Tuesday, October 5, 2021

Quán về hơi thở

 


Quán về hơi thở

 

Ðối tượng thiền định căn bản trong pháp niệm thân là hơi thở. Trong bốn lãnh vực quán niệm, các phương thức tu tập về thiền quán đều được dựa trên nền tảng là pháp quán niệm hơi thở. Quán hơi thở là chú tâm ghi nhận và quán sát về hơi thở. Khi thở vào, ta ý thức rõ ràng về hơi thở vào trong suốt quá trình thở vào. Khi thở ra, ta ý thức rõ ràng về hơi thở ra trong suốt quá trình thở ra.

 

Khi quán niệm về hơi thở, ta tập trung tâm ý ở đầu chớp mũi, như thế sẽ dễ dàng nhận biết được hơi thở vào ra và cũng dễ dàng thu nhiếp tâm ý đi vào định. Con mắt tâm chỉ biết có hơi thở, không nghĩ suy về bất cứ điều gì khác. Ở đây, chỉ có hơi thở là vấn đề trọng yếu nhất mà ta phải để hết tâm trí vào.

 

Khi thở, ta vẫn thở bình thường, thở một cách tự nhiên. Tâm trí chỉ cần ghi nhận tỉnh biết từng mỗi một hơi thở vào ra. Ta nhận biết rõ ràng ta đang ở đâu, ta đang làm gì. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ðiều quan trọng là tránh sự lập lại bằng từ ngữ trong tâm trí "ta đang thở vào" "ta đang thở ra". Vấn đề quan trọng ở đây là ghi nhận khách quan "ta đang thở vào" "ta đang thở ra", chứ không phải đọc đi đọc lại mãi những từ ngữ đó trong tâm trí.

 

Khi thở, đôi khi ta thở với hơi thở ngắn, đôi khi ta thở với hơi thở dài. Ta chỉ cần ghi nhận một cách rõ ràng về chiều dài của mỗi hơi thở. Ta ý thức sáng suốt về từng mỗi một hơi thở vào ra trong từng mỗi sát na.

 

Khi thở vào một hơi thở dài, ta biết ta đang thở vào một hơi thở dài. Khi thở ra một hơi thở dài, ta biết ta đang thở ra một hơi thở dài. Chỉ cần ý thức khách quan về điều đó một cách đúng như thật. Tránh sự lập đi lập lại bằng từ ngữ "ta đang thở vào một hơi thở dài" "ta đang thở ra một hơi thở dài".

 

Khi thở vào một hơi thở ngắn, ta biết ta đang thở vào một hơi thở ngắn. Khi thở ra một hơi thở ngắn, ta biết ta đang thở ra một hơi thở ngắn. Chỉ cần ý thức khách quan về điều đó một cách đúng như thật. Tránh sự lập đi lập lại bằng từ ngữ "ta đang thở vào một hơi thở ngắn" "ta đang thở ra một hơi thở ngắn".

 

Trong quá trình thực tập quán niệm về hơi thở dài ngắn, ta chỉ cần ghi nhận một cách khách quan về chiều dài của hơi thở trong suốt quá trình thở vào và trong suốt quá trình thở ra. Khi hơi thở vào, ta biết là hơi thở vào. Khi hơi thở ra, ta biết là hơi thở ra. Hơi thở vào không là hơi thở ra. Hơi thở ra không là hơi thở vào. Khi hơi thở dài, ta biết là hơi thở dài. Khi hơi thở ngắn, ta biết là hơi thở ngắn.

 

Hãy an trú trong ý thức giác tỉnh. Tập trung tất cả tâm trí vào hơi thở trong suốt quá trình thở vào và trong suốt quá trình thở ra. Không dính mắc vào cái ta đang thở. Ngay lúc nầy và ở nơi đây, chỉ có một điều quan trọng tối yếu là chú tâm tất cả vào hơi thở và chỉ biết có hơi thở. Mỗi khi thở vào, mỗi khi thở ra, mỗi hơi thở dài, mỗi hơi thở ngắn, ta đều có sự nhận biết rõ ràng về điều đó. Thân tâm buông thả trong một tư thế thoải mái và vững chải. Hãy nhìn thẳng vào giây phút thực tại. Ðừng tiếc nuối về dĩ vãng. Ðừng nghĩ suy về tương lai. Ðừng mong cầu một điều gì. Nếu như tâm ý vẫn còn cố bám víu vào những mong cầu trong giờ phút quán niệm nầy, ngồi thiền để được an lạc, để đào luyện tính khí, để duy trì sức khỏe... điều đó có nghĩa là tâm ý vẫn còn bị trói buộc trong cái nhìn về tự ngã ta, về mục đích hành thiền của ta trong giờ phút nầy. Như thế, sẽ gây nhiều chướng ngại cho sự giải thoát và buông xả mọi vọng tưởng trong lúc thiền tập.

 

Khi thở vào, ta thở với hơi thở tự nhiên và bình thường. Ta biết ta đang thở vào, ta ý thức về toàn hơi thở vào. Ta biết ta đang ngồi và đang thở. Ta ý thức về toàn hơi thở vào trong suốt quá trình thở vào, từ lúc hơi thở vào cho đến khi hơi thở vào chấm dứt để bắt đầu cho một hơi thở ra. Hơi thở đang bắt đầu đi vào thân thể, đang vào được nửa chừng, đang bắt đầu chấm dứt, đã chấm dứt, ta đều nhận biết về điều đó một cách rõ ràng đúng như thật.

 

Khi thở ra, ta thở với hơi thở tự nhiên và bình thường. Ta biết ta đang thở ra, ta ý thức về toàn hơi thở ra. Ta biết ta đang ngồi và đang thở. Ta ý thức về toàn hơi thở ra trong suốt quá trình thở ra, từ lúc hơi thở ra cho đến khi hơi thở ra chấm dứt để bắt đầu cho một hơi thở mới đi vào. Hơi thở đang bắt đầu đi ra khỏi thân thể, đang ra được nửa chừng, đang bắt đầu chấm dứt, đã chấm dứt, ta đều nhận biết về điều đó một cách rõ ràng đúng như thật.

 

Như người thợ tiện đang chú tâm làm việc. Trong từng mỗi phút giây, người ấy đều nhận biết về sự việc mình đang làm một cách giác tỉnh. Khi xoay một vòng dài trên món đồ đang tiện, người ấy ý thức rằng đang xoay một vòng dài. Khi xoay một vòng ngắn, người ấy ý thức rằng đang xoay một vòng ngắn. Cũng như khi thở, ta ý thức về hơi thở bằng tất cả sự sáng suốt và tỉnh biết. Khi thở vào, ta ý thức rõ ràng về toàn hơi thở vào trong suốt quá trình thở vào, từ lúc bắt đầu thở vào cho đến lúc hơi thở vào chấm dứt. Khi thở ra, ta ý thức rõ ràng về toàn hơi thở ra trong suốt quá trình thở ra, từ lúc bắt đầu thở ra cho đến lúc hơi thở ra chấm dứt.

 

Kinh Bốn lãnh vực quán niệm được áp dụng để tu tập bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, đang đứng hay đang ngồi, đang nằm hay đang đi, lúc nghỉ ngơi hay đang làm việc. Cũng như người thợ tiện ý thức được công việc mình đang làm một cách giác tỉnh trong từng mỗi sát na.

 

Phương pháp thực tập về hơi thở khởi đầu là theo dõi hơi thở vào ra để nuôi dưỡng ý thức chánh niệm. Ta ý thức về chiều dài của hơi thở và toàn hơi thở. Khi hơi thở đã có sự lắng dịu, ta ý thức về sự an tịnh nơi hơi thở và điều hòa thân tâm để đi vào sự tịch tĩnh. Ta ý thức về hơi thở vào và sự lắng dịu nơi hơi thở vào trong suốt quá trình thở vào. Ta ý thức về hơi thở ra và sự lắng dịu nơi hơi thở ra trong suốt quá trình thở ra.

 

Khi hơi thở trở nên nhẹ nhàng, tưởng chừng như có như không, mọi sự vận hành trong thân thể bắt đầu tĩnh lặng. Ngay đây, ta phải dồn hết mọi nỗ lực để có thể ý thức được rõ ràng về hơi thở. Hãy tập trung tất cả tâm ý vào một điểm nhỏ nơi đầu mũi, như thế sẽ dễ dàng nhận biết được sự vào ra vi tế của hơi thở. Có sự tập trung mãnh liệt vào một điểm duy nhất như thế sẽ giúp ta an tịnh được hơi thở và đi vào sự định tâm tương đối dễ dàng hơn.

 

Khi thở một hơi thở vào, ta ý thức về hơi thở đang đi vào thân thể trong suốt quá trình thở vào. Ta ý thức hơi thở bắt đầu vào (sự sinh khởi của hơi thở vào). Ta ý thức hơi thở vào bắt đầu chấm dứt (sự hủy diệt của hơi thở vào).

 

Khi thở một hơi thở ra, ta ý thức về hơi thở đang đi ra khỏi thân thể trong suốt quá trình thở ra. Ta ý thức hơi thở bắt đầu ra (sự sinh khởi của hơi thở ra). Ta ý thức hơi thở ra bắt đầu chấm dứt (sự hủy diệt của hơi thở ra).

 

Ta quán niệm "có hơi thở đây" và hơi thở chỉ là hơi thở. Không có ta đang thở. Tất cả chỉ là hơi thở và hơi thở ở nơi hơi thở. Với sự quán niệm như thế đủ để giúp ta phát khởi được ý thức về hơi thở, để quán chiếu về sự vô thường của hơi thở.