Friday, July 24, 2015

Phóng tâm là căn bịnh chính gây ra cho con người không biết bao nhiêu là đau khổ và não phiền.



 Chính cái phóng tâm nó che mờ lương tri và thúc đẩy ta chạy theo những dục vọng.  Nó là đám mây đen che phủ sự trong sáng của bầu trời.  Vì nó mà cái tâm vốn sáng suốt và tĩnh lặng của ta trở nên u tối và loạn động; cũng chính vì nó mà ta không còn biết đâu là chân, đâu là giả để phải ôm giả làm thiệt.  Vì nó mà ta không phân biệt được đâu là tà, đâu là chánh, đâu là hay, đâu là dở…

Đức Từ Phụ đã dạy rằng muốn cho ta đừng chạy theo dục vọng mà phải lãnh lấy khổ đau thì cách duy nhất là phải chận đứng phóng tâm.  Thế nào là phóng tâm?  Tâm là cái gì mà chả bao giờ có ai thấy được nó, còn tâm nó đã đè nặng xuống thân phận bé bỏng của con người từ vô thủy.  Thế mới thấy “Tâm” là đầu mối của mọi việc.  Chúng ta bắt nguồn từ một cái gì bao la thăm thẳm như bầu trời không một vẩn mây.  Thế rồi chính từ “Tâm” mà ta lạc bước vào những khu rừng vô minh không có lối ra.  Chúng ta lạc hết bước nầy đến bước khác; đi đến muôn vạn nẻo đường để rồi bây giờ không biết mình là ai.  

Không biết mình từ đâu tới, tên thật là gì; mình muốn làm gì và muốn đi đâu, mình cũng không biết nốt.  Hết ngày nầy qua năm khác, chúng ta cứ mãi dong ruổi đi tìm, mà tìm cái gì chính mình cũng không biết.  Tìm chưa được cái nầy thì đã mất cái kia… Cái “Tâm” mà bấy lâu nay dong ruổi, lạc bước để cho ta đến nỗi phải thân tàn ma dại ấy là phóng tâm.  Một người khéo tu, đừng dong ruổi nữa, đừng dài dòng biện luận nữa, mà hãy tìm cách kéo nó lại.  Tâm ta bấy lâu nay như một loài trâu hoang, đã dậm đạp và phá hại biết bao mùa màng của ta và của người, thế mà ta vẫn vỗ tay đồng tình.  Bây giờ tu rồi, thì trâu có đi hoang, ta kéo nó về.  Trâu có dậm đạp lúa mạ, ta cột nó lại… Cứ làm và làm mãi như thế cho đến khi trâu thuần mới thôi.

Mục đồng chăn trâu bằng dây vàm xỏ mũi, bằng những tiếng la hét, hoặc bằng những ngọn roi không nương tay.  Còn ta chăn tâm bằng gì?  Tâm chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài.  Mở mắt ra cũng không thấy, mà nhắm mắt lại thì càng không biết nó ở đâu.  Tâm không có thực thể, không có hình tướng.  Tâm chẳng phải là sự va chạm bên ngoài, mà cũng không phải là sự suy nghĩ bên trong.  Mắt thấy, tai nghe cũng không phải là tâm vì những người mới chết, mắt và tai họ vẫn còn đó, nhưng họ có thấy và có nghe được đâu?  Nếu nói rằng sự hiểu biết phân biệt là tâm thì khi rời cảnh vật hiện tiền, có còn sự hiểu biết phân biệt nữa không?  Nếu không thì sự hiểu biết phân biệt cũng chẳng là tâm.  

Nói đến tâm, càng nói càng khó hiểu.  Nếu ta đi sâu vào tâm thì không một bút mực nào có thể diễn tả cho cùng tột.  Vậy ta cứ tạm gọi tâm là cái “Thấy biết chân thật” đi.  Cái thấy biết chân thật nầy nó không cùng, không tận.  Nó như bầu trời trong, xanh thẳm, không một vẩn mây.  Nó không giả, không thật, vì hễ nói có “thật” ắt có “giả.”  Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy cũng lại như vậy, đều là bản chất của tâm.  Trăng chỉ có một, không thật, không giả.  Nếu ai vẫn còn chấp có cái thấy và cái bị thấy, ấy là chưa hiểu rõ bản chất của tâm.  Cái bản chất của tâm nầy không tự nhiên mà có, cũng không do nhân duyên mà sanh ra.  Nếu phàm phu chúng ta để tâm suy nghĩ và dùng lời để bàn luận về tâm thì chẳng khác chi những người quơ tay chụp bắt lấy hư không, chỉ thêm mệt chứ có bắt được gì đâu?  Có ánh sáng hay không có ánh sáng thì cái thấy biết chân thật nó vẫn còn đó; ta vì chưa hiểu rõ bản chất của tâm mà cho là không thấy biết, thế thôi.  Chính cái chỗ khó phân biệt nầy mà đa phần phàm phu chúng ta cứ mãi nhận giả là thật, rồi cứ tiếp tục lăn trôi trong dòng sanh tử luân hồi.

Thay vì thẳng đường đi, chúng ta không làm, mà chúng ta dừng hết trạm nầy đến trạm khác, góp nhặt hết rác rưởi nầy đến rác rưởi khác.  Theo Đức Phật thì tâm là cái gì vẫn thường còn khi rời cảnh vật hiện tiền.  Phải hiểu cho rõ lời Phật dạy thì ta mới có cơ hội giữ nó lại được.  Lời Phật dạy rất đơn giản và dễ hiểu: “Cái gì vẫn thường còn khi rời cảnh vật hiện tiền, đó là cái tâm.”  Như trên đã nói, mục đồng chăn trâu bằng giây vàm xỏ mũi, bằng những tiếng la hét, hoặc bằng những ngọn roi không nương tay… Tay cũng phải chăn giữ “Tâm” ta bằng những cách tương tự, cũng không nương tay bởi vì hễ hở ra một chút là nó vuột chạy.

Chúng ta lấy gì để chăn giữ “Tâm?”
Theo Đức Phật thì con đường duy nhất để phát trí tuệ rồi từ đó nhận biết được bản chất của tâm là phải trì giới và thiền định.  Không trì giới thì đừng nói đến chuyện thiền và chuyện định.  Làm sao mà định cho được khi con vượn vẫn còn chuyền hết từ cành nầy qua cành khác?  Như vậy, người Phật tử, dù xuất gia hay tại gia, muốn chăn giữ “Tâm” mình cho chuyên chính phải hội đủ ba điều kiện cần yếu:
1.   Dùng giới luật nhiếp phục tự tâm;
2.   Phải giữ giới tâm mới sanh định;
3.   Phải có định thì tâm mới phát trí tuệ. 

Biết rõ như vậy, nếu tâm chúng ta vẫn còn tham lam, dâm dục thì khoan hẳn ngồi thiền vì cho dù có thiền vạn kiếp đi nữa thì luân hồi sanh tử vẫn còn đó.  Tu hành là quyết chí buông bỏ trần lao, mà hãy còn tham lam dâm dục tức là chưa buông bỏ.  Theo Đức Từ Phụ thì những ai một mặt muốn tu, mặt khác vẫn còn tham lam dâm dục thì cho dù có phát trí tuệ cũng sẽ bị đọa vào ma đạo.  Đối với loại người nầy trí tuệ càng cao thì ma tham muốn càng cao.  Ma chúa chẳng  hạn; nếu thấp một chút thì làm ma dân.  Chính vì vậy mà trước khi nhập diệt, Đức Từ Phụ đã ân cần dặn dò Ngài A-Nan rằng: “Vào thời mạt pháp, chúng ma rất thịnh trong thế gian, ưa làm việc tham dục, xưng là thiện tri thức của chúng sanh, nhằm lôi kéo chúng sanh thay vì bước đi trên con đường giải thoát, lại đi vào hầm tà kiến, để rồi cuối cùng phải đi vào địa ngục với chúng. 

 Như vậy nếu tu thiền mà không đoạn lòng tham lam dâm dục thì cũng như người nấu cát mà muốn cho thành cơm thì cho dù có đời đời kiếp kiếp cũng không thành.  Đem tâm dâm dục tham lam ra mà cầu quả Phật thì chỉ có lòe được những ai nhẹ dạ, chứ làm gì ra khỏi được tam giới và luân hồi sanh tử; mà vẫn còn ôm cái gốc của luân hồi sanh tử thì đừng nói chi đến chuyện Niết Bàn.  Như vậy, trước khi muốn thiền định, hãy đoạn trừ tham lam, dâm dục, đoạn từ thân đến tâm; đoạn cho tới lúc chỗ nào cũng tinh khiết rồi hãy tính chuyện thiền, hay đạo và quả…” Khi dạy A-Nan lời nầy Phật không có ý làm nản lòng nản chí những ai muốn phát trí tuệ bằng con đường “Thiền.”  Tuy nhiên, Phật muốn cảnh tỉnh chúng sanh đừng để bị lọt vào lưới rập của Tham, sân, si mê.  Phật muốn chúng sanh đừng phí thời giờ dong ruổi thêm nữa, hãy bắt đầu từ trì-giới, hãy dùng tường vách của giới luật mà giữ “Tâm” ta lại rồi hẳn nói đến chuyện thanh tịnh, Niết Bàn.