Vị Tỳ khưu Aññatara đã đến trình bạch lên đức Phật những tâm tư nguyện vọng ấy. Đức Phật đã quán xét những pháp chủ (indriya) của vị Tỳ khưu Aññatara già dặn hay non trẻ, rồi dạy đề mục thiền định-tuệ thích hợp với bản tính, hạnh nguyện và cho phép ra đi. Vị Tỳ khưu Aññatara ấy đã lên đường đến ngôi làng Mātika để thực hành pháp vipassanā.
Vị Tỳ khưu aññatara đã đến được
ngôi làng Mātika, khi nhìn ngôi thiền viện mình sẽ trú ngụ để thực hành pháp,
vì ngôi thiền viện đã từ lâu không có vị Tỳ khưu nào sinh sống nên bụi bám, lá
cây chất đống khắp nơi. Trong khi vị Tỳ khưu aññatara vừa trải qua một hành
trình vất vả, mệt nhọc nên không thể nào quét dọn vệ sinh ngôi chùa ngay được,
có sao ở vậy. Sau đó, trong tâm của vị Tỳ khưu ấy đã phát sinh lên mong muốn “Nếu
bà Mātikamātā cho người đến quét dọn vệ sinh ngôi thiền viện thì tốt biết bao!”
Bà Mātikamātā biết được điều mong muốn ấy, nên đã sai bảo một người đến quét dọn
vệ sinh ngôi thiền viện. Tiếp theo, tâm vị Tỳ khưu ấy lại mong muốn “Ước gì bà
Mātikamātā sắp đặt làm nước trái cây, mật ong rồi sai bảo người mang đến dâng
cúng thì tốt biết bao!” Bà Mātikamātā cũng đã sắp đặt nước trái cây và mật ong
rồi sai người mang đến dâng cúng theo ước muốn ấy.
Sau đó vị Tỳ khưu ấy với tâm suy
nghĩ mong muốn “Sáng sớm ngày mai, nếu bà Mātikamātā sắp đặt cháo và vật thực mềm
rồi sai bảo người mang đến dâng cúng thì tốt biết dường nào!” Bà Mātikamātā
cũng vậy, theo mong muốn của vị Tỳ khưu aññatara ấy mà sắp đặt cháo và vật thực
mềm rồi lại sai người đem đến chùa dâng cúng. Ngày hôm sau, vị Tỳ khưu aññatara
(không rõ họ tên) ấy lại mong muốn ở trong tâm “Nếu bà Mātikamātā chuẩn bị vật
thực, đồ tráng miệng cứng mềm để trai Tăng buổi trưa (ăn trưa), rồi sai người
mang đến thiền viện dâng cúng, thì thật là tốt quá!”. Bà Mātikamātā cũng lại sắp
đặt, chuẩn bị đầy đủ cơm nước vật thực như mong muốn của vị Tỳ khưu aññatara ấy
rồi sai bảo người mang đến cúng dường trai Tăng buổi trưa tại ngôi thiền viện.
“Ta mong muốn thế nào thì bà Mātikamātā đều sai bảo người khác đến dâng cúng và làm đúng y với tất cả những điều mong muốn ấy. Mặc dù vậy, ta vẫn chưa được gặp bà Mātikamātā; cho nên lần này đích thân Bà ấy đến thiền viện dâng cúng trai Tăng cơm nước vật thực thì tốt biết bao!” Vị Tỳ khưu ấy lại ước muốn trong tâm như vậy. Bà Mātikamātā cũng đã làm theo mong muốn của vị Tỳ khưu aññatara ấy, chính tự mình đến thiền viện cúng dường trai Tăng, dâng cơm nước vật thực lên vị Tỳ khưu ấy. Sau khi dùng cơm nước vật thực xong, vị Tỳ khưu aññatara đã hỏi bà:
Mātikamātā chính là nữ thí chủ phải
không?
