Trước hết tôi sẽ giải thích một vài điểm quan
trọng sau đây trong việc hành thiền của một vị Hành giả (Yogi):
Sự chú ý theo dõi một đối tượng thường xuyên
xuất hiện trên thân thể của một người bình thường được gọi là việc Hành thiền.
Đối tượng đang thường xuyên xuất hiện trên thân thể đó chính là Hơi thở vào (viết
tắt là HTV) và hơi thở ra (viết tắt là HTR). Luồng hơi đi vào - luồng hơi đi ra
(HTV) & (HTR) thường xuyên xuất hiện. Một người nếu không có HTV và HTR thì
gọi là người chết, không còn sự sống. Từ khi bắt đầu sanh ra cho đến khi chết
đi, cái thường xuyên xuất hiện chính là hơi thở. Việc chú ý nhận biết theo dõi
HTV & HTR gọi là việc hành thiền Niệm hơi thở (ānāpānasati).
Trong việc thực hành theo dõi HTV-HTR, đòi hỏi
vị hành giả trước hết nên giữ tâm an vui, mát mẻ, tỉnh táo, sáng suốt, để tâm
thoải mái, dễ chịu. Vị hành giả ý thức được rằng: “Tâm của tôi đang an tĩnh,
mát mẻ, sáng suốt, thoải mái, dễ chịu; tâm của tôi chẳng có một chút lo âu, sợ
hãi – nóng nảy nào; không có một tham muốn nào, không có sân hận buồn bực nào,
kiêu mạn nào khởi lên nơi tâm của tôi”. Với tâm hiện thời đang an tĩnh, sáng suốt,
nhẹ nhàng, mát mẻ, thoải mái này, hành giả sẽ thở hơi thở vào, hành giả sẽ thở
hơi thở ra.
Nên chú ý nhận biết hơi thở đi vào - hơi thở
đi ra, Hơi thở đi vào – Hơi thở đi ra trong tâm. Sự nỗ lực chú ý nhận biết ĐIỂM
ĐỤNG như vậy gọi là việc nỗ lực hành thiền Niệm hơi thở.
Việc thường xuyên chú ý nhận biết ĐIỂM ĐỤNG
như vậy có những lợi ích gì?
Việc để tâm chú ý nhận biết đối tượng hơi thở
thường xuyên liên tục như vậy, nếu kiểm tra tâm mình hành giả sẽ nhận thấy rằng:
Tâm của vị ấy không bị Tham xâm nhập, Sân hận, bực tức – kiêu mạn không thể xâm
nhập; lo âu - buồn bực không thể xâm nhập. Tất cả những Tâm bất thiện (viết tắt
là TBT); tất cả những phiền não, không thể xâm nhâp được. Tất cả những Bất thiện
pháp những tâm bất trị kia không thể xâm nhập, hay nói cách khác tâm hành giả
đang vắng lặng các bất thiện pháp tham, sân,… nên được gọi là Samatha (Thiền Chỉ).
Trong việc hành thiền – hay tập trung chú ý nhận biết ĐIỂM ĐỤNG, khi Tâm đã vắng
lặng các bất thiện pháp, các phiền não…, đây chính là kết quả đầu tiên mà vị
hành giả đạt được. Tâm hành giả khi ấy trong sạch, sáng suốt, an tĩnh, thanh tịnh,
không một bất thiện pháp nào có thể xâm nhập được. Không để các bất thiện pháp
xâm nhập như vậy, vị ấy tiếp tục chú tâm nhận biết ĐIỂM ĐỤNG
Trước hết thực hành trong khoảng 10 phút, nếu
được rồi thì tiếp tục tăng lên 20 phút, hoặc 30 phút nữa. Đối tượng ĐIỂM ĐỤNG
được chú ý nhận biết liên tục rồi, tâm không phóng chỗ này chỗ kia nữa, chỉ có ĐIỂM
ĐỤNG mà thôi, tâm không để ý đến các đối tượng nào khác nữa. Nếu tâm được thiết
lập liên tục không gián đoạn trên đối tượng hơi thở như vậy, đến đây đã thành tựu
Giai đoạn thứ nhất: thiết lập niệm liên tục – hay sự chú ý nhận biết được duy
trì liên tục. Nếu giai đoạn thứ nhất thành tựu được, tất cả các giai đoạn còn lại
của Thiền Niệm hơi thở cũng sẽ tự động thành tựu.
Nếu niệm được thiết lập liên tục trên đối tượng
hơi thở đã được thành tựu, thì tất cả các giai đoạn còn lại cũng sẽ thành tựu.
Vì thế để thành tựu được Niệm hơi thở, thì hãy thiết lập sự chú ý nhận biết hơi
thở cho được liên tục được chừng nào tốt chừng nấy. Như vậy gọi là nỗ lực hành
thiền Niệm hơi thở trong giai đoạn thứ nhất.