Sunday, April 10, 2022

TRƯỞNG LÃO CAKKHUPĀLA

 


TRƯỞNG LÃO CAKKHUPĀLA

Trong các pháp thì tâm dẫn đầu. Tâm thống lĩnh. Tâm hoàn thành. Nếu khi nói hoặc làm với tâm bất thiện, thì do nói và làm với tâm bất thiện ấy, nên đau khổ luôn luôn theo mình, ví như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe vậy.

Dịch nghĩa một cách khác:

Trong 4 nhóm danh pháp (nāmakkhandhā) (nhóm thọ, nhóm tưởng, nhóm hành, nhóm thức), thì nhóm thức (viññāṇakkhandhā) là chính, là dẫn đầu. Nhóm thức (tâm) là thống lĩnh. Thành tựu là do nhóm thức. Khi một người nào với tâm bất thiện rồi nói, hoặc với tâm bất thiện rồi làm; thì người nói hoặc làm với tâm bất thiện ấy, sẽ bị quả báo khổ đau đeo bám theo sau, giống như bánh xe luôn theo sau dấu chân con bò kéo xe vậy.

Những gì đang xảy ra với chúng ta hôm nay (kiếp này), là do từ những gì chúng ta đã suy nghĩ, đã thấy biết của ngày hôm qua (kiếp trước) mang lại. Những gì chúng ta đang suy nghĩ, đang thấy biết hôm nay (kiếp này), sẽ xây đắp lên cuộc đời của chúng ta ngày hôm sau (kiếp sau).

Suy nghĩ (saṅkappa=tư duy) và thấy biết (diṭṭhi=tri kiến), nếu suy nghĩ và thấy biết đúng đắn, chân chánh, thì được gọi là chánh tư duy (sammāsaṅkappa) và chánh kiến (sammādiṭṭhi), thuộc thành phần trong 8 chánh đạo. Còn nếu suy nghĩ và thấy biết sai trái, lệch lạc, thì được gọi là tà tư duy (micchāsaṅkappa) và tà kiến (micchādiṭṭhi) thuộc thành phần trong tà đạo. Vì vậy, tư duy và thấy biết là những yếu tố cấu tạo nên cả 2 con đường ngược và xuôi của cuộc đời. Tuy nhiên, tư duy và thấy biết chỉ là 2 thành phần (2 tâm sở) của tâm. Vì vậy, chúng không thể tự phát sinh lên được, phải có tâm làm cho khởi sinh, do tâm dẫn đầu. Phải có tâm làm thống lĩnh. Và được tác thành là do tâm.

Những gì đang diễn ra với chúng ta đó gọi là bhava: cuộc đời, kiếp sống. Trong bhava: cuộc đời ấy, có 3 thành phần kết hợp nên. Đó là, phần vipāka: quả (quả của nghiệp), phần kamma: nghiệp (nhân) (thiện nghiệp và ác nghiệp), và phần kilesa: phiền não (là những phiền não được dẫn dắt bởi vô minh và tham ái). Do có phiền não (những yếu tố chính khiến tâm tạo tác), nên tạo ra thiện nghiệp, ác nghiệp. Do tạo ra thiện nghiệp, ác nghiệp nên quả của thiện nghiệp, ác nghiệp ấy phát sinh lên. Ở đây, phiền não là nói đến cấp độ phiền não ngủ ngầm, tiềm ẩn (anusaya kilesa). Do đó, nó được gọi là phiền não luân (hồi) (kilesavaṭṭa: những sự thôi thúc tạo tác không ngừng nghỉ). Nghiệp cũng là nói đến cấp độ tạo tác trong từng sát-na (nānakkhaṇika kamma) của thiện nghiệp, ác nghiệp. Do đó, nó được gọi là nghiệp luân (hồi) (kammavaṭṭa: những sự tạo tác không ngừng nghỉ). Quả là nói đến những thành quả chín muồi, kết quả của thiện nghiệp và ác nghiệp đã tạo tác không ngừng nghĩ ấy. Do đó, nó được gọi là quả luân (hồi) (vipākavaṭṭa: những thành quả sinh khởi tiếp diễn không ngừng nghỉ).

Trong hành trình cuộc đời này, chúng ta phải bước đi trên con đường mà chính những tư duy và thấy biết của chúng ta đã làm, đã gầy dựng ra nó. Chánh đạo hay tà đạo, đường đúng hay đường sai không phải do một ai khác làm ra, mà chính những tu duy và thấy biết của chúng ta tạo ra chúng. Thật ra, lịch sử của đời người, là chúng ta đi lại trên hành trình do những tư duy và thấy biết của chính chúng ta tạo nên. Cho nên, chúng ta chỉ là đang đi lại theo “nhật ký hành trình của cuộc đời” mà thôi.

Trong các pháp thì tâm dẫn đầu. Tâm thống lĩnh. Tâm hoàn thành. Nếu khi nói hoặc làm với tâm bất thiện, thì do nói và làm với tâm bất thiện ấy, nên đau khổ luôn luôn theo mình, ví như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe vậy.

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung