Từ khi gặp anh vài năm sau lần được tôi giúp đỡ thì tôi thấy
anh đã qua đời từ đó. Không phải nhắm mắt rồi mới gọi là chết. Cứ gì phải tắt
thở mới gọi là chết?
Chết nghĩa là không cố gắng gượng ngồi dậy khi ngã xuống. Chết
nghĩa là buông xuôi khi vẫn còn sức sống. Tư tưởng đó có lẽ cũng cũ kỹ lắm rồi,
nhưng không phải ai cũng hiểu rõ.
Hồi trẻ, tôi có đọc một truyện ngắn của nhà văn Lôi Tam. Đại
khái ông nói đến tâm trạng của một người đàn ông bệnh tật phải sống âm thầm ở một
nơi nào đó cách xa thành phố. Láng giềng của một cô gái xinh đẹp. Người đàn ông
này đã đau khổ mà từ chối tình yêu của cô gái: ”Đối với một người mà bệnh tật
dai dẳng giày vò thì mọi ước vọng trở thành những điều sỉ nhục. Nhiều đêm ngồi
đây về khuya, trong tiếng gió và tiếng sóng, tôi nghe rõ hơi thở lạc lõng của
mình và có cảm tưởng như mình đang đóng
kịch trên sân khấu, nửa chừng vở kịch hỏng bét mà vẫn phải chờ đến lúc hạ màn”
(đại ý là thế, nhưng câu văn có thể không chính xác). Đoạn văn đọc lên nghe rất
lãng mạn. Nhưng bây giờ thì không thể như thế được. Bệnh tật vẫn còn phải đấu
tranh với tử thần. Tàn tật vẫn còn phải phấn đấu, vượt khó để cuộc sống có ý
nghĩa. Huống chi chỉ là những thất bại thường tình. Tuy nhiên, ít nhất là nhân
vật của Lôi Tam có lý do và đang ý thức về cái chết của mình.
Không phải hễ thất bại thì phải uống rượu tiêu sầu, giận đời
đen bạc rồi rút dao chém…nước.
Đời sống có ý nghĩa hay không là do mình ý thức được giá trị
của nó, tìm được sự an lạc trong từng sát na của thực tại.
Có một lần tôi nghe được một vị hòa thượng khai thị cho một
Phật tử nhân được hỏi về thực tại. Ngài nói:
Tùy duyên và nghiệp của mỗi người mà thực tại của mỗi người
đều khác nhau. Những người tu hành thì luôn luôn tìm kiếm sự giác ngộ trong từng
giây phút sống. Đối với quý vị là những
người làm ăn thì thực tại không phải trong giây lát mà là những khoảng thời
gian trong cuộc đời. Đôi khi hằng tháng, hằng năm, hằng chục năm hay có thể cả
cuộc đời theo đuổi một mục đích chưa thành”.
Nếu phải bỏ một khoảng thời gian để thực hiện một dự tính
thì thực tại của mình chính là khoảng thời gian đó. Nếu bỏ cả cuộc đời để theo
đuổi một mục đích thì đó cũng là cái nghiệp của mình tạo ta, phải đi suốt cả cuộc
đời theo nó. Đức Đạt – lai Lạt – ma có nói: “Có những người sống mà không biết
là mình sẽ chết. Đến lúc sắp chết thì mới chợt nhận ra là mình chưa sống”.
Không phải thực tại nào cũng đem đến cho mình an lạc thân
tâm, ngược lại còn chất đầy những lo âu được mất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể
thấy cuộc sống có ý nghĩa và tự hào về những công việc mình làm.
Có người sinh con phải lo cho con suốt cả đời. Khi con cái
có gia đình, lại tiếp tục lo cho cháu. Họ không sống cho bản thân họ được,
nhưng họ lại cho rằng lo cho con cháu cũng là hạnh phúc của họ vậy, mặc dù đôi
khi phải mất ăn mất ngủ vì chúng.
Hạnh phúc cuối cùng của đời người có lẽ là sự an lạc của
thân tâm. Hạnh phúc là có được những khoảnh khắc thật riêng tư, ung dung tự tại,
không có những phiền lụy của cuộc sống chung quanh len lỏi vào. Hạnh phúc cũng
là trong khả năng tùy tiện của mình, có thể đem đến niềm vui cho người khác.
Người bạn của tôi vừa giã từ cõi tạm, chắc hẳn là anh chưa
bao giờ có một chút an lạc nào trong đời sống từ sau khi tôi gặp lại anh. Cả một
khoảng thời gian dài anh sống trong khắc khoải, không thực là sống và chẳng khác
gì đã chết.
Cuộc đời thường vui ít buồn nhiều. Kiểm điểm lại trăm năm
sinh lão bệnh tử, phần lớn là trầm luân trong bể khổ, nhưng không phải vì vậy
mà lại yếm thế bi quan. Trong cuộc đời có cái vui của nó và không những tìm được
niềm vui cho mình mà còn luôn luôn cố gắng đem đến cái vui cho những người
chung quanh, ấy là đã sống đúng với ý nghĩa của nó.
Buổi chiều sau giấc ngủ muộn, thấy mặt trời sắp tắt, bỗng
nhiên cảm khái, thấy tiếc mình đã thờ ơ với một khoảng thời gian trong ngày.
Hãy hưởng thụ cuộc sống, như Trịnh Công Sơn đã nói: “cuộc đời
đó có bao lâu mà hững hờ”. ■
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 136 |
Hoàng Tá Thích