Friday, July 17, 2015

Tu làm sao cho được thanh tịnh



Chúng ta đã nói rất nhiều về chữ tu và tu làm sao cho được thanh tịnh.  Cũng như rất nhiều Phật tử đã đề cập đến vấn đề thanh tịnh, nhưng lại không thấu triệt hết được mạch nguồn của thanh tịnh.  Thanh tịnh là căn bản của người tu Phật, và là cội nguồn của một xã hội văn minh.  Cho nên bất luận trong đạo hay ngoài đời ta phải tu tập đức thanh tịnh.  Đức Phật đã dạy: Hễ thân, miệng, và ý mà trong sạch, là sẽ được  sanh về cõi Phật.  Tuy nhiên, cái thanh tịnh mà ta có được ở cõi nước tạm bợ nầy chỉ là sự thanh tịnh tương đối mà thôi; chỉ khi nào ta tu cho dứt được sanh tử luân hồi thì khi ấy toàn bộ đều tĩnh lặng.

Khi nói đến thanh tịnh thì ta phải hiểu là thanh tịnh cả căn, trần, và thức.  Phật giáo tin theo thuyết duyên sinh.  Duyên sinh có nghĩa là vạn vật do duyên hòa hợp mà có.  Đối với Phật giáo, con người là do sự kết hợp của sinh lý, vật lý và tâm lý.  Nếu thiếu một trong ba thứ nầy thì không có sự tổng hợp nào cả.  Sinh lý ở đây chỉ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý.  Vậy ý ở đây chỉ sáu trần (ngoại cảnh); và tâm lý chỉ sáu thức.

Căn, trần, và thức là một cái đỉnh ba chân; thiếu một chân thì đỉnh không thể nào đứng được.  Sáu trần và sáu thức phải nhờ môi giới của sáu căn để tác dụng.  Trần (ngoại cảnh) và thức mà không có sáu căn thì không có tác dụng gì cả.  Thí dụ như nói là cảnh đẹp, mà không có mắt để thấy thì không có chuyện gì xảy ra cả.  Sáu trần và sáu căn mà không có thức thì không có sự phân biệt.  Tương tự, sáu căn và sáu thức phải có trần (ngoại cảnh) mới có công dụng.  Thí dụ như mặt hồ, bóng phản chiếu và sự thấy bóng phản chiếu; trần là cái mặt hồ, nhờ căn và thức phối hợp mà ta biết có cái bóng phản chiếu trên mặt hồ.  Bây giờ ta trở lại một chút về chữ thiền.  Thiền là trở về với thực tại, là sống tỉnh thức, là thực nghiệm nơi chính mình để thấy rõ bản chất của tâm.  Hồi ta chưa biết tu thiền thì ta cho sáu căn, sáu trần, và sáu thức tha hồ mà tác dụng với nhau; bây giờ ta biết thiền rồi thì ta phải trở về với thực tại của ta, phải sống tỉnh thức để tách rời chúng, không cho chúng tác dụng với nhau, thế là thanh tịnh.

Sáu căn là những cấu tạo sinh lý nơi con người như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; mà trong đó ý là thần kinh não bộ, là chỉ huy sở.  Còn sáu thức tác dụng giữa tâm lý bên trong và những hiện tượng vật lý bên ngoài.  Mắt có thần kinh thấy; tai có thần kinh nghe; mũi có thần kinh ngửi, lưỡi có thần kinh nếm; thân có thần kinh tiếp xúc; và cuối cùng ý phát ra từ chỉ huy sở của thần kinh não.  Có cảnh bên ngoài mà không ai là môi giới thì đâu có thức để mà biết cảnh.  Thí dụ một người mù là người thiếu mất thần kinh thấy; đứng trước cảnh trăm hoa đua nở, người ấy vẫn bình thản như thường.  Thế mới biết có trần mà không có căn thì thức cũng đành thúc thủ.

Sáu trần là những ngoại cảnh thuộc về màu sắc, âm thanh, mùi vị, mềm, cứng, nóng, lạnh… Lúc sáu căn tiếp xúc với sáu trần là lúc mà màu sắc được con mắt thấy; âm thanh được lỗ tai nghe; mùi được lỗi mũi ngửi; vị được lưỡi nếm; mềm, cứng, nóng, lạnh được thân tiếp xúc; và pháp được ý nhận biết.  Thức dùng để phân biệt và ghi nhớ.  Một người chết đã mất đi sáu căn thì dù có trần hiện diện, thức cũng không có tác dụng.

Như trên đã thấy sự liên hệ dây chuyền của căn, trần, và thức.  Trong ba thứ nầy, tuy căn chỉ là những sinh lý bình thường, nhưng hễ cột được nó, đương nhiên nó không chạy theo trần được thì tự nhiên không phản ứng tự nhiên thành, thức cũng bị ta ràng buộc nốt.  Chính vì thế mà ta thường hay nghe nói tu cho sáu căn thanh tịnh.  Làm sao cho sáu căn thanh tịnh?  Hãy nhìn vào tấm gương của Đức Từ Phụ, Ngài đã ngồi dưới cội Bồ Đề liên tục bốn mươi chín ngày đêm.  Ngài làm gì?  Ngài có thừa định lực để đạt được thanh tịnh; tuy nhiên, Ngài muốn vẽ lại một bức tranh thật về thiền cho chúng đệ tử về sau nầy nương theo đó mà tu hành.  Ngài đã không nói gì khi Ngài ngồi đó, nhưng cái không nói của Ngài nó hàm chứa cả một bài pháp vĩ đại: Hễ sáu căn đã thanh tịnh rồi thì trần và thức cũng thanh tịnh. 

Từ vô thủy đến nay, mọi tội lỗi đều do sáu căn tạo ra.  Như mắt tham sắc; tai tham nghe; mũi tham ngửi; lưỡi tham nếm vị ngon ngọt; thân tham tiếp xúc với những êm dịu; và ý tham vui.  Tham mà không được thì sanh ra sân hận; tham quên mất đạo lý và lẽ phải.  Nhưng do đâu mà có tham và sân?  Si mê chính là nguồn gốc đẻ ra tham và sân.  Chính từ tham, sân, si mà ta phải mang những phiền não vào thân; cũng vì tham, sân, si mà ta quên mất lẽ phải và đạo lý mà làm điều càn bậy rồi phải ân hận cả đời.  Rồi cứ thế mà ta mãi lăn trôi trong luân hồi sanh tử.

Sáu căn buông lung là cội rễ của tội lỗi, phiền não và luân hồi sanh tử.  Muốn được thanh tịnh và thoát ly khỏi sanh tử luân hồi, con đường duy nhất của người Phật tử là hãy đến quỳ trước Đấng Thiện Thệ mà thành khẩn rằng từ nay con nguyện sẽ hành trì những pháp môn của Đức Từ Phụ đã dạy, rằng từ nay con cũng sẽ ngồi như Ngài đã từng ngồi dưới cội Bồ Đề năm xưa.  Con quyết chí hành trì cho được giới, định để cũng sẽ phát trí tuệ như Ngài.

Nói là giới, định, và tuệ, chứ thật ra chỉ cần ta giữ giới và thiền định thì trí tuệ tự nhiên phát sanh.  Muốn đạt giới và định thì ta phải tu cả thân lẫn tâm.  Thân thì cột sáu căn, còn tâm thì định tĩnh loại bỏ đi những niệm, xấu cũng như tốt đều phải loại bỏ.  Loại bỏ bằng cách nào?  Hãy nhìn và học theo gương của Đức Từ Phụ ngày xưa; Ngài đã thiền dưới cội Bồ Đề liên tục suốt 49 ngày đêm để đạt đến đại định.  Ngài đã thành Phật vì Ngài có cái tâm kiên cường và định tĩnh.  Phật tử nếu thấy mình hãy còn cái thân tâm buông lung thì hãy ngay từ bây giờ nên loại bỏ những hành vi bất thiện. 

Loại bỏ bằng cách nào?  Chính Đức Thế Tôn đã dặn dò các đệ tử là về sau nầy không có Ngài, các đệ tử nên lấy giới luật làm thầy.  Ngài đã dặn dò rằng nếu ta không giữ giới thì tâm sẽ không bao giờ định.  Giới chính là cái bánh lái đưa thuyền đến giác ngộ.  Như vậy ta thấy rõ ý của Phật là dặn dò chúng sanh phải đi từng bước từ giới, rồi đến định thì tự nhiên trí tuệ sẽ phát sanh.  Không có giới, như thuyền không lái thì hãy khoan nói đến chuyện dong thuyền ra biển vì trước sau gì thuyền cũng sẽ hoặc bị nhận chìm, hoặc bị xô dạt đến một chân trời vô định nào đó, chứ chẳng bao giờ đến bến đâu.

Thanh tịnh có dễ không?  Như trên đã nói, đường tu không phải dễ thì đường thanh tịnh cũng không phải dễ.  Ngay ở bước đầu đi đến thanh tịnh, đã mấy ai làm được, đã mấy ai giữ được giới.  Phật đã khẳng định rằng hễ không giữ được giới thì không bao giờ có được định đâu, đừng thiền chi cho mệt và phí thì giờ.  Có chăng chỉ là những giờ phút trống rỗng; cũng có lợi nhưng chẳng đi đến đâu cả.  Đường thanh tịnh như vậy khó quá.  Vâng, khó đấy, nhưng không vì thế mà không làm được. 

Là Phật tử chân chánh ta quyết tâm noi theo gương của Đức Từ Phụ, quyết giữ gìn giới luật, lúc nào cũng coi giới luật như những dụng cụ dập tắt lửa tham, sân, si và ái dục, nên lúc nào cũng mang giới luật theo bên mình.  Hễ những thứ lửa ấy nổi lên là ta dập tắt ngay; quyết không cho một đốm lửa, dù nhỏ, ngun ngún trong ta.  Được như vậy thì cho dù xem thử, nghe thử, ngửi thử, mặc thử… ta cũng quyết không làm.  Vì hễ còn làm là ta còn ham thích, là còn không buông bỏ; mà không buông bỏ thì sẽ không bao giờ có thanh tịnh.  Xin hãy học lấy cái gương vĩ đại của Đức Từ Phụ, đừng chạy theo cảnh, dù cảnh đẹp; đừng nếm, dù là mỹ vị; đừng chạy theo pháp; đừng để cho giác quan sinh lý của ta chuyển theo cảnh cám dỗ của trần tục nữa.  Có được như vậy, không đợi gì Niết Bàn bên kia, mà hiện tại ta đang hiểu rõ bản chất của tâm rồi, hiện tại đã là một Niết Bàn an nhiên và tự tại lắm vậy.