Monday, October 31, 2016

HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 23 – Thứ Sáu 31/7/2009) + (09) Ân Đức BHAGAVĀ:



CHÙA TAM BẢO
323 Phan Chu Trinh
Mùa An cư - Phật Lịch 2553 (Dương Lịch 2009)
HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 23 – Thứ Sáu 31/7/2009)
Do Ngài Hoà Thượng Pháp Sư - Đại Thiền Sư ASHIN KOVIDA
Thiền Lâm Viện Pa-Auk - Tiểu Bang Mon – Mawlamyine – Myanmar.

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
ÂN ĐỨC PHẬT BẢO (HỒNG ÂN PHẬT BẢO (tiếp theo)

Trong 9 Hồng Ân của Đức Phật:
Arahaṃ (1), Sammāsambuddho (2), Vijjācaranasampanno (3), Sugato (4), Lokavidū (5), Anuttaro purisadammasārathi (6), Satthādevamanussānaṃ(7), Buddho (8), Bhagavā (9).

+ (09) Ân Đức BHAGAVĀ:

ÂN ĐỨC THẾ TÔN  là Ân Đức Thứ Chín: (Ân Đức cuối cùng)
Gồm 2 chữ ghép lại: Bhaga+vanta:
+Bhaga: có nghĩa là Oai lực và
+vanta có nghĩa là thành tựu đầy đủ.

Thành tựu các oai lực nào: Issariya, Dhamma, Yasa, Sīri, Kāma, Payatta

(1)- Issariya:         Mỗi khi muốn điều gì thì đều thành tựu điều ấy,

(2)- Dhamma:       Các Pháp Siêu thế, 37 Phẩm Trợ Bồ Đề đều thành tựu đầy đủ.

(3)- Yasa:              Thành tựu về Danh Tiếng, dưới cho đến tận địa ngục Avīci (Ngục Atỳ), lên cho đến hết 20 cõi Phạm Thiên, tất cả 31 cảnh giới.

(4)- Sīri:                Thành tựu về sự vinh quang, chói sáng. Ngài có 32 tướng tốt của một Bậc Đại Nhân, và 80 vẻ đẹp phụ.

(5)- Kāma:            Mọi Đại nguyện khởi lên đều có thể thực hiện thành tựu được ngay lập tức. Ví dụ: Ngài sẽ đến cõi Tam Thập Tam Thiên, chỉ cần 2 bước chân là Ngài có thể đến được.

(6)- Payatta:         Ngài đã nỗ lực không ngừng nghĩ hoá độ chúng sanh cho đạt được Niết-bàn cao thượng, từ Nhân, Thiên, Phạm thiên… nên cả thế gian này đều kính quy Ngài.     
   
Câu hỏi 61:  Vì con cố gắng để đạt định, nhưng do nỗ lực, tâm con thường hay trạo cử vọng động? Có cách nào để loại trừ vọng động, xin Ngài hướng dẫn?  (Một cô tu nữ)

Trả lời:  
          Khi tinh tấn trội có nghĩa là ước muốn đạt định mạnh. Với sự nỗ lực như vậy, bạn đang hành thiền với sự nóng vội, Tấn gia tăng, tâm không an định được trên đối tượng, nó trạo tới trạo lui, (vọng động) phóng dật sinh khởi nên Định Giảm. Nếu tâm trạo tới trạo lui như vậy, nên thực hành (1) Định Giác Chi, (2) An Giác Chi và (3) Xả Giác chi. Ba Giác chi này cần được phát triển để quân bình với tinh tấn.

Trong lúc hành thiền, tâm nóng vội và tinh tấn mạnh, định đang yếu, thì phải nên thực hành định. Vì khi bạn nóng vội, tâm vọng động, trạo cử nhiều, Định thối giảm. Và như vậy khi trạo hối sinh khởi, thì Định và Tấn cần phải được quân bình. Để tăng cường Định, quân bình Định và Tấn nên giảm bớt Tinh Tấn. Khi Định và Tấn quân bình thì việc quán sát ghi nhận đối tượng trở nên dễ dàng hơn, định tỉnh sáng suốt hơn. Khi tinh tấn trội, thì nên tăng cường sự tập trung (định), giảm bớt tấn. Hãy nhớ như vậy.

