Sunday, April 17, 2022

HỒI HƯỚNG VÀ CHIA PHƯỚC.


 



THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

 

HỒI HƯỚNG VÀ CHIA PHƯỚC.

 

1.        Samantā cakkavāḷesu, atrāgacchantu devatā; Saddhammaṃ munirājassa,

suṇantu saggamokkhadaṃ.

 

2. Dhammassavanakālo ayam bhadantā. (3 lần)

 

3. Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa (3 lần)

 

1. Này hỡi các Thiên giả từ trong những thiên hà, xin hãy đến nơi đây và lắng nghe Diệu Pháp; pháp thiên lạc, giải thoát của Hiền Vương Thích Ca.

 

2. Này hỡi chư hiền giả, Giờ này xin nghe Pháp.

 

3. Xin thành kính lễ Ngài Thế Tôn, 

A-La-Hán, Đấng Toàn Tri Diệu Giác.

 

Idaṃ no ñātīnaṃ hotu sukhitā hontu ñātayo. (3 lần)

 

Idaṃ vata me puñnñaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu ānagate.

 

Do sự phước báu mà chúng con đã trong sạch làm đây. Xin hồi hướng đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng, cầu mong cho các vị ấy hằng được sự yên vui.

 

Do sự phước báu mà chúng con đã trong sạch làm đây, hãy là pháp duyên lành, để dứt khỏi những điều ô nhiễm, ngủ ngầm nơi tâm trong ngày vị lai.

 

Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Buddhaṃ pūjemi.

 

Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Dhammaṃ pūjemi.

 

Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Saṃghaṃ pūjemi.

 

Addhā imāya paṭipattiyā

jāti-jarā-byādhi-maraṇamhā parimuccissāmi.

 

Idaṃ me puññaṃ āsavakkhayā’vahaṃ hotu ānagate.

 

Idaṃ me puññaṃ nibbānassa paccayo hotu.

 

Mama puññabhāgaṃ sabbasattānaṃ bhājemi;

 

Te sabbe me samaṃ puññabhāgaṃ labhantu.

 

Với sự hành Pháp tuần tự này,

con xin cúng dường Phật.

Với sự hành Pháp tuần tự này,

con xin cúng dường Pháp.

Với sự hành Pháp tuần tự này,

con xin cúng dường Tăng.

Nhất định, nhờ sự hành Pháp tuần tự này,

con sẽ thoát khỏi sanh-già-bệnh-chết

Phước lành này của con,

nguyện đoạn trừ các lậu hoặc - trầm luân.

Phước lành này của con,

nguyện là duyên thành tựu được Niết bàn.

Phần phước của con,

xin chia đều đến tất cả sanh linh.

Mong tất cả hãy thọ nhận phần phước ấy được đều nhau.

 

Bhavatu sabbamaṅgalaṃ, 

rakkhantu sabbadevatā;

Sabba-Buddhānubhavena

sadā sukhī bhavantu te.

 

Bhavatu sabbamaṅgalaṃ, 

rakkhantu sabbadevatā;

Sabba-Dhammānubhavena

sadā sukhī bhavantu te.

 

Bhavatu sabbamaṅgalaṃ, 

rakkhantu sabbadevatā;

Sabba-Saṃghānubhavena

sadā sukhī bhavantu te.

 

Nguyện người trọn hạnh phúc, và chư thiên che chở

Nhờ tất cả Uy Phật, mong người hằng an lành.

Nguyện người trọn hạnh phúc, và chư thiên che chở

Nhờ tất cả Uy Pháp, mong người hằng an lành.

Nguyện người trọn hạnh phúc và chư thiên che chở

Nhờ tất cả Uy Tăng, mong người hằng an lành.

 

(Sādhu! Sādhu! Lành thay!)

 



 

Sunday, April 10, 2022

MAHĀDHAMMIKA

 

MAHĀDHAMMIKA

Sau khi chư Tỳ khưu đến bên cạnh bên giường của cận sự nam Mahādhammika, ông ta đã cung thỉnh chư Tỳ khưu ấy thuyết giảng, đọc tụng về Kinh tạng. Thể theo lời thỉnh cầu ấy, chư Tỳ khưu đã thuyết giảng, đọc tụng lại bài kinh Satipaṭṭhāna (Chánh niệm khắng khít, vững chắc). Đối với trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh thì bài pháp, bài kinh Satipaṭṭhāna (Chánh niệm khắng khít) là thích hợp nhất vậy.

Ông cận sự nam khi đang nghe pháp, nghe kinh Satipaṭṭhāna thì đồng thời cũng quán xét trạng thái, tính chất sinh-diệt của những điều sinh khởi lên ngay chính trên thân thể tổng hợp 5 nhóm, theo phương pháp hành trì chánh niệm khắng khít ấy. Nếu một khi sắc pháp nào sinh khởi lên thì sẽ để ý, chánh niệm nơi sắc pháp ấy rồi quán xét nguyên nhân, trạng thái sinh-diệt của sắc pháp ấy. Nếu một khi cảm thọ, cảm giác nào sinh khởi lên thì sẽ để ý, chánh niệm nơi cảm thọ, cảm giác ấy rồi quán xét nguyên nhân, trạng thái sinh-diệt của cảm thọ ấy. Nếu một khi tâm suy nghĩ sinh khởi lên, bất kể là tâm gì, có thể là tâm thiện hoặc cũng có thể tâm bất thiện, tâm nào thì tâm đều sẽ để ý, chánh niệm tâm ấy rồi quán xét nguyên nhân, trạng thái sinh-diệt của tâm ấy. Những tâm sở, thành phần còn lại của tâm, khi chúng sinh khởi lên cũng đều được quán xét với sự để ý, chánh niệm để thấy biết rõ trạng thái sinh-diệt của chúng. Ngay khi ấy, ông ta tự chính mình thấy biết rõ nguyên nhân và trạng thái sinh-diệt của những sắc (thân), thọ, tâm, pháp đanh sinh khởi ngay chính trên thân thể tổng hợp 5 nhóm (khandha) của mình.

Trong sự sinh-diệt liên tục không ngừng nghỉ ấy, khi thấy biết rõ được sự sinh là xa lìa được nhận thức hiểu sai chấp lầm chết rồi là hết (ucchedadiṭṭhi: đoạn kiến, tri kiến chết rồi là hết); khi thấy biết rõ được sự diệt là xa lìa được nhận thức hiểu sai chấp lầm kiếp này sao kiếp sau vậy (sassatadiṭṭhi: thường kiến, tri kiến loài gì chết đi sinh lại làm loài đó, không bao giờ thay đổi, người âm, cõi âm); khi thấy biết rõ được cả sự sinh lẫn sự diệt là xa lìa được nhận thức hiểu sai chấp lầm có linh hồn trong thân thể tổng hợp 5 nhóm này (sakkāyadiṭṭhi: ngũ uẩn tà kiến; tri kiến cho rằng trong thân thể tổng hợp 5 nhóm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức này có linh hồn ‘atta: cái tôi, cái ta thường hằng bất biến’). Một khi xa lìa được những nhận thức tri kiến sai lệch (diṭṭhi: tà kiến) thì sẽ thấy biết rõ sự thật không có con người, chúng sinh nào cả, chỉ là tính chất nhân quả sinh khởi liên tục không ngừng nghỉ của các pháp kết hợp tạo tác (saṅkhāra), cho nên cũng xa lìa được sự hoài nghi (vicikicchā). Sự xa lìa được nhận thức tri kiến sai lệch (diṭṭhi: tà kiến) và hoài nghi (vicikicchā) nhân quả sinh khởi liên tục này, tuy chưa phải là sự đoạn diệt tận gốc rễ nên chưa đạt đến quả vị bậc Thánh Nhập Lưu, mặc dù vậy lại đạt đến được địa vị bậc Thiện trí phàm nhân một phần giống như bậc Thánh Nhập Lưu (Cūḷasotāpanna: bậc Tiểu Nhập Lưu).

Vì vậy, ông cận sự nam Mahādhammika là người đã có năng lực làm chủ được cuộc đời của chính mình, khi có thể muốn tái sinh vào cảnh giới tốt nào y theo mong muốn của mình cũng được cả. Chính tính chất này nên đã nói như ở trên rằng “ông ta đã có được nơi tái sinh cố định”, trong các kinh sách Pāḷi gọi là “niyatagatika: người có nơi tái sinh cố định” vậy.

 

Ông cận sự nam trong khi đang nghe pháp về bài kinh Satipaṭṭhāna đã đến thời gian sắp lâm chung, giây phút cận kề cái chết càng lúc càng gần vậy. Và theo như quy luật của thời gian sắp lâm chung, lúc gần chết sẽ có 1 trong 3 hiện tượng chắc chắn sẽ là đối tượng sinh khởi trong tâm người sắp chết, đó là: nghiệp, những việc làm trước khi chết; tướng trạng của nghiệp, những cảnh tượng, vật dụng trong khi làm, tạo nghiệp; và hình ảnh cảnh giới sẽ tái sinh vào. Lúc này, đối với ông cận sự nam chính là đối tượng hình ảnh liên quan đến cảnh giới sẽ tái sinh vào, hiện rõ trong tâm; đó là có 6 cỗ xe ngựa từ 6 tầng trời làm đối tượng hiện rõ trong tâm đến đón ông ấy.

Trong khi hạng phàm nhân thiện trí với cái thấy biết rõ mới từ chánh kiến (sammādiṭṭhi), chỉ có trí tuệ là cha, chỉ có trí tuệ là mẹ, nên khi làm việc phước thiện luôn phát nguyện vì mong muốn chứng đạt sự an lạc tịch tịnh, vắng lặng của Niết-bàn, cao thượng hơn gấp bội lần sự an lạc hạnh phúc của sinh tử luân hồi vậy. Dù họ có làm bất cứ việc phước thiện nào cũng không đưa cái tôi, cái ta vào trong việc làm ấy. Khi ấy chính “nương vào vô minh để làm cho trí tuệ (minh) sinh khởi lên”, cho nên việc làm, sự kết hợp tạo tác (saṅkhāra) ấy là để đoạn diệt vô minh (avijjā) vậy. Một khi đã làm được như vậy, thì ngay khi ấy cuộc đời của họ không còn thuận theo trong dòng nhân duyên sinh khởi nữa, mà đã đi vào trong chiều ngược dòng nhân duyên sinh khởi vậy. Khi vô minh bị đoạn diệt thì tham ái dính mắc sẽ bị đoạn diệt theo; khi tham ái bị đoạn diệt thì sự bám víu chấp thủ cũng sẽ bị đoạn diệt; khi chấp thủ bị đoạn diệt thì sự tạo tác nghiệp cũng bị đoạn diệt; khi nghiệp, tạo tác đã bị đoạn diệt thì kiếp sống, cuộc đời cũng bị đoạn diệt; cuộc đời đã bị đoạn diệt thì sự tái sinh, sự sinh khởi cũng bị đoạn diệt theo vậy. Và chính khi ấy, cuộc đời của họ chỉ có việc là đang đi trên con đường cao thượng của bậc Thánh, hướng thẳng đến nơi giải thoát khỏi sinh tử luân hồi là Niết-bàn vậy.


Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung


SUMANADEVĪ

 

SUMANADEVĪ

“Người làm việc phước thiện ngay đời này cũng luôn tươi vui hạnh phúc; kiếp sau cũng luôn được tươi vui hạnh phúc; đời này và kiếp sau cả 2 cũng luôn được tươi vui hạnh phúc.

(Nguyên nhân là vì nghĩ rằng) Trong đời này ta đã làm được nhiều phước thiện rồi, nên rất thỏa thích hạnh phúc; trong kiếp sau cũng vậy, do nhờ quả báu của thiện nghiệp đã làm trong đời hiện tại nên khi có được cuộc đời mới nơi cõi thiện giới lại càng thỏa thích hạnh phúc hơn.”

Trong thế gian này, đối với việc làm phước thiện gồm 2 phương pháp, phương pháp làm theo bên ngoài Phật giáo và phương pháp làm theo bên trong Phật giáo. Phương pháp làm phước thiện theo bên ngoài Phật giáo đó là chỉ vì mong muốn có được danh tiếng, hoặc chỉ vì mong muốn hưởng thụ sự an lạc quả báu trong thế gian. Theo như những phương pháp này thì khi làm việc phước thiện luôn bị nhận thức, tri kiến “ta”, “của ta”, “vật thuộc ta sở hữu”. Luôn luôn cố gắng trong việc phát triển thiện phước lên hơn nữa, nhưng thiện pháp càng phát triển thì sự đầy đủ về kiếp sống, đầy đủ về vật chất sở hữu càng phát triển lên thêm, do vậy khó thoát khỏi sự tham đắm dính mắc. Cho nên, nếu làm phước thiện theo phương pháp bên ngoài Phật giáo như thế này, thì khó tránh khỏi sự nguy hiểm rơi vào 4 cõi khổ. Bởi vì những thiện phước “ta”, “của ta” như vậy, không thể cứu vớt được mình khỏi 4 cõi khổ được, do sự tái sinh vô định từ năng lực của nghiệp mà mình đã tạo vậy.

Thí chủ bố thí cũng dường phước thiện “asadisa: không ai sánh được” như Hoàng hậu Mallikā nhưng đến giây phút lâm chung hướng tâm sai lệch cũng rơi vào địa ngục như thường. Hay như Đại thí chủ hộ độ kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ 3 Đại Hoàng Đế Asoka, đến giây phút lâm chung cũng do hướng tâm sai lệch, hối hận đến việc làm bất thiện trước đây nên cũng tái sinh vào loài súc sinh vậy.

Bất kỳ phước thiện nào tạo thành từ nhân duyên căn bản “atta: ta” và “attaniya: của ta”, thì đó là vì chỉ làm theo “chánh kiến về nghiệp là của riêng mình” (kammassakatā sammādiṭṭhi), nên cũng đều thuộc loại gieo trồng hạt giống 4 cõi khổ mà thôi. Cho nên, nếu làm phước thiện chỉ với cách thấy biết bấy nhiêu thôi, thì có thể đúng là ngay đời này được hoan hỷ hạnh phúc, đúng là được tươi vui thỏa thích. Tuy nhiên, trong kiếp sau thì lại có thể có được hoan hỷ hạnh phúc mà cũng có thể không được; có thể có được sự tươi vui thỏa thích mà cũng có thể không được. Những câu chuyện của Hoàng hậu Mallikā, hoặc của Đại Hoàng Đế Asoka là minh chứng cho kiếp sau không hẳn có được sự hoan hỷ hạnh phúc vậy. Do đó, trong việc làm phước thiện, chỉ với chánh kiến nghiệp là của riêng mình vì không thể trừ diệt được “atta: ta” và “attaniya: của ta”, nên chánh kiếp về nghiệp là của riêng ấy nó không phải là loại chánh kiến đáng nương nhờ, đáng tin cậy. Vì vậy cho nên chỉ gọi đó là phương pháp làm phước thiện ngoài Phật giáo mà thôi.

Phương pháp làm việc phước thiện trong Phật giáo đó là phương pháp làm việc thiện phước để làm sao cho tất cả “nghiệp” càng ngày càng mỏng dần, vơi cạn dần đi, hoặc nếu một khi có được năng lực thì có thể làm cho nghiệp chấm dứt hẳn.

Phương pháp làm việc phước thiện ấy phải được làm bởi chánh kiến thiền tuệ (vipassanā sammādiṭṭhi) vậy. Mục đích đạt đến cao thượng nhất của người con Phật đó chính là Niết-bàn. Ngay khi nói đến Niết-bàn nghĩa là nói đến thực hành để chấm dứt “sinh tử” vậy. Để chấm dứt sinh tử thì phải cắt đứt “nghiệp”; mà để cắt đứt được nghiệp thì lại phải tiêu trừ chấp thủ nắm giữ; để tiêu trừ được chấp thủ thì lại phải đoạn diệt vô minh và tham ái. Do đó trong việc làm cho sự đoạn diệt tiến lên từng bậc từng bậc như vậy, chính là sự trừ diệt tất cả những cái ta, cái của ta luôn muốn nắm giữ, sở hữu mọi điều. Và để trừ diệt được điều đó theo như sự thấy biết trong Phật giáo thì không thể không có chánh kiến thiền tuệ vậy.

Đúng thật ra, “chánh kiến thiền tuệ” là pháp đặc biệt, cao thượng mới được thấy biết kể từ sau khi đức Phật chứng đạt quả vị Toàn Giác dưới cội cây Bồ Đề; trong khi “chánh kiến có nghiệp là của riêng” thì đã được thấy biết từ lâu dù đức Phật có xuất hiện hay không xuất hiện trên thế gian này. Vì thế cho nên, những người làm việc phước thiện với chánh kiến nghiệp là của riêng quả đúng là có được sự tươi vui, có được sự hoan hỷ hạnh phúc; tuy nhiên, trong kiếp tiếp theo sau có thể có được sự tươi vui, hoan hỷ hạnh phúc mà cũng có thể không có được những điều ấy, không có gì chắc chắn cả. Trong khi đó những người làm việc phước thiện với chánh kiến thiền tuệ thì không những chỉ trong đời này được tươi vui, hoan hỷ hạnh phúc, mà còn kiếp tiếp theo sau cũng chắc chắn được sự tươi vui, hoan hỷ hạnh phúc vậy. Trong kiếp sau sẽ có được sự hoan hỷ, an lạc hạnh phúc không thể nghĩ bàn được.

Do đó, để chỉ dạy rõ “không nên chỉ với chánh kiến có nghiệp là của riêng, rồi hài lòng nơi việc làm phước thiện trong kiếp sau không chắc chắn có được sự hoan hỷ an lạc, mà nên với chánh kiến thiền tuệ, rồi làm những phước thiện trong kiếp sau chắc chắn có được sự hoan hỷ an lạc”, cho nên đức Phật đã thuyết giảng bài kệ này vậy.

Theo như bài pháp được thuyết giảng này, chúng ta hiểu biết rõ rằng chánh kiến nghiệp là của riêng không thể đoạn diệt được “atta: ta, linh hồn” và “attaniya: của ta”; mà chỉ do chính từ chánh kiến thiền tuệ mới có năng lực làm cho “atta: ta, linh hồn” và “attaniya: của ta” vơi cạn dần, vơi cạn dần rồi cuối cùng đạt đến quả vị siêu thế gian, đoạn diệt được tận gốc rễ của chúng. Điều chính yếu muốn nói ở đây là theo giáo pháp của đức Phật, chỉ khi đoạn diệt được “atta: ta” thì mới chứng đạt được Niết-bàn vậy.


Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung


TRƯỞNG LÃO NANDA

 

TRƯỞNG LÃO NANDA

Thật ra, Trưởng lão Nanda là vị chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán là do quán chiếu được sự thật vô ngã nơi danh pháp-sắc pháp, bởi có tham dục làm năng lực hỗ trợ nhân duyên lớn lao từ chính cửa vào của tham dục say đắm ấy mà thôi. Do vậy, liên quan đến Trưởng lão Nanda, đức Phật đã thuyết giảng 2 bài kệ như sau:

(Nghĩa của 2 bài kệ)

“Ví như một khi mái nhà không được lợp một cách cẩn thận kín đáo, thì nước mưa có thể thấm dột vào bên trong một cách dễ dàng như thế nào; cũng như vậy, một khi tâm không được quán chiếu bởi thiền tuệ (vipassanā), thì tham dục có thể xâm nhập vào một cách dễ dàng như thế ấy.”

“Và ngược lại, ví như một khi mái nhà được lợp một cách cẩn thận kín đáo, thì nước mưa không thể thấm dột vào bên trong được như thế nào; cũng như vậy, một khi tâm được quán chiếu tốt bởi thiền tuệ (vipassanā), thì tham dục không thể xâm nhập vào bên trong được như thế ấy.” 

Theo như ngôn ngữ phổ thông ở đời thì gọi là “loka: thế giới”; theo như ngôn ngữ thuyết giảng thì gọi là “paṭiccasamuppāda: nương vào sinh khởi (nhân duyên sinh khởi)”; theo như ngôn ngữ Vi diệu pháp tạng thì gọi là “nāmarūpa: danh-sắc”; theo như ngôn ngữ thiền tuệ thì gọi là “upādānakkhandha: 5 nhóm tổng hợp chấp thủ, bám víu của tham ái và tà kiến”; những pháp này nó đến từ cả bên ngoài và từ chính ngay cả bên trong. Từ đâu đến thì đến, muốn đến sao thì đến, điều chính yếu là phải ghi nhận, không để chúng thoát khỏi với sự để ý, chánh niệm biết được là chúng đang đến mỗi khi chúng (các pháp ấy) đến vậy thôi. Do từ sự để ý, chánh niệm như vậy sẽ thấy biết rõ trạng thái sinh diệt nhanh chóng của các tính chất thuộc loại tốt, xấu hoặc không tốt không xấu; luôn ghi nhận, chánh niệm chúng như vậy cho đến khi trí tuệ Thánh đạo phát sinh lên. Khi tính chất tốt sinh khởi lên thì đó là sukhavedanā: thọ lạc; khi tính chất xấu sinh khởi lên thì đó là dukkhavedanā: thọ khổ; khi tính chất không tốt không xấu sinh khởi lên thì đó là “upekkhā: thọ xả”. Khi cảm thọ sinh khởi lên mà không diệt được thì tham ái sẽ xâm nhập vào; tham ái có cơ hội sinh khởi thì sẽ tác thành nghiệp (hành động tạo tác); khi đã tạo ra nghiệp thì chắc chắn sẽ phát sinh lên kiếp sống (cuộc đời). Trưởng lão Nanda là bậc cắt đứt (dứt bỏ, đoạn diệt) kiếp sống (cuộc đời). Nếu muốn đoạn diệt kiếp sống thì phải đoạn diệt nghiệp (hành động tạo tác). Một khi muốn đoạn diệt nghiệp, thì lại phải đoạn diệt cho được tham ái. Khi muốn đoạn diệt tham ái thì phải để ý, chánh niệm nơi bất cứ đối tượng danh pháp, sắc pháp phát sinh lên bên trong mình làm cho trí tuệ Thánh đạo phát sinh lên để cắt đứt cảm thọ (thấy chúng sinh-diệt liên tục), mới diệt tham ái ấy được.

Trưởng lão Nanda vì là bậc nương vào năng lực mãnh liệt nơi tham dục, với trí tuệ thiền tuệ quán chiếu 5 nhóm tổng hợp chấp thủ, cho đến khi chứng đạt được Á-rá-hán Thánh Đạo và Á-rá-hán Thánh Quả; cho nên tất cả những đối tượng danh-sắc sinh khởi hiện rõ ở bên trong của Trưởng lão, đã được quán chiếu không để cho cảm thọ hiện rõ, mà làm cho trí tuệ Thánh Đạo phát sinh, nên đoạn diệt được tham ái; Trưởng lão là người đã đến được đất nước an lạc vắng lặng (santisukha), khi cố gắng vượt thoát ra khỏi từ trong vòng xoáy lôi kéo của cuộc đời (bhava: kiếp sống) vậy. Do đó, Trưởng lão Nanda là bậc có được đức hạnh “đặc biệt xuất sắc nhất về năng lực thu thúc giữ gìn các pháp chủ (indriya: các căn)” trong hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của đức Phật.

Chúng ta không phải là những người có pāramī già dặn như Trưởng lão Nanda; mặc dù vậy, chúng ta lại là những người muốn đến được đất nước an lạc vắng lặng (santisukha). Do đó, chúng ta từ nơi đứng là vòng xoáy cuộc đời của chính mình, như đang ở giữa trung tâm của cái cầu thang xoắn ấy, để thoát khỏi được năng lực của sự kéo xoay đó, chúng ta cần phải bước lên đi về phía trên của cầu thang xoắn ấy; chỉ có đi lên đến trên như vậy mới hy vọng nhảy thoát khỏi được; còn như bước xuống đi về phía dưới thì không thể nhảy thoát khỏi được. Vậy chúng ta phải làm gì để bước lên phía trên?

Muốn bước lên phía trên, hãy y cứ theo những gì đức Phật đã thuyết giảng, trước tiên chúng ta phải cố gắng cho trở nên giàu có, nhiều của cải tài sản. Phương pháp cố gắng để trở nên giàu có, nhiều của cải tài sản đó chính là bố thí, làm từ thiện (dāna) vậy. Bố thí nghĩa là có tính chất không tham lam; đã là có tính chất không tham lam thì điều đương nhiên theo một cách thức, phương pháp nào đó, chắc chắn là nó sẽ diệt được tham lam. Tuy nhiên, để cho cái tham lam mới, không còn có cơ hội sinh khởi lên lại thì cần phải có tâm không mong cầu bất cứ một quả báu lợi ích nào nữa mới được. Bởi nếu một khi còn mong cầu thì không những không đoạn diệt được tham lam, mà còn làm cho một cái tham lam mới phát triển lên thêm nữa vậy. Sự đoạn diệt sạch tham lam (lobha) gọi là Niết-bàn vậy; chỉ cần đoạn diệt một ít cũng có thể gọi là Niết-bàn cả thôi. Cũng đừng nên than vãn rằng không có gì sao bố thí được. Hãy cố gắng hết mình để tìm kiếm “vật bố thí” bằng nhiều nghề nghiệp hợp pháp, chánh nghiệp, bởi vì nếu không có không tham lam thì làm sao đoạn diệt tham lam được.

Điều thứ nhì là phải làm sao cho có sức khỏe; để có được sức khỏe, cách thức làm đó chính là giữ gìn giới hạnh (sīla). Chỉ khi có giới hạnh thì phẩm chất đạo đức mới tốt đẹp, cũng như mới có sức khỏe được. Giới nghĩa là có tính chất không sân hận. Trong chuyện tiền thân Mahādhammapāla, chương Dasakanipāta, có dẫn chứng câu chuyện để chứng minh những người tránh xa các tập quán, hành động xấu ác; thực hành các tập quán, hành động thiện tốt sẽ có sức khỏe và sống lâu. Vì vậy nếu muốn có sức khỏe, muốn có phẩm giá, đạo đức tốt thì phải giữ gìn giới hạnh. Bởi thật ra, khi có sức khỏe rồi, thì mới có thể cố gắng trong mọi công việc được. Ngoài ra, giới hạnh, không sân hận còn có thể đoạn diệt được sân hận nữa. Nếu một khi có liên quan đến con người chúng sinh thì không sân hận sẽ làm phận sự của tâm từ đối với thế giới chế định bên ngoài.

Điều thứ ba là cần phải biết phân biệt rõ đúng-sai, tốt-xấu, chánh-tà. Để có thể phân biệt rõ được đúng-sai thì cần phải phát triển thực hành thiền (bhāvanā). Thực hành thiền nghĩa là phát triển trí tuệ (amoha). Năng lực thực hành thiền có khả năng đưa đến được pháp xuất thế gian. Trong những vấn đề quan trọng của thế gian cũng vậy, nếu không có tính chất trí tuệ tham gia vào, thì với lý do là vì nguyên nhân “họ đã từng có ơn”, nên mặc dù khi biết được việc làm của họ không hợp pháp, không tốt đẹp, nhưng lại tham gia giúp đỡ, hỗ trợ họ việc làm ấy. Khi làm như vậy lại rất tự hào gọi là “điều hạnh phúc cao thượng nhớ ơn và biết cách báo ơn”; thực chất đó là điều bất hạnh mà thôi. Một khi không có thực hành thiền nghĩa là không có trí tuệ, nên có thể vì lợi ích phát triển cho mình mà làm điều không hợp pháp, không tốt; cũng có thể phạm vào 4 điều thiên vị (thiên vị vì yêu, thiên vị vì ghét, thiên vị vì sợ, thiên vị vì ngu si). Mỗi khi có cơ hội thì dù là hợp pháp hay phi pháp không cách này cũng cách khác, tìm cách để nhận, lấy (hối lộ, thụ hưởng) cho bằng được.

Do đó cho nên, theo như giáo pháp của đức Phật, nếu quả đúng là người muốn đi đến đất nước an lạc vắng lặng (santisukha), với những hành trang không tham lam (bố thí), không sân hận (giới hạnh), không si mê (thiền tuệ), rồi từ chỗ đang đứng ở giữa cầu thang xoắn (cuộc đời hiện tại), hãy bước lên phía trên, phải thật sự cố gắng không ngừng, hướng thẳng về đất nước nước an lạc vắng lặng ấy. Tiếp theo, sẽ từ từ để thoát khỏi hoàn toàn năng lực lôi kéo của kiếp sống; ngoài ra không thể còn có một con đường nào khác để đến được với đất nước an lạc vắng lặng nữa cả.

Thể theo bản tính của chính mình có sở thích ở pháp kết hợp tạo tác nào thì nương vào năng lực mạnh mẽ ấy rồi với tính chất làm đối tượng quán chiếu, ngay hiện tại dù bất cứ gì sinh khởi, hiện lên rõ vào đến bên trong tâm của mình; dùng các năng lực trong cùng hội nhân duyên giác ngộ như chánh niệm khắng khít, sự cố gắng liên tục không ngừng nghỉ, v.v… làm cho 8 nhân Thánh đạo đồng sinh cùng nhau, khi ấy đó chính là nguyên nhân đến được với đất nước an lạc vắng lặng (santisukha); như câu chuyện mà chính tự đức Phật thuyết giảng dạy về Trưởng lão Nanda này vậy. Điều quan trọng và cần thiết nhất đó là phải có tâm mong muốn, không đứng lại chính giữa của cầu thang xoắn, mà luôn cố gắng không ngừng đi lên phía trên, thoát khỏi lực lôi kéo của cuộc đời này vậy.

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung


TRƯỞNG LÃO CITTAHATTHA

 

TRƯỞNG LÃO CITTAHATTHA

Sự có được do mong muốn đó chính là yêu thích những vật hiện hữu (kāmataṅhā). Sự cất giữ, sở hữu sau khi có được gọi là: yêu thích sở hữu (bhavataṅhā). Sự nhàm chán muốn từ bỏ gọi là yêu thích khi từ bỏ được (vibhavataṅhā). Tham ái quả là giống như vòng quay của cỗ máy vậy. Tham muốn rồi sở hữu, sở hữu rồi nhàm chán (cái cũ), nhàm chán rồi lại tham muốn có (cái mới)… không khi nào kết thúc hay cùng tận vậy.

Trưởng lão Cittahaṭṭha quả đúng thật là người chạy theo tham muốn của tâm. Tuy nhiên, vị ấy lại không biết chính mình là người đang sống như vậy. Sự không biết ấy là do chưa có trí tuệ “thấy biết như thật” (yathābhūta: có sao biết như vậy), nên không biết ra được điều đó. Bởi thật ra, sự đạt được trí tuệ thấy biết như thật, đó là bắt đầu của sự đạt được trí tuệ thấy biết đúng sự thật. Nói theo tính chất của pháp, của tự nhiên, thì các trí tuệ sẽ đến, sẽ phát sinh tuần tự là trí tuệ thấy biết như thật (yathābhūta: có sao thấy biết vậy); rồi đến trí tuệ nhàm chán (nibbidā: ngán ngẩm); đến trí tuệ xa lìa ái dục (virāga: viễn ly tham ái). Một khi thấy biết đúng như thật thì sẽ nhàm chán. Một khi đã nhàm chán thì không còn tham muốn, ái luyến nữa. Sự không còn tham muốn, ái luyến nghĩa là đã chứng đắc được trí tuệ Thánh đạo. Do đó, đối với người đã có được trí tuệ thấy biết như thật, thì đối tượng nào đến thì đến, muốn đến cứ đến, không sao cả. Tất cả đều có thể quán chiếu để đem lại lợi ích với sự hiểu biết điều hướng tâm một cách chân thực (yoniso-manasi-kāra: điều hướng tâm đúng theo sự thật). Dù khi bất thiện đến cũng thấy biết rõ đúng là bất thiện; hoặc khi thiện đến cũng thấy biết rõ đúng là thiện. Không nghĩ rằng bất thiện là thiện; cũng không nghĩ rằng thiện là bất thiện. Khi sinh khởi chỉ biết rằng sinh khởi; và khi có (thật) cũng chỉ biết rằng có (thật). Sự thấy biết rõ như vậy gọi là trí tuệ thấy biết rõ đúng như thật (yathābhūtañāṇa: có sao biết vậy).

Trưởng lão Cittahaṭṭha sau khi hoàn tục lần thứ sáu, đã trở lại là một người nông dân làm công việc gần khu rừng. Công việc thì lại quá ư vất vả cực nhọc. Vì vậy, ông ta muốn xuất gia Tỳ khưu trở lại. Và để chuẩn bị chu đáo mỗi khi xuất gia Tỳ khưu, ông ta đã cất giữ sẵn những bộ y ở trong nhà. Trong một ngày kia, tâm ông ta lại nghĩ đến việc mặc y xuất gia Tỳ khưu. Do đó, ông ta từ thửa ruộng gần rừng đã vác cày đem về nhà cất giữ, rồi đi vào trong nhà để lấy y bát. Khi vào đến phòng ngủ, nhìn thấy người vợ đang mang thai, nằm ngủ say sưa một cách xấu xí, đáng ghê tởm, Cittahaṭṭha có được đề mục “quán tưởng tử thi” (asubha-saññā) trong đối tượng là người vợ của ông ta. Sau đó, có được đề mục “quán tưởng vô thường” (aniccasaññā) của đối tượng thân thể tổng hợp khandha. Chính ngay lúc ấy, ông ta đã đi thẳng đến chùa để xuất gia Tỳ khưu. Ở trong căn nhà sát bên, người mẹ vợ nhìn thấy hành động của con rể, nên đã sang nhà của con gái để xem xét tình hình. Và khi nhìn thấy cảnh tượng của con gái đang nằm ngủ, người mẹ ấy đã hiểu ra được quyết định của chàng rể mình. Người con rể đã từng nhiều lần xuất gia Tỳ khưu, trước đây lần nào cũng thưa chuyện rõ ràng với bà rồi mới đi. Nhưng trong lần này, người con rể không hề nói gì, mà cậu ta tự chính mình quyết định với mình, rồi bỏ đi xuất gia Tỳ khưu. Người con rể hình như đã quá nhàm chán, ngán ngẩm cuộc sống tại gia thật rồi. Vì vậy, người mẹ đã rất lo lắng thay cho con gái của mình. Người mẹ đã đánh thức con gái dậy và tường thuật rõ mọi chuyện, nhưng người con gái không giống như người mẹ; đã không tỏ ra một chút lo lắng nào, lại còn bảo với mẹ: “Mẹ đừng lo lắng gì cho mệt, không được bao lâu ông ta lại trở về như xưa”.

