Sunday, April 10, 2022

CŪḶAKĀLA VÀ MAHĀKĀLA

 

CŪḶAKĀLA VÀ MAHĀKĀLA


Khi đến chùa Jetavana, Mahākāla đã đứng phía ngoài cùng của thính chúng để nghe pháp. Tuy nhiên đức Phật đã biết được pāramī (thiện phước hướng đến giải thoát từ nhiều kiếp trước) của Mahākāla. Do đó, bài pháp được thuyết hôm đó là bài pháp thuyết ra nhắm đến những mong muốn tiềm tàng trong tâm của Mahākāla. Trong bài pháp ấy, đức Phật thuyết dạy về những lỗi lầm trong sự thọ hưởng 5 đối tượng tham muốn (màu, tiếng, mùi, vị và sự xúc chạm), sự thấp hèn của chúng, sự ô nhiễm của chúng, và cũng giảng dạy về những quả báu lợi ích khi thoát ly 5 đối tượng tham muốn ấy. Ngay lúc ấy, “ánh sáng mới” đã phát sinh lên đối với Mahākāla.

Mahākāla với “ánh sáng mới” ấy đã nhìn lại thế giới mà mình đã từng trải qua. Khi ấy, Mahākāla hiểu biết rõ, giờ đây ta đã nhìn nhận thế giới bằng một cách thấy khác, và trước đây với ánh sáng cũ đã nhìn nhận thế giới bằng một cách thấy khác. Ánh sáng cũ là do “mặt trời” đem lại thuộc ánh sáng sắc pháp. Còn bây giờ ánh sáng mới là do đức Phật đem lại thuộc ánh sáng trí tuệ (danh pháp).

Khi còn nhìn với ánh sáng của mặt trời, cứ theo cách thức của người phú hộ thì rất đổi tự hào, rất đổi hạnh phúc khi có nhiều của cải tài sản, bà con thân quyến đông đủ, có địa vị quyền uy hơn người. Đối với Mahākāla, thế giới quả đúng thật thanh bình tự tại quá! Vì quá tham đắm trong thế gian nên mặc dù mệt mỏi cũng không nhận biết ra điều đó, lại còn cho sự mệt mỏi đó là điều hạnh phúc, vui sướng. Mặc dù vất vả cũng không nhận ra điều đó, lại còn lấy đó làm hạnh phúc, vui sướng. Chính tham ái đã tạo ra, xây đắp lên một “đại lộ nguy nga tráng lệ” để Mahākāla vui say bước đi thong dong trên đó. Đây chính là cách thấy thế giới trước đây của Mahākāla do ánh sáng sắc pháp đem lại.

Bây giờ Mahākāla đã có được ánh sáng trí tuệ từ đức Phật soi sáng; đã biết nhìn, biết thấy thế gian bằng ánh sáng trí tuệ ấy. “Một khi nhân duyên hội đủ thì chắc chắn quả của nghiệp sẽ phát sinh lên. Chính điều này gọi là “bhava: cuộc đời, kiếp sống”. Phận sự của bhava: cuộc đời chính là sinh, già và chết, mà theo ngôn ngữ Pāḷi gọi là jāti, jarā, maraṇa. Hình ảnh của cuộc đời thể hiện qua hoàn cảnh sự khóc thành tiếng hoặc khóc không thành tiếng, và giữa hai cái đó là một sự sống sôi nỗi, vội vàng, thăng trầm mà thôi. Tuy vậy, chính sự sống sôi nỗi, thăng trầm ấy lại nghĩ là an lạc, hạnh phúc. Thật ra nếu vươn ra khỏi cuộc đời ấy thì sẽ có sự an lạc, hạnh phúc thật sự không gì so sánh được, và cũng có con đường dẫn đến sự an lạc, hạnh phúc ấy. Con đường ấy không cần phải xa lánh hành trình trong cuộc đời cũng có thể bước đi trên đó được, vì nó được tạo ra từ thực hành giới-định-tuệ của chính mình (bát chánh đạo). Sự khóc thành tiếng gọi là soka-parideva: lo lắng-khóc than. Sự khóc không thành tiếng gọi là dukkha-domanassa-upāyāsa: khổ thân, khổ tâm, thống khổ cùng cực. Mahākāla với ánh sáng trí tuệ đã thấy thế giới như vậy. Đối với Mahākāla thế giới chính là cuộc đời; cuộc đời chính là danh pháp-sắc pháp (nāma-rūpa); danh pháp-sắc pháp chính là khổ (dukkha). Tuy nhiên, cái thấy này không phải là cái thấy của tự chính Mahākāla, mà là cái thấy bởi trí tuệ do nghe pháp từ đức Phật.

Mahākāla đã đến xuất gia với đức Phật, đã nhận lấy đề mục có thể đạt đến Á-rá-hán Thánh Quả, đó là đối tượng thiền quán bất tịnh (asubhakamaṭṭhāna), phát nguyện thọ dhutaṅga (hạnh tinh tấn làm phiền não rơi rụng) ở nơi nghĩa địa rồi tiến hành pháp hành thiền tuệ (vipassanā).

Đối với giáo pháp của đức Phật, nhất là đề mục hành thiền, Mahākāla là người có đức tin vững chắc; là người có sự cố gắng không thoái chuyển; là người luôn luôn có sự chú ý tỉnh thức, không dể duôi quên mình; là người có năng lực trí tuệ thâm sâu. Năm điều này trong Phật giáo gọi là năm pháp chủ (indriya). Khi năm pháp chủ này có năng lực tròn đầy thì chắc chắn sẽ thấy biết rõ sự thật chân lý của bậc Thánh bởi trí tuệ của chính mình. Mahākāla là người đang thực hành để năm pháp chủ ấy có năng lực tròn đầy, nên đến đêm tối khi không còn tiếng chân người, một mình đi vào nghĩa địa để thực hành đối tượng thiền quán, và sáng sớm tinh mơ khi mọi người còn chưa thức giấc đã quay trở về chùa, rồi tiếp tục hành thiền như vậy. Sự tu tập như vậy, theo trong giới luật của Phật giáo thì quả đúng là sự thực hành của bậc cao thượng đáng tôn kính vậy. Những bậc tu hành cao quý thường hay cố gắng hết mức để che dấu không cho người khác biết về pháp hành tu tập dhutaṅga,… của mình, không bao giờ có tính cách bộc lộ khoe khoang ra bên ngoài.

Kính thưa Trưởng lão! Đối với những vị Tỳ khưu thọ hạnh dhutaṇga ở nơi nghĩa địa thì không nên thọ dụng (ăn) các loại thức ăn như sau: cá, thịt, vừng (mè), cải, dầu, đường. Người canh gác nghĩa địa Kāḷī, khi được hỏi đã trình bạch lại như vậy.

Trưởng lão Mahākāla đã nói lời chấp nhận rồi dặn dò người canh gác nghĩa địa Kāḷī:

Này Kāḷī, ta sẽ làm theo những gì ngươi nói. Nếu khi có một tử thi nào thích hợp để quán tưởng đề mục bất tịnh thì hãy báo tin cho ta biết.

Theo lời dặn dò đó của vị Trưởng lão, hôm nọ có một gia đình và thân quyến đưa đến nghĩa địa tử thi của một cô gái còn trẻ vừa mới chết, có làn da trắng hồng mịn màng, họ đưa tiền công cho người canh khác nghĩa địa Kāḷī để nhờ thiêu xác cô gái ấy, còn họ ra về. Kāḷī đã báo tin ấy cho Trưởng lão Mahākāla biết. Sau khi Trưởng lão Mahākāla đến nhìn tử thi cô gái đang nằm trên đống củi từ đầu đến chân để quán tưởng, trước khi rời đi Trưởng lão dặn dò Kāḷī, người canh gác nghĩa địa:

Khi ngọn lửa thiêu tử thi cháy lên hãy thông báo cho ta một lần nữa.

Người canh gác nghĩa địa Kāḷī, sau đó đã châm lửa để thiêu tử thi ấy, khi ngọn lửa cháy bén đến tử thi, Kāḷī đã báo tin đến Trưởng lão thêm một lần nữa. Khi trở lại quán tưởng, vị Trưởng lão thấy rõ mới đây vừa nhìn thấy da dẻ hồng hào mịn màng, nay lại thấy cháy lốm đốm như da con bò sữa, rồi tay chân cháy đen, co quắp, khắp người da thịt cháy hết chỉ còn những khúc xương rời rạc. “Ồ! Thân thể cô gái mới đây thôi còn da dẽ mịn màng hồng hào, trong phút chốc da thịt ấy đã biến dạng nhanh chóng, hoại diệt, tiêu biến thật mau lẹ. Sắc pháp-danh pháp là những pháp do nhân duyên sinh khởi, cấu tạo hợp thành nên không có thường hằng được, chỉ có sự khổ mà thôi, không có cốt lõi bền vững gì cả.” Khi với trí tuệ thiền tuệ quán xét thấy biết rõ như vậy, Trưởng lão Mahākāla đã chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán cùng 4 tuệ phân tích (paṭisambhidā).

Kể từ lúc này Trưởng lão Mahākāla mới có thể thấy sự thật thế giới này với chính trí tuệ của mình. Thế giới cũng chính là danh-sắc (tâm-sắc). Danh-sắc ấy cũng có thể nói là nhân và cũng có thể nói là quả (duyên). Danh-sắc nếu một khi mang tính chất của nhân thì sẽ trở thành nhân; và khi mang tính chất của quả sẽ trở thành quả. Nhân cũng chính là danh-sắc, quả cũng chính là danh-sắc. Danh-sắc ấy nó luôn mang tính chất riêng của nó, vì vậy, nó sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, có bản chất luôn luôn tạo tác thay đổi, nên gọi là “saṅkhāra: sự tạo tác, thay đổi thôi thúc tạo thành”.

