Con trai con dâu nhiệt tình kết hợp đông tây y, gọi cả thầy
lang đến châm cứu, mua nhiều sữa tốt cho. Con dâu xin nghỉ phép để chăm, bưng
bô tắm rửa cho mẹ chồng, bà cảm động chẳng dám chê trách nó về ý ăn ý ở.
Được ba hôm thì bà giục nó đi làm kẻo công việc đình trệ,
cũng vì yên tâm có đứa cháu gái đang nghỉ hè.
Trước khi đi làm con dâu ngoái cổ lại hỏi: “Mẹ ăn cháo nhé,
để con mua”. “Mẹ không thích cháo” thế mà nó chả hỏi thêm câu “Mẹ ăn bún, hoặc
ăn bánh nhé”, liền bảo con nấu bát mì cho bà, bà nghĩ thầm ăn mì cũng được.
Ai ngờ cháu học lớp 10 rồi mà chẳng biết nấu mì gạo, nó úp
cho bà bát mì tôm với quả trứng, bà nhai trệu trạo, bà có hay mì tôm đâu, cũng
chẳng thích trứng, tanh lắm, nhất là khi bà đang mệt thế này. Nhưng bà chẳng
còn hơi sức đâu mà kêu ca, bởi hơi mở miệng ra rên rỉ hay góp ý là nó lại dài
giọng: “Bà, suốt ngày rên, nếu mệt thật thì người ta chẳng đủ sức mà kêu đâu ạ”.
Nên bà im, con cháu vào mang bát đi rửa thấy bà để lại nguyên quả trứng thì mặt
nhăn lại, làu nhàu: “Bà lãng phí”. Bà thở dài.
Cuối tuần cũng là ngày giỗ ông nội nó, cả nhà tụ họp đông đủ,
ra vào nấu nướng tấp nập. Chuẩn bị lên mâm thì bà bỗng có nhu cầu liền gọi con
trai: “Mày đỡ mẹ đi với”. Mặt nó càu cạu: “Chán chả sao, giờ lại giở dói ra, bà
thật” làm bà chỉ muốn khóc. Phải như khi bà khỏe mạnh bà đã chả cần nó, bà đã hất
tay nó ra rồi nhưng giờ bà phải nhịn.
Được hơn chục hôm thì bà nhúc nhắc tự ngồi dậy, bác sỹ
khuyên nên vận động nhẹ nhàng cho cơ hồi phục dần dần. Bà gọi cháu: “Mày dìu bà
đi lại tập đi tí con ơi”. Nó bỏ cái điều khiển TV, vùng vằng chạy ra đỡ bà vẻ
chẳng thoải mái, đi được tí lại kêu mỏi. Bà chạnh lòng nhớ lại cái ngày bà còng
lưng dạy nó tập đi, rồi đánh vèo một cái nó lỉnh sang nhà hàng xóm, chạy theo
nó mỏi chân, mệt lử…
Có thời gian bà mới ngồi suy ngẫm, nghĩ lại nước mắt cứ chảy.
Ông là liệt sỹ, bà có mỗi thằng con trai bao nhiêu tình cảm yêu thương dồn hết
vào nó, rồi nó lấy vợ, sinh ba đứa con gái.
Thương con thương cháu bà chẳng ngại ngần chăm lo cho chúng
từng tí một để con cái yên tâm công tác. Bà nào có ý nghĩ sau mình già chúng sẽ
phải phụng dưỡng mình đâu.
Một tay bà vừa chăm cháu, vừa dọn dẹp nhà cửa vườn tược cứ sạch
bong, còn có rau mang bán mấy bà cháu ăn quà. Giờ bị thế này chân tay bí bách,
phải nằm một chỗ người bà đau một nhưng tâm can bà cũng nhức nhối không nguôi.
Chúng nó đi suốt, sinh con ra là phó thác sang bà. Ngày bé,
ba đứa ốm thậm chí mẹ nó còn chẳng phải nghỉ buổi nào. Ít gần bố mẹ nên chúng
hay cãi, bà dạy dỗ trước chúng còn nghe sau càng lớn càng bướng.
Bà đã dạy con gái lớn thì phải ý tứ, nề nếp, luyện cho mình
tính điềm đạm ăn nói chừng mực, chịu khó học hỏi, mày mò nấu ăn, ai lại quanh
năm mì tôm với ra quán, mà gia đình có giàu gì cho cam... Thế là chúng quay lại
vùng vằng nói bà thuộc lớp người cổ, giờ ai còn coi trọng những cái ấy.
Con bé đầu thẳng tính, ai nói không đúng ý là đốp lại. “Mất
lòng trước được lòng sau”, nó bao biện vậy. Bà chậm chạp chẳng đủ thời gian để
kịp nói lại được với nó, hòng phân tích cho cháu hiểu hai từ thẳng tính và vô
duyên gần và xa như thế nào.
Con bé út, nhìn thì xinh gái nhưng tính tình ngỗ ngược, cậy
học giỏi nên hay đành hanh, người lớn nói ít chịu tiếp thu. Ba chị em cãi nhau
như chó ăn vã mắm suốt ngày.
Bảo bố mẹ nó chúng bảo kệ, rằm trăng khắc tròn. Bà riết
róng: “Sau nhà chồng nó lại nói cho vào mặt, bảo không biết dạy con thì nhục lắm”.
Chúng thản nhiên: “Có nhiếc thì chúng con chịu chứ bà có phải nghe đâu mà thấp
thỏm”. Chúng bảo thế thì bà còn nói được gì?
Chúng không thể hiểu và thông cảm được với người già, có
chăng sau này già chúng mới hiểu.
Nguồn tin: dantri.com.vn