          Để có Định, Satimahāvanto samādhi, thì niệm nên được áp đặt liên tục trên đối tượng. Nếu chúng ta đang theo dõi HTV-HTR, thì niệm (sự theo dõi) phải được thiết lập thường xuyên liên tục trên đối tượng hơi thở, cứ liên tục như vậy sẽ đạt Định. Gọi niệm vượt trội là không bao giờ có. Cần niệm (cần sự chú ý ghi nhận) thì có. Niệm thì lúc nào cũng cần (mọi nơi, mọi lúc). Nếu khi tinh tấn trội, cứ theo dõi ghi nhận liên tục HTV-HTR, thì hành giả sẽ đạt được Định.
Định đạt được rồi thì việc hành thiền tất nhiên sẽ tốt hơn.

Câu hỏi 62: Niệm hơi thở, ghi nhận hơi thở, hay biết hơi thở, theo dõi hơi thở, và quán hơi có khác nhau không bạch Ngài? (một cô tu nữ)

Trả lời: Niệm HTV-HTR có nghĩa là ghi nhận theo dõi HTV-HTR. Nếu thiết lập niệm được liên tục thì sẽ đạt được Định. Và nhờ năng lực Định mà đạt được các các loại quang tướng: Học tướng (uggahanimitta), tợ tướng (paṭibhāganimitta). Như vậy nói theo dõi nhận ghi nhận hơi thở chỉ mới gọi là niệm HTV-HTR thôi.

Khi đã đạt được tợ tướng rồi thì mới đến lúc gọi là nhìn, quán hơi thở. Có một ví dụ để gọi là nhìn hơi thở, thấy hơi thở: Sau khi theo dõi hơi thở liên tục, như vậy, vị ấy thấy hơi thở như một cột sáng rồi nhìn theo, sau đó thì lại thấy như một cụm bông gòn trắng, hoặc sẽ thấy như một viên ngọc trai tròn… Như vậy khi nhìn thấy hơi thở, thì thấy được mỗi hình dạng của hơi thở vào – hơi thở ra, nhìn thấy được hình dạng, ánh sáng, màu sắc của hơi thở (ổn định) đấy là tợ tướng hơi thở (Paṭibhāganimitta). Khi quang tướng hơi thở xuất hiện thì có thể nói hành giả quán được hơi thở. Sự khác biệt giữa niệm và quán là như vậy. Một hành giả niệm HTV-HTR, nếu niệm được liên tục: (niệm mạnh) thì Định sẽ mạnh. Khi Định mạnh thì quang tướng xuất hiện. Hay nói ngược lại, để quang tướng xuất hiện, trước tiên nên thiết lập thường xuyên liên tục sự ghi nhận, quan sát hơi thở. Và đến khi nhìn thấy được hơi thở có nghĩa là khi ấy quang tướng đã xuất hiện.

Trên đây là phần giải thích sự khác biệt giữa niệm hơi thở và quán (nhìn thấy) hơi thở. Niệm hơi thở là giai đoạn đầu, còn nhìn thấy hơi thở là giai đoạn sau. Điều này cần nên hiểu rõ như thế.

Câu hỏi 63: Khi sân xâm nhập, có khi nhẫn nại thì qua, có khi nhẫn nại rồi còn rãi tâm từ nữa, vậy bạch Ngài còn phương pháp nào để trị Tâm sân hận nữa không? (Anh Trực)

Trả lời:
Còn chớ. Đức Phật Ngài còn dạy phương pháp Cittānupassanā (phương pháp nhìn tâm, hay phương pháp tâm quán tâm) nữa, trong Kinh điển Pāḷi Ngài trực tiếp dạy như vầy:
sadosaṃ vā cittaṃ ‘sadosaṃ citta’nti pajānāti,  (Kinh Đại Niệm Xứ) –
(trước) tâm sân sinh khởi, (sau) biết tâm sân ấy, sân biến mất.

Như vậy có đến 3 phương pháp để diệt tâm sân:

1.    Khantī (kham nhẫn):      ‘‘Sīlasamādhipaññānaṃ, khantippadhānakāraṇaṃ;
Sabbepi kusalā dhammā, khantyāyattāva vaḍḍhare’’ti ca.
Để Giới-Định-Tuệ sinh khởi, pháp nhẫn nại là pháp thực hành đầu tiên. Hay
Để thành tựu Giới, Để thành tựu Định, Để thành tựu Tuệ, phải có sự nhẫn nại.
Nhẫn nại làm sanh tan biến.  

