Sự kiêm nhiệm đến “lạm quyền” ấy khiến cho không ít người luôn “quay cuồng”, bận rộn trong công việc. Trên những nẻo đường rối rắm, ta thấy ai ai cũng bận, bận tối tăm mặt mũi, bận từ sáng tới tối, tuổi trung niên bận đã đành, đằng này trẻ nhỏ, người già cũng bận, làm quan bận họp, làm dân bận hành, nói chung là bận đủ kiểu, đủ đường, muôn hình vạn trạng. Nhiều người bận đến nỗi quên đi hình hài, giữa ngã tư đương quên luôn cả đèn đỏ, bận trong sự giãy giụa vì mưu sinh, bận sinh sự cả những khi vô sự... để rồi đến cuối ngày, cuối tuần, nhiều người phải đi massage, tới quán bar, quán nhậu, vũ trường, trung tâm giải trí, spa, sân golf... thư giãn... Tóm lại, cái sự bận rộn đã trở thành âm hình chủ đạo trong bản tạp tấu có tên là cuộc sống hôm nay.
Còn cái “bận” trong mấy câu thơ trên của nhà thơ Xuân Quỳnh
dường như chẳng hề như thế. Nó là cái bận chẳng vướng bận, cứ nhởn nhơ, an
nhiên tự tại, nhàn nhã... ngoài cuộc sống hối hả, tấp nập... phải chăng đó
chính là cái bận của Đạo, của thiên nhiên, của hoạt động sáng tạo...? Cái bận
không náo động, ồn ào, luôn ẩn tàng trong sự lắng đọng, lặng lẽ, “vô ngôn”, “mặc
hóa”, “vô vi”... Dù cuộc sống của chúng ta diễn ra nhiều thay đổi, nhưng đổi
thay thực sự dường như vẫn diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ... Nó giống như
bàn tay vô hình tạo nên thế giới muôn màu, chẳng hiển hiện, không “xuất đầu lộ
diện” để nhận công trạng hay thành tích của mình. Bởi thế mới là Đạo, “bận” mà
vẫn thản nhiên như không, cứ rong chơi, an nhiên, tự tại như cỏ cây, hoa lá...
Sự lặng lẽ, âm thầm, cam chịu, nhún mình... của Đạo dễ thường khiến người ta vô
ý, không nhận ra, nhưng khắp nơi, dưới gầm trời này đâu đâu cũng hiển hiện dưới
chu kỳ đổi đắp của bốn mùa đổi thay, mây trời gió nước...
Trong hoạt đông sáng tạo, cái bận cũng không hề hiển hiện
cho người ta dễ thấy. Quá trình vật lộn với hình thượng nghệ thuật, ấp ủ cấu tứ,
thậm chí chỉ việc “không làm gì” để cho tâm hồn thanh thản, chìm đắm trong trạng
thái ấp ủ nồng nàn những ý tưởng cũng bao hàm ý nghĩa bận rộn của khoảnh khắc
sáng tạo. Thông qua quy trình đánh giá đảo
người ta mới nhận ra câu trả lời đích thực cho toàn bộ tiến trình. Cũng như cái
hoa ngả sang màu đỏ rồi ta mới chợt nhận ra nó đã “bận” rộn thế nào trong quá
trình tạo ra màu đỏ. Hiển nhiên, ai đó sẽ nói rằng, hoa chẳng thể làm khác được
vì bản chất của hoa là màu đỏ. Sự lý giải này có thể không nằm ngoài việc nên
biện minh cho tính hợp lý của cái bận nơi mình. Và ví chăng, hoa không thể làm
khác được thì hoa cũng đã bận để làm như thế đó.
Con người ta ngày nay bận rộn đến nỗi không thể chờ nổi đèn
đỏ trước ngã tư đường, bận đến độ phải lao xe như bay để ấp ủ tai nạn phía trước!
Con ong để làm ra 1kg mật đã phải bay quãng đường dài tương đương bốn vòng trái
đất. Như vậy, rất nhiều người trong chúng ta còn chưa bận bằng loài ong. Song,
sau khi làm ra món mật tuyệt diệu, chúng ta chẳng phân biệt nổi ong đã làm ra
nó từ những loài hoa nào? Lúc đó, mật chính là sản phẩm sáng tạo in dấu ấn của
loài ong – một sự kết tinh cao độ của những biến đổi về chất. Và, cái bận của
ong sao chẳng thấy gì gọi là bận? Rõ ràng, bận chẳng có thước đo, chuẩn mực nào
có thể đánh giá rõ rệt. Ở địa hạt sáng tạo càng như thế. “Căn duyên”, “tài phẩm”
của từng người rất khác nhau. Thước đo thường áp lên trên sản phẩm thay vì đo
lường phẩm chất cơ chế hoạt động nơi chủ thể sáng tạo. Vì thế, dù có cả tập thể
đông đảo hùng hậu cũng không thể thay thế cho mỗi cá nhân trong hoạt động sáng
tạo. Cá nhân là những nhân vị độc nhất vô nhị, không thể thay thế, không có người
đại diện. Cá nhân không phải là “phóng thể” của bất cứ ai, kể cả phóng to hay
thu nhỏ. Giá trị sáng tạo tự nó nằm ngay trong tính tự quyết độc đáo của mỗi chủ
thể. Nói theo tinh thần dấn thân của triết hiện sinh: ta đã phải chết cái chết
của bản thân, thì cũng chỉ được phép sống cái sống của chính mình. Sáng tạo
luôn thuộc về phần tinh hoa trong mọi hoạt động của nền văn minh loài người,
bao gồm sáng tạo nên giá trị sống.
Trong rất nhiều trường hợp, bận thực chất nhằm chỉ sự vội
vã, hấp tấp, chịu chi phối bởi thói quen. Thói quen xấu sẽ ảnh hương tiêu cực tới
phẩm chất cuộc sống của chính ta. Điều mà bấy lâu nay ta quen gọi là sống gấp,
thực chất nhằm chỉ những sự bận rộn hành xác không cần thiết. Bận rộn thật sự
không hiển hiện ra ngoài bề mặt hành vi mà lẫn vào chiều sâu nội tại. Giống như
các bà mẹ trong thời kỳ mang thai, chẳng ai thấy trong số họ vội vã, hối hả...
mong cho con mình ra sớm cả. Vào giai đoạn phát triển quan trọng của thai nhi,
người mẹ hết sức “bận rộn” để tạo ra hệ thần kinh mà tính chất công việc còn phức
tạp hơn lò phản ứng hạt nhân, khối lượng công việc thì không thể nào lượng hóa.
Người mẹ khi ấy không những không hối hả, hấp tấp, ngược lại còn hết sức chậm
rãi, thận trọng trong suốt quá trình ấp ủ, thai nghén. Sáng tạo bận đến thế,
sao không có những dấu hiệu biểu hiện sự bận rộn, vội vã... phơi bày trên bề mặt
hành vi? Rõ ràng, điều này có liên quan mật thiết tới phẩm chất của sản phẩm được
tạo ra từ cái hoa, cái lá cho đến chu trình “sản xuất” ra con người và tác phẩm
nghệ thuật... Tất cả những sản phẩm mang trong mình dấu ấn sáng tạo có một
không hai đầu cần đến chỗ tỉ mỉ của luật sáng tạo. Phẩm chất lượng được coi là
yếu tố, tiêu chí số một của sản phẩm. Còn việc làm ra nó nhanh hay chậm tùy thuộc
vào tính chất của sản phẩm tạo ra cũng như “tài phẩm” của người sáng tạo ra nó,
để quá trình này luôn tiềm ẩn những biến số không chịu chi phối của chính chủ
thể, như niềm tin thiêng liêng, bí hiểm. Ở lĩnh vực sáng tạo, dù kỹ pháp được
dùng làm công cụ đắc lực có quyền sinh quyền sát, quyền tạo ra hình tượng nghệ
thuật theo mong muốn chủ quan, nhưng đằng sau nó, bàn tay vô hình vẫn thọc sâu
vào cõi tri giác mênh mông, như ma đưa lối quỹ đưa đường hối thúc người ta phải
làm thế này, mà không thể làm thế khác. Sự cẩn trọng trong từng hành vi, cử chỉ
góp nhặt cho quá trình sáng tạo có thêm điều kiện tốt, đồng thời qua đó bao hàm
giá trị thụ hưởng, điều mà chúng ta thường khoác lên những mỹ từ như: thăng
hoa, đam mê, cảm hứng... sáng tạo.
Và lẽ đương nhiên, bận không đồng nghĩa với vội vã, hối hả,
hấp tấp, gấp gáp... Bận là trạng thái tập trung cao độ, chìm sâu vào nội giới
trong khoảnh khắc sáng tạo, nhập định, ý thức rõ ràng về hành vi, không chịu sự
chi phối bởi ngoại cảnh. Trong một bản nhạc, ngoài sự hiện hữu của âm thanh
vang ra, còn chứa đựng, tiềm ẩn những dấu lặng. Lặng là sự ngừng vang và cũng
chính là âm nhạc. Cuộc sống tuy không phải tác phẩm âm nhạc, nhưng cũng không
thiếu những phương tiện làm nên phần nghệ thuật của mình. Khi ta đang lái xe hối
hả về phía trước, phía sau, trên đầu, mây vẫn bay hiền hòa, gió vẫn thổi mơn
man... Dấu lặng của cuộc sống nằm rải rác trong chính tác phẩm của mình. Đó là
những món quà kỳ diệu mà mỗi chúng ta đều có thể nhận được trong cuộc sống tốt
đẹp này.
(Lê Hải Đăng)