Saturday, December 29, 2012

Nỗi bất an

Hơn tháng nay, lúc nào Thúy cũng thấy trong lòng bất an; hình ảnh bà cụ bán mít luôn ám ảnh Thúy. Đứng chỗ nào, ngồi ở đâu, ngay cả trong giấc ngủ, Thúy cũng thấy hình bóng bà cụ gầy còm, tóc bạc phơ cằn cỗi lảng vảng trước mặt. Tâm hồn cô như bị xé rách ra từng mảnh, phiền muộn như một nỗi dằn vặt không rời.

Những lúc đầu óc loay hoay như thế, Thúy lại mở điện thoại di động ra, bấm bấm nhìn lại hình ảnh bà cụ bán mít, mong vơi bới đi nỗi đau đang phá vỡ niềm an lạc trong cô. Hình ảnh bà cụ bán mít in đậm nét trong tâm trí của Thúy. Da mặt bà sạm nắng, nhăn nheo, không như mẹ Thúy. Hai người có lẽ tuổi tác cũng kề nhau, mà sao cuộc đời của hai người khác xa như thế? Thúy thở dài, rồi đứng lên đi lại trước bàn trang điểm, ngồi xuống, kéo ngăn bàn ra; như một cái máy, Thúy cầm chiếc điện thoại đưa lên định nhìn lại hình ảnh mẹ cô và bà cụ bán mít…Nhưng Thúy ngừng lại, trong lòng bối rối. Thúy biết rõ hơn ai hết, mẹ cô, một người mẹ đang hạnh phúc. Hơn hai mươi năm nay, bà cụ được các con săn sóc chu đáo từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Từ ngày ba Thúy qua đời, anh chị em Thúy luôn thay phiên nhau ở bên mẹ, lúc nào các con cũng đem nguồn yên vui đến cho bà.

Từ bữa gặp bà cụ bán mít trên chuyến xe buýt từ Tam Kỳ về Đà Nẵng, Thúy cảm thấy như mình bị hụt hẫng, như mình vừa đánh mất sự thanh thản trong suy nghĩ về cuộc sống đang diễn biến ngoài xã hội. Bà cụ đã để lại trong tâm thức Thúy một thực tại sống động; và nó làm thay đổi toàn bộ quan niệm về nhân sinh mà xưa nay Thúy đã quán xét một cách nông cạn. Bà cụ bán mít kể với người ngồi bên cạnh: “…Mỗi ngày, tui đón xe buýt từ Vĩnh Điện đi Tam Kỳ, ở đó tui có mối mua mít chín từ Tiên Phước chở xuống. Mít Tiên Phước ngon lắm. Hồi trước, có mít dừa múi to, màu vàng nhạt, trong múi mít có nước mật, giòn và thơm lắm. Bây chừ, giống mít nớ chẳng thấy mô nữa. Ở đâu cũng trồng toàn mít nghệ; mà mít nghệ thì cũng ngon, múi mít vàng đậm như màu nghệ già, ngọt lịm, thơm và giòn, thấy cũng thèm…”

Người phụ nữ tóc hoa râm hỏi bà cụ: “Rứa bà mua mít ở chợ mô?” – “Thì chợ Tam Kỳ, chớ ở mô. Được cái hên là cô Thắm bán hàng cho tui, cô ấy dễ thương, ngày nào cũng dành cho tui bốn trái mít ngon nhất. Cô ấy vô bao sẵn cho tui, mỗi bao hai trái, chừng 15 ký; mà có một trái tui cũng không rinh nổi. Tuổi già rồi cô ơi, tui đã 85 tuổi rồi còn chi. Ông nhà tui mất hồi kháng chiến một. Cái bằng liệt sĩ của ổng để lại cho tui chút tiền trợ cấp cũng đủ để sửa lại cái nhà, cái mồ cho ổng, với lại giỗ kỵ hằng năm…”.

“Chớ con cái bà ở mô?”

“- Ừ, thì mấy đứa nó cũng ở quanh đây chớ mô, mà bốn đứa nó còn nghèo lắm. Tụi nó còn phải lo cho con cái ăn học. Nhờ Trời Phật, tui còn đi lại được, còn kéo nổi bao mít lên xe, thì cứ ra chợ làm kiếm thêm chút tiền mà sống. Hết mùa mít, tui lại mua bán thứ khác, y nhu là cái nghiệp chi mô, mà nó cứ đeo đẳng, chẳng bao giờ tui được rảnh tay rảnh chưng, quanh năm đầu tắt mặt tối, đi về trên con đường này, riết rồi ai cũng gọi tôi ‘bà cụ Mít’, rồi xe buýt nào cũng quen. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ phụ xe, đứa nào nó cũng thương, lên xe, xuống chợ, cũng giúp tui rinh, vác mấy trái mít”.

“- Rứa mỗi chuyến bà kiếm được bao nhiêu?”

“- Trừ tiền xe cộ, ăn tiêu rồi, bữa đắt chợ cũng kiếm đươc vài ba chục ngàn. Già như ri rồi mà có chừng nớ tiền là dư sống, là hạnh phúc rồi phải không cô”.

Bà cụ nói chuyện một cách vui vẻ, tự tin, “Cô biết không, tui được cái lời lớn hơn là ngày nào tui cũng đi tới đi lui, Tam Kỳ Đà Nẵng, Đà Nẵng Tam Kỳ, trên xe, tui gặp nhiều người, chuyện trò vui vẻ như với cô bữa ni, tui mừng lắm. Rồi cô sẽ biết, cái tuổi già nó méo mó, lúc ri, lúc tê, mưa nắng không chừng, vui buồn như thời tiết, ai cũng rứa. Tui còn khỏe, , đi buôn bán kiếm sống được là phước lắm rồi cô hỉ”.

Thúy như bị cuốn hút vào câu chuyện của hai người. Cô không rời mắt nhìn bà cụ. Trong đầu Thúy chập chờn hình ảnh mẹ cô và bà cụ Mít sống động như cuộc đời đang tồn tại, đang hiện hữu, đang trôi đi trong khoảng thời gian hữu hạn này.

Thúy đưa chiếc điện thoại di động lên, nhắm vào bà cụ Mít, cô chụp lia lịa như sợ mất đi hình ảnh, tiếng nói của bà cụ đang trôi bềng bồng trong tâm thức của mình. Cuộc sống luôn bề bộn những khổ đau, mất mát, hạnh phúc…mà lâu nay cô tin là có thật.

Thúy đã nhận ra trong giây phút hiện tiền này, cuộc đời của bà cụ Mít hiện hữu trước mặt Thúy chính là bài học đầu tiên cô học được về cuộc sống chân thật; không phải trong kinh sách mà chính ngay trong thực tại của cuộc sống hàng ngày.

Xe buýt dừng trước chợ Cồn, bà cụ Mít vội vã chào người bạn đường và Thúy. Bà bước xuống xe trong niềm vui rạng rỡ. Người phụ xe gọi: “Bà Mít ơi, con để hai bao mít của bà ở phía trong lề đường đó, bà hỉ”. Xe chuyển bánh, Thúy biết là trong mươi phút nữa, cô sẽ gặp lại mẹ, chắc mẹ Thúy mừng lắm. Trong ngôi biệt thự sang trọng bên kia cầu Thuận Phước, có lẽ mẹ cô sẽ đón cô từ ngoài cổng. Thúy đang suy nghĩ miên man về bà cụ Mít, về cuộc đời của con người. Vừa xuống xe, Thúy sực nhớ…như mình vừa đánh mất một cơ hội, vừa bỏ quên lại trong cuộc sống một điều thiện nhỏ mà đáng ra cô phải làm. Không phải làm cho bà Mít mà chính làm cho Thúy. Gặp mẹ từ cổng, Thúy nhìn mẹ, cô không nói nên lời, ôm chầm lấy mẹ. Thúy khóc trong nỗi xúc động ray rứt. Mẹ Thúy vỗ về: “Răng rứa con?” Thúy gọi: “Mẹ ơi”… Thúy đã về với mẹ, đành ôm mẹ như đang ôm bà cụ Mít…

Giá chi, tâm Từ của Thúy bùng mở sớm hơn trong những phút trước đây khi còn ở trên xe buýt…Thúy tự trách mình, tại sao không làm được một việc tốt sớm hơn khi bà cụ xuống xe ở chợ Cồn? Sao Thúy không biết kịp thời dúi vào tay bà cụ Mít vài trăm ngàn, phụ giúp cho bà bớt khổ. Giá chi làm được việc nớ sớm hơn, có lẽ bây chừ Thúy thấy tâm mình yên ổn.

Hoàng Quy