MĀTIKAMĀTĀ
Bà Mātikamātā là người luôn ghi nhớ đến ân đức của đức Phật và chư Tỳ khưu đệ tử Phật. Bởi vì, chỉ có nhờ ân đức của đức Phật và chư Tỳ khưu đệ tử Phật mà bà mới có thể thoát ra khỏi nguy hiểm từ sự đắm chìm trong vòng xoáy cuốn hút, nổi trôi giữa cuộc đời này.
Đã là một phàm nhân đương nhiên luôn luôn mang trong mình tâm của phàm nhân vậy. Tâm của phàm nhân cũng có nghĩa là bao gồm cả tâm thiện (tốt) và tâm bất thiện (xấu ác). Do đó cho nên, đối với hạng phàm nhân tùy theo nhân duyên hoàn cảnh mà có khi làm phải việc phước thiện (tốt), và cũng có khi làm phải việc bất thiện (xấu ác). Sở dĩ họ làm phải như vậy, âu cũng có thể là do bản tính tự nhiên của hạng phàm nhân không thể tránh khỏi nên làm như vậy (vô ý); và cũng có thể họ có chủ ý mới làm như vậy (cố ý).
Tuy nhiên, kể từ khi lắng nghe lời dạy bảo của đức Phật và chư Tỳ khưu đệ tử, nên đã biết rõ được bất thiện đúng là bất thiện; trong bất thiện cũng có 2 mặt trái ngược nhau. Và phước thiện đúng là phước thiện, trong phước thiện cũng có 2 mặt trái ngược nhau vậy. Sự hiểu biết này, theo như đề mục quan sát tâm (cittānupassanā), thì có thể nói rằng đó là trí tuệ thấy biết như thật (yathābhūtañāṇa: trí tuệ có sao thấy biết vậy). Trí tuệ thấy biết như thật đó chính là sự thấy biết đúng đắn chân chánh (sammādiṭṭhi) vậy.
Trong thế gian này, dù cho có làm việc tạo thiện nghiệp đi chăng nữa; nhưng nếu với ý nghĩ trong tâm rằng “cái này do ta làm”, thì nghĩa là điều đó do bởi ngã mạn (māna) làm vì cái ta (atta). Hoặc nếu với ý nghĩ trong tâm rằng “cái này làm chỉ vì muốn tốt nhất cho ta”, thì nghĩa là điều đó do tham ái (taṇhā) dính mắc mà làm vì cái ta (atta) vậy. Còn nếu làm với ý nghĩ trong tâm rằng “chỉ có việc ta làm là đúng, việc của những người khác làm là sai; chỉ có tri kiến của ta là đúng chân lý, còn tri kiến của những người khác là sai, không đúng chân lý”, thì nghĩa là điều đó là chấp trước do tri kiến sai lệch (diṭṭhi) nắm giữ chấp thủ mà làm vì cái ta (atta) vậy. Bởi thật ra trong 3 loại bám víu chấp thủ cái tôi, cái ta (atta) do từ tham ái, ngã mạn, tà kiến ấy; thì dù làm việc gì đi nữa với bất cứ sự bám víu chấp thủ nào, điều đó cũng làm vì cái tôi cái ta cả. Do đó, đứng về phương diện 2 mặt đối nghịch mà nhìn nhận, thì đều thuộc về mặt không tốt. Mặt không tốt đó gọi là “sự thực hành sai lệch” (micchāpaṭipadā); hoặc gọi là “hướng vào khổ sinh tử luân hồi” (vaṭṭasīsa). Còn nếu vì cái tôi mà làm việc bất thiện, xấu ác, thì đâu cần phải nói đến làm gì nữa. Đối với nghiệp cũng không tốt, và đối với mặt đối lập thực hành cũng không tốt. Do đó, cả 2 loại đều không tốt, cũng giống như câu ngạn ngữ “Trái bầu nặng thì thuộc loại trái bí”; khi cả 2 đều không tốt, thì chỉ có cho quả nơi cõi khổ mà thôi.
Còn nếu hoặc vì dân tộc của mình, hoặc vì đất nước của mình, hoặc vì sự phát triển chánh pháp trong thế gian này, với tinh thần từ bỏ lợi ích của bản thân, chịu hy sinh cuộc đời mình, nhưng do không thể tránh khỏi, nên làm việc xấu-ác; thì theo đó nếu nói về nghiệp thì là bất thiện, nhưng do sự tác ý hướng tâm từ bỏ, hy sinh cái tôi, cái ta (atta), nên nói về mặt đối lập thực hành thì đó là mặt tốt. Vì vậy, mặt đối lập thực hành của hành động này gọi là “thực hành chân chánh” (sammāpaṭipadā), hoặc gọi là “quay đầu hướng về Niết-bàn” (vivaṭṭasīsa). Thật vậy, sự thực hành ở mặt đối lập này là mặt thực hành mà chư Bồ Tát Chánh Đẳng Giác thường thực hành. Và đó cũng chính là mặt thực hành để trở thành pāramī vậy. Bà Mātikamātā cũng biết rõ về tính chất này. Có được sự hiểu biết như vậy nguyên nhân chính yếu là xuất phát từ sự thân cận gần gũi đức Phật và chư Tỳ khưu đệ tử Phật. Do đó, bà Mātikamātā đã tri ân công đức lớn của đức Phật cùng Thánh chúng đệ tử Phật mà không có ngôn từ nào để tả hết được.
Trong một ngày nọ, bà Mātikamātā đem theo dầu, bơ, mật mía…, chiều muộn đi đến chùa; khi vào đến chùa bà rất đổi ngạc nhiên vì không thấy bóng dáng một vị Tỳ khưu nào. Và khi nhìn thấy cái chuông lớn đặt ở giữa chùa, bà ta đã đến đánh vào nó; chỉ khi tiếng chuông vang lên các vị Tỳ khưu mỗi một người mới từ chỗ ở riêng của mình xuất hiện từng vị, từng vị một; trên cùng một con đường không có bóng dáng 2 vị cùng xuất hiện. Nhìn thấy tình cảnh ấy, bà Mātikamātā đã liền bạch hỏi: “Có phải các vị đã tranh cãi, giận ghét nhau không vậy?” Khi nghe hỏi vậy, các vị Tỳ khưu liền trả lời giải thích cho bà rằng: “Chỉ có lúc chiều tối đến vị Đại Trưởng lão nghe chỉ giáo, hoặc buổi sáng mai cùng đi bát khất thực, hoặc khi có việc quan trong nghe tiếng chuống báo hiệu, chúng Tỳ khưu mới cùng nhau tập trung hội họp lại một chỗ; còn bình thường mỗi người sẽ ở một nơi để tinh tấn nỗ lực thực hành pháp, không thể có 2 vị cùng ở một nơi để thực hành pháp với nhau”.
Khi bà Mātikamātā bạch hỏi chư Tỳ khưu rằng pháp mà những bậc xuất gia thực hành thì người tại gia cận sự nam-nữ có thực hành được không; và khi biết được người tại gia cận sự nam-nữ cũng có thể thực hành được pháp ấy, bà đã thỉnh cầu chư vị Tỳ khưu chỉ dạy pháp ấy để thực hành. Chư Tỳ khưu đã chỉ dạy đề mục quán tưởng 32 thể trược (koṭṭhāsa: đáng nhờm gớm), bà đã theo đó tinh tấn thực hành đề mục ấy. Ngay trong đêm ấy, bà Mātikamātā đã chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả Bất Lai, trở thành bậc Thánh Bất Lai (Anāgāmi là bậc Thánh thứ ba trong bốn bậc Thánh nhân của Phật giáo), và chứng đạt luôn 4 tuệ phân tích (paṭisambhidā), cùng 6 pháp thần thông (abhiññā).
(Sau khi được học và thực hành đề mục 32 koṭṭhāsa: phần đáng nhờm gớm, bà đã chứng đạt bậc Thánh Bất Lai với 4 tuệ phân tích và 6 pháp thần thông, nên bà suy nghĩ người ở đời nhiều việc như ta mà chỉ tu tập trong thời gian ngắn đã có thể đạt đến quả vị như thế này, có lẽ các bậc Trưởng lão quý kính của ta, các vị đã chứng đạt được những quả vị cao hơn từ lâu rồi). Suy nghĩ như vậy xong, bà đã dùng thần thông để quán chiếu tình trạng của 60 vị Tỳ khưu, thì được biết tất cả họ đều vẫn còn là những hạng phàm nhân bình thường mà thôi.
Khi bà quán chiếu xem 60 vị Tỳ khưu có được nhân duyên nương nhờ lớn lao (upanissaya) để có thể chứng đạt quả vị Á-rá-hán hay không? Bà đã biết được cả 60 vị đều có đầy đủ nhân duyên để chứng đạt đến quả vị Á-rá-hán ấy. Mặc dù đối với 60 vị Tỳ khưu ấy, các nhân duyên nương nhờ lớn để chứng đạt bậc Thánh Á-rá-hán như trú xứ là chùa và cốc liêu đều rất thích hợp; thời tiết cũng rất hài hòa thích hợp; con người là những bạn đồng tu phạm hạnh cũng vậy; trong khi vật thực là chưa thích hợp với các vị ấy. Do vậy mà 60 vị Tỳ khưu ấy chưa có thể chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng được.
Sau đó, bà Mātikamātā với thần
thông quán chiếu ấy đã chuẩn bị, sắp đặt những vật thực thích hợp đến cho từng
mỗi vị Tỳ khưu. Khi thỉnh mời quý vị Tỳ khưu đến dùng cơm độ ngọ, tất cả 60 vị
Tỳ khưu đã dùng được các món vật thực thích hợp với mình nên tâm an lạc thư
thái. Với tâm an lạc nhẹ nhàng thư thái ấy, khi các vị Tỳ khưu ấy thực hành
pháp thiền vipassanā, tất cả đều chứng đắc Á-rá-hán Thánh quả cùng 4 tuệ phân
tích và trở thành những bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng trong đời.
Trích từ Dhammapada Những Pháp
Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada
nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung