Saturday, December 29, 2012

Sống trong lòng đô thị

Người tu hành thường chỉ muốn sống một mình trên núi giữa chốn hoang vu. Tuy vậy, một đô thị có thể là một môi trường tu tập không những ngang bằng mà còn có thể thuận lợi hơn. Khác với chốn hoang vu, thành phố không có nhiều cây cối ngoại trừ cây cối trong công viên, nhưng đô thị có rất nhiều người và – nếu bạn suy nghĩ kỹ – người cũng thuộc thế giới tự nhiên vậy! vì các thành phố có rất nhiều người nên càng có nhiều cơ hội hơn cho ta tu tập lòng nhân hậu từ bi, niềm vui với hạnh phúc người khác, và sự quan tâm đồng đều với mọi người .
 Trong thành phố cho dù sống đơn độc trong căn hộ, chúng ta cũng không thể trốn tránh sự thật là có nhiều người khác ở quanh chúng ta . Có một bà già sống ở căn hộ kế bên, có một người trú qua đêm thỉnh thoảng ngủ dưới mái hiên và có một tay chơi trống sống ở tầng trên. Nếu ta cố gắng tự cô lập mình quá ta sẽ không thể phát triển từ tâm được. Ngược lại nếu ta nuôi dưỡng ý thức tương liên, ý thức mình là một phần của thành phố giống như mình là một phần của gia đình thì ta sẽ phát triển được lòng từ ái và nhân hậu đối với tất cả mọi người trong thành phố của mình và ta có rất nhiều cơ hội để tu tập.

Sống trong thành phố , mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với rất nhiều người. Đôi khi chỉ mĩm cười với ai đó hay mở một cánh cửa cho ai đó, cũng là một cách tu tập lòng nhân hậu. Trên xe buýt chúng ta có thể nhường chỗ cho một người già yếu. Nếu chúng ta đi taxi hay lấy đồ ở tiệm giặt ủi luôn có một cách để chúng ta bày tỏ sự thân tình dưới một hình thức nào đó .Có nhiều người vô gia cư sống trê n đường phố. Đôi khi họ ngồi xin tiền với một cái chén hay một cái nón trước mặt . Đôi khi họ cầm tấm bản có ghi dòng chữ : “Tôi đói, xin giúp tôi”. Đôi khi họ thân thiện và đôi khi họ có vẻ buồn rầu hoặc lạnh lùng. Họ thường có những túi ni-lông đựng đầy những vật dụng cá nhân . Hình như họ cũng vui nếu có ai đó quan tâm , chú ý thấy họ đang ngồi ở đó .

Khi có gia đình , chúng ta không bao giờ cầm trong tay tiền lương hàng tháng vừa mới lãnh và nghĩ : “ mình sẽ tiêu pha thoải mái với số tiện lương này !” Ta luôn luôn nghĩ đến gia đình mình – tiền thuê nhà , tiền mua thực phẩm , tiền cho các con đi học . Biết gia đình mình phụ thuộc vào mình , chúng ta cảm thấy không uổng công khi nhìn thấy sự bảo bọc của mình đã giúp ích cho cuộc sống của những người trong gia đình mình như thế nào. Chúng ta không bao giờ cảm thấy những người thân trong gia đình mắc nợ ta một cái gì cả , và chúng ta không bao giờ thắc mắc tại sao ta phải bảo bọc người thân. Ý thức trách nhiệm đã làm động cơ thúc đẩy ta tiếp tục chăm lo cho gia đình .

Thật ra tôi không có ý khuyên nên mở cửa nhà chúng ta và mời mọi người vào. Có thể việc này không thực tế lắm. Con người phức tạp và không phải lúc nào cũng dễ giúp đỡ. Nhưng cũng có những phương cách nho nhỏ giúp ta có thể tỏ rõ thân tình với những người khác – những cử chỉ nho nhỏ vốn mang lại nhiều ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta và cho cuộc sống của những người khác. Qua sự tham gia như thế này , chúng ta góp phần vào việc định hình thành phố chúng ta, đất nước chúng ta và thế giới chúng ta. Nếu chúng ta nhận tất cả mọi người trong thành phố này làm người thân trong gia đình thì bất cứ một điều gì chúng ta có thể làm cho họ, cũng đem lại một điều viên mãn .

Bố mẹ thích giúp đở con cái. Họ không tự tách biệt mình với con cái. Nếu con cái hạnh phúc thì đó cũng là niềm hạnh phúc của bố mẹ – một niềm vui thuần túy. Điều này cũng đúng với cái thành phố mả mình nhận làm gia đình của mình. Trong một gia đình , không phải ai cũng có một nhu cầu như nhau. Luôn luôn cũng có những thành viên cần giúp đở nhiều hơn, họ có thể bị bệnh tật hay gặp phải những hoàn cảnh khó khăn nào đó , và cũng luôn luôn có những người có thế có cuộc sống dễ dàng hơn hoặc gặp nhiều may mắn thuận lợi hơn. Chúng ta cố gắng làm những gì chúng ta có thể làm để giúp đở mọi người và có sự quan tâm đồng đều đối với tất cả .

