Sunday, April 10, 2022

CÁC TỲ KHƯU Ở VƯƠNG QUỐC KOSAMBĪ

 


CÁC TỲ KHƯU Ở VƯƠNG QUỐC KOSAMBĪ 

Theo như bản chất của vô minh, thì họ chỉ biết ta đúng, người kia sai. Họ chỉ thấy ta hợp với chánh pháp, người kia không hợp. v.v…. Từ cái biết, cái thấy đó cho rằng bên trong của những người khác không có Phật, không có pháp, không có pháp hành giới-định-tuệ, chẳng có một cái gì khác cả. Bản chất của vô minh (si mê) là “atasmiṃ tabbuddhi: nghĩa là trong điều không phải thì lại biết điều ấy”. Do đó, dù là lời giáo huấn của đức Phật Toàn Giác cũng không thấy ra được là những lời dạy bảo đáng phải nghe theo. Khi ấy, đến đức Phật cũng đành phải buông tay từ bỏ.

 

Do bên trong của hạng phàm nhân thiện hoặc bất thiện mỗi khi có cơ hội thích hợp là chúng phát sinh, cho nên khi tâm bất thiện phát sinh con người cũng giống như loài vật, tâm tính như loài vật, hung dữ như loài vật, luôn luôn sân hận, không kham nhẫn, không biết tha thứ. Vì vậy, giả thuyết cho rằng con người là từ Vượn tiến hóa thành, điều này nếu đứng về khía cạnh nhân cách phẩm giá mà đánh giá, nhìn nhận thì quả là không sai. Còn nếu khi tâm thiện phát sinh thì con người lại giống như Phạm thiên, tâm tính như Phạm thiên, hiền hòa như Phạm thiên, luôn luôn có tâm thương yêu, thực hành các pháp từ-bi-hỷ-xả của Phạm thiên, biết kham nhẫn, biết tha thứ. Vì vậy, luận thuyết cho rằng con người là từ Phạm thiên tái sinh xuống, điều này nếu đứng về khía cạnh nhân cách phẩm giá mà đánh giá, nhìn nhận thì cũng quả thật không sai.

 

Do đó, hạng phàm nhân vì một nửa là súc sinh, một nửa là Phạm thiên, nên cũng có thể hung dữ như súc sinh, nhưng không phải lúc nào cũng hung dữ. Và cũng có thể hiền hòa như Phạm thiên, nhưng không phải lúc nào cũng hiền hòa. Sự hung dữ và hiền hòa chính là những bản tính nguyên sơ tiềm tàng của hạng phàm nhân. Vì vậy, không nên thả nổi, bỏ mặc bản tính nguyên sơ tiềm tàng ấy tự nhiên được. Nếu thả nổi để mặc nó tự nhiên thì tâm tính hung dữ sẽ trổi dậy mạnh mẽ lấn áp tất cả. Tại sao như vậy? Bởi vì trong cuộc đời khi vừa tái sinh làm người thì tâm tham, tâm bất thiện, một trong những nguyên nhân phát sinh sự hung dữ, sinh khởi lên đầu tiên vậy. Cho nên, bên trong của hạng phàm nhân bình thường, nếu không có sự để ý quán xét bởi chánh niệm và trí tuệ thì những tâm hung dữ sẽ luôn sinh khởi nhiều hơn.

 

Trong những tâm tính hung dữ và hiền hòa, hoặc bất thiện và thiện, mặc dù hung dữ hoặc bất thiện thường đánh bại hay chiến thắng sự hiền hòa hoặc thiện, nhưng đó cũng không phải là sự chiến thắng mang tính lâu dài hay vĩnh viễn, nó chỉ mang tính tạm thời, tức khắc mà thôi. Theo giáo pháp của đức Phật chỉ có tâm thiện mới là tâm có thể chiến thắng lâu dài và vĩnh viễn được mà thôi. Và khi tâm thiện trừ diệt được tâm bất thiện dành chiến thắng vĩnh viễn như vậy gọi là trở thành bậc Thánh nhân (Ariya). Vì vậy, trong 2 điều chánh pháp (dhamma) và phi pháp (adhamma), một khi nhân duyên chưa thích hợp thì chánh pháp dù có thất bại đi chăng nữa, nhưng đến cuối cùng chánh pháp vẫn luôn trừ diệt được hoàn toàn phi pháp và dành chiến thắng vĩnh viễn, chân lý này không thể nào sai chạy được.

Đối với những hạng người luôn xem trọng căn cứ nơi trí tuệ quán xét, vì luôn biết rằng theo sự vô thường của kiếp người thì trong một ngày nào đó sẽ chết. Cho nên, một khi chết đi đã nằm trong tay ‘thần chết’ rồi thì không còn ai hơn ai thua, ai phải ai trái, vì cuối cùng rồi cũng thành đống xương tàn hay tro cốt mà thôi. Do đó khi thực hành phương pháp thiền maraṇānussati: quán niệm về sự chết, thì sẽ diệt được những tâm không chấp nhận, tâm sân hận, ngã mạn; và cũng diệt được sự đối nghịch, chia rẽ tranh cãi. Vì vậy cho nên các vị Tỳ khưu ở ngôi chùa Ghositārāma đã gây dựng định tâm trên đối tượng niệm tưởng sự chết ấy, rồi từ đó dùng trí tuệ thiền tuệ quán các pháp do sự kết hợp cấu tạo thành (saṅkhāra) nên chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Đây là ý nghĩa chính yếu của bài kệ ấy.

Chúng ta cũng vậy, một khi những tâm không chấp nhận, tâm sân hận, ngã mạn sinh khởi lên, hãy nghĩ đến những sự kiện của các vị Tỳ khưu ở ngôi chùa Ghositārāma, để cố gắng trừ diệt được những tâm sân hận và ngã mạn ấy.


Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung