Yêu thương theo quan điểm của Đạo Phật
Tình yêu đích thực là vô điều kiện, là cho đi mà không mong
cầu đáp trả. Thậm chí khái niệm cho và nhận không tồn tại, chỉ còn sự tương
giao một cách trọn vẹn và không vì cái tôi của mình…
Tình yêu nam nữ phổ biến hiện nay chỉ là sự trao đổi, mà
hàng hóa chính là cảm xúc và cảm giác của hai bên.
Khi còn ảo tưởng về cái tôi thì không thể xảy ra tình yêu
đích thực, vì thế nào cũng có điều kiện nào đó hiện diện. Tình yêu lúc đó dù bắt
đầu có nồng thắm đến đâu, dù cảm xúc có mạnh mẽ đến đâu cũng thật mong manh. Vì
chỉ cần xuất hiện yếu tố bên ngoài làm cảm xúc - cảm giác của một bên thay đổi,
thế là bão táp phong ba liền ập tới.
Khi ta yêu một người tức là ta yêu luôn cả mặt tốt và mặt xấu
của người đó. Xấu và tốt như hai mặt của một bàn tay. Ta không thể chỉ giữ lấy
một mặt mà bỏ đi mặt kia. Ta luôn tự vẽ ra cho mình một hình ảnh về người mình
yêu hay người chồng/vợ của mình. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của ta, không phải
con người thực.
Vì vậy ta cần nhẫn nại lắng nghe, quan sát và chia sẻ để có
thể hiểu rõ về người bạn đời của mình. Khi thấu hiểu cả mặt tích cực và tiêu cực
của người ấy, ta mới có thể yêu thương họ thật sự. Khi ta thật sự yêu thương một
người thì người đó sẽ cảm thấy tự do để được là chính họ. Tình yêu đích thực
không ràng buộc đối tượng được yêu mà còn là động lực để cho họ đổi mới chính
mình.
Khi có biến cố xảy ra thì phụ nữ vẫn là người chịu thiệt
thòi nhiều hơn, nhưng họ cũng dễ buông bỏ tư kiến của mình hơn. Nếu cô gái biết
chấp nhận chàng trai như anh ấy là, thì sẽ có cơ hội để chàng trai thay đổi
thái độ của mình.
Quy luật của cuộc sống là luôn luôn thay đổi (vô thường), kể
cả tình yêu đôi lứa. Nếu ta đủ nhẫn nại để quan sát, ta sẽ thấy rõ, vị đắng, vị
ngọt của tình yêu. Thấy rõ nó sinh ra và mất đi như thế nào. Và khi hiểu rõ, ta
sẽ không còn bám chấp vào hôn nhân nhưng cũng không sợ sệt hôn nhân nữa.
Ta có thể làm giấy kết hôn với người mình không hề yêu, và
cũng có thể nhắm mắt ký giấy ly hôn khi mình vẫn còn yêu tha thiết. Hôn nhân
hay ly hôn vốn chỉ là hình thức, là một bản hợp đồng mà thôi. Làm sao nó có thể
ràng buộc được tâm ta?
Quan trọng là khi có biến cố xảy ra, ta cần đối diện với
chúng bằng thái độ sáng suốt và trong lành. Vì biến cố đó là như ý hay bất như
ý cũng là cơ hội cho ta hiểu thêm về chính mình, về người mình yêu. Và từ đó nhận
ra bản chất thật của tình yêu, của cuộc sống.
Hãy nhớ điều quí giá nhất trong cuộc sống chính là sự bất
toàn. Vì khi toàn vẹn thì sự sống sẽ kết thúc. Sự bất toàn là một phần của vô
thường, một quy luật tất yếu của cuộc sống. Chính vì mọi thứ đều bất toàn mà ai
cũng có cơ hội làm mới bản thân mình.
Cái Tôi luôn mong cầu tốt hơn những gì đang xảy ra. Nó không
cho ta cơ hội trọn vẹn với thực tại. Vì vậy ta rơi vào phiền não khổ đau. Nhưng
chỉ cần ta buông mọi ý đồ muốn tốt hơn, và trở về trọn vẹn với những gì đang diễn
ra, ta sẽ thấy mọi sự đều vô thường, tự nhiên đến rồi đi.
Tất cả đều có lý do mà sinh khởi và cũng tùy duyên mà chấm dứt
bất kể ta muốn hay không. Tất cả những thiện - ác trong đời đều không thể nghĩ
bàn một cách rốt ráo mà tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà nó được gán cho cái
nhãn "thiện" hay "ác". Dù những gì đang xảy ra là thiện hay
ác, nó đều là bài học giác ngộ vô cùng quí giá về cuộc sống...
(Trích từ bài nói chuyện của Hòa thượng Viên Minh – Trụ trì
Tổ đình Bửu Long TPHCM về đề tài Yêu thương cho Phật tử)