Sau khi bà Mātikamātā trình bạch lại đúng chính là bà, vị Tỳ khưu aññatara ấy liền hỏi tiếp:
Nữ thí chủ là người biết được tâm
suy nghĩ của người khác phải không? Khi được hỏi như vậy, bà Mātikamātā bạch hỏi
lại:
Thưa Trưởng lão, sao Trưởng lão lại
hỏi như vậy?
Bởi vì những gì mong muốn trong
tâm của bần Tăng, cho dù mong muốn điều gì, nữ thí chủ cũng đều làm đúng y theo
tất cả những mong muốn ấy, nên mới hỏi như vậy. Khi được hỏi vị Tỳ khưu
aññatara đã nói cho bà Mātikamātā biết lí do hỏi như trên.
Bà Mātikamātā cũng đã trình bạch
lại rằng:
Kính bạch Trưởng lão! Ngay chính
trong thế gian này có rất nhiều người biết được tâm suy nghĩ của người khác.
Khi ấy, vị Tỳ khưu aññatara đã trực tiếp hỏi thẳng vào vấn đề rằng:
Này nữ thí chủ! Không phải bần
Tăng hỏi người khác, bần Tăng chỉ hỏi nữ thí chủ mà thôi.
Tuy vậy, bà Mātikamātā vẫn không trả lời thẳng câu hỏi mà chỉ trả lời gián tiếp rằng:
Kính thưa Trưởng lão! Những người
biết được tâm suy nghĩ của người khác thường có thể làm được những điều như vậy.
Bởi thật ra, những bậc Thiện trí thức không bao giờ đem đức độ của mình ra nói cho người khác; huống nữa là bậc Thánh Bất Lai như bà Mātikamātā thì làm sao lại có thể nói thẳng ra “chính mình là người biết được tâm suy nghĩ của người khác” được. Chính vì vậy mà các bậc hiền triết đã dạy: “attaguṇapakāsanaṃ nāma hīnalakkhaṇaṃ: sự nói ra đức độ của chính mình đó là tướng trạng, tính chất của người thấp hèn” vậy.
Khi ấy, vị Tỳ khưu aññatara đã rất kinh sợ, chính mình cũng không tin chắc, trong khi tuy bà Mātikamātā cũng không chịu công nhận trực tiếp nói ra, nhưng biết được tâm suy nghĩ của người khác là một điều có thật không thể chối cãi được. “Đối với chính mình, cũng như đối với bản chất của phàm nhân thì chính mình không phải là những người đã chiến thắng hay làm chủ được tâm của mình. Bởi cũng có thể suy nghĩ điều thích hợp (điều thiện tốt) và cũng có thể suy nghĩ điều không thích hợp (điều xấu ác). Nếu lỡ suy nghĩ những điều không thích hợp thì quả thật là đáng hổ thẹn. Vì vậy, chỉ có cách rời bỏ ngôi thiền viện này là cách tốt nhất cho mình” (tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách), với suy nghĩ và quyết định đó, nên vị Tỳ khưu aññatara ấy đã báo cho bà Mātikamātā biết mình không tiếp tục ở lại ngôi thiền viện này nữa, mà trở về bên đức Phật tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi.
Mặc dù bà Mātikamātā tha thiết thỉnh cầu ở lại, nhưng vị Tỳ khưu aññatara vẫn không dám ở lại ngôi làng Mātika, để nương nhờ bà Mātikamātā mà tu tập thực hành pháp (vipassanā) nữa. Vị Tỳ khưu aññatara tuy là một phàm nhân, nhưng lại là bậc có giới hạnh hoàn toàn trong sạch, có pāramī già dặn, vì vậy mới hổ thẹn và kinh sợ. Sự hổ thẹn đó chính là vì xuất phát từ nguyên nhân giới hạnh của phàm nhân mà hổ thẹn, gọi theo ngôn ngữ Phật học là “hirī” vậy. Trong khi sự kinh sợ, đó chính là vì xuất phát từ nguyên nhân bà Mātikamātā là người biết được tâm suy nghĩ của người khác mà kinh sợ, gọi theo ngôn ngữ Phật học là “ottappa” vậy. Bởi thật ra, sự hổ thẹn và sự kinh sợ là tính chất của thiện pháp. Do đó, những người biết tự hổ thẹn và những người biết tự kinh sợ gọi là “chư bậc Thiện Trí” vậy. Sự hổ thẹn và sự kinh sợ ở đây đó là nói đến sự hổ thẹn và sự kinh sợ từ những điều bất thiện, xấu ác; chứ không phải nói đến những sự hổ thẹn và sự kinh sợ từ những điều thuộc loại khác.
