Không nhiều thì ít, chúng ta cũng bị quay cuồng trong đó. Chính vì vậy mà tu tâm khó định; khó định vì
thân còn quá nhiều chướng ngại, khó dứt bỏ được. Không bỏ những chướng ngại nầy thì làm sao
vào được định cảnh? Tại sao chúng ta lại
có quá nhiều chướng ngại? Thử nhìn lại
chính mình xem, thì mình sẽ thấy rằng, ngày qua ngày, chúng ta đã từng sống như
người còn mê ngủ; có khi hoàn toàn vô ý thức về những chuyện mình làm và những
sự việc xảy ra quanh ta. Có lúc ta lái
xe ra phố, có thể ta không hề hay biết chuyện ta đang làm, rồi đột nhiên thấy
mình tới nơi. Tới nơi mà không hề biết
mình đã trải qua những gì? Đã thấy những
gì? Hoặc đã nghe những gì trên đường
đi. Cứ như thế, lâu ngày thành thói
quen; ta cứ hành động mà không cần phải nhận thức về hành động của ta. Cuộc đời ta cũng vì thế mà trở thành thói
quen: sống một cách vô hồn, vô tâm; sống chỉ vì ta, hoặc sống một cách mê muội.
Cái chuyện mà Đức Phật ngồi dưới cội Bồ Đề bốn
mươi chín ngày đêm đó đâu phải cho Ngài; Ngài đâu cần thêm cái 49 ngày đó. Tuy nhiên, Ngài muốn vẽ lại hình ảnh một lưỡi
gươm của trí tuệ hiểu biết một cách toàn triệt, Ngài muốn cho chúng sanh thấy rằng
chỉ có tọa thiền và định tỉnh lại thì lưỡi gươm trí tuệ mới đến được với ta; nhờ
đó mà ta mới chặt đứt được bức màn vô minh.
Chính lưỡi gươm của trí tuệ hiểu biết một cách toàn triệt đã chỉ cho ta
những chỗ sai lầm và nhận ra điều chân thật.
Chỉ cần ánh sáng loé của lưỡi gươm hiểu biết một cách toàn triệt cũng đủ
soi phá vô minh và phá tan "cái tôi" mê dại của ta.
Chúng ta đã vì mê lầm mà cứ cho tứ đại là ta; đồ vay mượn mà cũng cho là
của ta, tới chừng bị đòi lại thì lấy làm đau khổ và phiền não.
Đất, nước,
lửa, gió… có thứ nào là của ta đâu?
Không khí khi còn ở ngoài là của vũ trụ, của thiên nhiên; thế mà vừa hít
vào thì lại cho là hơi thở của chính mình.
Chỉ là mượn thôi; mượn vào chưa đầy ba mươi giây là phải trả rồi. Trí tuệ hiểu biết một cách toàn triệt chỉ cho
chúng ta thấy rõ ràng, chứ không được hồ đồ nhận bừa, nhận càn, nhận bướng như
vậy. Chuyện suy tưởng cũng vậy; ta cứ
cho là ta nghĩ tưởng, ta suy tư, ta phân biệt cảm thọ… Song sự suy tư, phân biệt
và cảm thọ ấy theo khoa học mỗi ngày có đến sáu mươi chín ngàn (69.000) cái
khác nhau, đến và đi trong ta, như vậy cái nào là của ta? Chẳng lẽ có đến sáu mươi chín ngàn (69.000)
cái ta khác nhau ư? Nếu ta cứ nhận bừa sáu mươi chín ngàn (69.000) ông chủ thì quả
là một sự hỗn độn vô cùng tận trong ta.
Cái mờ mờ ảo ảo thì lại cho là ta, còn cái thực
tại của mình thì tự mình phủ nhận, như vậy có trớ trêu lắm không? Đức Phật đã ngồi thiền ngay dưới cội Bồ Đề và
đã dùng trí tuệ hiểu biết một cách toàn triệt để nhận thức rõ ràng những tướng
trạng không thật. Ngài đã khẳng định rằng
những tướng trạng là những cái không thật, không phải, nên Ngài quyết không nhận
chúng, thế là Ngài giải thoát. Còn chúng
ta, những đứa con Phật, phải làm sao đây?
Còn chần chờ gì nữa; là con Phật thì phải giống Phật chứ. Phải luôn nhớ những tướng trạng là không thật,
nên ta không nhận chúng là của ta, mà cũng không chạy theo chúng.
Tóm lại, chính Đức Phật, một thiền sư vĩ đại,
một thiền sư không tiền khoáng hậu, đã vạch rõ cho chúng ta, đã vẽ lại trên nền
trời Népal, ngay dưới cội Bồ Đề một hình ảnh của một con người biết trở về với
thực tại, biết sống tỉnh thức, và biết tự thân thực chứng để đi đến giác ngộ. Ngài đã làm thế để chỉ cho chúng ta thấy rằng
thân nầy có 32 bộ phận, có sanh diệt nên thuộc vô thường. Tâm nầy tuy không thấy, song trạng thái luôn
thay đổi, luôn sanh diệt, cũng thuộc vô thường.
Niệm niệm đều không thật, cả ác lẫn thiện đều không thật.
Chính những thứ không thật nầy đã làm mờ trí tuệ hiểu biết của ta; chính những không thật nầy là vô minh; ta quyết không nhận mà cũng không chạy theo chúng. Chúng đến, không ai mời, không ai cầm giữ. Chúng đi, tự chúng đi, chứ không ai xua đuổi. Đã từ muôn kiếp, ta quên bẵng là chúng ta cũng có trí tuệ hiểu biết, rồi ta lang thang khắp nẻo luân hồi, tạo nghiệp ngập trời; hết đến rồi đi, hết đi rồi đến. Ta dừng hết trạm nầy đến trạm khác. Bây giờ thấy được “Thiền và sự giác ngộ của Đức Từ Phụ” ta còn chần chờ gì nữa, hỡi những người con Phật! Hãy mạnh dạn bước lên, ngồi ngay dưới gốc Bồ Đề mà năm xưa Thế Tôn đã ngồi. Ngồi cho đến khi Trí tuệ hiểu biết một cách toàn triệt mới thôi.
Chính những thứ không thật nầy đã làm mờ trí tuệ hiểu biết của ta; chính những không thật nầy là vô minh; ta quyết không nhận mà cũng không chạy theo chúng. Chúng đến, không ai mời, không ai cầm giữ. Chúng đi, tự chúng đi, chứ không ai xua đuổi. Đã từ muôn kiếp, ta quên bẵng là chúng ta cũng có trí tuệ hiểu biết, rồi ta lang thang khắp nẻo luân hồi, tạo nghiệp ngập trời; hết đến rồi đi, hết đi rồi đến. Ta dừng hết trạm nầy đến trạm khác. Bây giờ thấy được “Thiền và sự giác ngộ của Đức Từ Phụ” ta còn chần chờ gì nữa, hỡi những người con Phật! Hãy mạnh dạn bước lên, ngồi ngay dưới gốc Bồ Đề mà năm xưa Thế Tôn đã ngồi. Ngồi cho đến khi Trí tuệ hiểu biết một cách toàn triệt mới thôi.