Danh pháp-sắc pháp do tạo tác thay đổi tạo thành, nên chúng không phải một chủ thể nào, một linh hồn nào, cũng không thuộc một vật sở hữu nào. Chúng chỉ mang tính chất là một quá trình sinh diệt thay đổi tiếp diễn liên tục mà thôi. Sự diễn tiến thay đổi liên tục đó đã được chính kiến trúc sư tham ái với sở học ảo thuật (māyā: che đậy lừa dối) tài ba đã xây dựng nên ngôi nhà sắc thân này. Khi ngôi nhà sắc thân này vừa xây dựng xong, thì cũng là lúc phải biến hóa ra người ở trong ngôi nhà ấy; người sẽ ở trong ngôi nhà ấy chính là “ta”. “Ta” hay còn gọi là “atta”. “Atta” thật ra không có sinh mạng, vì không có sinh mạng nên không phải là loài hữu tình. Do đó cho nên, tham ái, ngã mạn và tà kiến đã thổi hồn (sinh mạng) vào cho nó, rồi biến hóa ra cái “ta” để làm chủ ngôi nhà sắc thân ấy. Và khi ấy, cuộc đời, thế giới, luân hồi sẽ sinh khởi liên tục tiếp nối nhau không khi nào gián đoạn. Ta không thể nào biết được cuộc đời, thế giới và luân hồi bắt đầu từ khi nào, thời gian nào. Cho đến khi nào chưa thấy biết rõ 4 sự thật của bậc Thánh nhân thì không thể nào chấm dứt được cuộc đời, thế giới và luân hồi, chúng sẽ luôn sinh diệt tiếp diễn không cùng tận. Chính sự luôn sinh diệt tiếp diễn không cùng tận này gọi là khổ (dukkha). Sự khổ này Trưởng lão Mahākāla đã vượt thoát được rồi. Chỉ có sự giải thoát ấy mới thật sự gọi là “thức giấc”. Từ cuộc đời, thế giới và luân hồi bị bao phủ của bóng tối vô minh gọi là đêm, đã đạt đến Niết Bàn gọi là ngày.

Đối với người đã thấy biết rõ và phân biệt được một cách chắc chắn đâu là sự che đậy lừa dối (māyā) và đâu là sự thật chân lý (saccā), thì có gì đáng phải lo sợ nữa. Trưởng lão Mahākāla cũng nhìn, nghe, tiếp xúc với thế gian bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm, cũng thấy biết như thường. Tuy nhiên, thấy chỉ là thấy mà thôi; nghe, biết cũng vậy, cũng chỉ nghe và biết vậy thôi; không đưa đến nắm giữ, bám víu, chấp thủ (upādāna). Vì không bám víu, chấp thủ nên không phát sinh tạo nên “nghiệp” (nhân); và một khi không tạo nên nghiệp thì đối với Trưởng lão không còn kiếp sau (bhava). Những phận sự cần làm cho mình thì Trưởng lão đã làm xong, tiếp theo không còn phận sự gì cần phải làm cho chính mình nữa. 

Bắt đầu từ sự ăn uống cho đến mọi việc, những gì mà Trưởng lão Mahākāla làm đều vì sự lợi ích an lạc cho thế gian, cho xã hội bằng niềm tin trong lành thật sự, và làm với tâm yêu mến cả thế gian; làm với tâm thương xót cả thế gian; làm với tâm mong muốn cả thế gian tốt đẹp; làm với tâm bao dung không nhìn lỗi lầm của thế gian. Làm những phận sự với tâm như vậy là do sự thôi thúc của tâm bi và trí tuệ mà thôi.

Thật ra bên trong tâm của Trưởng lão Mahākāla không còn có một chút phiền não ma giống như trận cuồng phong nào, trong khi 3 pháp thực hành giới-định-tuệ của Trưởng lão có năng lực vững chắc giống như tảng đá kiên cố. Với 3 pháp hành giới-định-tuệ kiên cố vững chắc như tảng đá của Trưởng lão, trong khi phiền não ma không có một chút năng lực nào, thì nó làm sao có thể lay động, quật ngã hay làm cho khiếp hãi được.

Chúng ta do nhờ thiện nghiệp nên đã được sinh làm kiếp người khó được trong cõi đời này, vì vậy khi gánh vác những trách nhiệm và phận sự thì nên làm sao cho ngày càng tốt đẹp hơn, để đem lại lợi ích cho thế gian, xã hội là mục tiêu thứ nhất, đem lại lợi ích cho thân quyến cộng đồng là mục tiêu thứ hai và mục tiêu thứ ba là lợi ích cho chính sự giác ngộ của mình như đức Phật đã chỉ dạy.

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung