Thực nghiệm bản thân để hiểu biết thân tâm; thiền còn giúp trị rất
nhiều bịnh như cao máu, ép tim, căng thẳng thần kinh, lo âu, phiền muộn… Nhưng
không thể giúp được người đã bị bệnh tâm thần… Vì sư đã gặp rất nhiều người sau
khi đã bị bệnh rồi xin giúp đỡ nhưng đành bó tay. Sự xen kẽ giữa thiền và kinh
hành sẽ làm cho máu chạy đều trong cơ thể. Không chỉ tọa thiền ta mới có
thể an trú trong chánh niệm, mà ngay cả khi đi, lúc đứng, lúc ngồi, khi làm
việc tại văn phòng cũng như trong cơ xưởng, hoặc ngoài đồng áng… chúng ta vẫn
có thể hành thiền. Phật đã nói: “Phật pháp không xa lìa thế gian pháp,
hoặc giả nếu không có đời thì cũng không có đạo.” Thiền cũng vậy “Không
có sự giác ngộ ngoài cuộc sống thường ngày.”
Bấy nhiêu đó đủ cho chúng ta thấy thiền không chỉ
dành riêng cho người xuất gia. Người xuất gia dù sao cũng có nhiều điều
kiện hơn, không vướng bận gia đình, họ có thể an trú trong một thiền thất ở nơi
vắng vẻ, không bị chi phối nhiều với cuộc sống bên ngoài. Do đó mà công
cuộc tiến tu của họ có phần dễ thành công hơn những người tại gia. Tuy
nhiên, những người tại gia vẫn có thể nghiên cứu và tập luyện thiền, hoặc tại
chùa, hoặc tại nhà. Nếu hành thiền tại nhà, cư sĩ tại gia nên cần được sự
hướng dẫn của một minh sư và của một số thiện tri thức thật tâm, thật
tình. Nếu cư sĩ tại gia mà đi đúng đường, hành đúng cách, vẫn có thể
thiền có kết quả; tuy nhiên, phải cần kiên trì và rất nhiều thời gian.
Thiền là trở về với thực tại, là sống tỉnh thức,
là hiện thực kinh nghiệm của chính bản thân mình, hoặc giả để hiểu biết thân
tâm. Như vậy trong thiền không có chứng đắc. Những ai mong cầu
chứng đắc không phải là tu thiền. Tại sao vậy? Tại vì cả thực tại,
tỉnh thức thân tâm ta, chỉ tại mê mờ mà ta đã lỡ dại dột đánh mất. Nay
thiền là tìm lại, chứ chứng đắc cái nỗi gì? Thân tâm, theo Phật dạy,
không phải được phát sanh do sự chứng ngộ vì thân tâm không sinh, không diệt
thì làm gì do cái nầy hay cái kia phát sanh được. Chúng sanh cho dù có
lăn trôi trong luân hồi sanh tử dưới nhiều hình thức khác nhau đi nữa, thân tâm
vẫn vậy, vẫn không sanh không diệt. Nhưng nếu chúng ta có chánh niệm thì sẽ cảm
nhận được sự vận hành của “PHÁP”.
Như vậy người hành thiền nên nhớ mà đừng đợi bất
cứ cái gì từ bên ngoài, đừng cầu chứng đắc. Có đối tượng đâu mà chứng
đắc? Người hành thiền chỉ nên cố mà “Tìm trở về với thực tại, sống tỉnh thức
để có thể quay về với cái thân tâm thường hằng không sanh không diệt của
mình.” Người hành thiền mà sống được như vậy đã là có đời sống giác ngộ
của thiền rồi. Hãy dẹp bỏ đi mọi khái niệm, mọi lý luận cho sự chứng
đắc. Chừng nào không còn ngôn từ nào nữa mà tự mình quay về với tự thân
để nhìn thấy bằng thực nghiệm tự tánh của mình, chừng đó chúng ta đã hoàn toàn
quay hẳn về với tự thể chiếu sáng của ta, chừng đó ta không còn bị thống trị
bởi thế giới của sinh diệt, của vui buồn, lo sợ, đẹp xấu, mất còn, thương yêu,
giận hờn, chừng đó là ta đã thật sự sống trong cái thế giới giác ngộ của thiền.