Khi trú ở Kỳ Viên, bậc Đạo sư đã kể lại về hai trưởng lão lớn
tuổi. Nghe nói: hai trưởng lão ấy, sau khi an cư mùa mưa tại một làng thôn quê,
quyết định đi yết kiến bậc đạo sư, chuẩn bị lương thực để lên đường.
Nhưng họ
trì hoãn ngày này qua ngày khác, cho đến một tháng trôi qua. Rồi họ chuẩn bị
lương thực mới, cũng như lần trước, trì hoãn qua tháng khác. Như vậy, vì sự biếng
nhác, trìu mến trú xứ của họ, ba tháng sau họ mới lên đường đi đến Kỳ Viên. Sau
khi cất đặt y bát, họ đến yết kiến bậc Đạo sư.
Hai trưởng lão này biết việc yết kiến Đức Phật mang lại nhiều
lợi ích cho họ trong quá trình rèn luyện tự điều chỉnh . Tuy nhiên, các thói
quen sinh hoạt làm cho họ bị ì ra, không thể khởi hành. Chuyện trì hoãn không
làm các công việc là thói quen chung của nhiều người. Nhiều việc người ta biết
là tốt cho mình nhưng cứ lần lữa không làm. Trạng thái ù lì này diễn ra không
phải chỉ với các công việc phức tạp mà xảy ra ngay cả với các công việc đơn giản
nhất. Anh X được nhắn tin:” nhớ cám ơn Y dùm tôi”. X. hứa “tôi sẽ nhắn”. Nhưng
anh không làm ngay, sau đó quên luôn. Chị Z .nhận cầm một lá thư từ New York của
B. cho A. ở Cần Thơ .Khi về đến Sài gòn, Z.không gửi thư ngay. Một tháng sau,
B.về nước gặp A. ,A .vẫn chưa nhận được thư của B. đã gửi từ một tháng trước.
Phụ huynh XZ. Cho con đi học thêm, đến kỳ đóng tiền học vẫn lần lữa chưa chịu đi đóng, mặc dù
không phải khó khăn về tài chính…Rất nhiều những việc nhỏ xảy ra trong cuộc đời
như vậy.
Trên đường, khi các vị rèn luyện khác hỏi vì sao lâu ngày họ
không đến hầu Đức Phật và nguyên nhân của sự chậm trễ, họ báo cáo lại về sự biếng
nhác của mình.
Việc trì hoãn này làm bản thân áy náy, lo lắng. Khi bị người
khác hỏi đến thì thường có tâm lý xấu hổ, có người ngượng quá..quát nạt lại người
hỏi. Sách cú giải về ba Mươi Tám Pháp Hạnh Phúc cho biết một người làm không
xong công việc, hay bỏ dở, thường sẽ dẫn đến một hoặc một số tình trạng sau:
- Làm mất thời gian, một chuyện đáng lẽ xong trong một giờ
có thể phải làm trong hai ba giờ, có khi vài tháng mới xong hay không bao giờ
hoàn thành.
- Làm việc ít, không xứng đáng với đồng lương nhận được.
- Không quan tâm đến công việc.
- Làm công việc một cách miễn cưỡng.
- Ngủ cả ngày.
Ban đêm không làm việc.
- Say rượu cả ngày.
- Quan hệ tình cảm nam nữ nhiều.
- Lười biếng, ngủ nướng và hay dậy trưa.
- Luôn luôn không làm việc vì cho rằng thời tiết quá nóng,
quá lạnh.
Trong khi đó, một người luôn hoàn thành các công việc, có
các kết quả sau:
- Yên ổn sung sướng vì có tài sản.
- Yên ổn sung sướng vì có tiền để tiêu dùng.
- Yên ổn sung sướng vì không bị nợ.
- Yên ổn sung sướng vì việc làm không bị lỗi.
- Gia đình và xã hội có thể nương nhờ .
- Tích lũy trữ năng tốt cho tương lai.
- Tự bảo vệ được bản thân.