Cittahaṭṭha lần này đã thật sự có được sự rúng động tâm can, kinh hãi cuộc đời. Trong khi đang đi trên đường ông ta đã quán xét về sự quán tưởng tử thi (bất tịnh) của thân thể tổng hợp khandha. Và khi ấy, cũng đã quan sát, quán xét về tính chất vô thường, tính chất khổ, tính chất vô ngã của thân thể tổng hợp khandha. Chính ngay lúc đang còn trên đường đi, chưa đến chùa, thì Cittahaṭṭha đã chứng đạt thành bậc Thánh Nhập Lưu. Sự chứng ngộ được pháp đặc biệt cao thượng quả thật không cần phải có thời gian lâu dài gì!

Cittahaṭṭha đã đến thời gian pāramī chín muồi. Đó chính là khi đến thời ra nụ, sẽ cho ra nụ; khi đến thời nở hoa, sẽ nở hoa. Đối với Cittahaṭṭha đã đến thời gian nở hoa sự thật của bậc Thánh. Trong việc chuyển hóa từ hạng thuộc số lượng qua hạng thuộc năng lực, chất lượng; thì theo đó hạng thuộc số lượng, phải làm sao cho có đầy đủ các yếu tố điều kiện mang tính chất nguyên nhân có năng lực để trở nên chất lượng. Những yếu tố điều kiện mang tính chất nguyên nhân (những tác nhân) hạng thuộc số lượng cần làm cho được đầy đủ, đó là những gì thích nghi phù hợp (sappāya) đối với chính mình, khi có được tác nhân điều kiện cuối cùng ấy, là đã có thể đạt đến hạng thuộc năng lực, chất lượng. Tác nhân thích nghi phù hợp cuối cùng để đưa đến thay đổi ấy, gọi là “thấy biết lại một cách đặc biệt hơn” (paccabhiññāṇa: nhận biết ra, giác ngộ sự thật”. Đối với Cittahaṭṭha để từ hạng phàm nhân đạt đến hạng Thánh nhân, với pháp làm điều kiện, nguyên nhân (tác nhân) thích nghi phù hợp cuối cùng (paccabhiññāṇa) không gì khác, đó chính là đối tượng người vợ mang thai đang ngủ mê mệt với tư thế xấu xí, đáng ghê tởm. Theo như trong bộ Paṭṭhāna, phần Upanissayapaccaya (nhân duyên nương nhờ lớn), những tác nhân thích nghi phù hợp để đưa đến sự chuyển hóa, giác ngộ cũng có thể là con người; hoặc cũng có thể là thời tiết; hoặc cũng có thể là vật thực; hoặc cũng có thể là nơi chốn, trú xứ. Cittahaṭṭha có được tác nhân để có thể làm cho pāramī của mình trở nên thích nghi phù hợp cho sự giác ngộ, đó chính là người vợ mang thai đang nằm ngủ mê mệt ấy.

Giờ đây, Cittahaṭṭha đã trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu. Khi ông ta xin phép được xuất gia Tỳ khưu, các vị Tỳ khưu khác chế nhạo rằng: “đầu của ông chẳng khác nào viên đá mài dao”, rồi xuất gia Tỳ khưu cho ông ta. Tỳ khưu Cittahaṭṭha khi tiếp tục quan sát, quán xét sinh-diệt của thân thể tổng hợp khandha, chỉ với trong thời gian 2, 3 ngày là đã chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán với đầy đủ 4 tuệ phân tích (catu-paṭisambhidā).

Dù bị chư Tỳ khưu chất vấn: “lần này sao ông xuất gia Tỳ khưu lâu vậy?” nhưng Trưởng lão Cittahaṭṭha đã không trả lời trực tiếp rằng mình đã trở thành bậc Thánh Á-rá-hán. Bởi vì, đã là một bậc Thánh Á-rá-hán, thì không bao giờ nói cho người khác biết mình là một bậc Thánh Á-rá-hán. Chính điều này gọi là “appiccha”. Appiccha có nghĩa là không muốn hoặc muốn ít, (Hán dịch: thiểu dục). Trưởng lão Cittahaṭṭha đã thưa trình, trả lời đến các vị Tỳ khưu như sau:

Thưa quý huynh đệ! Khi tâm của tôi còn mong muốn các mối liên hệ kết giao nên đã quay trở lại nhà. Sự mong muốn các mối liên hệ kết giao đó tôi đã cắt đứt, nên nay tôi đã đạt được tính chất của sự không trở về nhà.

Nghe vậy, các vị Tỳ khưu đã gọi Trưởng lão Cittahaṭṭha cùng đi đến diện kiến đức Phật và trình bạch lên Ngài:

Kính bạch Đức Thế Tôn! Trưởng lão Cittahaṭṭha đã trả lời câu hỏi của chúng con như vậy, như vậy bạch Ngài. Trả lời như mình là một bậc Thánh Á-rá-hán, đó là lời nói khoe khoang không chân thật, bạch Ngài.

Sau khi dạy bảo phán xét Trưởng lão Cittahaṭṭha là người nói lời chân thật, Đức Phật đã thuyết giảng bài kệ pháp bảo sau:

(Nghĩa của bài kệ)

“Đối với người không có tâm trụ vững (định), không có pháp của bậc Thiện trí (giới), không có đức tin chắc chắn, thì trí tuệ (tuệ) không tròn đủ được. Đối với bậc Thánh Á-rá-hán không có tham ái; không có sân hận; đã diệt được cả 2 nghiệp: thiện và bất thiện; đã có các năng lực như: đức tin… gồm cả 5 thành phần làm chủ (indriya) luôn luôn tỉnh thức, nên không còn có nguy hiểm do phiền não ô nhiễm nữa.”

Để có được trí tuệ thấy biết rõ sự thật của bậc Thánh, thì cần phải thấy biết rõ đúng theo sự thật sinh-diệt của thân thể tổng hợp khandha. Và để có thể thấy biết rõ đúng sự thật sinh-diệt của thân thể tổng hợp khandha, thì cũng cần một con mắt đủ năng lực có thể thấy rõ mới được. Con mắt đủ năng lực có thể thấy biết rõ, đó chính là có được định tâm (thiền định). Chính sự có được định tâm này mà trong các kinh sách thường hay gọi một cách ẩn dụ là “con mắt mới đã phát sinh lên” (cakkhuṃ udapādi). Bởi thật ra, với con mắt thịt bình thường của chúng ta, thì không thể thấy tâm tính-sắc thân (nāma-rūpa) được; chỉ duy nhất với con mắt trí tuệ mới có thể thấy biết rõ được tâm tính-sắc thân. Vì vậy, một khi quan sát, quán xét thực hành pháp thiền vipassanā, để thấy biết được tâm tính và sắc thân, thì điều trước tiên là cần phải làm sao cho có được con mắt trí tuệ. Con mắt trí tuệ đó chính là năng lực tốt của định tâm. Điều này gọi là định thanh tịnh (cittavisuddhi), hoặc gọi là định an trụ (avaṭṭhitacitta: tâm trụ vững). Tâm có trụ vững, mới có được trí tuệ thấy biết. Có được trí tuệ thấy biết, mới có thể quan sát, quán chiếu thấy biết rõ tâm tính-sắc thân. Một khi có thể quan sát, quán xét thấy biết rõ tâm tính-sắc thân, thì mới thấy biết rõ được sinh-diệt của chúng. Chỉ khi thấy biết rõ được sinh-diệt của tâm tính-sắc thân (nāma-rūpa), mới thấy biết rõ nơi không có sinh-diệt là Niết-bàn. Sự thấy biết rõ Niết-bàn chính là trí tuệ tròn đủ. Cho nên, cần phải làm cho trí tuệ tròn đủ mới có khả năng quan sát, quán xét để thấy biết rõ Niết-bàn. Để trí tuệ tròn đủ, thì cần phải có định tâm đầy đủ. Và để định tâm đầy đủ, thì cần phải có giới hạnh đầy đủ.

Do đó, điều trước hết là cần phải làm cho giới hạnh tròn đủ. Sau khi giới hạnh tròn đủ, thì thực hành làm cho định tâm được tròn đủ. Trong việc thực hành làm cho định tâm được tròn đủ, điều thiết yếu là cần phải có đức tin (saddhā) vững chắc. Nếu mình không đặt niềm tin vào công việc pháp hành của chính mình, thì khó có được định tâm. Nếu không có được định tâm, thì khó có được trí tuệ tròn đủ. Khi trí tuệ không tròn đủ, thì không thấy biết rõ tâm tính và sắc thân; không thấy biết rõ sinh-diệt của tâm tính-sắc thân; và cũng không thấy biết rõ được Niết-bàn, nơi đoạn tận hoàn toàn sự sinh-diệt của tâm tính-sắc thân. Khi ấy, thì chỉ có sự nguy hiểm, tai hại của phiền não ô nhiễm càng phát triển dày dặn hơn mà thôi. Một khi không thể thấy biết rõ tâm tính và sắc thân đúng sự thật chỉ là tâm tính và sắc thân, mà lại thấy biết sai lệch là nhân vật, là chúng sinh, thì cũng là lúc sự nguy hiểm, tai hại do phiền não ô nhiễm xâm nhập vào. 

Có 6 cửa (dvāra) là nơi gặp gỡ, tiếp xúc của chủ thể tiếp nhận đối tượng (ārammaṇika) và đối tượng (ārammaṇa) của nó. Trong 6 cửa ấy, đối tượng sẽ hiện rõ lên trong đó. Có các pháp āsava luôn luôn đứng sẵn vây quanh 6 cửa ấy. (“Āsava”: có rất nhiều nghĩa; nghĩa chính yếu ở đây là những yếu tố tự nhiên sinh khởi lên, chảy rỉ (lậu) ra từ 6 cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (tâm, thức). Hán dịch: “lậu hoặc”; gồm có “kāma: tham muốn hưởng thụ”; “bhava: tham muốn sở hữu”; “diṭṭhi: tri kiến sai lệch”; “avijjā: vô minh”). Vì vậy, mỗi khi các đối tượng hiện rõ vào trong các cửa tương ứng, chúng phải đi ngang qua các pháp āsava. Ngay khi đi ngang các pháp āsava, thì cũng là lúc mỗi mỗi đối tượng ấy, do bị năng lực lừa dối (māyā) của chúng chi phối, nên dù các đối tượng ấy không phải là nhân vật, chúng sinh, sự vật… nhưng lại thay đổi thành hình dáng nhân vật, chúng sinh, sự vật… Những đối tượng ấy không phải là loài hữu tình (có sinh mạng), nhưng lại thay đổi thành hình dáng của loài hữu tình (có sinh mạng). Tâm nhận biết là chủ thể tiếp nhận đối tượng (ārammaṇika) cũng vậy, khi đi ngang qua các pháp āsava, thì liền ngay lập tức do bị năng lực lừa dối (māyā) của chúng chi phối, nên dù chỉ có tâm nhận biết nhưng không gọi đúng là “tâm nhận biết”, mà đã nhồi nhét “cái ta” (atta: linh hồn thường hằng) vào trong tâm, rồi nhận rằng “ta biết”. Chỉ có thọ (vedanā) tiếp nhận cảm giác, nhưng không gọi là thọ tiếp nhận cảm giác, mà đã nhồi nhét “cái ta” (atta) vào trong đó, rồi nhận rằng “ta hưởng thụ cảm giác”. Do đó, khi có “ta: atta” xâm nhập vào; nếu là đối tượng ưa thích, thì tham ái (rāga) bám víu xâm nhập vào; còn nếu là đối tượng không ưa thích, thì sân hận (dosa) xâm nhập vào. Những điều này chính là những phiền não kẻ thù.

