Lọc cọc... lọc cọc... tiếng cây gậy dò đường đều đặn gõ trên
nền xi măng của con hẻm rộng 3m.
Bữa nay cô đi xuống khách hàng, xong chuyện sớm thế là về
nhà luôn. Nhờ vậy mà nghe lại được tiếng rao ấy. Lâu lắm rồi. Thường cô chỉ
nghe khi vào dịp Tết, cô ở nhà và nghe tiếng rao bán vé số xuân.
Cô lao xuống nhà như sợ ông già đi mất sâu vào hẻm nhỏ, ông
à, cho con mua vé số, bữa nay số đài nào vậy ông? Ờ, đài Kiên Giang cô à. Hỏi
cho có câu chuyện chớ đài nào cũng vậy thôi, cô trúng có một lần số đuôi, 20
nghìn hồi xa lắc. Cô nói nhỏ đủ ông nghe, con gửi tiền. Lời đáp lại, ờ ờ, cám
ơn cô, cũng nhỏ nhẹ như giọng cô vậy.
Rồi một cái níu tay quờ quàng nhưng dịu dàng, cô ơi, làm ơn
cho tôi xin miếng nước mưa. Bàn tay cô nắm lấy tay ông dẫn tới trước cửa nhà,
nói nhỏ, nhà con đây, ông đợi chút. Ông già uống từ từ từng ngụm nước mát đầy
ly, uống hết đỡ mất công đổ đi, đỡ mất công lần hồi đi xin nhà khác. Tay cô dúi
vào tay ông lão trái quýt mát lạnh, ông cầm ăn đường, cám ơn cô.
Giờ còn lại một mình. Cô im lặng và để lòng mình trải ra.
Đây đâu phải lần đầu tiên cô gặp ông, cũng không phải lần đầu mua vé số. Nhớ cảm
giác lần đầu đó là vì tò mò, ông mù, sao bán vé số, người ta lấy mất vé số, lấy
hai tờ, trả tiền một tờ, hoặc đưa tiền giả thì sao? Vậy là vì cái gì mà ông vẫn
bán, vẫn sống, vẫn hàng ngày rao "số đây...". Cô hỏi thì mẹ bảo ông
mù nhưng giỏi lắm, sờ tờ tiền là biết tiền giả hay không, vậy còn vé số, người
ta lấy mấy tờ ông có biết không? Ờ, ai mà nỡ lừa ông già mù hả con? Niềm tin,
chính niềm tin vào cái bụng, cái dạ của con người đó.
Ông mù, bà cũng mù. Cả hai ông bà đều đi bán số dạo, quanh hẻm
chợ và các con đường mòn ở khu Rạch Cát này. Hôm nay đi chỗ này, ngày mai đi chỗ
khác. Nước lớn ngập đường thì phải nghỉ ở nhà, bữa nào đi bán được thì dành tiền
cho bữa không đi bán được. Ngặt nỗi, cái kênh nước đen này một tháng hai kỳ con
nước, một kỳ kéo dài thôi cả tuần. Người ta mắt mũi sáng còn sợ con nước không
thấy đường chạy xe, vì nước đen thui, ngập qua đầu gối, nói gì đến người mù.
Người ta vẫn thường thấy ông đi bán một mình, còn bà có một
đứa cháu gái đi cùng. Người nói cháu gái ruột của ông, ba má nó bỏ nhau để lại
cho ông bà nuôi. Người nói ông bà lượm nó bị bỏ ngoài chợ đem về nuôi. Năm sáu
năm rồi, cô không còn đi chợ Rạch Cát nữa. Khi cần bó rau, củ cải, ra khỏi hẻm
là thấy có chị ngồi dựng chòi ngay bờ sông, sát mé đường bán rồi. Còn thông thường,
sáng sáng thấy mẹ lội sang nhà trọ có chị bán rau thế là khỏi đi chợ. Với lại
đi làm từ sáng, rảnh đâu mà đi chợ như hồi xưa, giờ sợ đi chợ là đàng khác. Hỏi
mẹ nghe đâu dạo này không thấy bà đi bán vé số nữa không biết còn sống không.
Ngôi nhà ở bờ sông, lấn chiếm lòng sông, bị giải tỏa, không rõ nhà ấy sống ở
đâu?
Có những con người ở quanh ta vậy đó, gần mà xa, xa mà gần.
Xa về lối sống, về số phận, nhưng gần nhau ở chỗ niềm tin trong lòng chúng ta.
Thấy thẹn và thầm trách cho tên con trai nọ, người phụ nữ nọ,
lúc nào cũng tỏ ra nghi ngờ người khác, chưa làm đã sợ hãi bảo chắc không làm
được, chưa thử đã vội kết luận sợ khắc khẩu không thuận, việc sẽ không thành,
chưa yêu đã sợ sau này bị vợ bắt nạt... Cái gì cũng sợ, chẳng dám một lần sống
hết mình vì người khác, cứ lo sợ người ta phụ mình. Không cho mà cứ trách hờn sao
mình không may mắn, sao người ta không tốt với mình. Hát đi hát lại, nhai đi
nhai lại những điệp khúc u oán ảo não che giấu cho sự hèn yếu của bản thân, rồi
quay ngoắt lại bảo tôi không muốn tốt như mọi người để chịu thiệt thòi, đó là
cách sống của tôi. Vậy không hiểu anh ta, chị ta lấy tư cách gì hờn trách cuộc
sống, hờn trách số phận, lỡ sinh ra cầm tinh con này con nọ?
Ai đó đã yêu một lần bị dang dở, trở nên mất niềm tin vào những
người khác. Cho rằng chẳng ai thật lòng, yêu thật lòng làm gì cho khổ? Mọi đứa
con gái đều hám của, hư danh, mọi tên đàn ông đều phụ bạc, đổi lòng. Niềm tin của
họ đã trao lầm cho người xấu, họ đang mất niềm tin. Sông có chỗ sâu, chỗ nông,
người ta có người tốt và kẻ xấu. Mất niềm tin là họ đang đánh mất ngọn lửa của
trái tim, giúp nó đốt cháy O2 nuôi sống cơ thể, họ đang chết... Hãy cứu lấy họ,
hãy nuôi dưỡng niềm tin và trao tặng nhau.
Hò lơ, ho lờ! Đời là dòng sông
Ta trôi như con đò
Chống chèo dọc ngang nương kiếp trôi
Qua bao khúc nhô
Đò dẫu nặng nề trôi mấy trôi
Cũng về một nơi
Đời dẫu nặng nề trôi mấy trôi
cũng về một nơi
Mỗi chúng ta rốt cuộc cũng chỉ có một cuộc đời một đời người,
để sống, để yêu... và một ngày nào đó "cũng về một nơi".
Sưu tầm