Sunday, June 4, 2023

Bảy cách bố thí

 


1. Chuyện kể rằng có người nghèo nọ, do làm việc gì cũng không thành công, sinh lòng uất ức liền chạy đến khóc than với Đức Phật: “Duyên cớ làm sao mà con làm việc gì cũng không thành ạ?”

 

Đức Phật trả lời: “Đó là vì con chưa học được cách bố thí cho người khác.”

 

Người kia đáp: “Nhưng con nghèo khó như vậy, tiền mình còn không có thì biết bố thí cho ai!”

 

Đức Phật mới từ tốn dạy: “Một người cho dù hoàn toàn không có gì, vẫn có thể cho người khác 7 thứ”.

 

2. Thứ nhất, Nhan thí – cho nét mặt: Dù không có gì nhưng ai cũng có nụ cười, thái độ niềm nở, đều có thể đem cho những người mà mình gặp hàng ngày.

 

Thứ hai, Ngôn thí – cho lời nói: Lời nói chẳng mất tiền mua, lúc nào chúng ta cũng có thể lựa lời nói những điều ấm áp, động viên người khác, khiến họ cảm thấy được an ủi, vỗ về.

 

Thứ ba, Tâm thí – cho tấm lòng: Tấm lòng cũng chẳng tốn đồng nào, chỉ cần có cái tâm rộng mở, đối xử với mọi người chân thành, trung thực, thế cũng là đã cho đi rất nhiều rồi.

 

Thứ tư, Nhãn thí – cho ánh mắt: Dùng cái nhìn thiện ý, động viên có thể khiến một ngày của ai đó trở nên tốt đẹp hơn. Không phải bạn cũng từng ít nhất một lần cảm thấy phấn chấn hơn chỉ với một ánh mắt sao?

 

Thứ năm, Thân thí – cho hành động: Những hành động nhân ái, giúp đỡ người khác đôi khi còn giá trị hơn cả tiền bạc.

 

Thứ sáu, Tọa thí – cho chỗ ngồi: Khi đi tàu, xe hay thuyền, hãy nhường chỗ ngồi của mình cho người cần.

 

Phòng thí – cho nơi ở: Phòng ở còn trống, không dùng đến có thể cho người khác vào nghỉ ngơi.

 

3. Bố thí có rất nhiều cách, nhưng quan trọng nhất vẫn là có chân tình và cái tâm lương thiện, thì dù là bất cứ ai, sang hay hèn, đều có thể làm được. Những người vẫn đang hàng ngày đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, thực chất cũng là một dạng bố thí. Không nên hiểu bố thí theo nghĩa thương hại tiêu cực, mà bố thí ở đây nghĩa là cho đi, cho những cái mình có cho ai cần nó.

 

4. Nhiều người hay than thở sao mình cố gắng quá nhiều mà vận may chẳng đến, nghèo vẫn hoàn nghèo. Nếu cứ nghĩ mình đang làm thân trâu ngựa, phải trả nợ cho ai, thì chính là đang ôm bụng khí oán giận, cả đời không hết khổ. Còn nếu nghĩ là đang bố thí, cho đi, thì sẽ cảm thấy ấm áp, thoải mái yên lành. Yên lành rồi mới có thể giác ngộ mà thành công.

 

5. Việc nhà cửa vất vả, muôn vàn lo toan, nếu cứ nghĩ đó là trách nhiệm, nghĩa vụ sẽ chỉ thêm mệt mỏi; nhưng nếu nghĩ đó là đang bố thí trong gia đình, đang cho đi để những người mình yêu thương được vui vẻ, thì sẽ thấy đó là việc làm tự do tự tại, dễ chịu, vui vẻ. Bố thí, có thể trước mắt chưa thấy quyền lợi gì, nhưng quả của nó sớm muộn rồi cũng đến.

 

6. Bình thường cứ nghĩ bố thí là phải cho tiền ai đó nghèo khổ, phải đến trước cổng chùa phổ độ chúng sinh, bỏ tiền vào hòm công đức. Nhưng thực tế, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề. Bố thí bằng tiền bạc chỉ là một phần nhỏ, chứ chưa “tới”, chưa “đủ”. Biết bố thí và tạo phước cho người, thì cả hai đều có đức.

Xin hỏi sự khác nhau của đề mục hơi thở trong thiền định và đề mục hơi thở trong thiền quán?


 1-Hỏi: Xin hỏi sự khác nhau của đề mục hơi thở trong thiền định và đề mục hơi thở trong thiền quán?

Đáp:
A) TRƯỜNG HỢP HƠI THỞ LÀM ĐỀ MỤC THIỀN ĐỊNH (SAMATHA) có 5 giai đoạn: Tưởng tri -> Tầm -> Tứ -> Hỷ -> Lạc -> Nhất tâm.


(1) Tưởng tri: Tâm sở Tưởng nhớ về khái niệm “hơi thở” nơi đầu mũi.


(2) Tầm: Tâm sở Tầm hướng đến đầu mũi và xác định một điểm xúc chạm “duy nhất” của hơi thở nơi đầu mũi.


(3) Tứ: Tâm sở Tứ làm nổi bật điểm xúc chạm “duy nhất” này cho đến khi “quang tướng” của hơi thở xuất hiện.


(4) Hỷ: Tám sở Hỷ (cảm giác trên thân) khi thấy “quang tướng” hơi thở (1 trong 5 hỷ sẽ xuất hiện là tiểu hỷ, đản hỷ, ba hỷ, khinh hỷ, và biến mãn hỷ.


(5) Lạc: Cảm giác trên tâm khi “quang tướng” của hơi thở xuất hiện.


(6) Nhất tâm: Tâm sở Nhất điểm (tâm sở Định) chú tâm trên “quang tướng” của hơi thở.


(B) TRƯỜNG HỢP HƠI THỞ LÀM ĐỀ MỤC THIỀN QUÁN (VIPASSANA) (Tứ Niệm Xứ) có 3 giai đoạn: Tưởng tri -> Thức tri -> Tuệ tri


(1) Tưởng tri: Tâm Tưởng nhớ về khái niệm “hơi thở” nơi đầu mũi.


(2) Thức tri: Tâm thức (thân thức) nhận biết sự đụng chạm của hơi thở nơi đầu mũi. Sự đụng chạm này liên tục thay đổi lúc có lúc mất mỗi khi hơi thở vào, ra và vị trí xúc chạm cũng thay đổi theo.


(3) Tuệ tri: Tâm sở Tinh tấn cần phải sinh lên liên tục để duy trì sự chú ý của thân Thức mỗi khi có sự đụng chạm với hơi thở nơi đầu mũi. Tâm sở Chánh niệm sinh lên để quan sát trọn vẹn sự đụng chạm này mỗi khi hơi thở đi vào và hơi thở đi ra liên tục cùng tâm sở Tinh tấn. Tâm sở trí Tuệ (tỉnh giác) sinh lên theo để thấy biết sự vô thường (thay đổi liên tục), khổ (áp lực để thay đổi), vô ngã (không theo ý muốn) mỗi khi hơi thở vào, hơi thở ra.


Tâm sở:

Đề cập 3 khía cạnh triết lý, tâm lý, đạo đức khi bàn đến những gì hiện hữu (sa. bhava): Tâm (sa. citta), Tâm sở và Sắc (sa. rūpa). Tâm sở bao gồm Thọ (sa. vedanā), Tưởng (sa. saṃjñā) và 50 Hành (sa. saṃskāra), tổng cộng là 52 tâm sở. Trong số này, 25 có tính chất tốt lành (thiện và trung tính về phương diện nghiệp), 14 là Bất thiện (sa. akuśala) còn 13 bất định, nghĩa là có thể thiện, bất thiện hay trung tính tuỳ thuộc vào tâm (thức) mà chúng tương ưng.