Hành vi chôn thức ăn, không giao lại cho một vị A-la-hán được
người khác cúng dường, đã đem lại hậu quả vô cùng xấu. Câu chuyện của trưởng
lão Losaka còn nhấn mạnh tới khía cạnh cộng nghiệp.
Chẳng những vị này phải trải qua một ngàn kiếp sống cực khổ
mà còn làm ảnh hưởng tới những người thân, bà con láng giềng của mình
Người mẹ phải tìm sống một cách khó nhọc, với bụng mang
thai; khi thai đến kỳ, bà sanh được đứa con trai. Đứa bé ấy được sanh trong đời
sống cuối cùng [của nghiệp lực] nên không thể bị giết hại. Như ngọn lửa trong
cái lu, điều kiện trở thành A-la-hán cháy đỏ trong tim của nó.
Vì hành động xấu trong quá khứ, đứa bé chưa sinh ra đã phải chịu
một cuộc sống khổ cực. Tuy nhiên, ước muốn giải thoát trong kiếp sống xa xưa vẫn
nảy mầm. Bài giảng trên núi trong Tân ước nói rằng:”Chính anh em là ánh sáng
trong trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng
có ai thắp cái đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó
soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi
trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh cha của
anh em, đấng ngự ở trên trời.”(Mát-thêu,5,14). Một nhà thơ cũng nói rằng:”Thà một
phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Đối với Phật học
thì khác, điều tốt phải được giữ vững như ngọn đèn để trong cái lu, nhờ vậy mà
nó có thể tồn tại lâu dài, không bị ngọn gió của cuộc đời thổi tắt. Hãy giữ vững
điều tốt đẹp như đèn để trong lu, đó là điều mà Phật học nhắn nhủ bạn.
Người mẹ nuôi dưỡng nó, tập nó chạy tới, chạy vòng; và khi
nó đã đi được, bà đặt trong tay nó một cái bát đi xin, bảo nó đi vào một nhà
kia, rồi bà bỏ trốn.Từ đó, đứa bé sống một mình, tìm đồ ăn tại chỗ này, nằm ngủ
tại chỗ khác, không tắm, không săn sóc thân mình, tìm sống một cách khổ cực chẳng
khác con quỷ ăn bùn. Nó dần dân lớn lên được bảy tuổi, lượm từng miếng cơm một
mà ăn như con quạ, tại một cửa nhà nọ có đồ ăn còn lại từ các nồi được rửa.
Những mô tả trong các kinh văn Phật giáo đặc biệt, các sự kiện
được diễn giải cụ thể, vì đối với Phật học, mỗi sự kiện đều là duy nhất, không
có sự kiện thứ hai ở trên đời giống như vậy. Bà mẹ rất thương con nhưng không
chịu nổi khổ cực. Bà nuôi nó đến lúc nó có thể tự sống được thì bỏ nó lại một
mình. Nó sống một cuộc đời khổ cực, kinh văn không nói một cách trừu tượng rằng
nó:”Sống lang thang không nhà” mà nói cụ thể là” ăn chỗ này nhưng ngủ ở chỗ khác”.
Kinh văn không nói một cách tổng quát là ”Nó ăn cơm thừa canh cặn” mà nói cụ thể
là ”lượm từng miếng cơm một mà ăn như con quạ, tại một cửa nhà nọ có đồ ăn còn
lại từ các nồi cơm được rửa”. Hành văn cụ thể như vậy không mấy người làm được.
Một hôm, vị tướng quân chánh pháp Xá-lợi-phất đang đi khất
thực ở Xá-vệ, thấy đứa bé, suy nghĩ không biết đứa bé đáng thương này ở làng
nào, khởi lòng từ bi đối với bó và gọi: ”Hãy đến đây.”
Chắc rằng ngài Xá-lợi-phất đi khất thực ở Xá-vệ, đi qua nhiều
con đường trong nhiều lần khác nhau và thấy đứa trẻ ăn xin lần này đến lần
khác. Ngài đã quen với nó và do đó khởi lòng từ bi.
Đứa bé đến đảnh lễ Trưởng lão và đứng lại. Trưởng lão hỏi:
- Con sống ở làng nào? cha mẹ ở đâu?
- Thưa Tôn giả, con sống không nơi nương tựa. Cha mẹ, vì con
mà phải sống quá mệt mỏi, nên bỏ rơi con mà trốn đi!
- Con có muốn xuất gia không?
- Thưa Tôn giả, con muốn xuất gia. Nhưng ai sẽ truyền giới
cho kẻ khốn nạn như con?
- Ta sẽ truyền giới xuất gia cho con
- Lành thay, Tôn giả hãy truyền giới xuất gia cho con
Trưởng lão cho nó ăn các loại cứng và loại mềm, dắt nó đến tịnh
xá, tự tay tắm rửa cho nó, truyền giới xuất gia cho nó làm sa-di; đến khi đủ tuổi,
vị sa-di này lại được Tôn giả Xá-lợi-phất trao đại giới cho. Khi trưởng thành, người
này được gọi là trưởng lão Losakatissa.
Ý nguyện sống cuộc đời
tu tập vào thời Đức Phật Ca-diếp ngày nay bắt đầu trở lại, ngọn đèn để trong
tim của vị Trưởng lão đã không tắt qua nhiều kiếp sống.
