Monday, December 31, 2012

Con cái nghĩ gì về cha mẹ?

Có một nhà thông thái đã nói lên những suy nghĩ trong mỗi giai đoạn của cuộc đời mình về cha mẹ như sau:

“Khi còn bé, tôi xem cha mẹ là tất cả. Cha mẹ là người có thể mang lại cho tôi mọi thứ, mọi điều. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở cha mẹ mình; tôi luôn lắng nghe mọi lời dạy và sự chỉ bảo của cha mẹ, vì đối với tôi, bất cứ điều gì cha mẹ cũng biết.
Vào mọi lúc, ở mọi nơi, tôi luôn nghĩ về cha mẹ. Nhưng đến khi tôi mười lăm, mười sáu tuổi, tôi thấy cha mẹ không hoàn hảo như tôi đã nghĩ, bởi vì có nhiều điều cha mẹ không biết và có nhiều việc cha mẹ không làm được. Khi được mười tám tuổi, tôi vào đại học. Lúc đó tôi thấy rằng kiến thức của cha mẹ còn ít ỏi lắm, có nhiều điều cha mẹ chưa biết hoặc hiểu biết nông cạn, mơ hồ. Tôi thấy nhận thức hiểu biết và tài năng của mình đã vượt xa cha mẹ, tôi không còn cần sự giúp đỡ của cha mẹ nữa. Những khi cha mẹ chỉ bảo điều gì hay đóng góp ý kiến cho tôi, tôi cảm thấy rất khó chịu và chẳng hề quan tâm. Đến lúc ra trường, đi làm, rồi lập gia đình, tôi thấy cha mẹ là những người già khó tính, bảo thủ, cố chấp; tôi nhận thấy giữa những người trẻ chúng tôi và những người già thật khó mà hòa hợp. Thế là vợ chồng tôi quyết định ra sống riêng. Tôi thấy cha mẹ mình quá lỗi thời, cổ hủ, họ không hiểu gì về giới trẻ và cuộc sống hôm nay. Lúc nào cha mẹ cũng khắt khe, làm việc gì cũng cẩn trọng, giữ gìn ý tứ, phải đắn đo suy nghĩ, phải lập kế hoạch và thực hiện theo trình tự từng bước kỹ càng. Đến khi tôi ba mươi tuổi, khi đã làm cha của hai đứa con, lúc đó tôi mới phát hiện có những điều mà trước kia tôi không hiểu. Cha mẹ là cả một kho tàng kinh nghiệm mà tôi không nhận ra . Tôi thấy tuổi trẻ của mình nông nổi và bồng bột quá, luôn nóng nảy, hồ đồ và kém kinh nghiệm, nhận thức còn nông cạn. Lúc này tôi cũng thấm thía những nỗi nhọc nhằn vất vả của bậc làm cha mẹ. Mỗi ngày tôi đều bận rộn, căng thẳng, mệt nhọc với công việc kiếm ra tiền để nuôi sống gia đình, với công việc chăm sóc và dạy dỗ con cái. Bấy giờ tôi mới hiểu được tình yêu thương vô bờ bến mà cha mẹ dành cho con cái, dù vất vả, dù gian khổ cha mẹ vẫn không nề hà. Kể từ bây giờ tôi không còn vô tâm nữa, tôi thường xuyên về thăm cha mẹ, đưa các con tôi về viếng ông bà, tôi luôn dạy chúng về lòng hiếu thảo. Đến năm tôi gần năm mươi tuổi thì cha mẹ tôi qua đời . Lúc đó dù không còn trẻ nữa nhưng tôi đã khóc rất nhiều, vì tôi hiểu rằng kể từ đây cha mẹ không còn ở trên đời nữa, dù tôi có tiếc thương cũng đã muộn màng, dù tôi muốn đáp đền công ơn cha mẹ cũng không còn cơ hội nữa. Tôi thấy ân hận vô cùng vì đã có lúc mình nghĩ sai về cha mẹ, những người đã tạo ra tôi, đã nuôi tôi khôn lớn thành người, xây dựng nhân cách cho tôi, đã dạy dỗ và truyền trao những kinh nghiệm hiểu biết cho tôi, để tôi trở thành người có ích cho xã hội”.

Có lẽ mọi người đều nghĩ về cha mẹ mình như nhà thông thái nói trên. Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, người ta có những suy nghĩ khác nhau về cha mẹ, nhưng đến khi trải qua “mấy chặng đường đời” nhọc nhằn, gian khó, đến khi đã làm cha làm mẹ rồi thì mới biết nỗi lòng của các đấng sinh thành, mới hiểu trọn vẹn về cha mẹ. Đúng như lời người xưa đã nói, “có nuôi con mới biết công ơn cha mẹ”, hay văn vẻ hơn, “Ở đời ai cũng có lần, làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành. Mẹ cha khó nhọc nuôi mình, khác chi mình đã hết tình nuôi con”.

Tuổi trẻ ngày nay năng động, nhạy bén, có nhiều điều kiện học tập, rèn luyện, trau giồi để trở thành những con người có tài năng và bản lĩnh trong xã hội. So với các thế hệ trước thì thế hệ hôm nay có hoàn cảnh sống tốt hơn, do đó có thể nói có những điều tuổi trẻ hôm nay vượt xa ông cha mình ngày trước. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người trẻ có thể xem thường thế hệ ông cha mình. Người trẻ vẫn cần phải học tập ở những thế hệ trước rất nhiều, từ nhân cách đạo đức đến kinh nghiệm sống mà mình chưa từng trải qua vì tuổi đời còn non trẻ. Người trẻ cũng phải luôn nhớ rằng dù thế hệ sau có tiến xa hơn các thế hệ trước thì sự tiến xa đó cũng là xây dựng trên nền tảng của ông cha mình.

Chắc chắn là không ai có thể quên rằng nhờ đâu mà mình có mặt trên cõi đời này, nhờ đâu mà mình có được cuộc sống hôm nay, nhờ đâu mà mình trở thành người có ích cho xã hội. Dù cha mẹ chúng ta là những người giàu sang danh vọng hay bần cùng khốn khổ, dù cha mẹ chúng ta là những người trí thức có trình độ hay mù chữ, không có văn hóa, thì đó vẫn là những người sinh ra chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành khôn lớn. Hãy luôn nghĩ về điều đó để chúng ta thật sự là những đứa con đúng nghĩa đáng tự hào.

Giữa người già và người trẻ có một khoảng cách cần có sự cảm thông và chia sẻ. Chính khoảng cách thế hệ là một trong những nguyên nhân khiến cho ông bà, cha mẹ già bị con cháu “bỏ rơi”, phải sống trong cô đơn buồn tẻ, thiếu sự quan tâm chăm sóc, thiếu thốn tình thân.

Do sinh ra và lớn lên, sống trong thời đại, trong hoàn cảnh xã hội khác nhau nên mỗi thế hệ đều có quan niệm nhận thức, nếp suy nghĩ, có những thói quen, lối sống khác nhau, từ đó giữa người già và người trẻ thường xảy ra những mâu thuẫn. Các bậc ông bà cha mẹ thường cho rằng con cháu thiếu kinh nghiệm, nông cạn, không biết tôn trọng người lớn, tự do thái quá, sống dễ dãi, phóng túng, đôi khi ích kỷ, vô ơn. Con cháu thì cho rằng người già khó tính, bảo thủ, cố chấp, cổ hủ, lạc hậu, đôi khi trái tính trái nết.

Trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống ngày càng bận rộn,  mọi người phải dành nhiều thời gian cho công việc, nên người già thiếu sự quan tâm của con cháu. Thêm vào đó khoảng cách thế hệ làm cho họ ngày càng xa dần con cháu. Xã hội chưa có chế độ chăm lo cho người già, vậy các bậc ông bà cha mẹ biết trông cậy vào đâu khi đến tuổi xế chiều nếu không nương tựa vào con cháu?

Con cháu nên thông cảm cho ông bà cha mẹ già, nên hiểu đặc điểm của tuổi già: Về thể chất, mắt mờ, tai điếc, hay quên, dễ nhầm lẫn, đi đứng chậm chạp không còn vững vàng, sa sút trí tuệ, thường phát sinh bệnh tật. Về tâm lý, dễ tổn thương, hay giận hờn, nhớ rất kỹ chuyện xa xưa nhưng hay quên những chuyện vừa mới xảy ra, hay buồn bã, ngại giao tiếp, hay than thân trách phận, hay oán trách người khác…

Nếu có tình thương và sự hiểu biết, có đạo đức trách nhiệm, biết cảm thông chia sẻ, biết dung hòa để sống chung thì những mâu thuẫn giữa ông bà cha mẹ và con cháu sẽ được hóa giải, khoảng cách thế hệ sẽ không còn. Một điều người trẻ nên nhớ là tuổi già cũng sẽ đến với mình như ông bà cha mẹ bây giờ. ■

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 136  |  PHAN MINH ĐỨC