GIỚI CẤM THỦ
Giới cấm thủ: Theo nghĩa
kinh điển thì đây là chấp thủ vào những pháp hành, hình thức, tập tục, lễ nghi
sai lạc, chỉ đưa đến ngu si, đau khổ chứ không thể mang lại ánh sáng và hạnh
phúc.
Vào thời Phật tại thế có
hai người ngoại đạo, một tên là Puṇṇa, một tên là Seniya. Puṇṇa sống theo hạnh
của con bò, gọi là "ngưu hành giả". Seniya sống theo hạnh của con
chó, gọi là "cẩu hành giả". Họ sống như con thú mà họ đã chọn. Cũng
trần truồng, đi bằng 2 chân, 2 tay; ăn uống, đại tiểu tiện... như chó và bò. Và
họ tin rằng, sống như vậy giúp họ tẩy sạch nghiệp cũ, ngăn chặn nghiệp mới; sẽ
chấm dứt đau khổ và được hạnh phúc trường cửu sau khi chết.
Đấy là hình ảnh chấp thủ
vào pháp hành sai lạc.
Loại giới cấm thủ khác,
là chấp vào, tin vào, thực hành theo những giới cấm, những hình thức tế tự đầy
mê tín, như: Lễ lạy, cúng kiếng ông táo, gốc đa, thần núi, thần sông... Và tin
vào sự cứu rỗi, được hưởng phước, trừ họa... nhờ vào các hình thức, lễ nghi ấy.
Loại giới cấm thủ khác nữa.
Ví như có người tu Phật, không chịu tu theo bố thí, trì giới, tham thiền, không
tu theo giới định tuệ; mà họ tin rằng, chỉ thờ tự, tụng kinh, thờ cho nhiều Phật,
Bồ-tát; làm chùa to; Phật lớn, trai đàn chẩn tế cho thật nhiều, nghĩa là chỉ tu
theo hình thức lễ nghi thôi, vậy là rơi vào giới cấm thủ (Thậm chí, tin rằng có
thể giải thoát do tu một pháp hành nào đó mà không liên quan đến Tứ diệu đế
cũng gọi là giới cấm thủ - theo Thanh tịnh đạo).
Ngay chính những người tu
Phật đàng hoàng, chân chính, lúc giữ giới, nếu không có trí tuệ chiếu soi,
không thông hiểu giáo pháp căn bản dễ rơi vào giới cấm thủ này. Họ giữ giới
nhưng không hiểu nhân quả của giới, sự lợi ích của giới, sự đối trị của giới...
nên dễ rơi vào sự chấp thủ vào giới mà chính họ đang giữ.
Ví dụ: Trong giới điều về
chuyện nên làm và không nên làm, tóm tắt, có câu: "Vị tỳ-kheo không nên
đem cho đến kẻ thế dù là một que tăm hay một cọng cỏ...". Vì giữ giới mà
không hiểu nguyên nhân đức Phật chế định giới ấy, cứ nhất quyết không cho ai,
dù một que tăm, một đĩa cơm thừa, một đồng bạc cắc... thế là rơi vào giới cấm
thủ. Thật ra, đằng sau câu trên còn có lời giải thích nữa: Của cải tài sản ở
chùa đều là của Tam Bảo, một que tăm, một cọng cỏ mà chưa được sự đồng ý của
Tăng (Saṅghā) thì ngay chính vị trụ trì cũng không được phép cho ai, tặng ai vì bất cứ
lý do gì!