Dĩ nhiên , khi tiếp cận những người vô gia cư trên đường phố , chúng ta không bao giờ biết đươc chuyện gì sẽ xảy ra . Một vài người có thể cảm kích khi ta cho họ một cái gì đó , và đôi khi họ cũng muốn có một cái gì đó để đáp lại – cho ta một trái táo hay chỉ đường cho ta – vì làm như vậy họ sẽ cảm thấy họ lương thiện và cũng là một cơ hội cho họ tỏ ra hào phóng nữa. Nhưng bởi vì những người vô gia cư sống bên lề xã hội, họ thường không làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái với cử chỉ hay cách nói năng của họ. Một vài người trông giận dữ và không thế đến gần được . Một vài người cuộn mình trong những tấm chăn ở một góc phố. Một số khác có thể đưa một ngón tay lên và bảo chúng ta đừng làm phiền họ. Đó là cách sống của họ và chúng ta cần phải tôn trọng nó . Dù họ cư xử thế nào đi nữa, chúng ta vẫn luôn bộc lộ lòng nhân từ với họ bằng cách thành thật chúc họ may mắn, hy vọng họ có thể ăn đủ no, mặc đủ ấm. Phương pháp chia sẻ sự quan tâm đến mọi người này là phương pháp hữu hiệu giúp dẹp bỏ dần dần sự dửng dưng vô cảm và tính phân biệt đối xử của chính chúng ta .

Thường thường những nguyên tắc của ta hướng ta đi theo một hướng tích cực , nhưng một số nguyên tắc cũng có thể hạn chế chúng ta. Chẳng hạn như , chúng ta có thể cảm thấy rằng người ta nên đi kiếm việc làm hơn là đi ăn xin. Chúng ta có thể lo lắng rằng nếu mình cho tiền người xin tiền, họ có thể dùng tiền đó mua rượu hay ma túy . Chúng ta có thể cảm thấy rằng đem tiền cho những ai cần tiền là chiếu cố hoặc chúng ta có thể cảm thấy rằng đó chỉ là một giải pháp lặt vặt, hời hợt cho một vấn đề xã hội sâu sắc hơn nhiều – một vấn đế cần phải được giải quyết quy mô hơn. Đôi khi ta cảm thấy quá bức xúc vì có quá nhiều sự đau khổ chung quanh mình, đến nổi ta quyết định rằng làm gì cũng vô ích cả, hoặc là chúng ta có thể cảm thấy thò tay vào  trong ví để kiếm một ít tiền lẻ là một việc quá phiền toái – gây nhiều sự chú ý. Nhưng khi một ai đó yêu cầu được ta giúp đỡ , làm sao ta có thể làm ngơ nếu ta có phương tiện? Những con nghiện cũng cần phải ăn để sống. Nếu chúng ta ngại cho họ tiền , thì thay vì cho tiền , chúng ta cho họ thức ăn hoặc những tấm chăn. Họ có thân và da họ cũng cảm thấy nắng nóng và mưa ướt lạnh. Chúng ta nên trân trọng bất kỳ một cơ hội nào đề đáp lại những yêu cầu giúp đỡ, bởi vì làm như vậy thì tốt hơn là chúng ta đi đâu làm gì cũng suốt ngày nghĩ về chính mình .

Điều quan trọng nhất là trái tim ta đáp lại mỗi khi có cơ hội – là chúng ta biết xúc động để qua tâm đến những người khác thay vì cứ cảm thấy bế tắc trong đầu . Nếu chúng ta không nhận ra những cơ hội để giúp đở những kẻ khốn cùng thì chính chúng ta là những người bị thiệt thòi. Những cử chỉ nhân ái nho nhỏ biến đổi chúng ta ; chúng cho ta thấy được phần tốt đẹp nhất của tâm ta và kết nối ta với những người khác theo một phương cách tốt nhất có thể .

Làm thay đổi thế giới thực sự mang ý nghĩa gì ? Nếu chúng ta nhìn quanh , chúng ta sẽ thấy luôn luôn có một điều gì đó chúng ta có thể làm được .

Nguyên tác : Inner Cities , trích từ Shambhala  Sun . số tháng 7 / 2009

Dzigar Kongtrul  Rinpoche , người được công nhận là hóa thân của Ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thaye , đã được đào tạo sâu rộng về mọi khía cạnh của Phật giáo . Ông là người sáng lập Mangala Shri Bhuti , một tổ chức có nhiệm vụ giúp phát triển trí tuệ và pháp tu của dòng truyền thừa Longchen Nyingtik . Ông cũng là người sáng lập Longchen Jigme Samten Ling , một trung tâm ẩn tu trên núi .

DZIGAR KONGTRUL RINPOCHE  – NGUYỄN VĂN NGHỆ  dịch (Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 132)