Sau đó vị Tỳ khưu aññatara ấy đã rời ngôi làng Mātika để trở lại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi về đến ngôi chùa Jetavana, liền trình bạch tường thuật lại đầy đủ mọi điều đã xảy ra tại ngôi thiền viện gần làng Mātika ấy lên đức Phật. Khi nghe trình bạch xong, đức Phật đã ban lời giáo huấn và dạy bảo Tỳ khưu aññatara nên quay lại ngôi thiền viện gần làng Mātika. Bởi thật ra, đức Phật đã quán xét biết được rằng, chỉ có nhân duyên nương nhờ đặc biệt (upanissaya) vào ngôi làng Mātika, vào bà Mātikamātā rồi nỗ lực tinh tấn thực hành pháp, thì vị Tỳ khưu aññatara này mới chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng, nên Ngài mới chỉ dạy vị Tỳ khưu ấy quay trở lại ngôi làng Mātika vậy.
Tiếp theo, đức Phật chỉ dạy Tỳ khưu aññatara không cần phải để ý đến bất cứ đối tượng nào bên ngoài, mà duy chỉ có dùng tâm của mình làm đối tượng rồi quan sát, theo dõi tiến hành thiền tuệ (vipassanā), thì không có gì phải kinh sợ bà Mātikamātā. Để tiến hành tu tập được như vậy, đức Phật đã thuyết dạy bài kệ để thực hành chánh niệm khắng khít (satipaṭṭhāna) trên tâm làm đối tượng thiền tuệ theo quan sát tâm (cittānupassanā) như sau:
(Dịch nghĩa bài kệ)
“Tâm rất khó giáo huấn; nó rất mau lẹ; nó muốn đến đâu là có thể đến đó.
Tâm ấy nếu giáo huấn cho nó thuần thục, hiền thiện thì rất tốt. Bởi vì khi tâm được giáo huấn thuần thục, hiền thiện nó sẽ mang lại sự an lạc.”
Trong hội chúng nghe bài pháp này, một số đã xin quy y Tam bảo trở thành những cận sự nam-nữ trong Phật giáo. Vì vậy, bài pháp này là bài pháp đem lại nhiều quả báu lợi ích, phát triển cho thính chúng vậy.
Đã là tâm thì rất khó giáo huấn cho nó thuần thục, hiền thiện. Cũng không nên giáo huấn tâm bằng cách thả cho nó tự nhiên theo mong muốn của nó mà không có sự giữ gìn, phòng ngừa. Và phương pháp giáo huấn tâm như vậy cũng không phải là phương pháp đúng đắn chân chính. Do đó, nếu giáo huấn tâm với phương pháp ấy, thì tâm không những không thuần thục, hiền thiện mà nó còn trở nên hoang dã, thô thiển hơn. Càng hoang dã, thô thiển hơn bao nhiêu thì tâm sẽ lại càng nổi loạn, hung dữ bấy nhiêu. Vì thế cho nên, phương pháp giáo huấn tâm như vậy thuộc về sự giáo huấn tâm cực đoan. Phương pháp giáo huấn tâm cực đoan như vậy có thể nói nó nằm trong pháp cực đoan gọi là “kāmasukhallikānuyoga: nghiêng theo sự thụ hưởng khoái lạc trong tham dục”.
Cũng không thể dùng phương pháp cứng rắn phi pháp đàn áp, ngăn cấm để giáo huấn tâm cho nó trở nên thuần thục, hiền thiện được. Theo đó, nếu dùng phương pháp cứng rắn phi pháp chèn ép, ngăn cấm để giáo huấn thì sự giáo huấn ấy lại rơi vào tình cảnh đối đầu trực tiếp với bản chất tự nhiên của tâm. Bởi thật ra, tự nhiên (sabhāva) luôn có một năng lực to lớn không thể biết hay đo lường được. Do đó, khi đối đầu trực tiếp với tự nhiên, “năng lực” tương phản sẽ quay trở lại, theo định luật đối nghịch, tự nhiên sẽ đối đầu trực tiếp lại vậy. Và khi đó, tâm không những không trở nên thuần thục, hiền thiện mà còn sẽ dữ dội, nổi loạn hơn. Phát sinh sự dữ dội, nổi loạn có nghĩa là trong tâm bị sinh bệnh vậy. Khi trong tâm bị bệnh thì có thể dễ dẫn đến vấn đề tâm thần (cittavedanā). Vì vậy, dùng phương pháp cứng rắn phi pháp đàn áp, ngăn cấm để cho tâm của mình trở nên thuần thục, hiền thiện cũng không phải là phương pháp đúng đắn, chân chánh. Cũng chỉ là một phương pháp cực đoan mà thôi. Phương pháp cực đoan này nằm trong pháp hành “attakilamathānuyoga: phương pháp hành hạ làm mệt mỏi sắc thân”.
Vì vậy, điều nói rằng rất khó giáo huấn tâm, đó cũng chính là tâm vậy. Do đó cho nên, trong việc giáo huấn để cho tâm trở nên thuần thục, hiền thiện cần phải thích hợp với “majjhimapaṭipadā: phương pháp thực hành quân bình, trung dung”. Bởi chỉ khi dùng thực hành quân bình, trung dung, hài hòa thích hợp thì đó mới là phương pháp đúng và tâm sẽ trở nên thuần thục, hiền thiện. Phương pháp giáo huấn thích hợp với pháp hành quân bình, trung dung, hài hòa đó chính là phương pháp thực hành chánh niệm khắng khít (satipaṭṭhāna) thiền quán nơi đề mục tâm “cittānupassanā: tâm làm đối tượng quan sát”.
Căn cứ vào phương pháp theo quan sát tâm (cittānupassanā), thì khi giáo huấn tâm điều cần thiết là biết được bản chất tự nhiên của tâm vậy. Bởi một khi biết được bản chất tự nhiên của tâm, thì mới có thể giáo huấn tâm trở nên thuần thục, hiền thiện được, bằng cách sử dụng pháp hành quân bình, trung dung, hài hòa (majjhimapaṭipadā). Bản chất tự nhiên của tâm, theo như trong bài kệ pháp bảo trên thì tâm rất mau lẹ. Chỉ trong một cái búng tay (tích tắc) có thể có đến 1.000 tỷ lần (một ngàn tỷ) lần tâm sinh-diệt. Tâm có thể mau lẹ, nhanh chóng đến như vậy.
Ngoài ra, tâm nó muốn đi đâu là đi. Không thể ngăn cấm rằng “đây là đối tượng không tốt, không nên đi”, sơ hở một chút là chạy đi liền. Cũng không thể khuyến khích rằng “đây là đối tượng tốt, hãy trú ở trên đối tượng này”, nó có thể đột ngột bỏ chạy khỏi đối tượng mà mình sắp đặt. Thỉnh thoảng có khi lại không biết tâm của mình đi đến đâu. Bởi thật ra, đã là tâm khi đặt để nó nơi đâu nó muốn ở thì ở, không muốn thì không ở nơi đó; trong khi không đặt để nó đến đó, nó không muốn thì không ở; còn nó muốn thì nó vẫn ở đó. Và ngoài ra nữa, mình có muốn đặt để thì đặt để, tâm nó muốn ở sao thì ở. Nó muốn đi sao thì đi. Tự bản chất của nó, tự mong muốn của nó, nó là một bậc Đế Vương. Những điều này chính là bản chất tự nhiên của tâm vậy.
Nếu không biết thì khó, còn nếu biết thì dễ. Sự không biết chính là avijjā: vô minh; sự biết chính là vijjā: trí tuệ. Do vậy, mình phải biết tâm của chính mình bằng cách dùng chánh niệm luôn luôn canh gác theo dõi nó. Nó muốn đi đâu hãy để nó đi, không sao cả; chỉ cần phải biết rõ là nó đang đi. Khi nó đi đến đối tượng tham muốn (lobha), thì phải biết rõ nó đang đi đến đối tượng tham muốn; hoặc khi nó đi đến đối tượng sân hận (dosa), thì cũng phải biết rõ nó đang đi đến đối tượng sân hận; hoặc mỗi khi nó đi đến đối tượng si mê (moha), thì cũng phải biết rõ nó đang đi đến đối tượng si mê. Ngoài ra, mỗi khi tâm đi đến một đối tượng thiện tốt (kusala) nào đó, thì cũng phải biết rõ tâm đang đi đến một đối tượng thiện tốt nào đó. Thậm chí tệ nhất đến nỗi một khi không biết tâm của mình đang đi đâu, đang đến đâu chăng nữa, thì tính chất không biết ấy cũng cần phải được cố gắng biết rõ bởi chánh niệm. Khi ấy, tâm của mình sẽ không thể lừa gạt mình được nữa. Và một khi tâm tham sinh khởi lên ở trong mình, thì bắt đầu biết rõ tâm tham đang sinh khởi lên; hoặc một khi tâm sân sinh khởi lên ở bên trong mình, thì cũng bắt đầu biết rõ tâm sân đang sinh khởi lên; hoặc một khi tâm si sinh khởi lên ở bên trong mình, thì cũng bắt đầu biết rõ tâm si đang sinh khởi lên. Hoặc khi một tâm thiện nào đó sinh khởi lên, thì cũng bắt đầu biết rõ một tâm thiện nào đó đang sinh khởi lên. Thậm chí đến ngay cả khi không biết tâm gì đang sinh khởi lên, cũng biết rõ không biết tâm gì đang sinh khởi. Mặc dù không biết đi nữa, nhưng phải biết rõ có một tâm đang sinh khởi lên, mà không thể nói rõ ràng chắc chắn được tâm ấy đang biết, hướng đến một đối tượng nào đó. Chánh niệm khắng khít (satipaṭṭhāna) theo quan sát (nhìn) tâm (cittānupassanā) có nghĩa điều quan trọng và chính yếu nhất là không phải hướng đến phần đối tượng mà tâm của ta đang biết điều gì; điều chính yếu và quan trọng là hướng đến phần tâm, chủ thể đang biết đối tượng ấy. Nghĩa là chủ thể tâm biết, hướng đến đối tượng kia trở lại làm đối tượng của chánh niệm khắng khít theo quan sát tâm vậy. (Nói một cách dễ hiểu đó là: dùng chánh niệm khắng khít, bám chặt để theo quan sát (nhìn) tâm, có nghĩa là không cần phải biết tâm mình đang suy nghĩ, đang biết, đang hướng đến điều gì, đối tượng gì, điều đó không quan trọng; điều quan trọng là phải biết được chủ thể tâm ấy đang khởi sinh lên suy nghĩ, đang khởi sinh lên biết, đang khởi sinh lên hướng đến một điều, một đối tượng, đó là điều quan trọng cần phải biết rõ. Nói tóm lại chủ thể tâm đang suy nghĩ, đang biết, đang hướng đến ấy, trở thành đối tượng chính yếu và quan trọng của việc quan sát, quán xét, nhìn tâm vậy. Lời người dịch).
Khi ấy, đối tượng của nó (chánh niệm khắng khít, bám sát) chỉ có tâm biết mà thôi. Bởi thật ra, trong phần đối tượng và phần chủ thể biết đối tượng, một khi lấy phần chủ thể biết đối tượng làm trọng tâm chính yếu để quan sát, quán niệm, thì theo một cách tự nhiên nhất là phần đối tượng của phần chủ thể biết ấy tự động có luôn ở trong đó. Phần chủ thể biết đối tượng đó chính là tâm vậy. Bởi vì đã là tâm thì một khi nó sinh khởi lên thì không thể tách rời đối tượng được, cho nên ngay khi nói đến tâm sinh khởi lên, thì cũng không thể nào tách biệt hay tránh khỏi sự dính dáng đến một đối tượng nào đó của tâm đang sinh khởi lên để biết, hướng đến đối tượng ấy. Vì vậy, khi lấy tâm làm chính yếu (đối tượng chính) rồi quan sát bởi chánh niệm, thì đối tượng của tâm ấy cũng tự động được quan sát bởi cách thức không phải chính yếu (đối tượng phụ). Trong sự quan sát như vậy, khi 3 nhân Thánh đạo thiền định gồm sati (niệm), vīriya (cố gắng), samādhi (định) chưa có năng lực, tuy “cái biết” còn mông lung, mơ hồ; nhưng một khi 3 nhân Thánh đạo có năng lực, thì đồng thời “cái biết” sẽ bắt kịp quan sát rõ ràng lên vậy. Trong 3 nhân Thánh đạo ấy, theo như “Satipaṭṭhāna: Niệm khắng khít, bám chặt” thì sati: niệm là chính yếu nhất. Khi sati là chính yếu thì đồng thời cũng cần làm cho vīriya: cố gắng có năng lực đạt đến nỗ lực không ngừng nghỉ đồng thời cũng trở nên quan trọng vậy. Khi sati và vīriya có năng lực mạnh mẽ, thì samādhi: định tâm sẽ sinh lên trong ấy; khi có samādhi sinh lên trong ấy, thì paññā: trí tuệ cũng sinh lên theo; một khi có trí tuệ sinh lên trong đó thì “cái biết” sẽ rõ dần rõ dần lên vậy. Và khi ấy, ‘tâm trước’ của mình dù chạy đi đến đâu chăng nữa, thì ‘tâm sau’ của mình sẽ biết rõ được nó chạy đi đến đó. Đến đây, sẽ biết rõ ‘tâm trước’ đối tượng bị quan sát của mình và ‘tâm sau’ chủ thể quan sát, cả 2 loại ấy luôn luôn sinh-diệt. Chính sự thấy biết trở nên như vậy gọi là có được trí tuệ biết “yathābhūta: hiện hữu rõ ràng như vậy” (yathābhūtañāṇa: trí tuệ như thật, có sao biết vậy).
Quan sát cho đến khi thấy biết rõ sinh-diệt, và một khi có được trí tuệ như thật, thì sẽ nhàm chán nơi các pháp tạo tác, thôi thúc (saṅkhāra), và đó là khi trí tuệ “nibbidā: nhàm chán phát sinh lên”. Và khi nào trí tuệ nhàm chán (nibbidāñāṇa) phát sinh lên, thì đồng thời cũng là lúc tâm sẽ trở nên thuần thục, hiền thiện. Sau đó, đến cuối cùng của sinh-diệt sẽ chứng ngộ trực tiếp Niết-bàn, diệt được nhân sinh khổ của bậc Thánh đó là tham ái do trí tuệ diệt tham ái (virāgañāṇa) phát sinh lên vậy. Khi ấy, tâm đã trở nên thuần thục, hiền thiện hoàn toàn; đã chứng đạt được Thánh đạo tuệ, Thánh quả tuệ và sự an lạc Niết-bàn rồi vậy.
Bài kệ pháp bảo này, là một bài pháp nêu ra phương pháp chánh niệm khắng khít bám sát theo quan sát tâm có thể đạt đến 3 loại trí tuệ gồm trí tuệ thấy biết như thật (yathābhūtañāṇa), trí tuệ nhàm chán các pháp có cấu tạo, thôi thúc (nibbidāñāṇa) và trí tuệ đoạn diệt được tham ái (virāgañāṇa), là nguyên nhân đưa đến chứng ngộ Á-rá-hán Thánh quả trực tiếp ngay hiện tại này.
Vị Tỳ khưu aññatara sau khi nghe được bài kệ pháp bảo này từ đức Phật đã quay trở lại ngôi thiền viện tại làng Mātika. Bây giờ vị Tỳ khưu aññatara không còn kinh sợ bà Mātikamātā nữa. Trong người vị ấy đã có khí giới tốt rồi. Khí giới tốt ấy được đức Phật trực tiếp trao cho đó chính là phương pháp chánh niệm khắng khít, bám chặt theo quan sát tâm vậy (cittānupassanā satipaṭṭhāna). Vị Tỳ khưu aññatara đã trú ngụ tại thiền thiện và nương vào vật thực từ bà Mātikamātā cúng dường, chỉ nội trong 2-3 ngày đã đoạn diệt hoàn toàn các phiền não trầm luân trở thành một bậc Thánh Á-rá-hán với đầy đủ 6 phép thần thông và 4 tuệ phân tích.
Sau đó, vị Tỳ khưu aññatara suy xét: “Hiện tại do nương vào bà Mātikamātā mà ta đã chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán, không biết trong sinh tử luân hồi bà Mātikamātā đã từng là chỗ tựa của ta không?” nên dùng thần thông quán xét và biết được trong quá khứ bà Mātikamātā đã từng 99 kiếp liên tiếp là người vợ của mình, vì đem tâm yêu thương một người đàn ông khác mà đã đang tâm giết chết chồng mình (ta). Khi ấy, vị Tỳ khưu aññatara, bậc Thánh Á-rá-hán ấy đã phát sinh rúng động theo pháp (dhammasaṃvega). Cũng trong thời gian ấy, bà Mātikamātā khi đang ở trong nhà của mình cũng đang quán xét đến tình hình của vị Tỳ khưu aññatara (không rõ họ tên), thì biết được vị ấy đã chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán và cũng thấy được đang phát sinh rúng động theo pháp, do vì trong quá khứ suốt 99 kiếp chính mình đã từng giết chết vị ấy.
Sau đó, bà Mātikamātā lại tiếp tục quán xét đến kiếp thứ 100 trong quá khứ, thấy biết vị Tỳ khưu aññatara này đã từng là chồng của mình, và lại thấy rằng trong kiếp ấy mình (bà Mātikamātā) đã vì chồng (Tỳ khưu aññatara) mà chịu hy sinh thân mạng. Khi bà Mātikamātā đang ở tại nhà mình, đã dùng thần thông tác bạch vị Tỳ khưu aññatara “xin Trưởng lão hãy tiếp tục quán xét lên thêm nữa”. Và khi vị Tỳ khưu aññatara với thiên nhĩ thông nghe được lời tác bạch ấy đã tiếp tục quán xét lên kiếp quá khứ thứ 100, cũng lại thấy biết được bà Mātikamātā với vai trò là người vợ của mình đã hy sinh thân mạng vì chồng (mình). Khi ấy, vị Tỳ khưu aññatara đã hoan hỷ những gì liên quan đến bà Mātikamātā, với ý nghĩ: “Ồ! quả thật bà Mātikamātā là người có ân nghĩa rất lớn đối với ta”. Vì vậy, vị ấy vẫn ở trong ngôi thiền viện của bà Mātikamātā, dùng thần thông, thuyết pháp về 4 Thánh đạo, 4 Thánh quả đến cho bà rồi tịch diệt Niết-bàn.
Câu chuyện này quả thật rất đặc biệt và kỳ lạ. Do đó các nhà lý luận, phê bình đã đúc kết “Chín chín (99) kiếp sống, giết hại chồng, giải thoát vào đạo quả”. (Nghĩa là dù trải qua 99 kiếp liên tục vì thương yêu người khác mà sát hại chồng mình, nhưng với pāramī và các pháp chủ đủ năng lực, thì những người hướng đến giải thoát, thực hành giới-định-tuệ đều có thể chứng ngộ 4 sự thật của bậc Thánh, chứng đạt được 4 Thánh đạo, 4 Thánh quả và Niết-bàn cao thượng vậy).
Trích từ Dhammapada Những Pháp
Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada
nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung