Thursday, July 16, 2015

Tâm tạo tất cả; ba đường thánh, sáu cõi phàm đều do tâm tạo cả.



Tâm hoảng hốt giao động,

Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên, làm tên.
              Pháp cú 33

Tâm tạo tất cả; ba đường thánh, sáu cõi phàm đều do tâm tạo cả.  Trong Vi Diệu Pháp có phân ra. Tâm chỉ có một pháp thực tính là “biết cảnh”, trong khi tâm sở có đến 46 pháp thực tính, mỗi pháp thực tính lại có sự vận hành riêng đối với cảnh., “Ý dẫn đầu các pháp”. Ý là tâm (citta), các pháp là tâm sở (cetasika).

Tâm và tâm sở phối hợp với nhau theo một quy luật (niyāma), tuy tâm dẫn đầu các tâm sở nhưng tâm sở lại đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình hình thành ô nhiễm hay thanh tịnh.

Và còn nhiều thứ nữa.  Tuy nhiên, ở đây ta chỉ nói đến cái tâm nào để thiền mà thôi.

Tâm từ, Bi, Hỉ, Xả, là những nhân giải thoát, là những nhân đưa con người đi lên.  Còn tâm tạo ra sáu đường ác là do tham, sân, si làm chủ tể.  Con người vì bị vô minh che mờ nên sanh ra ái dục và ganh ghét; vì có ái dục nên khởi lòng tham; vì có ganh ghét, đố kỵ nên mới khởi tâm sân hận; vì do vô minh che phủ nên không có được ánh sáng trí tuệ…Vì si mê nên ta, thay vì thu nhặt được những trân châu mã não, thì ta lại đi gom góp những rác rưởi. 

Thay vì làm lành thì ta lại làm ác… Tất cả việc lành, việc dữ đều do tâm tạo ra.  Tâm nầy ai cũng sẵn có.  Tâm tu thiện thì thân an vui; tâm làm ác thì thân chịu khổ.  Vì tâm làm chủ của thân; thân chỉ là công cụ của tâm mà thôi.  Phật cũng do tâm nầy thành; đạo cũng do tâm nầy học; đức cũng do tâm nầy chứa; công cũng do tâm nầy tu; phước cũng do tâm nầy tạo; họa cũng do tâm nầy làm.  Tâm chánh kiến thì thành Phật; tâm tà thì thành ma.  Tâm từ là người cõi trời, tâm hiền thì làm người; tâm ác thì thành quỉ.  Tâm là hạt giống của tất cả tội phước.

Chúng ta ai cũng muốn tu để thành Phật cả.  Mà tu cho được thành Phật thì phải dùng cái tâm gì?  Như trên đã nói, tâm chánh kiến thì thành Phật.  Như vậy tâm chánh kiến là tâm như thế nào?  Theo đạo Phật, tâm chánh kiến là một cái tâm bình thường, không sợ hãi, không vui, không buồn, không thương, không ghét, không giận, không tham, không si, không mê; tâm chánh kiến không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu… Bởi vì một khi đã quyết chí tu thì chẳng có gì đáng lo âu khiếp sợ, cũng chẳng có gì đáng vui hay đáng buồn. 

Người Phật tử luôn giữ cho mình ở trạng thái bình thường.  Ngoài ra người Phật tử cũng nên nhận biết không thể nào gấp gáp trong việc học đạo.  Không phải chỉ một ngày một bữa mà có thể thành Phật được.  Cần phải có thời gian lâu dài để thực hành những điều Phật dạy; rồi nương theo những đạo lý ấy mà liên tục luyện tập thì mới có thể thành đạt được.

Làm sao để có được tâm chánh kiến?

Tâm chánh kiến là tâm vắng lặng, bình thường, không sợ hãi, không vui, không buồn… Tâm chánh kiến là tâm có thể nhận biết được tất cả những sự việc xảy ra quanh ta.  Nó không vắng lặng như cái tĩnh mịch của đêm khuya, mà nó vắng lặng với không dao động.  Nó chính là cái tâm thiền định; nơi đó hình ảnh, ngôn từ, và khái niệm đều đoạn diệt.  Nó chính là một trong những nghệ thuật sống tuyệt diệu của đời sống.  Chính ở sự tuyệt diệu vô cùng đặc sắc của nó mà ta sẽ không bao giờ học được cái tâm chánh kiến nầy từ ai, và cũng không ai có thể cho ta mượn được; mà ta phải cảm nghiệm nơi chính ta, ta phải nhìn lại và trở về với chính ta. 

Hãy trở về mà nhìn cho kỹ lại ta từ cách đi, cách đứng, cách ăn, cách nói, cách tán gẫu, cách ta thương ai, ghét ai, giận ai… Nếu ta thấu rõ hết những gì trong tâm ta như vậy là ta đã đi được hai phần ba đoạn đường thiền rồi đấy (nghĩa là ta đã về với thực tại và sống tỉnh thức rồi, giờ chỉ còn thực hành chính ta để kinh nghiệm những gì đang diễn biến trong thân và tâm mà thôi).  Thấy như vậy, ta biết ta có thể thiền với cái tâm chánh kiến ngay trên xe, lúc đi tản bộ, hoặc giả ngay cả lúc đang nhìn những người thân yêu của ta. 

Đạo Vô Thượng Bồ Đề, Chánh Đẳng, Chánh Giác đơn giản như vậy thôi.  Tâm của người tu thiền cũng không thể nào vượt ra ngoài những điều nầy.  Tâm của người sẽ không bao giờ thể hiện được bằng lời nói và lý luận, mà nó chỉ thể hiện được bằng sự thực hành.  Người tu thiền bằng tâm chánh kiến sẽ không có một pháp nào để nói, ngoại trừ việc trì giới một cách tinh chuyên và hành thiền một cách rốt ráo.