Hình như đây là vấn đề đã làm hao tốn nhiều giấy
mực nhất. Đó là một vấn đề quá cũ rích rồi, đến nỗi người ta chỉ mới nghe đến
nó là phát chán, muốn bịt ngay hai tai lại để khỏi phải nghe làm gì nữa cho mệt.
Đó là một đề tài chẳng có gì thú vị, vì biết bao nhiêu sách vở từ trước đến nay
bàn về vấn đề giao tiếp xã hội mà lại chẳng bàn tới kia chứ?
Bạn phản ứng như vậy thì chúng tôi xin chịu như vậy.
Nhưng mong muốn của chúng tôi là được bàn luận cùng bạn về vấn đề này, nên
chúng tôi vẫn cứ nói.
Liệu chúng tôi có thể tiếp tục “gân cổ” lên để nói với bạn
như vậy được không? Và liệu bạn có còn kiên nhẫn chịu đựng nổi chúng tôi không?
Chắc là không! Rồi nếu cả bạn và chúng tôi cứ tiếp tục tranh cãi với nhau, chẳng
ai chịu ai, chắc chúng ta sẽ đi đến chỗ bực mình, và rồi bạn không thèm đọc
facebook nữa. Thế là xong!
Quả thực, trong cuộc sống, “cố gắng lắng nghe người
khác nói” là một điều khó thực hiện nhất. Đó là một lời khuyên mà hầu như trong
bất cứ cuốn sách cẩm nang giao tiếp nào cũng đều “dạy dỗ” chúng ta cả, và lập
đi lập lại nhiều quá khiến chúng ta chẳng còn thấy nó mang một ý nghĩa quan trọng
hay sâu sắc gì nữa!
Ngay từ đầu, lúc chúng tôi chưa kịp nói gì, chỉ mới
hé sơ cái nhan đề ra thôi, bạn đã la ầm ỹ lên rằng đó là một đề tài cũ rích.
Như vậy là bạn hoàn toàn rơi vào chỗ không biết lắng nghe rồi! Và chúng tôi
cũng vậy, nếu chúng tôi thấy bạn phản ứng như vậy mà vội tự ái, “bye bye” bạn
luôn, chẳng thèm nói thêm gì nữa, thì tức là chúng tôi cũng rơi ngay vào chỗ
không biết cố gắng lắng nghe người khác nói. Nếu bạn chê là đề tài cũ rích, thì
ít nhất chúng tôi cũng phải biết kiên nhẫn lắng nghe vì sao bạn lại chê nó là
cũ rích chứ, đúng không?
Những lời khuyên giản dị nhất lại là những lời
khuyên khó thực hành nhất. Chúng ta ai cũng có những tư tưởng, những suy nghĩ,
cách nhìn khác nhau về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Chúng ta sống trong những
môi trường khác nhau, có đặc điểm cấu tạo hệ thần kinh, não bộ khác nhau, ăn những
chất dinh dưỡng khác nhau, có những tình cảm yêu ghét, những thái độ nhìn nhận
mọi sự việc khác nhau... Nhiều khi chúng ta khác nhau cả về nền văn hoá, khác
nhau về quan điểm, lập trường chính trị... Do đó, nếu mỗi người chúng ta chẳng
ai biết cố gắng lắng nghe người khác, thì đến bao giờ những con người sống gần
nhau mới có thể hiểu được nhau? Đến bao giờ những người cùng sống chung trên quả
đất này mới tìm được tiếng nói chung?
Không thèm cố gắng lắng nghe người khác, chẳng
khác nào nói thẳng vào mặt người khác rằng, anh/chị, ông/bà hãy chấm dứt ngay
những suy nghĩ trong đầu óc mình đi và đừng tiếp tục suy nghĩ theo kiểu như vậy
nữa! Khi phản ứng như vậy, chúng ta thử tự đặt mình vào vị trí của người đối diện,
thử hỏi rằng, chúng ta có cảm thấy bị tổn thương không? Tự ái không?
Sau mỗi lần bị rơi vào tình huống như vậy, người
ta dễ cảm thấy e ngại khi bộc lộ mình với người khác, bởi người ta chẳng ai muốn
phải bị tổn thương lần nữa. Ai cũng muốn mình được yên thân, và thế là, người
ta sống với một thái độ khép kín, không dám cởi mở tấm lòng, không dám nói lên
những suy nghĩ thực của mình, lúc nào cũng chỉ cố gắng nói những gì mà mình
nghĩ sẽ làm cho người khác vui và chịu lắng nghe, cho dù những điều đó có là giả
dối đi chăng nữa!
Một xã hội mà ngày càng ít người biết cố gắng lắng
nghe nhau thì thật là nguy hiểm. Lúc đó, dù chúng ta có sống trong một thành phố
đông dân, mật độ dân số cao, diện tích đất đai chật hẹp, chúng ta vẫn cảm thấy
lòng mình trống trải, cô đơn. Mà nếu cứ phải sống như vậy thì khổ quá, làm sao
thanh thản, yêu đời cho được?
Cố gắng lắng nghe người khác, đó là cả một nghệ
thuật sống đòi hỏi ở ta ý chí mãnh liệt và một tấm lòng thực sự biết quan tâm đến
người khác.