Còn phải hành trì theo những điều đã học được. Tuy nhiên,
điều quan trọng nhất vẫn là tìm về chính mình. Nghĩa là xuyên qua những
thực nghiệm để hiểu biết thân tâm. Muốn được như vậy tâm ta phải thanh
tịnh. Muốn tâm được thanh tịnh, ta phải tu. Ở ngay điểm nầy, người
tu thiền phải vô cùng cẩn trọng. Trở về với chính mình không có nghĩa là
bỏ Phật, bỏ pháp; mà là trở về ngay với Phật, với pháp đấy. Chính vì cái
không hiểu, hoặc hiểu lầm, hoặc chấp chặt nầy mà có một số người đã không giữ
giới, bất cần kinh điển, mà cũng không y nương theo kinh điển. Giới mà
giữ chưa xong thì cho dù có gia công tu cả vạn triệu kiếp đi nữa vẫn không bao
giờ thấu đến, rồi sa vào mê lộ của tà giáo, phỉ báng kinh pháp, mất đi những
thiện căn của chúng sanh đang muốn tu làm Phật vậy.
Làm sao tu tâm?
Nếu nước rửa được những dơ bẩn của thân, làm cho
thân được mát mẻ, thì giáo pháp của Phật có khả năng rửa sạch những bẩn nhơ của
tâm, làm cho tâm trở nên thanh tịnh. Nếu nước nuôi sống được vạn vật, làm
cho hoa cỏ nẩy mầm tươi tốt, thì giáo pháp của Phật có công năng khai thông tâm
trí và làm trổ hoa Giác Ngộ.
Như vậy tu tâm là một bước vô cùng quan trọng
trong tiến trình giác ngộ và giải thoát như kinh Phật đã từng dạy.
Việc trước tiên là mình phải trở về với cái “tui”
của mình mà tạo ra các pháp lành với tất cả mọi người. Rồi sau đó Phật từ
sẽ gia hộ cho ta có được cái tâm Bồ Đề kiên cố cho ta xa bể khổ, lìa bến mê để
đi đến bờ giác ngộ. Chúng ta phải tự phấn đấu với chính ta để đặt cho
được sự thanh tịnh vào lòng ta, chứ không ai có khả năng làm việc đó cả, đừng
mong cầu. Thời gian như tên bay, nó không chờ, không đợi một ai.
Thấy vậy để đừng đợi. Chúng ta sẽ không còn nhiều thì giờ nữa đâu, mạng
sống của chúng ta giảm dần. Mỗi cái nhức đầu sổ mũi là một cái thông điệp
báo cho ta sự chết gần kề. Nhân lúc còn khỏe mạnh, hãy tinh tấn tu hành,
hãy tu tâm dưỡng tánh để xa lìa bể khổ nguồn mê mà quay về bờ giác.
Tu không đòi hỏi điều kiện hay hoàn cảnh nào
hết. Có đủ duyên xuất gia thì sự tu sẽ dễ dàng hơn. Không đủ duyên
tu ở nhà, ở chợ, hay ở sở làm cũng đều được. Chỉ cần có quyết tâm nói
thiện thì làm thiện, nói bố thí thì làm bố thí, chứ không nói suông. Cái
gì đáng nói thì nói; cái gì không đáng nói thì không nói. Không tin bậy,
không nói bậy, không làm bậy. Biết tham, sân, si là bậy nên không tham,
sân, si. Chỉ cần lắng đọng tâm hồn, thức tỉnh lòng quảng đại, hủy diệt cố
chấp nhỏ nhen, và đem lòng từ bi mẫn chúng mà ban rải cho đời. Hằng ngày
tránh dữ làm lành; việc thiện dù nhỏ cũng quyết làm; việc ác dù nhỏ cũng quyết
tránh. Xả bỏ đi những oán hờn, đố kỵ, ganh ghét và tranh chấp trong
ta. Xem những lời khen chê như gió thoảng mây bay; những thị phi như nước
chảy qua cầu. Không nên vì một phút giận dữ mà gây nên chuyện đáng
tiếc. Đừng bao giờ để cho mình phải có sám hối, vì sám hối chỉ làm nhẹ
những mặc cảm tội lỗi về mặt tâm lý, chứ ác nghiệp vẫn còn đó. Tuy nhiên,
Phật khuyến khích người con Phật mỗi khi phạm lỗi nên biết chân thành sám hối,
vì có như vậy ta mới tránh được những lỗi lầm trong tương lai. Làm được
như vậy là tu tâm; làm được như vậy chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời đầy ý nghĩa
và đáng sống vô cùng; làm được như vậy thì con đường đi đến đất Phật của chúng
ta chỉ toàn là kỳ hoa dị thảo với hương thơm ngạt ngào. Làm được như vậy,
hãy thử nhìn vào gương mà coi, miệng chúng ta lúc nào cũng chợt nở nụ cười, cho
mình và cho người. Đó chính là tu, là đạo, là con đường đi đến giải
thoát.
Ngoài ra, hãy còn hai điểm vô cùng quan trọng mà
mỗi người trong chúng ta đều nên nhớ. Ấy là hai căn bệnh trầm kha của
phàm phu từ vô thủy. Thứ nhất là lúc nào cũng thấy mình hay, mình giỏi,
mình trong sạch, mình tu nhiều, mình tốt hơn người; rồi từ đó sanh ra chê bai
người là nhơ nhớp, xấu xa. Kỳ thật, chính mình không trong sạch mà cứ
tưởng mình sạch. Chân mình còn lấm mê mê, lại đi cầm đuốc mà vê chân
người. Từ cái chỗ chỉ thấy toàn là lỗi của người nên hở một cái là oán
trách người, hở một cái là chê bai bằng hữu. Làm như vậy, tu đâu chưa thấy,
trước mắt chỉ thấy làm cho bạn bè thêm loạn động và phiền não. Như vậy
lúc thiền, tâm ta sẽ tĩnh lặng và ta sẽ thấy những gì mình làm sai, làm trái để
từ đó quay về với thực tại. Nếu thấy giới mình chưa giữ, thiền mình chưa
hành, xin hãy quay về mà đóng cửa lại, mà tìm cho được chính mình trước
đã. Đừng chạy đông, chạy tây nữa chi cho phí thêm thời giờ vô ích.
Hãy về học tập và hành trì lấy chữ thiền cho đúng nghĩa thì chẳng những ta được
trí tuệ, mà ta lại còn được thêm chữ nhẫn nữa để khi đối diện với mọi người ta
sẽ không còn dám khinh ai, hoặc chê ai. Lúc đó, trước mắt ta chỉ toàn là
những vị Phật tương lai.
Phật tử ơi! Xin hãy tu tập và hành trì ngay bây
giờ, ngay trong đời kiếp nầy đi. Đừng chờ, đừng đợi vì thời gian nó có
chờ đợi ai đâu; đừng để đến hưu trí, hoặc chờ đến già, hoặc chờ rảnh rang rồi
hẵn tu. Chúng ta sẽ không có cơ hội đâu nếu chúng ta cứ mãi chần
chờ. Đừng để đến lúc quá muộn, thời gian tu tập sẽ quá ngắn, không đủ để
giải trừ những tiền nghiệp, hoặc tạo thêm thiện nghiệp đâu. Đừng để đến
khi nhắm mắt xuôi tay, đôi vai thì trĩu nặng nghiệp mới, trong khi nghiệp cũ
vẫn còn nguyên. Lúc đó chẳng những không tránh được luân hồi sanh tử, mà
còn e rằng chúng ta còn phải sa vào tam đồ ác đạo nữa là khác. Đừng bao
giờ mê tưởng rằng thiền là niệm ác cũng không có, mà niệm thiện cũng không
còn. Ờ! với Phật thì quả là đúng như vậy. Tại sao? Tại
vì với các Ngài, ác nghiệp đã xong, bình đã cạn, thì đâu cần phải chứa thêm gì
nữa? Còn với ta, xin hãy coi chừng, ác nghiệp còn cõng, mà đòi thực hành
không thiện, không ác, e rằng chưa phải lúc. Hãy cẩn trọng!!!