Sunday, December 16, 2012

Sa mạc văn hóa



Có mấy học sinh, gặp thầy giáo già, liền hỏi: "Có người nói xứ sở chúng ta là một sa mạc văn  hoá, thầy thấy như thế nào?"
"Các em không thấy các quốc gia Ả Rập đó sao? Cái họ có cũng chỉ là sa mạc mêng mông, nhưng họ có thể trở nên giàu có sung túc như vậy? Vì họ thăm dò xuống lòng đất, mà ở dưới đó thì ẩn chứa dầu hỏa hết sức phong phú!
Ngược lại nếu họ chỉ biết than thở sa mạc cằn cỗi trước mặt mà không chịu đi khai quật lòng đất, thì mãi mãi chỉ nghèo khổ mà thôi".
Rồi vị giáo già trịnh trọng nói tiếp:
"Cũng lý lẽ như thế, tuy chúng ta gặp phải một sa mạc văn hoá, nhưng chỉ cần truy tìm bên dưới, thì sẽ phát hiện người xưa để lại cho chúng ta cả một di sản phong phú, mà trở thành vùng đất văn hoá sung túc nhất. Dầu hoả cần trải qua sự chiết lọc của khoa học hiện đại mới có thể sử dụng, di sản văn hoá người xưa cũng phải do chúng ta chỉnh lý thì mới có thể phát huy rực rỡ".

"Đứng ở trên kho tàng vô tận, lại oán thán bản thân khốn cùng, chúng ta thật quá ngu muội", các học sinh chợt hiểu ra vấn đề.

Gần 20 năm nay tại xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại, Bến Tre, một kỹ sư về hưu đã mở lớp dạy toán cho học trò nghèo tại nhà. Cứ mỗi đầu năm học mới, thầy lại gói ghém tiền bạc, quyên góp sách vở để giúp đỡ các em, đồng thời vận động xây nhà tình thương cho nhiều trường hợp quá khó khăn, mua xe đạp cho các em tới trường, giúp các em tiền đóng học phí...

Thầy là Nguyễn Hữu Luận, năm nay 71 tuổi, được bà con địa phương gọi bằng cái tên thân mật là “thầy Hai Luận”. Lớp học của thầy là nơi những đứa trẻ nghèo có thể tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ thoát khỏi cuộc sống đầu tắt mặt tối, quẩn quanh lo cái ăn cái mặc như cha mẹ chúng. Thầy không chỉ dạy toán mà còn rèn cho con trẻ nên người, dạy chúng tự tin, vững vàng hơn trong cuộc sống, những điều mà cha mẹ các em chưa làm được.


Lớp học của thầy lúc nào cũng rộn rã tiếng cười của những đứa trẻ nghèo vốn luôn mặc cảm, tự ti. Đối với các em, những công việc nặng nhọc như lột dừa, kiếm cá tôm, bán vé số... quen thuộc hơn là cầm quyển vở, cây viết. Nhiều em không đủ sách vở, quần áo lành lặn để đến trường, có trường hợp từng bỏ học giữa chừng vì cha mẹ đi làm ăn xa... Tất cả quy tụ lại dưới mái ấm của thầy Hai Luận.

Thầy chia sẻ: “Mình nghèo, gia đình các cháu còn nghèo hơn. Cha mẹ chúng phải tất bật sáng tối lo miếng cơm manh áo, không đủ tiền cho con ăn học. Nghĩ thế tôi bèn gom góp tiền bạc sắm sửa bàn ghế, dọn dẹp gian nhà dành chỗ mở lớp học miễn phí cho các cháu”. Với quan niệm “mình phải gánh vác một phần trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ nơi vùng quê nghèo khó này", thầy đã âm thầm “đưa đò” hơn 20 năm qua. Nói về công việc của mình, thầy móm mém: “Lúc đầu tôi mở lớp dạy mấy cháu cấp 3, chủ yếu tập trung ôn để có kiến thức thi tốt nghiệp. Nhưng sau này, thấy các cháu mất căn bản khá nhiều, kèm cặp trong thời gian ngắn không xiết nên tôi chuyển qua dạy luôn cấp 2. Việc dạy dỗ các cháu có nhiều khó khăn khó lường trước được, chẳng hạn nhiều cháu học tới lớp 9 vẫn chưa biết “góc đồng vị”, “hằng đẳng thức”... là gì. Hơn nữa các cháu còn rụt rè e ngại, điều gì không biết hoặc chưa hiểu cũng không dám hỏi. Đối với các cháu, mình phải kiên nhẫn, nhẹ nhàng thì mới tiến bộ được”.

Ngoài công tác giảng dạy, thầy còn chăm lo cho các học sinh từng cây viết, cuốn vở hay vận động, quyên góp tiền sửa nhà. Đưa chúng tôi đến thăm một học trò lớp 11, người vừa được thầy vận động xây cho ngôi nhà tình thương, thầy căn dặn em cố gắng học tập để sau này còn phụ giúp gia đình và xã hội.


Dưới sự chỉ bảo tận tâm của thầy, học sinh trong xã đã tiến bộ vượt bậc, nhiều người đã thi đậu vào các trường đại học. Với thầy đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng đáng quý hơn cả là một số học trò cũ thành tài đã quay về địa phương công tác như cô Yến, giáo viên Trường THCS Vang Quới; anh Hải, hiện là Phó chủ tịch xã Vang Quới Tây...

Thầy Hai Luận hiện là Chủ tịch Hội khuyến học xã Vang Quới Tây. Việc làm của thầy đã được Hội khuyến học và UBND xã nhà ghi nhận, nhiều người dân địa phương khâm phục. Thầy từng được  khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động  Bằng tình yêu thương đối với học trò và cái tâm trong sáng, thầy đã giúp các học sinh nghèo nơi đây say mê học tập và chiếm lĩnh tri thức. Đối với thầy, dạy dỗ các em vừa là niềm vui tuổi già vừa đóng góp chút công sức nhỏ bé cho quê hương.



Theo: Ngọc Hiếu - Minh Thư