Lúc tôi bước vào căn phòng này, cái cảm giác đầu tiên là khó thở, với hai dãy giường bệnh vừa được làm phẫu thuật xong. Hầu hết đều không được lành lặn bình thường và nằm bất động. Cô bạn tôi là một trong những cái xác không hồn đó, đầu cạo trọc, trên người được đắp một chiếc áo bệnh viện màu xanh, thân thể gần như lõa lồ. Nếu không biết trước thì chắc cũng khó nhận ra được đó là một người đàn bà giàu có, xinh đẹp ở Mỹ về, xài tiền như nước.
Tôi chỉ biết đứng yên nhìn cô ta, và trong lòng hoang mang cảm
khái. Cô vẫn mê man, chưa biết sống chết thế nào. Bác sĩ cho biết là cô có thể
hôn mê trong nhiều ngày.
Năm ngày sau thì cô tỉnh dậy. Vậy là cô đã thoát chết. Mấy
hôm sau thì cô được chồng đem về Mỹ. Hai tháng sau, tôi có việc qua Mỹ và ghé
thăm cô tại nhà. Bấy giờ thì tóc của cô đã mọc lại khá dài, che hết phần sọ bị
cưa. Nhan sắc đã được phục hồi, cô trở lại là một người đàn bà duyên dáng hoạt
bát. Cô kể lại cho mọi người nghe về chuyện tai nạn và cô nói: “Trước khi lên
bàn mổ, mình nghĩ chỉ cần được sống là đủ và sẽ không bao giờ đòi hỏi bất cứ một
điều gì khác”.
Hôm sau, tôi theo cô bạn đến phòng khám bệnh của một bác sĩ
qua giới thiệu để cô được tái khám. Cô bạn bước vào phòng, tươi cười chào hỏi
và để tập hồ sơ bệnh lý của cô lên bàn. Vị bác sĩ đọc qua hồ sơ và hỏi cô: “thế
bây giờ bệnh nhân bị mổ đầu đang ở đâu?”. Cô bạn có hơi ngạc nhiên, nhưng sau
đó hiểu ra, cô trả lời “Chính là tôi”.
Vị bác sĩ trợn mắt nhìn cô, chỉ nói được một câu: “Không thể
tưởng tượng được, nếu thế thì quả là một phép lạ”.
Sau khi khám lại vết thương, hỏi cô nhiều điều, bác sĩ cho
biết tình trạng sức khỏe của cô hoàn toàn bình thường và bảo cô ký vào một giấy
tờ gì đó. Cô cầm bút, nhưng thay vì ký vào chỗ đã có đánh dấu sẵn, thì cô ký lệch
mấy phân vào phía dưới. Bác sĩ cười bảo: “Đấy là điều duy nhất còn sót lại mà
cô cần phải chữa” và cho cô một cái hẹn khác.
Cô bạn tôi ra về với những nét băn khoăn hiện ra trên mặt.
Tôi an ủi, và nhắc lại lời cô nói sau khi tỉnh dậy, miễn được sống mà thôi. Cô
trả lời: “Lúc đó thì nghĩ như thế thật, nhưng khi được sống rồi thì muốn những
điều tốt hơn, mình nghĩ con người chắc ai cũng thế”.
Đúng. Con người ai cũng thế. Những cái mơ ước của cô bây giờ
chỉ là mong nhận được một cái mà cô đã có từ trước, và đã đánh mất. Cô chỉ mong
được ký đúng vào chỗ có đánh dấu không bị lệch ra ngoài do thần kinh không kiểm
soát được mà thôi. Đấy là một tai nạn ngoài ý muốn đã làm cô bị một hậu quả mhỏ
như thế, nhưng cũng có những trường hợp mình tự ý quẳng một vật sở hữu của mình
đi, cuối cùng lại ao ước được có lại như cũ.
Ở đời có nhiều cái mơ ước rất bình thường. Bị một vết xước
trên thân thể cũng đã làm mình khó chịu và chỉ mong lành lặn lại như cũ. Lúc sở
hữu một cái tầm thường thì không quan tâm, quý trọng, đến kh mất thì tiếc nuối
và chỉ muốn được lại cái mình đã có từ trước. Nhiều cặp vợ chồng cũng mất hạnh
phúc vì cứ nghĩ là mình phải được hơn như thế, vợ đòi hỏi chồng phải hơn như thế
và ngược lại, cho đến khi tan vỡ, ân hận thì đã quá muộn màng.
Mơ ước cái mình chưa có cũng là chuyện bình thường, nhưng nếu
mơ ước không đạt được thì cũng không sao. Mơ ước được giàu sang phú quý, cũng
không hình dung được giàu sang phú quý đến như thế nào. Một người con gái mơ có
tiền để sửa sắc đẹp, chưa biết sẽ đẹp như thế nào, và nếu không thực hiện được
ước mơ thì cũng đành quên đi. Nhưng nếu một hôm cô ta bị gãy một chân, thì mơ ước
của cô chỉ là làm sao có được đôi chân lành lặn như cũ mà thôi.
Tôi có một người bạn khác, một hôm phải vào bệnh viện và kết
quả cho biết là anh ta bị sưng túi mật rất nghiêm trọng, phải giải phẫu gấp mới
an toàn tính mệnh. Lúc chúng tôi vào thăm anh ở bệnh viện thì được biết anh đã
được an toàn và chỉ vài ngày sau có thể xuất viện về nhà. Anh nói với tôi: “Có
thế này mới biết được chúng ta luôn luôn đứng trên ngưỡng cửa của cái chết mà
không biết. Có thế này mới thấy nên có một quan niệm về đời sống thực tế hơn”.
Anh nói thì thế, nhưng khi lành bệnh, trở lại làm việc một
thời gian thì anh ta vẫn chẳng khác gì ngày xưa, không có chút nào đổi thay.
Ngài Đạt-lai Lạt-ma có một câu nói rất hay và đơn giản: “Có
nhiều người sống mà không nghĩ là mình sẽ chết. Đến khi sắp chết, mới chợt nhận
ra là mình chưa sống!”.
Nói là đơn giản, nhưng phải ai cũng hiểu sâu xa ý nghĩa của
câu nói đó. Người ta không bao giờ mơ ước bình thường. Hãy sống với cái mình
đang có.
Hoàng Tá Thích | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 124