩ liên tưởng và áp dụng sai những suy luận dựa trên sự giống nhau. 
Những loại suy nghĩ liên tưởng sai lầm, theo thuật ngữ Phật học, là do bốn loại điên đảo tưởng (vipallāsa) hay cách nhận thức sai lầm: 
1.   Thấy vô thường là thường
2.   Thấy khổ là lạc
3.   Thấy vô ngã là ngã
4.   Thấy bất tịnh là tịnh 

Những tà kiến này sanh khởi thông qua sự nhận biết sai lầm về các đặc tướng của mọi sự việc. Dưới ảnh hưởng của các cảm xúc và nhận thức sai lầm, chúng ta nhận biết sự việc một cách phiến diện, sai trái, và sai lầm khi gắn liền chúng với những quan niệm khác. Bằng cách ghi nhận thuần túy mọi sự nhận thức và các cảm nhận giác quan, dần dần chúng ta sẽ giải thoát chúng khỏi những nhận thức sai lầm đó, và tiến bước vững chắc tới sự nhận thức trực tiếp về mọi sự việc như chúng đang là.

Monday, December 28, 2015

Nhận thức trực tiếp

       Tôi ước gì có thể tách mình ra khỏi thói quen để có thể nhìn một cách mới mẻ, nghe mới mẻ và cảm nhận mới mẻ. Thói quen làm hỏng sự an nhiên, tự tại của chúng ta.

                                G.C.Linchtenberg (1742-1799)
 Chúng ta đã nói về thói quen tự động của các hành động bất thiện. Chúng ta đã thấy cách giữ yên (tịnh chỉ) để duy trì sự chú ý thuần túy và liên tục có thể ngăn chặn hoặc giảm bớt những phản ứng thô tháo, vội vàng, do đó cho phép chúng ta đối diện với bất cứ hoàn cảnh nào với một cái tâm mới mẻ, với sự nhận thức trực tiếp không bị cản trở bởi định kiến gây nên từ những phản ứng tự động đó.

Với nhận thức trực tiếp chúng ta có cái nhìn trực tiếp về thực tại, không qua những lăng kính đầy màu sắc và bóp méo sự thật, không bị chi phối bởi các định kiến cảm xúc và thói quen, hay sự thiên vị, ưa thích tri thức. Nghĩa là: đối diện trực tiếp với các sự kiện thuần túy của thực tế, nhìn chúng một cách sống động và mới mẻ như là lần đầu nhìn thấy.

Sức mạnh của thói quen

Những phản ứng tự động thường ngăn đường cản lối hiểu biết trực tiếp này không chỉ đến từ các xung động cảm xúc của chúng ta. Rất thường xuyên chúng là sản phẩm của thói quen. Dưới dạng đó, chúng ngày càng nắm chắc và chi phối chúng ta – có thể vận hành để đem lại lợi ích hoặc làm hại chúng ta. Ảnh hưởng tốt của thói quen được thấy trong “sức mạnh của sự thực hành liên tục, lập đi lập lại”. Sức mạnh này bảo vệ những thành quả và kỹ năng của chúng ta – dù là công việc tay chân hay đầu óc, dù là công việc thế gian hay công việc tâm linh – khỏi sự mất mát hay quên lãng, và chuyển đổi chúng từ những tài sản bình thường, ngắn ngủi và không hoàn hảo thành thứ tài sản an toàn, có chất lượng. Ảnh hưởng có hại của các phản ứng tự động theo thói quen được thể hiện trong cái chúng ta gọi là “sức mạnh của thói quen”: những ảnh hưởng gây suy yếu, trì trệ và hạn chế, là sản phẩm của những loại hành vi, thái độ mang tính cưỡng ép. Ở đây chúng ta sẽ chỉ chú ý đến những mặt tiêu cực của thói quen có vai trò gây chướng ngại và che khuất sự nhận thức trực tiếp.

Như đã nói ở trên, các phản ứng theo thói quen nói chung có ảnh hưởng lên thái độ hành xử của chúng ta mạnh mẽ hơn các phản ứng ngẫu nhiên, tức thời. Các xung động cảm xúc trong ta có thể biến mất cũng bất ngờ như khi chúng xuất hiện. Mặc dù hậu quả của nó có thể rất nghiêm trọng và kéo dài xa đến tương lai, song ảnh hưởng của nó vẫn không thể kéo dài và sâu đậm bằng ảnh hưởng của các thói quen. Thói quen bao phủ mạng lưới rộng lớn và đan dầy của nó lên cuộc đời và suy nghĩ của chúng ta, cố kéo thêm vào trong nó ngày càng nhiều hơn nữa. 

Các xung động cảm xúc, tình cảm của chúng ta cũng thế, bị túm gọn trong chiếc lưới ấy và từ những cảm xúc bộc phát thoáng qua được chuyển hóa thành những nét tính cách lâu dài. Một cảm xúc thoáng qua, một sự dễ duôi, buông thả nào đó, một ý thích bất chợt nảy sinh có thể sẽ trở thành thói quen nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, và chúng ta sẽ rất khó nhổ bật gốc rễ của nó. Nó sẽ trở thành một sự khao khát khó kiểm soát và cuối cùng trở thành một hành động tự động mà chúng ta không bao giờ tra vấn nữa. Sự thỏa mãn lặp đi lặp lại sẽ biến một nỗi khao khát thành thói quen, và thói quen không được kiểm soát sẽ lớn mạnh lên thành sự thúc ép, bắt buộc.  

Một sự việc thường xảy ra là lúc đầu chúng ta coi một hành động hay một thái độ nào đó trong tâm là không quan trọng đối với cá nhân mình. Hành động hay thái độ đó có thể là bàng quan, thờ ơ và không gây hậu quả về đạo đức. Ban đầu chúng ta sẽ thấy rất dễ từ bỏ nó, thậm chí thay thế bằng một thái độ ngược lại, bởi vì không có cảm xúc hay định kiến nào thúc đẩy chúng ta thiên vị một bên nào cả. Nhưng do lập đi lập lại nhiều lần, chúng ta dần dần coi những loại hành động và suy nghĩ mình lựa chọn đó là “thích thú, đáng mong muốn, và đúng đắn”, thậm chí là “chính đáng” nữa; và do đó đồng hóa mình với nó, coi đó là tính cách của mình. Hậu quả là, chúng ta cảm thấy bất cứ sự phá vỡ nào đối với thông lệ đó là không thích thú hay sai trái. Bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài cũng khiến chúng ta tức giận, thậm chí còn coi là mối đe dọa tới “những nguyên tắc và lợi ích sống còn” của mình nữa. Thực ra, những tâm hồn hoang sơ, dù là “văn minh” hay không, lúc nào cũng nhìn những kẻ lạ mặt với “phong tục lạ đời” như là kẻ thù, và cảm nhận sự có mặt thân thiện của họ là đầy thách thức và đe dọa. 

Lúc đầu, khi một thói quen nhất định không được coi là quá quan trọng, sự dính mắc thành hình dần dần ấy không hướng tới bản thân của hành động nhiều bằng sự thích thú do thông lệ thường làm không bị cản trở. Sức mạnh của sự dính mắc vào thông lệ một phần đến từ sức ỳ của thân và tâm chúng ta – sức ý đó là một động lực rất mạnh trong con người. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét một nguyên nhân nữa khiến mình dính mắc vào thông lệ. Do sức mạnh của thói quen, một đối tượng - dù là đối tượng vật chất, một hành động hay cách suy nghĩ – sẽ được đầu tư thêm bằng sự gia tăng cường độ cảm xúc, đến mức sự dính mắc vào những thứ không quan trọng và tầm thường, vô nghĩa lại có thể trở nên mạnh mẽ, dai dẳng như thể đó là những nhu cầu thiết yếu nhất. 

Vì vậy, thiếu kiểm soát tâm có thể biến những thói quen nhỏ nhất thành những ông chủ đầy quyền lực của cuộc đời chúng ta. Nó ban cho chúng quyền lực nguy hiểm để hạn chế và làm cứng nhắc tính cách, hạn chế tự do tâm linh và tri thức của chúng ta. Do phục tùng thói quen, chúng ta tự mua dây buộc mình, và làm cho mình dễ bị tổn thương trước những dính mắc mới, sân hận, định kiến và sở thích mới; nghĩa là những đau khổ mới. Mối nguy hiểm đối với sự phát triển tâm linh do ảnh hưởng thống trị của thói quen ngày nay còn nghiêm trọng hơn rất nhiều; bởi vì sự phát triển các thói quen đặc biệt dễ nhận thấy trong thời đại ngày nay khi sự chuyên môn hóa và chuẩn hóa đã vươn tới rất nhiều lĩnh vực tư tưởng và đời sống.

Do đó, khi xem xét những lời kinh Tứ Niệm Xứ, phần hình thành nên trói buộc (kiết sử), chúng ta phải nghiên cứu kỹ vai trò quan trọng của các thói quen:
và những trói buộc nào khởi lên do duyên cả hai (các giác quan và đối tượng của chúng), vị ấy biết rõ như vậy. Cách thức các trói buộc chưa sanh được sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như vậy.
Theo ngôn ngữ Phật học, loại chướng ngại hôn trầm – thụy miên (thīna-middha-nīvarana: dã dượi, buồn ngủ) được tiếp sức bởi thói quen, và làm cho sự nhu nhuyễn, nhẹ nhàng của thân và tâm (kāya, citta-lahutā: khinh thân, khinh tâm) bị suy yếu.

Xu hướng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của thói quen này ăn sâu bén rễ ở ngay trong tâm chúng ta. Nó bắt nguồn không chỉ từ sức mạnh (thụ động) của sự trì trệ (sức ỳ) đã nói ở trên, mà trong nhiều trường hợp còn từ ý chí áp đặt và chinh phục của chúng ta. Một số loại tâm hoạt động tích cực, cường độ mạnh, có xu hướng tự lặp lại chính nó. Mỗi tâm cố vật lộn để chiếm ưu thế, để trở thành trung tâm mà các trạng thái thân và tâm khác yếu hơn phải vận động xung quanh, tự thay đổi để thích ứng với và phục vụ cho trung tâm ấy. Xu hướng này không phải là không bao giờ bị thách thức, song nó vẫn chiếm ưu thế, và ngay cả các loại tâm phụ thuộc và ở ngoại vi cũng có cùng động lực vươn lên như thế. Điều này rất giống với xu hướng tự khẳng định mình và độc đoán, áp đặt lên người khác của những con người ngã mạn, khi họ tiếp xúc, giao tiếp với xã hội. Trong y học, chúng ta có thể thấy nó giống như căn bệnh ung thư càng ngày càng lan rộng; hay xu hướng lặp lại thường gặp trong những trường hợp đột biến kỳ lạ - một mối nguy hiểm vô cùng trong thời đại nguyên tử của chúng ta.

       Bởi vì ý chí thống trị hiện hữu trong nhiều loại tâm, một suy nghĩ bất chợt thoáng qua cũng có thể lớn mạnh thành một nét tính cách thường trực. Nếu vẫn không bằng lòng với vị trí hiện tại, nó có thể hoàn toàn phá vỡ và thoát ra khỏi các động lực sống hiện tại, cuối cùng cho đến lúc tái sanh, nó sẽ trở thành chính trung tâm của một nhân cách mới. Ở trong mỗi chúng ta có vô số nhân cho những kiếp sống mới như vậy, cho vô số “chúng sinh” sẽ ra đời, tất cả chúng sinh ấy chúng ta nguyện sẽ giải thoát khỏi luân hồi, như lục tổ của Thiền tông Trung Hoa đã từng nói

Những thói quen có hại của thân và tâm có thể phát triển rất mạnh, không chỉ khi chúng ta cố ý nuôi dưỡng nó, mà ngay cả khi không nhận diện ra chúng hoặc buông tay để mặc chúng tự tung tự tác. Rất nhiều thứ có gốc rễ sâu chắc trong tâm hiện nay đều bắt nguồn từ những hạt giống nhỏ bé mà chúng ta đã gieo trong quá khứ xa xôi. Sự phát triển các pháp bất thiện hay những thói quen có hại có thể được kiềm chế một cách hiệu quả bằng cách dần dần phát triển một thói quen khác: thói quen chú ý đến chúng một cách chánh niệm. 

Nếu giờ đây, khi làm những việc quen làm một cách máy móc, chúng ta làm một cách cẩn thận và có ý thức, và trước khi làm hãy dừng lại một chút để ghi nhận thuần túy và suy xét – nó sẽ cho chúng ta cơ hội để xem xét kỹ thói quen của mình và hiểu rõ mục đích việc làm, biết rõ nó có thích hợp hay không (sātthaka  sappāya-sampajañña: mục đích tỉnh giác và thích nghi tỉnh giác). Nó cho phép chúng ta đánh giá sự việc một cách mới mẻ, thấy một cách trực tiếp, không bị mê mờ do hành động theo thói quen với suy nghĩ: “việc này là đúng đắn bởi vì trước kia mình đã từng làm như thế”. Ngay cả khi thói quen có hại chưa thể nhanh chóng bị xóa bỏ, khoảng thời gian tạm dừng để suy xét cũng sẽ ngăn bớt những hành động tự động và thiếu suy nghĩ. Tâm chúng ta sẽ thường xuyên suy xét kỹ và kháng cự lại, làm cho thói quen đó ngày một suy yếu dần đi, và khiến chúng ta dễ dàng thay đổi hay loại bỏ nó hơn. 

Cần phải nói rõ là thói quen, vốn được gọi là “vú nuôi của con người”, không thể và không nên biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta. Chỉ cần nhớ xem, nhất là đối với những con người thành phố với cuộc sống đông đúc và phức tạp, thật nhẹ nhàng biết bao khi chúng ta có thể xử lý rất nhiều công việc khác nhau một cách tương đối máy móc mà chỉ cần chú ý “một nửa”. Thói quen làm đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta. Nếu tất cả mọi công việc nhỏ nhặt, buồn tẻ đều phải làm với sự cố gắng đầy chủ ý và chú ý sát sao thì thật là căng thẳng. Thực ra, rất nhiều công việc tay chân, những công đoạn kỹ thuật trong nghệ thuật, và ngay cả một số quy trình công việc đầu óc, nếu tiến hành một cách khéo léo theo thói quen thường lệ sẽ mang lại kết quả tốt hơn và đều đặn hơn. Tuy nhiên ngay cả sự đều đặn của các công việc thói quen ấy cũng sẽ đạt đến điểm dừng. Nếu không được tiếp sức bởi một hứng thú mới, nó sẽ bộc lộ triệu chứng mỏi mệt và bắt đầu suy thoái. 

Tất nhiên, không phải tất cả mọi thói quen nhỏ nhặt đều phải bị xóa bỏ, bởi vì nhiều thói quen là vô hại, thậm chí còn có ích. Song chúng ta phải thường xuyên tự hỏi xem liệu mình vẫn còn kiểm soát được chúng hay không; liệu mình có thể từ bỏ hay thay đổi chúng tùy ý được hay không. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này bằng hai cách: thứ nhất, chú ý đến các hành động theo thói quen của mình một cách chánh niệm trong một thời gian; thứ hai, tạm thời từ bỏ thói quen ấy nếu điều đó không làm tổn hại đến chính mình hay người khác. Nếu chúng ta soi chiếu chúng bằng sự nhận thức trực tiếp, nhìn hay thực hiện các hành động ấy như thể là lần đầu tiên, thì những hành động thường lệ và thói quen nhỏ nhặt ấy sẽ trở nên rất thú vị.   

Điều này cũng phát huy tác dụng đối với nghề nghiệp chuyên môn, môi trường làm việc và các mối quan hệ của chúng ta trong trường hợp bị bế tắc bởi thói quen. Mối quan hệ vợ chồng, quan hệ bạn bè và đồng nghiệp nhờ vậy cũng được cải thiện rất nhiều. Một cái nhìn trực tiếp và mới mẻ sẽ cho chúng ta thấy rằng mình có thể quan hệ với mọi người hoặc làm mọi việc theo một cách khác, hiệu quả hơn cách mình vẫn thường làm theo thói quen trước kia. 


Khả năng có thể từ bỏ những thói quen nhỏ nhặt đó rất có giá trị trong cuộc chiến chống lại những khuynh hướng nguy hiểm trong tâm chúng ta. Nó cũng là một sự trợ giúp lớn mỗi khi chúng ta phải đối diện với những thay đổi nghiêm trọng trong cuộc đời, khi hoàn cảnh tước bỏ mất những thói quen thiết yếu của chúng ta. Làm mềm hóa các lối mòn suy nghĩ và thái độ cứng nhắc sẽ làm tươi mới lại năng lượng sống, sức mạnh tinh thần và khả năng tưởng tượng. Nhưng điều quan trọng hơn cả là, trên mảnh đất tơi mềm ấy, chúng ta sẽ gieo được những hạt giống phát triển tâm linh đầy sức sống.

Sunday, December 27, 2015

Những tác động lên tiềm thức

Ba cách tăng cường năng lực tâm linh nêu trên rõ ràng có tầm quan trọng hàng đầu cho sự phát triển tuệ giác. Khi tâm đã được tăng cường sức mạnh, phạm vi của đề mục và cấu trúc quan hệ nhân duyên đã được làm rõ, sân chơi đã được dọn sẵn để “nhìn mọi sự việc như chúng đang là”. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động trực tiếp, tiến trình theo ba cách này còn có tác động gián tiếp không kém phần quan trọng và mạnh mẽ: nó tăng cường và mài sắc trí nhớ, trực giác và khả năng sắp xếp-tổ chức trong tiềm thức.
 Điều này lại nuôi dưỡng và thúc đẩy quá trình tăng trưởng tuệ giải thoát (tăng thượng tuệ). Cũng giống như ví dụ cái hồ trong núi mà Đức Phật nói trong kinh: không những được làm đầy bởi nước suối chảy vào, mà còn được làm đầy bởi những mạch nước ngầm dưới đáy hồ. Tuệ giác được nuôi dưỡng “ngầm bên dưới” từ trong tiềm thức này có gốc rễ rất sâu. Những thành quả thiền tập do nó mang lại không dễ dàng mất đi, ngay cả đối với những con người phàm phu chưa đắc đạo – những người có khả năng còn bị rơi trở lại.
1.  Những sự nhận thức hoặc suy nghĩ là đối tượng chú ý liên tục sẽ có tác động mạnh mẽ hơn lên tâm và bộc lộ những đặc tính của chúng một cách rõ nét hơn. Do đó, sau khi chìm xuống vô thức, chúng sẽ chiếm giữ một vị trí đặc biệt ở đó. Điều này đúng đối với cả ba cách tăng cường sức mạnh của tâm khi nhận thức một đối tượng.
.
a.    Trong một tiến trình tâm, nếu sự chú ý trong giai đoạn cuối cũng mạnh như ở giai đoạn đầu, thì khi tiến trình kết thúc và tâm chìm lại vào vô thức, nó sẽ dễ dàng thuận theo sự kiểm soát của hữu thức hơn. 

b.   Nếu một ấn tượng giác quan hay một ý tưởng được đánh dấu bởi nhiều đặc tính rõ nét, thì sau khi khuất bóng khỏi  quá trình nhận thức hiện tại, nó sẽ không dễ dàng mất đi trong kho vô thức mờ tối hoặc bị lôi kéo theo các định kiến cảm xúc để tạo nên những liên tưởng sai lầm trong vô thức.

c.    Tương tự, sự nhận thức đúng đắn các quan hệ nhân duyên của đối tượng sẽ bảo vệ không để nó tan lẫn với những chất liệu mơ hồ trong vô thức. Các suy nghĩ và nhận thức với cường độ mạnh và rõ nét, sau khi chìm vào vô thức, vẫn rõ nét hơn và dễ tiếp cận hơn những ấn tượng giác quan mờ nhạt và “còi cọc”. Nó sẽ dễ dàng được chuyển đổi thành hữu thức đầy đủ và sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với tâm, từ sâu đằng sau hậu trường. Nếu, thông qua sự tiến bộ về chất lượng và phạm vi của chánh niệm, số lượng những ấn tượng giác quan đủ độ chín như vậy được tăng lên, kết quả sẽ là sự thay đổi vi tế ở trong chính cấu trúc của vô thức. 
2.  Xét theo những gì chúng ta đã trình bày ở trên, rõ ràng là những ấn tượng giác quan mà chúng ta gọi là “đủ độ chín” hay “dễ tiếp cận và chuyển đổi” ấy sẽ được nhớ lại một cách dễ dàng và chính xác hơn. Dễ dàng bởi vì các ấn tượng giác quan ấy có cường độ mạnh, chính xác bởi vì những đặc tính bộc lộ rõ nét bảo vệ chúng khỏi bị những suy tưởng và những hình ảnh liên tưởng bóp méo. Ghi nhớ chúng trong hoàn cảnh và các mối quan hệ nhân duyên cụ thể sẽ phát huy tác dụng theo cả hai cách: làm tăng cường khả năng nhớ lại một cách chính xác hơn và dễ dàng hơn. Do đó, chức năng chú ý, ghi nhận của chánh niệm (sati) sẽ giúp tăng cường chức năng thứ hai của nó là ghi nhớ.
3.  Ảnh hưởng của sự chú ý liên tục lên tiềm thức và trí nhớ sẽ làm sâu sắc và củng cố thêm khả năng trực giác của thiền sinh, đặc biệt là trí tuệ trực giác – điều chúng ta quan tâm chính ở đây. Trực giác không phải là một món quà cho không, biếu không. Cũng như các khả năng tâm linh khác, nó sanh khởi lên từ những nhân duyên, điều kiện nhất định. Trong trường hợp này, nhân duyên chủ yếu là bộ nhớ lưu trữ những suy nghĩ và nhận thức trong tiềm thức. Hiển nhiên, những ký ức là mảnh đất màu mỡ để trưởng dưỡng trực giác phải là những ký ức có cường độ mạnh, rõ nét và có nhiều đặc tính khác biệt; bởi vì đó là những ký ức dễ tiếp cận nhất. Ở đây cũng vậy, mối quan hệ nhân duyên của đối tượng nhận thức được lưu trữ trong ký ức có đóng góp rất lớn. 

       Những hồi ức loại này có tính liên kết lớn hơn những sự kiện riêng rẽ, rời rạc và mơ hồ; và chúng sẽ tham gia tạo dựng những hình thái ý nghĩa mới một cách dễ dàng hơn. Những hình ảnh hồi ức rõ ràng này sẽ là những nhân tố kích thích và trợ giúp mạnh mẽ cho trực giác. Trong những tầng sâu kín của vô thức, công việc thu thập và tổ chức vật liệu: bao gồm tri thức và kinh nghiệm nhận thức, vẫn tiếp tục diễn ra một cách thầm lặng cho đến khi nó chín muồi và nổi lên thành trực giác. Sự bùng nổ trực giác ấy đôi khi bắt nguồn từ những sự kiện hết sức thường tình. Tuy nhiên, mặc dù có vẻ là thường tình, song những sự kiện đó lại có khả năng liên tưởng, kết nối mạnh nếu trước đó chúng đã là đối tượng của sự chú ý liên tục. Công năng làm chậm và tạm dừng của ghi nhận thuần túy sẽ làm bộc lộ những chiều kích sâu sắc của những sự việc đơn giản trong cuộc sống đời thường, và do đó cung cấp tác nhân kích thích cho trực giác phát triển.

Điều này cũng được áp dụng với trí tuệ trực giác chứng nghiệm chân lý Tứ Thánh Đế (bốn sự thật cao thượng: khổ, nguyên nhân của khổ, con đường diệt khổ, và sự đoạn diệt khổ), mà đỉnh cao là sự giải thoát hoàn toàn (arahatta). Trong kinh điển ghi lại nhiều trường hợp các vị Tăng và Ni không thể đạt được trí tuệ trực giác khi thực hành thiền. Tia chớp trực giác đôi khi chợt đến với họ trong những hoàn cảnh rất khác nhau: khi vấp chân phải hòn đá hay lúc nhìn thấy một đám cháy rừng, khi bắt gặp hình ảnh một đám bọt trên sông. Ở đây chúng ta thấy lại một điều khẳng định câu nói dường như rất mâu thuẫn là: “với chủ ý, đạt đến trạng thái không còn chủ ý”. Với chủ ý đưa toàn bộ ánh sáng chánh niệm soi chiếu từng hành động và sự việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, cuối cùng trí tuệ giải thoát sẽ sanh khởi.

Sự chú ý liên tục không chỉ cung cấp mảnh đất màu mỡ cho trực giác phát triển, mà còn giúp chúng ta tận dụng tốt hơn và thậm chí có thể tái lặp lại những khoảnh khắc trực giác ấy. Nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực sáng tạo khác nhau đều phàn nàn giống nhau về một kinh nghiệm là: tia chớp trực giác xuất hiện quá đột ngột và biến mất quá nhanh đến nỗi phản ứng chậm chạp của tâm không kịp nắm bắt được nó. Nhưng khi tâm đã được huấn luyện tạm dừng để quan sát, làm chậm lại và chú ý liên tục, và nếu vô thức được tác động như đã nói ở trên, thì khoảnh khắc trực giác sẽ trở nên hoàn chỉnh hơn, chậm rãi và mạnh mẽ hơn. Trong trường hợp đó, tác động của nó sẽ đủ mạnh và rõ ràng, cho phép chúng ta tận dụng đầy đủ khoảnh khắc trí tuệ trực giác ấy. Thậm chí có thể kéo những xung động đang trên đà đi xuống lên tới đỉnh cao mới, tương tự như những giai điệu nhạc trong một bài hát, khi đi xuống lại được hòa âm lên cao, tiếp nối từ những nốt nhạc cuối cùng của giai điệu trước.

Tận dụng đầy đủ những khoảnh khắc trí tuệ trực giác là điều quan trọng mang tính quyết định đối với sự tiến bộ của thiền sinh trên đường tới đạo quả giác ngộ. Nếu như sự nắm bắt của thiền sinh quá yếu, để những khoảnh khắc trí tuệ trực giác thoáng qua ấy trôi qua mà không tận dụng triệt để cho công việc giải thoát, thì chúng có thể sẽ không đến lại cho đến nhiều năm sau đó, hoặc có thể không còn đến lại trong suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên, khả năng duy trì sự chú ý liên tục sẽ cho phép chúng ta tận dụng triệt để những cơ hội như thế, và việc tạm dừng và làm chậm (mọi phản ứng-để quan sát) trong thiền tập là công cụ quan trọng để đạt được khả năng ấy.


Qua sự phân tích về sự tạm dừng, làm chậm và giữ yên, một trong những định nghĩa truyền thống về chánh niệm trong kinh điển Pali sẽ trở nên dễ hiểu hơn, ý nghĩa sâu xa của nó trở nên rõ ràng hơn: đó là chức năng anapilāpanatā, nghĩa đen là “không nổi trên bề mặt, không trượt đi”, “Giống như một cái vò đất trên mặt nước”, như chú giải nói.  “Chánh niệm thể nhập sâu vào đề mục, thay vì lướt đi vội vàng, qua loa trên bề mặt của nó”. Do đó, “không hời hợt, nông cạn” là một cách hiểu đúng đắn về thuật ngữ đó, và đó cũng là một đặc tính thiết yếu của chánh niệm.

Friday, December 25, 2015

Làm chậm lại

Để kiềm chế sự bốc đồng, cẩu thả và phóng dật của một cái tâm thiếu tu tập, pháp hành tạm dừng và dừng chặn cố ý tập làm chậm lại mọi việc. Tuy nhiên, do yêu cầu thúc bách của cuộc sống hiện đại, việc làm chậm lại các hoạt động trong công việc hàng ngày rất khó áp dụng trong thực tế. Nhưng bởi vì đây là cách đối trị những hệ lụy có hại từ tốc độ chóng mặt của cuộc sống hiện đại, nên việc áp dụng nó trong những lúc rảnh rỗi, nhất là trong những giai đoạn thực hành thiền Tứ Niệm Xứ miên mật, là điều rất quan trọng. Thực hành như vậy cũng đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống như sự bình an, tĩnh lặng của tâm, nâng cao hiệu quả và kỹ năng trong công việc.
Đối với mục đích phát triển thiền tập, tập làm chậm rất hiệu quả để luyện tập sự không dễ duôi, thu thúc lục căn[5] và định lực[6]. Nhưng ngoài những điều đó, nó còn có một ý nghĩa cụ thể hơn đối với thiền tập. Chú giải kinh Tứ Niệm Xứ nói, việc làm chậm lại các cử động có thể giúp lấy lại được định tâm đã mất (trên một đề mục). Trong chú giải có chuyện, một vị sư trong lúc quên chánh niệm đã co tay lại hơi nhanh, không đúng với nguyên tắc thực hành. Khi ý thức được điều đó, vị ấy đã đưa tay trở lại vị trí cũ và làm lại cử động ấy một cách chánh niệm. Đề mục chánh niệm của vị ấy là “giữ chánh niệm tỉnh giác trong mọi hành động”, như đã nêu trong kinh Tứ Niệm Xứ: “Khi co tay, duỗi tay, vị ấy làm một cách tỉnh giác”.
Làm chậm lại một số động tác trong thời gian hành thiền miên mật đặc biệt hữu ích để đạt tới các tuệ minh sát (vipassanā-ñāna), nhất là trực nhận về đặc tướng vô thường và vô ngã. Trong phần lớn các trường hợp, chính các cử động nhanh đã làm tăng cường ảo tưởng về tính nguyên khối, và ảo tưởng về một thực thể trong cái thực ra chỉ là một tiến trình phức tạp và tạm bợ. Do đó, trong khi thực hành miên mật, làm chậm lại các hành động như đi lại, co, duỗi (tay chân) để phân biệt được nhiều giai đoạn trong mỗi cử động, sẽ trợ giúp mạnh mẽ cho tuệ giác trực nhận ba đặc tướng của tất cả mọi sự vật, hiện tượng. Sự quán chiếu của thiền sinh sẽ ngày càng mạnh mẽ nếu vị ấy có thể quan sát rõ ràng mỗi đoạn nhỏ của cả tiến trình tự nó sanh lên và diệt mất, không có cái gì chuyển dịch hay “di dời” sang đoạn tiếp theo.
Dưới ảnh hưởng của việc tạm dừng để ghi nhận thuần túy, nhịp độ các hành động, lời nói và việc làm bình thường mỗi ngày cũng trở nên tĩnh lặng và bình an hơn. Làm chậm lại nhịp điệu hối hả của cuộc sống nghĩa là các suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức có thể hoàn thành đủ thời gian sống tự nhiên của chúng. Chánh niệm được mở rộng đến tận lúc chót: đến những xung động và âm hưởng cuối cùng. Giai đoạn cuối này rất thường xuyên bị cắt bỏ do sự vội vã tóm bắt những ấn tượng mới, hoặc vội vàng bắt nối sang giai đoạn suy nghĩ tiếp theo trước khi nắm bắt và hiểu rõ giai đoạn hiện tại. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng lộn xộn trong tâm một con người bình thường, bị chất nặng bởi một số lượng lớn những nhận thức rời rạc, mơ hồ, những cảm xúc còi cọc và những ý tưởng chưa tiêu hóa. Làm chậm lại là một phương pháp hiệu quả để phục hồi sự sáng suốt và trọn vẹn của tâm. Một ví dụ thực tế là quy trình thực hành niệm hơi thở (ānāpānasati): chánh niệm trọn vẹn toàn bộ hơi thở, từ lúc bắt đầu, đến đoạn giữa và điểm kết thúc. Đó là ý nghĩa của đoạn kinh: “Biết rõ toàn thân hơi thở, vị ấy thở vào, thở ra”. Cũng như thế, toàn bộ “hơi thở” hay nhịp điệu cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên sâu sắc và trọn vẹn hơn nếu chúng ta có thói quen duy trì sự chú ý nhờ thực hành làm chậm lại mọi việc.
Thói quen cắt đứt sớm các tiến trình suy nghĩ hoặc bỏ qua chúng chi phối phần lớn tâm những con người thành phố hiện đại. Họ không ngừng đòi hỏi những sự kích thích mới mẻ, ngày càng liên tục hơn, cũng như họ mong muốn mua những chiếc xe mới có tốc độ cao hơn, chạy nhanh hơn. Những tác động dồn dập, gấp gáp của các ấn tượng giác quan sẽ làm cùn dần sự nhạy cảm của họ, và vì vậy họ luôn luôn cần tới sự kích thích mới, ồn ào hơn, thô tháo hơn và đa dạng hơn nữa. Một tiến trình như vậy, nếu không được kiểm soát, sẽ chỉ đem lại tai họa mà thôi. Chúng ta đã chứng kiến con người ngày càng xuống cấp về thị hiếu thẩm mỹ và mất dần khả năng hưởng thụ niềm vui tự nhiên. Thay thế vào đó là những sự phấn khích cuồng nhiệt và chóng tàn, chẳng thể đem lại sự mãn nguyện thực sự về cảm xúc hay thẩm mỹ. “Cuộc sống tinh thần nông cạn” là thủ phạm chính gây nên sự hời hợt, nông cạn ngày càng gia tăng của những “con người hiện đại”, cũng như sự lan truyền đáng sợ của căn bệnh rối loạn tâm thần trong xã hội phương Tây.  Nó có thể sẽ khởi đầu cho sự suy đồi về tâm thức của con người, cả về chất lượng, phạm vi và năng lực. Mối nguy hiểm này đang đe dọa tất cả mọi người, ở phương Đông cũng như phương Tây, những người thiếu sự bảo vệ cho tâm mình trước tác động của kỹ thuật hóa, hiện đại hóa. Thiền Tứ Niệm Xứ có thể đóng góp quan trọng để cải thiện hoàn cảnh này, theo cách chúng ta đã trình bày ngắn gọn ở trên. Vì vậy, phương pháp thiền này cũng đem lại cả lợi ích đời thường cho mọi người.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta chủ yếu chỉ quan tâm đến khía cạnh tâm lý của chánh niệm và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển thiền tập. Sự chú ý được duy trì liên tục, nhờ thực hành làm-chậm-lại, sẽ tác động đến chất lượng tâm chúng ta theo ba cách:
1.   Củng cố và tăng cường sức mạnh cho tâm.
2.   Làm hiện rõ các đặc tướng của đối tượng chú ý (đề mục).
3.   Làm bộc lộ các mối quan hệ nhân duyên của đối tượng.
1. Một đối tượng được chú ý liên tục sẽ có tác động đặc biệt mạnh và kéo dài lên tâm chúng ta. Ảnh hưởng của nó không chỉ được cảm nhận qua một loạt những suy nghĩ kế tiếp sau đó, mà còn có thể lan tỏa xa đến tương lai. Chính hiệu quả trợ duyên này là thước đo sức mạnh của tâm.
2. Sự chú ý liên tục đem đến một bức tranh toàn cảnh đầy đủ hơn về đối tượng trên tất cả các góc độ. Nói chung, ấn tượng đầu tiên chúng ta cảm nhận được từ bất cứ đối tượng giác quan hay một ý tưởng nào đó đều chỉ là đặc điểm nổi bật nhất của nó; chính điểm này thu hút sự chú ý của chúng ta tới khi sức tác động của nó đạt đến đỉnh điểm. Song đối tượng cũng thể hiện những khía cạnh, đặc tính cùng những chức năng khác, ngoài những điều chúng ta cảm nhận được đầu tiên. Những điều này có thể không rõ nét hoặc không thú vị đối với chúng ta; nhưng có thể lại quan trọng hơn. Có rất nhiều trường hợp, ấn tượng đầu tiên của chúng ta hoàn toàn là sai lầm. Chỉ khi chúng ta tiếp tục duy trì sự chú ý xa hơn cảm nhận ban đầu đó thì đối tượng mới tự thể hiện ra đầy đủ hơn. Khi làn sóng nhận thức đầu tiên thoái lui, thì sức mạnh của thành kiến/tư kiến (đánh giá, suy nghĩ chủ quan) cũng giảm dần; và chỉ khi đó, trong giai đoạn kết thúc, đối tượng mới thể hiện được nhiều chi tiết mở rộng, một bức tranh hoàn chỉnh hơn về chính nó. Chính vì vậy, chỉ nhờ sự chú ý liên tục chúng ta mới đạt tới được sự hiểu biết rõ ràng hơn về các thuộc tính của đối tượng.

3. Trong số các thuộc tính của đối tượng, dù là của thân hay tâm, có một loại mà chúng ta thường bỏ qua do sự chú ý hời hợt và vội vàng; nó cần được xem xét riêng biệt ở đây. Đó chính là các mối quan hệ nhân duyên của đối tượng. Các quan hệ nhân duyên của nó trải dài đến quá khứ - nguồn gốc, nguyên nhân, các tiền lệ về lý trí và logic; nó cũng trải rộng ra bên ngoài hoàn cảnh tổng thể - bối cảnh, môi trường và những lực tác động đang có mặt. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được hoàn toàn sự việc nếu chỉ nhìn nó một cách tách biệt, do chủ quan áp đặt. Chúng ta phải nhìn đối tượng với tầm nhìn rộng hơn, trong tình trạng nó bị điều kiện và đang tạo điều kiện; và điều này chỉ có thể làm được nhờ sự chú ý liên tục.

Thursday, December 24, 2015

Tính tự động

Thói quen tạm dừng một cách chánh niệm trước khi hành động không loại bỏ các phản ứng tự động theo thiện pháp. Ngược lại, thông qua luyện tập, việc thực hành tạm dừng, chặn đứng và giữ yên để ghi nhận thuần túy sẽ trở thành tự động. Nó sẽ tiến triển thành một cơ chế chọn lựa của tâm, mà khi các phản ứng trở nên ngày càng chắc chắn và nhanh lẹ hơn, sẽ có thể ngăn chặn sự bộc phát của các động lực bất thiện và thiếu trí tuệ. Nếu không có những kỹ năng như thế, thì mặc dù về mặt tri thức chúng ta có thể nhận ra những động lực đó là bất thiện, nhưng vẫn phải chịu thua trước sức mạnh của thói quen. Do đó, thực hành tạm dừng một cách chánh niệm sẽ thay thế các thói quen bất thiện bằng những thói quen thiện, đặt nền tảng trên sự hiểu biết trí tuệ và những tác ý cao thượng.

Cơ thể con người có một số phản xạ tự động để tự bảo vệ, cũng như thế tâm cũng cần có một cơ chế tự động để tự bảo vệ về mặt tinh thần và đạo đức. Sự thực hành ghi nhận thuần túy sẽ cung cấp chức năng sống còn này. Một người có tiêu chuẩn đạo đức trung bình thì theo bản năng, anh ta sẽ tránh những suy nghĩ trộm cắp và giết người. Với sự trợ giúp của phương pháp ghi nhận thuần túy, phạm vi tự động kiềm chế ấy sẽ được mở rộng ra rất nhiều và nền tảng đạo đức của chúng ta được nâng cao đáng kể.

Trong một cái tâm không tu tập, các xu hướng tâm cao thượng và những suy nghĩ đúng đắn thường bị tấn công bởi những cơn bột phát bất ngờ của cảm xúc và thành kiến. Hoặc là chúng ta sẽ đầu hàng, hoặc là ra quyết định một cách khó khăn sau khi đã đấu tranh quyết liệt trong tâm. Song nếu các hành động bất thiện tự động được kiểm soát hoặc bị suy giảm đáng kể, thì các động lực tốt và suy nghĩ trí tuệ (như lý tác ý) sẽ có cơ hội để xuất hiện và tự thể hiện một cách tự do và tự động. Dòng chảy tự nhiên của nó sẽ khiến chúng ta tự tin hơn về sức mạnh của cái tốt trong mình; và cũng có sức thuyết phục hơn đối với người khác. 

Cái tốt tự động này không phải là thất thường, bởi nó đó đã có gốc rễ sâu chắc từ sự tu tập trước đó. Đây chính là phương pháp tu tập để từ đó những tâm thiện hữu trợ (sasankhārika-kusala-citta: tâm thiện cần có sự thúc đẩy của bên ngoài để khởi lên) được chuyển đổi thành các tâm thiện vô trợ (asankhārika-kusala-citta: tâm thiện khởi lên không cần thúc đẩy từ bên ngoài). Theo Vi Diệu Pháp, những suy nghĩ như vậy, nếu có trí tuệ đi kèm, sẽ đứng đầu trong thang giá trị đạo đức. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu bằng thực tế câu nói trong cuốn Bí mật Hoa Vàng“Khi một người với chủ ý đạt đến được trạng thái không còn chủ ý, người đó đã có sự hiểu biết”. Câu này tương tự như câu Pali: sasankhārena asankhārikam pattabbam, “Với sự tinh tấn hữu trợ có chủ ý, sự tự động (trong thiện pháp) sẽ đạt được”.


Ngay cả khi rất nhiều phương pháp trợ giúp con đường phát triển tâm linh và giải thoát trong kinh điển được đem ra áp dụng một cách khôn khéo, cũng không có phương pháp nào thực sự so sánh được với thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthāna); và thiền Tứ Niệm Xứ này bắt đầu một cách đơn giản bằng sự thực hành giữ yên và dừng chặn để ghi nhận thuần túy.