Rồi đến tuổi già. Một chậu cây nhỏ cũng không dám bưng. Rồi
đến lúc chống gậy, ngồi xe lăn. Nói trước quên sau, để đâu quên đó. Rồi có lúc
thân tâm này không chịu tuân theo ý mình nữa. Phải nhẫn thôi.
Mỗi ngày chúng ta phải nhẫn với biết bao điều. Rất nhiều cái
chống lại ý muốn của ta. Nếu mỗi cái mỗi tức giận thì chắc là không sống thọ nổi.
Nhẫn quá nhiều thành quen, đến độ nhìn kỹ thì đời người chỉ là một chuỗi dài những
nhẫn. Kể cả nhẫn với thành công, nhẫn với thất bại. Nhẫn với được, nhẫn với mất.
Có phải đạo Phật đã gọi cõi chúng ta đang sống đây là cõi Ta Bà, nghĩa là cõi
Kham Nhẫn?
Chúng ta phải nhẫn với những tham muốn của mình. Tham muốn
thì quá nhiều mà thành tựu thì quá ít, quá lâu. Tham muốn ấy nếu bị người nào cản
trở, chống lại, thì nổi tức giận. Lại phải nhẫn với sự tức giận.
Chúng ta lại phải nhẫn với những quan niệm sai lầm của mình,
những quan niệm sẽ sinh ra những hậu quả tai hại, mà có khi cả đời người cũng
không đủ thấy, rồi than trời trách đất, oán người trách đời.
Nhẫn là nhẫn với tham, sân, si, vượt thắng con người tạp nhạp
hỗn loạn của mình. Nhẫn là một đức tính để làm người và để vượt khỏi thân phận
con người rối loạn hạn hẹp của mình.
Chúng ta phải nhẫn vì hiện hữu thân tâm của chúng ta là giới
hạn, bất toàn và, thế giới chung quanh chúng ta cũng hữu hạn, bất toàn. Chúng
ta phải nhẫn vì thân tâm chúng ta đang bị thúc ép, trói buộc. Như thế, mỗi cái
nhẫn ấy phải chăng là một lời kêu gọi của tự do? Mặt bên kia của một sự việc
khiến ta phải nhẫn chính là tự do. Ai mà chẳng thuộc “sắc tức là Không, Không tức
là sắc; sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc”. Vấn đề là ngay nơi cái nhẫn
này chúng ta có thể nghe được và tìm thấy sự tự do tối hậu hay không.
Nhẫn là một đức tính để sống ở đời, để làm bất cứ việc gì, để
khỏi gây gổ, để khỏi tự làm tổn hại mình, để đi đến thành công trong bất cứ việc
gì. Nhẫn được xác định là một trong sáu sự hoàn thiện (ba -la – mật) để trở
thành một người cao cả, phát huy được những đức tính của con người. Đó là Nhẫn
nhục ba -la – mật. Chữ “nhục” đây không có nghĩa là nhục nhã, mà có nghĩa là chịu
khuất, chịu lép vế, chịu nhịn. Để sống ở đời, để tự hoàn thiện, để trở nên cao
đẹp, chúng ta cần đức tính nhẫn: kiên nhẫn, chịu đựng, chịu khó, biết nhường nhịn,
biết bớt tham, bớt sân, bớt si…
Đi du lịch ở một bãi biển đẹp, chúng ta cứ nghĩ tiền tôi thì
tôi hưởng. Nhưng nhìn sâu một chút thì sự hưởng thụ của chúng ta dựa vào công sức
kiên nhẫn, chịu khó của biết bao người. Ai đổ mồ hôi làm những con đường đến
đây, ai làm sạch sẽ bãi biển mỗi ngày, nhà này ai xây, hạt gạo này từ đâu mà
có…? Hóa ra, trong cuộc sống mỗi ngày, chúng ta sống là dựa vào sự nhẫn nhục với
nhau để sống. Sống là sống trong sự nhẫn nhục của tất cả chúng sanh với nhau.
Từ đó mà có sự biết ơn, tình thương, tôn trọng cho tất cả
chúng sanh. Từ đó mà có từ bi, sức mạnh vận hành toàn bộ đời sống.
Muốn tiến lên trên con đường sự thật, con đường chân lý,
cũng đòi hỏi chúng ta phải nhẫn nhục với những sự thật, để thấu hiểu và xuyên
qua chúng. Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã là những sự thật rất khó chịu đựng. Để
thấu hiểu chúng, để thoát khỏi tính ích kỷ thâm căn cố đế, chúng ta phải nhẫn
nhục chịu đựng những sự thật làm tróc gốc hiện hữu của ta. Chịu đựng chúng lâu
ngày, dần dần chúng ta sẽ nhận ra chúng, thấu hiểu chúng và vượt qua được bờ
bên kia của tự do và giải thoát.
Thế nên, như một cách diễn tả con đường đi đến chân lý, đạo
Phật dùng chữ nhẫn: Phục nhẫn, Tín nhẫn, Tùy thuận nhẫn, Vô sanh pháp nhẫn và Cứu
cánh nhẫn hay Tịch diệt nhẫn. Càng ở thấp, càng ít phát triển, càng kém hoàn
thiện, chúng ta càng phải nhẫn nhiều. Đó là dấu hiệu cho chúng ta biết chúng ta
còn có ít tự do. Cho đến Vô sanh pháp nhẫn thì không có gì để phải nhẫn nữa.
Không có một cái tôi để phải nhẫn với cái gì, và không có một cái gì để phải nhẫn
nữa. Nhẫn, như vậy, là một con đường để đến tự do và cũng là một thước đo cho sự
tự do nội tại vốn có của chúng ta.
Cho nên, đạo Phật mở ra con đường nhẫn nhục ba – la – mật, một
trong sáu sự hoàn thiện của con người. Ba -la – mật là hoàn thiện, trọn vẹn, rốt
ráo, vượt qua đến bờ bên kia.
Tóm lại, nhẫn nhục là một đức tính không thể thiếu trên con
đường làm người (nhân đạo), và càng không thể thiếu trên con đường trở thành một
con người hoàn hảo, toàn thiện và toàn diện (Phật đạo).
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo136 – NGUYỄN THẾ ĐĂNG