Monday, December 17, 2012

Cha và con trai

Vì anh tôi không thể học được nữa nên Ba tôi đã buộc anh học nghề chụp hình của mình. Ba tôi thường nói “Cái đầu hư thì cái tay phải lành”. Nhờ quan điểm của Ba nên anh tôi cũng có nghề nghiệp đàng hoàng và sau này anh mới có điều kiện để lo cho vợ con. Năm anh tôi 20 tuổi (đến tuổi quân dịch), mẹ tôi phải làm giả giấy tờ để anh khỏi bị gọi nhập ngũ và xin anh vào làm trong văn phòng quân đội, không ngờ nơi này là ổ buôn bán ma túy và anh tôi đã rơi vào vũng bùn này.
Anh làm bạn với “nàng tiên nâu” từ năm 1970, sau nhiều lần cai nghiện, vào tù ra khám, đến năm 1982 anh tôi mới thực sự cai bỏ nhờ tình thương của cha mẹ và anh chị em trong gia đình tôi. Sau đó anh tôi lập gia đình riêng, có nhà ở và có cuộc sống ổn định.
Đến năm 2001 vợ anh bị ung thư, anh tôi lại thất nghiệp vì người ta không cần thợ chấm hình thủ công nữa, vì thế anh phải bán nhà để chữa trị bệnh cho vợ và mua một căn nhà nhỏ hơn, xa thành phố hơn. Năm 2002 vợ anh mất, nhà cửa bị người ta lừa bán đất vùng qui hoạch nên phải ở tạm bợ chờ ngày tái định cư. Vì hoàn cảnh của anh như thế nên anh tôi được Ba Mẹ tôi quan tâm và lo lắng nhất. Ba tôi thường nói với chúng tôi “Các con được học hành đến nơi đến chốn, có nhà cửa, cuộc sống ổn định, không có đứa nào bị tật nguyền. Tình trạng của anh các con như vậy là để gánh bớt cho các con đó, các con phải thương anh con nhiều hơn”.
Anh tôi năm nay đã trên 60 tuổi rồi, nhưng suy nghĩ của anh như trẻ con, Ba tôi luôn nói “Anh các con xác lớn nhưng đầu chưa lớn”.
Năm Ba tôi 90 tuổi, người sống cùng với tôi và Mẹ tôi. Ở độ tuổi cao như vậy mà Ba tôi vẫn còn rất minh mẫn và thích làm việc. Nhà tôi là một hiệu ảnh, hàng ngày người thường cặm cụi ngồi dán từng cái bì giấy nhỏ để đựng ảnh trả cho khách hàng. Tin Ba tôi bị tiểu đường với biến chứng hoại tử ngón chân khiến mọi thành viên trong gia đình tôi đều lo lắng. Cả nhà tôi ai cũng ngầm hiểu là ngày ra đi của Ba đã gần kề.
Một tháng chăm sóc Ba tôi ở bệnh viện và ở nhà, Mẹ và tôi đều rất mệt. Mẹ tôi nói “Cần tổ chức cuộc họp gia đình để phân công các con trực đêm chăm sóc cho Ba. Đây là lúc các con được dịp hầu hạ Ba và trả hiếu cho Ba”. Tại cuộc họp, các anh em chúng tôi đều vui mừng được mẹ phân công chăm sóc Ba.
Anh trai trưởng của tôi trực vào đầu tuần - tức là tối thứ hai. Hơn một tháng sau ba tôi mất (vào 3 giờ sáng ngày 11/07/2011).
Ngày đưa tang Ba tôi về, anh em chúng tôi ngồi nhắc lại kỷ niệm về Ba tôi. Anh trưởng của tôi hãnh diện khoe:
- Tao mà trực là ba rất khỏe, còn tụi mày trực ba chỉ mệt thêm.
Chúng tôi ngạc nhiên và hỏi tại sao, thì anh nói:
- Tao trực là Ba tự uống nước, tự đi vệ sinh. Ba nói chuyện với tao đến khuya và không rên đau tí nào cả. Tao với Mạ ngủ được một giấc đến sáng luôn.
(Chúng tôi gọi mẹ tôi là “Mạ” theo kiểu của người Huế)
Chúng tôi ai cũng ngạc nhiên, vì khi Ba tôi ốm, ông đau chân lắm, chúng tôi cho Ba uống thuốc giảm đau, mỗi tối chúng tôi nằm bên Ba tôi và vuốt nhẹ vào chân ông để ông bớt đau. Một đêm Ba thức giấc 3,4 lần để đi vệ sinh hoặc uống nước… sao anh ấy có thể ngủ thẳng một giấc được?!!
Để giải đáp thắc mắc của chúng tôi, anh trai tôi thủng thỉnh kể lại:
- Khi tao trực, Ba tự dậy uống nước hoặc đi vệ sinh không kêu tao dậy vì sợ tao mất ngủ.
- … Có đêm Ba thức dậy đắp mền cho tao thay vì tao đắp mền cho Ba.
- … Có đêm tao giật mình nghe tiếng động nên thức dậy, tao thấy Ba đang sờ soạng nơi tủ thuốc, tao vội hỏi “Ba tìm gì để con lấy cho”. Ba nói với tao “Ba tìm thuốc ho cho con uống, Ba thấy con ho quá”.
Chúng tôi ai cũng cười rơi nước mắt. Ba tôi đã thương và lo cho con trai đến mức quên cả bản thân mình, từ người trực chăm người ốm, anh tôi lại được “người ốm trực chăm sóc anh”.
Các em tôi cười chảy nước mắt và hỏi vui: “Anh trực lo cho Ba hay Ba trực lo cho anh!!!”.
Tình Cha, tình Mẹ là như thế, đứa con hư nhất, dở nhất, có hoàn cảnh khổ nhất thì tình thương của Cha Mẹ đều dồn cho người đó.
Ba tôi đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình nhưng lòng ông vẫn canh cánh một nỗi lo “con trai lớn của ba chưa lớn”.
Ba ơi, Ba hãy yên lòng an nghỉ, chúng con sẽ tiếp tục thay Ba lo cho anh.