Đức Phật
được tôn xưng như là Thiên Nhân sư – bậc thầy của trời người. Đây hoàn toàn là
nhận xét khách quan, có căn cứ từ tam tạng kinh điển truyền thừa và chính cuộc
đời của Đức Phật. Trên cơ sở đó đạo Phật tồn tại và phát triển rực rỡ suốt 25
thế kỷ qua. Với 80 năm trụ thế, 45 năm không ngừng dẫm bước chân trên khắp mọi
nẻo đường đất nước Ấn Độ rộng lớn để hoằng hóa độ sinh, cuộc đời Đức Phật khác
nào một trang huyền thoại, một nhân cách vĩ đại đem lại cảm hứng và bài học
sinh động được các nhà tư tưởng bác học Đông Tây nghiên cứu; và càng thâm nhập,
họ càng khám phá những kỳ diệu, phù hợp thực tại khách quan có ý nghĩa thiết thực
đem lại muôn vàn lợi lạc cho quần sinh.
Về thực tế, có một sự mà không ai phủ nhận, đó là những lời Phật
dạy và cuộc đời Ngài mang ý nghĩa khoa học và nhân văn sâu sắc. Vận dụng giáo
lý thâm diệu đó vào cuộc sống hẳn có ý nghĩa thiết thực trong mọi lĩnh vực. Ở
đây chỉ nêu khía cạnh giáo dục.
Từ nhiều thế kỷ qua nền văn minh nhân loại đặt nền tảng trên
hệ tư tưởng nhị nguyên, học thuyết hữu thần phương Tây với cặp phạm trù đối lập:
đúng sai, phải trái, tốt xấu, thiện ác, vật chất tinh thần…chi phối hoạt động
con người; trong đó sự phát triển được địnnh nghĩa như sự đấu tranh giữa hai mặt
đối lập nhằm triệt tiêu mâu thuẫn, tốt phải thắng xấu, thiện phải thắng ác,
giàu phải thắng nghèo…mà hậu quả là đầy sự mâu thuẫn ngày càng sâu sắc, khoét
sâu hận thù, chiến tranh, khủng bố dẫn đến bao thảm họa những năm gần đây.
Trong bối cảnh đó, toàn bộ hệ thống giáo dục từ mẫu giáo cho đến đại học đều
mang tính rập khuôn nhằm uốn nắn, đào tạo ra mẫu người thực dụng củng cố cái ta
hư vọng. Một nền giáo dục như vậy không thể không đề cao các giá trị vật chất
như là cứu cánh; từ đó xây dựng cho con người lối sống vị kỷ, đua chen, tự cao,
ngã mạn, vun quén cá nhân; và đó chính là nguyên nhân làm phát sinh bao tệ nạn
xã hội như ăn chơi, rượu chè, ma túy dẫn đến bất mãn, tự tử, tuyệt vọng, bạo động!
Xã hội Âu Mỹ và một số nước phát triển tuy có cuộc sống cao nhưng xảy ra hàng ngàn
vụ tự tử mỗi năm do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là khủng hoảng cuộc sống!
Không ai phủ nhận khoa học kỹ thuật trong nhiều thế kỷ đã đóng góp lớn trong
khám phá vũ trụ, đem lại tiện nghi cho cuộc sống con người. Nhưng thực tế cũng
chứngt tỏ con người ngày càng đối mặt với bao hiểm họa thiên tai, bạo động, chiến
tranh khủng bố, dịch bệnh gây chết chóc khổ đau. Nhân loại chưa một ngày được sống
yên ổn, phiền não khổ đau ngày càng lớn. Động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt
nhân vừa qua ở Nhật Bản, chiến tranh khủng bố, bạo động ờ nhiều nơi trên thế giới…là
những bài học đắt giá cho các nhà giáo dục, các vị lãnh đạo thế giới suy ngẫm.
Nhận thức sai lầm về thực tại có nguồn gốc từ vô minh đưa đến tham sân si, con
người luôn tìm cách bành trướng, chiếm đoạt, sở hữu nhiều của cải, đất đai…con
người đang được báo động về nguy cơ diệt vong! Đối trị căn bệnh trầm kha của thực
trạng xã hội ngày nay chỉ có liệu pháp ông Phật, đạo lý vô ngã, vô thường, thập
nhị nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo – thực ra chỉ là một – chỉ tự tính “không”
của vạn hữu. Giáo lý đạo Phật, những lời Phật dạy và cuộc đời Ngài mang ý nghĩa
khoa học và nhân văn sâu sắc là một đáp án nan giải thực trạng con người ngày
nay.
I. Giáo lý Trung đạo hay Bát chánh đạo
Trung đạo không phải là ở giữa hai đầu, giữa hai thái cực mà
hợp nhất hai mặt của một thực tại, là nhất nguyên tính ngược lại với quan điểm
nhị nguyên của triết học phương Tây. Qua chứng nghiệm tự thân, Đức Phật nhận ra
rằng cuộc sống hưởng thụ dục lạc không đem lại hạnh phúc đã đành mà nếp sống khổ
hạnh, ép xác cũng không đưa đến giải thoát. Chỉ có con đường Trung đạo, không sống
xa hoa phung phí nhưng tiêu thụ vừa phải đủ nuôi thân thể khỏe mạnh. Vì ngoài
thân này không thể tu học giải thoát. Bát chánh đạo, hay con đường có tám chi
phần gồm:
Chánh kiến tức cái thấy đúng như thật, có cơ sở trên sự tập
trung quan sát xem xét một cách chu đáo, tường tận về bản thân, xã hội, tâm lý,
thiên nhiên…
Chánh tư duy là suy nghĩ đúng, phù hợp với lẽ phải, không
xiên xẹo tà vạy. Ở đây sự suy nghĩ đúng là phù hợp với đạo lý duyên khởi.
Chánh ngữ là lời nói chân thật, ngay thẳng, phản ánh đúng sự
thật những gì mắt thấy, tai nghe, tri giác ghi nhận.
Chánh mạng là nghề nghiệp làm ăn, phương tiện sinh sống
lương thiện; không làm tổn hại đến người hay muôn loài như các hoạt động chăn
nuôi, giết mổ súc vật, buôn bán vũ khí, lợi dụng sức lao động, buôn bán phụ nữ
trẻ em…
Chánh nghiệp tức có hành động, việc làm đúng đắn, xuất phát
từ ý nghĩ, lời nói, có động cơ tốt lành đem lại lợi lạc cho mình, mọi người và
vật.
Chánh tinh tấn là cố gắng, siêng năng, đều đặn vừa phải,
không quá mức.
Chánh niệm là nghĩ nhớ chân chánh tức nhớ nghĩ về điều tốt đẹp,
tích cực đem lại lợi lạc cho mình cho người, tránh hình ảnh tiêu cực xấu ác,
đen tối.
Chánh định là tập trung tư tưởnh về một mục tiêu tốt lành,
tránh khỏi bị lôi kéo bởi vọng tưởng, những ý tưởng lăng xăng, loạn xạ…được ví
là “tâm viên ý mã”…Thiền địn Phật giáo là biện pháp hữu hiệu để thực hiện chánh
định. Bát chánh đạo khác nào là la bàn định hướng cho người đi biển, người phi
công lái máy bay, là công cụ sắc bén cho học sinh sinh viên nghiên cứu học tập.
Bát chánh đạo có khả năng cắt đứt vô minh, là kim chỉ nam cho người khám phá
chân lý, nhận thức đúng đắn thực-tại-như-vốn-là. Hiểu được rằng mọi thứ trong đời
như tiền tài, danh vị, chức tước…kể cả mạng sống đều vô ngả, vô thường thì ai
còn bám chấp, làm gì còn tranh giành hơn thua? Khi đó tham sân si dứt trừ, con
đường an lạc giải thoát mở ra.
II. Giáo dục tinh thần Lục hòa
Để đem lại cuộc sống hòa hợp nhằm đạt được mục tiêu trong học
tập, tu học giải thoát, Đức Thế Tôn đã đề ra pháp Lục hòa; Gồm:
Thân hòa đồng trú: Thân đã sống chung trong tập thể, một nhà
trường…cần được hưởng đồng đều các điều kiện từ ăn ở sinh hoạt, học tập đồng thời
chia sẽ trách nhiệm đồng giữa mọi thành viên không phân biệt đối tượng.
Khẩu hòa vô tránh: Nói năng, trao đổi là cần thiết nhưng chắc
chắn sẽ trở nên phúc tạp trong tập thể. Do đó cần phải sử dụng ái ngữ, nói năng
nhẹ nhàng, hòa nhã đồng thời biết lắng nghe ý kiến của người khác, tránh phê
phán chỉ trích chỉ gây chia rẻ bất đồng.
Ý hòa đồng duyệt: Trong tập thể ý kiến của mỗi người cần được
tôn trọng nên khi bàn bạc, thảo luận cần thẳn thắng trong tinh thần cởi mở và
thông cảm.
Gíơi hòa đồng tu: Để hoạt động có hiệu quả, bất cứ một tổ chức
nào cũng cần một nội quy chung mà mỗi thành viên phải chấp hành với tinh thần tự
giác.
Kiến hòa đồng giải: Kiến thức, tư tưởng, niềm tin tôn giáo
tín ngưỡng mọi người luôn có sự khác biệt và chênh lệch có thể là nguyên nhân dẫn
đến bất hòa chi rẽ. Vì vậy ý kiến, nhận thức mỗi người cần được tập thể nghiên
cứu xem xét, chia sẻ trên tinh thần tôn trọng nhằm đưa đến sự hài hòa.
Lợi hòa đồng quân: Quyền lợi bất đồng thường là nguyên nhân
đưa đến xung đột bất hòa. Khi đã chấp nhận những điều kiện như nhau trong tập
thể, mỗi thành viên cần được hưởng đồng đều mọi quyền lợi không phân biệt đối
tượng trong sinh hoạt, học tập, thi cử. Như thế Lục hòa thể hiện một ý nghĩa đặc
biệt chấp nhận sự khác biệt giữa mọi thành phần trong xã hội, sẽ là giải pháp
đem lại sự đoàn kết, thân thiện, hạn chế bất đồng chia rẽ, nguyên nhân đưa đến
bạo động học đường, gia đình, xã hội. Người ta giết một mạng người chỉ vì một
chỉ vàng, con cái đánh giết cha mẹ, anh chị em giết nhau chỉ vì tranh giành
chút gia tài; học sinh hành hung nhau, hành hung thầy cô giáo vì một lý do
không đâu, cho là chạm đến tự ái cá nhân…và thầy cô giáo xử sự bạo động làm mất
phẩm giá học sinh, gây bao thảm họa ở nhà trường, gia đình và xã hội như từng xảy
ra.
III. Giáo dục tinh thần Ngũ giới
Gồm:
Không giết hại sanh mạng: bất sát tức tôn trọng sự sống muôn
loài, không giết hại hay làm tổn hại đến thân thể của người và loài vật, thể hiện
tâm từ bi tinh thần bình đẳng trước muôn loài.
Không trộm cướp: bất đạo tức là không lấy hay chiếm đoạt của
cải, tài sản dù nhỏ của người khác mà chưa được đồng ý. Giới “bất đạo” bao gồm
cả hàng vi lừa mị, dối gạt như đầu cơ tích trữ, ép giá bắt bí, cho vay nặng
lãi.
Không tà dâm: Sống đời sống lành mạnh trong hôn nhân, chung
thủy một vợ một chồng, không những bảo vệ tiết hạnh người khác phái mà còn giữ
gìn hạnh phúc gia đình, tránh gây đỗ vỡ khổ đau cho cá nhân và ảnh hưởng xấu đến
xã hội.
Không nói sai sự thật: Có 4 cách nói sai sự thật là nói dối,
nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lòi hung ác đem lại bất an, lo lắng
cho mình và người. Nói không đúng sự thật còn biểu hiện của tâm tham lam, ích kỷ
lừa gạt người để thủ lợi. Tuy vậy, trong trường hợp bất đắc dĩ để cứu người, cứu
vật, ta có thể nói không hoàn toàn đúng sự thật sao cho không gây hại.
