MAHĀDHAMMIKA
Sau khi chư Tỳ khưu đến bên cạnh bên giường của cận sự nam Mahādhammika, ông ta đã cung thỉnh chư Tỳ khưu ấy thuyết giảng, đọc tụng về Kinh tạng. Thể theo lời thỉnh cầu ấy, chư Tỳ khưu đã thuyết giảng, đọc tụng lại bài kinh Satipaṭṭhāna (Chánh niệm khắng khít, vững chắc). Đối với trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh thì bài pháp, bài kinh Satipaṭṭhāna (Chánh niệm khắng khít) là thích hợp nhất vậy.
Ông cận sự nam khi đang nghe pháp, nghe kinh Satipaṭṭhāna thì đồng thời cũng quán xét trạng thái, tính chất sinh-diệt của những điều sinh khởi lên ngay chính trên thân thể tổng hợp 5 nhóm, theo phương pháp hành trì chánh niệm khắng khít ấy. Nếu một khi sắc pháp nào sinh khởi lên thì sẽ để ý, chánh niệm nơi sắc pháp ấy rồi quán xét nguyên nhân, trạng thái sinh-diệt của sắc pháp ấy. Nếu một khi cảm thọ, cảm giác nào sinh khởi lên thì sẽ để ý, chánh niệm nơi cảm thọ, cảm giác ấy rồi quán xét nguyên nhân, trạng thái sinh-diệt của cảm thọ ấy. Nếu một khi tâm suy nghĩ sinh khởi lên, bất kể là tâm gì, có thể là tâm thiện hoặc cũng có thể tâm bất thiện, tâm nào thì tâm đều sẽ để ý, chánh niệm tâm ấy rồi quán xét nguyên nhân, trạng thái sinh-diệt của tâm ấy. Những tâm sở, thành phần còn lại của tâm, khi chúng sinh khởi lên cũng đều được quán xét với sự để ý, chánh niệm để thấy biết rõ trạng thái sinh-diệt của chúng. Ngay khi ấy, ông ta tự chính mình thấy biết rõ nguyên nhân và trạng thái sinh-diệt của những sắc (thân), thọ, tâm, pháp đanh sinh khởi ngay chính trên thân thể tổng hợp 5 nhóm (khandha) của mình.
Trong sự sinh-diệt liên tục không ngừng nghỉ ấy, khi thấy biết rõ được sự sinh là xa lìa được nhận thức hiểu sai chấp lầm chết rồi là hết (ucchedadiṭṭhi: đoạn kiến, tri kiến chết rồi là hết); khi thấy biết rõ được sự diệt là xa lìa được nhận thức hiểu sai chấp lầm kiếp này sao kiếp sau vậy (sassatadiṭṭhi: thường kiến, tri kiến loài gì chết đi sinh lại làm loài đó, không bao giờ thay đổi, người âm, cõi âm); khi thấy biết rõ được cả sự sinh lẫn sự diệt là xa lìa được nhận thức hiểu sai chấp lầm có linh hồn trong thân thể tổng hợp 5 nhóm này (sakkāyadiṭṭhi: ngũ uẩn tà kiến; tri kiến cho rằng trong thân thể tổng hợp 5 nhóm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức này có linh hồn ‘atta: cái tôi, cái ta thường hằng bất biến’). Một khi xa lìa được những nhận thức tri kiến sai lệch (diṭṭhi: tà kiến) thì sẽ thấy biết rõ sự thật không có con người, chúng sinh nào cả, chỉ là tính chất nhân quả sinh khởi liên tục không ngừng nghỉ của các pháp kết hợp tạo tác (saṅkhāra), cho nên cũng xa lìa được sự hoài nghi (vicikicchā). Sự xa lìa được nhận thức tri kiến sai lệch (diṭṭhi: tà kiến) và hoài nghi (vicikicchā) nhân quả sinh khởi liên tục này, tuy chưa phải là sự đoạn diệt tận gốc rễ nên chưa đạt đến quả vị bậc Thánh Nhập Lưu, mặc dù vậy lại đạt đến được địa vị bậc Thiện trí phàm nhân một phần giống như bậc Thánh Nhập Lưu (Cūḷasotāpanna: bậc Tiểu Nhập Lưu).
Vì vậy, ông cận sự nam
Mahādhammika là người đã có năng lực làm chủ được cuộc đời của chính mình, khi
có thể muốn tái sinh vào cảnh giới tốt nào y theo mong muốn của mình cũng được
cả. Chính tính chất này nên đã nói như ở trên rằng “ông ta đã có được nơi tái
sinh cố định”, trong các kinh sách Pāḷi gọi là “niyatagatika: người có nơi tái
sinh cố định” vậy.
Ông cận sự nam trong khi đang nghe pháp về bài kinh Satipaṭṭhāna đã đến thời gian sắp lâm chung, giây phút cận kề cái chết càng lúc càng gần vậy. Và theo như quy luật của thời gian sắp lâm chung, lúc gần chết sẽ có 1 trong 3 hiện tượng chắc chắn sẽ là đối tượng sinh khởi trong tâm người sắp chết, đó là: nghiệp, những việc làm trước khi chết; tướng trạng của nghiệp, những cảnh tượng, vật dụng trong khi làm, tạo nghiệp; và hình ảnh cảnh giới sẽ tái sinh vào. Lúc này, đối với ông cận sự nam chính là đối tượng hình ảnh liên quan đến cảnh giới sẽ tái sinh vào, hiện rõ trong tâm; đó là có 6 cỗ xe ngựa từ 6 tầng trời làm đối tượng hiện rõ trong tâm đến đón ông ấy.
Trong khi hạng phàm nhân thiện
trí với cái thấy biết rõ mới từ chánh kiến (sammādiṭṭhi), chỉ có trí tuệ là
cha, chỉ có trí tuệ là mẹ, nên khi làm việc phước thiện luôn phát nguyện vì
mong muốn chứng đạt sự an lạc tịch tịnh, vắng lặng của Niết-bàn, cao thượng hơn
gấp bội lần sự an lạc hạnh phúc của sinh tử luân hồi vậy. Dù họ có làm bất cứ
việc phước thiện nào cũng không đưa cái tôi, cái ta vào trong việc làm ấy. Khi ấy
chính “nương vào vô minh để làm cho trí tuệ (minh) sinh khởi lên”, cho nên việc
làm, sự kết hợp tạo tác (saṅkhāra) ấy là để đoạn diệt vô minh (avijjā) vậy. Một
khi đã làm được như vậy, thì ngay khi ấy cuộc đời của họ không còn thuận theo
trong dòng nhân duyên sinh khởi nữa, mà đã đi vào trong chiều ngược dòng nhân
duyên sinh khởi vậy. Khi vô minh bị đoạn diệt thì tham ái dính mắc sẽ bị đoạn
diệt theo; khi tham ái bị đoạn diệt thì sự bám víu chấp thủ cũng sẽ bị đoạn diệt;
khi chấp thủ bị đoạn diệt thì sự tạo tác nghiệp cũng bị đoạn diệt; khi nghiệp,
tạo tác đã bị đoạn diệt thì kiếp sống, cuộc đời cũng bị đoạn diệt; cuộc đời đã
bị đoạn diệt thì sự tái sinh, sự sinh khởi cũng bị đoạn diệt theo vậy. Và chính
khi ấy, cuộc đời của họ chỉ có việc là đang đi trên con đường cao thượng của bậc
Thánh, hướng thẳng đến nơi giải thoát khỏi sinh tử luân hồi là Niết-bàn vậy.
Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư
Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng
Myanmar của tác giả U Shwe Aung