TRƯỞNG LÃO CITTAHATTHA
Sự có được do mong muốn đó chính là yêu thích những vật hiện hữu (kāmataṅhā). Sự cất giữ, sở hữu sau khi có được gọi là: yêu thích sở hữu (bhavataṅhā). Sự nhàm chán muốn từ bỏ gọi là yêu thích khi từ bỏ được (vibhavataṅhā). Tham ái quả là giống như vòng quay của cỗ máy vậy. Tham muốn rồi sở hữu, sở hữu rồi nhàm chán (cái cũ), nhàm chán rồi lại tham muốn có (cái mới)… không khi nào kết thúc hay cùng tận vậy.
Trưởng lão Cittahaṭṭha quả đúng thật là người chạy theo tham muốn của tâm. Tuy nhiên, vị ấy lại không biết chính mình là người đang sống như vậy. Sự không biết ấy là do chưa có trí tuệ “thấy biết như thật” (yathābhūta: có sao biết như vậy), nên không biết ra được điều đó. Bởi thật ra, sự đạt được trí tuệ thấy biết như thật, đó là bắt đầu của sự đạt được trí tuệ thấy biết đúng sự thật. Nói theo tính chất của pháp, của tự nhiên, thì các trí tuệ sẽ đến, sẽ phát sinh tuần tự là trí tuệ thấy biết như thật (yathābhūta: có sao thấy biết vậy); rồi đến trí tuệ nhàm chán (nibbidā: ngán ngẩm); đến trí tuệ xa lìa ái dục (virāga: viễn ly tham ái). Một khi thấy biết đúng như thật thì sẽ nhàm chán. Một khi đã nhàm chán thì không còn tham muốn, ái luyến nữa. Sự không còn tham muốn, ái luyến nghĩa là đã chứng đắc được trí tuệ Thánh đạo. Do đó, đối với người đã có được trí tuệ thấy biết như thật, thì đối tượng nào đến thì đến, muốn đến cứ đến, không sao cả. Tất cả đều có thể quán chiếu để đem lại lợi ích với sự hiểu biết điều hướng tâm một cách chân thực (yoniso-manasi-kāra: điều hướng tâm đúng theo sự thật). Dù khi bất thiện đến cũng thấy biết rõ đúng là bất thiện; hoặc khi thiện đến cũng thấy biết rõ đúng là thiện. Không nghĩ rằng bất thiện là thiện; cũng không nghĩ rằng thiện là bất thiện. Khi sinh khởi chỉ biết rằng sinh khởi; và khi có (thật) cũng chỉ biết rằng có (thật). Sự thấy biết rõ như vậy gọi là trí tuệ thấy biết rõ đúng như thật (yathābhūtañāṇa: có sao biết vậy).
Trưởng lão Cittahaṭṭha sau khi hoàn tục lần thứ sáu, đã trở lại là một người nông dân làm công việc gần khu rừng. Công việc thì lại quá ư vất vả cực nhọc. Vì vậy, ông ta muốn xuất gia Tỳ khưu trở lại. Và để chuẩn bị chu đáo mỗi khi xuất gia Tỳ khưu, ông ta đã cất giữ sẵn những bộ y ở trong nhà. Trong một ngày kia, tâm ông ta lại nghĩ đến việc mặc y xuất gia Tỳ khưu. Do đó, ông ta từ thửa ruộng gần rừng đã vác cày đem về nhà cất giữ, rồi đi vào trong nhà để lấy y bát. Khi vào đến phòng ngủ, nhìn thấy người vợ đang mang thai, nằm ngủ say sưa một cách xấu xí, đáng ghê tởm, Cittahaṭṭha có được đề mục “quán tưởng tử thi” (asubha-saññā) trong đối tượng là người vợ của ông ta. Sau đó, có được đề mục “quán tưởng vô thường” (aniccasaññā) của đối tượng thân thể tổng hợp khandha. Chính ngay lúc ấy, ông ta đã đi thẳng đến chùa để xuất gia Tỳ khưu. Ở trong căn nhà sát bên, người mẹ vợ nhìn thấy hành động của con rể, nên đã sang nhà của con gái để xem xét tình hình. Và khi nhìn thấy cảnh tượng của con gái đang nằm ngủ, người mẹ ấy đã hiểu ra được quyết định của chàng rể mình. Người con rể đã từng nhiều lần xuất gia Tỳ khưu, trước đây lần nào cũng thưa chuyện rõ ràng với bà rồi mới đi. Nhưng trong lần này, người con rể không hề nói gì, mà cậu ta tự chính mình quyết định với mình, rồi bỏ đi xuất gia Tỳ khưu. Người con rể hình như đã quá nhàm chán, ngán ngẩm cuộc sống tại gia thật rồi. Vì vậy, người mẹ đã rất lo lắng thay cho con gái của mình. Người mẹ đã đánh thức con gái dậy và tường thuật rõ mọi chuyện, nhưng người con gái không giống như người mẹ; đã không tỏ ra một chút lo lắng nào, lại còn bảo với mẹ: “Mẹ đừng lo lắng gì cho mệt, không được bao lâu ông ta lại trở về như xưa”.
Cittahaṭṭha lần này đã thật sự có được sự rúng động tâm can, kinh hãi cuộc đời. Trong khi đang đi trên đường ông ta đã quán xét về sự quán tưởng tử thi (bất tịnh) của thân thể tổng hợp khandha. Và khi ấy, cũng đã quan sát, quán xét về tính chất vô thường, tính chất khổ, tính chất vô ngã của thân thể tổng hợp khandha. Chính ngay lúc đang còn trên đường đi, chưa đến chùa, thì Cittahaṭṭha đã chứng đạt thành bậc Thánh Nhập Lưu. Sự chứng ngộ được pháp đặc biệt cao thượng quả thật không cần phải có thời gian lâu dài gì!
Cittahaṭṭha đã đến thời gian pāramī chín muồi. Đó chính là khi đến thời ra nụ, sẽ cho ra nụ; khi đến thời nở hoa, sẽ nở hoa. Đối với Cittahaṭṭha đã đến thời gian nở hoa sự thật của bậc Thánh. Trong việc chuyển hóa từ hạng thuộc số lượng qua hạng thuộc năng lực, chất lượng; thì theo đó hạng thuộc số lượng, phải làm sao cho có đầy đủ các yếu tố điều kiện mang tính chất nguyên nhân có năng lực để trở nên chất lượng. Những yếu tố điều kiện mang tính chất nguyên nhân (những tác nhân) hạng thuộc số lượng cần làm cho được đầy đủ, đó là những gì thích nghi phù hợp (sappāya) đối với chính mình, khi có được tác nhân điều kiện cuối cùng ấy, là đã có thể đạt đến hạng thuộc năng lực, chất lượng. Tác nhân thích nghi phù hợp cuối cùng để đưa đến thay đổi ấy, gọi là “thấy biết lại một cách đặc biệt hơn” (paccabhiññāṇa: nhận biết ra, giác ngộ sự thật”. Đối với Cittahaṭṭha để từ hạng phàm nhân đạt đến hạng Thánh nhân, với pháp làm điều kiện, nguyên nhân (tác nhân) thích nghi phù hợp cuối cùng (paccabhiññāṇa) không gì khác, đó chính là đối tượng người vợ mang thai đang ngủ mê mệt với tư thế xấu xí, đáng ghê tởm. Theo như trong bộ Paṭṭhāna, phần Upanissayapaccaya (nhân duyên nương nhờ lớn), những tác nhân thích nghi phù hợp để đưa đến sự chuyển hóa, giác ngộ cũng có thể là con người; hoặc cũng có thể là thời tiết; hoặc cũng có thể là vật thực; hoặc cũng có thể là nơi chốn, trú xứ. Cittahaṭṭha có được tác nhân để có thể làm cho pāramī của mình trở nên thích nghi phù hợp cho sự giác ngộ, đó chính là người vợ mang thai đang nằm ngủ mê mệt ấy.
Giờ đây, Cittahaṭṭha đã trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu. Khi ông ta xin phép được xuất gia Tỳ khưu, các vị Tỳ khưu khác chế nhạo rằng: “đầu của ông chẳng khác nào viên đá mài dao”, rồi xuất gia Tỳ khưu cho ông ta. Tỳ khưu Cittahaṭṭha khi tiếp tục quan sát, quán xét sinh-diệt của thân thể tổng hợp khandha, chỉ với trong thời gian 2, 3 ngày là đã chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán với đầy đủ 4 tuệ phân tích (catu-paṭisambhidā).
Dù bị chư Tỳ khưu chất vấn: “lần này sao ông xuất gia Tỳ khưu lâu
vậy?” nhưng Trưởng lão Cittahaṭṭha đã không trả lời trực tiếp rằng mình đã trở
thành bậc Thánh Á-rá-hán. Bởi vì, đã là một bậc Thánh Á-rá-hán, thì không bao
giờ nói cho người khác biết mình là một bậc Thánh Á-rá-hán. Chính điều này gọi
là “appiccha”. Appiccha có nghĩa là không muốn hoặc muốn ít, (Hán dịch: thiểu dục).
Trưởng lão Cittahaṭṭha đã thưa trình, trả lời đến các vị Tỳ khưu như sau:
Thưa quý huynh đệ! Khi tâm của tôi còn mong muốn các mối liên hệ kết
giao nên đã quay trở lại nhà. Sự mong muốn các mối liên hệ kết giao đó tôi đã cắt
đứt, nên nay tôi đã đạt được tính chất của sự không trở về nhà.
Nghe vậy, các vị Tỳ khưu đã gọi Trưởng lão Cittahaṭṭha cùng đi đến diện kiến đức Phật và trình bạch lên Ngài:
Kính bạch Đức Thế Tôn! Trưởng lão Cittahaṭṭha đã trả lời câu hỏi của
chúng con như vậy, như vậy bạch Ngài. Trả lời như mình là một bậc Thánh
Á-rá-hán, đó là lời nói khoe khoang không chân thật, bạch Ngài.
Sau khi dạy bảo phán xét Trưởng lão Cittahaṭṭha là người nói lời chân thật, Đức Phật đã thuyết giảng bài kệ pháp bảo sau:
(Nghĩa của bài kệ)
“Đối với người không có tâm trụ vững (định), không có pháp của bậc
Thiện trí (giới), không có đức tin chắc chắn, thì trí tuệ (tuệ) không tròn đủ
được. Đối với bậc Thánh Á-rá-hán không có tham ái; không có sân hận; đã diệt được
cả 2 nghiệp: thiện và bất thiện; đã có các năng lực như: đức tin… gồm cả 5
thành phần làm chủ (indriya) luôn luôn tỉnh thức, nên không còn có nguy hiểm do
phiền não ô nhiễm nữa.”
Để có được trí tuệ thấy biết rõ sự thật của bậc Thánh, thì cần phải thấy biết rõ đúng theo sự thật sinh-diệt của thân thể tổng hợp khandha. Và để có thể thấy biết rõ đúng sự thật sinh-diệt của thân thể tổng hợp khandha, thì cũng cần một con mắt đủ năng lực có thể thấy rõ mới được. Con mắt đủ năng lực có thể thấy biết rõ, đó chính là có được định tâm (thiền định). Chính sự có được định tâm này mà trong các kinh sách thường hay gọi một cách ẩn dụ là “con mắt mới đã phát sinh lên” (cakkhuṃ udapādi). Bởi thật ra, với con mắt thịt bình thường của chúng ta, thì không thể thấy tâm tính-sắc thân (nāma-rūpa) được; chỉ duy nhất với con mắt trí tuệ mới có thể thấy biết rõ được tâm tính-sắc thân. Vì vậy, một khi quan sát, quán xét thực hành pháp thiền vipassanā, để thấy biết được tâm tính và sắc thân, thì điều trước tiên là cần phải làm sao cho có được con mắt trí tuệ. Con mắt trí tuệ đó chính là năng lực tốt của định tâm. Điều này gọi là định thanh tịnh (cittavisuddhi), hoặc gọi là định an trụ (avaṭṭhitacitta: tâm trụ vững). Tâm có trụ vững, mới có được trí tuệ thấy biết. Có được trí tuệ thấy biết, mới có thể quan sát, quán chiếu thấy biết rõ tâm tính-sắc thân. Một khi có thể quan sát, quán xét thấy biết rõ tâm tính-sắc thân, thì mới thấy biết rõ được sinh-diệt của chúng. Chỉ khi thấy biết rõ được sinh-diệt của tâm tính-sắc thân (nāma-rūpa), mới thấy biết rõ nơi không có sinh-diệt là Niết-bàn. Sự thấy biết rõ Niết-bàn chính là trí tuệ tròn đủ. Cho nên, cần phải làm cho trí tuệ tròn đủ mới có khả năng quan sát, quán xét để thấy biết rõ Niết-bàn. Để trí tuệ tròn đủ, thì cần phải có định tâm đầy đủ. Và để định tâm đầy đủ, thì cần phải có giới hạnh đầy đủ.
Do đó, điều trước hết là cần phải làm cho giới hạnh tròn đủ. Sau khi giới hạnh tròn đủ, thì thực hành làm cho định tâm được tròn đủ. Trong việc thực hành làm cho định tâm được tròn đủ, điều thiết yếu là cần phải có đức tin (saddhā) vững chắc. Nếu mình không đặt niềm tin vào công việc pháp hành của chính mình, thì khó có được định tâm. Nếu không có được định tâm, thì khó có được trí tuệ tròn đủ. Khi trí tuệ không tròn đủ, thì không thấy biết rõ tâm tính và sắc thân; không thấy biết rõ sinh-diệt của tâm tính-sắc thân; và cũng không thấy biết rõ được Niết-bàn, nơi đoạn tận hoàn toàn sự sinh-diệt của tâm tính-sắc thân. Khi ấy, thì chỉ có sự nguy hiểm, tai hại của phiền não ô nhiễm càng phát triển dày dặn hơn mà thôi. Một khi không thể thấy biết rõ tâm tính và sắc thân đúng sự thật chỉ là tâm tính và sắc thân, mà lại thấy biết sai lệch là nhân vật, là chúng sinh, thì cũng là lúc sự nguy hiểm, tai hại do phiền não ô nhiễm xâm nhập vào.
Có 6 cửa (dvāra) là nơi gặp gỡ, tiếp xúc của chủ thể tiếp nhận đối tượng (ārammaṇika) và đối tượng (ārammaṇa) của nó. Trong 6 cửa ấy, đối tượng sẽ hiện rõ lên trong đó. Có các pháp āsava luôn luôn đứng sẵn vây quanh 6 cửa ấy. (“Āsava”: có rất nhiều nghĩa; nghĩa chính yếu ở đây là những yếu tố tự nhiên sinh khởi lên, chảy rỉ (lậu) ra từ 6 cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (tâm, thức). Hán dịch: “lậu hoặc”; gồm có “kāma: tham muốn hưởng thụ”; “bhava: tham muốn sở hữu”; “diṭṭhi: tri kiến sai lệch”; “avijjā: vô minh”). Vì vậy, mỗi khi các đối tượng hiện rõ vào trong các cửa tương ứng, chúng phải đi ngang qua các pháp āsava. Ngay khi đi ngang các pháp āsava, thì cũng là lúc mỗi mỗi đối tượng ấy, do bị năng lực lừa dối (māyā) của chúng chi phối, nên dù các đối tượng ấy không phải là nhân vật, chúng sinh, sự vật… nhưng lại thay đổi thành hình dáng nhân vật, chúng sinh, sự vật… Những đối tượng ấy không phải là loài hữu tình (có sinh mạng), nhưng lại thay đổi thành hình dáng của loài hữu tình (có sinh mạng). Tâm nhận biết là chủ thể tiếp nhận đối tượng (ārammaṇika) cũng vậy, khi đi ngang qua các pháp āsava, thì liền ngay lập tức do bị năng lực lừa dối (māyā) của chúng chi phối, nên dù chỉ có tâm nhận biết nhưng không gọi đúng là “tâm nhận biết”, mà đã nhồi nhét “cái ta” (atta: linh hồn thường hằng) vào trong tâm, rồi nhận rằng “ta biết”. Chỉ có thọ (vedanā) tiếp nhận cảm giác, nhưng không gọi là thọ tiếp nhận cảm giác, mà đã nhồi nhét “cái ta” (atta) vào trong đó, rồi nhận rằng “ta hưởng thụ cảm giác”. Do đó, khi có “ta: atta” xâm nhập vào; nếu là đối tượng ưa thích, thì tham ái (rāga) bám víu xâm nhập vào; còn nếu là đối tượng không ưa thích, thì sân hận (dosa) xâm nhập vào. Những điều này chính là những phiền não kẻ thù.
Để khiến cho những kẻ thù phiền não không thể xâm nhập vào được, thì cần phải nỗ lực tinh tấn làm cho tiêu tan hết các pháp āsava. Một khi các pháp āsava bị tiêu tan hết, thì đối tượng và tâm, chủ thể tiếp nhận đối tượng, không cần phải đi ngang qua chúng nữa, mà chỉ hiện rõ lên tính chất như thật (pakati) của chính mình, khi hiển hiện rõ ràng qua các cửa tương xứng tùy theo mỗi đối tượng và chủ thể nhận biết. Nghĩa là đối tượng tâm tính-sắc thân sẽ hiển hiện rõ ràng theo chính nó là đối tượng tâm tính-sắc thân; chứ không hiển hiện lên trở thành theo hình dáng nhân vật, chúng sinh, sự vật nữa. Và những tâm nhận biết là chủ thể tiếp nhận đối tượng (ārammaṇika) cũng vậy, nó chỉ biết với vai trò là “tâm biết”; chứ không phải biết với vai trò “tâm ta biết”. Khi ấy tham muốn dính mắc (rāga) cũng không cần phải sinh khởi lên làm gì; sân hận cũng không cần phải sinh khởi lên làm gì; hay bất cứ một phiền não ô nhiễm nào cũng không cần phải sinh khởi lên làm gì. Sự cố gắng làm cho các phiền não āsava tiêu tan hết, có nghĩa là phải làm cho có giới hạnh tròn đủ, định tâm tròn đủ, trí tuệ tròn đủ. Trong sự cố gắng thực hành làm cho tròn đủ theo tuần tự từng cấp độ như vậy, thì phải đặt để điều động 5 thành phần có năng lực làm chủ (indriya), sao cho quân bình đồng đều với nhau. Phải cố gắng thực hành để cho từng đôi đức tin và trí tuệ, tinh tấn và định tâm, tròn đủ đồng đều nhau. Trong khi đó chánh niệm (sati), sự chú ý, cần phải được xem trọng và làm cho đầy đủ mọi lúc mọi nơi, không để cho bị gián đoạn dù chỉ chốc lát nào. Khi ấy sẽ thấy biết rõ tâm tính-sắc thân; sẽ thấy biết rõ sinh-diệt của tâm tính-sắc thân; sẽ nhàm chán trong sự sinh-diệt của tâm tính-sắc thân; sẽ thấy biết rõ nơi đoạn diệt hoàn toàn sự sinh-diệt của tâm tính-sắc thân là Niết-bàn. Đây là khi đã hết sạch các pháp āsava (thành phần khiến cho trôi lăn, thấm dột, chảy rỉ trong sinh tử luân hồi). Vị ấy được gọi là Bậc “hết sạch các pháp āsava” (khīṇāsava).
Trưởng lão Cittahaṭṭha là vị đã thực hành làm cho hết sạch các pháp āsava, trở thành một bậc Khīṇāsava; vì vậy là bậc không còn bị nguy hiểm tai hại do phiền não ô nhiễm. Cho nên, đức Phật mới thuyết dạy rằng Trưởng lão không phải là người còn có thể hoàn tục.
Và kể từ khi ấy, các vị Tỳ khưu mới biết được rằng “Trưởng lão Cittahaṭṭha đã trở thành một bậc Thánh Á-rá-hán”. Bài pháp bảo này đem lại rất nhiều lợi ích cho hội chúng nghe pháp. Pāramī quả thật rất vi tế, bởi vì không thể đoán biết hay quyết định được rằng: chính mình, hoặc những người khác là những người không thể có được pāramī (phước duyên) để chứng đắc được trí tuệ sự thật chân lý của bậc Thánh.
Trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, trong ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, hằng ngày đều có lễ hội thuyết giảng pháp bảo (pháp hội). Đến với lễ hội pháp bảo (pháp hội) ấy có cả hội chúng Tỳ khưu xuất gia và hội chúng người tại gia cùng tham dự để nghe pháp. Cứ mỗi lần nghe được những pháp bảo đức Phật thuyết, thì tùy theo pāramī của mình mà ai cũng đều tự chính mình thọ hưởng pháp vị cả.
Trong một pháp hội nọ, các vị Tỳ khưu đã bàn tán về những vấn đề “tâm rúng động” (saṃvega) liên quan đến Trưởng lão Cittahaṭṭha. “Trưởng lão Cittahaṭṭha là vị có thể làm cho các vị Tỳ khưu sống trong ngôi chùa Jetavana phát sinh sự rúng động, kinh hãi. Bởi Trưởng lão là vị đã xuất gia Tỳ khưu rồi lại hoàn tục đến 6 lần. Nhưng chỉ trong lần thứ 7 xuất gia Tỳ khưu lại chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán với đầy đủ 4 loại trí tuệ phân tích. Đối với một vị có pāramī già dặn như thế này mà phiền não vẫn có thể làm cho lay động, đe dọa khiếp sợ được. Năng lực phiền não (kilesa) quả thật là quá sắc bén! Phiền não là điều thật sự đáng kinh hãi!” Trong pháp hội hôm ấy các vị Tỳ khưu đã nói lên những lời rúng động như vậy.