2.     Mettā (rải Tâm Từ):
Tâm Từ thì phải rải theo tuần tự có đúng vậy không?
Trước hết rải cho chính mình, thứ nữa là rải cho người kính trọng (thầy),
thứ đến cho người thương yêu (cha mẹ, anh chị, bà con), và cuối cùng đến kẻ thù.
Nếu rải tuần tự như thế, đến khi rải đến người khiến mình sân, thì sân tâm tan biến. Khi chưa rải theo tuần tự như vậy thì không nên rải tâm từ đến cho kẻ thù của mình trước. Rải tâm từ theo cách như vậy cũng làm sân tan biến.  

3.    Cittānupassanā (Quán Tâm): Tâm sau biết tâm trước, hay Tâm sau nhìn tâm trước
sadosaṃ vā cittaṃ ‘sadosaṃ citta’nti pajānāti,  (Kinh Đại Niệm Xứ) –

+ sadosaṃ vā cittaṃ:      những tâm cùng sanh với tâm sân
+ ‘sadosaṃ citta’nti:       được gọi là những tâm cùng sanh với tâm sân
+ pajānāti,                      biết
trước có tâm sân khởi lên, sau đó có tâm biết tâm sân khởi lên.

Tiếp tục quan sát như vậy liên tục gọi là phương pháp Tâm quán Tâm (cittānupassanā). Tiếp tục như vậy tâm sân sẽ tan biến.

Tóm lại: có 3 phương pháp: 1. Nhẫn (khantī), 2. Thiền Tâm Từ (Mettābhāvanā) và thứ 3 là: Quán Tâm (Cittānupassanā). 

Sādhu! Sādhu! Lành thay.

(Dứt buổi thứ 23)

Sunday, October 30, 2016

HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 22 – Thứ Ba 29/7/2009) + (08) Ân Đức BUDDHO:



CHÙA TAM BẢO
323 Phan Chu Trinh
Mùa An cư - Phật Lịch 2553 (Dương Lịch 2009)
HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 22 – Thứ Ba 29/7/2009)
Do Ngài Hoà Thượng Pháp Sư - Đại Thiền Sư ASHIN KOVIDA
Thiền Lâm Viện Pa-Auk - Tiểu Bang Mon – Mawlamyine – Myanmar.

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
ÂN ĐỨC PHẬT BẢO (HỒNG ÂN PHẬT BẢO (tiếp theo)

Trong 9 Hồng Ân của Đức Phật:
Arahaṃ (1), Sammāsambuddho (2), Vijjācaranasampanno (3), Sugato (4), Lokavidū (5), Anuttaro purisadammasārathi (6), Satthādevamanussānaṃ(7), Buddho (8), Bhagavā (9).

+ (08) Ân Đức BUDDHO:

ÂN ĐỨC PHẬT  là Ân Đức Thứ Tám:
Sabbadhamme buddhaheti buddho
- Sabbadhamme: Tất cả các Pháp
- Buddhati: biết được
- Iti tasma: vì thế
- Buddho: gọi là Phật
          Nghĩa là: Người biết được tất cả các Pháp nên gọi là Phật:

Cuddassahi ñāṇehi buddhassa Buddho.” Câu này có nghĩa là: “Bậc biết được bằng 14 loại trí, nên gọi là Phật:

          + + + Mười Bốn trí ấy gồm có:

          I>. Trí biết được về Bốn sự Thật (TỨ DIỆU ĐẾ)

          1. Trí biết rõ ràng về Khổ: Dukkhasaccā: (Khổ đế),
          2. Trí biết rõ ràng Pháp sẽ phải được loại trừ: Samudayasaccā (Tập đế),
          3. Trí biết rõ ràng Pháp liễu ngộ tức thì: Nirodhasaccā (Diệt đế),
4. Trí biết rõ ràng Pháp phải được phát triển: (Maggasaccā) (Đạo đế).
Và vì liễu tri được Bốn Sự Thật ấy bằng trí, nên Ngài có được 4 loại trí ấy. 

II>. Bốn Tuệ Phân Tích (Paṭisambhidāñāṇa): Tuệ Phân Tích (Paṭisambhidā) được gọi là vì Biết được nhân; biết được quả; biết thông suốt rõ ràng cả ý nghĩa, cú pháp ngữ pháp; phân tích được bằng nhiều ví dụ từ nông đến sâu.  

1. Attha Paṭisambhidāñāṇa: Tuệ Phân tích nhân (hetu)
2 .Dhamma Paṭisambhidāñāṇa: Tuệ Phân tích quả (vipāka)
3. Nirutti Paṭisambhidāñāṇa: Tuệ Phân Tích ngữ pháp (sadda)
4. Paṭibhāna Paṭisambhidāñāṇa: Tuệ Phân Tích 1 vấn đề bằng đủ các ví dụ (upamā, upmeyya)


         
III>. Sáu Tuệ đặc biệt (Asādhāraṇañāṇa): Chỉ có Đức Phật mới có được 6 Tuệ đặc biệt này mà thôi, các vị Thánh Tăng Đại Đệ Tử, các hạng Thanh Văn, không một chúng sanh nào có ngoài trừ Đức Phật.

1.    Indriyaparopariyattiñāṇa: Tuệ biết được căn cơ, Pāramī (Balamật) của chúng sanh đã đến hồi chín mùi.

2.    Āsayānusayañāṇa: Tuệ biết được nếu thuyết bài pháp này như thế nào đến chúng sanh này sẽ khiến cho họ lập tức liễu tri các Pháp theo tuần tự và chứng đắc được Đạo-Quả. Đức Phật Ngài biết được khuynh hướng mong mõi trong tâm của chúng sanh đó.


3.    Yamakapāṭihāriya: Thần thông song hành là Oai lực có thể thị hiện cùng một lúc nước và lửa thoát ra từ châu thân ngài. Nước từ bên mắt phải phun ra, lửa từ bên mắt trái phun ra, nước từ bên tai trái phun ra, lửa ở bên tai phải phun ra, những lỗ chân lông lỗ này phun nước, lỗ khác phun lửa. Toàn bộ khắp châu thân của Ngài có thể phun lửa và nước cùng một lúc. (Một lúc Tâm của Đức Phật có thể bắt được nhiều đối tượng – Đây là điều đặc biệt mà không một ai trong thế gian có thể có được. Chỉ có Đức Phật mới thị hiện được Thần Thông này) 

4.    Mahākaruṇāsamāpatti: Buổi sáng sớm, Ngài Nhập Đại Bi Định và quan sát thế gian. Số lần Ngài nhập rồi xã Đại Bi Định lên đến 2.400.000 lần trong một thời Thiền Định. (Một thời ngồi: Ngài Nhập rồi Xã Đại Bi Định hai triệu bốn trăm ngàn lần để quan sát thế gian để tìm kiếm người tế độ.)


5.    Anāvaraṇañāṇa: Tuệ biết được thông suốt, xuyên thấu mà không có bất kì một điều gì có thể ngăn che, cản trở. Khi cần khởi tâm muốn biết là biết ngay lập tức.

6.    Sabbaññutañāṇa: Tuệ toàn giác, Tuệ thông suốt tất cả các Pháp trong thế gian.
Sáu loại Tuệ trên chỉ có nơi một Vị Phật Toàn Giác mà thôi, các chúng sanh còn lại không thể nào có được.

Trên đây là 14 loại trí của một Vị Phật Toàn Giác nên Ngài có hồng danh là PHẬT.


Câu hỏi 60:  Xin Ngài cho con Biết về Māna (mạn), và đến lúc nào thì mới có thể tận diệt được Mạn? (Anh Trực)

Trả lời:  
- Mạn (māna) có đặc tướng là tính kiêu căng, tính ngạo mạn,
- Có nhiệm vụ và sự đối xử, so sánh,
- Có biểu hiện là sự dương dương tự đắc, “dương nhiễu phất cờ”, (ví dụ nơi một vị hành giả tưởng mình đã thông đạt các loại Trí).

- Nguyên nhân gần khiến mạn sanh khởi là Tâm Tham không hợp tà kiến (diṭṭhivippayutta).  

Trên đây là định nghĩa về mạn (māna) qua tướng trạng (lakkhaṇa), nhiệm vụ (rasakicca), biểu hiện (paccupaṭṭhāna) và nhân gần (padaṭṭhāna) trích từ Dhammasaṅganī-Atthakathā (Chú giải bộ Pháp Tụ - trang 297 (pāḷi))

+ Trong thế gian có 3 loại người:
1. Seyyapuggala:            Hạng thánh thiện, cao thượng,
2. Sadisapuggala:            Hạng người bình thường,
3. Hīnapuggala:               Hạng người thấp kém.

+ Trong mỗi hạng có các loại mạn sau:

1. Seyyamāna:      (thượng mạn, cao mạn) nghĩ rằng ta hơn người khác về 1 trong các vấn đề về: đức hạnh, về danh vọng, học vấn, hình thức (sắc tướng, dung mạo)…

2. Sadisamāna:      (đồng mạn) nghĩ rằng ta bằng người về các phương diện đức hạnh, về danh vọng, học vấn…

3. Hīnamāna:        (ti mạn, liệt mạn) nghĩ rằng ta thua kém người, cần gì ta phải quan tâm đến họ…
+ Hạng người thánh thiện, cao thượng thường có loại thượng mạn, cao mạn,
+ Hạng người bình thường, thường có loại đồng mạn,
+ Và hạng người thấp kém thường có ti mạn, liệt mạn.

Mạn khởi lên tương ứng như vậy gọi là như thật mạn, chân mạn (yathāvamāna). Các loại mạn tương ứng này là thường thấy đối với ba hạng người nói trên. Mạn thường thấy ở các vị thánh hữu học (sekhiya) là thượng mạn (seyyamāna) (Ví dụ: khi một vị đắc được đạo quả nào, vị ấy biết mình hơn những vị có đạo quả thấp hơn). Chỉ đến Thánh Đạo Alahán mới có thể loại trừ được loại mạn này (thượng mạn).  

          Có một loại mạn khác xuất hiện ở người khi không đắc được đạo quả, nhưng lại suy tưởng sai lầm rằng mình đã đắc được Đạo Quả, và khi ấy ngã mạn xuất hiện nơi vị ấy (mạn này không tương ứng, không đúng – phi chân mạn - Ayathāvamāna).

          + Vấn đề về Tà Kiến và Ngã Mạn (DiṭṭhiMāna ):

          Tà kiến (diṭṭhi) là sự suy tưởng sai lầm cho rằng Thân-Năm-Uẩn này Tự Ngã.
          Còn Ngã mạn, nghĩ rằng Thân-Năm-Uẩn này là của Ta.
          Mặc dù khác biệt về hình thức suy tưởng, về bản chất, chúng đều có đối tượng là Thân-Năm-Uẩn.

Khi có cùng chung một đối tượng là Thân-Năm-Uẩn, Tà kiến và Ngã mạn có chung đối tượng chúng sẽ cạnh tranh nhau.

          Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma):
Thì khi tà kiến (diṭṭhi) có mặt thì ngã mạn (māna) không có mặt, và ngược lại,
Khi Ngã mạn (māna) có mặt thì tà kiến (diṭṭhi) không có mặt.

Một ví dụ cho dễ hiểu là:

<Hai sư tử không thể ở chung một động,
Hai vua không thể cùng chung quốc độ,
Hai hùm không thể ở cùng nhau>.

Vào lúc Đức Thế Tôn còn tại tiền, Đại Đức Anuruddha chưa chứng đắc quả vị Thánh Nhập Lưu (Sotapanna) nhưng lại có Thiên Nhãn Thông (dibbacakkhu), có khả năng nhìn thấy được 10.000 thế giới. Ngài thấy được Thiên Giới, Địa Ngục giới,… 10.000 thế. Bất cứ khi nào Ngài muốn nhìn Ngài đều biết rõ, không có một vật cản nào phía trước có thể ngăn che được. Và chúng ta biết là Ngài Anuruddha rất là tinh tấn trong việc thực hành Pháp. Dù có nỗ lực, tinh tấn mấy nhưng Ngài vẫn chỉ là một vị Phàm, chưa chứng đắc được Đạo Quả nào cả. Ngài đã rất nỗ lực mà vẫn không đạt kết quả gì nên có những lúc mệt mỏi chán nản. Rồi vào lúc ấy Ngài Sariputta đi đến thăm ông và đã giáo huấn cho ông.

Vì Đại Đức Anuruddha đã thuật lại với Ngài Sariputta rằng: “Bạch Hiền huynh, con có thể thấy được 10.000 thế giới, có thể biết được 10.000 thế giới, Trí của con bén nhạy là vậy, nhưng tại sao con chưa đạt được một Đạo Quả nào cả?” Ngài Sariputta biết bèn nói: “Này Anuruddha, Hiền đệ hãy bỏ ngã mạn (māna) đi mà hành thiền, khi Hiền đệ nói rằng chính Hiền đệ có thể nhìn thấy được 10.000 thế giới, trí tuệ của Hiền đệ bén nhạy: ấy là Hiền đệ đang ngã mạn. Còn khi Hiền đệ nói: “Ta đã nổ lực, tinh tấn không ngừng nghỉ, không thối giảm như vậy, nhưng tại sao lại chưa đạt được Đạo Quả: ấy là Hiền đệ đang trạo cử, vọng động (Uddhacca-kukkucca). Hiền đệ hãy dẹp bỏ vọng động, trạo cử ấy đi.” Ngài Sariputta đã hướng dẫn như vậy. Được sự hướng dẫn như vậy, Đại Đức Anuruddha nhiệt tâm trừ ngã mạn, trạo hối - vọng động và hoài nghi. Chẳng bao lâu Đại Đức ấy đã đoạn trừ hết thảy mọi lậu hoặc và đắc được quả vị Alahán.     
   
Đại Đức Anuruddha dù có thiên nhãn thông cũng vẫn có những pháp chướng ngại như vậy đấy. Còn hạng phàm nhân chúng ta thì đừng nói là không có gì? Phóng tâm - vọng động – ngã mạn tất nhiên là có khởi rồi. Tuy nhiên đừng để ý đến, đừng có nghĩ đến chuyện dẹp bỏ ngã mạn này. (Vì không phải nghĩ đến chuyện dẹp bỏ ngã mạn mà ngã mạn dẹp bỏ được theo ý muốn chúng ta – chú thích người dịch). Phóng tâm vọng động đừng có để ý đến, (để ý đến càng khiến cho phóng tâm nhiều hơn (vì đó là không như lí tác ý, không khéo tác ý, vụng tác ý (ayonisomanasikāra) – ghi chú người dịch)).

Và như vậy mình càng đang để bụng không muốn nhìn, không muốn gặp những người mà mình không muốn nhìn, không ưa gặp. Đừng để ý như vậy. (Càng ghét thì càng để ý, mà càng để ý thì càng ghét.) Thường thì trong thế gian này càng để bụng bao nhiêu những ý nghĩ là Ta không muốn nhìn, không ưa gặp, không muốn biết những người mà ta không ưa nhìn bao nhiêu thì thì ngã mạn càng không thể tránh được chừng ấy. Kể cả để ý đến ngã mạn đã khởi lên cũng đừng chú ý đến nó. Cái gì đã qua rồi là xong, chỉ để ý đến đề mục chính được phát triển tăng dần theo từng giai đoạn. Phóng tâm vọng động đã khởi (uddhacca, kukkucca) đừng để ý đến làm gì. Đây là phương pháp mà Ngài Sariputta đã hướng dẫn Đại Đức Anuruddha và cuối cùng nhờ phương pháp này mà Ngài Anuruddha đã tận trừ được các lậu hoặc.

Lúc chưa nỗ lực hành theo phương pháp này, Đại Đức Anuruddha vẫn chưa đắc Đạo Quả Sotapanna (Dự Lưu Đạo Quả - Quả vị Nhập Dòng Thánh đầu tiên (diệt trừ được Thân Kiến (sakkāyadiṭṭhi) -Hoài nghi (Vicikicchā) và Giới cấm thủ (sīlabbataṃ).  
               
Sādhu!Sādhu!Lành thay.

(Dứt buổi thứ 22)


PHÁP TRÍCH
II. Phẩm Ðoạn Triền Cái
1.- Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, dẫn đến dục tham (Kāmacchandā) chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tịnh tướng (subhanimitta). Tịnh tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý (ayonisomanasikāra), đưa đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân (byāpāda) chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như đối ngại tướng (paṭighanimitta). Ðối ngại tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý (ayonisomanasikāra), đưa đến sân, chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên (thīnamiddha) chưa sanh đưọc sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như không hân hoan (arati), biếng nhác (tandī), chán nản (vijambhitā) , ăn quá no (bhattasammado ), tâm thụ động (līnattaṃ). Với người có tâm thụ động, này các Tỷ-kheo, hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
4. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến trạo hối (uddhaccakukkucca) chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tâm không được chỉ tịnh (cetaso avūpasamo). Với người tâm không chỉ tịnh, này các Tỷ-kheo, trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
5. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghi hoặc (vicikicchā) chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như không như lý tác ý (ayonisomanasikāra). Do không như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng quảng đại.
------------------------ (Dứt nguyên nhân sinh khởi, tiếp theo là nguyên nhân đoạn diệt)
6. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến dục tham chưa sanh không sanh khởi, hay dục tham đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tướng bất tịnh (asubhā) . Tướng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý (yonisomanasikāra), thời dục tham chưa sanh không sanh khởi, hay dục tham đã sanh được đoạn tận.
7. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như từ tâm giải thoát (mettā cetovimutti). Từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý (yonisomanasikāra), thời sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận.
8. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên chưa sanh không sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ kheo, như tinh cần giới (ārambhadhātu), tinh tấn giới (nikkamadhātu), dõng mãnh giới (parakkamadhātu). Người tinh cần tinh tấn, này các Tỷ kheo, hôn trầm thụy miên chưa sanh không sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được đoạn tận
9. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến trạo hối chưa sanh không sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tâm tịnh chỉ (cetaso vūpasama). Người có tâm tịnh chỉ, này các Tỷ-kheo, trạo hối chưa sanh không sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được đoạn tận.
10. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như lý tác ý (yonisomanasikāra). Nếu như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được đoạn tận.
Tăng Chi Bộ Kinh - Chương Một Pháp - Phẩm Đoạn Triền Cái (HT Minh Châu - Dịch Việt)

Tóm tắt bằng bảng:

+ NGUYÊN NHÂN SINH KHỞI:
1. Dục tham (Kāmacchanda)
Vì tác ý đến Tịnh tướng (hảo tướng) (subhanimitta) (nên dục tham khởi lên)
2. Sân (Byāpāda)
Tác ý đến đối ngại tướng (để ý đến tướng sân (paṭighanimitta)) nên sân khởi lên. (Càng ghét thì càng để ý, mà càng để ý thì càng ghét.)
3. Hôn trầm thuỵ miên (Thinamiddha)
Không hân hoan (arati), biếng nhác (tandī), chán nản (vijambhitā) , ăn quá no (bhattasammado), tâm thụ động (līnattaṃ)
4. Trạo hối (uddhaccakukkucca)
Tâm không được chỉ tịnh (cetaso avūpasamo)
5. Nghi hoặc (vicikicchā)
Không như lý tác ý (ayonisomanasikāra)

+ NGUYÊN NHÂN ĐOẠN TẬN:
1. Dục tham (Kāmacchanda)
Tác ý đến Bất Tịnh tướng (asubhanimitta)
2. Sân (Byāpāda)
Tác ý từ tâm giải thoát (mettā cetovimutti)
3. Hôn trầm thuỵ miên (Thinamiddha)
Tinh cần giới (ārambhadhātu), tinh tấn giới (nikkamadhātu), dõng mãnh giới (parakkamadhātu)
4. Trạo hối (uddhaccakukkucca)
Tâm được chỉ tịnh (cetaso vūpasamo)
5. Nghi hoặc (vicikicchā)
Như lý tác ý (yonisomanasikāra)

Con nên hiểu như thế nào là như lí tác ý (yonisomanasikāra) và không như lí tác ý (ayonisomanasikāra)?

*** Theo Tăng Chi Bộ Kinh - Chương Một Pháp - Phẩm Tinh Tấn: (Vīriyārambhādivaggo)
+ Do không như lí tác ý (ayonisomanasikāra):
- Sanh khởi các bất thiện chưa sanh
- Đoạn giảm các thiện pháp đã sanh,
>>> Không như lí tác ý (Tác ý không đúng đắn, để tâm đến đối tượng không thích hợp, đối tượng không nên để tâm) - Đấy là ayonisomanasikāra (không như lí tác ý - vụng tác ý).

+Do như lí tác ý (yonisomanasikāra):
- Sanh khởi các thiện pháp chưa sanh
- đoạn giảm các bất thiện đã sanh.
>>> đó là do như lí tác ý (Tác ý đúng đắn, để tâm đến đối tượng thích hợp, đối tượng nên để tâm) - Đấy là yonisomanasikāra (như lí tác ý – khéo tác ý)

*** Và trong Phẩm Làm Bạn Với Thiện (Kalyāṇamittādivaggo):
+ Do không như lí tác ý (ayonisomanasikāra):
- các giác chi chưa sanh không sanh khởi, và
- các giác chi đã sanh không đi đến tu tập viên mãn, --- đó là do không như lý tác ý.

+Do như lí tác ý (yonisomanasikāra):
- các giác chi chưa sanh được sanh khởi và
- các giác chi đã sanh đi đến tụ tập viên mãn, --- đó là như như lý tác ý.