TRƯỞNG LÃO NANDA
Thật ra, Trưởng lão Nanda là vị chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán là do quán chiếu được sự thật vô ngã nơi danh pháp-sắc pháp, bởi có tham dục làm năng lực hỗ trợ nhân duyên lớn lao từ chính cửa vào của tham dục say đắm ấy mà thôi. Do vậy, liên quan đến Trưởng lão Nanda, đức Phật đã thuyết giảng 2 bài kệ như sau:
(Nghĩa của 2 bài kệ)
“Ví như một khi mái nhà không được lợp một cách cẩn thận kín đáo, thì nước mưa có thể thấm dột vào bên trong một cách dễ dàng như thế nào; cũng như vậy, một khi tâm không được quán chiếu bởi thiền tuệ (vipassanā), thì tham dục có thể xâm nhập vào một cách dễ dàng như thế ấy.”
“Và ngược lại, ví như một khi mái nhà được lợp một cách cẩn thận kín đáo, thì nước mưa không thể thấm dột vào bên trong được như thế nào; cũng như vậy, một khi tâm được quán chiếu tốt bởi thiền tuệ (vipassanā), thì tham dục không thể xâm nhập vào bên trong được như thế ấy.”
Theo như ngôn ngữ phổ thông ở đời thì gọi là “loka: thế giới”; theo như ngôn ngữ thuyết giảng thì gọi là “paṭiccasamuppāda: nương vào sinh khởi (nhân duyên sinh khởi)”; theo như ngôn ngữ Vi diệu pháp tạng thì gọi là “nāmarūpa: danh-sắc”; theo như ngôn ngữ thiền tuệ thì gọi là “upādānakkhandha: 5 nhóm tổng hợp chấp thủ, bám víu của tham ái và tà kiến”; những pháp này nó đến từ cả bên ngoài và từ chính ngay cả bên trong. Từ đâu đến thì đến, muốn đến sao thì đến, điều chính yếu là phải ghi nhận, không để chúng thoát khỏi với sự để ý, chánh niệm biết được là chúng đang đến mỗi khi chúng (các pháp ấy) đến vậy thôi. Do từ sự để ý, chánh niệm như vậy sẽ thấy biết rõ trạng thái sinh diệt nhanh chóng của các tính chất thuộc loại tốt, xấu hoặc không tốt không xấu; luôn ghi nhận, chánh niệm chúng như vậy cho đến khi trí tuệ Thánh đạo phát sinh lên. Khi tính chất tốt sinh khởi lên thì đó là sukhavedanā: thọ lạc; khi tính chất xấu sinh khởi lên thì đó là dukkhavedanā: thọ khổ; khi tính chất không tốt không xấu sinh khởi lên thì đó là “upekkhā: thọ xả”. Khi cảm thọ sinh khởi lên mà không diệt được thì tham ái sẽ xâm nhập vào; tham ái có cơ hội sinh khởi thì sẽ tác thành nghiệp (hành động tạo tác); khi đã tạo ra nghiệp thì chắc chắn sẽ phát sinh lên kiếp sống (cuộc đời). Trưởng lão Nanda là bậc cắt đứt (dứt bỏ, đoạn diệt) kiếp sống (cuộc đời). Nếu muốn đoạn diệt kiếp sống thì phải đoạn diệt nghiệp (hành động tạo tác). Một khi muốn đoạn diệt nghiệp, thì lại phải đoạn diệt cho được tham ái. Khi muốn đoạn diệt tham ái thì phải để ý, chánh niệm nơi bất cứ đối tượng danh pháp, sắc pháp phát sinh lên bên trong mình làm cho trí tuệ Thánh đạo phát sinh lên để cắt đứt cảm thọ (thấy chúng sinh-diệt liên tục), mới diệt tham ái ấy được.
Trưởng lão Nanda vì là bậc nương vào năng lực mãnh liệt nơi tham dục, với trí tuệ thiền tuệ quán chiếu 5 nhóm tổng hợp chấp thủ, cho đến khi chứng đạt được Á-rá-hán Thánh Đạo và Á-rá-hán Thánh Quả; cho nên tất cả những đối tượng danh-sắc sinh khởi hiện rõ ở bên trong của Trưởng lão, đã được quán chiếu không để cho cảm thọ hiện rõ, mà làm cho trí tuệ Thánh Đạo phát sinh, nên đoạn diệt được tham ái; Trưởng lão là người đã đến được đất nước an lạc vắng lặng (santisukha), khi cố gắng vượt thoát ra khỏi từ trong vòng xoáy lôi kéo của cuộc đời (bhava: kiếp sống) vậy. Do đó, Trưởng lão Nanda là bậc có được đức hạnh “đặc biệt xuất sắc nhất về năng lực thu thúc giữ gìn các pháp chủ (indriya: các căn)” trong hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của đức Phật.
Chúng ta không phải là những người có pāramī già dặn như Trưởng lão Nanda; mặc dù vậy, chúng ta lại là những người muốn đến được đất nước an lạc vắng lặng (santisukha). Do đó, chúng ta từ nơi đứng là vòng xoáy cuộc đời của chính mình, như đang ở giữa trung tâm của cái cầu thang xoắn ấy, để thoát khỏi được năng lực của sự kéo xoay đó, chúng ta cần phải bước lên đi về phía trên của cầu thang xoắn ấy; chỉ có đi lên đến trên như vậy mới hy vọng nhảy thoát khỏi được; còn như bước xuống đi về phía dưới thì không thể nhảy thoát khỏi được. Vậy chúng ta phải làm gì để bước lên phía trên?
Muốn bước lên phía trên, hãy y cứ theo những gì đức Phật đã thuyết giảng, trước tiên chúng ta phải cố gắng cho trở nên giàu có, nhiều của cải tài sản. Phương pháp cố gắng để trở nên giàu có, nhiều của cải tài sản đó chính là bố thí, làm từ thiện (dāna) vậy. Bố thí nghĩa là có tính chất không tham lam; đã là có tính chất không tham lam thì điều đương nhiên theo một cách thức, phương pháp nào đó, chắc chắn là nó sẽ diệt được tham lam. Tuy nhiên, để cho cái tham lam mới, không còn có cơ hội sinh khởi lên lại thì cần phải có tâm không mong cầu bất cứ một quả báu lợi ích nào nữa mới được. Bởi nếu một khi còn mong cầu thì không những không đoạn diệt được tham lam, mà còn làm cho một cái tham lam mới phát triển lên thêm nữa vậy. Sự đoạn diệt sạch tham lam (lobha) gọi là Niết-bàn vậy; chỉ cần đoạn diệt một ít cũng có thể gọi là Niết-bàn cả thôi. Cũng đừng nên than vãn rằng không có gì sao bố thí được. Hãy cố gắng hết mình để tìm kiếm “vật bố thí” bằng nhiều nghề nghiệp hợp pháp, chánh nghiệp, bởi vì nếu không có không tham lam thì làm sao đoạn diệt tham lam được.
Điều thứ nhì là phải làm sao cho có sức khỏe; để có được sức khỏe, cách thức làm đó chính là giữ gìn giới hạnh (sīla). Chỉ khi có giới hạnh thì phẩm chất đạo đức mới tốt đẹp, cũng như mới có sức khỏe được. Giới nghĩa là có tính chất không sân hận. Trong chuyện tiền thân Mahādhammapāla, chương Dasakanipāta, có dẫn chứng câu chuyện để chứng minh những người tránh xa các tập quán, hành động xấu ác; thực hành các tập quán, hành động thiện tốt sẽ có sức khỏe và sống lâu. Vì vậy nếu muốn có sức khỏe, muốn có phẩm giá, đạo đức tốt thì phải giữ gìn giới hạnh. Bởi thật ra, khi có sức khỏe rồi, thì mới có thể cố gắng trong mọi công việc được. Ngoài ra, giới hạnh, không sân hận còn có thể đoạn diệt được sân hận nữa. Nếu một khi có liên quan đến con người chúng sinh thì không sân hận sẽ làm phận sự của tâm từ đối với thế giới chế định bên ngoài.
Điều thứ ba là cần phải biết phân biệt rõ đúng-sai, tốt-xấu, chánh-tà. Để có thể phân biệt rõ được đúng-sai thì cần phải phát triển thực hành thiền (bhāvanā). Thực hành thiền nghĩa là phát triển trí tuệ (amoha). Năng lực thực hành thiền có khả năng đưa đến được pháp xuất thế gian. Trong những vấn đề quan trọng của thế gian cũng vậy, nếu không có tính chất trí tuệ tham gia vào, thì với lý do là vì nguyên nhân “họ đã từng có ơn”, nên mặc dù khi biết được việc làm của họ không hợp pháp, không tốt đẹp, nhưng lại tham gia giúp đỡ, hỗ trợ họ việc làm ấy. Khi làm như vậy lại rất tự hào gọi là “điều hạnh phúc cao thượng nhớ ơn và biết cách báo ơn”; thực chất đó là điều bất hạnh mà thôi. Một khi không có thực hành thiền nghĩa là không có trí tuệ, nên có thể vì lợi ích phát triển cho mình mà làm điều không hợp pháp, không tốt; cũng có thể phạm vào 4 điều thiên vị (thiên vị vì yêu, thiên vị vì ghét, thiên vị vì sợ, thiên vị vì ngu si). Mỗi khi có cơ hội thì dù là hợp pháp hay phi pháp không cách này cũng cách khác, tìm cách để nhận, lấy (hối lộ, thụ hưởng) cho bằng được.
Do đó cho nên, theo như giáo pháp của đức Phật, nếu quả đúng là
người muốn đi đến đất nước an lạc vắng lặng (santisukha), với những hành trang
không tham lam (bố thí), không sân hận (giới hạnh), không si mê (thiền tuệ), rồi
từ chỗ đang đứng ở giữa cầu thang xoắn (cuộc đời hiện tại), hãy bước lên phía
trên, phải thật sự cố gắng không ngừng, hướng thẳng về đất nước nước an lạc vắng
lặng ấy. Tiếp theo, sẽ từ từ để thoát khỏi hoàn toàn năng lực lôi kéo của kiếp
sống; ngoài ra không thể còn có một con đường nào khác để đến được với đất nước
an lạc vắng lặng nữa cả.
Thể theo bản tính của chính mình có sở thích ở pháp kết hợp tạo
tác nào thì nương vào năng lực mạnh mẽ ấy rồi với tính chất làm đối tượng quán
chiếu, ngay hiện tại dù bất cứ gì sinh khởi, hiện lên rõ vào đến bên trong tâm
của mình; dùng các năng lực trong cùng hội nhân duyên giác ngộ như chánh niệm
khắng khít, sự cố gắng liên tục không ngừng nghỉ, v.v… làm cho 8 nhân Thánh đạo
đồng sinh cùng nhau, khi ấy đó chính là nguyên nhân đến được với đất nước an lạc
vắng lặng (santisukha); như câu chuyện mà chính tự đức Phật thuyết giảng dạy về
Trưởng lão Nanda này vậy. Điều quan trọng và cần thiết nhất đó là phải có tâm
mong muốn, không đứng lại chính giữa của cầu thang xoắn, mà luôn cố gắng không
ngừng đi lên phía trên, thoát khỏi lực lôi kéo của cuộc đời này vậy.
Trích từ Dhammapada Những Pháp
Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada
nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung