Thursday, January 24, 2013

"GIẢ"


      Cả làng bảo ông ngu.
      Nhưng ngu cỡ nào thì không ai biết. Không biết gọi là “bất tri”.

      Tất nhiên, tôi cũng dự vào cái hàng “bất tri” ấy. Ông là hàng xóm của tôi, hai nhà sát nhau, cách có một hàng râm bụt. Gà nhà ông ỉa bên sân nhà tôi, chó nhà tôi sủa khi người lạ vào ngõ nhà ông, mèo nhà ông ăn vụng cá kho trong bếp nhà tôi... Gần nhau đến nỗi nhà bên này thở dài thì nhà bên kia nẫu ruột. Vậy mà ngót năm chục năm giời, tên tôi, ông cố không nhớ, tuổi tôi, ông quyết không hay. Thậm chí tôi còn ngờ rằng cả đến cái mặt tôi, đối với ông, chắc gì đã không là mặt lạ. Một hôm sang nhà ông chơi, ông trỏ mặt bảo:

      - Này anh kia. Người học nhiều gọi là “học giả”. Người biết nhiều gọi là “trí giả”.Người đức cao gọi là “đức giả”. Thế ngược một trăm tám mươi độ với “đức giả” là gì biết không?

      Thấy tôi ngần ngừ, ông trả lời luôn:

      - Ngược lại với “đức giả” là... “đểu giả”.

      Tôi giật thót người, cứ tưởng ông ám chỉ mình chăng.

      Rồi ông giảng:

      - Đó là những chữ “giả” công phu. Phải khó khăn lắm, kỳ công lắm, thậm chí phấn đấu cả đời, may ra mới đạt được. Thế mà đạt được rồi lại phải hết sức giữ gìn, hết sức tu luyện, phải tiếp tục phấn đấu mới có thể giữ được. Lơ đễnh một chút là tụt mất ngay, có khi còn đảo ngược một trăm tám mươi độ ấy chưa biết chừng. Vì thế mới có những “học giả” chẳng thấy “học” đâu, toàn thấy... “dạy” đời cả...

      Tôi còn đang nghệt mặt, chưa kịp hiểu gì thì ông lại chuyển hướng:

      - Kiến thức của anh chưa đủ để hiểu những chữ “giả” công phu. Vậy có những chữ “giả” không công phu đây, chắc là anh hiểu chứ?.

      Rồi không cần nghe tôi trả lời, ông giảng tiếp

      - Có người chẳng mấy khi đọc cái gì. Thế mà cầm một tờ báo bất kỳ lên, lập tức được gọi ngay là “độc giả”. Lại có người chẳng biết nghe bao giờ, thế mà cứ bước chân vào bất cứ hội trường nào, cũng lập tức không là “diễn giả” thì cũng thành “thính giả”. Tuy nhiên, “diễn giả” thuộc loại chữ “giả” lưỡng tính, ái nam ái nữ. Nghĩa là có khi công phu, có khi không công phu.

      Tôi chợt nghĩ biết đâu có lúc mình cũng làm “diễn giã”, bèn hỏi:

      - Khi nào thì công phu, khi nào thì không công phu?

      - Biết mười nói một là chữ “giả” không công phu. Ngược lại biết một nói mười mới là chữ “giả” công phu. Làm “thính giả” dễ hơn vì chỉ việc vểnh tai nghe. Thậm chí nếu có trót ngủ gật, cũng vẫn có chữ để định nghĩa đàng hoàng.

      Tôi buột miệng thắc mắc:

      - Ngủ gật thì còn biết gì nữa. Ngủ gật là ngủ gật, chẳng lẽ lại còn tên gọi nào khác?

      Ông tỉnh bơ trả lời:

      - Ngủ gật thì gọi là... “thức giả” hiểu chưa?

      Tôi giật mình vì cái “kiến giải” bất ngờ ấy. Thậm chí còn hiểu quá cái điều ông vừa nói. Đến mức chợt “ngộ” ra rằng công phu đến cỡ như ông, thì xứng đáng phải gọi là ... bậc “ngu giả”./.

                                                                                                      Phạm Lưu Vủ..