Sunday, December 30, 2012

Những điều nhỏ nhặt

1 Anh Tư chở đứa em vào cấp cứu ở bệnh viện. Anh vô cùng lúng túng. May sao anh gặp một chị y công. Làm thủ tục nhập viện, chị chỉ chỗ. Cần đóng tạm ứng tiền viện phí chị đưa đến tận nơi. Cả đêm nằm “chèo queo” ở ngoài phòng cấp cứu, anh không ngủ được. Nhớ lại chuyện chị y công, anh rất cảm kích. Có lâm cảnh khó khăn mới hiểu được sự giúp đỡ của người khác quý giá thế nào.
 2  Suy nghĩ lan man ở ngoài phòng cấp cứu, anh Tư nghĩ tới sự giúp đỡ của chị y công. Nhà Phật nói có ba loại chia sẻ (bố thí). Hai loại chia sẻ đầu là “chia sẻ tài vật” (tài thí) và “chia sẻ về Phật pháp” (pháp thí). Hai loại này thì có thể hiểu được. Chị có cái bánh, ném cho con chim sẻ ăn, đó là chia sẻ tài vật. Có cái xe cho bạn mượn đi công chuyện cũng được coi là chia sẻ tài vật. Giúp cho đứa học trò thích nghi, nhẫn nại được với cuộc đời là “chia sẻ về Phật pháp”. Tạo điều kiện để bạn bè có thể chia sẻ (bố thí), đó cũng là “chia sẻ về Phật pháp”. Chị y công chẳng cho anh xu nào, cũng chẳng khuyên răn gì, vậy nên cô chẳng… tài thí, pháp thí gì cả!

3 Thực ra, vẫn còn loại chia sẻ thứ ba là “chia sẻ sự không sợ” (vô úy thí). Loại này khó hiểu hơn. Ngày xưa, anh Tư cứ tưởng tượng ra những người “bố thí sự không sợ”. Anh cứ nghĩ “sợ” là cái lo lắng, đó có thể là mất đồ, mất nhà, mất mạng, bị ức hiếp… Toàn là những cái sợ… “vĩ mô” cả. Để có thể dẹp tan các nỗi sợ “vĩ mô” đó, anh nghĩ phải có trình độ cỡ… Lục Vân Tiên, người võ nghệ cao cường, trừ gian diệt bạo để đem lại sự an lành cho Kiều Nguyệt Nga. Hay đó có thể là luật sư P. mà anh quen, người luôn giúp người khác thoát khỏi các vụ án oan sai. Đó phải là công việc của các Bồtát. Anh nghĩ, cỡ… bé nhỏ như anh, đêm chỉ nằm ngủ trên cái giường… hẹp tám tấc, tối chỉ mơ những giấc mơ con con, làm sao mà “vô úy thí” được.

4 Bữa nay, anh mới biết có những nỗi sợ… “vi mô”, nhỏ nhoi. Nỗi sợ của người đến chỗ lạ, chẳng biết… đi tiểu ở đâu, đành… nhịn. Nỗi sợ chẳng biết đóng tạm ứng viện phí ở đâu, số tiền mình mang có đủ hay không. Như… ống nước thủy cục bị bể, các ý tưởng tuôn trào như… sự cố nước tràn ra ngoài lộ. Như đê bao ngoại thành bị vỡ, các ý tưởng ùa ra… như nước gây ngập úng trong phố. Ý tưởng đó liên quan đến các nỗi sợ… con con. Anh chợt phát hiện ra rằng nỗi sợ “vi mô”… như ri thì nhiều vô kể. Đứa trẻ lên lớp bị ông thầy hét cho một cái thì sợ xanh mắt. Dắt xe Honda chuẩn bị phóng ra xa lộ thì sợ… đinh tặc. Cho một người khách vào nhà thì sợ mất đồ. Mời bạn tới sinh nhật thì sợ bạn không đi, tới giờ đãi tiệc cứ thấp thỏm ra vào. Mời đám cưới, đã tính toán đặt bàn, lại sợ khách kéo cả… đại gia đình đến, chỗ đâu mà ngồi. Xây cái nhà lo người nhận thầu làm không kỹ. Đi trên con đường cao tốc vẫn lo tai nạn vì ổ gà. Mua cuốn sách sợ sách viết… vớ vẩn. Nhờ “cò” chạy giấy tờ nhà lo “cò” lừa mình. Sợ sợ, lo lo của những con người bình thường như anh thì chỉ thế thôi. “Giấc mơ con” của anh Tư chỉ là không gặp phải các… nỗi sợ “vi mô” này.

5 Chị y công sốt sắng làm anh bớt lo. Anh Tư chợt phát hiện ra rằng “chia sẻ sự không sợ” không cần phải… ngủ trên cái giường rộng hai thước, mơ những giấc mơ “vỗ cánh đại bàng”. Chỉ chỗ cho một người đi tiểu là “vô úy thí”. Góp ý ông thầy đừng hét học trò là “vô úy thí”. Nhặt cái đinh ngoài đường  là “vô úy thí”. Vào nhà người ta không “táy máy” đồ đạc là “vô úy thí”. Bạn mời sinh nhật, gọi điện thoại báo sớm cho bạn “không đi vì bận việc” là “vô úy thí”. Đi đám cưới, báo trước số người sẽ đến là “vô úy thí”. Xây cái nhà cho người ta, làm cẩn thận là “vô úy thí”. Làm đường cao tốc đúng tiêu chuẩn là “vô úy thí”. Viết cuốn sách cho cẩn thận là “vô úy thí”. Chạy giấy tờ nhà cho khách cẩn thận là “vô úy thí”. Hứa… có bài gửi báo Văn Hóa Phật Giáo, đúng tuần sau gửi bài, cũng là “vô úy thí”. Chị y công đã “vô úy thí” cho anh.

6 Nằm chèo queo mãi mà chẳng chợp mắt được tí nào, lâu lâu lại có một ca cấp cứu rần rần, lâu lâu y công lại gọi anh Tư dìu cậu em đi làm đủ loại xét nghiệm máu, chụp CT, siêu âm… Mỗi lần đi, anh lại nhờ một chị nuôi bệnh giường bên cạnh trông giúp “tài sản”. Đồ đạc thì cũng chẳng nhiều nhặn gì, một bộ quần áo, cái áo khoác cũ, một cái chiếu con con. Anh nói:

-  Chị có nằm nghỉ thì lấy chiếu này mà nằm.
-  Thôi cảm ơn anh, tôi đợi lên trại.
-  Ảnh cấp cứu gì dzậy chị? – Ảnh tới đây nhiều lần rồi, chắc cũng sắp… -  Bác sĩ nói sao hả chị?
-  Bác sĩ nói ổng muốn ăn gì thì cứ cho ăn.

Chị nói xuôi xị. Dường như chẳng còn gì để lo nữa. Mà phải, nếu bị bệnh thì phải lo chữa bệnh. Có bệnh thì vái tứ phương mà. Bây giờ bác sĩ nói như vậy, còn lo nỗi gì nữa.

7 Chị kể tiếp:
-  Ảnh tốt lắm, cái gì cũng lo cho vợ con.
-  Ảnh làm nghề gì hả chị?
-  Ảnh làm ruộng.

Chuông điện thoại reo, một người quen hỏi bác sĩ dùm, báo là đang nghi cậu em bị u… Anh Tư nghe xong thấy buồn rười rượi. Anh đang suy nghĩ bay bổng, nhìn cuộc đời bằng cặp kính màu hồng, thấy “người với người sống để thương nhau”. Câu chuyện của anh làm ruộng rồi câu chuyện của đứa em đã tháo mất cặp kính màu hồng của anh Tư, thay vào đó là cặp kính… màu đen. Mọi sự bỗng đen thui. Người hiền lành mà sao bị như vậy. Đời công bằng ở đâu? Người mánh mung có khi có nhiều tiền, vào bệnh viện nằm khu dịch vụ, một mình một giường có máy lạnh. Nếu lỡ chẳng may tạ thế thì có cái hòm tốt, bốn người khiêng đàng hoàng, có kim tỉnh ở mặt tiền. Người hiền lành này vào bệnh viện nằm ở khu thường thường bậc trung, hai người một giường hay ba người hai giường. Nếu lỡ chẳng may tạ thế thì có cái hòm xấu, bốn người khiêng không cẩn thận cho lắm, chôn nơi hẻm hóc.

8 Một thời, có quan điểm cho rằng “chết là hết”. Nếu quả thật như vậy, người làm ruộng này cũng như người mánh mung kia đều có kết quả cuối cùng như nhau. Nếu “chết là hết” thì tội gì phải nhọc công làm điều tốt kia chứ, cứ “sống trong gia đình, được con cái vây quanh, thọ dụng chiên đàn Kasi, đeo vòng hoa, dùng hương liệu phấn sáp, hưởng thụ vàng bạc” (Kinh Sandaka, Kinh Trung Bộ thứ 76) cho sướng cái thân. Để rồi cuối cùng “chết là hết”. Cái kẻ nhọc công, tốn sức làm điều tốt kia rồi cũng chỉ bằng như ta. Đứa trẻ lên lớp bị ông thầy hét thì mặc kệ nó. Dắt xe Honda chuẩn bị phóng ra xa lộ thấy đinh thì tránh, còn người khác có bị đinh hay không thì mặc kệ. Vào nhà người ta, lấy được gì thì cứ lấy. Bạn ta tổ chức sinh nhật, không đi cũng chẳng buồn báo, bạn ta thấp thỏm mong chờ thì mặc kệ nó. Đi đám cưới, kéo cả… đại gia đình đến, mặc kệ ban tổ chức lo. Xây cái nhà làm đại, làm ẩu, rút bớt vật tư, chủ nhà không phát hiện thì kệ chủ nhà. Làm đường cao tốc rút ruột công trình bao nhiêu thì rút, có ổ gà ổ voi về sau thì hạ hồi phân giải. Viết cuốn sách “đạo” chỗ này một chút, “đạo” chỗ kia một chút, lỗi morát nhiều cũng thây kệ, hơi đâu mà lo. Chạy giấy tờ nhà cho khách cứ “moi tiền” được tới đâu hay tới đó, mặc kệ khách tốn tiền. Nếu “chết là hết” thì chị y công cứ để mặc kệ anh, cần gì phải giúp. Anh cũng chả hơi đâu mà chú ý đến “tài thí, pháp thí, vô úy thí”. Đứa trẻ bị xe ô tô cán ta cũng chẳng hơi đâu dính vào, chỉ mệt cái thân. Cái “chết là hết” ghê gớm đến như vậy, tàn hại suy nghĩ xã hội đến như vậy. Người tốt biết lấy gì làm nơi nương tựa, làm nẻo quay về…

9 Thế nhưng vẫn còn nhiều người tốt như chị y công. Anh Tư thầm bênh vực cho cô mà cũng… tự bênh vực cho mình. Việc gì cũng có nhân, có quả. Chết chưa phải là hết. Ai làm điều tốt sẽ được hưởng quả tốt, ai làm điều xấu sẽ bị quả xấu. Đó là điều mà Đức Phật nói đến: “Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói không có đời sau, thời đó là một cái thấy sai lầm. Vì rằng có đời sau, nếu ai có suy tư rằng không có đời sau, thời đó là suy nghĩ sai lầm. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau thì đó là lời nói sai lầm. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói không có đời sau thì tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau…” (Kinh Không gì chuyển hướng, Kinh Trung Bộ số 60). Vì rằng có đời sau nên bạn có thể đeo cặp kính màu hồng. Vì rằng có đời sau nên bạn cứ “tài thí, pháp thí, vô úy thí” mà không sợ bị chê là “ngu, hâm”, là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Anh Tư cứ nghĩ mãi cho đến năm giờ sáng. Thế là hết một đêm ở ngoài phòng cấp cứu. ■

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 140 | THẢO VY