Trong hội chúng Tỳ khưu tham dự pháp hội ấy, cũng có những vị Tỳ khưu phàm nhân cao quý là những bậc có giới hạnh tròn đủ. Khi chưa chứng kiến những sự kiện xảy ra của Trưởng lão Cittahaṭṭha, những vị Tỳ khưu phàm nhân cao quý ấy họ rất tự tin vào giới hạnh của họ. Họ rất tự hào ỷ lại (nương tựa, dựa dẫm) vào giới hạnh của họ. Họ rất tự tin vào định tâm của họ. Họ rất tự hào ỷ lại (nương tựa, dựa dẫm) vào định tâm của họ. Họ rất tự tin vào trí tuệ của họ. Họ rất tự hào ỷ lại (nương tựa, dựa dẫm) vào trí tuệ của họ. Họ không biết đúng sự thật về năng lực sức mạnh của phiền não. Vì vậy, họ đã xem thường phiền não. Họ còn nghĩ rằng, các phiền não không thể nào có được khả năng làm lay động, đe dọa đến giới hạnh, định tâm, trí tuệ của họ.
Bây giờ họ đã tận mắt chứng kiến cuộc đời Trưởng lão Cittahaṭṭha. Đã phải 6 lần hoàn tục sau khi xuất gia Tỳ khưu. Chính những vị Tỳ khưu thân thiết với Trưởng lão Cittahaṭṭha cũng đã từng nhìn nhận Trưởng lão là “người chẳng ra gì”. Thậm chí ngay đến cả người vợ trước đây của Trưởng lão cũng không coi trọng sự xuất gia Tỳ khưu của Trưởng lão. Vì vậy, mà ngay đến cả lần sau cùng Trưởng lão đi xuất gia Tỳ khưu, cô ta cũng còn nói với mẹ của mình câu mỉa mai rằng “Ối chà! Không lâu lại quay trở về thôi mẹ ơi!”. Dưới con mắt của mọi người, thì sự xuất gia Tỳ khưu của Trưởng lão luôn bị coi thường, chỉ là trò cười. Thật đáng xấu hổ biết nhường nào! Thật ra, Trưởng lão Cittahaṭṭha ngay kiếp hiện tại này sẽ chứng đắc trực tiếp Á-rá-hán Thánh quả, là một bậc có “kiếp sống cuối cùng” (pacchima-bhavika). Mặc dù vậy, những phiền não vẫn còn có thể khiến cho vị ấy phải chịu xấu hổ. Trong khi những hạng phàm nhân như bao người, thì dù có giữ gìn giới hạnh bao nhiêu đi nữa; dù có thực hành định tâm bao nhiêu đi nữa; dù có phát triển trí tuệ bao nhiêu đi nữa; nhưng một khi các phiền não có được cơ hội từ chúng ta, chắc chắn rằng chúng sẽ khiến chúng ta phải chịu xấu hổ giữa cuộc đời, giữa thế gian; chắc chắn sẽ làm mất điều lợi ích tốt đẹp. Chư vị Tỳ khưu đã hiểu rõ tính chất này như vậy.
Theo như bài kệ pháp bảo này, thì năng lực của phiền não quả thật quá to lớn. Vì vậy, chỉ với sự thực hành giới-định-tuệ thuộc hạng phàm nhân của chúng ta, không nên tự mãn tuyên bố “ta không làm khổ, làm hại một ai; ta không thiên vị; ta không làm điều phi pháp, bất chính…”, mà hãy nên dùng chánh niệm, sự chú ý và trí tuệ tỉnh giác, sự tỉnh thức của chúng ta, những hành động của thân (thân nghiệp), hành động của miệng (khẩu nghiệp) và và hành động suy nghĩ của tâm (ý nghiệp), phải được giữ gìn, phòng hộ với trí tuệ thấy biết như thật. Trí tuệ thấy biết như thật (yathābhūta-ñāṇa) là trí tuệ khởi đầu cho sự giải thoát mọi phiền não nhiễm ô.
Trích từ Dhammapada Những Pháp
Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada
nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung