Sunday, October 10, 2021

ĐỐI PHÓ VỚI CÁI ĐAU



ĐỐI PHÓ VỚI CÁI ĐAU

Giả thử rằng bạn đã tuân theo những lời hướng dẫn về các tư thế và đang ngồi tọa thiền trong một tư thế dễ chịu nhất. Nhưng không lâu sau, bạn sẽ nhận ra rằng sự thoải mái đã biến mất. Rồi cái đau kéo đến, và bạn đánh mất quyết tâm ban đầu, sự kiên nhẫn, và lòng nhiệt thành để ngồi thiền.

Điều này có thể làm bạn nản chí. Nhưng hãy an tâm rằng sự đau đớn khó chịu phần lớn là do ta thiếu thực hành. Nó sẽ giảm bớt theo thời gian thực hành, và bạn sẽ thấy là bạn có thể chịu đựng nó dễ dàng hơn. Vì thế hãy để sự đau đớn khó chịu trở thành một dấu hiệu để bạn hâm nóng lòng quyết tâm thực hành của mình.

 

Nếu sự đau đớn xảy ra do bệnh nơi thân giống như lệch đĩa đệm hay một thương tật cũ; thì bạn nên thay đổi thế ngồi – có thể chuyển đến ngồi ghế. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy đau đớn tại một nơi thân thể bình thường, khỏe mạnh, thì tôi khuyên bạn hãy làm như sau.

Cách hữu hiệu nhất mà cũng khó khăn nhất để đối phó với sự đau đớn là quán sát nó. Hãy hòa mình với cơn đau, hãy có mặt với cơn đau. Cảm nhận nó mà không nghĩ đến nó như là cái đau của tôi, cái đầu gối của tôi, cổ của tôi. Chỉ quán sát cái đau thật sát sao để xem điều gì xảy ra cho nó.

Lúc đầu sự đau đớn có thể gia tăng, khiến chúng ta sợ hãi. Thí dụ, đầu gối của bạn có thể bắt đầu đau đến nỗi bạn sợ rằng chân bạn sẽ bị hoại tử, phải cắt bỏ đi, khiến bạn tự hỏi làm sao bạn có thể sinh sống với chỉ một chân. Đừng lo sợ. Tôi chưa bao giờ thấy ai phải bị cưa chân vì hành thiền! Khi sự đau đớn mà bạn quán sát đạt đến tột đỉnh, nếu bạn kiên nhẫn chịu đựng thêm, thí dụ năm phút nữa, bạn sẽ thấy sự đau đớn khủng khiếp, có thể nguy hiểm tới tánh mạng này bắt đầu tan biến. Cảm giác đau đớn sẽ chuyển thành trung tính, và bạn sẽ khám phá rằng ngay cảm giác đau đớn cũng là vô thường.

Bạn có thể dùng một phương pháp tương tự như thế với những nỗi đau tâm lý, có thể là mặc cảm tội lỗi hay một ký ức kinh hoàng nào đó. Đừng cố gắng đẩy lùi nỗi đau đi. Hãy đón nhận nó. Có mặt với nó, với ngay cả những cảnh tượng hãi hùng tái diễn trong tâm bạn. Đừng để bị cuốn hút theo vọng tưởng, chỉ tiếp tục quán sát nỗi đau tinh thần đó, để nhìn thấy nó dần dần vỡ ra, giống như nỗi đau thể xác.

Khi sự vỡ oà xảy ra, nỗi đau biến mất, bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm rất nhiều, một sự bình an và thư giãn xuất hiện. Dĩ nhiên, nỗi đau thể xác hay những ký ức đau đớn có thể lại phát khởi. Nhưng một khi bạn đã phá vỡ được cái đau vật lý hay tâm lý đó, thì nó sẽ không bao giờ trở lại với cùng mức độ như trước. Và lần sau khi bạn tọa thiền, bạn sẽ có thể ngồi lâu hơn trước khi cái đau xuất hiện.

Phương pháp thứ hai đối phó với cái đau là so sánh nó với những nỗi đau mà bạn đã trải qua trong cuộc đời. Cái đau hiện tại, mặc dầu ngay bây giờ nó có vẻ quá to lớn, nhưng nó chỉ là một phần nhỏ của những cái đau mà bạn đã trải qua, và bạn đã chịu đựng nhiều cái còn tệ hại hơn. Và cũng đừng quên cảm giác khổ đau vi tế ẩn sâu luôn ám ảnh bạn ngày và đêm. Khi so sánh với những nỗi đau khác, cái đau nhỏ trong chân bạn không lớn lao gì. Cũng đáng công chịu đựng, vì nó sẽ giúp ta chế ngự những nỗi đau to lớn hơn trong cuộc đời. Cái đau này khác chi một cái gai nhỏ găm vào tay. Khi lấy cái gai ra, nó làm ta đau nhiều hơn, tuy nhiên bạn phải chấp nhận để tránh cái đau lớn hơn sau đó. Cũng thế, bạn có thể chịu đựng cái đau ngồi thiền để giúp bạn thoát khỏi những phiền não lớn lao hơn trong tương lai.

Một phương pháp khác nữa là nghĩ đến nỗi đau mà người khác đang phải hứng chịu. Hiện tại, rất nhiều người đang đau khổ với những nỗi đau thể xác hay tinh thần do bệnh hoạn, đói khát, dãi dầu, chia ly với người thân yêu và những vấn đề nghiêm trọng khác. Hãy tự nhắc nhở rằng so sánh với những khổ đau đó thì cái đau của bạn không đến nỗi nào.

Cách thứ tư là không để ý đến cái đau. Bạn chủ tâm hướng đến hơi thở. Để giúp bạn trú trong hơi thở, bạn có thể thở nhanh vài cái.

Đề nghị cuối cùng của tôi, khi tất cả mọi thứ khác đều thất bại, là chuyển động -   một cách rất chánh niệm. Từ từ di chuyển những bắp thịt để xem cái đau có được giảm bớt với sự chuyển đổi tư thế nhỏ nhất. Nếu bạn đau ở phía sau, hãy nhớ rằng lưng sẽ bị đau nếu bạn chồm về phía trước. Nếu bạn thấy căng thẳng ở lưng, trước hết hãy dùng tâm quán sát về tư thế của bạn, hãy thư giãn, rồi nhẹ nhàng thẳng lưng lên.

Đau ở đầu gối hay mắt cá cần một phương cách đặc biệt, vì bạn không muốn làm tổn hại đến các dây chằng. Nếu bạn nghĩ đau là do dây chằng, thì trước hết hãy cố gắng co duỗi một cách có chánh niệm những cơ ở trên và dưới của khớp mà không di chuyển hay thay đổi thế ngồi. Nếu làm thế cũng không thấy đở, thì hãy cử động chân một cách nhẹ nhàng chỉ vừa đủ để giảm căng thẳng trên các dây chằng.

Có thể bạn tự hỏi không biết chịu đựng đau đớn như thế để được gì. "Tôi hành thiền để đoạn diệt khổ đau. Tại sao tôi phải chịu khổ nhiều hơn khi tọa thiền?" Hãy nhớ rằng đây là loại đau khổ có thể dẫn đến sự đoạn diệt của tất cả mọi khổ đau khác. Khi bạn quán sát một cách chánh niệm cái đau khi nó phát sinh, rồi qua đi, và cảm nhận được cảm giác sung sướng tiếp theo sau khi nó biến mất, thì bạn đạt được sự tự tin về khả năng chịu đựng đau đớn của mình. Quan trọng hơn nữa, vì sự trải nghiệm đau đớn này là tự nguyện và chủ tâm, nó là một phương cách hữu hiệu để tự rèn luyện. Bạn sẽ đủ sức chịu đựng những nỗi đau lớn hơn trong cuộc đời.

Hãy kiên nhẫn. Có thể trước đây bạn chưa bao giờ ngồi thiền, hay chỉ thỉnh thoảng thực hành. Có thể bạn đã quen ngồi trên ghế hay sofa. Dĩ nhiên bạn sẽ cảm thấy đau khi lần đầu ngồi thiền trên sàn nhà. Bạn đã từng leo núi hay cưỡi ngựa chưa? Bạn có nhớ cơ thể mình cảm thấy thế nào trong lần đầu tiên, và ngày hôm sau, thân thể đau đớn thế nào không? Tuy nhiên, nếu bạn leo núi hay cưỡi ngựa mỗi ngày, không lâu sau bạn sẽ thành thục và không còn đau đớn nữa. Hành thiền cũng thế: bạn chỉ phải thực hành liên tục mỗi ngày và không thay đổi thế ngồi.


Quán niệm về cảm thọ

 



Quán niệm về cảm thọ 

Nầy các vị, người hành giả an trú trong sự quán niệm về cảm thọ nơi cảm thọ như thế nào?

Khi có một cảm giác khoái lạc, người hành giả ý thức: "ta đang có một cảm giác khoái lạc". Khi có một cảm giác đau khổ, người hành giả ý thức: "ta đang có một cảm giác đau khổ". Khi có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ, người hành giả ý thức: "ta đang có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ".

Khi có một cảm giác khoái lạc về thể xác, người hành giả ý thức: "ta đang có một cảm giác khoái lạc về thể xác". Khi có một cảm giác khoái lạc về tinh thần, người hành giả ý thức: "ta đang có một cảm giác khoái lạc về tinh thần".

Khi có một cảm giác đau khổ về thể xác, người hành giả ý thức: "ta đang có một cảm giác đau khổ về thể xác". Khi có một cảm giác đau khổ về tinh thần, người hành giả ý thức: "ta đang có một cảm giác đau khổ về tinh thần".

Khi có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ về thể xác, người hành giả ý thức: "ta đang có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ về thể xác". Khi có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ về tinh thần, người hành giả ý thức: "ta đang có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ về tinh thần".

Và như thế, người hành giả an trú trong sự quán niệm về cảm thọ nơi cảm thọ, hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc bên trong và bên ngoài cảm thọ. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi, hoặc quá trình hủy diệt, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hủy diệt nơi cảm thọ. Hoặc người ấy quán niệm rằng: "có cảm thọ đây", như thế đủ để phát khởi sự quán chiếu và ý thức về cảm thọ. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm, cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người hành giả quán niệm về cảm thọ nơi cảm thọ là như vậy, thưa các vị.

 

Friday, October 8, 2021

QUÁN CẢM THỌ

 


QUÁN CẢM THỌ

Khi ta ngồi lâu thân khó chịu tâm phản ứng muốn xua đuổi cảm giác ấy đi.

Ở đây chúng ta có một phương pháp giúp ta thật sự nhận biết các cảm thọ của mình, mà không cần có phản ứng nào.

Ngay giây phút đầu tiên nếu chúng ta nhận biết được cảm giác hãy hoà mình với nó mà cố không có phản ứng, chỉ sống với cảm thọ đó mà không có THÍCH và KHÔNG THÍCH

thì tâm sẽ chỉ nhận biết.

Rồi cơn khó chịu sẽ qua đi.

 

TÁC Ý

 


Bài thực tập: TÁC Ý

 

Ý muốn là một yếu tố thông thường, lúc nào cũng có mặt trong tâm ta. Khi nào nó khởi lên, ta phải ghi nhận nó. Ý muốn, hay còn gọi là tác ý, là một sự thúc dục trong tâm, một dấu hiệu đi trước bất cứ một hành động nào. Khi mà ta có chánh niệm nhận diện được ý muốn hay tác ý của mình, ta sẽ có sự tự do lựa chọn: hành động hay không hành động theo chúng. Còn nếu ta sống trong quên lãng không biết đến sự có mặt của tác ý, ta sẽ bị chúng sai xử một cách máy móc. Thí dụ, khi bạn đang ngồi thiền, trước khi bạn đứng dậy, bao giờ cũng có một tác ý muốn đứng lên. Nếu bạn ghi nhận được tác ý này, nó sanh lên rồi diệt đi, có lẽ bạn vẫn còn tiếp tục ngồi thiền. Bởi vì bạn đã có chánh niệm, ý thức được nó, chứ không cho nó là mình. Còn nếu tác ý khởi lên, nhưng vì thiếu chánh niệm, bạn sẽ thấy mình đứng lên mà chẳng nhớ vì sao. Mọi hành động khác của ta cũng vậy. Thế cho nên mỗi khi có một một tác ý nào khởi lên, như khi đổi oai nghi của thân thể giữa đi, đứng, nằm, ngồi, ta phải nhớ có chánh niệm về chúng. Trong khi đi, bao giờ ta cũng có tác ý muốn dừng lại trước khi thật sự dừng. Ta có tác ý đổi hướng trước khi quay người lại. Chúng ta không cần phải niệm tác ý của từng bước chân một, nhưng mỗi khi đi kinh hành đến cuối đoạn đường, ta nên ghi nhận tác ý muốn đổi hướng, trước khi bắt đầu quay người lại. Bàn chân tự nó không thể cử động quay lại được. Nó quay lại bởi vì có một tác ý đi trước. Chúng ta có thể đạt được một sự hiểu biết về lý nhân quả, giữa sự liên hệ của thân và tâm, bằng những quan sát như thế này. Ðôi khi thân là nhân mà một trạng thái của tâm là quả. Và đôi khi tâm là nhân một cử động của thân là quả. Một tác ý muốn quay người lại khởi lên, rồi bàn chân đưa qua. Không có một cá nhân nào ở đó hết, không có ai làm công việc quay người lại cả. Sự liên hệ giữa nhân và quả hoàn toàn có tính cách vô ngã. Nhưng bởi vì chúng ta thường không có chánh niệm về hành động của mình, không thấy rõ tiến trình của mỗi cử động, nên chúng ta sẽ dàng bị đồng hóa với nó, cho rằng có một cái "ta" làm chuyện đó.

 

Giả sử như bạn cảm thấy lạnh, bạn đi khoác thêm một chiếc áo ấm. Cảm giác ở thân làm khởi lên một ý muốn làm cho thân được ấm. Ý muốn này làm khởi lên một tác ý đi lấy thêm chiếc áo. Tác ý đó làm cho thân cử động. Chánh niệm được những tác ý này, sẽ giúp cho ta phát triển thêm sự hiểu biết về những liên hệ giữa các tiến trình hoạt động của thân và tâm.

 

Trong khi ngồi thiền bạn có thể ghi nhận được sự có mặt của tác ý trước mỗi hành động. Nếu bạn đổi thế ngồi, sẽ có một tác ý khởi lên để làm chuyện đó. Nếu bạn nuốt nước miếng, cũng sẽ có một tác ý đi trước. Nếu bạn mở mắt ra, thì cũng sẽ có tác ý muốn mở mắt xảy ra trước đó. Tất cả những tác ý này đều phải đưọc ghi nhận. Nhưng tác ý không phải bao giờ cũng là những ý nghĩ trong đầu, không phải luôn luôn là câu nói. Tác ý có nhiều khi là một sự thúc dục, một dấu hiệu báo cho ta biết có một chuyện gì sắp sửa xảy ra. Bạn không cần phải tìm kiếm tư tưởng, lời nói trong đầu. Hãy ý thức được những động lực thúc đẩy ta làm những chuyện ấy. Và một khi bạn bắt đầu ghi nhận được mối liên hệ giữa nhân và quả xảy ra trong thân và tâm, ý niệm về một cái tôi sẽ dần dà hòa tan vào dòng biến hóa giản dị và tự nhiên của các yếu tố.

 

 

-ooOoo-

Sân hận

 


Sân hận

Khi sân niệm trổi dậy trong tâm thức, ta cần ghi nhận khách quan về sự phát khởi đó. Nhận biết trong tâm đang có một ý niệm sân hận. Cũng như phương thức đối trị về dục niệm, tâm ý hoàn toàn thụ động để ghi nhận sự việc.

Hãy bình tâm để quán sát mọi sân niệm. Hãy nhận biết một cách tỉnh thức trong suốt quá trình sinh khởi, tăng trưởng, giảm suy và hủy diệt của nó. Hãy cố gắng giữ thân tâm bình thản với lửa lòng sân niệm. Ðừng nói một lời nào. Ðừng suy nghĩ bất cứ điều chi. Cũng đừng làm bất cứ việc gì. Hãy đưa tâm ý trở về với hơi thở ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và ta biết có một sân niệm đang sinh khởi. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và ta biết sân niệm đó đang suy diệt.

Khi ý niệm giận dữ phát sinh, tâm thức tỉnh giác nhận biết được liền thì ngay đó ngọn đuốc sân hận cũng đã bị giảm suy ít nhiều. Hãy duy trì hơi thở trong ý thức. Khách quan ghi nhận mọi vận hành biến chuyển và suy diệt của sân niệm. Với hơi thở ý thức, với sức mạnh của định lực tập trung và ý thức chánh niệm, thân tâm sẽ trở nên tươi mát lại và sân niệm cũng dần tan biến đi.

Tâm ý tham dục sân hận si mê

 


- Tâm ý tham dục sân hận si mê

Những khi trong tâm khởi dậy bất cứ một ý nghĩ tham dục nào, ta cần nhận biết về sự phát khởi của những dục niệm đó. Nếu như tinh chuyên nắm giữ hơi thở trong mọi lúc, thì khi bất cứ ý nghĩ tham dục nào phát khởi, ta liền nhận biết được ngay. Ta ghi nhận sự sinh khởi và hủy diệt của những dục tưởng để trực nghiệm bản chất vô thường của nó. Khi trong tâm không còn ý nghĩ tham dục nữa, ta cũng liền giác tỉnh nhận biết đúng như vậy.

Ta an trú trong sự quán niệm "có một ý nghĩ tham dục đang phát sinh trong tâm thức". Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta quán chiếu và ý thức được sự có mặt của các ý niệm tham dục.

 

- Tâm ý sân hận

 

Cũng như pháp quán chiếu về tâm ý tham dục, mỗi khi trong tâm có những ý nghĩ sân hận, ta ý thức về sự phát khởi của những ý nghĩ sân hận đó, khách quan ghi nhận "có một ý niệm sân hận đang phát khởi". Với sự ghi nhận như thế đủ để giúp ta ý thức được sự có mặt của sân hận trong tâm thức.

Khi có sự chú tâm ghi nhận về ý nghĩ giận dữ thì ngay đó sân niệm suy yếu và tan biến trong ánh sáng chánh niệm. Hãy cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Biết rõ ta đang thở vào. Biết rõ ta đang thở ra. Biết ta đang có một ý nghĩ giận dữ. Hãy đối trị thụ động với tâm hoàn toàn giác tỉnh. Hãy xem những sân niệm như gió thoảng như mây bay. Cố gắng đừng để bị não phiền vì những sân niệm sinh diệt. Như trong chứng đạo ca - "ba món độc tham sân si như bọt nước hiện ra rồi mất đi" (tam độc thủy bào hư xuất một). Hãy nhận biết tỉnh giác từ khi những sân niệm phát sinh cho đến khi hoàn toàn bị hủy diệt để trực nghiệm bản chất vô thường của sân niệm.

Ngay khi ý niệm sân hận đã tan biến, tâm thức không còn sự sân hận nữa, ta cũng liền nhận biết điều đó. Ta biết ta đang thở và ý thức rằng trong tâm ta không còn sự sân hận. Ta duy trì hơi thở trong ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và nhận biết tâm thức ta không còn sự giận dữ. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và nhận biết tâm thức ta không còn sự sân hận.

 

- Tâm ý si mê

Khi tâm thức có những tưởng vọng u mê, ta liền nhận biết được sự phát khởi đó. Khi nhận diện được trong tâm đang có những ý tưởng si mê, thì sự si mê đó đã đang được chuyển hóa, để hướng về cái nhìn trong sáng hơn. Như vậy thì sự nhận biết đó đã là một sự giác tỉnh rồi. Và, khi trong tâm không còn có sự u mê, ta cũng nhận biết rõ ràng và sáng suốt rằng mình không có những ý tưởng u mê trong lúc nầy.

Ðiều quan trọng là sự nhận biết về ý thức đó chỉ là một sự giác tỉnh trong nhất thời. Tế nhị không để tâm thức bị trói buộc trong nội dung si mê đó. Nếu không khéo léo lại bị mờ mịt trong chán chường tự trách, chỉ bởi sự lầm lẫn với những u mê nhất thời.

Ðưa ý muốn sang hành động

 


Ðưa ý muốn sang hành động

 

Trước hết, ta hãy chọn lấy một thế ngồi thoải mái, nhắm mắt lại và thử bỏ ra khoảng năm phút để theo dõi từng dòng tư tưởng đến đi. Trong suốt thời gian này, ta cứ bình thản nhận diện từng ý nghĩ một trong đầu mình khi chúng vừa xuất hiện. Từ đó ta sẽ thấy rằng các luồng tư tưởng chẳng khác gì những bức tranh những dòng chữ hoặc cả hai, và song hành với các dòng tư tưởng luôn là cảm giác tâm lý, có thể là nhẹ nhàng nhưng đôi khi lại là những bức xúc nặng nề. Nhìn ngắm tư tưởng trôi đi, dĩ nhiên ta cũng phải ghi nhận tất cả những chi tiết đó của chúng.

 

Ðể việc quán tâm được như ý hay ít nhất cũng là dễ dàng hơn, ta phải học cách phơi trải nội tâm mình ra như một phông tranh sáng sủa, hay lồng lộng xuyên suốt như bầu trời trong xanh rồi lặng lẽ chờ đợi và nhận diện thật cẩn trọng từng tư tưởng lộ diện như con mèo ngồi rình chuột trong một hốc tối thích hợp. Cứ thế, từng tư tưởng đi qua, ta không bỏ sót tư tưởng nào. Cái này trôi đi, ta chờ cái khác trôi đến.

 

Ðiều tối trọng là vị hành giả đừng bao giờ để mình bị cuốn hút và mê hoặc bởi bất cứ luồng tư tưởng nào hết. Chúng ra sao cũng mặc, ta chỉ tri nhận môt cách hồn nhiên thôi. Các dòng tư tưởng có thể như tự tản mạn manh mún ngay khi mới vừa xuất hiện trong sự quan sát của ta, nhưng rồi sau đó đâu sẽ vào đấy, chúng sẽ lộ dạng nguyên hình. Ðối với nhiều người, chỉ trong năm phút ngắn ngủi đó có thể từ năm đến mười luồng tư tưởng khác nhau. Dùng đến con số toán học ở đây có vẻ không hay, nhưng nói vậy có nghĩa là trong từng phút giây thời gian, nội tâm chúng ta luôn biến động và trôi chảy không ngừng để có khi chỉ trong đôi ba phút, người ta có thể bị cuốn xô bởi hàng chục suy nghĩ mà không kềm hãm được. Chỉ với Thiền định, người hành giả mới có thể thấy được từng hình thái tư tưởng, thấy rõ những gì vẫn thống trị nội tâm chính mình, như một bức tranh xuất thần hay những dòng chữ trêu ngươi nào đó mà chúng tôi vừa ví dụ ở trên.

 

Và điều sau cùng quan trọng hơn cả là chúng ta sẽ cảm nhận được cái kinh nghiệm rằng mình đã bằng cách nào, với cách điệu nào chiêm ngắm dòng luân lưu của tư tưởng thông qua một chánh niệm để chỉ ghi nhận chúng mà không bị chúng cuốn trôi, đồng hóa, huyễn hoặc bằng một ý niệm tự ngã, ngã sở nào hết. Ðiểm kỳ diệu của Thiền định nội quán nằm ngay ở chỗ này.

Quán về bốn oai nghi

 


Quán về bốn oai nghi

 

Khi ta muốn đi, tâm trí phát khởi ý định muốn đi. Ý định muốn đi sinh khởi trước, kế đó sự đi mới bắt đầu. Trước nhất, ta ghi nhận về sự sinh khởi của ý định muốn đi. Khi bắt đầu đi, ta ý thức rõ ràng sự bắt đầu đi. Khi đang đi, ta ý thức rõ ràng sự đang đi và từng cử động của chân. Ta có sự ghi nhận bàn chân dở lên, bước tới, hạ xuống trên từng mỗi bước đi.

 

- chân phải dở lên, bước tới và hạ xuống

- chân trái dở lên, bước tới và hạ xuống

 

Ðừng nghĩ suy về nơi ta sẽ đến. Hãy tập trung tâm trí vào sự đang đi trong giây phút thực tại nầy. Ta ý thức và nhận biết từng sự xúc chạm của bàn chân với mặt đất trên từng mỗi nhịp bước trong suốt quá trình đi.

 

Khi ta muốn đứng, tâm trí phát khởi ý định muốn đứng. Ý định muốn đứng sinh khởi trước, kế đó sự đứng mới bắt đầu. Trước nhất, ta ghi nhận về sự sinh khởi của ý định muốn đứng. Khi bắt đầu đứng lên, ta ý thức rõ ràng sự bắt đầu đứng lên. Khi đang đứng, ta ý thức rõ ràng sự đang đứng. Ta nhận biết từng cử động của chân tay, từng sự di động của thân thể lúc bắt đầu đứng lên. Ta ý thức từng sự xúc chạm của bàn chân với mặt đất trong khi đang đứng.

 

Khi ta muốn ngồi, tâm trí phát khởi ý định muốn ngồi. Ý định muốn ngồi sinh khởi trước, kế đó sự ngồi mới bắt đầu. Trước nhất, ta ghi nhận về sự sinh khởi của ý định muốn ngồi. Khi bắt đầu ngồi xuống, ta ý thức rõ ràng sự bắt đầu ngồi xuống. Khi đang ngồi, ta ý thức rõ ràng sự đang ngồi. Ta nhận biết từng cử động của chân tay, từng sự di động của thân thể lúc bắt đầu ngồi xuống. Ta ý thức từng sự xúc chạm của thân thể với mặt ghế trong khi đang ngồi. Khi ta muốn nằm, tâm trí phát khởi ý định muốn nằm. Ý định muốn nằm sinh khởi trước, kế đó sự nằm mới bắt đầu. Trước nhất, ta ghi nhận về sự sinh khởi của ý định muốn nằm. Khi bắt đầu nằm xuống, ta ý thức rõ ràng sự bắt đầu nằm xuống. Khi đang nằm, ta ý thức rõ ràng sự đang nằm. Ta nhận biết từng cử động của chân tay, từng sự di động của thân thể lúc bắt đầu nằm xuống. Ta ý thức từng sự xúc chạm của thân thể với mặt giường trong khi đang nằm.

 

Trong bất cứ tư thế nào của thân thể, ta cũng đều ý thức về toàn thân thể và tư thế của thân thể. Khi đi, ta ý thức về toàn thân thể và tư thế đang đi của thân thể. Khi đứng, ta ý thức về toàn thân thể và tư thế đang đứng của thân thể. Khi ngồi, ta ý thức về toàn thân thể và tư thế đang ngồi của thân thể. Khi nằm, ta ý thức về toàn thân thể và tư thế đang nằm của thân thể.

 

Ta ghi nhận về ý định muốn đi, muốn đứng, muốn ngồi, muốn nằm đã sinh khởi và tan biến trong sát na đó. Ta ý thức về từng cử động bắt đầu và chấm dứt nơi thân thể khi bắt đầu đi, bắt đầu đứng, bắt đầu ngồi, bắt đầu nằm. Ta ghi nhận về từng chi tiết bắt đầu và chấm dứt của từng cử động nơi thân thể trong suốt quá trình đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm.

 

Thí dụ, khi đang ngồi, ta muốn đứng dậy để đi. Trước nhất, tâm thức phát khởi ý định muốn đứng. Ta ghi nhận sự sinh khởi của ý định đó. Ta ghi nhận thân thể đang bắt đầu cử động để đứng dậy. Ta ghi nhận từng cử động bắt đầu và chấm dứt của thân thể. Ta ý thức về toàn thân thể và tư thế của thân thể khi bắt đầu đứng dậy, bắt đầu cử động để đi. Ta ý thức từng sự xúc chạm của bàn chân với mặt đất trong suốt quá trình đi.

 

Ta nên luôn tự an trong sự nhìn vào sự vật để sự quán xét chân chính "có sự đi đây" "có sự đứng đây" "có sự ngồi đây" "có sự nằm đây" và tất cả chỉ là sự đi, sự đứng, sự ngồi, sự nằm. Không có ta đang cử động. Tất cả chỉ là ý định muốn đi muốn đứng muốn ngồi muốn nằm và tất cả chỉ là sự đi đứng ngồi nằm của thân thể. Với sự quán chiếu như thế đủ để giúp ta phát khởi được ý thức về các tư thế của thân thể, để trí tuệ soi rọi rõ về sự không mãi mãi ở yên trong một trạng thái nhất định mà luôn thay hình đổi dạng của các tư thế của thân thể.

Wednesday, October 6, 2021

Quán về ngũ uẩn

 


Quán về ngũ uẩn

 

Thực tập quán chiếu về sự bám víu vào ngũ uẩn và sự ràng buộc của các nội ngoại xứ là những bước thực tập chính yếu trong quá trình quán niệm về các đối tượng của tâm thức. Lãnh vực đầu tiên của ngũ uẩn là sắc. Tự mình quán niệm như sau: "đây là hình sắc, đây là sự phát sinh của hình sắc, đây là sự hủy diệt của hình sắc".

 

Sắc ở đây có nghĩa là thân xác, do tứ đại đất nước lửa gió hợp thành, trong đó có gan, tim, máu, mủ, hơi thở, nhiệt... Khi xác thân bị hủy diệt, các cấu thể từ thân xác trở về với vũ trụ. Không có sự thêm. Không có sự bớt. Không có sự được. Không có sự mất. Hãy quán chiếu: "năm uẩn như mây bay qua rồi bay lại". Hãy chú tâm quán sát về quá trình sinh khởi và hoại diệt của hình sắc. Tất cả mọi vật thể đều không có tự tánh riêng biệt. Tất cả đều không. Như thiền sư Shunryu Suzuki đã nhận định: "cái mà chúng ta gọi là "tôi" chỉ là cánh cửa đong đưa đang di động khi chúng ta hít vào và khi chúng ta thở ra".

 

Nếu như thân xác một mai bị tan hoại, tim gan gởi về cho đất, hơi thở gởi về cho gió, sức nóng trong cơ thể gởi về cho lửa, mủ máu gởi về cho nước... rồi thì thân xác đây không còn gọi là thân xác nữa. Ðó là sự tan rã của hình sắc. Tất cả và tất cả đều không có tự tánh. Mọi sự việc đều vô thường biến đổi. Ðó là bản chất thật của cuộc đời. Có bên ngoài tâm trí hay bên trong tâm trí ta. Không có gì thêm, không có gì bớt. Tất cả chỉ là sự biến dịch và trở về. Với sự hành thiền tinh chuyên pháp niệm thân, có thể đạt được sự hiểu biết lớn về tánh không, khổ và vô ngã của sắc uẩn.

 

Lãnh vực thứ hai trong ngũ uẩn là thọ. Tự mình quán niệm như sau: "đây là cảm thọ, đây là sự phát sinh của cảm thọ, đây là sự hủy diệt của cảm thọ".

 

Như đã trình bày nơi phần niệm thọ, cảm thọ là những xúc cảm thọ nhận, gồm các cảm giác dễ chịu, khó chịu, không dễ chịu cũng không khó chịu. Cảm thọ phát khởi do sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu trần là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm và tư tưởng. Mắt thấy sắc màu nên sinh mến chuộng, tai nghe tiếng chửi nên sinh buồn khổ, mũi ngửi mùi hôi nên sinh khó chịu, lưỡi nếm vị ngọt nên sinh ưa thích, thân xúc chạm vật thể nên sinh mến yêu, ý khởi niệm phiền lo nên sinh sợ hãi. Với sự hành trì pháp niệm thọ thật tinh chuyên và đúng phương pháp, ta có thể đạt được sự hiểu biết lớn về tánh vô thường, khổ và vô ngã của thọ uẩn.

 

Riêng trong pháp hành thiền tứ niệm xứ, không cần dùng đến óc suy nghiệm (chiếu kiến) để phân tích tự tánh không của ngu uẩn như trong Bát nhã tâm kinh (Ngài Quán tự tại bồ tát thực hành sâu xa trí tuệ bát nhã, ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền vượt qua tất cả mọi khổ nạn - Tâm kinh).

 

Ở đây, ta chỉ cần tỉnh biết sáng suốt và ghi nhận rõ ràng về từng cảm giác đang thọ nhận ngay lúc nó phát sinh, tăng trưởng, suy yếu, cho đến khi bị hủy diệt. Như khi nhận biết mình đang có một cảm giác sợ hãi thì ngay đó sự sợ hãi đã bị giảm suy bởi ảnh hưởng của sự định tỉnh có được từ hơi thở ý thức. Ta khách quan quán sát và ghi nhận sáng suốt về sự kiện để trực nghiệm bản chất vô thường và tánh không của cảm thọ, để không còn bám víu vào những phù du ngũ uẩn trong cuộc đời.

 

Lãnh vực thứ ba trong ngũ uẩn là tưởng. Tự mình quán niệm như sau: "đây là tri giác, đây là sự phát sinh của tri giác, đây là sự hủy diệt của tri giác".

 

Tưởng có nghĩa là tri giác, tức sự nhận biết của các giác quan, phát sinh từ sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần.

 

- mắt thấy hình sắc

- tai nghe âm thanh

- mũi ngửi mùi hương

- lưỡi nếm các vị

- thân xúc chạm vật thể

- ý biết các tư tưởng

 

Do có mắt và hình sắc, mắt tiếp xúc với hình sắc mà phát sanh sự nhận biết về cái thấy. Do có tai và âm thanh, tai tiếp xúc với âm thanh mà phát sanh sự nhận biết về cái nghe. Do có mũi và mùi hương, mũi tiếp xúc với mùi hương mà phát sanh sự nhận biết về cái ngửi. Do có lưỡi và vị nếm, lưỡi tiếp xúc với vị nếm mà phát sanh sự nhận biết về cái nếm. Do có thân và vật thể, thân tiếp xúc với vật thể mà phát sanh sự nhận biết về sự xúc chạm. Do có tâm ý và tư tưởng, tâm ý tiếp xúc với tư tưởng mà phát sanh sự nhận biết về các ý niệm.

 

Ta quán sát và ghi nhận đây là tri giác, đây là sự phát sinh của tri giác, do bởi có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, tư tưởng mà có được sự nhận biết của tri giác.

 

Lãnh vực thứ tư trong ngũ uẩn là hành. Tự mình quán niệm như sau: "đây là sự vận hành tâm tư, đây là sự phát sinh của sự vận hành tâm tư, đây là sự hủy diệt của sự vận hành tâm tư".

 

Hành có nghĩa là tâm tư, tức sự vận hành lưu chuyển của các luồn tư tưởng phát khởi và diễn biến liên tục trong tâm thức. Dòng suy tưởng không bao giờ ngừng nghỉ. Hết ý niệm nầy đến suy tưởng khác. Vừa nghĩ đến ý tưởng nầy thì ý tưởng kia đã tan biến. Vừa nghĩ đến ý tưởng nọ thì ý tưởng kia đã lặn chìm. Ðây là sự phát sinh của tâm tư. Ðây là sự hủy diệt của tâm tư. Những niệm tưởng nghĩ suy sinh sinh diệt diệt vô cùng tận.

 

Hành trì pháp niệm tâm nghiêm mật và đúng phương thức, có thể đạt được sự hiểu biết lớn về tánh vô thường, khổ và vô ngã của tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.

 

Lãnh vực thứ năm trong ngũ uẩn là thức. Tự mình quán niệm như sau: "đây là ý thức phân biệt, đây là sự phát sinh của ý thức phân biệt, đây là sự hủy diệt của ý thức phân biệt".

 

Thức có nghĩa là ý thức hiểu biết phân biệt về sự việc. Thức phát sinh do sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần. Tất cả bao gồm có sáu loại:

 

- nhãn thức (sự phân biệt của mắt)

- nhĩ thức (sự phân biệt của tai)

- tỷ thức (sự phân biệt của mũi)

- thiệt thức (sự phân biệt của lưỡi)

- thân thức (sự phân biệt của thân)

- ý thức (sự phân biệt của ý)

 

Khi mắt nhìn thấy hình thể vật sắc, tâm có sự nhận biết về hình sắc (tưởng) và có sự phân biệt đẹp xấu trắng đen (thức).

 

Khi tai nghe thấy một tiếng động, tâm có sự nhận biết về âm thanh (tưởng) và phân biệt loại âm thanh gì, lớn nhỏ, ồn náo hay dễ chịu (thức). Khi mũi ngửi thấy mùi hương, tâm có sự nhận biết về mùi hương (tưởng) và có sự phân biệt thơm hôi (thức).

 

Khi lưỡi nếm mùi vị, tâm có sự nhận biết về mùi vị (tưởng) và phân biệt mặn ngọt hay đắng nồng ra sao (thức). Khi thân có sự sờ chạm vào một vật thể, tâm có sự nhận biết về sự xúc chạm (tưởng) và có sự phân biệt vật đó là vật gì, lớn hay nhỏ, mềm hay cứng (thức). Khi tâm ý sinh khởi một ý tưởng, tâm có sự nhận biết về ý niệm (tưởng) và phân biệt ý niệm đó tốt hay xấu, thiện hay ác (thức).

 

Ta khách quan quán sát và ghi nhận "đây là năm uẩn" "đây là sự phát sinh của năm uẩn" "đây là sự hủy diệt của năm uẩn", do bởi có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (sáu căn) tiếp xúc với hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, tư tưởng (sáu trần) mà có sự nhận biết của tưởng, có sự lưu chuyển tâm tư của hành, có sự phân biệt của thức.

 

Từ sự quán sát khách quan về ngũ uẩn, ta ghi nhận về sự ràng buộc của sáu căn và sáu trần, để soi thấu bản chất vô thường vô ngã của sáu nội ngoại xứ, để không còn bám víu chấp chặt vào năm uẩn.

Tuesday, October 5, 2021

Tâm ý đạt đến trạng thái cao nhất có định

 


Tâm ý đạt đến trạng thái cao nhất có định

 

Trong lúc ngồi thiền, khi mà vọng tưởng gần như vắng lặng, thân tâm dịu lắng với cảm giác khinh an, hơi thở như có như không, ý thức an bình, tâm trí sáng suốt trong tĩnh lặng. Ðấy là lúc tâm thức có sự thu nhiếp, là giai đoạn tâm thức đang đi vào trạng thái cao nhất của tâm linh, thực sự bắt đầu để đi vào các cõi thiền.

 

Hãy duy trì hơi thở trong sự tỉnh thức. Thở vào, ý thức là đang thở vào. Thở ra, ý thức là đang thở ra. Ta tỉnh biết rằng ta đang thở trong phút giây nầy với một tâm trí định tỉnh, với sự nhận hiểu sáng suốt. Ta ý thức và ghi nhận rằng tâm thức ta đang ở trong trạng thái cao nhất của tâm linh, một trạng thái khinh an với những làn gió nhẹ nhàng và thanh thản đang trôi chảy trong ta.

 

Khi tâm thức không còn ở trong trạng thái cao nhất của tâm linh, ta nhận biết được điều đó. Ta an trú trong sự quán niệm như vậy đủ để ý thức được sự có mặt của tâm thức, để quán chiếu về sự vô thường của tâm thức.

 

- Tâm ý có định

 

Hành trì tứ niệm xứ tinh chuyên và đúng phương pháp, tâm thức sẽ dần lắng động và định tỉnh, lực tập trung vào hơi thở cũng sẽ tăng trưởng. Ta ý thức về hơi thở trong từng mỗi phút giây, ghi nhận mọi sự việc khách quan và sáng suốt. Ta sống tỉnh thức trong từng mỗi sát na của cuộc sống. Sự bình tâm và an lạc đến với ta như những hoa trái đã gặt hái được từ vùng trời tâm linh.

 

Trong lúc ngồi thiền, khi mà tâm thức đã trở nên vắng lặng, đang bắt đầu đi vào sự thu nhiếp, là khi tâm thức đã đạt đến trạng thái cao nhất của tâm linh, là khi những vọng tưởng không còn phát khởi loạn cuồng. Khi ấy, tâm thức chỉ hoàn toàn ý thức về hơi thở và chỉ hơi thở. Ðây là lúc tâm ý đang bắt đầu đi vào định.

 

Trong giai đoạn bắt đầu định tâm, sự tỉnh biết vẫn sáng tỏ chiếu soi. Những gì xảy ra chung quanh, ta đều nhận biết rõ nhưng không bị lôi cuốn vào đó. Những náo nhiệt chung quanh không thể gây tạo cho tâm trí loạn động. Tất cả nếu có, chỉ là ngọn gió khinh an mát lạ trong tâm thức, tưởng như hoa xuân tươi nở muôn sắc màu - "ao hồ ngàn nước ngàn trăng hiện, vạn dặm không mây vạn dặm xanh" (thiên đàm hữu thủy thiên đàm nguyệt, vạn lý vô vân vạn lý thiên). Ðây là giai đoạn tâm thức đang thực sự bắt đầu đi vào các cõi định.

 

Khi tâm ý có định, ta có cảm thức thân tâm nhẹ nhàng như mây bay, hơi thở lắng dịu hoàn toàn như có như không, vọng tưởng chẳng còn chút gì vọng động. Sự an lạc đến như một cảm nhận từ kinh nghiệm tâm linh cá biệt. Một điều cần nhấn mạnh, trong thiền Phật giáo, ở giai đoạn bắt đầu đi vào định, tâm trí vẫn tỉnh biết hoàn toàn trong sự sáng suốt. Nếu như tâm trí mịt mờ ảo ảnh trong giai đoạn đó, thì cái gọi là định, chỉ là một hiện tượng biến trạng của hôn trầm, chưa thể được gọi là định.

 

Trong giao tiếp hằng ngày, tâm thức được xem là có định là khi 8 ngọn gió lợi danh vinh nhục không làm chao động tâm thức. Ngược bằng, một trong những ngọn gió tài lợi, suy hao, hủy nhục, công kênh, ngợi khen, chê bai, đau khổ, vui thú gây tạo cho tâm trí ít nhiều xao xuyến, thì như vậy chưa thể nói là tâm trí đã có sự định tỉnh.

 

Những khi bắt đầu đi vào định, tâm thức vẫn sáng suốt giác tỉnh trong từng mỗi sát na, ta nhận biết rằng "tâm thức ta đang có định". Ðó gọi là chánh định - "như như chẳng động, lặng tĩnh thường sáng" (như như bất động, liễu liễu thường minh). Khi tâm thức không có định, vọng tưởng phát khởi không ngừng, ta cũng nhận biết rõ ràng như vậy. Ta ghi nhận rằng "tâm thức không có định". Với sự ghi nhận như vậy đủ để giúp ta an trú trong sự tỉnh biết và ý thức về sự có mặt của tâm thức.

Quán thọ

 


Quán thọ

 

Lãnh vực thứ hai là niệm thọ, nghĩa là quán sát và ghi nhận về các cảm giác đang xảy ra trong ta. Khi cảm thọ phát khởi, ta cần phải bình tâm để tiếp xúc với cảm thọ. Ðiều nên tránh trong lúc thực tập là không trốn chạy với chính mình, không bất mãn với nội tâm. Cố gắng tinh chuyên hành trì để gặt hái những hoa trái của thiền tập, để có thể soi thấu được bản chất vô thường và tánh không của mọi cảm thọ.

 

Trong pháp niệm thọ, ta ghi nhận về các cảm giác mà ta đang xúc cảm:

 

- khoái lạc về thể xác

- khoái lạc về tinh thần

- đau khổ về thể xác

- đau khổ về tinh thần

- không khoái lạc cũng không đau khổ về thể xác

- không khoái lạc cũng không đau khổ về tinh thần

 

Khi bản thân trực nhận bất cứ một cảm giác gì, vui mừng khi được người khác khen ngợi, xấu hổ bực tức khi bị người khác sỉ nhục... Ta hãy trở về nắm lấy hơi thở và chú tâm quán sát cảm giác đó trong sự tỉnh thức. Ta ý thức rằng ta đang có một cảm giác dễ chịu. Ta ý thức rằng ta đang có một cảm giác khó chịu.

 

Trong lúc ngồi thiền, khi mà hơi thở đã trở nên nhẹ nhàng, thân thể đã bắt đầu an tịnh, tâm ý đã tương đối thu nhiếp, ta sẽ có một cảm giác vui mừng hoan hỷ phát khởi trong tâm thức. Khi cảm giác hỷ và lạc sinh khởi, ta hãy nhận biết về cảm giác đó một cách sáng suốt và tỉnh giác. Khi hoan hỷ sinh khởi, nó đến như một cơn bão, gây tạo cho ta những xúc cảm vui mừng thật sống động và thật mạnh mẽ. Khi an lạc phát sinh, nó như một giòng nước trôi êm ả, gây tạo cho ta những cảm giác nhẹ nhàng và thanh thản. Các cảm giác hoan hỷ và an lạc sinh khởi là kết quả tự nhiên có được khi hơi thở đã trở nên lắng dịu và tâm thức đã có sự an định trong lúc nhập thiền.

 

Khi cảm thọ sinh khởi, bất cứ cảm thọ gì, vui buồn hay trung tính, ta hãy trở về quán sát và chú tâm ghi nhận về cảm thọ đó một cách khách quan. Ðừng phân tích đi sâu vào sự kiện. Hãy thực tập thản nhiên mà ngắm nhìn mọi xúc cảm.

 

Cố gắng không để bị quay cuồng trong chán chường hay khoái lạc xác thân. Ta chỉ cần ghi nhận ta đang có một cảm giác sinh khởi. Ta ý thức rằng ta đang có sự vui mừng, đang hồi hộp, đang sợ hãi, đang buồn phiền, đang giận dữ, hay đang si mê... Ta chỉ cần ghi nhận khách quan thế thôi. Hãy nắm giữ lấy hơi thở. Tập trung tất cả tâm trí vào hơi thở. Hơi thở vào, ta biết là hơi thở vào. Hơi thở ra, ta biết là hơi thở ra. Ta biết rằng ta đang thở và đang buồn phiền. Ta biết rằng ta đang thở và đang sợ hãi. Ta biết rằng ta đang thở và đang âu lo. Ta biết rằng ta đang thở và đang vui mừng. Ta biết rằng ta đang thở và đang có một cảm giác trung tính không đau khổ cũng không khoái lạc.

 

Bởi nắm giữ lấy hơi thở nên ý thức được duy trì sáng suốt, ta sống trọn vẹn trong sát na đó. Khi cảm thọ sinh khởi, cứ thản nhiên ghi nhận và quán sát. Ðừng trốn chạy hèn nhát. Ðừng phản kháng bất mãn với nội tâm. Ðừng phấn khởi với nỗi vui mừng. Ðừng sầu ưu với cơn buồn thảm. Hãy nhìn thẳng nó, nhận biết nó, thụ động tiếp xúc với mọi cảm thọ trong ta.

 

Khi vui sướng, ta biết ta đang vui sướng. Khi sầu khổ, ta biết ta đang sầu khổ. Khi chán chường, ta biết ta đang chán chường. Khi sợ hãi, ta biết ta đang sợ hãi. Ta ý thức và ghi nhận về mọi cảm giác một cách khách quan. Thực tập thản nhiên với cảm xúc để thấy rằng cảm giác đến và đi, tăng trưởng và giảm suy, chuyển hóa và tan biến trong từng phút giây vô thường. Ta thở vào và thở ra trong ý thức đó và làm an tịnh mọi cảm thọ đang phát khởi trong ta.

 

Có sự ghi nhận về cảm thọ một cách tỉnh thức, ta sẽ giảm bớt được phần nào sự giao động bất an. Tâm thức sẽ trở nên trầm lắng, thân tâm sẽ bình thản và trở nên thư thái. Sự phục hồi nhanh chóng lại chính con người mình, với ít nhiều kết quả trên sự bình tâm thản nhiên với mọi cảm xúc, là tùy kinh nghiệm cá biệt trong quá trình tu tập tinh tấn pháp quán cảm thọ.

 

Khi có một cảm thọ đau khổ về thể xác, ta ý thức ghi nhận ta đang có sự đau khổ về thể xác: Ta biết ta đang nhức răng, đang đau bụng, đang nhức đầu, đang tê chân... Ta duy trì hơi thở trong ý thức, ta biết ta đang thở vào, ta biết ta đang thở ra. Ta chỉ cần ghi nhận khách quan về điều đó và tập trung tâm ý vào vùng cảm xúc đó. Hãy nhìn ngắm nó, đón chào nó, tiếp xúc nó, để nhận thấy mọi cảm thọ đang sinh khởi, tăng trưởng, giảm suy và tan biến vô thường.

 

Trong lúc ngồi thiền, nếu có những cảm giác diễn biến trên thân thể, ngứa ngáy như bị côn trùng bò trên mặt, cảm giác tê chân, cơ thể nóng bức... Hãy tập trung tâm ý nơi vùng cảm xúc đó, nhận biết nó một cách khách quan. Ta ý thức rằng ta đang có một cảm giác khó chịu trên thân thể. Cố gắng duy trì hơi thở ý thức. Thản nhiên nhìn ngắm và tiếp xúc êm dịu với mọi cảm giác. Cố gắng giữ sự giác tỉnh để nhận biết về cảm thọ trong từng hơi thở. Thở vào, ta biết đang thở vào. Thở ra, ta biết đang thở ra. Ta ghi nhận về những cảm giác đang xảy ra trong ta. Nhìn biết để thấy sự sinh khởi, tăng trưởng, suy giảm và tan biến của nó. Khi cảm giác đang suy giảm, ta ý thức cảm giác đang suy giảm. Khi cảm giác đã tan biến, ta ý thức cảm giác đã tan biến. Khi cảm giác đã tan biến, ta trở về tập trung tâm ý nơi hơi thở. Tất cả mọi cảm giác có đến và có đi, sinh khởi và hủy diệt trong từng mỗi phút giây biến dịch vô thường.

 

Khi có một cảm giác đau khổ về tinh thần, ta ý thức ghi nhận ta đang có sự đau khổ về tinh thần: Ta biết ta đang chán chường, đang sợ hãi, đang tuyệt vọng... Ta duy trì hơi thở trong ý thức, ta biết ta đang thở vào, ta biết ta đang thở ra. Ta chỉ cần ghi nhận khách quan về điều đó. Hãy nhìn ngắm nó, đón chào nó, tiếp xúc nó, để nhận thấy mọi cảm thọ đang phát khởi, tăng trưởng, chuyển hóa và biến diệt vô thường.

 

Khi có một cảm giác trung tính không khoái lạc cũng không đau khổ, ta cũng liền nhận biết được điều đó. Ta chỉ cần khách quan ghi nhận về sự phát khởi của cảm giác trung tính đó. Ta chú tâm quán sát sự tăng trưởng, giảm suy và hủy diệt của nó. Trực nghiệm bản chất vô thường biến diệt của mọi cảm giác trung tính.

 

Tóm lại, với bất cứ cảm giác nào đang phát khởi trong ta, dễ chịu, khó chịu, hay trung tính, ta cũng đều ý thức về sự bắt đầu khởi dậy của nó, sự tăng trưởng, chuyển hóa, suy giảm và tan biến của nó. Khách quan ghi nhận "có cảm thọ đây" và tất cả chỉ là cảm thọ. Không có ta cảm thọ. Với sự quán niệm như vậy, đủ để giúp cho ta ý thức được sự có mặt của cảm thọ, để quán chiếu về sự vô thường của cảm thọ.

Quán thân

 


Quán thân

 

Lãnh vực đầu tiên là niệm thân. Phương pháp căn bản làm nền tảng cho quá trình tu tập quán thân là pháp quán niệm về hơi thở.

 

Trước hết, chọn một chỗ tương đối yên tịnh để hành thiền. Có thể vào một khu rừng, tìm đến một gốc cây, hoặc một nơi im vắng nào đó, ở phía sau vườn nhà, một căn phòng riêng, hay một thiền đường.

 

Khi tọa thiền, ngồi theo tư thế kiết già. Ngồi trên gối dầy, hai chân xếp chéo, bàn chân trái để lên đùi chân phải, bàn chân phải để lên đùi chân trái. Hai bàn tay lật ngữa xếp lên nhau và đặt nhẹ trên hai bàn chân. Bàn tay phải đặt lên bàn tay trái, đầu hai ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau. Mắt nhắm. Miệng ngậm. Thở vào và thở ra bằng mũi. Mặt quay vào tường. Tập trung tâm ý vào một điểm nhỏ nơi đầu mũi. Giữ lưng, vai, cổ và đầu cho ngay thẳng. Thân tâm buông thả trong một tư thế thoải mái và vững chải.

 

Nếu cách ngồi kiết già quá khó khăn trong bước đầu tu tập, có thể ngồi theo tư thế bán già, một chân nầy xếp chéo lên đùi chân kia:

 

- chân phải để lên đùi chân trái (tư thế hàng ma)

- chân trái để lên đùi chân phải (tư thế kiết tường)

 

Nếu không thể ngồi bán già được, có thể ngồi theo kiểu Miến Ðiện. Hai chân xếp lại nhưng không cần chéo lên nhau, chân phải để phía trước chân trái.

 

Hoặc có thể ngồi trên ghế theo kiểu Ai Cập. Hai chân chạm mặt đất. Hai bàn tay úp xuống để nhẹ trên hai bắp đùi. Chủ yếu là giữ lưng, vai, cổ và đầu cho ngay thẳng trong một tư thế thoải mái.

 

Cũng có thể thực tập bằng cách nằm dài trên giường hay trên ghế dài. Nằm ngữa và thẳng lưng. Hai chân duỗi thẳng. Hai tay lật úp xuống, xếp lên nhau và để nhẹ trên bụng. Phương pháp nằm có thể được thực tập trên giường trước khi ngủ, hay khi mới thức dậy, hoặc sau những giờ làm việc mệt mỏi khi thân xác và tâm trí cần một sự nghỉ ngơi thư giãn.

 

Khi xả thiền, trước hết dùng hai tay xoa nhẹ đều hai mi mắt, xoa khắp trên mặt, hai bên vai phải trái. Sau đó xoa đều trước ngực, chà xát phía sau hông nơi cuối cột xương sống. Rồi từ từ tháo chân ra, xoa bóp từng chân cho bớt tê mỏi.

 

Theo tinh thần kinh Tứ niệm xứ, pháp quán hơi thở cần được thực tập trong tư thế kiết già. Nhưng trong giai đoạn đầu, nếu chưa thể ngồi kiết già được, ta vẫn có thể thực tập theo tư thế bán già hay Miến Ðiện. Ðiều quan trọng là ngồi trong một tư thế vững chải và thoải mái. Chủ yếu là giữ lưng, vai, cổ và đầu cho ngay thẳng.

 

Tư thế ngồi rất cần yếu cho việc tu tập thiền định. Nên ngồi ít nhất mỗi ngày một lần hay nhiều hơn nữa. Mỗi lần ngồi từ 15 phút đến một tiếng trở lên, thời điểm ngồi tốt nhất là sáng sớm hay lúc chiều tối trước giờ ngủ nghỉ. Tu tập thiền quán theo tinh thần kinh Bốn lãnh vực quán niệm không phải chỉ thực tập trong lúc ngồi không thôi mà cần phải tinh chuyên hành trì trong mọi thời lúc. Pháp quán hơi thở có thể được thực tập trong bất cứ tư thế nào của thân thể. Lúc đang đứng, đang ngồi, đang nằm, hay đang đi, ngay cả trong khi đang làm việc hay ngủ nghỉ cũng đều có thể áp dụng tu tập được.

 

Thiền, theo tinh thần kinh Bốn lãnh vực quán niệm, là thực tập sống tỉnh thức trong giờ phút hiện tại. Thiền là một phương thức sống, một nghệ thuật sống, sống giác tỉnh trong từng sát na của cuộc sống. Cố gắng không đánh mất chính mình trong những nghĩ suy về tương lai, về dĩ vãng. Ðừng quá loạn náo trong giờ phút hiện tại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở nơi đâu, bất cứ lúc nào, cố gắng nuôi giữ ý thức tỉnh giác trong từng hơi thở và dùng phương tiện hơi thở để điều hòa thân tâm, làm lắng dịu mọi sự điều hành trong thân thể.

 

 

Quán về hơi thở

 


Quán về hơi thở

 

Ðối tượng thiền định căn bản trong pháp niệm thân là hơi thở. Trong bốn lãnh vực quán niệm, các phương thức tu tập về thiền quán đều được dựa trên nền tảng là pháp quán niệm hơi thở. Quán hơi thở là chú tâm ghi nhận và quán sát về hơi thở. Khi thở vào, ta ý thức rõ ràng về hơi thở vào trong suốt quá trình thở vào. Khi thở ra, ta ý thức rõ ràng về hơi thở ra trong suốt quá trình thở ra.

 

Khi quán niệm về hơi thở, ta tập trung tâm ý ở đầu chớp mũi, như thế sẽ dễ dàng nhận biết được hơi thở vào ra và cũng dễ dàng thu nhiếp tâm ý đi vào định. Con mắt tâm chỉ biết có hơi thở, không nghĩ suy về bất cứ điều gì khác. Ở đây, chỉ có hơi thở là vấn đề trọng yếu nhất mà ta phải để hết tâm trí vào.

 

Khi thở, ta vẫn thở bình thường, thở một cách tự nhiên. Tâm trí chỉ cần ghi nhận tỉnh biết từng mỗi một hơi thở vào ra. Ta nhận biết rõ ràng ta đang ở đâu, ta đang làm gì. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ðiều quan trọng là tránh sự lập lại bằng từ ngữ trong tâm trí "ta đang thở vào" "ta đang thở ra". Vấn đề quan trọng ở đây là ghi nhận khách quan "ta đang thở vào" "ta đang thở ra", chứ không phải đọc đi đọc lại mãi những từ ngữ đó trong tâm trí.

 

Khi thở, đôi khi ta thở với hơi thở ngắn, đôi khi ta thở với hơi thở dài. Ta chỉ cần ghi nhận một cách rõ ràng về chiều dài của mỗi hơi thở. Ta ý thức sáng suốt về từng mỗi một hơi thở vào ra trong từng mỗi sát na.

 

Khi thở vào một hơi thở dài, ta biết ta đang thở vào một hơi thở dài. Khi thở ra một hơi thở dài, ta biết ta đang thở ra một hơi thở dài. Chỉ cần ý thức khách quan về điều đó một cách đúng như thật. Tránh sự lập đi lập lại bằng từ ngữ "ta đang thở vào một hơi thở dài" "ta đang thở ra một hơi thở dài".

 

Khi thở vào một hơi thở ngắn, ta biết ta đang thở vào một hơi thở ngắn. Khi thở ra một hơi thở ngắn, ta biết ta đang thở ra một hơi thở ngắn. Chỉ cần ý thức khách quan về điều đó một cách đúng như thật. Tránh sự lập đi lập lại bằng từ ngữ "ta đang thở vào một hơi thở ngắn" "ta đang thở ra một hơi thở ngắn".

 

Trong quá trình thực tập quán niệm về hơi thở dài ngắn, ta chỉ cần ghi nhận một cách khách quan về chiều dài của hơi thở trong suốt quá trình thở vào và trong suốt quá trình thở ra. Khi hơi thở vào, ta biết là hơi thở vào. Khi hơi thở ra, ta biết là hơi thở ra. Hơi thở vào không là hơi thở ra. Hơi thở ra không là hơi thở vào. Khi hơi thở dài, ta biết là hơi thở dài. Khi hơi thở ngắn, ta biết là hơi thở ngắn.

 

Hãy an trú trong ý thức giác tỉnh. Tập trung tất cả tâm trí vào hơi thở trong suốt quá trình thở vào và trong suốt quá trình thở ra. Không dính mắc vào cái ta đang thở. Ngay lúc nầy và ở nơi đây, chỉ có một điều quan trọng tối yếu là chú tâm tất cả vào hơi thở và chỉ biết có hơi thở. Mỗi khi thở vào, mỗi khi thở ra, mỗi hơi thở dài, mỗi hơi thở ngắn, ta đều có sự nhận biết rõ ràng về điều đó. Thân tâm buông thả trong một tư thế thoải mái và vững chải. Hãy nhìn thẳng vào giây phút thực tại. Ðừng tiếc nuối về dĩ vãng. Ðừng nghĩ suy về tương lai. Ðừng mong cầu một điều gì. Nếu như tâm ý vẫn còn cố bám víu vào những mong cầu trong giờ phút quán niệm nầy, ngồi thiền để được an lạc, để đào luyện tính khí, để duy trì sức khỏe... điều đó có nghĩa là tâm ý vẫn còn bị trói buộc trong cái nhìn về tự ngã ta, về mục đích hành thiền của ta trong giờ phút nầy. Như thế, sẽ gây nhiều chướng ngại cho sự giải thoát và buông xả mọi vọng tưởng trong lúc thiền tập.

 

Khi thở vào, ta thở với hơi thở tự nhiên và bình thường. Ta biết ta đang thở vào, ta ý thức về toàn hơi thở vào. Ta biết ta đang ngồi và đang thở. Ta ý thức về toàn hơi thở vào trong suốt quá trình thở vào, từ lúc hơi thở vào cho đến khi hơi thở vào chấm dứt để bắt đầu cho một hơi thở ra. Hơi thở đang bắt đầu đi vào thân thể, đang vào được nửa chừng, đang bắt đầu chấm dứt, đã chấm dứt, ta đều nhận biết về điều đó một cách rõ ràng đúng như thật.

 

Khi thở ra, ta thở với hơi thở tự nhiên và bình thường. Ta biết ta đang thở ra, ta ý thức về toàn hơi thở ra. Ta biết ta đang ngồi và đang thở. Ta ý thức về toàn hơi thở ra trong suốt quá trình thở ra, từ lúc hơi thở ra cho đến khi hơi thở ra chấm dứt để bắt đầu cho một hơi thở mới đi vào. Hơi thở đang bắt đầu đi ra khỏi thân thể, đang ra được nửa chừng, đang bắt đầu chấm dứt, đã chấm dứt, ta đều nhận biết về điều đó một cách rõ ràng đúng như thật.

 

Như người thợ tiện đang chú tâm làm việc. Trong từng mỗi phút giây, người ấy đều nhận biết về sự việc mình đang làm một cách giác tỉnh. Khi xoay một vòng dài trên món đồ đang tiện, người ấy ý thức rằng đang xoay một vòng dài. Khi xoay một vòng ngắn, người ấy ý thức rằng đang xoay một vòng ngắn. Cũng như khi thở, ta ý thức về hơi thở bằng tất cả sự sáng suốt và tỉnh biết. Khi thở vào, ta ý thức rõ ràng về toàn hơi thở vào trong suốt quá trình thở vào, từ lúc bắt đầu thở vào cho đến lúc hơi thở vào chấm dứt. Khi thở ra, ta ý thức rõ ràng về toàn hơi thở ra trong suốt quá trình thở ra, từ lúc bắt đầu thở ra cho đến lúc hơi thở ra chấm dứt.

 

Kinh Bốn lãnh vực quán niệm được áp dụng để tu tập bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, đang đứng hay đang ngồi, đang nằm hay đang đi, lúc nghỉ ngơi hay đang làm việc. Cũng như người thợ tiện ý thức được công việc mình đang làm một cách giác tỉnh trong từng mỗi sát na.

 

Phương pháp thực tập về hơi thở khởi đầu là theo dõi hơi thở vào ra để nuôi dưỡng ý thức chánh niệm. Ta ý thức về chiều dài của hơi thở và toàn hơi thở. Khi hơi thở đã có sự lắng dịu, ta ý thức về sự an tịnh nơi hơi thở và điều hòa thân tâm để đi vào sự tịch tĩnh. Ta ý thức về hơi thở vào và sự lắng dịu nơi hơi thở vào trong suốt quá trình thở vào. Ta ý thức về hơi thở ra và sự lắng dịu nơi hơi thở ra trong suốt quá trình thở ra.

 

Khi hơi thở trở nên nhẹ nhàng, tưởng chừng như có như không, mọi sự vận hành trong thân thể bắt đầu tĩnh lặng. Ngay đây, ta phải dồn hết mọi nỗ lực để có thể ý thức được rõ ràng về hơi thở. Hãy tập trung tất cả tâm ý vào một điểm nhỏ nơi đầu mũi, như thế sẽ dễ dàng nhận biết được sự vào ra vi tế của hơi thở. Có sự tập trung mãnh liệt vào một điểm duy nhất như thế sẽ giúp ta an tịnh được hơi thở và đi vào sự định tâm tương đối dễ dàng hơn.

 

Khi thở một hơi thở vào, ta ý thức về hơi thở đang đi vào thân thể trong suốt quá trình thở vào. Ta ý thức hơi thở bắt đầu vào (sự sinh khởi của hơi thở vào). Ta ý thức hơi thở vào bắt đầu chấm dứt (sự hủy diệt của hơi thở vào).

 

Khi thở một hơi thở ra, ta ý thức về hơi thở đang đi ra khỏi thân thể trong suốt quá trình thở ra. Ta ý thức hơi thở bắt đầu ra (sự sinh khởi của hơi thở ra). Ta ý thức hơi thở ra bắt đầu chấm dứt (sự hủy diệt của hơi thở ra).

 

Ta quán niệm "có hơi thở đây" và hơi thở chỉ là hơi thở. Không có ta đang thở. Tất cả chỉ là hơi thở và hơi thở ở nơi hơi thở. Với sự quán niệm như thế đủ để giúp ta phát khởi được ý thức về hơi thở, để quán chiếu về sự vô thường của hơi thở.

Quán về thân hành


 Quán về thân hành

 

Cũng như ý thức về các tư thế của thân thể khi đi đứng ngồi nằm, bất cứ thân thể đang cử động trong việc gì, ăn hay uống, nhai hay nếm, cúi xuống hay đứng lên, đi tới hay đi lui, nhìn trước hay nhìn sau, mặc áo cà sa hay mang bình bát, đi đại tiện hay tiểu tiện, ngủ hay thức, nói hay im lặng... ta đều phải ý thức được sự sinh khởi của từng ý định "muốn" của tâm thức, từng cử động của thân thể, đang làm gì, đang ở đâu một cách rõ ràng tỉnh biết.

 

Khi nói hay im lặng, ta ý thức rõ ràng về điều đó. Khi im lặng, ta ý thức là đang im lặng. Khi nói, ta ý thức về từng lời nói. Khi lắng nghe, ta ý thức là đang lắng nghe. Ta ý thức rõ ràng và sáng suốt trong mọi lúc mọi nơi, nhận biết mình đang ở đâu, đang nói với ai, đang nói những gì, đang lắng nghe những gì.

 

Khi ngủ hay thức, ta ý thức rõ ràng về điều đó. Khi nằm ngủ, ta an trú tâm nơi hơi thở. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Tập trung tất cả tâm ý vào hơi thở và chỉ biết có hơi thở. Ta ghi nhận sự xúc chạm của thân thể với mặt giường khi đang nằm. Ta ý thức về toàn thân thể và tư thế đang nằm của thân thể. Những khi thân thể thay đổi tư thế nằm, hoặc chân tay cử động, ta không bỏ sót bất cứ một chi tiết nào mà không có sự ghi nhận. Ta theo dõi hơi thở cho đến khi hơi thở trở nên nhẹ nhàng, mọi sự điều hành trong thân thể trở nên lắng dịu. Và rồi, giấc ngủ an bình tự nhiên đến, ta an giấc trong sự thư thái của thiền định.

KINH PARITTA - AN LÀNH.

 


KINH PARITTA - AN LÀNH.

THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

 

NGHI LỄ TỤNG BUỔI SÁNG

 

    

I. LỄ BÁI TAM BẢO - RATANATTAYAPUJĀ

 

Imehi dīpadhū pādisakkārehi Buddhaṃ Dhammaṃ Saṅghaṃ abhipū jayāmi mātā-pitādīnaṃ guṇavantānañca mayhañca dīgharattaṃ

atthāya hitāya sukhāya.

 

LỄ DÂNG CÚNG TAM BẢO

 

Con xin dâng các lễ vật nầy,

nhất là nhang đèn để cúng

Phật - Pháp - Tăng, Tam bảo,

ngưỡng cầu cho các bậc ân nhân,

nhất là cha mẹ con

và con đều được sự tấn hóa,

sự lợi ích, sự bình an lâu dài.

 

BUDDHARATANAPAṆĀMA

 

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambudhassa.

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.

 

Con xin hết lòng thành kính

làm lễ Ðức Bhagavā đó.

Ngài là bậc Á Rá Hăn cao thượng,

được chứng quả Chánh Biến Tri,

do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy.

 

LỄ BÁI PHẬT BẢO

 

Yo sannisinno varabodhimū le

māraṃ sasenaṃ mahatiṃ

vijeyyo sambodhimāgacchi

anantañāno lokuttamotaṃ

panamāmi buddhaṃ.

 

Ðức Phật tham thiền về số tức quan,

ngồi trên bồ đoàn,

dưới bóng cây Bồ Ðề quý báu,

và đắc thắng toàn bọn Ma Vương,

mà thành bậc Chánh Ðẳng, Chánh Giác.

Ngài là bậc tối thượng hơn cả chúng sanh,

con xin hết lòng thành kính mà làm lễ Ngài.

 

Ye ca buddhā atītā ca

ye ca buddhā anāgatā

paccuppannā ca ye buddhā

ahaṃ vandāmi sabbadā.

 

Chư Phật đã thành Chánh Giác trong kiếp quá khứ,

Chư Phật sẽ thành Chánh Giác trong kiếp vị lai,

Chư Phật đang thành Chánh Giác

trong kiếp hiện tại này,

con xin hết lòng thành kính,

mà làm lễ Chư Phật trong Tam Thế ấy.

 

BUDDHA GUṆA - ÂN ÐỨC PHẬT

 

Itipi so Bhagavā Arahaṃ

Sammā-sambuddho,

Vijjācarana-sampanno Sugato,

Lokavidū Anuttaro Purisadammasārathi Satthādevamanussānaṃ Buddho Bhagavāti

 

Hồng danh Phật nhiệm mầu Ứng Cúng

Chánh Biến Tri Minh Hạnh đủ đầy

Ðức ân Thiện Thệ cao dày

Bậc Thế Gian Giải chỉ bày chân tâm

 

Vô Thượng Sĩ pháp thân tịnh diệu

Bậc Trượng Phu Ðiều Ngự độ sanh

Thiên Nhân Sư đấng cha lành

Phật Ðà toàn giác Thế Tôn trong đời.

 

BUDDHA ATTAPAṬIÑÑĀ

 

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ

Buddho me saraṇaṃ varaṃ

Etena saccavajjena

Hotu me jayamaṅgalam.

 

LỜI BỐ CÁO QUY Y PHẬT BẢO

 

Chẳng có chi đáng,

cho con phải nương theo,

chỉ có Ðức Phật là quí báu,

nên con phải hết lòng,

thành kính mà nương theo,

đặng cầu sự an lạc đến cho con,

y như lời chân thật này.

 

BUDDHA KHAMĀPANA

 

Uttamaṅgena vandehaṃ

Pādapaṃ suṃ varuttamaṃ

Buddhe yo khalito doso

Buddho khamatu taṃ mamaṃ .

 

SÁM HỐI PHẬT BẢO

 

Con xin hết lòng thành kính,

cúi đầu làm lễ vi trần dưới chân Ðức Phật,

là Ðấng Chí Tôn Chí Thánh.

 

Các tội lỗi mà con đã vô ý,

phạm đến Phật bảo,

cúi xin Phật bảo xá tội lỗi ấy cho con.

 

DHAMMARATANAPANĀMA

 

Aṭṭhaṅgikāriyapatho janānaṃ

Mokkhappavesāya ujū ca maggo

Dhammo ayaṃ santikaro paṇīto

Nīyāniko taṃ panamāmi dhammaṃ .

 

LỄ BÁI PHÁP BẢO

 

Các Pháp đúng theo đạo Bát Chánh,

là con đường đi của bậc Thánh Nhân,

là con đường chánh,

dẫn người hữu chí nhập Niết Bàn được.

Pháp bảo là Pháp trừ diệt các sự lao khổ,

và các điều phiền não,

là Pháp chỉ dẫn chúng sanh,

thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi,

con xin hết lòng thành kính,

mà làm lễ Pháp ấy.

 

Ye ca dhammā atītā ca

Ye ca dhammā anāgatā

Paccuppannā ca ye dhammā

Ahaṃ vandāmi sabbadā.

 

Các Pháp của chư Phật đã có trong kiếp quá khứ.

Các Pháp của chư Phật sẽ có trong kiếp vị lai.

Các Pháp của chư Phật đang giáo truyền,

trong kiếp hiện tại nầy.

Con xin hết lòng thành kính,

mà làm lễ các Pháp trong tam thế ấy.

 

DHAMMA GUṆA - ÂN ÐỨC PHÁP BẢO

 

Svākkhāto Bhagavatā Dhammo Sandiṭṭhiko Akāliko Ehipassiko Opanayiko Paccattaṃ veditabbo viññū hīti.

 

Pháp vi diệu cha lành khéo dạy

Lìa danh ngôn giác ngộ hiện tiền

Vượt thời gian chứng vô biên

Sát na đại ngộ hoát nhiên liễu tường

Ðạo vô thượng đến rồi thấy rõ

Hướng thượng tâm thoát ngõ vọng trần

Trí nhân tự ngộ giả chân

Diệu thường tịnh lạc Pháp ân nhiệm mầu.

 

DHAMMA ATTAPAṬIÑÑĀ

 

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ

Dhammo me saraṇaṃ varaṃ

Etena saccavajjena

Hotu me jayamaṅgalaṃ .

 

LỜI BỐ CÁO QUY Y PHÁP BẢO

 

Chẳng có chi đáng

cho con phải nương theo,

chỉ có Pháp bảo là quí báu,

nên con phải hết lòng

thành kính mà nương theo,

đặng cầu sự an lạc đến cho con,

y như lời chân thật nầy.

 

DHAMMA KHAMĀPANA

 

Uttamaṅgena vandehaṃ

Dhammañca duvidhaṃ varaṃ

Dhamme yo khalito doso

Dhammo khamatu taṃ mamaṃ .

 

SÁM HỐI PHÁP BẢO

 

Con xin hết lòng thành kính,

cúi đầu làm lễ hai hạng Pháp bảo,

là Pháp học và Pháp hành.

Các tội lỗi mà con đã vô ý,

phạm đến Pháp bảo,

cúi xin Pháp bảo xá tội lỗi ấy cho con.

 

SAṄGHARATANAPANĀMA

 

Saṅgho visuddho varadakkhiṇeyyo

Santindriyo sabbamalappahīno

Guṇehinekehi samiddhipatto

Anāsavo taṃ panamāmi Saṅghaṃ .

 

LỄ BÁI TĂNG BẢO

 

Chư Thánh Tăng đã được trong sạch quí báu,

là bậc đáng cho người dâng lễ cúng dường,

vì lục căn của các Ngài đã thanh tịnh,

lòng tham muốn đã dứt trừ,

là Tăng đã thoát ly trần tục,

con xin hết lòng thành kính,

mà làm lễ chư Thánh Tăng ấy.

 

Ye ca saṅghā atītā ca ye ca saṅghā anāgatā paccuppannā ca ye saṅghā ahaṃ vandāmi sabbadā.

 

Chư Tăng đã đắc đạo

cùng quả trong kiếp quá khứ.

Chư Tăng sẽ đắc đạo

cùng quả trong kiếp vị lai.

Chư Tăng đang đắc đạo

cùng quả trong kiếp hiện tại này,

con xin hết lòng thành kính mà làm lễ,

Chư Thánh Tăng trong Tam Thế ấy.

 

SAṄGHA GUṆA - ÂN ÐỨC TĂNG BẢO

 

Suppaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho.

Ujupaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho.

Ñayapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho.

Sāmīcipaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho.

Yadidaṃ cattāri purisayugāni.

Aṭṭha purisa-puggalā.

Esa Bhagavato sāvakasaṅgho

Āhuneyyo Pāhuneyyo Dakkhiṇeyyo Añjalikaranīyo.

Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassāti.

 

Bậc diệu hạnh thinh văn Thích Tử

Bậc trực hạnh pháp lữ thiền gia

Bậc như lý hạnh Tăng Già

Bậc chân chánh hạnh dưới tòa Thế Tôn

Thành đạo quả bốn đôi tám chúng

Ðệ tử Phật ứng cúng tôn nghiêm

Cung nghinh kính lễ một niềm

Thánh chúng vô thượng phước điền thế gian

 

SAṄA ATTAPATIÑÑĀ

 

Natthi me saranaṃ aññaṃ

Saṅgho me saraṇam varaṃ

Etena saccavajjena

Hotu me jayamaṅgalaṃ.

 

LỜI BỐ CÁO QUY Y TĂNG BẢO

 

Chẳng có chi đáng

cho con phải nương theo,

chỉ có đức Tăng là quí báu,

nên con phải hết lòng

thành kính mà nương theo,

đặng cầu sự an lạc đến cho con

y như lời chân thật này.

 

 

SAṄGHA KHAMĀPANA

 

Uttamaṅgena vandehaṃ

Saṅghañca duvidhottamaṃ

Saṅghe yo khalito doso

Saṅgho khamatu taṃ mamaṃ .

 

SÁM HỐI TĂNG BẢO

 

Con xin hết lòng thành kính,

cúi đầu làm lễ hai bậc Tăng bảo,

là Phàm Tăng và Thánh Tăng,

các tội lỗi mà con đã

vô ý phạm đến Tăng bảo,

cúi xin Tăng bảo

xá tội lỗi ấy cho con.

 

LỄ BÁI XÁ LỢI

 

Vandāmi cetiyaṃ sabbaṃ

sabbaṭṭhāmesupatiṭṭhitaṃ

sārīrikadhātu mahābodhiṃ

buddharū paṃ sakalaṃ sadā.

 

Nghĩa:

 

Con xin thành kính làm lễ

tất cả Bảo Tháp, ngọc Xá Lợi,

đại thọ Bồ Ðề và kim thân Phật,

đã tạo thờ trong khắp mọi nơi.

 

Con xin lễ bái các phần

Bảo tháp Xá lợi kim thân Phật đà,

Bồ đề khắp cõi Sa bà

Luôn luôn thành kính

hương hoa cúng dường.

 

SAMBUDDHE

 

1- Sambuddhe aṭṭhavīsañ ca

dvādasañ ca sahassake

pañcasatasahassāni

namāmi sirasā ahaṃ .

 

Tesaṃ dhammañca saṅghañca

ādarena namāmihaṃ

namakārānubhāvena

hantvā sabbe upaddave

anekā antarāyāpi

vinassantu asesato.

 

2- Sambuddhe pañca paññāsañca

catuvīsa tisahassake

dasasatasahassāni

namāmi sirasā ahaṃ .

 

Tesaṃ dhammañca saṅghañca

ādarena namāmihaṃ

namakārānubhāvena

hantvā sabbe upaddave

anekā antarāyā pi

vinassantu asesato.

 

3- Sambuddhe navuttarasate

aṭṭhacattālī-sasahassake

vīsatisatasahassāni

namāmi sirasā ahaṃ .

 

Tesaṃ dhammañca saṅghañca

ādarena namāmihaṃ

namakārānubhāvena

hantvā sabbe upaddave

anekā antarāyā pi

vinassantu asesato.

 

LỄ TAM THẾ PHẬT

 

Con xin hết lòng thành kính

làm lễ 28 vị Chánh biến tri,

12 ngàn vị Chánh biến tri,

và 500 ngàn vị Chánh biến tri.

Con xin hết lòng thành kính

làm lễ Pháp bảo và Tăng bảo,

của các vị Chánh biến tri ấy.

Do sự lễ bái cúng dường

xin nhờ oai lực

các bậc Chánh biến tri,

mà những điều rủi ro

và sự tai hại thảy đều diệt tận.

 

Con xin hết lòng thành kính

làm lễ 55 vị Chánh biến tri,

24 ngàn vị Chánh biến tri

và 1 triệu vị Chánh biến tri.

Con xin hết lòng thành kính

làm lễ Pháp bảo và Tăng bảo,

của các vị Chánh biến tri ấy.

Do sự lễ bái cúng dường

xin nhờ oai lực

các bậc Chánh biến tri,

mà những điều rủi ro

và sự tai hại thảy đều diệt tận.

 

Con xin hết lòng thành kính

làm lễ 109 vị Chánh biến tri,

48 ngàn vị Chánh biến tri

và 2 triệu vị Chánh biến tri.

Con xin hết lòng thành kính

làm lễ pháp bảo và Tăng bảo,

của các vị Chánh biến tri ấy.

Do sự lễ bái cúng dường

xin nhờ oai lực

của bậc Chánh biến tri,

mà những điều rủi ro

và sự tai hại thảy đều diệt tận.

 

-ooOoo-

 

II. BÀI THỈNH CHƯ THIÊN

 

Sagge kāme ca rū pe girisikharatate

cantalikkhe vimāne

Dīpe raṭṭthe ca gāme taruvanagahane

gehavatthumhi khette

Bhummā cāyantu devā jalathalavisame

yakkhagan-dhabbanāgā

Tiṭṭhantā santike yaṃ munivaravacanaṃ

sādhavo me suṇantu.

 

Dhammassavanakālo ayambhadantā.

Dhammassavanakālo ayambhadantā.

Dhammassavanakālo ayambhadantā.

 

Nghĩa:

 

Xin thỉnh Chư Thiên

ngự trên cõi trời Dục giới

cùng Sắc giới;

Chư Thiên ngự trên đảnh núi

núi không liền

hoặc nơi hư không;

ngự nơi cồn bãi đất liền

hoặc các châu quận;

ngự trên cây cối rừng rậm

hoặc ruộng vườn;

Chư Dạ Xoa, Càn Thác Bà,

cùng Long Vương dưới nước trên bờ,

hoặc nơi không bằng thẳng gần đây,

xin thỉnh hội họp lại đây.

Lời nào là kim ngôn cao thượng

của Ðức Thích Ca Mâu Ni,

mà chúng con tụng đây

xin các bậc Hiền Triết nên nghe lời ấy.

 

Xin các ngài đạo đức

giờ nầy là giờ nên nghe Pháp bảo.

Xin các ngài đạo đức

giờ nầy là giờ nên nghe Pháp bảo.

Xin các ngài đạo đức

giờ nầy là giờ nên nghe Pháp bảo.

 

DÂNG HOA CÚNG PHẬT

 

Vaṇṇagandha gunopetaṃ

Etaṃ kusuma santatiṃ

Pū jayāmi munindassa

Siripāda sanoruhe.

 

Pūjemi Buddhaṃ kusumenanena

Puññena me tena ca hotu mokkhaṃ

Pupphaṃ milāyāti yathā idaṃ me

Kāyo tathā yāti vināsabhāvaṃ.

 

Pūjemi Dhammaṃ kusumenanena

Puññena me tena ca hotu mokkhaṃ

Pupphaṃ milāyāti yathā idaṃ me

Kāyo tathā yāti vināsabhāvaṃ.

 

Pūjemi Saṅghaṃ kusumenanena

Puññena me tena ca hotu mokkhaṃ

Pupphaṃ milāyāti yathā idaṃ me

Kāyo tathā yāti vināsabhāvaṃ.

 

Chúng con xin cúng dường "Phật bảo",

Bao cành hoa toàn hảo hiến dâng.

Cầu mong thoát chốn mê trần,

Niết bàn chóng đến hầu gần Thế Tôn.

Hoa này sẽ bất tồn dương cảnh,

Ủ rủ dần hình ảnh còn chi,

Chúng con phải chịu thế ni!

Xác thân ngũ uẩn chuyển di bất thường!

 

Chúng con xin cúng dường "Pháp bảo",

Bao cành hoa toàn hảo hiến dâng.

Cầu mong thoát chốn mê trần,

Niết bàn chóng đến hầu gần Thế Tôn.

Hoa này sẽ bất tồn dương cảnh,

Ủ rủ dần hình ảnh còn chi,

Chúng con phải chịu thế ni!

Xác thân ngũ uẩn chuyển di bất thường!

 

Chúng con xin cúng dường "Tăng bảo",

Bao cành hoa toàn hảo hiến dâng.

Cầu mong thoát chốn mê trần,

Niết bàn chóng đến hầu gần Thế Tôn.

Hoa này sẽ bất tồn dương cảnh,

Ủ rủ dần hình ảnh còn chi,

Chúng con phải chịu thế ni!

Xác thân ngũ uẩn chuyển di bất thường!

 

*

 

Dâng hoa cúng đến "Phật-đà",

Nguyện mau giải thoát sanh già khổ đau.

Hoa tươi nhưng sẽ ứa sầu,

Tấm thân tứ đại khỏi sao điêu tàn.

 

Dâng hoa cúng đến "Đạt-ma",

Nguyện mau giải thoát sanh già khổ đau.

Hoa tươi nhưng sẽ ứa sầu,

Tấm thân tứ đại khỏi sao điêu tàn.

 

Dâng hoa cúng đến "Tăng-già",

Nguyện mau giải thoát sanh già khổ đau.

Hoa tươi nhưng sẽ ứa sầu,

Tấm thân tứ đại khỏi sao điêu tàn

 

KỆ BÁ NHẪN

 

Sự nóng giận rất nhiều mãnh lực

Khi phát sanh tích cực vô cùng

Múa men la ó lung tung

Mặt xanh, mắt đỏ, giận run cả người

Ráng dập tắt tánh tình sân hận

Tiền Đức xưa căn dặn lắm lần

Người mà tánh nết không sân

Nhẫn Ba-La-Mật khoẻ thân lạ thường

Người muốn thắng để nhường người thắng

Hay giỏi chi cứng rắn tranh đời

Làm thinh chẳng thốt một lời

Giữ thân nhẫn nại không rời Phật ngôn

Đói khát vẫn ồn tồn thái độ

Hoặc Tham, Sân, Đau khổ, Si mê

Nhịn sự vui thú thỏa thích

Nhịn luôn những tiếng khen chê của đời

Nhịn cả thảy những lời đâm thọc

Nóng lạnh cùng rắn độc các loài

Rủi ro gặp lúc nạn tai

Cũng đều nhịn hết chẳng sai tấc lòng

Nhịn cả thảy muỗi mòng gió nắng

Mới gọi là Bá nhẫn trăm lần

Phước báu to lớn muôn phần

Theo lời Phật dạy ân cần suy tôn

Có Pháp nhẫn suy tồn của quí

Cả thảy ai thượng trí trong đời

Sửa trau sắc đẹp cho người

Đều do nhẫn nại Pháp thời thật cao

Pháp nhẫn nại khác nào kiều lộ

Hoặc ví như xe cộ rước người

Hiền nhân trí thức trên đời

Sanh về nhàn cảnh cõi trời thiếu chi

Nếu gồm đủ nhiều khi phước đức

Nhập Niết Bàn lập tức chẳng sai

Nhẫn nại hạnh phúc hỡi ai

Không hao của cải phước hoài chảy vô

Mỗi người thảy hoan hô khen ngợi

Đến xứ nào được lợi như thường

Chư Thiên, Người thảy đều thương

Do nhờ nhẫn nại thường thường quen tâm

Xin nhắc nhở người tầm đạo đức

Trì giới và ráng sức tham thiền

Bố thí, nhẫn nại chẳng kiên

Bao nhiêu công quả phước điền như không.

 

CỜ PHẬT GIÁO

 

Cờ Phật giáo nêu cao thanh bạch

Xanh vàng đỏ trắng gạch biểu dương

Sau chót còn thêm một đường

Năm sắc hiệp lại hiện trương sáu màu

Sáu màu ấy bởi đâu mà có

Do theo kinh tỏ rõ còn ghi

Tiền kiếp Thích Ca Mâu Ni

Hồi còn Bồ tát đương khi thực hành

Ba la mật tâm thành đại thí

Là hào quang rất quý của Ngài

Sáu màu kế tiếp sau đây

Sắc xanh móc mắt cho rày Bàn môn

Sắc vàng ấy kính tôn lóc thịt

Cho thợ rèn Ðế Thích hiện ra

Mạ vàng vào cốt Phật Ðà

Vì lòng thành kính dám mà hy sinh

Sắc đỏ ấy vì tình mẫu tử

Móc gan ra do tự tay Ngài

Thuốc hòa cứu mẹ rất hay

Do loài rắn độc trể chầy đặng đâu

Lòng hiếu thảo ai hầu dám sánh

Ðức Ðại bi hình ảnh còn đây

Sắc trắng Bạch tượng cho rày

Nên cha hành phạt đày Ngài tha phương

 

Cùng vợ con lên đường xa lánh

Vào non cao tuyết lãnh tu hành

Vợ thời hái trái non xanh

Còn Ngài bao quản nhọc nhằn khổ thân

Sắc gạch giống màu chân chim Phụng

Thịt cho chằng sử dụng đập ăn

Vui lòng cứu sống mẫu thân

Ðành cam bỏ mạng nghĩa danh trọn gìn

Màu dợn sóng hiệp toan sáng rỡ

Bởi xưa kia kiếp Thỏ cũng vì

Thấy người đói khổ lâm nguy

Bố thí xác thịt cũng vì Bàn môn

Ðức Ðế Thích lắm cơn khích dụ

Ba la mật tròn đủ hầu Ngài

Thợ rèn kẻ khó cả hai

Do Ngài Ðế Thích đại tài hiện ra

Trong Tam giới đều hòa ca tụng

Khắp năm châu cung phụng kính thờ

Quốc tế nhìn nhận lá cờ

Tung hô Phật giáo đến giờ sùng hưng.

 

KINH RẢI TÂM TỪ ĐẾN CÁC LOÀI RẮN

 

Ta hãy có từ tâm

Với Ví-Ru-Pắc Khá

Ta hãy có từ tâm

Với Ê-Ra-Pá-Thá

Ta hãy có từ tâm

Với Chắb-Da-Pút-Tá

Ta hãy có từ tâm

Với Kan-Ha-Gô-Tá-Má-Ká

 

Ta hãy có từ tâm

Với các loài không chân

Ta hãy có từ tâm

Với các loài hai chân

Ta hãy có từ tâm

Với các loài bốn chân

Ta hãy có từ tâm

Với các loài nhiều chân

 

Mong rằng loài không chân

Không có làm hại ta

Mong rằng loài hai chân

Không có làm hại ta

Mong rằng loài bốn chân

Không có làm hại ta

 

Mong rằng loài nhiều chân

Không có làm hại ta

Mọi chúng sanh hữu tình

Toàn thể mọi sinh vật

Mong chúng thấy hiền thiện

Chớ đi đến điều ác

 

Đức Phật là vô lượng.

Đức Pháp là vô lượng.

Chúng Tăng là vô lượng.

Có lượng là các loài bò sát,

các loài rắn.

Các con bò cạp,

các con một trăm chân,

các loài nhện giăng tơ,

các con thằn lằn và các loài chuột.

Ta đã làm sự hộ tri,

Ta đã làm sự che chở,

mong rằng các loài hữu tình sẽ bỏ đi.

Ta đảnh lễ Đức Thế Tôn,

Ta đảnh lễ bảy vị Chánh Giác

 

HẠNH PHÚC KINH

 

Ta là A nan Ðà có nghe như vầy:

 

Một thuở nọ Ðức Thế Tôn,

ngự tại Kỳ Viên tịnh xá,

của trưởng giả Cấp Cô Ðộc,

gần thành Xá Vệ (Savatthi).

 

Khi ấy, có vị Trời chiếu hào quang xinh đẹp,

làm cho trọn cả Kỳ Viên sáng ngời rực rỡ,

vị Trời ấy đến nơi Phật ngự,

đảnh lễ đức Thế Tôn xong rồi,

đứng tại chỗ nên đứng.

 

Khi đã đứng yên,

vị Trời ấy bèn bạch với đức Thế Tôn,

bằng lời kệ rằng:

 

Tất cả chư Thiên cùng nhân loại,

đều cầu xin được những hạnh phúc,

và cố tìm xét những điều hạnh phúc.

Bạch đức Thế Tôn,

xin Ngài mở lòng bác ái,

giảng giải về những hạnh phúc cao thượng.

 

Ðức Thế Tôn tùy lời hỏi mà giảng rằng:

 

Một: tư cách không xu hướng theo kẻ dữ;

Hai: tư cách thân cận các bậc trí tuệ;

Ba: tư cách cúng dường

các bậc nên cúng dường.

Cả ba điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

 

Một: tư cách ở trong nước nên ở.

Hai: tư cách của người đã làm được

 việc lành để dành khi trước.

Ba: nết hạnh giữ mình theo lẽ chánh.

Cả ba điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

 

Một: nết hạnh của người được nghe nhiều, học rộng,

Hai: sự suốt thông phận sự của người xuất gia và tại gia,

Ba: điều học mà người đã thọ trì được chính chắn,

Bốn: lời mà người nói ra được ngay thật,

Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

 

Một: nết hạnh phụng sự Mẹ.

Hai: nết hạnh phụng sự Cha,

Ba: sự tiếp độ vợ con,

Bốn: những nghề chẳng lẫn lộn nghiệp dữ.

Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

 

Một: nết hạnh bố thí.

Hai: nết hạnh ở theo Phật pháp.

Ba: sự tiếp độ quyến thuộc,

Bốn: những nghề vô tội,

Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng,

 

Một: nết hạnh ghê sợ và tránh xa tội lỗi,

Hai: sự thu thúc để tránh khỏi sự uống rượu

Ba: sự không dể duôi Phật pháp.

Cả ba điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

 

Một: sự tôn kính bậc nên tôn kính,

Hai: nết hạnh khiêm nhường,

Ba: tri túc đến của đã có,

Bốn: nết hạnh biết ơn người,

Năm: nết hạnh tùy thời nghe pháp,

Cả năm điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

 

Một: sự nhịn nhục,

Hai: nết hạnh người dễ dạy,

Ba: nết hạnh được thấy các bậc Sa môn,

Bốn: nết hạnh biện luận về Phật pháp,

Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

 

Một: sự cố gắng đoạn tuyệt điều ác,

Hai: nết hạnh hành theo pháp cao thượng,

Ba: nết hạnh thấy các pháp diệu đế,

Bốn: nết hạnh làm cho thấu rõ Niết Bàn.

Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

 

Một: tâm không xao động vì pháp thế gian,

Hai: không có sự uất ức,

Ba: dứt khỏi tình dục,

Bốn: lòng tự tại,

Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng

 

Tất cả chư Thiên và nhân loại

nếu được thực hành,

theo những điều hạnh phúc như thế,

là người thắng quá trong mọi nơi,

thì hằng được hạnh phúc trong mọi nơi.

Chư Thiên này! Các người nên tin rằng

cả ba mươi tám điều hạnh phúc ấy,

là hạnh phúc cao thượng.

 

KINH KHỔNG TƯỚC

 

Mặt trời ánh sáng như vàng

Chiếu trong thế giới khắp tràn bốn châu

Tự do soi cả đâu đâu

Là tròng con mắt hoàn cầu sanh linh

Cho nên tôi mới nghiêng mình

Cúi đầu cung kính tỏ trình Ân cao

Các Ngài luân chuyển cùng nhau

Thay phiên trị nhật vị nào đêm nay

Chúng tôi ở dưới quyền nầy

Xin nhờ ủng hộ đêm rày an vui

Làm cho ác độc phai phui

Cho dù oan trái mưu thù cũng hư

Thiền tăng đạo sĩ các Sư

Tu hành đắc pháp hoặc cư xa gần

Từ bi soi đến kẻ cần

Biết nay tôi kỉnh tự thân yêu cầu

Nương nhờ quyền lực phép mầu

Ðặng cho tránh khỏi nạn sầu đêm nay

Phạm thiên, Thiên chúng các Ngài

Thọ tôi kính lạy hiện nay xin tường

Bảo tồn khỏi sự bất lương

Trọn đêm cho được tránh đường họa tai

Cúi đầu lạy cả Như Lai

Các hàng Bồ tát chư Ngài Thánh Tăng

Với cùng Pháp bảo siêu thăng

Đêm nay nhớ tụng để ngăn các điều.

 

KINH TỪ BI

 

Hiền nhân có đủ đức tài,

Hằng tìm lợi ích tương lai cho mình.

Dọn lòng an tịnh thanh bình

Tiến vào Cực lạc Vô sinh Niết Bàn

Giữ lòng chánh trực đoan trang,

Nhu hòa lương thiện

chẳng màng khoe khoang,

 

Thanh bần thủ phận an nhàn,

Không ham thế sự tịnh an cõi lòng.

Lục căn chế ngự nghiêm phòng,

Không cho liều lĩnh luyến mong dục trần.

 

Không làm nhơ bẩn tinh thần,

Tránh lời chê trách thánh nhân phê bình,

Mong cầu tất cả chúng sinh,

Dồi dào hạnh phúc hòa bình sinh nhai.

 

Cầu cho ba giới bốn loài,

Chúng sanh yếu mạnh,

vắn dài bình trung.

Béo gầy nhỏ lớn không cùng,

Hữu hình, vô tướng muôn trùng gần xa.

 

Chưa sanh hoặc đã sanh ra

Thảy đều cộng hưởng hà sa phước lành.

 

Nguyện không lừa gạt, dối manh,

Khinh người, miệt chúng, hư danh trang hiền.

Dầu cho thân thuộc, xóm giềng,

Người dưng kẻ lạ các miền xa xăm.

Trong cơn phẫn nộ giận thầm,

Cũng không lo nghĩ mưu thâm hại người.

 

Như lòng từ mẫu thanh tươi,

Trăm cay ngàn đắng vui cười vì con.

Dầu cho một mất một còn,

Bảo tồn con trẻ vuông tròn ăn chơi.

Tình thương ghi tạc đời đời,

Từ bi rộng lớn bầu trời thênh thang.

Học đòi từ mẫu gương vàng,

Mở lòng thương xót bủa tràn gần xa.

Chúng sanh trong cõi Sa bà,

Thoát vòng khổ não, vượt ra luân hồi.

 

Hằng ngày rải khắp các nơi,

Bốn phương tám hướng gầm trời bao la.

Tấm lòng bác ái vị tha,

Gội nhuần tư tưởng đậm đà tình thương.

Lòng từ trong sạch như gương,

Không pha ác cảm không vương tư thù.

 

Cố tâm niệm niệm công phu,

Khi đi, khi đứng, chuyên tu tham thiền.

Nằm ngồi mặc niệm thường xuyên,

Sưu tầm đạo quả

gieo duyên Niết Bàn,

Ðó là phương pháp thế gian,

Ðó là hạnh kiểm đưa đường Vô sanh.

Thánh nhân ca tụng tán thành,

Xuôi dòng thánh vức

lữ hành Nhập lưu (Tu Ðà Hườn).

 

Vượt lên đến mức thắng ưu,

Khai thông tuệ nhãn

tầm sưu đỉnh đầu.

A Hàm đạo tuệ gươm mầu,

Ðoạn tuyệt tà kiến

xả câu dục tình.

Bất lai cảnh giới hữu hình,

Phạm thiên tạm ngự

nghiêm minh Niết Bàn.

 

TỤNG BỐ CÁO KINH TAM BẢO

 

Chúng ta nên đem lòng từ thiện,

đối với tất cả chúng sanh,

như đại đức A Nan Ða,

đã suy tưởng đều đủ các công đức của Phật,

từ khi mới phát nguyện thành bậc,

Chánh Ðẳng Chánh Giác là:

 

- Tu 10 pháp Pāramī

- 10 pháp Upapāramī,

- 10 pháp Paramatthapāramī.

- Năm pháp đại thí.

- Ba pháp hành.

- Tư cách giáng sanh vào

 lòng mẹ trong kiếp chót.

- Tư cách ra đời,

- Tư cách xuất gia,

- Tư cách tu khổ hạnh,

- Tư cách cảm thắng Ma vương,

- Tư cách chứng quả

Chánh Biến Tri trên Bồ đoàn.

- Chín pháp Thánh,

 

Suy tưởng xong rồi,

Ðại đức A Nan Ða tụng kinh Pāritta cả đêm,

trọn đủ ba canh tại trong ba vòng thành Vesālī.

Tất cả chư thiên,

trong mười muôn triệu thế giới Ta bà,

đều được thọ lãnh oai lực kinh Pāritta.

Kinh Pāritta đã làm,

cho ba điều kinh sợ phát sanh,

là bệnh tật, phi nhân và sự đói khát,

trong thành Vesālī được mau tiêu diệt.

 

Chư Thiên này, nay chúng tôi tụng kinh Pāritta ấy.

 

 

 

KINH TAM BẢO

 

Hạng Phú Tá (Bhuta) là Chư Thiên

ngự trên địa cầu, hoặc hạng Phú Tá nào,

là Chư Thiên ngự trên hư không thế giới,

mà đến hội họp nơi đây.

 

Cầu xin tất cả Chư Phú Tá ấy

mở lòng từ thiện,

và đem lòng thành kính

mà nghe Phật ngôn.

 

Tất cả Chư Phú Tá

được nghe Kinh Ba Rít Tá rồi,

nên mở lòng bác ái

đối với chúng sanh thuộc về nhân loại,

là những người hằng đem của bố thí

đêm ngày không dứt.

 

Vì đó, các Ngài chẳng nên lãnh đạm,

cầu xin hộ trì những người ấy.

Tài sản trong thế gian này

hoặc trong thế giới khác,

hoặc trân châu quý trọng trên thiên thượng.

Cả tài sản và trân châu ấy

cũng chẳng sánh bằng Ðức Như Lai.

 

Ðức Phật này như

trân châu quý báu cao thượng.

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Ðức Giáo chủ Sakya Muni

là bậc thanh tịnh,

đại ngộ các pháp diệt trừ phiền não,

dứt khỏi tình dục là pháp bất diệt,

là pháp cao thượng.

Chẳng có vật chi sánh bằng pháp ấy.

 

Ðức Pháp này như trân châu

 quý báu cao thượng.

Tôi xin thành thật cầu

 được phát sanh thạnh lợi.

 

Ðức Phật cao thượng hằng khen ngợi,

pháp Thiền định (Samādhi) là pháp trong sạch.

 

Các bậc Trí Tuệ

đã giảng giải về Pháp Chánh định,

là pháp sanh quả theo thứ tự,

Thiền định khác, chẳng thể sánh bằng.

 

Ðức Pháp này như

trân châu quý báu cao thượng.

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Những hạng tu hành có 8 bậc,

mà các Thiện trí thức (Sappurisa) đã ngợi khen,

các bậc ấy, đều là Thinh Văn,

đệ tử của Ðức Su Ga Tô,

các Ngài đáng thọ lãnh những vật thí,

của người tin lý nhân quả,

đem đến dâng cúng.

 

Những sự bố thí đến các bậc

Ðắc-khí-nây-dá-búc-gá-la, (Dakkhineyyapuggalā)

là việc bố thí được kết quả

rất nhiều hạnh phúc.

 

Ðức Tăng này như trân châu

quí báu cao thượng.

 

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Các bậc Thánh nhân,

trong giáo pháp của đức

Chánh Biến Tri hiệu Gotama,

đã hành theo lễ chánh rồi

có lòng bền chắc chẳng còn ái dục.

 

Các bậc Thánh nhân ấy

đã chứng quả A La Hán,

đã nhập Niết Bàn

đã tắt lửa phiền não

và đã hưởng đạo quả rồi.

 

Ðức Tăng này như trân châu

quí báu cao thượng.

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Cột cừ đã đóng cứng dưới đất

dầu gió bốn phương,

cũng không lay động thế nào.

 

Người hay suy xét

thấy các pháp diệu đế Như Lai,

gọi người ấy là bậc thiện trí thức,

hạng không tham nhiễm

các pháp thế gian.

Ví như cột cừ kia vậy.

 

Ðức Tăng này như trân châu

quý báu cao thượng.

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Các bậc Thánh nhân

thấy rõ các pháp diệu đế

mà đức Như Lai,

có trí tuệ thậm thâm

đã giảng dạy đứng đắn.

Các bậc Thánh nhân ấy

dầu có dễ duôi,

cũng chẳng thọ sanh đến kiếp thứ 8,

là chẳng luân hồi quá 7 kiếp.

 

Ðức Tăng này như trân châu

quý báu cao thượng.

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Bậc được chứng Ðạo quả Tu Ðà Hườn,

thì đã dứt khỏi ba phép chướng ngại,

thường có là thân kiến

hoài nghi và giới cấm thủ.

 

Bậc Tu Ðà Hườn,

đã thoát khỏi cả bốn đường dữ,

không còn phạm 6 điều ác

là năm tội đại nghịch,

và cách xu hướng theo ngoại đạo.

 

Ðức Tăng này như trân châu

quý báu cao thượng.

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Nếu bậc Tu Ðà Hườn

vô tâm phạm điều tội lỗi,

do thân khẩu ý

các Ngài cũng chẳng giấu giếm.

 

Nết hạnh của bậc đã thấy đạo Niết Bàn,

bậc không có thể giấu kín nghiệp dữ,

mà đức Phật đã giảng dạy rồi.

 

Ðức Tăng này như trân châu

quý báu cao thượng.

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Pháp cao thượng mà

đức Chánh Biến Trí đã giảng giải,

là Pháp có thể tiếp dẫn

chúng sanh đến Niết Bàn,

cho được sự lợi ích cao thượng.

Pháp ấy, ví như cây trong rừng

sanh chồi trong đầu mùa hạ.

 

Ðức Phật này như trân châu

quý báu cao thượng.

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Ðức Chánh Biến Tri là bậc cao thượng,

Ngài suốt thông pháp cao thượng,

Ngài thí pháp cao thượng,

Ngài đem đến pháp cao thượng.

 

Ngài là bậc vô thượng,

đã diễn thuyết các pháp cao thượng.

 

Ðức Phật này như

trân châu quý báu cao thượng.

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Nghiệp cũ của các bậc

Thánh Nhân đã dứt hẳn rồi,

nghiệp mới cũng chẳng phát sanh.

 

Các bậc Thánh nhân nào

đã chán nản trong việc thọ sanh,

là bậc có trí tuệ

thường được viên tịch

cũng như ngọn đèn tắt vậy.

 

Ðức Tăng này như

trân châu quý báu cao thượng.

Tôi xin thành thật

cầu được phát sanh thạnh lợi.

 

Hạng Phú Tá nào

là chư Thiên ngự trên địa cầu,

hoặc hạng Phú Tá nào

là chư Thiên ngự trên hư không,

mà đến hội họp nơi đây

xin đồng cùng chúng tôi,

làm lễ Chư Phật

là các đấng Giáo chủ,

đã được chứng quả giống nhau

mà chư Thiên cùng nhân loại

thường hay cúng dường,

cầu xin được phát sanh thạnh lợi.

 

Hạng Phú Tá nào

là chư Thiên ngự trên địa cầu,

hoặc hạng Phú Tá nào

là chư Thiên ngự trên hư không,

mà đến hội họp nơi đây,

xin đồng cùng chúng tôi

làm lễ các Pháp

đã có giống nhau,

mà chư Thiên cùng nhân loại

thường hay cúng dường,

cầu xin được phát sanh thạnh lợi.

 

Hạng Phú Tá nào

là chư Thiên ngự trên địa cầu,

hoặc hạng Phú Tá nào

là chư Thiên ngự trên hư không

mà đến hội họp nơi đây,

xin đồng cùng chúng tôi

làm lễ chư Tăng,

đã có giống nhau

mà chư Thiên cùng nhân loại

thường hay cúng dường,

cầu xin đuợc phát sanh thạnh lợi.

 

TÁM KỆ NGÔN AN LÀNH

VỀ SỰ CẢM THẮNG CỦA ÐỨC PHẬT

 

Ðức Phật cao thượng hơn các bậc trí tuệ,

ngài đã cảm thắng Ma Vương

Ma Vương biến ngàn cánh tay

đều cầm khí giới;

cỡi voi Gri-mê-khá-lá đủ cả binh ma,

tiếng hét la vang rền.

Nhờ Phép Thập độ

nhất là Phép Bố thí mà đức Phật

cảm thắng được Ma Vương.

 

Do nhờ Phật lực này xin cho

sự hạnh phúc phát sanh đến người.

 

Ðức Phật đã cảm thắng

được Dạ Xoa A-la-quá-cá

rất cang ngạnh không lòng nhẫn nhục,

khoe tài trọn đêm cùng đức Phật.

Dạ Xoa rất hung ác

cảm dõng hơn Ma Vương,

đã bị Ðức Chánh Biến Tri

dùng Phép Nhẫn nhục thâu phục rồi.

 

Do nhờ Phật lực này xin cho

sự hạnh phúc phát sanh đến người.

 

Ðức Phật đã cảm thắng voi Na-la-gi-ri,

đến cơn hung ác dữ tợn như lửa rừng,

như sấm sét nhờ rải lòng Từ bi,

mà Ðức Chánh Biến Tri

đã cảm thắng được voi ấy.

 

Do nhờ Phật lực này xin cho

hạnh phúc phát sanh đến người.

 

Ðức Phật dùng Phép Thần thông,

cảm thắng Ăn-gú-lí-má-lá

kẻ cướp sát nhân, cắt ngón tay người

xỏ làm tràng hoa, kẻ quá hung bạo

nhưng rất tinh nhuệ, cầm gươm rược

Ðức Chánh Biến Tri xa ba do tuần.

 

Do nhờ Phật lực này xin cho

sự hạnh phúc phát sanh đến người.

 

Ðức Phật đã khử trừ lời dữ

của nàng Chinh Cha,

nàng dùng cây tròn

giống dạng đứa bé trong thai,

giả làm phụ nữ mang thai.

Nhờ dùng Phép Chánh định

mà đức Chánh Biến Tri,

cảm thắng nàng giữa chốn đông người.

 

Do nhờ Phật lực này xin cho

sự hạnh phúc phát sanh đến người.

 

Ðức Phật sáng suốt nhờ ngọn đèn tuệ,

Ngài đã cảm thắng kẻ ngoại đạo,

Sách-chá-cá là kẻ không ngay thật,

chỉ ưa thích sự nâng cao lời nói mình,

như người dựng cột phướng,

kẻ rất si mê, chẳng khác người mù.

 

Do nhờ Phật lực này xin cho

sự hạnh phúc phát sanh đến người.

 

Ðức Phật dạy Ðại đức Mục Kiền Liên,

biến làm Long Vương

để thâu phục rồng chúa,

Nan-đô-bá-nanh-đa

là rồng tà kiến

có nhiều thần thông.

Nhờ dạy Ðại đức Mục Kiền Liên mà

Ðức Chánh Biến Tri

thâu phục được rồng chúa ấy.

 

Do nhờ Phật lực này xin cho

sự hạnh phúc phát sanh đến người.

 

Ðức Phật đã cảm thắng Ðại-Phạm-Thiên

Bá-ká tự cho mình là cao thượng,

vì đức trong sạch

có thần thông và chấp hẳn tà kiến.

Nhờ Giác tuệ mà Ðức Chánh Biến Tri

đã cảm thắng được Ðại Phạm Thiên ấy.

 

Do nhờ Phật lực này xin cho

sự hạnh phúc phát sanh đến người.

 

Những người có trí tuệ

không biếng nhác,

thường ngày hằng tụng

hoặc niệm tám kệ ngôn,

tán dương oai lực

của Ðức Chánh Biến Tri,

thì sẽ tránh khỏi vô số nạn tai

và sẽ chứng quả Niết Bàn

là nơi yên vui độc nhất.

 

KỆ CỦA ÐẠI ÐỨC SARIPUTTA

 

Ðây là bài kệ của Ðại Ðức Sariputta (Xá-Lợi-Phất),

đọc lên cổ xúy chúng ta, bất cứ lúc nào,

hoặc trong hoàn cảnh nào, cũng nên đặt trọn vẹn,

niềm tin tưởng nơi Tam Bảo.

 

"Hãy trương cao ngọn cờ Chân lý!

Hãy hoằng dương Chánh Pháp cao minh

Những lúc bàn tay kinh khủng

Lạnh lùng siết chặt tim ta,

Ðừng tưởng nhớ đến

Chư thiên, Thần thánh,

Vì như ta, họ cũng run sợ hãi hùng.

 

"Giữa rừng già hiu quạnh,

trong bóng tối trập trùng,

Khi ngọn đèn hy vọng

lao chao muốn tắt;

Ðừng tưởng nhớ đến

Chư thiên, Thần thánh;

Vì như ta, ánh sáng họ cũng tàn.

 

"Trong giờ phút lâm ly hấp hối,

Lời nghẹn giữa đôi môi,

lệ trào như suối.

Ðừng tưởng đến Chư thiên, Thần thánh,

Vì như ta, họ cũng nhỏ lệ biệt ly.

 

"Hãy ngước mắt lên:

Nhìn ngọn cờ Tam Bảo!

Tưởng nhớ đến Ðức Thế Tôn,

bậc chiến thắng oai hùng,

Ðến Chánh Pháp,

ánh sáng huy hoàng vĩnh cửu,

Ðến Tăng Già,

tập đoàn giới tịnh đức cao.

 

Hỡi đạo hữu!

Là chiến sĩ giữa quân thù "phiền não",

Mắt đừng lìa ngọn Tam Bảo uy kỳ,

Tâm đừng xa ân đức Phật - Pháp - Tăng,

Hãy dũng tiến trên con đường "Giải Thoát".

 

 

KINH ĐÁO BỈ NGẠN (Dasapāramī)

 

Itipi so bhagavā dānaparāmī sampanno

Itipi so bhagavā dānaupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā dānaparamatthapāramī sampanno

 

Ðường tu bố thí đứng đầu

Vị tha là tánh vô cầu là tâm

Không vì thương ghét sơ thân

Bàn tay ban bố nào phân biệt gì

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống xá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

 

Itipi so bhagavā sīlapāramī sampanno

Itipi so bhagavā sīlaupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā sīlaparamatthapāramī sampanno

 

Thiện nhân giới hạnh nghiêm trì

Nói làm suy nghĩ luôn khi giữ gìn

Nuôi ý lực dưỡng tâm lành

Cắt dây kiết phược phá thành mê si

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống xá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

 

Itipi so bhagavā nekkhammapāramī sampanno

Itipi so bhagavā nekkhammaupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā nekkhammaparamatthapāramī sampanno

 

Xuất gia vốn hạnh ly trần

Quyết ra nhà lửa bỏ thân luân hồi

Lợi danh quyến thuộc xa rời

Ðộc cư thanh tịnh sống đời xả ly

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống xá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

 

Itipi so bhagavā paññāpāramī sampanno

Itipi so bhagavā paññāupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā paññāparamatthapāramī sampanno

 

Ðèn tâm trí tuệ sáng ngời

Bởi vô lượng kiếp vun bồi huệ căn

Phân minh thiện ác giả chân

Ðiều hay chuộng học bạn lành tương tri

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống xá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

 

Itipi so bhagavā viriyapāramī sampanno

Itipi so bhagavā viriyaupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā viriyaparamatthapāramī sampanno

 

Chính do nghị lực tinh cần

Vượt qua bể ái chứng thân đại hùng

Kiên trì giữa cuộc lao lung

Càng nhiều chướng nghịch thêm công tu trì

Hy sinh ngoại vật, tứ chi

Hoặc luôn mạng sống xá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

 

Itipi so bhagavā khantīpāramī sampanno

Itipi so bhagavā khantīupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā khantīparamatthapāramī sampanno

 

Ðức tu nhẫn nại vạn năng

Nuốt điều cay đắng nuôi phần tinh anh

Chông gai khéo tạo tâm thành

Xưa nay nguyện lớn hành trình gian nguy

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống xá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

 

Itipi so bhagavā saccapāramī sampanno.

Itipi so bhagavā saccaupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā saccaparamatthapāramī sampanno

 

Thiện hiền chân thật không ngoa

Quí gìn lẽ thật như là bảo châu

Chân tâm ấy đạo nhiệm mầu

Nói làm nhất quán cho dù hiểm nguy

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống xá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

 

Itipi so bhagavā adhiṭṭhānapāramī sampanno

Itipi so bhagavā adhiṭṭhānaupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā adhiṭṭhānaparamatthapāramī sampanno.

 

Bởi do chí nguyện dẫn đường

Biết nơi cứu cánh mà nương lối về

Bờ kia là đạo bồ đề

Tự lòng đã quyết bến mê phải lìa

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống xá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

 

Itipi so bhagavā mettāpāramī sampanno

Itipi so bhagavā mettāupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā mettāparamatthapāramī sampanno

 

Hạnh lành từ ái bao la

Chúng sanh bốn loại chan hoà tình thương

Lòng như cam lộ suối nguồn

Rải ban phúc lạc lệ tuôn quản gì

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống xá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

 

Itipi so bhagavā upekkhāpāramī sampanno

Itipi so bhagavā upekkhāupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā upekkhāparamatthapārami sampanno

 

An nhiên hành xả giữa đời

Khen chê đặng thấy khổ vui thường tình

Ðiều tâm giữ ý quân bình

Trong cơn bão loạn biết gìn chánh tri

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống xá gì huyển thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

 

Itipi so bhagavā dasapāramī sampanno

Itipi so bhagavā dasaupapāramī sampanno

Itipi so bhagavā dasaparamatthapāramī sampanno

 

Từ trong bể khổ cuộc đời

Ðại hùng lập nguyện cứu người cứu thân

Ba la mật hạnh vẹn toàn

Dám quên mạng sống quyết tâm thực hành

Nhờ ân Thiện Thệ Cha Lành

Muôn loài vượt thoát tử sanh luân hồi.

 

KỆ TỈNH THỨC

 

Lẽ tử sanh xưa nay thường sự

Khổ biệt ly muôn thuở đương nhiên

Khách hồng trần trăm nỗi đảo điên

Bậc thiện trí vượt ngoài hệ lụy

Cuộc trầm luân khởi từ vô thủy

Nước mắt nhiều hơn bốn đại dương

Ðã bao đời dâu bể tang thương

Xương trắng trải phủ đầy đại địa

Dù một kiếp trọn vui không dễ

Những phù du hưng phế đổi thay

Tuổi thanh xuân gẫm có bao ngày

Già đau chết hỏi ai tránh khỏi

Kìa bao cuộc thăng trầm danh lợi

Những nhục vinh kết nối liền nhau

Khi qua rồi còn lại niềm đau

Gió đời thổi phàm tâm xao động

Kìa yêu thương buồn vui huyễn mộng

Tình thân nhân bằng hữu phu thê

Thương phải xa ghét phải gần kề

Ai trọn kiếp không điều ngang trái

Kìa sự nghiệp bạc vàng của cải

Ðổ mồ hôi nước mắt dựng xây

Vật ở đời tay lại qua tay

Buông tất cả khi tàn hơi thở

Kìa kiến chấp hữu vô ngã sở

Bao tị hiềm cùng chuyện can qua

Lắm đổi dời trong mỗi sát na

Hạnh phúc đó não phiền cũng đó.

 

Người trí hiểu căn nguyên thống khổ

Tìm hướng đi thoát ngõ quẩn quanh

Ngược dòng mê chánh đạo thực hành

Chứng thánh quả đoạn mầm sanh tử.

 

Nương Phật Ðà chí tôn chí thánh

Nương Pháp mầu đại hạnh đại duyên

Nương Tăng Già vô thượng phước điền

Nguyện uy đức cao dầy phổ độ.

 

Nam mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo

Nam mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo

Nam mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo

 

KỆ NIỆM ÂN PHỤ MẪU

 

Lạy cha mẹ nguồn ân cao cả

Dẫu muôn thân vạn thuở khôn đền

Từ ấu thơ lầm lỗi gây nên

Nay khôn lớn chưa tròn hiếu tử

Ân nghĩa nặng thịt xương huyết nhũ

Công sâu dày chín tháng cưu mang

Dưỡng bào nhi ăn uống kiêng khem

Lúc đi đứng nằm ngồi giữ ý

Nỗi thống khổ làm sao kể xiết

Tự chống chèo vượt cạn qua sông

Trào lệ vui tiếng khóc bên lòng

Yêu con trẻ nâng như trứng mỏng.

 

Lạy cha mẹ nghĩa sâu vô tận

Suối cam lồ tắm mát đời con

Lắm âu lo bất trắc không sờn

Bao dơ uế nhọc nhằn cam chịu

Nuốt mặn đắng chua cay tủi hận

Ôi suốt đời vất vã lo toan

Mới cảm đau ương yếu se mình

Ðã hớt hải cầu Trời khấn Phật

Tình mẹ cha thấm dòng sữa mật

Nuôi đời con đến lúc nên người

Buổi khó khăn khô nhạt cầm hơi

Miếng ngon ngọt dành phần con trẻ

Năm canh đêm thức chừng con ngủ

Sáu khắc ngày tần tảo ngược xuôi

Ðủ áo cơm nở mặt với đời

Cho ăn học đua đòi sĩ diện.

 

Lạy cha mẹ ơn thiêng hiển hiện

Suối bi từ vô lượng nhân gian

Nhiều khi con hư hỏng hoang đường

Lắm lúc lại hỗn hào tai ngược

Quay mặt đi dao bào cắt ruột

Ðánh con đau lòng lại thêm đau

Ôi thâm ân giáo dưỡng sâu mầu

Ðèn sách sáng lòng con chưa đủ sáng

Nay nhờ Phật tâm minh trí rạng

Ðuốc thiên lương hiếu đạo soi đường

Mẹ cha là sen báu ngát hương

Là thanh nhạc chim trời Ðao lợi

Là bảy báu phúc lành cao vợi

Là trăng sao sáng đẹp tuyệt vời

Là suối tình muôn thuở về xuôi

Là biển rộng thái sơn cao ngất.

 

Mong báo đáp ân tày trời đất

Nguyện cúc cung hết dạ sớm hôm

Khi ốm đau tận tụy thuốc thầy

Lúc hữu sự ân cần công của

Giữ hòa khí cháu con thuận thảo

Gìn gia phong hợp đạo nghĩa nhân

Giúp mẹ cha bố thí cúng dường

Tu tín giới tham thiền niệm Phật.

 

Lạy cha mẹ bậc thầy trước nhất

Là tiên nhân từ ái trong nhà

Con nghiêm cung phủ phục thiết tha

Mọi lầm lỡ thành tâm sám hối

Từ tấm bé muôn lầm vạn lỗi

Ðến khi con khôn lớn nên người

Chuyện nghĩa ân thù tạc với đời

Việc hiếu đạo chừng như bổn phận

Có ai sống không niềm ân hận

Ai chưa thương biết quí tình thương

Ðời phù du muôn vạn nẻo đường

Con dong ruổi thung huyên luống tuổi

Nhờ Phật dạy biết điều lầm lỗi

Ðã tri ân xin nguyện báo ân

Dẫu cho con làm được muôn phần

Chưa đáp đủ ân cha nghĩa mẹ.

 

Xin minh chứng tấc lòng con trẻ

Sống chánh chân y pháp phụng hành

Con hôm nay hội đủ duyên phần

Hiếu và đạo tinh cần tu tập

Vầng nhật nguyệt tam thiên toả khắp

Vẹt vô minh hôn ám bao đời

Cầu cho sanh loại muôn nơi

Thọ trì hiếu hạnh rạng ngời nhân luân.

 

KỆ SÁM HỐI PHỤ MẪU (Mātāpitupaṇāmagāthā)

 

Yadājāto ca yo vāhaṃ

Dukkhaṃ mãtãpitūhime

Anubhūtaṃ navaṇṇituṃ

Hatthaṃ pagayha vandito

Dosaṃ khamathameyeva

Tumhe dethābhayampi ca

Ruditassevame tumhe

Sugītamuppagettha ve

Nipajjāpetha maṃ amhaṃ

Malamuttampi sakala

Hatthena te gahetvā va

Dhovitthāpi ca sabbaso

Tumhe anāgate kāle

Amma kāruṇṇike have

Puttadhītuttamā tāta

Buddhāyeva bhaveyyātha

 

Cúi đầu kính lạy mẹ cha

Ngưỡng mong mở lượng hải hà bao dung

Tội con bất hiếu muôn ngàn

Ấu thơ cho đến thành nhân vẫn còn.

 

Một đời tần tảo lo toan

Gian truân bao độ lòng son chẳng sờn

Bút nào tả hết yêu thương

Lời nào nói đủ đoạn trường gian lao

Tóc xanh cho đến bạc màu

Vì con tất cả nghĩ đâu phần mình

Phật xưa rằng đấng sanh thành

Là trời Phạm đế đức lành bao la

Thiện thần ngự trị trong nhà

Cổ nhân thánh đức chói loà ngàn sau

Bậc thầy tiên khởi thanh cao

Dạy con từng bước đi vào lớn khôn

Dù hai vai cõng song đường

Trăm năm chưa đủ đáp ơn sâu dày

Con từ thơ dại đến nay

Xét ra lỗi đạo lầm sai lắm điều

Những mong mình được nuông chiều

Biết đâu cha mẹ bao nhiêu ưu phiền

Lời răn của đấng từ nghiêm

Ít khi tạc dạ trọn niềm kính tin

Ấm no chỉ biết phần mình

Mẹ cha mòn mỏi chút tình đợi mong

Tình cha nghĩa mẹ biển đông

Tình con đáp lại giọt sương đầu cành

Nhớ công giáo dưỡng sanh thành

Sáu thời cung dưỡng ba canh phụng thờ

Từ nay cho đến trọn đời

Sống theo hiếu đạo nương nhờ Phật ân.

 

Ngưỡng cầu minh chứng lòng con

Nghiêng mình kính lễ sắt son một niềm.

Cầu cha mẹ trọn phước duyên

Nghiêng mình kính lễ vô biên nguyện cầu.

Nguyện đem hiếu đạo làm đầu

Nghiêng mình kính lễ ân sâu đáp đền.

 

-ooOoo-

 

III. KINH TỤNG RẢI TÂM BÁC ÁI

 

Nguyện cho tất cả chúng sanh

trong hướng đông,

đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui.

 

Nguyện cho tất cả chúng sanh

trong hướng đông nam,

đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui.

 

Nguyện cho tất cả chúng sanh

trong hướng nam,

đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui.

 

Nguyện cho tất cả chúng sanh

trong hướng tây nam,

đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui.

 

Nguyện cho tất cả chúng sanh

trong hướng tây,

đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui.

Nguyện cho tất cả chúng sanh

trong hướng tây bắc,

đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui.

 

Nguyện cho tất cả chúng sanh

trong hướng bắc,

đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui.

 

Nguyện cho tất cả chúng sanh

trong hướng đông bắc,

đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui.

 

Nguyện cho tất cả chúng sanh

trong hướng trên,

đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui.

 

Nguyện cho tất cả chúng sanh

trong hướng dưới,

đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui.

 

Nguyện cho tất cả chúng sanh

 đừng có oan trái lẫn nhau,

hãy cho được sự yên vui,

đừng có khổ,

đừng làm hại lẫn nhau,

đừng hẹp lượng,

hãy cho được sống lâu,

đừng có bệnh hoạn,

hãy cho được thành tựu đầy đủ,

hãy giữ mình cho được sự yên vui.

Tất cả chúng sanh đến khổ rồi,

xin đừng cho có khổ,

đến sự kinh sợ rồi,

xin đừng cho kinh sợ,

đến sự thương tiếc rồi,

xin đừng cho thương tiếc.

 

(Khi có sự lo sợ, trước giờ ngủ nên thường tụng bài này,

để rải tâm bác ái đến tất cả chúng sanh, ắt sẽ hết lo sợ, được yên vui).

 

 

TỪ BI NGUYỆN

 

Nguyện cầu tám hướng mười phương

Chúng sanh muôn loại hãy thường an vui

Dứt trừ oan trái nhiều đời

Bao nhiêu đau khổ đến hồi duyên tan

Hại nhau chỉ chuốc lầm than

Mê si điên đảo vô vàn lệ châu

Chúng sanh vô bệnh sống lâu

Nguyện cho thành tựu phước sâu đức dày

Nguyện cho an lạc từ nay

Dứt trừ thống khổ đắng cay oán hờn

Dứt trừ kinh sợ tai ương

Bao nhiêu phiền não đoạn trường vĩnh ly

Nguyện cầu Tam Bảo chứng tri

Sống đời thanh tịnh từ bi vẹn toàn.

 

HỒI HƯỚNG PHƯỚC ÐẾN CHƯ THIÊN

 

Chư Thiên ngự trên hư không

Ðịa cầu thượng ngự rõ thông mọi điều

Long vương thần lực có nhiều

Ðồng xin hoan hỷ phước đều chúng con

Hộ trì Phật giáo Tăng bồi

Các bậc Thầy tổ an vui lâu dài

Quyến thuộc tránh khỏi nạn tai

Chúng sanh được hưởng phước dài bền lâu

Chúng con vui thú đạo mầu

Tu hành tinh tấn ngõ hầu siêu sinh.

 

KINH HỒI HƯỚNG

 

Phước căn con đã tạo thành,

Do thân, khẩu, ý tu hành gieo nên.

Ðều là phước báu vững bền,

Có thể tiếp chúng độ lên thiên đường.

Cung trời Ðạo Lợi thọ nhàn,

Chúng sanh hữu tưởng nhân gian Ta bà.

Chư Thiên Phạm Thiên cùng là,

Bậc trời vô tưởng được mà hưởng an.

Phước con hồi hướng dâng ban,

Chúng sanh hay biết hoàn toàn lãnh thâu.

Bằng ai chưa rõ lời cầu,

Xin cùng Thiên chúng đến hầu mách ngay.

Có người làm phước được rày,

Lại đem hồi hướng hiện nay khắp cùng.

Chúng sanh hoan hỉ lãnh chung,

Hưởng được phước quí ung dung thanh nhàn.

Chúng sanh thế giới các hàng,

Bởi nhờ thọ thực sanh an mạng trường.

Xin thâu phước báu cúng dường,

Hóa thành thực phẩm mùi hương thỏa lòng.

 

HỒI HƯỚNG CHO NGƯỜI QUÁ VÃNG

 

Con xin hồi hướng quả này,

Thấu đến quyến thuộc nơi đây cho tường;

Cùng là thân thích tha phương,

Hoặc đã quá vãng hoặc thường hiện nay;

Chúng sanh ba giới bốn loài,

Vô tưởng hữu tưởng chẳng nài đâu đâu;

Nghe lời thành thật thỉnh cầu,

Xin mau tựu hội lãnh thâu quả này;

Bằng ai xa cách chưa hay,

Cầu xin Thiên chúng mách ngay với cùng;

Thảy đều thọ lãnh hưởng chung,

Dứt rồi tội lỗi thoát vòng nạn tai;

Nguyện nhiều Tăng chúng đức tài.

Ðạt thành Thánh quả hoằng khai đạo lành;

Nguyện cho Phật Pháp thạnh hành.

Năm ngàn năm chẵn phước lành thế gian.

 

PHỤC NGUYỆN

 

Phước lành con đã tạo ra

Các đời quá khứ hay là đời nay

Nghiệp chưa cho quả phước nào

Nguyện thành Pháp Ðộ để vào thiện căn

Sau nầy dù tạo mấy lần

Từ đây cho đến siêu thăng Niết Bàn

Hể làm chuyện tốt sẵn sàng

Mỗi điều hạnh phúc thành đoàn Nhân Duyên

Giúp cho phiền não sớm yên

Trợ mau giải thoát kế liền kiếp sau

Nếu trể chẳng gặp Phật nào

Nhằm kỳ Ðộc Giác làm sao cũng thành.

 

THẬP NGUYỆN

 

Nguyện cầu Tam Bảo từ hằng độ,

Nguyện thoát ba tai nước, lửa, binh,

Nguyện thảy chúng sanh khỏi oan kết,

Nguyện cho nhân loại ráng tu hành

Nguyện gìn tam học Giới - Ðịnh - Tuệ

Nguyện đoạn Tham - Sân - Si độc sanh

Nguyện giải căn nhân Sanh Tử khổ

Nguyện diệt tâm tham háo lợi danh

Nguyện tu tinh tấn không giải đãi

Nguyện sao đạo quả sớm viên thành.

 

KINH HỒI HƯỚNG (vắn tắt)

 

Do sự phước báu mà chúng con đã trong sạch làm đây, xin hồi hướng đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng, cầu mong cho các vị ấy hằng được yên vui.

 

Do sự phước báu mà chúng con đã trong sạch làm đây, xin chia phước đến thân bằng quyến thuộc còn hiện tại, cầu mong cho các vị ấy hằng được sự yên vui.

 

Do sự phước báu mà chúng con đã trong sạch làm đây, hãy là món duyên lành, để dứt khỏi những điều ô nhiễm, ngủ ngầm nơi tâm trong ngày vị lai.

 

-ooOoo-

 

 

HỒI HƯỚNG PHƯỚC ĐẾN THÂN BẰNG

QUYẾN THUỘC ĐÃ QUÁ VÃNG

 

Chúng con xin hồi hướng phần phước thanh cao,

mà chúng con đã làm ngày hôm nay,

đến cho tất cả Chư Thiên,

nhân loại, cùng tất cả chúng sanh,

 nhất là (Ông, bà, cha, mẹ, con, cháu)

của chúng con,

những bậc ân nhân của chúng con,

cầu mong tất cả đều được an vui hạnh phúc.

 

Xin Chư Thiên mách bảo cho

những thân nhân của chúng con,

và những bậc hữu ân của chúng con

ở xa không hay biết,

để quý vị ấy biết rằng

phần phước ngày hôm nay

dành cho quý vị ấy,

được thọ hưởng tùy ý khi thọ hưởng rồi,

được thoát khỏi những điều lao khổ

kết quả làm người

làm trời cho được như ý muốn.

 

“Do nhờ tụng Pháp Bảo này,

xin cho được thành tựu phước thiện,

và trí tuệ y như ý nguyện”

 

‘‘Sādhu !’’ ‘‘Sādhu !’ ‘‘Sādhu !’’ ’Lành thay !

                             ***