Để khiến cho những kẻ thù phiền não không thể xâm nhập vào được, thì cần phải nỗ lực tinh tấn làm cho tiêu tan hết các pháp āsava. Một khi các pháp āsava bị tiêu tan hết, thì đối tượng và tâm, chủ thể tiếp nhận đối tượng, không cần phải đi ngang qua chúng nữa, mà chỉ hiện rõ lên tính chất như thật (pakati) của chính mình, khi hiển hiện rõ ràng qua các cửa tương xứng tùy theo mỗi đối tượng và chủ thể nhận biết. Nghĩa là đối tượng tâm tính-sắc thân sẽ hiển hiện rõ ràng theo chính nó là đối tượng tâm tính-sắc thân; chứ không hiển hiện lên trở thành theo hình dáng nhân vật, chúng sinh, sự vật nữa. Và những tâm nhận biết là chủ thể tiếp nhận đối tượng (ārammaṇika) cũng vậy, nó chỉ biết với vai trò là “tâm biết”; chứ không phải biết với vai trò “tâm ta biết”. Khi ấy tham muốn dính mắc (rāga) cũng không cần phải sinh khởi lên làm gì; sân hận cũng không cần phải sinh khởi lên làm gì; hay bất cứ một phiền não ô nhiễm nào cũng không cần phải sinh khởi lên làm gì. Sự cố gắng làm cho các phiền não āsava tiêu tan hết, có nghĩa là phải làm cho có giới hạnh tròn đủ, định tâm tròn đủ, trí tuệ tròn đủ. Trong sự cố gắng thực hành làm cho tròn đủ theo tuần tự từng cấp độ như vậy, thì phải đặt để điều động 5 thành phần có năng lực làm chủ (indriya), sao cho quân bình đồng đều với nhau. Phải cố gắng thực hành để cho từng đôi đức tin và trí tuệ, tinh tấn và định tâm, tròn đủ đồng đều nhau. Trong khi đó chánh niệm (sati), sự chú ý, cần phải được xem trọng và làm cho đầy đủ mọi lúc mọi nơi, không để cho bị gián đoạn dù chỉ chốc lát nào. Khi ấy sẽ thấy biết rõ tâm tính-sắc thân; sẽ thấy biết rõ sinh-diệt của tâm tính-sắc thân; sẽ nhàm chán trong sự sinh-diệt của tâm tính-sắc thân; sẽ thấy biết rõ nơi đoạn diệt hoàn toàn sự sinh-diệt của tâm tính-sắc thân là Niết-bàn. Đây là khi đã hết sạch các pháp āsava (thành phần khiến cho trôi lăn, thấm dột, chảy rỉ trong sinh tử luân hồi). Vị ấy được gọi là Bậc “hết sạch các pháp āsava” (khīṇāsava).

Trưởng lão Cittahaṭṭha là vị đã thực hành làm cho hết sạch các pháp āsava, trở thành một bậc Khīṇāsava; vì vậy là bậc không còn bị nguy hiểm tai hại do phiền não ô nhiễm. Cho nên, đức Phật mới thuyết dạy rằng Trưởng lão không phải là người còn có thể hoàn tục.

Và kể từ khi ấy, các vị Tỳ khưu mới biết được rằng “Trưởng lão Cittahaṭṭha đã trở thành một bậc Thánh Á-rá-hán”. Bài pháp bảo này đem lại rất nhiều lợi ích cho hội chúng nghe pháp. Pāramī quả thật rất vi tế, bởi vì không thể đoán biết hay quyết định được rằng: chính mình, hoặc những người khác là những người không thể có được pāramī (phước duyên) để chứng đắc được trí tuệ sự thật chân lý của bậc Thánh.

Trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, trong ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, hằng ngày đều có lễ hội thuyết giảng pháp bảo (pháp hội). Đến với lễ hội pháp bảo (pháp hội) ấy có cả hội chúng Tỳ khưu xuất gia và hội chúng người tại gia cùng tham dự để nghe pháp. Cứ mỗi lần nghe được những pháp bảo đức Phật thuyết, thì tùy theo pāramī của mình mà ai cũng đều tự chính mình thọ hưởng pháp vị cả.

Trong một pháp hội nọ, các vị Tỳ khưu đã bàn tán về những vấn đề “tâm rúng động” (saṃvega) liên quan đến Trưởng lão Cittahaṭṭha. “Trưởng lão Cittahaṭṭha là vị có thể làm cho các vị Tỳ khưu sống trong ngôi chùa Jetavana phát sinh sự rúng động, kinh hãi. Bởi Trưởng lão là vị đã xuất gia Tỳ khưu rồi lại hoàn tục đến 6 lần. Nhưng chỉ trong lần thứ 7 xuất gia Tỳ khưu lại chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán với đầy đủ 4 loại trí tuệ phân tích. Đối với một vị có pāramī già dặn như thế này mà phiền não vẫn có thể làm cho lay động, đe dọa khiếp sợ được. Năng lực phiền não (kilesa) quả thật là quá sắc bén! Phiền não là điều thật sự đáng kinh hãi!” Trong pháp hội hôm ấy các vị Tỳ khưu đã nói lên những lời rúng động như vậy.

Trong hội chúng Tỳ khưu tham dự pháp hội ấy, cũng có những vị Tỳ khưu phàm nhân cao quý là những bậc có giới hạnh tròn đủ. Khi chưa chứng kiến những sự kiện xảy ra của Trưởng lão Cittahaṭṭha, những vị Tỳ khưu phàm nhân cao quý ấy họ rất tự tin vào giới hạnh của họ. Họ rất tự hào ỷ lại (nương tựa, dựa dẫm) vào giới hạnh của họ. Họ rất tự tin vào định tâm của họ. Họ rất tự hào ỷ lại (nương tựa, dựa dẫm) vào định tâm của họ. Họ rất tự tin vào trí tuệ của họ. Họ rất tự hào ỷ lại (nương tựa, dựa dẫm) vào trí tuệ của họ. Họ không biết đúng sự thật về năng lực sức mạnh của phiền não. Vì vậy, họ đã xem thường phiền não. Họ còn nghĩ rằng, các phiền não không thể nào có được khả năng làm lay động, đe dọa đến giới hạnh, định tâm, trí tuệ của họ.

Bây giờ họ đã tận mắt chứng kiến cuộc đời Trưởng lão Cittahaṭṭha. Đã phải 6 lần hoàn tục sau khi xuất gia Tỳ khưu. Chính những vị Tỳ khưu thân thiết với Trưởng lão Cittahaṭṭha cũng đã từng nhìn nhận Trưởng lão là “người chẳng ra gì”. Thậm chí ngay đến cả người vợ trước đây của Trưởng lão cũng không coi trọng sự xuất gia Tỳ khưu của Trưởng lão. Vì vậy, mà ngay đến cả lần sau cùng Trưởng lão đi xuất gia Tỳ khưu, cô ta cũng còn nói với mẹ của mình câu mỉa mai rằng “Ối chà! Không lâu lại quay trở về thôi mẹ ơi!”. Dưới con mắt của mọi người, thì sự xuất gia Tỳ khưu của Trưởng lão luôn bị coi thường, chỉ là trò cười. Thật đáng xấu hổ biết nhường nào! Thật ra, Trưởng lão Cittahaṭṭha ngay kiếp hiện tại này sẽ chứng đắc trực tiếp Á-rá-hán Thánh quả, là một bậc có “kiếp sống cuối cùng” (pacchima-bhavika). Mặc dù vậy, những phiền não vẫn còn có thể khiến cho vị ấy phải chịu xấu hổ. Trong khi những hạng phàm nhân như bao người, thì dù có giữ gìn giới hạnh bao nhiêu đi nữa; dù có thực hành định tâm bao nhiêu đi nữa; dù có phát triển trí tuệ bao nhiêu đi nữa; nhưng một khi các phiền não có được cơ hội từ chúng ta, chắc chắn rằng chúng sẽ khiến chúng ta phải chịu xấu hổ giữa cuộc đời, giữa thế gian; chắc chắn sẽ làm mất điều lợi ích tốt đẹp. Chư vị Tỳ khưu đã hiểu rõ tính chất này như vậy.

Theo như bài kệ pháp bảo này, thì năng lực của phiền não quả thật quá to lớn. Vì vậy, chỉ với sự thực hành giới-định-tuệ thuộc hạng phàm nhân của chúng ta, không nên tự mãn tuyên bố “ta không làm khổ, làm hại một ai; ta không thiên vị; ta không làm điều phi pháp, bất chính…”, mà hãy nên dùng chánh niệm, sự chú ý và trí tuệ tỉnh giác, sự tỉnh thức của chúng ta, những hành động của thân (thân nghiệp), hành động của miệng (khẩu nghiệp) và và hành động suy nghĩ của tâm (ý nghiệp), phải được giữ gìn, phòng hộ với trí tuệ thấy biết như thật. Trí tuệ thấy biết như thật (yathābhūta-ñāṇa) là trí tuệ khởi đầu cho sự giải thoát mọi phiền não nhiễm ô.

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung


SAMGHARAKKHITA CHÁU

 

SAMGHARAKKHITA CHÁU

Khi tất cả đến trình diện trước đức Phật, Ngài hỏi về sự việc xảy ra của vị Tỳ khưu nhỏ ấy, các vị Tỳ khưu khác đã trình bạch lên đức Phật đầu đuôi câu chuyện. Khi ấy, đức Phật đã thuyết dạy bài kệ pháp bảo sau:

(Nghĩa của bài kệ)

“Tâm đương nhiên nó có thể đi đến nơi rất xa; nó có thể sinh khởi hết tâm này rồi lại đến tâm khác (đi một mình). Nó không có hình dạng. Nó nương nhờ nơi hang động gọi là hadayavatthu (sắc tâm nương nhờ, (tim, não…). Người có thể giữ gìn tâm một cách an toàn thì sẽ thoát khỏi trói buộc của Ma vương.”

Đã là tâm thì theo bản chất tự nhiên của nó, trong một kha-ṇa (khaṇa: tích tắc) là có thể đi đến một thời gian rất xa xăm; trong một tích tắc là có thể đi đến một nơi chốn xa xôi. Đây chính là bản chất tự nhiên, là năng lực của tâm vậy.

Nếu để cho năng lực của tâm theo như tự nhiên của nó là “muốn đi đâu cứ đi”, không có sự theo dõi, giữ gìn, mà buông thả nó, thì sẽ rơi vào sự thực hành theo phương pháp “kāma-sukhallikā-nuyoga: cố gắng thuận theo sự hưởng thụ an lạc trong các đối tượng tham muốn”, nên không thích hợp, không đúng đắn. Còn nếu ra sức ngăn cấm, đè nén một cách cực đoan phi pháp rằng “không được đi”, thì đó cũng là rơi vào trong sự thực hành theo phương pháp “atta-kilamathā-nuyoga: cố gắng hành hạ thân thể khandha làm cho mệt mỏi, khổ đau”, nên cũng không thích hợp, không đúng đắn. Bởi thật ra, đã là tâm thì nó luôn sinh khởi theo như bản chất của chính nó. Trong khi nó thực hiện phận sự tự nhiên của chính nó (anatta), thì chính mình với danh nghĩa là một chúng sinh, một nhân vật (atta) rồi xen vào can thiệp; sự can thiệp vào này gọi là thực hành theo phương pháp “anta-paṭipadā: thực hành cực đoan”.

Còn như sự thực hành theo phương pháp trung dung, hài hòa “majjhima-paṭipadā” (Hán dịch: pháp hành trung đạo), đó là sự thực hành không phải với danh nghĩa chúng sinh, nhân vật; mà chỉ với danh nghĩa “dhamma: pháp, nhân duyên, sự diễn tiến”. Vì vậy, chính người thực hành ấy phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm của mình; phải quán xét, biết rõ phận sự của tâm.

Mỗi khi tâm nhận biết đối tượng đều phải được ghi nhận bởi “sati: niệm, sự chú ý, để ý” (sammāsati: chánh niệm). Và để sự ghi nhận không bị gián đoạn, cắt đứt, thì phải sử dụng “vīriya: tinh tấn” (sammāvāyama: chánh tinh tấn), luôn nỗ lực cố gắng không thoái chuyển, không lười biếng. Để tâm không bị buông thả, thì phải rào chắn, cắm chặt bởi “samādhi: an định, nhất tâm” (sammāsamādhi: chánh định). Với “vitakka: sự hướng tâm tư duy” (sammā-saṅkappa: chánh tư duy) phải tìm hiểu, nghiên cứu hiểu biết mọi mặt của đối tượng. Và với “paññā: trí tuệ” (sammādiṭṭhi: chánh kiến) phải đưa ra những quyết định đúng đắn chân thật rằng đối tượng này không phải nhân vật, không phải chúng sinh, không phải một vật thể nào, nó chỉ là sự kết hợp thôi thúc tạo tác (saṅkhāra). Trong khi làm những phận sự này, thì phải có “sati”, “vīriya”, “samādhi” với vai trò là nhân thiền định Thánh đạo (samādhi-maggaṅga) tham gia vào trong các phận sự ấy. Và còn phải có “saṅkappa” (vitakka: hướng tâm, tư duy) và “paññā” với vai trò là nhân thiền tuệ Thánh đạo (paññā-maggaṅga) cũng tham gia vào trong các phận sự ấy. 5 nhân Thánh đạo (sati: niệm, vīriya: tinh tấn, samādhi: định, saṅkappa: tư duy, paññā: trí tuệ) này gọi là nhân thiền quan sát, quán xét Thánh đạo (vipassanā-maggaṅga). Bất cứ khi nào tâm hướng đến tiếp nhận đối tượng, thì những nhân tố như thế này phải luôn luôn hoạt động theo trong tâm ấy.

Trong phận sự hoạt động như vậy, không phải làm với tính chất nhân vật (puggala), mà chỉ làm với tính chất dòng sinh diệt thuần túy tự nhiên (dhamma). Bởi thật ra, trong thế gian này thật sự không có cái gọi là nhân vật (na puggala), chúng sinh (na sattā) hay sự vật (na koci); tất cả chỉ là điều kiện tự nhiên, sinh-diệt không ngừng (dhamma); tất cả chỉ là sự kết hợp thôi thúc tạo tác (saṅkhāra).

Một khi “dhamma” hoặc “saṅkhāra” được ghi nhớ, nhận định là nhân vật, hoặc chúng sinh, hoặc sự vật, thì đồng thời ngay khi ấy “cái ta” sẽ xen vào. Chính “cái ta” này gọi là “atta: linh hồn”. Và khi ấy, liên quan đến sự tiếp nhận đối tượng của tâm, nó có thể sẽ phát sinh sự vui thích, hài lòng; hoặc có thể sẽ phát sinh sự chán ghét, không hài lòng. Dù là khi sự vui thích, hài lòng sinh khởi; hay khi sự chán ghét, không hài lòng sinh khởi, thì chúng cũng là phiền não ô nhiễm cả thôi. Chính ngay lúc này gọi là tâm đã bị phiền não kết giao, trói buộc.

Do đó, dù tâm có tiếp nhận đối tượng nào đi nữa, thì đối tượng ấy không phải là nhân vật, không phải là chúng sinh, không phải là sự vật; và chính tâm chủ thể biết tiếp nhận đối tượng cũng vậy, không phải nhân vật, không phải chúng sinh, không phải sự vật. Tất cả chỉ là dòng diễn tiến nhân quả thuần túy tự nhiên (dhamma). Tất cả chỉ là sự kết hợp thôi thúc tạo tác (saṅkhāra). Tất cả chúng chỉ là sinh-diệt, là vô thường, khổ, vô ngã, phải thấy biết rõ như vậy bằng cách tiến hành phát triển đầy đủ 5 nhân thiền quan sát, quán xét Thánh đạo gồm 3 nhân thiền định Thánh đạo là “sammāsati: chánh niệm”, “sammāvāyāma: chánh tinh tấn”, “sammāsamādhi: chánh định”; và 2 nhân thiền tuệ Thánh đạo là “sammāsaṅkappa: chánh tư duy”, “sammādiṭṭhi: chánh kiến”.

Khi cố gắng thực hành như vậy, nên thấy biết rõ rằng đã là tâm thì không phải chỉ có một cái (tâm) đang sinh khởi liên tục; mà là sự sinh khởi hết cái (tâm) này rồi đến cái (tâm) khác. Nghĩa là một cái tâm này diệt đi và tiếp theo một cái tâm khác phát sinh lên theo sau. Vì vậy, tâm luôn trong trạng thái phát sinh lên với sự sinh-diệt liên tục. Trong sự sinh-diệt liên tục như vậy, cũng không phải duy nhất chỉ có một cái tâm đang sinh khởi. Tâm thứ hai sinh khởi (là một tâm khác) không phải tâm thứ nhất. Như vậy, các tâm mỗi khi sinh khởi thường chỉ có từng tâm, từng tâm một. Nếu một khi có sự nhận thức rằng tâm thứ hai sinh khởi cũng chính là tâm thứ nhất, thì đó là do bởi nhận thức sai lệch, tri kiến sai lệch về thường hằng (sassatadiṭṭhi). Còn nếu nhận thức rằng không có sự liên hệ, kết nối nào, thì đó cũng là do bởi nhận thức sai lệch, tri kiến sai lệch về chấm dứt, đứt đoạn (ucchedadiṭṭhi). Đã là tâm, tuy không phải chỉ duy nhất một tâm, nhưng theo như nhân-quả, thì chúng có liên hệ, kết nỗi lẫn nhau. Với 5 nhân Thánh đạo thiền tuệ phải nhìn, quan sát, quán xét cho thấy biết rõ ra điều đó.

Tâm nghĩa là không có thân thể, không có dung mạo, cũng không hình dạng. Bởi nếu một khi nhận thức rằng tâm có thân thể, hoặc có dung mạo, hoặc có hình dạng, thì “atta: cái ta, linh hồn” sẽ xen vào. Một khi “atta: cái ta, linh hồn” xen vào, thì trong 2 loại tính chất thích hay không thích, thế nào cũng có một loại tính chất sinh khởi lên, không thể nào sai chạy được. Ngay khi ấy, chính tâm đã bị phiền não kết giao, trói buộc. Tại sao vậy? Bởi vì, cả 2 loại tính chất thích hay không thích, đều chính là những phiền não.

Tuy nói rằng tâm có thể đi đến xa xôi diệu vợi dù là không gian (vị trí), hay thời gian. Nhưng thật sự không phải tâm đi đến nơi xa; mà nó chỉ nương nhờ vào nơi sắc có khả năng phát sinh tâm gọi là “hadayavatthu: sắc tâm nương nhờ” (tim, não…), rồi các đối tượng từ nơi xa xăm đến hiện rõ lên ở trong tâm ấy. Tính chất này sẽ được thấy biết một cách rõ ràng chi tiết, một khi 5 nhân Thánh đạo thiền tuệ có năng lực tốt. Điều quan trọng là chỉ cần làm sao cho năng lực của 5 nhân Thánh đạo thiền tuệ tốt lên mà thôi. Chắc chắn khi ấy tâm sẽ thấy biết đúng sự thật hiển nhiên rằng nó cùng với đối tượng luôn luôn sinh-diệt không ngừng nghỉ.

Để thấy biết rõ như vậy cần phải có giới hạnh (sīla). Bởi có giới hạnh mới có định tâm (samādhi). Khi có thiền định, rồi mới có được trí tuệ (paññā). Một khi có giới, định, tuệ đầy đủ cũng là lúc thấy biết rõ tướng trạng sinh-diệt của tâm cùng đối tượng của nó. Khi đã thấy biết rõ sinh-diệt của tâm, thì cũng thấy biết rõ được sinh-diệt của sắc (pháp); cũng như thấy biết rõ sinh-diệt của tất cả. Đến cuối cùng sẽ thấy biết rõ Niết-bàn nơi sạch bóng tất cả mọi tâm tính-sắc thân (nāma-rūpa), pháp – các yếu tố mang tính chất kết hợp thôi thúc tạo tác (dhamma-saṅkhāra). Chính sự nỗ lực cố gắng thực hành phát triển theo tuần tự như vậy gọi là giữ gìn, điều phục tâm; cũng gọi là sự đặt để, điều hướng tâm giải thoát khỏi những phiền não ô nhiễm; và cũng gọi là giải thoát khỏi sự kết giao, trói buộc của Ma vương.

Khi nghe được bài pháp bảo này, vị Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu, theo như pāramī của mình, ngay trong khi đang nghe bài pháp bảo, phiền não ô nhiễm đã không xen vào trong tâm của vị ấy được; và đã có thể cố gắng thực hành để giải thoát khỏi sự kết giao, trói buộc của Ma vương. Tuy nhiên, tâm của vị ấy chưa hoàn toàn giải thoát khỏi phiền não ô nhiễm, và cũng chưa hoàn toàn giải thoát khỏi sự kết giao, trói buộc của Ma vương; nhưng cũng đã giải thoát được một phần nào đó, tương xứng với cố gắng và pāramī. Đã thoát khỏi diṭṭhi: tri kiến sai lệch (tà kiến) và vicikicchā: hoài nghi; đã giải thoát khỏi 4 cõi khổ. Vì vậy, vị Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu đã chứng đắc Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu. Điều này được lưu truyền ghi chép lại trong lịch sử Phật giáo. Những người khác trong hội chúng nghe pháp hôm ấy cũng vậy, tùy theo năng lực pāramī của mình, khi nghe xong bài pháp bảo này cũng có được sự lợi ích thiết thực.

Chúng ta là những kẻ đã trôi lăn từ trong vô thủy sinh tử luân hồi, không thể biết được nơi bắt đầu, ngay chính mình cũng có thể là người có pāramī như vị Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu. Vì vậy, theo như đức Phật đã thuyết giảng, chúng ta phải luôn nỗ lực cố gắng để không thấy biết rằng tất cả tâm tính-sắc thân, các yếu tố mang tính chất kết hợp thôi thúc tạo tác là nhân vật, là chúng sinh, là tướng mạo, hình dáng…; mà quan sát, quán xét để thấy biết rõ tất cả chỉ là dòng nhân duyên sinh-diệt; để từ đó phát triển lên đến sự thấy biết nơi tận cùng của sinh-diệt là Niết-bàn.

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

 


MỘT VỊ TỲ KHƯU CHÁN NẢN TRONG PHẬT GIÁO

 



MỘT VỊ TỲ KHƯU CHÁN NẢN TRONG PHẬT GIÁO

Trong kinh thành Sāvatthi có một công tử, con của một phú hộ. Khi nói đến là một công tử, thì việc ăn, mặc, ở, v.v… mọi thứ đều đầy đủ sung túc. Vì vậy, theo thế gian sẽ mặc định cậu ta là một người an lạc, sung sướng. Và nói theo như nhận định của thế gian, thì công tử, con phú hộ là người sung sướng, hạnh phúc nhất trên đời. Mặc dù vậy, chính cậu ta lại không tự nhận định mình là người an lạc, sung sướng; mà luôn luôn chỉ nhận định mình là người đau khổ. Như vậy, rõ ràng giữa 2 bên có sự nhận định rất khác biệt nhau. Thế gian nhìn mặt bên ngoài (bahiddha) để nhận định, trong khi cậu công tử lại nhìn mặt bên trong (ajjhatta) để nhận định. Một khi đã có cách nhìn không giống nhau, sẽ dẫn đến sự thấy biết, nhận định cũng hoàn toàn khác biệt nhau.

Sự an lạc, hạnh phúc đó chính là sự vắng lặng, bình yên. Vì vậy, đức Phật mới thuyết dạy sự an lạc cao thượng nhất đó chính là “santisukha”. Santisukha có nghĩa là sự an lạc, sự hạnh phúc khi được vắng lặng, mát lành (không còn phiền não tham-sân-si). Nói theo ngôn ngữ trong Vi diệu pháp (Abhidhamma), “an lạc” đó là tên gọi của thọ lạc (sukhavedanā: cảm giác thọ hưởng an lạc). Mặc dù vậy, theo trong pháp bảo nhân duyên sinh khởi (Paṭiccasamuppāda) dạy: “do nương vào thọ, cảm giác làm nhân duyên, nên tham ái khởi sinh” (vedanāpaccayā taṇhā). Cho nên, cảm giác thọ hưởng an lạc không phải là sự an lạc thật sự đúng đắn, mà chỉ thuộc loại an lạc, được thọ hưởng bởi tham ái mà thôi. Chỉ đến khi nào không phải “do nương vào thọ, cảm giác làm nhân duyên, nên tham ái khởi sinh”, mà lại “do nương vào thọ, cảm giác làm nhân duyên, nên trí tuệ khởi sinh” (vedanāpaccayā paññā-sammādiṭṭhi), thì khi ấy mới có được sự an lạc đúng đắn chân thật gọi là “an lạc vắng lặng, tịch tịnh”. Cậu công tử đã có sự hiểu biết như vậy.

Cậu công tử tuy biết được rằng chỉ khi nào “do nương vào thọ, cảm giác làm nhân duyên nên trí tuệ khởi sinh”, thì khi ấy mới có được sự an lạc vắng lặng, tịch tịnh. Thế nhưng, lại không thể biết được làm sao để có thể làm cho “do nương vào thọ, cảm giác làm nhân duyên, nên trí tuệ khởi sinh”. Bởi thật ra, cậu công tử vì chưa được nghe qua pháp hành chánh niệm khắng khít, bám chặt theo quan sát đối tượng cảm thọ (vedanānupassanā satipaṭṭhāna), cho nên mới không biết được phương pháp để có được sự an lạc đúng đắn chân thật “an lạc vắng lặng, tịch tịnh”.

Thật ra, cậu công tử con phú hộ không phải là người có tri kiến thấy biết thân thể tổng hợp khandha (5 nhóm tổng hợp) của mình là “ta” (atta), mà là người có tri kiến chỉ thấy biết nó là “kẻ xa lạ”. Thân thể tổng hợp khandha tuy là “kẻ rất đổi xa lạ”, nhưng mình luôn luôn phải có bổn phận, trách nhiệm phục vụ liên tục cho nó, mà không dám cất lên một lời thở than hay tỏ ra một cử chỉ mệt nhọc nào. Tại sao lại như vậy? Cậu công tử muốn biết được câu trả lời ấy. Mới sáng sớm đã phải rửa mặt, đói bụng phải cho ăn, khát nước phải cho uống, mỏi mệt phải thay đổi tư thế. Ôi! Quả thật là phải phục vụ hầu hạ cho thân thể tổng hợp khandha này quá nhiều vậy sao! Chính cuộc đời con người đã dành hết thời gian để gánh vác trách nhiệm phục vụ hầu hạ cho thân thể tổng hợp khandha. Cậu công tử cũng đã hiểu và thấm thía câu pháp bảo: “bhārā have pañcakkhadhā: Quả thật thân thể tổng hợp 5 khandha này là một gánh nặng (bao tải chứa hàng dơ bẩn nặng nề)”.

Trong khi đối với những hạng người, nếu nghĩ tưởng thân thể tổng hợp 5 khandha (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là “ta” (atta), thì theo như câu pháp bảo: “attasamaṃ pemaṃ natthi: không yêu ai như yêu chính ta (mình)”, nên việc gánh vác tất cả những bổn phận phục vụ hầu hạ nó là niềm vui sướng, hạnh phúc vô bờ bến. Thế nhưng, riêng đối với cậu công tử với sự nghĩ tưởng thân thể tổng hợp 5 khandha là “kẻ khác”, thì việc gánh vác tất cả những bổn phận phục vụ hầu hạ nó chỉ thật sự là nỗi khổ đau mà thôi. Vì vậy, cậu công tử mới mong muốn thoát khỏi nỗi khổ từ thân thể tổng hợp khandha đó. Bởi thật ra, cậu công tử là người mới chỉ có trí tuệ suy đoán (anumānañāṇa: trí tuệ thuận theo) được về sự thật chân lý khổ (dukkhasacca); nên còn cần biết với trí tuệ thực chứng trực tiếp ngay hiện tại (sacchikaraṇañāṇa: trí tuệ thực chứng) nữa. Chỉ có như vậy, mới hiểu tại sao cậu công tử lại có sự thấy biết liên quan đến cuộc đời, kiếp sống (thân thể tổng hợp khandha) không giống với những người khác.

Vậy là cậu công tử con phú hộ đã xuất gia Tỳ khưu trong Phật giáo. Cậu ta nghĩ rằng “sẽ có được an lạc thật sự santisukha: an lạc vắng lặng, tịch tịnh; sẽ giải thoát khỏi cuộc đời đau khổ như cậu ta mong muốn”.

Vị Tỳ khưu công tử làm người xuất gia trong giáo pháp này là để tinh tấn thực hành pháp, với phận sự pháp hành thiền tuệ (vipassanādhura). Khi tinh tấn thực hành pháp thiền tuệ, điều thiết yếu trước tiên là cần phải làm cho giới trong sạch. Vì là một vị Tỳ khưu, nên theo như giới luật, cần phải cố gắng làm sao để không phạm āpatti (phạm lỗi, giới do đức Phật chế định). Một khi không phạm phải āpatti, thì giới hạnh mới được trong sạch (sīlavisuddhi). Khi giới hạnh trong sạch, thì tâm (định) mới thanh tịnh (cittavisuddhi). Khi tâm thanh tịnh, thì dễ dàng đạt được thiền định (samādhi) vậy. Chỉ khi có định rồi, thì mới có được trí tuệ thiền tuệ (vipassanāñāṇa). Bởi thật ra, nếu không có định, thì không thể có trí tuệ quan sát, quán xét (vipassanā) được. Khi tâm không thanh tịnh, thì cũng không có được định. Và định cũng vậy, cũng cần phải có giới trong sạch mới đạt được.

Nguyên nhân và sự việc này được những vị Tỳ khưu khác tác bạch trình lên đức Phật. Nhưng thật ra, đức Phật luôn luôn quán chiếu, nhìn thế gian với đôi mắt Phật. Đôi mắt để đức Phật quán xét, nhìn thế gian gọi là Buddha-cakkhu: mắt Phật. Đôi mắt ấy gồm: một con mắt gọi là: “āsayā-nusaya-ñāṇa: trí tuệ thấy biết rõ bản tính, sở thích và phiền não ô nhiễm tiềm ẩn”; và một con mắt khác gọi là: “indriya-paro-pariyatti-ñāṇa: trí tuệ thấy biết rõ các pháp chủ, các căn duyên non trẻ hay già dặn”. Với con mắt trí tuệ āsayānusaya (thấy biết rõ sở thích, bản tính và phiền não ô nhiễm tiềm ẩn), đức Phật đã nhìn, quán xét cách nhìn nhận, thấy biết về cuộc đời và những phiền não ô nhiễm tiềm ẩn của nhân loại, chúng sinh. Không phải khi được nghe pháp bảo của đức Phật thuyết giảng, thì tất cả nhân loại, chúng sinh đều giác ngộ giải thoát cả đâu. Bởi chỉ khi nào có đầy đủ pāramī giác ngộ giải thoát, thì mới có khả năng có thể giác ngộ giải thoát được. Cũng chỉ khi có pāramī mới có năng lực thấy biết rõ thâm sâu trong pháp bảo. Chính điều này được gọi là “āsaya: bản tính, sở thích”. Nguyên nghĩa (nghĩa gốc) của āsaya đó là “cái thấy” (diṭṭhi: tri kiến). Vì vậy, đức Phật sau khi nhìn, quán xét năng lực thấy biết tùy theo pāramī của một chúng sinh, một người có khả năng giác ngộ giải thoát (veneyya), mới thuyết giảng pháp bảo thích hợp tương xứng đến cho chúng sinh, con người ấy; chứ không phải thuyết giảng mà không biết gì, tùy hứng. Tiếp theo, đức Phật cũng quán xét, nhìn phiền não ô nhiễm của chúng sinh có khả năng giác ngộ giải thoát dày hay mỏng. Sau khi quán xét như vậy xong, Ngài mới thuyết giảng pháp bảo thích hợp tương xứng. Như vậy, trí tuệ có năng lực quán xét thấy rõ 2 loại: “āsaya” (sở thích, bản tính) và “anusaya” (phiền não ô nhiễm tiềm ẩn dày-mỏng) của chúng sinh có khả năng giác ngộ giải thoát ấy của đức Phật gọi là “āsayānusayañāṇa”. Tiếp theo nữa, đức Phật cũng quán xét các thành phần có năng lực làm chủ (indriya), căn duyên của chúng sinh có khả năng giác ngộ giải thoát non trẻ hay già dặn. Một khi các thành phần có năng lực làm chủ chưa đạt đến thời kỳ già dặn, chín muồi, thì Ngài chưa thuyết giảng pháp bảo, mà luôn đợi cho đến khi đúng thời gian các thành phần làm chủ chủ, căn duyên (các indriya: pháp chủ, căn duyên gồm: đức tin, tinh tấn, chánh niệm, định tâm và trí tuệ) già dặn. Như vậy, trí tuệ có năng lực quán xét biết rõ các thành phần có năng lực làm chủ, căn duyên dày-mỏng của chúng sinh có khả năng giác ngộ giải thoát ấy của đức Phật gọi là “indriya-paro-pariyatti-ñāṇa”. Chính 2 loại trí tuệ này gọi là “đôi mắt Phật” (Buddha-cakkhu).

Khi ấy, đức Phật đã cho gọi vị Tỳ khưu công tử con phú hộ đến hỏi: “Có đúng như các vị Tỳ khưu đồng phạm hạnh khác trình bạch hay không?”, vị Tỳ khưu công tử tác bạch lại thừa nhận rằng đúng. Và khi ấy đức Phật thuyết dạy hỏi tiếp:

Này Tỳ khưu, con yêu quý! Con không cần phải giữ gìn nhiều điều, nhiều thứ; nếu chỉ giữ gìn duy nhất một thứ, thì con có thể giữ gìn được không?

Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu chỉ giữ gìn một thứ duy nhất, thì con có thể giữ gìn được bạch Ngài. Vị Tỳ khưu công tử đã tác bạch lại.

Khi vị Tỳ khưu công tử tác bạch khẳng định lại như vậy, đức Phật đã thuyết giảng chỉ dạy một thứ cần giữ gìn đó chính là tâm; bởi vì chỉ cần giữ gìn được tâm thì chắc chắn sẽ thoát khỏi cuộc đời khổ đau. Sau đó Ngài đã thuyết giảng bài kệ pháp bảo như sau:

(Nghĩa của bài kệ)

“Tâm rất khó thấy, vi tế, nó có tập tính luôn luôn hướng đến đối tượng mà nó ưa thích. Bậc Thiện trí phải giữ gìn tâm của mình. Bởi một khi đã có thể giữ gìn được tâm mình, thì tâm ấy sẽ mang đến sự an lạc, hạnh phúc.”

Vị Tỳ khưu công tử nguyên gốc là người thực hành pháp thiền 32 thể trược (koṭṭhāsa: đống-phần nhờm gớm, bất tịnh); bởi trong thời đại ấy người thực hành pháp thiền thể trược ấy chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán rất nhiều. Vì vậy, vị Tỳ khưu công tử mới thực hành pháp thiền đề mục thể trược ấy. Tuy nhiên, đề mục pháp thiền thể trược (bất tịnh) lại không thích hợp với vị ấy. Đề mục pháp thiền thích hợp nhất đối với vị Tỳ khưu công tử ấy chính là chánh niệm khắng khít, bám sát theo quan sát tâm (cittānupassanā satipaṭṭhāna) vậy. Vì vậy mà đức Phật đã thuyết giảng chỉ dạy đề mục chánh niệm khắng khít, bám sát theo quan sát tâm, đến cho vị Tỳ khưu công tử ấy. Bởi thật ra, với đề mục pháp thiền này, đối với vị Tỳ khưu công tử, thì chỉ cần thời gian ngay trong một oai nghi ngồi tại chỗ đó thôi cũng đã đưa đến chứng đạt thành bậc Thánh Nhập Lưu rồi vậy.

Đối với những người chấp lầm tâm là ta, thì giống như con mắt, nó chỉ có thể nhìn thấy những vật khác chứ không thể tự nhìn thấy lại chính nó. Cũng như vậy, tâm cũng chỉ có thể thấy những đối tượng khác mà thôi, trong khi nó tự không thấy lại được chính nó. Do đó, tâm rất khó thấy là vậy. Còn nếu muốn thấy tâm, thì cần phải làm sao để tâm trở thành đối tượng của cái thấy mới được. Bởi khi không làm được như vậy, tâm chỉ có khả năng làm chủ thể biết đến đối tượng, thì khi ấy, nó cũng giống như ngón tay trỏ, là có thể chỉ trỏ những vật khác, trong khi nó không thể chỉ trỏ lại chính nó. Cũng như thế ấy, tâm khi là chủ thể, thì chỉ có thể nhìn thấy được các đối tượng khác, trong khi lại không thể tự nhìn thấy lại chính nó vậy. Vì vậy, điều cần thiết trước tiên là phải cố gắng làm sao để tâm, từ chỗ chỉ mang tính chất chủ thể nhận biết, trở thành tâm mang tính chất là một đối tượng được thấy biết. Và chỉ đến khi ấy, tâm không còn là “chính mình” (ta) nữa, mà nó đã trở thành “người khác”. Một khi đã trở thành “người khác”, thì theo như bản chất tự nhiên của đối tượng, là đã có thể nhìn, quan sát, quán xét được nó vậy. Vì nhằm nói đến tính chất này, cho nên trong bộ Visuddhimagga đã chỉ dạy: “Phải quan sát, quán chiếu thân thể tổng hợp khandha này là ‘người khác’ (parato)”.

Nếu con mắt của mình cũng có thể được nhìn thấy bởi chính con mắt của mình như thế nào; thì tâm của mình cũng có thể được nhìn thấy bởi chính tâm của mình giống như vậy. Một khi chia ra mình và người khác, thì “mình” là chủ thể nhìn, còn “người khác” là đối tượng được nhìn thấy. Cũng theo cách ấy, một tâm là chủ thể nhìn, quan sát, quán xét; còn một tâm phải là đối tượng được nhìn, được quan sát, được quán xét. Tâm làm nhiệm vụ chủ thể nhìn, quan sát, quán chiếu đó chính là tâm có nhân Thánh đạo; còn tâm làm nhiệm vụ đối tượng được nhìn, được quan sát, được quán chiếu đó chính là tâm làm đề mục đối tượng pháp thiền (kammaṭṭhāna). Trong lãnh vực con mắt nhìn thấy con mắt cũng giống như vậy, con mắt được nhìn, được quan sát là đề mục đối tượng của pháp thiền; còn con mắt chủ thể nhìn, quan sát là những nhân Thánh đạo. Chia ra từng đôi, từng đôi khác nhau như vậy.

Con mắt đề cập ở nơi đây chính là con mắt trí tuệ (nhân Thánh đạo). Cũng giống như con mắt thịt bình thường có thể thấy biết rõ ràng chi tiết nơi đối tượng của mình như thế nào, trí tuệ cũng vậy, thấy biết rõ ràng chi tiết đối tượng của mình quan sát, quán xét. Do sự thấy biết một cách rõ ràng chi tiết giống nhau như vậy, nên chính trí tuệ được gọi là con mắt theo phương pháp hoán dụ; chứ không phải muốn nói đến nhìn thấy đối tượng pháp (dhamma) giống như nhìn thấy các đối tượng sắc (rūpa); mà chỉ muốn nói đến điều giống nhau là có khả năng thấy biết rõ ràng chi tiết. Trong việc quan sát, quán chiếu pháp thiền (vipassanā) theo như câu: “cakkhuṃ udapādi: con mắt phát sinh lên”, là phải nỗ lực cố gắng làm sao để cho con mắt trí tuệ (ñāṇacakkhu) phát sinh lên. Chỉ khi định tâm (samādhi) có năng lực tốt, thì con mắt trí tuệ mới sinh khởi lên được. Vì vậy, để con mắt trí tuệ sinh khởi lên, thì cần phải gầy dựng, xây đắp định tâm. Với định tâm có năng lực tốt và một khi con mắt trí tuệ sinh khởi, thì việc quan sát, quán xét đến sắc chất cũng được; hoặc quan sát, quán xét đến tâm tính cũng được. Thấy biết rõ ràng chi tiết bởi con mắt thịt bình thường như thế nào, khi đã có con mắt trí tuệ quan sát, quán xét cũng thấy biết rõ ràng chi tiết các đối tượng giống như vậy.

Với năng lực (cấp độ) như thế này gọi là (cấp độ) năng lực trí tuệ thấy biết phân biệt rõ chi tiết (ñātapariññā). Trong cấp độ này, tâm (có nhân Thánh đạo) chủ thể đã thấy được tâm đối tượng. Đến đây, tâm không còn phải khó thấy nữa, mà tâm đã có thể được thấy rõ ràng rồi. Bởi vì tâm đã được thấy rõ ràng, nên một khi dùng trí tuệ có năng lực định tâm tốt quan sát, quán chiếu tâm ấy, thì cũng bắt gặp được tính chất vi tế của tâm. Và cũng bắt gặp được tính chất tự nhiên hướng đến những đối tượng mà chính nó ưa thích. Tâm sân cũng vậy nó rất ưa thích khi được khởi lên sân hận; tâm tham cũng vậy, dù đó có là xác thối đi nữa, nó cũng rất ưa thích khi được khởi lên tham muốn; tâm si cũng ưa thích theo cách thức như vậy. Chính những điều này, khi nói theo ngôn ngữ pháp hành thiền tuệ, thì sẽ được nói là: “khi tâm tham dục khởi sinh lên, biết rõ tâm tham dục khởi sinh lên; khi tâm sân hận phát sinh lên, biết rõ tâm sân hận phát sinh lên; những tâm khác, dù là tâm gì đi nữa, cũng phải biết rõ tâm ấy đang khởi sinh lên”.

Khi vượt lên trên năng lực (cấp độ) trí tuệ thấy biết phân biệt rõ ràng chi tiết (ñātapariññā), đạt đến được năng lực (cấp độ) trí tuệ thấy biết quyết định chắc chắn (tīraṇa-pariññā). Trong năng lực cấp độ này dù là sắc thân (rūpa) hay tâm tính (nāma), tất cả đều theo như tính chất của nhân duyên tạo tác, kết cấu (saṅkhāra) chỉ là sinh-diệt mà thôi; và cũng chỉ thấy được sinh-diệt thôi vậy. Khi ấy, sắc thân-tâm tính (rūpa-nāma) giống như những con sóng nước lên xuống vậy, chỉ có sinh lên rồi diệt đi mà thôi. Sau đó, nó giống như dòng nước chảy yên lặng không gợn sóng, không có sinh lên chỉ có diệt đi mà thôi, chỉ thấy được luôn luôn diệt đi trong một dòng diệt liên tục vậy. Một khi chủ thể tâm (nhân Thánh đạo) quan sát, quán xét có năng lực tốt chừng nào, tùy vào năng lực tốt ấy mà thấy được tất cả những tâm đối tượng bị quan sát, quán xét đang diệt đi, diệt đi liên tục vậy. Chính điều này được gọi là trí tuệ thấy biết rõ sự diệt của sắc thân-tâm tính (bhaṅgañāṇa).

Tiếp theo là đến năng lực (cấp độ) “pahānapariññā”. Pahānapariññā có nghĩa là sự đoạn diệt các phiền não bám víu chấp chặt trên thân thể tổng hợp 5 khandha (sự chất đống, tổng hợp). Cho dù bất cứ phàm nhân nào cũng đều bám víu chấp chặt vào mọi vật mọi điều, cho là ta và của ta; cũng có những bám víu chấp chặt thuộc loại như ta, dân tộc của ta, đất nước của ta. Hay ngay chính những gì trái ngược với chính mình cũng bám víu chấp chắt bởi “cái ta”; và cũng có những bám víu chấp chặt thuộc loại như kẻ thù của ta, dân tộc kẻ thù của ta, đất nước kẻ thù của ta. Do đó, đã là phàm nhân với bản chất của chính mình trong tất cả mọi sự vật, mọi vấn đề đều nắm giữ thu nạp bởi “cái ta” vậy. Theo như tính chất của “trí tuệ đoạn diệt phiền não chấp chặt trên thân thể tổng hợp 5 khandha” (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), khi đoạn diệt “cái ta” chấp chặt bám víu khắp tất cả mọi thứ, thì “người khác” cũng tự động bị đoạn diệt theo vậy. Bởi thật ra chỉ vì có “ta” nên mới phải có “người”. Một khi không có “ta” thì cũng không có “người”. Trong thế gian cũng không có chúng sinh, nhân vật, người, ta. Tất cả chỉ có “dhamma” (nhân duyên dòng sinh diệt) mà thôi. Nếu nói theo ngôn ngữ của thiền tuệ (vipassanā), thì “ta” chính là “atta” (cái tôi, cái ta thường hằng, linh hồn do tri kiến sai lệch chấp chặt); “người” chính là “attaniya” (của tôi, của ta do tham ái bám víu).

Theo sự tiến triển tuần tự của các loại trí tuệ thiền tuệ đến khi đoạn diệt được hoàn toàn “atta” (cái ta linh hồn thường hằng do tri kiến sai lệch) và “attaniya” (của ta do tham ái), thì sẽ giải thoát hoàn toàn cuộc đời đau khổ. Cho dù mắt và đối tượng sắc có gặp gỡ nhau; hoặc tai và âm thanh gặp nhau; hoặc một trong các giác quan (dvāra: cửa) khác và một trong những đối tượng khác tiếp xúc gặp gỡ nhau… dù gặp gỡ, tiếp xúc thế nào đi nữa, thì trong sự tiếp xúc gặp gỡ ấy tham ái cũng không sinh khởi, sân hận cũng không sinh khởi… những phiền não ô nhiễm khác cũng không sinh khởi được nữa. Khi ấy, mắt, tai, v.v… đã đạt đến tính chất của sự giữ gìn, thu thúc trước các đối tượng tiếp xúc tại các giác quan (thu thúc các căn, môn); đã có được những bảo vệ canh gác cửa tốt rồi (giữ gìn các căn, môn). Do đó, các kẻ thù là phiền não ô nhiễm sẽ không thể đi vào từ những cửa (giác quan, cổng, môn, căn) ấy được nữa. “Tâm đã được an toàn rồi. Đến đây đã giải thoát được khổ đau cuộc đời rồi. Khi tâm được an toàn thì sẽ có được sự an lạc vắng lặng. An lạc vắng lặng chính là Niết bàn.” Khi thời thuyết pháp vừa chấm dứt thì vị Tỳ khưu công tử con phú hộ đã chứng đạt thành bậc Thánh Nhập Lưu. Các cận sự nam-nữ nghe pháp trong hội chúng ấy cũng hưởng được sự an lạc cõi người, cõi trời và Niết-bàn tương xứng với nhân duyên của mỗi người.

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung