Thursday, July 30, 2015

Bốn cái vô lượng tâm Từ Vô Lượng Tâm. Từ Vô lượng tâm là gì?



Mục đích tối thượng của người tu thiền là gì?  Có phải là giác ngộ và giải thoát rốt ráo không?  Vâng, đúng vậy, mục đích của người tu thiền là giác ngộ và giải thoát một cách rốt ráo.  Nếu với mục đích tối thượng ấy thì người tu thiền có liên hệ gì với tứ vô lượng tâm?
Trước tiên là Từ Vô Lượng Tâm. Từ Vô lượng tâm là gì?  Từ vô lượng tâm không phải là cái lòng thương yêu quyến luyến của phàm phu, mà là một tình yêu phát xuất từ lòng từ, mẫn chúng; muốn chúng sanh xa gần đều được an lạc và hạnh phúc.  Người tu thiền mà không có lòng từ thì chẳng những không có lòng thương xót chúng sanh, mà còn vướng mắc cái ích kỷ, bỏn xẻn, nhỏ nhen nữa là khác.

Kế tiếp là Bi Vô Lượng Tâm là cái lòng thương xót mọi loài đang bị đau khổ.  Vì lòng thương xót ấy mà người tu thiền nguyện sẽ không sát hại một chúng sanh nào.  Vì cái lòng thương xót nầy mà người tu thiền xem tất cả những sinh vật nhỏ bé khác như những người anh em lạc loài.  Nếu không giúp được thì thôi chứ không đành lòng giết chúng để ăn thịt.  Người tu thiền mà có được cái bi vô lượng tâm nầy thì lúc nào cũng muốn làm vơi đi những nỗi đau khổ phiền não của người khác.

Vô lượng tâm thứ ba là Hỷ Vô Lượng Tâm.  Hỷ có nghĩa là vui mừng với mình và với người.  Thói thường thấy người giàu có và hạnh phúc, ta như ganh tị; thấy người vui, ta như xốn xang.Tuy nhiên, với Hỷ vô lượng tâm, thấy người an lạc là ta an lạc; thấy người hạnh phúc là ta hạnh phúc.  Một cái tâm như vậy thì việc sáng tỏa trí tuệ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Vô Lượng Tâm cuối cùng là Xả vô lượng tâm.  Người với Xả vô lượng tâm thì không còn bị những thăng trầm chi phối nữa.  Đối với họ, những thăng trầm và buồn vui của cuộc đời chỉ là gió thoảng mây bay mà thôi,  không có quan hệ gì.  Người tu thiền mà thiếu xả vô lượng tâm thì không bao giờ buông bỏ được cái gì cả.  Mua vốn một, bán ra năm, sáu.  Trong trương mục có chín ngàn thì ráng tìm thêm một ngàn nữa cho chẵn chục, chứ đời nào chịu ngồi yên.  Cứ như thế mà hết ngày dài rồi lại đêm thâu; họ đi từ nơi nầy đến nơi khác để gom góp.  Một mình gom góp không vừa lòng, bèn rủ cha, mẹ, vợ, con, bà con dòng họ cùng đi gom góp.  Cái tâm như vậy đó mà biểu định thì định làm sao cho vô!  Cái tâm như vậy đó mà biểu phát trí tuệ thì làm sao mà phát!

Tóm lại, người Phật tử hành thiền nên luôn nhớ bốn cái vô lượng tâm không thể thiếu một.  Có thể vì mới tu nên một trong những vô lượng tâm chưa được phát triển đầy đủ, chứ không thể nào không có; vì nếu như thiếu mất một trong bốn vô lượng tâm thì nào có khác chi chiếc ghế bốn chân mà mất một, còn lại ba; đâu có được sự thăng bằng.  Sự giác ngộ và giải thoát cũng thế; nếu thiếu mất đi một Vô Lượng Tâm trong thiền quán thì cuộc tu tập sẽ trở nên chẳng những vô bổ, mà còn lãng phí đi thì giờ nữa.