Sunday, April 10, 2022

SUMANADEVĪ

 

SUMANADEVĪ

“Người làm việc phước thiện ngay đời này cũng luôn tươi vui hạnh phúc; kiếp sau cũng luôn được tươi vui hạnh phúc; đời này và kiếp sau cả 2 cũng luôn được tươi vui hạnh phúc.

(Nguyên nhân là vì nghĩ rằng) Trong đời này ta đã làm được nhiều phước thiện rồi, nên rất thỏa thích hạnh phúc; trong kiếp sau cũng vậy, do nhờ quả báu của thiện nghiệp đã làm trong đời hiện tại nên khi có được cuộc đời mới nơi cõi thiện giới lại càng thỏa thích hạnh phúc hơn.”

Trong thế gian này, đối với việc làm phước thiện gồm 2 phương pháp, phương pháp làm theo bên ngoài Phật giáo và phương pháp làm theo bên trong Phật giáo. Phương pháp làm phước thiện theo bên ngoài Phật giáo đó là chỉ vì mong muốn có được danh tiếng, hoặc chỉ vì mong muốn hưởng thụ sự an lạc quả báu trong thế gian. Theo như những phương pháp này thì khi làm việc phước thiện luôn bị nhận thức, tri kiến “ta”, “của ta”, “vật thuộc ta sở hữu”. Luôn luôn cố gắng trong việc phát triển thiện phước lên hơn nữa, nhưng thiện pháp càng phát triển thì sự đầy đủ về kiếp sống, đầy đủ về vật chất sở hữu càng phát triển lên thêm, do vậy khó thoát khỏi sự tham đắm dính mắc. Cho nên, nếu làm phước thiện theo phương pháp bên ngoài Phật giáo như thế này, thì khó tránh khỏi sự nguy hiểm rơi vào 4 cõi khổ. Bởi vì những thiện phước “ta”, “của ta” như vậy, không thể cứu vớt được mình khỏi 4 cõi khổ được, do sự tái sinh vô định từ năng lực của nghiệp mà mình đã tạo vậy.

Thí chủ bố thí cũng dường phước thiện “asadisa: không ai sánh được” như Hoàng hậu Mallikā nhưng đến giây phút lâm chung hướng tâm sai lệch cũng rơi vào địa ngục như thường. Hay như Đại thí chủ hộ độ kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ 3 Đại Hoàng Đế Asoka, đến giây phút lâm chung cũng do hướng tâm sai lệch, hối hận đến việc làm bất thiện trước đây nên cũng tái sinh vào loài súc sinh vậy.

Bất kỳ phước thiện nào tạo thành từ nhân duyên căn bản “atta: ta” và “attaniya: của ta”, thì đó là vì chỉ làm theo “chánh kiến về nghiệp là của riêng mình” (kammassakatā sammādiṭṭhi), nên cũng đều thuộc loại gieo trồng hạt giống 4 cõi khổ mà thôi. Cho nên, nếu làm phước thiện chỉ với cách thấy biết bấy nhiêu thôi, thì có thể đúng là ngay đời này được hoan hỷ hạnh phúc, đúng là được tươi vui thỏa thích. Tuy nhiên, trong kiếp sau thì lại có thể có được hoan hỷ hạnh phúc mà cũng có thể không được; có thể có được sự tươi vui thỏa thích mà cũng có thể không được. Những câu chuyện của Hoàng hậu Mallikā, hoặc của Đại Hoàng Đế Asoka là minh chứng cho kiếp sau không hẳn có được sự hoan hỷ hạnh phúc vậy. Do đó, trong việc làm phước thiện, chỉ với chánh kiến nghiệp là của riêng mình vì không thể trừ diệt được “atta: ta” và “attaniya: của ta”, nên chánh kiếp về nghiệp là của riêng ấy nó không phải là loại chánh kiến đáng nương nhờ, đáng tin cậy. Vì vậy cho nên chỉ gọi đó là phương pháp làm phước thiện ngoài Phật giáo mà thôi.

Phương pháp làm việc phước thiện trong Phật giáo đó là phương pháp làm việc thiện phước để làm sao cho tất cả “nghiệp” càng ngày càng mỏng dần, vơi cạn dần đi, hoặc nếu một khi có được năng lực thì có thể làm cho nghiệp chấm dứt hẳn.

Phương pháp làm việc phước thiện ấy phải được làm bởi chánh kiến thiền tuệ (vipassanā sammādiṭṭhi) vậy. Mục đích đạt đến cao thượng nhất của người con Phật đó chính là Niết-bàn. Ngay khi nói đến Niết-bàn nghĩa là nói đến thực hành để chấm dứt “sinh tử” vậy. Để chấm dứt sinh tử thì phải cắt đứt “nghiệp”; mà để cắt đứt được nghiệp thì lại phải tiêu trừ chấp thủ nắm giữ; để tiêu trừ được chấp thủ thì lại phải đoạn diệt vô minh và tham ái. Do đó trong việc làm cho sự đoạn diệt tiến lên từng bậc từng bậc như vậy, chính là sự trừ diệt tất cả những cái ta, cái của ta luôn muốn nắm giữ, sở hữu mọi điều. Và để trừ diệt được điều đó theo như sự thấy biết trong Phật giáo thì không thể không có chánh kiến thiền tuệ vậy.

Đúng thật ra, “chánh kiến thiền tuệ” là pháp đặc biệt, cao thượng mới được thấy biết kể từ sau khi đức Phật chứng đạt quả vị Toàn Giác dưới cội cây Bồ Đề; trong khi “chánh kiến có nghiệp là của riêng” thì đã được thấy biết từ lâu dù đức Phật có xuất hiện hay không xuất hiện trên thế gian này. Vì thế cho nên, những người làm việc phước thiện với chánh kiến nghiệp là của riêng quả đúng là có được sự tươi vui, có được sự hoan hỷ hạnh phúc; tuy nhiên, trong kiếp tiếp theo sau có thể có được sự tươi vui, hoan hỷ hạnh phúc mà cũng có thể không có được những điều ấy, không có gì chắc chắn cả. Trong khi đó những người làm việc phước thiện với chánh kiến thiền tuệ thì không những chỉ trong đời này được tươi vui, hoan hỷ hạnh phúc, mà còn kiếp tiếp theo sau cũng chắc chắn được sự tươi vui, hoan hỷ hạnh phúc vậy. Trong kiếp sau sẽ có được sự hoan hỷ, an lạc hạnh phúc không thể nghĩ bàn được.

Do đó, để chỉ dạy rõ “không nên chỉ với chánh kiến có nghiệp là của riêng, rồi hài lòng nơi việc làm phước thiện trong kiếp sau không chắc chắn có được sự hoan hỷ an lạc, mà nên với chánh kiến thiền tuệ, rồi làm những phước thiện trong kiếp sau chắc chắn có được sự hoan hỷ an lạc”, cho nên đức Phật đã thuyết giảng bài kệ này vậy.

Theo như bài pháp được thuyết giảng này, chúng ta hiểu biết rõ rằng chánh kiến nghiệp là của riêng không thể đoạn diệt được “atta: ta, linh hồn” và “attaniya: của ta”; mà chỉ do chính từ chánh kiến thiền tuệ mới có năng lực làm cho “atta: ta, linh hồn” và “attaniya: của ta” vơi cạn dần, vơi cạn dần rồi cuối cùng đạt đến quả vị siêu thế gian, đoạn diệt được tận gốc rễ của chúng. Điều chính yếu muốn nói ở đây là theo giáo pháp của đức Phật, chỉ khi đoạn diệt được “atta: ta” thì mới chứng đạt được Niết-bàn vậy.


Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung