Sunday, June 19, 2022

Suy niệm chân chánh về lý vô-thường

 



Suy niệm chân chánh về lý vô-thường còn là con đường dẫn đến mục tiêu tối hậu của người tu Phật. Ðức-Phật dạy:

 

"Này chư Tỳ-Khưu, hình thể (Sắc) này là vô-thường. Cái gì là nguyên nhân và cái gì tạo duyên cho thể xác này được cấu thành cũng vô-thường. Như vậy, có thể nào Sắc được tạo nên do những gì vô-thường, lại có thể thường còn không?"

 

"Thọ là vô-thường..., Tưởng là vô-thường..., Hành là vô-thường..., Thức là vô thường... Cái gì là nguyên nhân, cái gì tạo duyên cho Thọ, Tưởng, Hành, Thức phát sanh cũng vô-thường. Như vậy, có thể nào Thọ, Tưởng, Hành, Thức, phát sanh do những gì vô-thường tạo duyên, lại có thể thường còn không?"

 

"Nhận thức như thế, này chư Tỳ-Khưu, bậc đệ tử cao quý đã được giảng giải đầy đủ không luyến ái sắc, không luyến ái Thọ, ... Thức. Vì đã chấm dứt mọi luyến ái, vị này có tâm buông bỏ, không dám níu vào chính mình. Vì buông bỏ, vị này được giải thoát và trong khi giải thoát vị này biết là mình đã giải thoát và thấu hiểu: mọi tái sanh đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã được viên mãn, những gì cần phải làm đã được hoàn thành, không còn trở lại trạng thái này hay trạng thái kia nữa". (Samyutta Nikāya, Tạp A Hàm, Phẩm Khandha Vagga, WII, 18)

 

Và cũng trong Uẩn Phẩm này (Khandha Vagga), bài kinh 102 ghi như sau:

 

"Nhờ nhận thức được lý vô-thường mà nhiều vị Tỳ-Khưu phát triển và thường xuyên thực hành, chấm dứt mọi ái dục đeo níu theo Dục-Giới, chấm dứt mọi ái dục đeo níu theo Sắc-Giới và chấm dứt mọi ái dục đeo níu theo Vô-Sắc-Giới, chấm dứt mọi si mê, chấm dứt và tiêu trừ mọi ngã-mạn chấp rằng "đây là Ta".

 

"Cũng như vào mùa thu, người nông dân cày sâu cuốc bẩm, cắt tận gốc rễ để tiêu diệt cỏ dại, cùng thế ấy, này chư Tỳ-Khưu, nhận thức lý vô-thường, phát triển và thường xuyên thực hành, sẽ chấm dứt ái dục ..., chấm dứt và tiêu trừ mọi si mê, chấm dứt và tiêu trừ mọi ngã-mạn chấp rằng "đây là Ta".

 

Trong hai bài kinh trên Ðức-Phật dạy rằng vì không ý thức được thực tướng của vạn hữu là vô-thường nên con người mê muội chấp thể xác này, cùng với những cảm giác, tri giác, sinh hoạt tâm linh và những tư-tưởng là chính mình. Vì bị màn vô-minh che lấp mà chúng ta khư khư tự đồng hóa với ngũ-uẩn, chấp rằng ngu-uẩn là ta, ta là ngũ-uẩn. Vì bị si mê bao phủ như lớp mây mù dầy đặt mà ta thấy hư tưởng thực, thấy giả tạo cho là vững bền, thấy tạm bợ nhất thời ngỡ là trường tồn vĩnh cửu. Vì lẽ ấy, chúng ta cố chấp đây là "Ta", cái này là "của Ta". Do đó:

 

"Khi cái được gọi là "Ta" duyên vào vật ưa thích, tất có sự triều mến. Khi cái "Ta" bất mãn với vật không ưa thích, tất có ghét bỏ, giận dũi hay thù hận. Khi cái "Ta" thất bại, tất có sự đau khổ, âu sầu, phiền muộn, hối hận và tuyệt vọng sâu xa, có thể đưa đến quyên sinh hay gây án mạng cho người khác. Khi cái "Ta" lâm nạn, tất có sợ sệt. Khi cái "Ta" bị giới hạn trong ích kỷ hẹp hòi, tất có chia rẽ, ganh tỵ, thèm muốn, tham vọng. Khi cái "Ta" được thổi phồng, tự cao, tự đại, tất có ngã-mạn kiêu căng".

 

Cũng trong bài kinh trên, đoạn "Vị Tỳ-Khưu phát triển" có nghĩa là phát triển công trình hành thiền và đoạn "thường xuyên thực hành" là kiên trì thực hành pháp Tứ-Niệm-Xứ.

 

Người chuyên cần niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp sẽ thấu đạt thực chất của cái được gọi là "Ta" tức Thân, Thọ, Tâm và thế-gian rộng lớn bao quanh cái "Ta" tức Pháp. Người ấy sẽ thấy rằng không thể nói đến bất luận cái gì trên thế-gian này rằng cái này "tồn tại", bởi vì chính trong khi nói nó tồn tại thì nó đã đổi thay, đã trở thành một cái gì khác. Người suy niệm như thế sẽ nhận thức rằng tất cả sự vật trên thế-gian huyền ảo và tạm bợ nhất thời này tựa hồ như: "Giọt sương buổi sáng, lóng lánh trên đầu, ngọn cỏ và sớm tan biến khi những tia nắng bình minh bắt đầu rọi xuống, như bong bóng nước, như cái lằn gạch trên mặt nước, như hột cải để trên đầu mũi kim, như cái chớp trong đêm tối, như một khối bọt, như ảo cảnh, như giấc mơ ..."

 

Lúc bấy giờ hành giả đã phá chấp, không còn chấp vào cái "Ngã" nữa, đã vượt ra khỏi nó, không luyến ái, không Phật lòng, không tham cũng không sân, mà phổ cập hòa đồng với toàn thể, từ-bi vô-lượng, hỷ xả vô-biên. Lúc bấy giờ hành giả đã thoát ra khỏi mọi hình thức ái dục, dầu ái dục đeo níu theo Dục-Giới, Sắc-Giới hay Vô-Sắc-Giới, tiến đến những Ðạo và Quả của các tầng Thánh và cuối cùng đến sự giải thoát toàn vẹn ra khỏi mọi khổ đau, khỏi vòng luân hồi, không còn tái sanh trở lại nữa.

 

Vô-thường là thực tướng của tất cả các pháp hữu-vi, là bản chất của vạn pháp và như thế dính liền với mọi kiếp sinh tồn.

 

Nếu không có vô-thường ắt không có cải tiến. Nhưng nếu để định luật vô-thường biến đổi mình từ tốt ra xấu, từ trong sạch đến nhiễm ô, từ sáng suốt đến mê lầm thì rõ thật là tệ hại vô cùng.

 

Giáo-pháp dạy ta tinh tấn, kiên trì tinh tấn, tận lực tinh tấn, không ngừng nỗ lực lợi dụng bản chất vô-thường để gội rửa bợn nhơ trong tâm, làm cho nó trở nên thanh khiết, để chuyển lần từ ác đến thiện, từ bóng tối của vô-minh đến Ánh Sáng Chân-lý, từ mê lầm đến giác ngộ. Giáo-pháp dạy ta hãy chăm chú chân-chánh và thường xuyên suy niệm về bản chất không ngừng đổi thay của vạn hữu.

 

Ðó là cái chìa khóa sẽ giúp ta mở tung cánh cửa trần gian để thoát ra khỏi vòng quanh lẩn quẩn của mọi kiếp sinh tồn và vinh quang rực-rỡ vượt đến Châu Toàn, Tịch Tịnh Trường Cửu - Niết-Bàn.


Trích từ: Ba đặc tướng của đời sống

Phạm Kim Khánh