- Không bị mất sự tự kiểm soát.
- Được những vị có trí tuệ khen ngợi.
- Sẽ tái sinh vào vùng cư trú của các vị trời.
- Có điểm tựa để đạt được những kết quả tu tập.
Bậc đạo sư đến, hỏi về vấn đề đang được bàn luận, và khi được
báo cáo vấn đề ấy, bậc đạo sư cho gọi hai vị
rèn luyện ấy và hỏi có đúng như vậy không? Khi được họ xác nhận sự thật
là như vậy, Ngài nói: “Này các vị rèn luyện, không phải chỉ nay họ mới biếng
nhác. Thủa trước họ cũng biếng nhác và trìu mến trú xứ như vậy rồi.”
Câu chuyện cho thấy hai vị rèn luyện này khi đến Kỳ Viên vẫn
ngại ngùng chưa gặp Đức Phật vì sự trì hoãn của mình. Đây là tâm lý thông thường
của trạng thái lần lữa trong các công việc. Khi được người khác kể lại, Đức Phật
cho gọi hai vị này lại, kiểm tra độ chính xác của câu chuyện. Rồi để khuyên răn
mọi người, Ngài cho biết tính khí trì hoãn công việc này rất nguy hiểm vì nó là
loại được…di truyền từ đời này sang đời khác. Nếu không khéo điều chỉnh thì khi
đầu thai,từ bé đã có… bệnh lười. Ngài kể lại câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Ba-la-nại, có ba con
cá sống ở Ba-la-nại, một con tên Nghĩ nhiều, một con tên Nghĩ ít, Một con tên
Nghĩ vừa. Chúng từ rừng đi đến cảnh giới loài người. Tại đấy, Nghĩ vừa nói với
hai con cá kia: cảnh giới loài người nguy hiểm và dễ sợ. Các người đánh cá
quăng lưới, đặt bẫy, bắt cá. Chúng ta hãy đi về nguồn lại.
Để khắc phục tâm lý lười biếng vốn có trong mỗi con người,
các biện pháp điều chỉnh cần phải được tiến hành. Mỗi việc muốn thực hiện được
cần phải có các điểm tựa trong Phật học gọi các điểm tựa là “duyên”.Việc tạo
các điểm tựa trong Phật học có thể gọi là việc “gieo duyên”.Các “duyên” chỉ có
nếu ta có hành động cụ thể. Khi có một công việc cần làm mà ta lại chưa muốn
làm, thì cần phải tạo “duyên” dựa vào đầu ra cuối cùng của công việc( sở duyên
duyên): không làm thì có hại gì? Làm thì được lợi gì? Con cá Nghĩ vừa thấy sự
nguy hiểm ở nơi có loài người sinh sống và muốn tránh xa chỗ đó. Suy nghĩ đó tạo
động lực cho việc khởi động công việc.
Hai con cá kia vì biếng nhác, vì tham tài vật, trì hoãn lên
đường, cho đến ba tháng trôi qua.
Cách điều chỉnh kế tiếp là tránh những lý do ủng hộ cho việc
không khởi sự, nghĩa là tránh gieo các “nghịch duyên”. Chẳng hạn con cá Nghĩ ít
có sẽ quan tâm đến thức ăn tìm kiếm dễ dàng, vì chỗ sinh sống này đông đảo,…các
lý do này ủng hộ cho việc không rời khỏi chỗ nguy hiểm. Thí dụ như việc cần phải
nâng cao trình độ người lao động. Tuy nhiên, một người phải lao động cả ngày,
thì sẽ trì hoãn việc đi học bằng một lý do đơn giản: làm cả ngày mệt quá, phải
nghỉ ngơi đã, đi… uống bia đi. Nếu muốn công việc có thể khởi sự nên đổi suy
nghĩ thành: X. cũng như mình,mà nhờ chịu khó học tập, bây giờ nương cao hơn
mình. Mình phải làm việc cả ngày, không học tập được, còn chút thì giờ mình
tranh thủ học được chữ nào hay chữ ấy. Tương tự như vậy, tâm lý trì hoãn công
việc sẽ mạnh nếu ta nghĩ: mình vừa mới bệnh xong, phải nghỉ ngơi cái đã! Tâm lý
này sẽ giảm thiểu nếu ta nghĩ: mình vừa mới bệnh xong do bệnh công việc kia đã
bị trì hoãn, bây giờ mình nên bắt đầu công việc…( xem Tám căn cứ để biếng nhác
và tinh tấn, kinh Tănh Chi Bộ, phẩm Song đôi, tập 4, tr.37).
Cách điều chỉnh thứ ba là tìm cách sống trong một môi trường
gồm nhiều người siêng năng. Người bạn không siêng năng cũng sẽ tạo “nghịch
duyên” cho việc khởi đầu công việc.Có người dự định làm công việc lại bị người
không siêng năng nói:làm làm gì cho cực thân, tham công tiếc việc làm gì, Hay
dè bỉu:Thằng đó nó chỉ biết đến công việc, chẳng biết gì cả. Với các “nghịch
duyên” như vậy, công việc tiếp tục bị trì hoãn. Con cá Nghĩ vừa mặc dầu biết sự
nguy hiểm, muốn rời khỏi đó, nhưng hai con cá kia không chịu đi. Do đó cả ba
con trì hoãn công việc. Con cái muốn học tập tốt, cha mẹ không phải chỉ chọn lựa
ngôi trường tốt, thầy giáo giỏi, mà còn phải chú ý đến môi trường đó có nhiều học
sinh siêng năng hay không?
Rồi những người đánh cá quăng lưới xuống sông. Nghĩ nhiều và
Nghĩ ít tìm mồi đi trước, vì mù quáng ngu si, chúng không đề phòng lưới giăng
nên đi vào trong mạng lưới. Nghĩ vừa đi sau cẩn trọng đề phòng.
Suy nghĩ nhiều quá cũng cản trở quá trình khởi đầu công việc.
Anh Y. muốn viết một cuốn sách “để đời “.Anh suy nghĩ tới nội dung, bố cục cuốn
sách .Anh nghiền ngẫm rất lâu. Mỗi lần khởi sự viết anh lại thấy nó không đạt được như ý của
mình. Thế rồi thời gian trôi qua, cuốn sách vẫn mãi ở dạng…ý tưởng. Cách điều
chỉnh sự suy nghĩ quá nhiều là hiện thực hóa các điểm tựa, nghĩa là “ gieo một
duyên trước đã”. Dale Carnegie trong cuốn sách Quẳng gánh lo đi mà vui sống(
Nguyễn Hiến Lê dịch) đề nghị một quy
trình như sau:
- Viết rõ ràng lên giấy nỗi lo của mình, trả lời câu hỏi:tôi
đang lo điều gì?
- Viết lên giấy những giải pháp có thể theo được, trả lời
câu hỏi: làm sao giải quyết được bây giờ.
- Chọn lựa một giải pháp.
- Thi hành ngay giải pháp đó.
Công việc quá phức tạp cũng là một nghịch duyên cho công việc
khởi sự. Khi được hỏi: “ vì sao chưa khởi sự”. Người nghĩ nhiều sẽ nói: “ bây
giờ chưa đủ điều kiện để làm”. Phương pháp điều chỉnh ở đây là chia công việc
thành nhiều phần nhỏ tương đối độc lập và giải quyết các công việc dễ dàng trước.
Chẳng hạn:
- Để có thể leo lên cao, người ta tạo ra các bậc thang. Nhờ
đó, có thể bước từng bước lên cao.
- Các chương trình giáo dục chia ra làm nhiều cấp lớp. Mỗi cấp
lớp có cách kiểm tra đánh giá. Nhờ đó có thể lượng định xem một người đã hoàn
thành chương trình đào tạo tới mức nào.
- Để giải quyết một vấn đề, người ta chia vấn đề đó thành
nhiều bài toán nhỏ gọi là bài toán mi ni. Tập hợp các bài toán để giải quyết vấn
đề gọi là phổ các bài toán cụ thể có thể có. Việc giải quyết vấn đề nên bắt đầu
với bài toán mini vì các lý do:
a)hệ ( cần cải tiến) ít thay đổi nên chi phí thấp,
b) hệ ít thay đổi nên nguy cơ gây hậu quả xấu không nhiều,
d) hệ ít thay đổi nên giải pháp dễ được chấp nhận hơn.
Suy nghĩ ít dẫn đến tinh trang không khởi sự công việc hoặc
làm công việc mà không cẩn thận. Trong trường hợp chưa tiến hành, cần phải xem
xét cẩn thận, tiêu chẩn hóa công việc để tạo điểm tựa vững chắc cho quá trình tự
điều chỉnh tiếp theo, đã được Đức Phật thuyết giảng như sau:
…một con bò cái ngu si, không thông minh, không biết đồng ruộng,
không giỏi trong việc đi đến các núi non hiểm trở.Nó suy nghĩ: “Ta hãy đi theo
hướng trước kia chưa từng đi , ăn loại cỏ chưa từng ăn và uống loại nước chưa từng
uống”. Trước khi đặt bàn chân trước một
cách vững chắc, nó đã bước bàn chân sau. Và vì thế nó không thể đi đến nơi trước
kia chưa từng đi, không thể ăn loại cỏ chưa từng ăn và không thể uống loại nước chưa từng uống. Ngay tại chỗ mà trước kia nó
đặt chân, nó cũng thể quay trở lại chỗ
cũ một cách an toàn. Vì sao? Vì con bò cái ấy sống ở rừng núi, ngu si không
thông minh, không biết đồng ruộng, không giỏi trong việc đi đến các núi non hiểm
trở…”
Trái lại: “Một con bò cái hiền trí, thông minh, biết đồng ruộng,
giỏi trong việc đi đến các núi non hiểm trở. Nó suy nghĩ: “ Ta hãy đi theo hướng trước kia chưa từng đi , ăn loại cỏ chưa từng
ăn và uống loại nước chưa từng uống”. Và con bò cái ấy sau khi đặt bàn chân trước
một cách vững chắc, nó đã bước bàn chân sau. Và vì thế nó có thể đi đến nơi trước
kia chưa từng đi, không thể ăn loại cỏ chưa từng ăn và không thể uống loại nước chưa từng uống. Ngay tại chỗ mà trước
kia nó đặt chân, nó cũng có thể ngay trở lại chỗ cũ một cách an toàn. Vì sao?
Vì con bò cái ấy sống ở rừng núi, hiền trí,thông minh, biết đồng ruộng, giỏi
trong việc đi đến các núi non hiểm trở”.
(Kinh Tăng Chi Bộ, tập
4, tr.169)
Sau khi biết được hai con cá kia sa vào mạng lưới, con cá
Nghĩ vừa tìm cách cứu hai con cá kia.
Nó bơi ra phía ngoài lưới giăng, làm vùng vẫy mắt lưới như
đã được thoát,làm tung tóe nước như đá lặn về phía trước lưới.Rồi nó bơi qua
vùng gần mạng lưới.Các người đánh cá nghĩ rằng các con cá đã vùng vẫy ra khỏi
lưới và đã trốn đi rồi nên chỉ nắm một góc lưới và kéo lên.Hai con cá kia thoát
khỏi lưới và lặn xuống nước, Bậc đạo sư,sau khi kể câu chuyện quá khứ, đọc bài
kệ:
‘’Nghĩ nhiều’’ và
“Nghĩ ít’’
Cả hai đều mắc lưới
Chỉ có ‘’nghĩ đúng mức”
Giải thoát được cho chúng.
Dân gian có câu mang tính
“’trí tuệ” khôn ngoan “khôn cũng chết,
dại cũng chết, chỉ có biết là sống”. Không biết câu chuyện này có giải thích được
cho câu nói đó không?
Tấn Nghĩa | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 120 |