Saturday, December 29, 2012

Màu vàng trong nỗi nhớ

Hiện nay theo những biến động của cuộc sống, việc người tu hành đi khất thực mỗi buổi sáng không còn nữa. Tôi không biết vì sao, nhưng thực sự trong thâm tâm mình, tôi vẫn nghĩ việc khất thực theo đúng nghĩa nguyên bản của nó là một việc làm tốt, giàu lòng nhân ái, và sự san sẻ tình yêu thương giữa con người với nhau. Không hiểu sao, nhiều lúc ngồi một mình, tôi hay nhớ đến hình ảnh những bóng áo vàng lặng lẽ đi giữa ồn ào xe cộ của cuộc sống phố phường .
 Chợt nhớ một lần, hồi tôi sống ở Nha Trang, lúc đang đứng chỗ cây xăng chờ đến lượt thì thấy bên kia đường có ba chiếc bóng áo vàng lặng lẽ đi giữa dòng xe cộ ồn ào xuôi ngược. Họ những nhà tu hành khất thực giữa phố đông lại vừa như tách khỏi phố đông, đi giữa cuộc đời mà dường như đi ngoài cuộc đời, mải miết theo một lối  riêng, lối đi của tâm linh, của những điều thánh thiện cao cả .

Thấy tôi chăm chú nhìn theo bóng những người tu hành mà quên cả mở nắp bình xăng, anh bán hàng khó chịu càu nhàu nhắc; còn kèm theo một câu châm biếm, khi thấy nhà sư đã khuất ở phía ngã ba bên kia đường, ối dào, cái bọn đi ăn xin bây giờ còn đội lốt nhà sư. Có thể anh ta nói đúng, nhưng ngay cả trường hợp có thật sự họ cũng không đáng trách đến vậy, bởi vì chắc chắn phải bước đường cùng của kế sinh nhai họ phải giả làm nhà sư đi khất thực. Xét trên một góc độ nào đó, việc những người nghèo khổ phải đi kiếm từng miếng ăn bằng cách đóng giả người tu hành như thế phải chăng có lỗi một phần của chính chúng ta, những tế bào của cơ thể xã hội này.

Tôi ngậm ngùi rời cây xăng với những suy nghĩ mung lung buồn vời vợi. Không riêng gì anh bán hàng mà phải có rất nhiều người vẫn nghĩ về những người khất thực như những người ăn xin. Thực ra, không phải như vậy. Theo tôi biết, khất thực là một việc làm cao cả của Đạo Phật, một mặt giữ gìn truyền thống, mặt khác thể hiện rõ tinh thần của người tu hành theo Phật giáo, đã hoàn toàn từ bỏ của cải mà chỉ giữ gìn thân mạng nhờ sự bố thí của đại chúng, và hành động khất thực chính một hình thức thân giáo, qua đó giúp người thực hiện việc bố thí có thể bớt được lòng tham, biết sự từ bỏ , phát triển tinh thần vô ngã .

Tôi biết rằng, mỗi sớm mai khi bình minh thức dậy, những nhà tu hành ấy đều đi khất thực, các vị ấy chỉ khất thực từ sáng sớm đến trước giờ ngọ. Họ đi một mình hay từng nhóm, lần lượt từ nhà này qua nhà khác không phân biệt, mắt nhìn xuống và chỉ yên lặng đứng trước mỗi cửa nhà xem thức ăn có được đặt vào bình bát hay không. Những người thực hiện hạnh bố thí chỉ cúng dường thức ăn đã nấu sẵn chứ không cúng dường đồ vật. Chấm dứt buổi khất thực, các vị Tỳ-kheo trở về tịnh xá để ăn trước khi mặt trời đứng bóng. Thức ăn trong bình bát cũng được chia thành bốn phần , một phần dành cho các vị đồng tu, nếu họ không xin được hay xin được ít , một phần san sẽ cho trẻ em , người già , hay những người được quan tâm khác. Một phần dành cho các chúng sanh không phải loại người đang sống chung trong dục giới. Người khất thực chỉ ăn  một phần đủ để nuôi sống thân mạng , và xem thức ăn ấy như là thuốc chữa bệnh đói. Trước khi ăn , các vị Tỳ-kheo đều có nhận thức trong chánh niệm về ý nghĩa của việc thọ dụng thực phẩm và cầu nguyện cho chúng sinh được an lành.

Một lần khác khi đang ngồi uống cà phê cóc buổi sáng bên lề đường gần cầu Nguyễn Văn Trỗi, tôi cũng bắt gặp bóng áo mâu sống lặng lẽ, an nhiên mà tự tại giữa những hối hả đau chem của phố phường Sai gòn khi mưa đầu mùa đang kéo lại. Tách ra giữa dòng người ấy là hai cha con nhà kia, người cha dừng xe, cẩn thận lấy mấy trái cây trong giỏ cúi đầu và bỏ vào khay của nhà sư. Đứa trẻ chắc tầm mười hai, mười ba tuổi gì đó cũng theo cha, cúi đầu nở một nụ cười với vị tu hành. Sau khi chia tay, hai cha con lại tiếp tục cuộc hành trình bon chen của mình. Riêng đứa trẻ ấy vẫn ngây thơ ngoảnh lại nhìn nhà sư thêm lần nữa bằng đôi mắt trong veo thánh thiện. Trong mắt cậu tôi thấy những ước mơ giản dị mà khiêm nhường quá đỗi. Còn vị tu hành vẫn vậy, khoan thai giữa mấp mô của con đường phía trước. Một mình khất thực với dân gian .

Không hiểu sao, tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh người tu hành khất thực giữa phố đông , một màu vàng thanh cao mà bình dị đến lạ lùng. Bản thân những hình ảnh nó mang trong mình sự tương phản mà lại tương đồng đến kỳ lạ. Đó là sự đối lập giữa thanh thản và sự phàm tục, giữa cái động và cái tĩnh, giữa cái chậm rãi và sự ồn ào, giữa khiêm nhường và sự phô trương . Tuy nhiên nếu ngẫm kỹ ra thì nó lại không hoàn toàn là tương phản mà nó như chiếc cầu nối giữa hai thế giới đạo và đời , một sự đồng cảm thiêng liêng giữa chúng sinh muôn loài, nơi gặp gở của những con người giàu lòng nhân ái , cùng một tâm tư vì sự cứu khổ của nhân gian.

Tuy hình ảnh của những nhà tu hành áo vàng đã không còn xuất hiện trong phố đông bình minh như trước nữa, nhưng trong ký ức của tôi, vẫn nguyên vẹn những hình ảnh đẹp như sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời của chúng sinh muôn loài .

 ĐOÀN ĐẠI TRÍ    (Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 132 )