Trưởng lão Losaka ít được nhận đồ cúng dường. Truyền thuyết
nói rằng dầu có lễ bố thí to đến đâu, bụng Trưởng lão cũng không no, mà chỉ được
ăn vừa đủ để nuôi mạng sống. Một muỗng cháo đổ vào bát của Trưởng lão dường như
làm tràn đầy bình bát khiến những người cúng nghĩ rằng bình bát của ngài đã đầy
tràn nên đem cháo cúng dường người kế tiếp. Khi cháo đổ vào trong bình bát của
Trưởng lão, người ta nói cháo trong dĩa người cúng dường như biến mất.
Cái nhân gây ra bởi hành động chôn đồ ăn trong quá khứ vẫn
còn trổ quả. Thức ăn, thức uống đều rất khó kiếm đối với ngài, mặc dù thời đó,
việc cúng dường cho chư Tăng rất phổ biến. Như vậy ta thấy, mặc dù gặp điều kiện
thuận lợi cho việc tu tập, nghiệp riêng của Trưởng lão Losaka vẫn làm cho ngài
không có thức ăn.
Trưởng lão chứng quả A-la-hán sau một thời gian tăng trưởng
thiền quán, nhưng đồ cúng dường nhận được vẫn rất ít oi.Thọ hành Trưởng lão dần
dần giảm thiểu, và ngày nhập Niết-bàn đã đến. Tướng quân Chánh pháp hướng tâm đến,
biết ngày Trưởng lão nhập Niết-bàn, tự nghĩ:”Trưởng lão Losakatissa hôm nay sẽ
nhập Niết-bàn. Ta sẽ khuyên người ta cúng dường Trưởng lão đồ ăn như ý muốn”.
Tôn giả Xá-lợi-phất đưa Trưởng lão vào thành Xá-vệ khất thực. Dầu xòe tay cho
nhiều người ở Xá-vệ, cũng không nhận được ngay cả một tô cháo.
Nghiệp của Trưởng lão Losaka ảnh hưởng cả đến ngài Xá-lợi-phất.
Khi hai người đi khất thực chung, cả ngài Xá-lợi-phất cũng không nhận được gì.
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo Losakatissa về trước, ngồi ở phòng họp
,rồi đi khất thực một mình. Khi có thức ăn ,ngài gửi người đem đến cho
Losakatissa. Những ai được Xá-lợi-phất giao thức ăn đem về đều quên giao cho
Losakatissa và tự mình ăn phần ăn ấy.
Nghiệp của Trưởng lão nặng đến nỗi ngài Xá-lợi-phất phải
tách ra đi riêng mới mong nhận được đồ cúng dường. Tuy nhiên, khi thức ăn được
gửi về cho Losakatissa thì mọi người lại…. quên luôn.
Khi tôn giả Xá-lợi-phất đi về tinh xá, Losakatissa đến đảnh
lễ. Tôn giả dừng bước quay lại hỏi:
-Này hiền giả, hiền giả có được thức ăn không?
-Thưa Tôn giả, chúng con sẽ nhận được đúng thời.
Trưởng lão Losaka rất bình tĩnh, ngài biết tất cả khó khăn
này do nghiệp của mình. Câu trả lời đúng theo định luật nghiệp báo:”chúng con sẽ
nhận được đúng thời”.
Tôn giả Xá-lợi-phất hoảng hốt nhìn giờ, thời giờ đã quá rồi.
Ngài nói:
- Này hiền giả, hãy ngồi ở đây.
Tôn giả bảo Losakatissa ngồi trong phòng họp, rồi đi đến chỗ
nhà vua Kosala. Nhà vua cho người lấy bát của Tôn giả, bỏ đầy bát với bốn loại
bánh ngọt và nói:
- Đây là đồ ăn phi thời.
Theo giới luật thì không được khất thực quá ngọ. Nhà vua
không biết duyên cớ sự việc nên đã nói một câu nhận xét theo đúng giới luật.
Tuy nhiên, một vị đứng đầu một quốc gia không nên sơ suất như vậy.
Tôn giả Xá-lợi-phất cầm bình bát đi về và nói:
-Này hiền giả Tissa, hãy ăn bốn loại bánh ngọt này.
Nói xong Tôn giả cầm bình bát và đứng chờ. Nhưng Losakatissa
hổ thẹn, và vì lòng kính trọng đối với Tôn giả Xá-lợi-phất, ngài không dám ăn.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Losakatissa.
- Này hiền giả, hãy đến. Ta đứng cầm bình bát này, còn hiền
giả ngồi và ăn. Nếu tay ta rời bình bát thì không còn vật gì cả.
Do thần thông lực thuộc bậc thánh của ngài Xá-lợi-phất, bánh
ấy không biến mất. Trưởng lão Losakatissa được ăn như ý muốn, đầy đủ, no bụng.
Ngày hôm ấy,Trưởng lão Losakatissa đắc Niết-bàn. Khi mọi người thắc mắc:
- Này các hiền giả, Losakatissa ít phước đức, ít nhận được đồ
cúng dường. Do ít phước đức, ít nhận được đồ cúng dường như vậy, làm sao lại đắc
Niết-bàn.
Đức Phật trả lời:
-Này các vị rèn luyện, ông ấy do nghiệp tự mình làm nên
không được cúng dường và cũng do nghiệp mình làm mà không được thánh pháp. Ông ấy
thuở trước làm chướng ngại người khác cúng dường nên ít được cúng dường. Ngày
nay, do chú tâm thiền quán vô thường vô ngã nên được thánh quả.
TẤN NGHĨA
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo