Friday, October 31, 2014

Người Phật tử lễ bái Đức Phật





Có hay không một hình thức tôn thờ hay lễ bái tượng Phật hay những thần tượng tương tự?
Người Phật Tử không cầu xin một ân huệ vật chất hay tinh thần nào khi đảnh lễ tượng Phật, mà chỉ bày tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ của mình đến lý tưởng siêu việt mà bức tượng tiêu biểu. Người Phật tử quỳ trước tượng Phật, dâng bông và dâng hương, không phải dâng đến bức tượng bằng đá, bằng gỗ, hay bằng giấy, mà là đến Đức Phật mà bức tượng là tượng trưng Ngài.

Dâng bông, quỳ lạy, là biểu hiện ra bên ngoài niềm tri ân vô hạn sâu kín trong lòng. Cùng lúc ấy người Phật tử suy gẫm về hồng đức của Đức Thế Tôn và tánh cách vô thường của vạn pháp, xuyên qua những cánh hoa sớm nở tối tàn. Người Phật tử hiểu biết tạo cho mình cảm tưởng đang tôn kính quỳ trước mặt Đức Phật và nhờ đó phát sanh nguồn cảm hứng thúc giục mình noi gương lành trong sạch của Ngài.

Đề cập đến các pho tượng triết gia trứ danh, bá tước Kaiserling, viết: "Trên thế gian này tôi không biết còn cái gì vĩ đại hơn là chân dung của Đức Phật. Đây là sự thể cách hóa toàn hảo một giá trị tinh thần trong thế gian hữu hình".

Người Phật tử cũng đảnh lễ cây Bồ Đề, nhưng không phải để tỏ lòng tôn sùng thờ phượng cái cây, mà xem đó là chỉ tượng trưng của sự giác ngộ. Dầu có nhiều nghi thức lễ bái trong các buổi lễ, người tín đồ Phật Giáo không tôn sùng Đức Phật như một thần linh.
Tượng Phật, cây Bồ Đề và các hình thức lễ bái không phải tuyệt đối cần thiết, nhưng rất hữu ích, vì giúp người hành lễ tập trung tư tưởng vào đối tượng trong sạch. Người trí thức thuần thục có thể khỏi phải nhờ đến những phương tiện ấy để gom tâm quán tưởng và hình dung Đức Phật.

Người Phật tử lễ bái Đức Phật để bày tỏ lòng tri ân ngưỡng mộ của mình đối với Ngài, nhưng điều Đức Phật mong muốn không phải là người tín đồ phải phục tùng vâng lời, mà nghiêm chỉnh thực hành giáo huấn của Ngài.

Trích từ Đức Phật và Phật pháp


bốn điều nhỏ mà Đức Phật dậy







Có bốn điều nhỏ mà Đức Phật dậy không nên coi thường đó là:

1-   Một đóm lửa nhỏ = một niệm sân hận đốt hết một rừng công đức.
2-   Một con rắn nhỏ = chỉ cần cắn trúng có thể giết chết một con người.
3-   Một vị Hoàng Tử trẻ = khi lên làm vua có thể đem người không thích chém đầu.
4-   Một vị Sadi trẻ = có thể trở thành vị Alahán tương lai.

Và cuối cùng Sư thêm vào là không nên coi thường người phụ nữ trẻ họ không đặt bát là đói… có thực mới vực được đạo.

Lời dậy chú Sadi thích nói Pháp.
"Con à, ta không nghĩ rằng con trở thành một người hiến mình vào cửa Phật bởi vì con muốn trở thành một cuốn tự điển sống cho các người khác. Sự hiểu biết và phê phán, vinh quang và danh dự cũng chẳng đi đến đâu. Ta muốn con hãy chấm dứt cái việc diễn thuyết đó đi. Hãy tự lánh mình trong một thiền viện nhỏ bé ở một nơi xa xôi trong núi. Con hãy dành thì giờ của mình để thiền định và bằng cách đó mà đạt sự chứng ngộ thật sự."

"Nghiên cứu chân lý về lý thuyết chỉ ích lợi như là một phương cách thâu thập những tài liệu giảng pháp . Nhưng nên nhớ rằng trừ phi con thiền định kiên trì, nếu không thì ánh sáng chân lý của con có thể tắt đi cuối đường hầm."



Bình minh vừa xuất hiện.



Những áng mây chiều bãng lãng như phiêu bạt về chân trời vô định. Thỉnh thoảng chúng cũng tụ lại thành bức tranh vân cầu.
Ðêm xuống. Vầng trăng lấp ló ẩn hiện sau những tàn cây phía đông như e thẹn, rụt rè. Ánh sáng chị Hằng trải mình xuống trần gian, tô vàng nhân thế nhưng cũng không đủ xô đuổi bóng tối của rừng đêm. Sự vắng lặng của núi rừng rất phù hợp với tâm hồn của những bậc chân tu hành đạo. Do đó thỉnh thoảng cũng có các bậc Sa môn hành giả đến đây tạm ngụ. Chọn một tịnh thất, quét dọn sạch sẽ, trải tọa cụ ngồi thiền cho mãi tới canh hai mới chỉ tịnh.

Bình minh vừa xuất hiện. Ánh thái dương chiếu xuống trần gian còn mờ sương khói. Gió thổi sương mai lung linh trên ngọn cỏ như những hạt kim cương lóng lánh. Tiếng quạ vỗ cánh tung bay kiếm mồi kêu chát tai nhưng không đủ làm náo động núi rừng yên lặng. Tiếng lá cây va chạm từng hồi xào xạt và tiếng lá khô lìa cành chậm chạp.
Khi trời thật sáng tỏ, đắp y mang bát vào làng khất thực.

Phật tử trông thấy, họ vừa vui mừng vừa xúc động. Vui mừng vì đã lâu lắm rồi họ mới gặp sư. Thấy vật thực vừa đủ, sư trở vào rừng dùng ngọ.
Chiều hôm ấy, sau khi xả thiền, sư trông thấy vị Tỳ-kheo trẻ đã đảnh lễ thỉnh cầu hỏi Pháp.
- Sư phụ à, con nghĩ là sẽ không được gặp sư phụ trong cảnh núi rừng vắng vẻ này. Có chuyện gì mà con tìm ta nơi này? Lần trước theo thầy lên thành phố gặp con vật có sừng nơi ngực khi trở về con đã sống như người cõi trên, nên mới một mình tìm đến nơi này nhờ thầy giúp con diệt trừ tâm ái dục.

- Này con, ta xin lược thuật một ít lời của Ðức Tôn Sư đã dạy để con thực hành và tiêu diệt đi ái dục đang xâm chiếm tâm con.
- Một người bị lửa cháy đầu nhưng không chịu dập lửa mà cứ khăng khăng đòi điều tra cho ra hư thực. Hành động như vậy các ngươi cho là khôn ngoan hay dốt nát.
- Bạch Thế Tôn, ấy là hành động dốt nát.
- Này các Tỳ-kheo, tam giới là lò lửa: lửa phiền, lửa não. Chúng sanh chạy loanh quanh trong lò lửa thì bảo sao không nóng. Hoặc cũng như người cầm đuốc chạy ngược gió thì bảo sao không bị phỏng tay, cháy mặt. Vậy, hành động khôn ngoan nhất là hãy ra khỏi nhà lửa, hãy quăng bỏ cây đuốc, thì lập tức sẽ có sự mát mẻ, an lạc.
- Này các Tỳ-kheo, Như lai đã quăng bỏ cây đuốc và kêu gọi các thầy quăng bỏ.

- Này các Tỳ-kheo, cây đuốc ấy là gì?
- Cây đuốc ấy là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm tiếp xúc với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, khơi nguồn cho lửa tham ái, lửa sân hận, lửa si mê.
Như Lai chưa thấy một năng lực ngoại giới nào làm cho người nam phải điêu đứng như sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp của người nữ và ngược lại.
- Này các Tỳ-kheo, Như Lai gọi ngũ dục là cạm bẫy ma vương, là loài hoa độc, là sức mạnh vạn năng. Người muốn cảm thắng ma vương phải phá bỏ cạm bẫy, phải đạp nát loài hoa độc, phải chế phục sức mạnh vạn năng của nó.

- Này các Tỳ-kheo, dưới cội bồ đề, trước giờ thành Phật, Như Lai đã khám phá được ngũ dục và thẳng thắng khai trừ: Này ngũ dục, Như Lai đã truy nguyên được ngươi. Chính tư duy bất chánh là nguyên động lực hình thành ra ngươi. Như Lai đã tận diệt nó rồi. Do đó, duyên sanh của ngươi đã bị phá vỡ toàn bộ.
- Này con, nghe xong thời pháp một số đông Tỳ-kheo đắc đạo chứng quả. Quả thật, Ðức Tôn Sư như tay thợ chuyên môn, kiến tạo nền móng chánh pháp kiên cố rồi mới xây dựng lâu đài thánh đạo, thật đúng với tôn hiệu Pháp vương.

Một lần nọ đức Vua Udena của xứ Kosambi hỏi Tôn-giả Pindola-Bhāradvaja: ‘Thưa Bhāradvaja, do nhân gì, do duyên gì, Những Tỳ-kheo trẻ tuổi này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’

‘Thưa Đại Vương, điều này đã được đức Thế Tôn bậc biết và thấy, bậc Alahán, Chánh Đẳng Giác nói: “Hãy đến này các Tỳ-kheo, với người nữ nào là mẹ, hãy nghĩ về họ chỉ như một người mẹ, người nữ nào là người chị, hãy nghĩ về họ chỉ như một người chị, và người nữ nào là con gái, hãy nghĩ về họ chỉ như người con gái.” Đó là lý do vì sao những Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’

 ‘Nhưng này Bhāradvaja, tâm thường hay thay đổi. Đôi khi những ý nghĩ tham dục có thể khởi lên đối với những người họ nghĩ chỉ là mẹ, chỉ là chị, chỉ là con gái. Có nhân nào khác, có lý do nào khác nhờ đó những Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ không?’

‘Thưa Đại Vương, điều này đã được đức Thế Tôn bậc biết và thấy, bậc Alahán, Chánh Đẳng Giác nói: “Hãy đến, này các Tỳ-kheo, hãy quán thân này từ lòng bàn chân đổ lên, từ đỉnh đầu đổ xuống, bao bọc bởi da, chứa đầy những vật bất tịnh. Trong thân này có: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, hoành cách mô (màng treo), lá lách, phổi, ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ, nước miếng, nước hoạt dịch, nước tiểu”. Thưa Đại Vương đó là lý do vì sao những Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’

‘Vâng, thưa Bhāradvaja, đối với những Tỳ-kheo nào có tu tập về thân, tu tập về về giới, tu tập về tâm và  tuệ, thì điều đó dễ rồi, nhưng đối với những người không tu tập, thời lại là chuyện khó. Đôi khi, có người nghĩ, “ta sẽ xem điều này là bất tịnh”, nhưng họ lại đi đến chỗ  nghĩ về nó như là hấp dẫn (tịnh). Có nhân nào khác, có lý do nào khác, nhờ đó những vị Tỳ-kheo trẻ này, còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ không?’

‘Thưa Đại Vương, điều này đã được đức Thế Tôn bậc biết và thấy, bậc Alahán, Chánh Đẳng Giác nói: “Hãy đến, này các Tỳ-kheo, hãy phòng hộ các căn của các ông, khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng (chi tiết) của nó. Bởi vì những ai sống không kiểm soát nhãn căn, tham, ưu và những ác bất thiện pháp khác sẽ tuôn chảy vào trong họ. Do đó để kiểm soát nó hãy thực hành  phòng hộ nhãn căn, luôn luôn phòng hộ nhãn căn.

Khi nghe một âm thanh…ngửi một mùi…nếm một vị…cảm giác một sự xúc chạm…nhận thức một pháp trần, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Bởi vì những ai sống với nhĩ căn…tỷ căn…thiệt căn…thân căn…ý căn không kiểm soát, tham, ưu và những ác bất thiện pháp khác sẽ tuôn chảy vào trong họ. Do đó để kiểm soát nó hãy thực hành  phòng hộ nhĩ căn…ý căn, luôn luôn phòng hộ nhĩ căn…ý căn.” Đó là lý do vì sao những Tỳ-kheo trẻ này còn non trẻ, tóc đen nhánh, với vẻ tươi tắn của tuổi trẻ, đang tuổi thanh xuân của cuộc đời, đã không thọ hưởng những dục lạc, có thể thực hành phạm hạnh một cách trọn vẹn và hoàn mãn cho đến cuối cuộc đời của họ?’

Đây là cách phòng hộ các căn đã được Đức Phật dạy trong rất nhiều bài Kinh. Các vị Tỳ-kheo phải phòng hộ các căn của mình theo cách này, và các nữ nhân tất nhiên cũng phải phòng hộ các căn của mình theo cách như vậy.
Để chỉ thêm cho quý vị thấy tầm quan trọng của việc phòng hộ các căn, tôi sẽ trích dẫn ra đây bài kinh thứ nhất của bộ Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh), trong kinh Đức Phật nói như sau:
‘Này các Tỳ-kheo, ta không biết một sắc nào khác qua đó tâm của người đàn ông bị biến thành nô lệ như sắc của người đàn bà như thế. Này các Tỳ-kheo, sắc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông không ngừng. Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một tiếng nào khác biến tâm của người đàn ông thành nô lệ như tiếng nói của người đàn bà như thế. Này các Tỳ-kheo, tiếng nói của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông không ngừng.

Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một mùi nào khác…một vị nào khác…một sự xúc chạm nào khác qua đó tâm của người đàn ông bị biến thành nô lệ như mùi, vị, sự xúc chạm của người đàn bà như thế.
Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một sắc nào khác…một tiếng nào khác…một mùi nào khác…một vị nào khác…một sự xúc chạm nào khác qua đó tâm của người đàn bà bị biến thành nô lệ như sắc, tiếng nói, mùi, vị, sự xúc chạm của người đàn ông như thế. Này các Tỳ-kheo, tâm của người đàn bà bị ám ảnh bởi những thứ ấy không ngừng.

Như vậy quý vị phải phòng hộ các căn của mình với chánh niệm lớn. Nếu quý vị có thể chánh niệm về đề mục thiền của mình trong mọi lúc thì thật là tốt, vì như thế các căn của quý vị cũng sẽ được khéo phòng hộ. Nếu quý vị đang thực hành 32 thể trược quý vị phải làm sao không để bị nhàm chán với 32 thể trược, vì nó cũng giống như người bạn tốt giúp quý vị loại trừ phiền não vậy. Do đó quý vị phải tác ý đến 32 thể trược với sự kính trọng. Nếu quý vị làm được như thế là quý vị đã kính trọng Pháp (Dhamma), và như vậy quý vị là những đệ tử có lòng tin của Đức Phật.

Hôm nay, ta sẽ hướng dẫn về cách làm thế nào để tu tập các đề mục thiền chỉ: quán ba mươi hai thành phần của thân (32 thể trược), v.v... Hy vọng con sẽ diệt trừ được ái dục.
Tu tập Ba Mươi Hai Thể Trược như thế nào?
Phân biệt mỗi lần một phần theo thứ tự đã đặt ra. Cố gắng thấy mỗi phần rõ rệt như khi soi mặt mình trong tấm gương sạch vậy.
KĀYAGATĀSATI: niệm thân hành, suy niệm về ba mươi hai thể trược của thân. Quán thân là quán 32 bộ phận của thân thể như sau: Tóc, lông, móng tay, móng chân, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, trái cật, tim, gan, hoành cách mạc, tỳ tạng (splun), phổi, màng da mỏng, ruột, bao tử, phẩn, mật, niêm dịch, mũ, máu, mồ hôi, bạch huyết, nước mắt, mỡ, nướng miếng, nước đàm, nước nhớt và nước tiểu. Trong đề mục thiền định này, phải chú ý đến 32 thể trong thân mình do sự ghi nhớ rằng là: "vật dơ nhớp", gọi là đề mục thiền định niệm theo thân thể.
 Khi hành giả muốn niệm đề mục này, trước phải học 7 phương pháp uggahakosalla, sau học 10 pháp thông hiểu nơi vị thiền sư. Bảy phương pháp uggahakosalla: 1.- học đọc cho trôi chảy cả 32 thể (vacasā); - học đọc thầm cho trôi chảy cả 32 thể (manasā); - học phân biệt màu sắc của 32 thể ấy (vannato) 4.- học phân biệt rõ ràng hình trạng các thể ấy (saṇthānato) 5.- học phân biệt rõ ràng chỗ ở các thể ấy (disato); 6.- học phân biệt rõ ràng thể nào ở chỗ nào (okāsato); 7.- học phân biệt rõ ràng nơi chung quanh và thái trạng của thể ấy, không lầm lộn (parichedato);

giải: - phương pháp thứ nhất dạy phải học đọc cho trôi chảy cả 32 thể ấy, chia ra 6 phần: a) phần thứ nhất 5 thể: tóc (kesā), lông (lomā), móng (nakhā), răng (dantā), da (taco) b) - phần thứ nhì có 5 thể: thịt (mamsaṃ), thần kinh (nhārū), xương (atthi), tủy trong xương (atthiminjaṃ), vakkaṃ (vakkaṃ: 2 cục thịt từ cuống họng chạy xuống trái tim.); c) - phần thứ ba có năm thể: tim (hadayaṃ), gan (yakanaṃ), màng bao ruột (kilomakaṃ), dạ dày (pihakaṃ), phổi (papphasaṃ); d) phần thứ tư có 5 thể: ruột già (antaṃ), ruột non (antagunaṃ), vật thực mới (udariyaṃ), vật thực cũ (karisaṃ), tủy trong óc (matthaiuṅgaṃ); e) - phần thứ 5 có 6 thể: mật (pittaṃ), đàm (semhaṃ), mủ (pubbo), máu (lohitaṃ), mỡ đặc (medo), mồ hôi (sedo); f) - phần thứ sáu có 6 thể: nước mắt (assu), mỡ lỏng (vasā), nước miếng (khelo), nước mũi (singhanikā), nhớt (lasikā), nước tiểu (muttam).


Trước hết phải học đọc xuôi và đọc ngược phần thứ nhất cho thuộc làu, rồi mới nên học đọc qua phần thứ nhì. Khi học đọc thuộc làu phần thứ nhì rồi, phải đọc lại từ phần thứ nhất trở xuống (cũng phải học đọc xuôi và ngược). Khi đọc làu (xuôi và ngược) rồi mới nên học đến mấy phần sau nữa. Trong phương pháp thứ nhì dạy phải học thuộc thêm cho trôi chảy như học đọc bằng miệng, nghĩa là phải ghi nhớ cả 32 thể ấy y theo phương pháp học đọc bằng miệng. - trong phương pháp thứ ba dạy phải phân biệt màu sắc các thể ấy cho biết rằng: thể này màu này... Thể kia màu kia như vậy cho đủ cả 32 thể. - trong phương pháp thứ tư dạy phải học phân biệt hình trạng các thể ấy cho biết rằng: thể này hình trạng như thế này... Thể kia hình trạng như thế kia... Như vậy cho đủ cả 32 thể. - trong phương pháp thứ năm dạy phải phân biệt cho biết: thể nào ở hướng nào, phía trên hoặc phía dưới, phía trên từ rún trở lên, phía dưới từ rún trở xuống. - trong phương pháp thứ sáu dạy phải phân biệt cho biết thể nào ở chỗ nào...

Cho đủ cả 32 thể. - trong phương pháp thứ bảy dạy phải học phân biệt cho biết nơi chung quanh của mỗi thể, thể nào tiếp cận với thể nào và phân biệt cho biết cả 32 thể ấy. Mười phương pháp học nằm lòng nơi vị thiền sư là: 1- phải ghi nhớ theo thứ tự mỗi thể, từ phần thứ nhất và tiếp theo, không nên nhớ lẫn lộn (trước ra sau, sau ra trước) (anupubbato); 2- phải ghi nhớ không nên đọc mau lắm (nātisīghato); 3- phải ghi nhớ không nên đọc chậm lắm (nātisanikato); 4- khi tâm bỏ đề mục thiền định, tìm hoàn cảnh khác, phải kiềm chế đừng để cho tâm thối chuyển (vikkhepaṭibāhanato); 5- phải ghi nhớ bỏ sự niệm: "tóc, long..." chỉ phải nhớ đến trạng thái dơ nhớp, dơ nhớp... Thôi; 6- phải ghi nhớ học theo thứ tự của mỗi thể, nếu thể nào không phát sanh rõ rệt, thì bỏ ra, chỉ phải ghi nhớ thể nào phát sanh rõ rệt (anupubbamuñcanato); 7- phải biết thể nào đem đến sự nhập định, là phải biết 32 thể (nhất là tóc...)

Đều có thắng lực đem tâm hành giả vào định được cả (appanāto); 8- phải thông hiểu kinh adhicittasūtra (kinh giải về tâm cao thượng) mà đức Phật đã giải rằng: phải ghi nhớ luôn luôn đến ba triệu chứng: thiền định, uggaha và tâm xả. (nếu chỉ hành phép thiền định thì tâm phát hôn trầm; chỉ hành phép tinh tấn thì tâm phải xao lãng; chỉ hành phép xả thì tâm phát phóng đãng) 9- phải thông hiểu kinh sitibhāvasūtta mà đức Phật đã giảng giải rằng: thầy Tỳ-Kheo có đủ 6 pháp nên hành cho thấy rõ niết bàn (sitibhāvato) (sáu pháp: đè nén tâm trong khi nên đè nén; xem chừng tâm trong khi nên xem chừng; phấn khởi tâm trong khi nên phấn khởi; kiềm chế tâm trong khi nên kiềm chế; tâm trụ trong đạo quả; thỏa thích trong niết bàn. ) 10– phải thông hiểu kinh sattabojjhangakosallasūtta mà đức Phật đã giảng giải phải hành theo 7 pháp bồ đề trong khi tâm giãi đãi (sattabojjhangakosallosuttato) (xem trong "Phật ngôn trích lục".)
Bực hành giả khi đã học xong 7 pháp uggahakosalla và 10 pháp thuộc nằm lòng nơi vị thiền sư như đã giải trên đây, biết phân biệt màu sắc, hình trạng, phương hướng và không lầm lộn cả 32 thể xong rồi, phải ghi nhớ rằng: các thể ấy đều là vật dơ nhớp, ghi nhớ theo 5 điều sau này, đừng mau lắm, đừng chậm lắm. Năm điều dơ nhớp là: 1- dơ nhớp vì màu sắc (vaṇṇato), 2- dơ nhớp vì hình trạng(santhānato), 3- dơ nhớp vì mùi vị (gangdhato), 4- dơ nhớp vì chỗ nương dựa (āsayato), 5- dơ nhớp vì không khí chỗ ở (okāsato), khi hành giả đã ghi nhớ sự dơ nhớp trong mỗi thể theo 5 điều ấy, nhớ đủ cả 32 thể trong mình, sự ghi nhớ ấy phát sanh ra đều nhau, không trước không sau, chỉ phải ghi nhớ xuôi rằng: "tóc"...

Thì sự ghi nhớ ấy thông thấu đến ṅước tiểu" là thể cuối cùng rồi ghi nhớ trở ngược lại: nước tiểu... Thì sự ghi nhớ ấy thông thấu đến "tóc" là thể đầu tiên. Dầu ghi nhớ đến thân thể kẻ khác thì sự ghi nhớ cả 32 thể trong thân cũng phát sanh ra rõ rệt giống nhau. Nếu hành giả hằng niệm sự dơ nhớp y theo 10 phương pháp đọc thầm, theo thứ tự, ắt nhập định được. Trong 10 đề mục niệm niệm, (uggahanimitta) và (patibhāgangimitta) không phát sanh được đều đủ, chỉ phát sanh trong đề mục niệm theo thân thể" và đề mục niệm theo hơi thở" thôi. Tuy nhiên, (uggahanimitta) trong đề mục niệm theo thân thể" thì thấy rõ rệt màu sắc hình trạng, phương hướng chỗ ở và chung quanh của 32 thể. Còn patibhāgangimitta phát sanh thấy sự dơ nhớp đủ cả 32 thể. Nếu hành giả thường gìn giữ patibhāgangimitta, được thì sẽ đắc định, nhưng chỉ vào đến sơ thiền, cũng như trong đề mục tử thi vậy, tưởng nhớ luôn luôn theo thân thể sắc uẩn.

Ôi! vất vả quá phải không con…

Friday, October 10, 2014

Kinh Ðại Không (Mahasunnata Sutta) Kinh số 122, Trung Bộ Kinh, HT Thích Minh Châu dịch



    Như vầy tôi nghe.

    Một thời, Thế Tôn trú giữa các giòng họ Sakka (Thích Ca), tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), ở tu viện Nigrodha (Ni Câu Luật Thọ Viện). Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Kapilavatthu để khất thực. Sau khi khất thực ở Kapilavatthu, ăn xong, trên đường đi khất thực trở về, Thế Tôn đi đến trú xứ của Thích Ca Kalakhemaka để ở ban ngày. Lúc bấy giờ tại tu viện của Thích Ca Kalakhemaka, có sắp đặt rất nhiều sàng tọa. Thế Tôn thấy rất nhiều sàng tọa tại trú xứ của Thích Ca Kalakhemaka, thấy vậy Thế Tôn suy nghĩ: -- "Rất nhiều sàng tọa được sắp đặt tại tu viện của Thích Ca Kalakhemaka. Không biết ở đây có rất nhiều Tỷ Kheo ở không?"

    Lúc bấy giờ Tôn Giả Ananda cùng với rất nhiều vị Tỷ Kheo đang làm y (civarakamma) ở trú xứ của Thích Ca Ghataya.

    Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền định độc cư đứng dậy, đi đến trú xứ của Thích Ca Ghataya, sau khi đến liền ngồi trên chổ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo Tôn Giả Ananda:

    -- "Này Ananda, có rất nhiều sàng tọa được sắp đặt tại trú xứ của Thích Ca Kalakhemaka. Không biết có nhiều Tỷ Kheo trú ở đấy không?"

    -- "Bạch Thế Tôn, có rất nhiều sàng tọa được đặt ở trú xứ của Thích Ca Kalakhemaka; có rất nhiều Tỷ Kheo trú tại chỗ ấy. Bạch Thế Tôn, nay là thời chúng con làm y."

    -- "Này Ananda, một Tỷ Kheo không chói sáng (1) nếu thích thú trong hội chúng của mình (2), nếu hân hoan trong hội chúng của mình, nếu hoan hỷ trong hội chúng của mình, nếu thích thú trong hội chúng của người, nếu hân hoan trong hội chúng của người, nếu hoan hỷ trong hội chúng của người.

    Này Ananda, nếu Tỷ Kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, nếu hân hoan trong hội chúng của mình, nếu hoan hỷ trong hội chúng của mình, nếu thích thú trong hội chúng của người, nếu hân hoan trong hội chúng của người, nếu hoan hỷ trong hội chúng của người, có thể là một vị chứng đắc tùy theo ý muốn, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, viễn ly lạc (3), độc cư lạc (4), an tịnh lạc (5), chánh giác lạc (6), sự kiện như vậy không xảy ra.

    Nhưng này Ananda, Tỷ Kheo nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thời vị ấy có cơ hội chứng đắc tùy theo ý muốn, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, viễn ly lạc, độc cư lạc, an tịnh lạc chánh giác lạc, sự kiện như vậy có thể xảy ra.

    Này Ananda, nếu Tỷ Kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, nếu hân hoan trong hội chúng của mình, nếu hoan hỷ trong hội chúng của mình, nếu thích thú trong hội chúng của người, nếu hân hoan trong hội chúng của người, nếu hoan hỷ trong hội chúng của người, sẽ chứng đắc và an trú với tâm giải thoát có hạn kỳ và thoải mái (7), hay không có hạn kỳ và bất động (8); sự kiện như vậy không xảy ra.

    Nhưng này Ananda, Tỷ Kheo nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thời vị ấy có hy vọng sẽ chứng đắc và an trú với tâm giải thoát có hạn kỳ và thoải mái, hay không có hạn kỳ và bất động; sự kiện như vậy có thể xảy ra.

    Này Ananda, Ta không quán thấy một sắc pháp (9) nào, trong ấy có hoan hỷ, trong ấy có hoan lạc, chịu sự biến dịch, chịu sự đổi khác mà không khởi lên sầu, bi, khổ não.

    Nhưng sự an trú này, này Ananda, đã được Như Lai hoàn toàn giác ngộ, tức là sau khi không tác ý tất cả tướng (10), chứng đắc và an trú nội không (11). Và nếu này Ananda, trong khi Như Lai an trú trong an trú này, nếu có những Tỷ Kheo, Tỷ Kheo Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, quốc vương, đại thần, ngoại đạo, ngoại đạo đệ tử đến yết kiến, trong khi ấy này Ananda, Như Lai với tâm hướng đến viễn ly, thiên về viễn ly, nặng về viễn ly, sống độc cư, hoan hỷ trong ly dục, làm cho đoạn tận tất cả các pháp dựa trên ấy các lậu hoặc an trú, nói lên tại chỗ ấy (12) những lơì thuần túy liên hệ đến khích lệ(13). Do vậy, này Ananda, nếu Tỷ Kheo ấy ước vọng: -- "Sau khi chứng đạt nội không, ta sẽ an trú", vị Tỷ Kheo ấy, này Ananda, cần phải an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm.

    Và này Ananda, như thế nào Tỷ Kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm? Ở đây, này Ananda, Tỷ Kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và an trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, chứng và trú nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm ... Tam thiền ... chứng và trú Tứ thiền. Như vậy, này Ananda, Tỷ Kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm."

    Vị ấy tác ý nội không. Trong khi vị ấy tác ý nội không. tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến nội không. sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ Kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội không. tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Vị ấy tác ý ngoại không (14). Vị ấy tác ý nội ngoại không (15). Vị ấy tác ý bất động (16). Trong khi vị ấy tác ý bất động, tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến bất động. Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ Kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý bất động, tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến bất động". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Này Ananda, Tỷ Kheo ấy cần phải an trú, an tọa, chuyên nhất, và an định nội tâm trong định tướng (samadhinimitte) đã đề cập về trước ấy (17). Vị ấy tác ý nội không. Trong khi vị ấy tác ý nội không, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến nội không. Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ Kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội không, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Vị ấy tác ý ngoại không. Vị ấy tác ý nội ngoại không. Vị ấy tác ý bất động. Trong khi vị ấy tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến bất động. Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ Kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến bất động." Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

    Này Ananda, nếu Tỷ Kheo ấy đang an trú trong an trú này (18), tâm vị ấy hướng đến đi kinh hành, vị ấy đi kinh hành (cankamati) và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đi kinh hành, tham và ưu, các bất thiện pháp không có chảy vào". Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy (19). Này Ananda, nếu Tỷ Kheo ấy đang an trú trong an trú này, tâm vị ấy hướng đến đứng lại, vị ấy đứng lại và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đứng lại, tham và ưu, các bất thiện pháp không có chảy vào". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

    Này Ananda, nếu trong khi Tỷ Kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến ngồi, vị ấy ngồi và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang ngồi, tham và ưu, các bất thiện pháp không có chảy vào." Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

    Này Ananda, nếu trong khi Tỷ Kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến nằm, vị ấy nằm và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang nằm, tham và ưu, các bất thiện pháp không có chảy vào." Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

    Này Ananda, nếu trong khi Tỷ Kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến nói, vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta sẽ không nói những câu chuyện hạ liệt, đê tiện thuộc phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly dục, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn như: Quốc vương luận, đạo tặc luận, đại thần luận, quân luận, bố úy luận, chiến tranh luận, thực vật luận, ẩm liệu luận, y phục luận, ngọa cụ luận, hoa man luận, hương liệu luận, thân thích luận, xa thừa luận, thôn luận, thị trấn luận, đô thị luận, quốc độ luận, nữ luận, anh hùng luận, hạng trung luận, thủy bình xứ luận, tiên linh luận, sai biệt luận, thế giới luận, hải thuyết luận, hữu vô hữu luận." Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

    Nhưng này Ananda, đối với những lời nói nào khắc khổ, khai tâm, đưa đến nhứt hướng yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn như là: Thiểu dục luận, tri túc luận, độc cư luận, bất chúng hội luận, tinh cần luận, giới luận, định luận, tuệ luận, giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận, vị ấy nghĩ: "Ta sẽ nói các luận như vậy." Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

    Này Ananda,nếu trong khi Tỷ Kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến suy tầm (vitakka), vị ấy suy nghĩ: "Ðối với những suy tầm hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí giác ngộ, Niết Bàn, như là: Dục tầm, sân tầm, hại tầm, ta sẽ không suy nghĩ các loại tầm ấy." Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

    Nhưng này Ananda, đối với những suy tầm này thuộc về bậc Thánh. có khả năng cầu tiến, hướng dẫn (người suy nghĩ đến các tầm ấy) đến sự đoạn trừ hoàn toàn đau khổ, như là ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, vị ấy nghĩ: "Ta sẽ suy tư các loại suy tầm này." Ở đây, vị ấy thức rõ ràng như vậy.

    Này Ananda, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức; các hương do mũi nhận thức; các vị do lưỡi nhận thức; các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Ananda, có năm dục trưởng dưởng này. Từ đây Tỷ Kheo cần phải thường thường quán sát tự tâm như sau: "Trong tâm ta, có khởi lên tâm hành gì với xứ (ayatana) này hay xứ khác của năm dục trưởng dưỡng."

    Này Anada, nếu Tỷ Kheo trong khi quán sát như vậy, tuệ tri như rằng: "Trong tâm ta, có khởi lên tâm hành với xứ này hay xứ khác của năm dục trưởng dưởng ...". Sự kiện là như vậy, Tỷ Kheo tuệ tri như sau: "Dục ái (chandaraga) này đối với năm dục trưởng dưỡng đối với ta, chưa đoạn diệt được". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Này Ananda, nếu Tỷ Kheo trong khi quán sát như vậy, tuệ tri rằng: "Trong tâm ta, không có khởi lên tâm hành với các xứ khác của năm dục trưởng dưỡng ..." Sự kiện là như vậy, Tỷ Kheo tuệ tri như sau: "Dục tham này đối với năm dục trưởng dưỡng đối với ta, đã được đoạn diệt." Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

    "Này Ananda, có năm thủ uẩn. Ở đây, Tỷ Kheo cần phải đoạn tận chúng, khi vị ấy tùy quán sự sanh diệt. Ðây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự đoạn diệt của sắc. Ðây là thọ, đây là sự tập khởi của thọ, đây là sự đoạn diệt của thọ. Ðây là tưởng [...]. Ðây là hành [...]. Ðây là thức, đây là sự tập khởi của thức, đây là sự đoạn diệt của thức. Trong khi vị ấy an trú, tùy quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, nếu có ngã mạn nào (asmimmamo) (khởi lên) đối với năm thủ uẩn, ngã mạn ấy được đoạn tận. Sự kiện là như vậy. Này Ananda, Tỷ Kheo tuệ tri như sau: "Phàm có ngã mạng nào đối với năm uẩn (khởi lên) nơi ta, ta đã đoạn tận ngã mạn ấy." Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Những pháp này, này Ananda, thuần nhất liên hệ đến thiện (20) đều thuộc hiền, Thánh, siêu thế, vượt ngoài tầm của ác ma.

    Này Ananda, ông nghĩ thế nào? Vì thấy lý do gì, một Thanh văn Ðệ tử tự nghĩ là xứng đáng (hợp lý) để đi theo một Ðạo Sư dầu cho bị hất hủi (21) ? "

    -- "Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các Pháp dựa Thế Tôn làm căn bản, hướng Thế Tôn làm lãnh đạo, nương tựa Thế Tôn làm y cứ. Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn thuyết giảng cho ý nghĩa này. Sau khi được nghe Thế Tôn, các Tỷ Kheo sẽ hành trì."

    -- "Này Ananda, thật không xứng đáng cho một đệ tử bám sát theo vị Ðạo Sư, nếu vì lý do được nghe giải thích khế kinh và phúng tụng (22). Vì cớ sao? Trong một thời gian lâu dài, các pháp đã được các ông nghe, thọ trì, đọc lớn tiếng, suy tư với ý, khéo thấu hiểu với chánh trí. Nhưng này Ananda, đối với những lời nói nào, khắc khổ, khai tâm, đưa đến nhất hướng viển ly, ly tham, đoạn diệt an tịnh, thắng trí giác ngộ, Niết Bàn, như thiểu dục luận, tri túc luận, độc cư luận, bất chúng hội luận, tinh cần luận, giới luận, định luận, tuệ luận, giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận. Này Ananda, do nhân duyên những loại thuyết luận như vậy, thật xứng đáng cho một Thanh Văn Ðệ tử bám sát vị Ðạo Sư dầu cho bị hất hủi. Sự kiện là như vậy, này Ananda, thời có sự phiền lụy (upađava) cho vị Ðạo sư; sự kiện là như vậy thời có sự phiền lụy cho đệ tử; sự kiện là như vậy thời có sự phiền lụy cho các vị tu Phạm hạnh. Và này Ananda, như thế nào là sự phiền lụy cho vị Ðạo Sư?

    Ở đây, này Ananda, có Ðạo sư (23) lựa một trú xứ (senasanam) xa vắng trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của Ðạo Sư. Vì sự phiền lụy của Ðạo Sư, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sinh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già, chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy này Ananda là sự phiền lụy của Ðạo Sư.

    Và này Ananda, thế nào là sự phiền lụy của đệ tử? Này Ananda, đệ tử của một Ðạo Sư, bắt chước đời sống viễn ly của Ðạo Sư mình, lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chổ hoang vu, trong hang núi, tại bải tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của đệ tử. Vì sự phiền lụy của đệ tử, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sinh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già , chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy này Ananda là sự phiền lụy của đệ tử.

    Và này Ananda, như thế nào là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh? Ở đây, này Ananda, Như Lai xuất hiện ở đời, là bậc A La Hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi Ngài sống viển ly như vậy, các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, Ngài không khởi lên nhiễm tâm, không rơi vào dục vọng, không khởi lên tham ái, không trở lui lại đời sống sung túc. Nhưng này Ananda, vị đệ tử của bậc Ðạo Sư, bắt chước (theo hạnh ấy) lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chổ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà La Môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy, này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh. Vì sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sinh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già , chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy, này Ananda, là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh.