Không uống rượu: Rượu, ma túy và nhiều hóa chất gây nghiện
làm tê liệt hệ miễn nhiễm, giảm khả năng đề kháng, tàn hại cơ thể, gây chết
chóc khổ đau. Hệ quả dẫn đến bệnh AIDS và nhiều bệnh nan y hiện là mối đe dọa
loài người. Ngũ giới bảo hộ thân tâm mỗi người không phân biệt tôn giáo, chế độ,
sắc tộc, người có tu hay không; ngũ giới là tường rào ngăn ngừa hành vi sai
trái đưa đến bạo động đem lại sức khỏe, an vui, hạnh phúc cho cá nhân và sự ổn
định từng gia đình, quốc gia và xã hội. Giới, định, tuệ có mối tương tác là Tam
vô lậu học của người tu Phật. Niềm tin nhân quả nghiệp báo luân hồi khẳng định
trách nhiệm về hành vi, việc làm mỗi người. Là kiến trúc sư thiết kế tương lai,
mỗi người tự quyết định và chịu trách nhiệm về hoàn cảnh đời mình, hạnh phúc
hay khổ đau…tất cả phụ thuộc vào những gì mình tạo ra.
Thời đại ngày nay đang ở trong “nhà lửa” thiêu đốt con người
như trong kinh Pháp Hoa Phật mô tả thì chỉ có lòng từ bi, tức là phải dập tắt
ngọn lửa thiêu đốt (cứu khổ) khả dĩ mới đem lại an vui (ban vui). Trứơc con người
đau đớn quằn quại vì cơn bệnh truyền nhiễm…giọt nước Cam lồ cứu khổ Bồ-tát Quán
Thế Âm, giáo lý Tứ vô lượng tâm, Lục hòa, Ngũ giới, Bát chánh đạo…là phương
than thần diệu tuy đắng nhưng nếu chịu uống và giúp người bệnh tự uống, không bệnh
gì không chữa khỏi. Tất nhiên phải hiểu tường tận bệnh và thuốc chứ không thể sử
dụng một cách tùy tiện hoặc chỉ nói, dù là đại ngôn.
Để đưa đất nước đi lên…chúng ta đã bao lần tiến hành cải
cách giáo dục từ nội dung chương trình, đào tạo đội ngũ, sửa đổi sách giáo
khoa, cải tiến phương pháp dạy và học, tốn hao biết bao giấy mực, công sức, tiền
của. Tuy nhiên, theo nhận định của dư luận báo đài, xã hội hiện nay phát triển
giàu có lên về vật chất nhưng đang rơi vào thực trạng khủng hoảng giá trị đạo đức,
con người đang phải đối mặt trước thách thức, đe dọa. Chúng ta không ngừng loay
hoay tìm hướng đi, trông vời các nước Âu Mỹ…để mắt dòm sang Trung Quốc và các
nước ASEAN…hợp tác, mời gọi đầu tư, mở rộng quan hệ…đưa sinh viên đi học tập
nghiên cứu các cường quốc…Rõ ràng nhiều nỗ lực, nhưng mỗi nước có những đặc thù
riêng. Trong khi đó, tiềm năng đất nước ta về địa lý, tài nguyên…tuy không nhiều
nhưng không hẳn là yếu kém. Hơn nữa chúng ta còn có một nền văn hóa được hun
đúc bao đời trong tinh thần Phật học . Nếu mục tiêu mọi nền giáo dục kim cổ
Đông Tây là nhắm đến con người, vì hạnh phúc con người và nếu GDP (tổng sản lượng
thu nhập quốc dân) chưa thể đáp ứng mà cũng khó có thể đáp ứng thì phải chăng
NHP (tổng hạnh phúc quốc gia) là điều hiện thực có thể?
Văn hóa dân tộc có nền tảng từ giáo lý đạo Phật kết hợp văn
hóa nhân loại có chọn lọc, vận dụng vào cuộc sống, nếu không là điều mầu nhiệm
cũng mở ra hướng đất nước đi lên, không sánh vai kịp cùng năm châu bốn biển
cũng đem lại cuộc sống an vui hạnh phúc cho muôn dân. Hai triều đại Lý Trần
trong lịch sử Việt Nam đã từng khẳng định! Nên chăng, các nhà giáo dục và các
nhà Phật học cần quan tâm đến việc ứng dụng tinh thần Phật học vào việc giáo dục
lớp trẻ?
+++ Võ Văn Lân +++
Tạp Chí Văn Hoá Phật
Giáo Số 131