Friday, July 31, 2015

Thực tình mà nói, ai mà biết được ở cõi Niết Bàn có cái gì?



  Không biết thì có mấy ai lại chịu đem đổi cái mình đang có để lấy một cái Niết Bàn xa xăm nào đó?  Kính lạy Phật, khi con nói những lời nầy, con không sợ Phật giận, mà con biết chắc rằng Phật sẽ không bao giờ giận.  Hơn nữa, con đã nói lên một sự thật, thưa Phật!  Bây giờ chỉ có điều là làm sao cho con và chúng sanh đang sống ở cõi Ta Bà nầy cũng hưởng được sự an lạc và thanh tịnh như Ngài ở cõi Niết Bàn vậy thôi.
Sống ở cõi Ta Bà nầy mà rũ bỏ được những lo lắng, những ưu tư phiền muộn thì có khác chi là cõi Niết Bàn của chư Phật đâu?  Tuy nhiên, muốn được như vậy thì phải ngày ngày hằng sống với thực tại và tỉnh thức để tự mình nhìn ra cho được chân tướng, mặt mũi của mình.  Phải kinh qua tự thân mà thực chứng; nghĩa là phải sống với thiền.  Sống một cách bình thường đơn giản; đừng rắc rối, đừng mơ tưởng gì đến thiên nhãn thông, hoặc thần túc thông… Mơ tưởng để làm gì khi những dấu chân ta hãy còn là những dấu chân của lo âu và phiền muộn.  Hãy sống tỉnh thức trong cuộc sống, hãy trở về với thực tại và phải tự mình tìm đường trở về với mình, trở về với cái bản lai chân diện mục của mình thì ta sẽ thấy không còn những bước chân trĩu nặng lo âu nữa; ta không còn gì để đau khổ phiền não nữa.
Tại sao lại gọi là thế giới Ta Bà?  Thế giới Ta Bà có khác chi Niết Bàn hoặc Tịnh Độ không?  Thế giới Ta Bà, Niết Bàn khác nhau ở chỗ nào? Niết Bàn là sự trống vắng của lo âu, phiền muộn và đau khổ; còn Ta Bà là lo âu, phiền muộn và đau khổ.  Như vậy, Ta Bà,  Niết Bàn chỉ khác đối với ai chưa hằng sống với thiền, chứ một khi đã hằng sống với thiền thì ta sẽ thấy trống vắng đi lo âu, phiền muộn và đau khổ.  Như vậy khi sống với Thiền thì Ta Bà là gì nếu không là Niết Bàn?  Hãy thực sống với thiền, hãy thực sự trở về với chính ta để được nghe tiếng hót líu lo của những loài chim ở cõi Ta Bà.
Thực sự với tôi, ngay cả hồi tôi chưa biết tí nào về thiền, tôi vẫn ưa thích tiếng chim của cõi Ta Bà hơn, tôi vẫn ưa thích cái thanh tịnh của những con đường đất quê tôi, hoặc những con đê, bờ ruộng… Tôi vẫn thích làm sao cho cõi Ta Bà nầy thành thanh tịnh, ở đây và bây giờ, hơn là đi về một cõi xa xăm nào mà tôi chưa từng biết.  Tuy nhiên, một khi đã hiểu biết thêm về Phật pháp thì Ta Bà, Niết Bàn, có hay không là do nơi mình.  Do chính cái tâm của mình.  Biết được như vậy, từ đó tôi thương cái cõi Ta Bà nầy hơn. 
Những lời mà thiên hạ đã tán thán đức Từ Phụ quả là không thể nghĩ bàn.  Ngài đã chỉ ngay cho tôi thấy Ta Bà, Niết Bàn là ở ngay tâm nầy mà ra.  Từ bây giờ và mãi về sau nầy, với tôi, cõi nước nầy chính là Niết Bàn, chứ không phải đi tìm ở mãi đâu.  Từ ngày đến với thiền, tôi đã ngày ngày sống với thực tại, sống trong tỉnh thức, và sống thiền bằng chính tự thân của mình.  Bây giờ với tôi, Ta Bà hay Niết Bàn là tự nơi mình.  An lạc hay không là tự nơi mình.  Thế giới có an lạc hay không là tự nơi lòng ta có an lạc hay không.  Ta không an lạc thì có khi chính mình đi biến cho những người quanh mình đi vào chỗ không an lạc.  Tiền tài, danh vọng, nhà lầu, xe đẹp càng nhiều chừng nào thì ta càng khó có được an lạc chừng nấy.  Hãy lắng lòng mà nghe lời dạy của Phật trong kinh: “tâm tịnh thì thế giới tịnh.”  Hãy áp dụng một cách rốt ráo lời dạy nầy trong cuộc sống hàng ngày của ta, ấy là ta đã góp phần thanh tịnh hóa cõi Ta Bà nầy vậy.  Mong cho ai nấy đều rũ bỏ được những thứ ấy, rũ bỏ cả những lo âu phiền muộn để cùng nhau biến cõi Ta Bà nầy thành Niết Bàn.