    Nhưng này Ananda, sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh là nhiều quả khổ hơn (24), nhiều quả não hại hơn đối với phiền lụy của Ðạo Sư này và phiền lụy của đệ tử này, hơn nữa nó dẫn đến đọa lạc. Do vậy, này Ananda, hãy đối xử với Ta, với tâm thân hữu, không với tâm thù nghịch và như vậy các ngươi sẽ được hạnh phúc lâu dài. Và như thế nào là các đệ tử đối xử vị Ðạo Sư với tâm thù nghịch, không với tâm thân hữu? Ở đây, này Ananda, vị Ðạo Sư với lòng từ mẫn thuyết pháp cho các đệ tử, mong cầu hạnh phúc cho chúng, vì lòng từ mẫn nói rằng: "Ðây là hạnh phúc cho các ngươi, đây là an lạc cho các ngươi." Nhưng các đệ tử của vị ấy không chịu nghe theo, không chịu lóng tai, chú tâm vào hướng khác (annan), ngược lại, chúng đi xa lời giảng dạy của vị Ðạo Sư. Như vậy, này Ananda, là các đệ tử đối xử với bậc Ðạo Sư, với tâm thù nghịch không với tâm thân hữu. Và như thế nào, này Ananda, là các đệ tử đối xử với bậc Ðạo Sư với tâm thân hữu, không với tâm thù nghịch? Ở đây, này Ananda, vị Ðạo Sư với lòng từ mẫn thuyết pháp cho các đệ tử, tìm cầu hạnh phúc cho chúng, vì lòng từ mẫn nói rằng: "Ðây là hạnh phúc cho các ngươi, đây là an lạc cho các ngươi." Và các đệ tử của vị ấy chịu nghe theo, chịu lóng tai, không chú tâm vào hướng khác, và không ngược lại đi xa lời dạy của bậc Ðạo Sư. Như vậy này Ananda là các đệ tử đối xử với bậc Ðạo Sư, với tâm thân hữu, không phải với tâm thù nghịch. Do vậy, này Ananda, hãy đối xử với Ta với tâm thân hữu, chớ với tâm thù nghịch và như vậy sẽ là hạnh phúc, là an lạc lâu dài cho các ông. Ta không sách tấn các ông như người thợ gốm đối với đồ gốm chưa nung, chưa được nung chín (25). Ta sẽ nói hết lời chỉ trích này đến lời chỉ trích khác, hết lời tán thán này đến lời tán thán khác. Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ đứng vững tồn tại."

    Thế tôn thuyết giảng như vậy. Tôn Giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

    Kinh Ðại Không, thứ một trăm hai mươi hai

-oOo-

    Chú thích:

        (1) Trong lời dạy của Ðức Phật
        (2) Sanganika là sự tụ họp với hội chúng của mình và gana là sự tụ họp với hội chúng của người khác. Chỉ có Tỷ Kheo ưa thích độc cư mới sáng chói.
        (3),(4) Rời khỏi các dục.
        (5) Ðưa đến sự đoạn trừ tham, sân, si.
        (6) Ðưa đến đích giác ngộ về đạo (magga).
        (7) Sàmyikà kantà ceto vimutti: khi tâm định thời giải thoát khỏi các phiền não. Giải thích sự giải thoát có hạn kỳ và thoải mái là sự chứng đạt 4 sắc giới và 4 vô sắc giới Thiền.
        (8) Asàmàyikì akuppà ceto vimutti: tâmgiải thoát không hạn kỳ và bất động. Ðây chỉ cho sự giải thoát khỏi các phiền não, không bị thời gian chi phối, sự giải thoát về 4 đạo và 4 quả.
        (9) Rùpa, gọi là sàrira (thân).
        (10) Nimitta, các tướng của thế giới hiện tượng.
        (11) Sống một mình, dầu rằng ngồi giữa đám đông.
        (12) Giữa hội chúng ấy.
        (13) Hán dịch là Khuyến trợ
        (14) Ngoại không đối với 5 uẩn với một người khác
        (15) Nội ngoại không: khi thì tác ý nội không, khi thì tác ý ngoại không.
        (16) Bất Ðộng, nghĩ rằng, tôi sẽ giải thoát cã hai phía, vị ấy chứng đắc vô sắc và bất động, ànaja-arupasamàpatti.
        (17) Nguyên bản là parimasmim. Nhưng đọc là purimasmim. Ðây có nghĩa là một sự cố gắng nữa để nhập và trú nội không.
        (18) An trú trong chỉ và quán.
        (19) Nghĩa là đối với kammathàna này, nghiệp xứ hay đối tượng tu hành.
        (20) Kusalàaytikà: giải thích là kusalato àgatà, khởi lên từ thiện pháp. Nhưng nghĩa của các bản giải thích là "đưa đến (từng bước một) cái gọi là chí thiện".
        (21) Payujjamàno, có nghĩa là cột vào, ép vào.
        (22) Trong 9 loại thể văn, đây chỉ nói đến khế kinh (sutta) và phúng tụng (geya).
        (23) Một Ðạo Sư ngoại đạo.
        (24) Vì ai xuất gia theo giáo hội Sàsana phải chứng được 4 đạo, 4 quả và Niết Bàn, nhưng vì không lảnh hội được giáo lý, Sàsana, vị ấy thất bại với 9 tầng bậc siêu thế này.
        (25) Ý nói người thợ gốm đối với đất sét chưa nung rất nhẹ tay vì sợ bể. Nhưng Ðức Phật đối với đệ tử không phải nhẹ tay như vậy. Nếu cần rầy la thì Ðức Phật rầy la.

    Chân thành cám ơn anh Phước Nguyễn <hi-lwa@juno.com> đã có thiện tâm đánh máy lại bài kinh nầy, và đã đăng từng phần trên diễn đàn vn-buddhism@saigon.com trong tháng 06-1997.

http://goo.gl/QiEqR     Google blogger  Sư Giới Tịnh đọc thêm nhiều tài liệu.

http://www.songthien.org     Địa chỉ trang WEB mp3 Sư Giới Tịnh…